Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (II)


Phần II. Nhân mùa tuyết tan
Từ bóng tối lạc loài
Vọng lời anh ấm áp
Nâng hồn em - khổ đau
Chất chồng muôn ngọn tháp
Xoắn xuýt ngón tay em buông lời nguyền rủa
Bao thói hư hèn đeo đẳng mãi bên em
Tâm hồn dường đã lãng quên
Nhạt nhòa kí ức từng đêm đọa đày
Kể anh nghe câu chuyện
Về quãng đời trước anh
Rồi bối rối, hãi hùng, xấu hổ
Vai run bần bật
Hai tay bưng mặt
Khóc òa...
v.v... v.v...
(Trích thơ N.A. Nekrasov)

Ghi chép dưới hầm (I-11)


XI
Thưa quý vị, rốt cuộc của mọi rốt cuộc, tốt nhất là không làm gì hết! Tốt hơn hết là tính ì có í thức. Vậy thì hoan hô cuộc đời dưới hầm! Mặc dù tôi có nói rằng tôi ghen tị với con người bình thường đến tận xương tủy, tuy nhiên trong những điều kiện mà tôi trông thấy hắn thì tôi lại chẳng muốn là hắn chút nào (mặc dù xét cho cùng vẫn không ngớt ghen tị với hắn. Không, không, trong mọi trường hợp dưới hầm vẫn có lợi hơn). Ít ra ở đó còn có thể... À, mà tôi lại nói dối nữa rồi. Nói dối bởi tôi biết rõ như "hai lần hai", rằng hoàn toàn không phải dưới hầm tốt hơn, mà là một cái gì khác, hoàn toàn khác hẳn mà tôi đang khao khát nhưng không thể tìm thấy. Quỷ tha ma bắt cái cuộc đời dưới hầm!
Giá như tôi tin được ít nhất vào một câu tôi viết đây thì sự tình đã tốt hơn biết bao nhiêu rồi! Thưa quý vị, tôi thề là tôi không tin nổi lấy một chữ nhỏ! Nghĩa là có thể tôi cũng tin, nhưng đồng thời chẳng biết sao tôi cảm thấy, tôi nghi ngờ là mình nói dối như cuội.
- Nếu thế anh lại viết những thứ này ra để làm gì? - quý vị sẽ thắc mắc.
- Quý vị tính sao nếu như tôi nhốt quý vị dưới hầm suốt bốn mươi năm chẳng cho làm gì hết, rồi bốn mươi năm sau tôi sẽ tới thăm quý vị để xem quý vị đã trở thành cái giống gì rồi? Lẽ nào có thể để một người sống cô độc mà chẳng cho làm gì suốt bốn mưới năm trời?
- Không thấy xấu hổ, không thấy hèn hạ à! - có lẽ quý vị sẽ lắc đầu khinh bỉ mà bảo tôi như vậy - Anh thèm khát sống mà lại tự giải quyết những vấn đề cuộc sống bằng những ngộ nhận logic ư. Mấy trò mèo của anh mới nhiễu sự làm sao, xấc xược làm sao, còn chính anh thì hèn làm vậy! Anh nói toàn chuyện tào lao mà lại còn dương dương tự đắc; anh nói toàn điều xấc xược mà liên tục sợ sệt rồi lại xin thứ lỗi. Anh cam đoan là anh chẳng e ngại quái gì mà lại cứ muốn chúng tôi cho í kiến. Anh tin chắc là anh nghiến răng nghiến lợi mà đồng thời lại pha trò để chọc cười chúng tôi. Anh biết rằng những câu pha trò của anh nhạt như nước ốc mà cũng lấy làm đắc chí với cái chất văn chương của chúng. Có thể, thực sự anh đã từng đau khổ, nhưng anh có chút tôn trọng gì với nỗi đau ấy. Trong con người anh có chút thật lòng nhưng con người anh lại chẳng có chút liêm sỉ; chỉ do thói hám danh nho nhỏ anh đem phơi cái sự thật đó ra trước thiên hạ để bêu riếu như ở ngoài chợ.... Anh thực tâm muốn nói đôi điều, nhưng do sợ hãi lại che giấu lời cuối cùng, bởi anh chẳng có lấy một chút cả quyết để nói ra mà chỉ bày trò hỗn láo một cách hèn nhát. Anh khoe khoang cái í thức của mình, nhưng lại do dự, bởi mặc dù đầu óc anh làm việc, nhưng con tim anh lại u mê sa đọa, mà hễ trái tim không trong sạch thì í thức chẳng thể nào đầy đủ, đúng đắn được. Và cái tính nhiễu sự trong anh nhiều chừng nào, thì anh lại càng kì kèo, lại uốn éo chừng nấy! Dối trá, dối trá, toàn dối trá!
