Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Giở chồng báo cũ (2)

Câu chuyện tác quyền (trích từ bán nguyệt san Văn #44 ra ngày 15-10-1965)

TRUNG TÂM VĂN BÚT VIỆT NAM
VIETNAM P.E.N CLUB
36/59 Cô Bắc
Saigon - Viet-Nam


Saigon, ngày 7 tháng 10 năm 1965
Kính gửi Ông Chủ Nhiệm Tạp chí Văn
38 đường Phạm Ngũ Lão, Saigon
Thưa Ông,
Tôi lấy làm ngạc nhiên thấy rằng trong bán nguyệt san Văn 2 số đặc biệt về Hà Nội và về Nguyễn Du đều có đăng thơ của tôi (bài Tâm Sự Phố Phường và bài Nguyện Cầu), mà Ông không hỏi ý kiến gì tôi trước.
Để độc giả Văn khỏi nghĩ lầm rằng chính tôi đã gửi đăng hoặc cho phép đăng 2 bài thơ ấy, yêu cầu ông đăng lá thơ này trên quý báo.
Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
(đóng dấu và ký tên)
Thưa ông Chủ tịch,
1- Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi nhận thấy nhãn hiệu và ấn tín của ông nơi một bức thư chỉ liên quan đến một vấn đề hoàn toàn riêng tư, là vấn đề sử dụng tác quyền của một tác giả đối với một tờ báo có đăng thơ của ông ta. Nhất là những bài thơ ấy đã được viết ra từ hơn 10... năm, đã được in thành sách từ 6 năm, còn ông mới được bầu làm chủ tịch Trung tâm Văn bút từ năm ngoái.
2- Tôi lấy làm ngạc nhiên hơn vì, theo tài liệu chính thức của nó, Tổ chức Văn bút có mục đích mở rộng những liên hệ giữa người làm, người hưởng thụ, và các cơ sở văn hóa. Như vậy mà chính ông chủ tịch của cơ quan này đã "lấy làm lạ" rằng một tờ báo chuyên về văn chương đã trích đăng vài bài thơ của một thi sĩ nổi tiếng. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ hoàn cảnh đặc biệt của nước Việt Nam chúng ta đã làm cho một số người thấy sự trích đăng - cho thêm nhiều người được đọc - là một việc không quan trọng bằng sự "gửi đăng hoặc cho phép đăng" những bài thơ ấy, về phần tác giả. Chúng tôi sẽ rất lấy làm ân hận nếu quả thật ông Chủ tịch của Trung tâm Văn bút có cái ý ngạo mạn như thế đối với bạn đọc của chúng tôi.
3- Chắc ông Chủ tịch muốn nói về pháp lý: chúng tôi xin nói về pháp lý. Trên đất nước này, chưa hề có điều luật nào nói về bản quyền tác giả. Các tòa án, cho đến nay, thường phải viện dẫn án lệ, xử theo luật pháp của người Pháp. Vậy, chiếu theo các đạo luật ấy, chúng tôi - một tờ báo có hạn kỳ - có toàn quyền trích đăng bất cứ một tác phẩm nào, của bất cứ một tác giả nào, đã xuất bản và đã được bán cho công chúng, với điều kiện phần trích đăng không được quá 1 phần 3 toàn bộ số trang của nó. Vào trường hợp sự trích đăng vượt quá 1 phần 3, tờ báo sẽ rơi vào vi phạm các điều luật bảo vệ tác quyền (copyright) của tác giả. Tôi thiết tưởng không cần nhắc ông Chủ tịch cũng biết rằng sự bảo vệ tác quyền chỉ có ý nghĩa hoàn toàn về dân-thương-sự mà thôi: ở bất cứ nước nào trên thế giới, không ai dám lấy sự "được trích dẫn", với đầy đủ ghi chú về tác phẩm, làm một điều sỉ nhục cho tác giả.