Tất nhiên, những lời của quý vị là do chính tôi soạn. Cái đó cũng từ dưới hầm mà ra. Ở đó suốt bốn mươi năm trời tôi áp tai nghe từng lời một của quý vị qua khe vách hở. Chính tôi đã bịa ra, bởi chỉ bịa được đến thế thôi. Chẳng có gì là thông thái mà không học thuộc lòng đượcvà khoác cho nó một tấm áo văn chương...
Nhưng chẳng lẽ, chẳng lẽ thực tế quý vị lại nhẹ dạ đến mức tưởng rằng tôi sẽ cho in ra rồi đưa cho quý vị đọc sao? Còn vấn đề này nữa: tại sao tôi lại gọi quý vị bằng "quý vị", rồi tôi xưng hô với quý vị như thể với độc giả của mình vậy để làm gì? Không ai đem in và cho người khác đọc những lời thú nhận như tôi có í định trình bày ở đây. Ít ra, tôi cũng không đủ cứng rắn để làm vậy mà cũng chẳng cần cứng rắn để làm gì. Nhưng quý vị có thấy không: trong đầu tôi bỗng nảy ra ảo tưởng và bằng mọi giá phải thực hiện nó. Cơ sự là như thế.
Trong kí ức của mỗi người đều có những điều mà hắn không thổ lộ với tất cả mọi người mà chỉ chia sẻ với bạn bè. Có những điều mà kể cả với bạn bè cũng không thổ lộ, chỉ lẩm bẩm một mình, chôn kín trong lòng như một bí mật. Tuy nhiên, cũng có những điều mà con người còn không dám thổ lộ với cả chính bản thân, và những điều như thế bất cứ một con người đứng đắn nào cũng tích lũy được kha khá. Nghĩa là thậm chí thế này: càng đứng đắn bao nhiêu lại càng có nhiều điều như thế bấy nhiêu. Ít ra cũng mới đây thôi, tôi quyết định hồi tưởng lại mấy chuyện phiêu lưu cũ, trước nay tôi luôn cố tránh nó, thậm chí còn đôi chút lo âu. Giờ đây, không những tôi đã nhớ lại, mà tôi còn quyết định chép nó ra, tôi muốn thử xem: ít nhất có thể hoàn toàn cởi mở với bản thân hay không và có dám đối diện với toàn bộ sự thật hay không? Nhân tiện tôi xin ghi chú: Heine quả quyết rằng tiểu sử tự thuật đáng tin cậy hầu như chẳng bao giờ có, và con người thường dối trá khi nói về bản thân. Theo ông thì Rousseau chẳng hạn, ắt hẳn đã nói dối về bản thân trong "Lời thú tội", và chủ tâm lừa dối do thói hám danh. Tôi tin là Heine nói đúng; tôi hiểu rất rõ đôi khi chỉ vì mỗi một thói hám danh mà ta có thể đóng đinh vào người bao điều tội lỗi, và tôi cũng nhận thức rõ cái thói hám danh đó là cái giống gì. Nhưng Heine phán xét con người thú tội trước công chúng. Còn tôi, tôi chỉ viết cho một mình tôi và xin tuyên bố, lần đầu cũng là lần cuối, rằng nếu những gì tôi viết có vẻ như hướng tới độc giả, thì chẳng qua chỉ là một cách diễn đạt cho dễ viết. Ở đây chỉ là hình thức, hình thức suông, tôi sẽ chẳng bao giờ có độc giả nào hết. Tôi đã tuyên bố rồi...
Tôi chẳng muốn bị gò bó bởi bất cứ điều gì trong việc biên tập những ghi chép của tôi. Tôi chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào. Tôi chỉ viết những gì tôi nhớ lại.
Lúc này chẳng hạn, quý vị có thể bắt bẻ tôi và hỏi: nếu thực sự anh không màng đến độc giả, thì giờ đây anh lại thỏa hiệp với chính anh để làm gì, mà lại còn viết ra giấy nữa, nghĩa là anh chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào, nghĩa là anh viết những gì anh nhớ lại thôi v.v... và v.v...? Vậy anh biện bạch để làm gì? Vì sao phải xin lỗi?
- À đúng thế đó, - tôi bèn trả lời
Tuy vậy, ở đây là một ca tâm lí, thưa quý vị. Có thể, đơn giản tôi chỉ là một thằng hèn. Mà cũng có thể, tôi cố tình tưởng tượng ra đông đảo công chúng trước mặt mình để gọi là giữ thể diện, trong khi viết ra giấy. Nghĩa là, có cả ngàn lẻ một lí do.
Nhưng còn điều này nữa: cớ sao tôi lại muốn viết ra? Nếu không vì công chúng, thì cứ việc ngồi đó mà hồi tưởng, viết ra giấy làm gì.
Thế đấy; nhưng viết ra giấy thì nghe chừng trang trọng hơn nhiều. Có gì đó gợi cảm hứng hơn, sẽ phán xét bản thân được nhiều hơn, lối hành văn nhờ thế khá hơn. Ngoài ra: có thể nhờ viết ra tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Như hôm nay chẳng hạn, một kí ức xa xưa bỗng đè nặng tim tôi. Nó tái hiện trong tôi rất rõ ràng từ mấy bữa nay và từ bấy đến giờ không ngớt theo đuổi tôi, cứ i như những í nhạc gây bực mình không chịu lìa xa. Trong khi tôi lại thấy cần xua nó đi. Tôi có hàng trăm kí ức như thế; nhưng dần dần một trong hàng trăm kí ức bỗng trỗi dậy và đè nặng tim tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại tin rằng nếu tôi viết ra, nó sẽ biến đi. Vậy thì sao lại không thử nhỉ?
Sau rốt: vì tôi buồn chán, suốt ngày tôi chẳng làm gì. Viết lách tựa như là một công việc rồi. Người ta nói công việc khiến con người trở nên lương thiện và đứng đắn. Ít ra đây cũng là một cơ hội cho tôi.
Hôm nay tuyết rơi, hầu như đang tan, những bông tuyết vàng, mịt mù. Hôm qua tuyết cũng rơi, mấy hôm trước cũng thế. Tôi cảm thấy do tuyết tan khiến tôi nhớ lại câu chuyện vui, mà giờ đây kí ức về nó chẳng chịu rời tôi nữa. Như vậy, hãy để câu chuyện tôi sắp kể được mang tên - Nhân mùa tuyết tan.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-10)


X
Quý vị tin vào tòa lâu đài bằng pha lê bền vững muôn đời, nghĩa là tin vào một thứ mà không được lén thè lưỡi ra chế nhạo hoặc chĩa nắm tay về phía nó một cách tục tĩu, cho dù có giấu tay trong túi quần. Có lẽ vì thế mà tôi rất e ngại tòa lâu đài đó, chính vì nó bằng pha lê và vì nó bền vững muôn đời và không được lén thè lưỡi ra chế nhạo.
Quý vị thấy chứ: nếu như thay vì tòa lâu đài mà chỉ là một cái chuồng gà, thì có lẽ tôi sẽ chui vào chuồng gà để trú mưa, và mặc dù rất biết ơn vì nó đã che mưa cho tôi, xét cho cùng tôi nhất định không gọi cái chuồng gà là lâu đài được. Quý vị bật cười, thậm chí quý vị còn bảo là trong trường hợp đó thì chuồng gà và lâu đài phỏng có gì khác nhau. Vâng, - tôi xin thưa, - nếu như chỉ cần chỗ trú tạm để khỏi bị ướt.
Nhưng phải làm gì nếu trong đầu tôi nảy ra í nghĩ rằng người ta sống không phải đơn thuần chỉ để sống, mà phải sống trong tòa lâu đài cơ. Đó là dục vọng của tôi, ước muốn của tôi. Quý vị có thể tẩy sạch được dục vọng của tôi chừng nào đã thay đổi được những ham muốn của tôi. Vậy thì thay đổi đi, nhử tôi bằng thứ khác đi, ban cho tôi lí tưởng khác đi. Nhưng trong khi chờ đợi tôi sẽ không gọi cái chuồng gà là một tòa lâu đài. Kể cả tòa lâu đài pha lê chỉ được xây trên cát, nó không phù hợp với quy luật tự nhiên, và tôi đã bịa đặt ra nó chỉ do sự ngu xuẩn của tôi, do một số những tập quán hủ lậu, vô lí của thế hệ chúng ta. Nhưng việc quái gì đến tôi nếu như nó không phù hợp. Mặc tình sao cũng được, nếu như nó tồn tại trong ước muốn của tôi, hay nói đúng hơn, nó còn tồn tại chừng nào những ước muốn của tôi còn tồn tại? Có thể quý vị lại bật cười? Quý vị cứ việc cười; tôi chấp nhận mọi sự chế nhạo, nhưng rốt cuộc tôi sẽ không nói là tôi no trong khi tôi vẫn còn muốn ăn; xét cho cùng tôi vẫn biết rằng tôi sẽ không iên tâm với sự thỏa hiệp, với một con số không quay vòng vô tận, chỉ bởi vì nó tồn tại theo quy luật tự nhiên và nó thực sự tồn tại. Tôi sẽ không chấp nhận đánh đổi ước muốn của tôi lấy vòng nguyệt quế - ngôi nhà trọ chết tiệt với những căn hộ dành cho người nghèo theo hợp đồng có thời hạn một ngàn năm, và để phòng xa có treo một tấm bảng hiệu của nha sĩ Wagenheim. Hủy diệt mọi ham muốn của tôi đi, lật đổ lí tưởng tôi đi, hãy chỉ cho tôi điều gì tốt hơn nào, tôi sẽ đi theo quý vị. Có lẽ quý vị sẽ bảo chẳng hơi đâu mà dây vào tôi; nhưng trong trường hợp đó tôi cũng có thể trả lời quý vị bằng giọng điệu i hệt. Chúng ta đang thảo luận nghiêm túc; còn như quý vị chẳng thèm lí gì đến tôi thì tùy, tôi cũng cóc cần. Tôi có hầm trú ẩn rồi.
Nhưng chừng nào tôi còn sống và còn ham muốn, thì thà cứ để cho tay tôi khô héo dần mòn chứ nhất quyết tôi không khuân dù chỉ một viên gạch nhỏ tới ngôi nhà trọ thổ tả đó! Đừng nhìn vào sự việc là mới đây tôi đã chối bỏ tòa lâu đài pha lê ấy chỉ vì lí do duy nhất là không được thè lưỡi ra chế nhạo nó. Tôi nói thế hoàn toàn chẳng phải là vì tôi khoái thè lưỡi chế nhạo. Có thể tôi chỉ bực là vì trong tất cả những tòa kiến trúc của quý vị chưa tìm được một cái nào mà có thể thè lưỡi ra chế nhạo được. Trái lại, để tỏ lòng biết ơn, tôi bằng lòng cho cắt lưỡi tôi đi nếu như có cách nào khiến tôi không bao giờ muốn thè nó ra. Nếu không có cách nào thì chả việc gì đến tôi và cần phải tạm hài lòng với những căn hộ rẻ tiền. Vì lẽ gì tôi lại có những mong muốn như thế? Chẳng lẽ tôi được tạo ra như vậy chỉ là để đi tới một kết luận rằng sự tạo thành đó chỉ là một trò đùa vô duyên? Chẳng lẽ toàn bộ mục đích chính là ở đó? Tôi không tin thế.
Tuy vậy, quý vị biết gì không: tôi cam đoan người anh em dưới hầm của chúng ta cần phải được thắng dây cương. Dù rằng hắn có khả năng ngồi lặng im dưới hầm suốt bốn mươi năm, nhưng hễ cứ thò mặt ra ánh sáng là i như rằng hắn lại mở máy lải nhải, lải nhải nữa, lải nhải mãi...

Ghi chép dưới hầm (I-9)


IX
Thưa quý vị, tất nhiên là tôi pha trò, và tôi tự biết những câu đùa của mình nhạt như nước ốc, tuy nhiên không được coi toàn bộ là chuyện đùa đâu. Có thể tôi vừa pha trò vừa nghiến răng cũng nên. Thưa quý vị, nhiều vấn đề đang hành hạ tôi; xin giúp tôi giải quyết chúng với. Nào, chẳng hạn quý vị muốn bắt con người từ bỏ những thói quen cũ và uốn nắn í chí của hắn cho phù hợp với đòi hỏi của khoa học và tư duy lành mạnh. Nhưng làm sao quý vị biết được rằng con người không những có thể sửa đổi mà còn cần thiết phải sửa đổi? dựa vào đâu mà quý vị kết luận rằng dục vọng con người tất phải được uốn nắn? Tóm lại, vì sao quý vị biết là việc uốn nắn đó thực sự đem lại lợi ích cho con người? Và nếu như nói đến cùng: vì sao quý vị lại chắc chắn rằng điều này không đi ngược lại lợi ích bình thường và thực thụ, được đảm bảo bằng những kết luận của lí trí và số học, thực sự có lợi cho con người và là quy luật tất iếu cho toàn nhân loại? Cho đến nay đó chỉ là giả thiết của quý vị. Cứ giả sử như đó là quy luật logic đi, nhưng có thể đó hoàn toàn không phải là quy luật của nhân loại. Có lẽ quý vị tưởng tôi điên? Xin mạn phép được phân giải đôi lời. Tôi đồng í: con người là một động vật đa phần có xu hướng sáng tạo, bất đắc dĩ phải nhắm tới mục đích một cách có í thức và thực hiện nghệ thuật công trình, nghĩa là vĩnh viễn và không ngừng vạch ra cho mình một con đường bằng mọi giá dù đến đâu thì đến. Nhưng có lẽ chính vì thế nên đôi khi hắn lại muốn vòng vo rẽ loanh quanh, vì hắn bị buộc phải lao vào con đường đó, còn nữa: bởi vì nói chung con người chất phác, con người hành động dù có ngu si đến mấy, xét cho cùng đôi khi hắn cũng có suy nghĩ là hóa ra con đường đó hầu như dứt khoát phải dẫn tới một nơi nào đó và điều chủ iếu không phải là nó dẫn đến đâu, mà là ở chỗ nó cứ dẫn đi khơi khơi, để đứa trẻ ngoan ngoãn vốn coi thường nghệ thuật công trình đừng có dở cái thói ăn không ngồi rồi chết người, mà ai cũng biết là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu. Con người iêu thích sáng tạo và mở ra những con đường, điều này miễn bàn. Nhưng vì cớ gì hắn cũng say mê phá hoại và gây rối? Quý vị bảo sao nào! Riêng tôi muốn có đôi lời. Có thể hắn iêu thích phá hoại và gây rối đến thế (điều này miễn tranh luận, đôi khi hắn còn iêu thích quá mức) phải chăng là vì theo bản năng hắn sợ đạt tới đích và hoàn thành cái công cuộc xây dựng của hắn? Làm sao quý vị biết, có thể hắn chỉ iêu thích cái công trình đó ở đằng xa, chứ không phải lúc đến gần; có thể hắn chỉ iêu thích xây dựng nó chứ không phải để sống trong đó, rồi về sau hắn sẽ sẵn sàng đem nó cho les animaux domestiques (gia súc), như loài kiến, loài cừu, vân vân và vân vân... Song loài kiến lại có thị hiếu khác hẳn. Chúng có một công trình tuyệt tác cũng đại loại thế nhưng bền vững muôn đời - đó là tổ kiến.
Tổ kiến là nơi bắt đầu, có lẽ cũng là nơi chấm dứt của loài kiến đáng kính, đem lại vinh dự lớn cho đức tính kiên định và thiết thực của chúng. Nhưng con người là một tạo vật nhẹ dạ và xấu xa, và có thể, giống như một người chơi cờ, hắn chỉ ưa cái quá trình để đạt được mục tiêu chứ không phải chính mục tiêu. Và ai biết được (không thể đảm bảo) có thể toàn bộ mục tiêu trên thế gian mà nhân loại hướng tới chỉ gói gọn trong tính liên tục của quá trình để đạt được; nói cách khác, gói gọn trong chính cuộc sống chứ không phải trong mục đích của cuộc sống, cố nhiên không phải gì khác là cái "hai lần hai là bốn", nghĩa là một công thức, mà "hai lần hai là bốn" không phải là cuộc sống, thưa quý vị, mà là khởi nguồn của cái chết. Ít ra thì con người cũng luôn sợ hãi cái "hai lần hai là bốn", tôi đây cũng rất sợ. Giả dụ con người chỉ làm cái việc đi tìm cái "hai lần hai là bốn" đó, hắn vượt đại dương, hi sinh cả cuộc đời để theo đuổi nó, nhưng để tìm kiếm, thực sự tìm thấy nó, trời ạ, thì hắn lại sợ. Bởi hắn cảm thấy rằng một khi đã tìm thấy rồi thì chẳng còn gì để mà tìm kiếm nữa. Khi làm xong việc, ít ra các thợ thuyền lãnh lương, vào quán uống rượu, và sau đó vào đồn cảnh sát, thế là có việc cho cả tuần rồi. Còn con người thì đi đâu? Ít nhất mỗi lần đạt được những mục đích tương tự thì i như rằng lại nhận thấy hắn có gì đó không ổn. Hắn iêu thích đạt được mục đích, nhưng khi đạt được rồi thì lại không hoàn toàn mãn nguyện và điều đó tất nhiên là khôi hài kinh khủng. Tóm lại, con người là một tạo vật khôi hài hết sức; trong toàn bộ chuyện này rõ ràng là một trò đố chữ. Nhưng cái "hai lần hai là bốn" xét cho cùng vẫn là một thứ không thể chịu nổi. "Hai lần hai là bốn" theo tôi chỉ là một điều xấc xược. "Hai lần hai là bốn" nhìn chòng chọc vào ta với vẻ hỗn láo, đứng chắn ngang đường, hai tay chống nạnh và khạc nhổ. Tôi đồng í "hai lần hai là bốn" là một thứ rất hay; nhưng nếu cần tán dương hết thảy mọi thứ thì "hai lần hai là năm" đôi khi còn dễ thương hơn nhiều.
Và vì sao quý vị lại cứ nằng nặc, cứ long trọng mà tin chắc rằng chỉ có cái bình thường và tích cực, tóm lại cái hạnh phúc là có lợi cho con người mà thôi? Liệu lí trí có nhầm lẫn gì trong lợi ích? Có thể con người không chỉ iêu thích mỗi cái hạnh phúc? Có thể hắn cũng thích đau khổ không kém? Có thể đau khổ đối với hắn cũng có lợi như hạnh phúc? Con người đôi khi lại iêu thích đau khổ khủng khiếp đến độ say mê, đó là sự thật. Ở đây chẳng cần phải tra trong thế giới sử làm gì; quý vị cứ tự hỏi chính mình thì biết, nếu quý vị là con người và ít nhiều đã sống một chút. Còn í kiến riêng của tôi ư, xin thưa: chỉ iêu thích mỗi cái hạnh phúc thôi là rất khiếm nhã. Tốt ư, xấu ư, nhưng đôi khi cũng thật là dễ chịu nếu đập phá thứ gì. Ở đây cá nhân tôi không đứng về phía ủng hộ đau khổ, và cũng không về phía hạnh phúc. Tôi đứng về phía... về phía cái tính khí thất thường của tôi, để nó đảm bảo cho tôi khi cần thiết. Chẳng hạn đau khổ thì chẳng ai đưa vào hài kịch cả, tôi biết chứ. Trong cung điện pha lê nó cũng thật vô nghĩa: đau khổ là hoài nghi, là tiêu cực, thế thì còn gì là cung điện pha lê nữa nếu còn có chỗ cho hoài nghi trong đó? Nhưng tôi dám chắc rằng con người chẳng đời nào lại từ chối sự đau khổ thực sự, nghĩa là từ chối phá hoại và gây rối. Đau khổ là nguyên nhân duy nhất của í thức! Lúc đầu tôi có trình bày rằng theo tôi thì í thức là một trong những bất hạnh lớn nhất của con người; nhưng tôi biết con người lại iêu quý nó và sẽ không khi nào đánh đổi nó lấy bất cứ sự thỏa mãn nào. Í thức, chẳng hạn, còn cao hơn vô cùng tận cái "hai lần hai". Sau cái "hai lần hai" thì cố nhiên không những chẳng còn gì để làm mà thậm chí chẳng còn gì để biết nữa. Khi đó tất cả chỉ còn mỗi một việc là đút nút hết thảy năm giác quan lại và đắm chìm vào suy tưởng. Với í thức thì mặc dù cũng sẽ tới một kết quả tương tự, nghĩa là cũng chẳng có gì để mà làm, nhưng ít ra thi thoảng cũng còn tự quất vào người được mấy roi, chí ít cũng còn ngọ nguậy đôi chút. Dù có thoái hóa thật, song vẫn còn tốt bằng vạn lần chẳng có gì.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-8)


VIII
- Ha-ha-ha! mà thực chất giả như anh muốn cũng làm quái gì có dục vọng chứ! - quý vị cười hô hố mà ngắt lời tôi. - Khoa học ngày nay đã quá thành công trong việc giải phẫu con người đến mức ta biết rằng dục vọng và cái gọi là í chí tự do đó chẳng phải gì khác, mà là...
- Quý vị khoan vội cười, tôi đây cũng sắp nói tới điều đó. Thú thực là tôi cũng hơi sờ sợ. Tôi vừa muốn hét lên là họa có quỷ mới biết được dục vọng phụ thuộc vào cái gì, và có lẽ lạy Chúa thế lại càng hay, tôi sực nhớ tới khoa học và... hơi chột dạ. Vừa đúng lúc quý vị ngắt lời tôi. Thực thế, hừm, giả dụ một ngày nào đó người ta thực sự khám phá ra cái công thức cho toàn bộ dục vọng và tính khí bất thường của chúng ta, nghĩa là chúng phụ thuộc vào điều gì, diễn tiến theo quy luật nào, phổ biến ra sao, hướng tới đâu, trong trường hợp này trường hợp khác, v.v... và v.v... nghĩa là một công thức toán học thực sự, - thì lúc đó con người có lẽ lập tức thôi ham muốn ngay, có lẽ không phải "có lẽ" mà chắc chắn thế. Dục vọng mà theo bảng biểu thì còn thú vị ở chỗ quái nào? Hơn nữa: vậy thì con người lập tức trở thành cái bàn đạp đại phong cầm hay một thứ gì đại loại thế; bởi lẽ một con người không ước muốn, không í chí, không dục vọng thì còn là gì chứ, nếu không phải là cái bàn đạp đại phong cầm? Quý vị nghĩ sao? Ta thử tính xác suất xem - liệu điều đó có thể xảy ra hay không?
- Hmm... - quý vị cả quyết - dục vọng của ta đa phần là sai lầm do quan điểm sai lầm về tư lợi. Bởi đôi khi ta ham muốn những cái cực kì vớ vẩn, bởi ta ngu dại tưởng rằng trong cái vớ vẩn đó là con đường dễ dàng nhất dẫn tới việc đạt được cái tư lợi đã nhắm đến từ trước. Nhưng một khi mọi thứ được giảng giải, được tính toán trên giấy trắng mực đen (một điều rất có thể, bởi vì thật bỉ ổi và ngu xuẩn mới tin rằng có một vài quy luật tự nhiên mà con người không hiểu nổi), thì cố nhiên khi đó sẽ chẳng còn gì gọi là ham muốn nữa. Nếu một khi dục vọng hoàn toàn xung đột với lí trí, thì khi đó ta sẽ chỉ lí luận thôi chứ không còn ham muốn, bởi lẽ một khi duy trì lí trí chẳng hạn thì không thể nào ham muốn những thứ vô lí và như vậy là cố tình đi ngược lại lí trí và mong muốn điều có hại cho bản thân... Và bởi lẽ mọi dục vọng và lí luận đều có thể thực sự tính toán được, vì một lúc nào đó người ta sẽ khám phá ra những quy luật của cái gọi là í chí tự do của ta, thành thử, không đùa chút nào đâu, có thể thiết lập được một loại bảng số, và rồi dục vọng của ta sẽ thực sự theo bảng số đó. Chẳng hạn, giả sử một ngày kia có người tính toán và chứng minh cho tôi rằng khi tôi cong ngón tay một cách tục tĩu và dí vào mặt ai là bởi tôi đã không thể không dí tay, cũng như buộc phải cong ngón tay như thế mà giơ ra, cho nên khi đó tôi còn gì là tự do không, nhất là nếu tôi lại có học vị và đã hoàn thành một khóa đào tạo về khoa học nữa? Lúc đó tôi có thể tính trước cuộc đời của tôi trong ba mươi năm tới; tóm lại, nếu quả là như vậy, thì ta chẳng còn gì để làm ngoài mặc tình chấp nhận. Và nói chung ta phải không mệt mỏi tự nhủ rằng dứt khoát vào thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó, tạo hóa chẳng cần hỏi han gì ta; rằng ta nên chấp nhận nó như bản chất nó vốn thế, chứ không phải như ta tưởng tượng, và nếu như quả thực ta hướng đến bảng số và lịch biểu hay... hay thậm chí một cái bình thí nghiệm cổ cong, thì còn biết làm gì ngoài việc phải chấp nhận, kể cả cái bình cổ cong ấy! bởi không thế thì tự nó cũng được chấp nhận chả cần quý vị phải cho phép...
- Vâng, nhưng đến đây tôi phải ngắt lời một lúc! Mong quý vị thứ lỗi cho cái tật triết lí loằng ngoằng của tôi; hậu quả bốn mươi năm sống dưới hầm! cho phép tôi hoang tưởng một lúc. Quý vị thấy đấy: lí trí là một thứ rất hay, miễn tranh cãi, nhưng lí trí đơn thuần là lí trí và chỉ thỏa mãn cái khả năng lí luận của con người mà thôi, trong khi dục vọng mới là thứ thể hiện toàn bộ cuộc đời, nghĩa là toàn bộ cuộc sống con người, cả lí trí lẫn những thúc giục của bản năng. Và mặc dù cuộc đời chúng ta trong cách biểu hiện ấy nhiều khi chỉ là đồ bỏ đi, nhưng xét cho cùng nó vẫn là đời sống chứ không phải là sự khai triển căn bậc hai. Như tôi đây chẳng hạn, tôi muốn sống hoàn toàn tự nhiên để thỏa mãn toàn bộ cái bản năng sống của tôi chứ không phải để thỏa mãn mỗi cái bản năng lí luận, nghĩa là chỉ một phần hai mươi bản năng sống của tôi. Lí trí thì biết gì? Lí trí chỉ biết những thứ nó kịp biết (có thể nó chẳng bao giờ biết gì khác; mặc dù đó không phải là niềm an ủi, nhưng vì lẽ gì không nói toẹt ra luôn?) trong khi bản chất con người thể hiện trọn vẹn, toàn bộ những gì nó có, vô tình hay cố í, mặc dù nó sai, nhưng nó sống. Thưa quý vị, tôi ngờ rằng quý vị đang nhìn tôi với vẻ thương hại; quý vị sẽ nhắc lại là một con người phát triển được soi sáng, tóm lại là con người của tương lai, sẽ không thể nào cố í muốn cái gì bất lợi cho hắn, điều này hiển nhiên như toán học. Tôi hoàn toàn đồng í, đúng là toán học. Nhưng tôi xin nhắc lại lần thứ một trăm: có một trường hợp, chỉ duy nhất một trường hợp, con người có thể cố í, chủ tâm muốn cái có hại cho hắn, một cái ngu xuẩn, thậm chí cực kì ngu xuẩn - cốt chỉ để được quyền mong muốn cho bản thân thậm chí điều ngu xuẩn nhất và để thoát khỏi nghĩa vụ ràng buộc phải mong muốn cho mình duy nhất điều thông minh mà thôi. Bởi cái cực kì ngu xuẩn đó, cái tính khí thất thường đó, thưa quý vị, có khi trong thực tế lại là cái có lợi hơn hết thảy mọi thứ trên thế gian đối với người anh em chúng ta, nhất là trong một vài trường hợp. Đặc biệt, có thể còn có lợi hơn tất cả mọi lợi ích khác kể cả trong trường hợp, nó rõ ràng có hại cho ta và mâu thuẫn với những kết luận lành mạnh nhất của lí trí chúng ta về lợi ích, bởi vì trong mọi trường hợp nó bảo vệ cho ta cái chủ iếu nhất và quý giá nhất, nghĩa là nhân cách và cá tính của chúng ta. Một vài người quả quyết rằng thực tế điều đó là đáng quý nhất đối với con người; cố nhiên, dục vọng khi nó muốn, có thể hòa hợp với lí trí, nhất là nếu đừng lạm dụng điều này và sử dụng có chừng mực; điều này rất có ích và đôi khi còn đáng hoan nghênh. Nhưng rất thường xuyên, thậm chí phần lớn các trường hợp, dục vọng hoàn toàn ngoan cố mâu thuẫn với lí trí, rồi... rồi thì... quý vị có biết là điều này rất có ích và đôi khi còn đáng hoan nghênh hay không? Thưa quý vị, cứ giả sử là con người không ngu đi. (Thực tế, không được nói thế về hắn, bởi một lẽ nếu như hắn ngu thì ai khôn bây giờ?) Nhưng nếu hắn không ngu thì xét cho cùng hắn vô ơn một cách quái đản! Vô ơn lạ lùng. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng đó là định nghĩa hay nhất về con người: một tạo vật hai chân và vô ơn. Nhưng chưa hết; đó còn chưa phải là khuyết điểm chính của hắn; khuyết điểm chính của hắn - là thói vô đạo đức truyền kiếp của hắn, từ thời Đại Hồng Thủy cho tới thời Scheswig-Holstein trong kiếp nhân sinh. Vô đạo đức, do đó thiếu khôn