4- Rất có thể riêng ở Việt Nam đã có thời kỳ, cách đây mấy năm, chính quyền thường để cho một số hoạt đầu nhân danh sở nọ, bộ kia, đến ép buộc các nhà buôn phải đăng quảng cáo vào một tờ đặc san có tính chất suy tôn một lãnh tụ hay đề cao một ngày kỷ niệm nào đó. Tờ đặc san được trình bày với quá nửa số trang in quảng cáo. Tính chất thương mại của nó cộng thêm sự hiểu ngầm rằng có liên hệ với nó là có liên hệ tới chính quyền, làm cho công chúng khinh bỉ một tờ đặc san tương tự. Nói về tinh thần, tôi thông cảm với tác giả nào có bài bị trích đăng vào trường hợp này. Nhưng, ngược lại, tôi đã biết, và có thể dẫn chứng cho ông Chủ tịch nhớ lại, rằng đã có những nhà thơ nổi tiếng đã, hoặc "gửi đăng hay cho phép đăng", hoặc bị trích đăng thật sự, nhưng rồi cũng vui vẻ nhận số tiền nhuận bút mà người chủ trương đặc san đem đến cho.
Nhưng dù sao, tôi cũng vẫn công nhận quyền bất mãn, về tinh thần, của một tác giả bị trích đăng, hay, vì bất cứ một nhu cầu nào, tự ý cho đăng tác phẩm vào một tờ báo thiếu bảo đảm về nghề nghiệp và về thái độ của người chủ trương. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ đó không phải trường hợp tờ Văn. Sự giao thiệp bình thường và có thể nói là tốt đẹp của tòa soạn Văn cũng như của cá nhân tôi đối với nhà thơ Vũ Hoàng Chương, trong nhiều năm qua, hẳn đã đủ làm sáng tỏ cho điều đó.
5- Thưa ông Chủ tịch, tôi công nhận ông có quyền nhân danh Trung tâm của ông, và nếu ông đã được thi sĩ Vũ Hoàng Chương ủy quyền hợp lệ, can thiệp về phần vật chất (tiền bạc) của tác quyền những bài thơ đã được trích đăng. Tuy nhiên, tôi có đủ tài liệu trong tay để cả quyết rằng:
a) Giữa các tạp chí, đã có ước định bất thành văn về số tiền nhuận bút được dành cho những bài thơ chưa đăng báo lần nào, của một tác giả nổi tiếng.
b) Riêng đối với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tôi có đủ thiện chí và thừa bảo đảm rằng tôi sẽ trả ông tới mức nào mà ông vui lòng.
6- Điều sau cùng tôi cần phải xác định với ông Chủ tịch là tôi biết chắc không có lệ luật nào bắt buộc tôi phải đăng bức thư của ông, khi cách đây không bao lâu, tờ Văn có đăng, với sự thuận thụ toàn diện về phần tác giả, một số thi phẩm của ông Vũ Hoàng Chương. Từ bấy đến nay, đường lối của tờ báo này vẫn được giữ nguyên như cũ. Sự phản kháng của ông Chủ tịch, nhân danh chủ tịch chứ không nhân danh tác giả, làm cho tôi tự hỏi có phải đã có sự thay đổi, hay sự bắt buộc nào, đã đến với thi sĩ Vũ Hoàng Chương hay không. Nếu câu hỏi này được trả lời là "có" thì tôi xin vì toàn thể số độc giả đông đảo tha thiết với văn chương mà long trọng tỏ ý tiếc thương và phản đối một sự gây thiệt hại chung cho nền văn hóa dân tộc. Tôi tự ý cho đăng bức thư của ông là để trình bày sự kiện với độc giả, đồng bào, để công khai hóa sự tiếc thương và phản đối của chúng tôi.
Sự tiếc thương và phản đối đó xin được gửi tới ông Vũ Hoàng Chương chủ tịch, còn riêng đối với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, chúng tôi xin đoan chắc rằng, về phía chúng tôi, là giám đốc nhà xuất bản, là chủ nhà in, hay là chủ nhiệm báo Văn, lúc nào chúng tôi cũng mong muốn gìn giữ mối giao tình đã có từ nhiều năm tháng cũ.
Trân trọng kính chào ông,
NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét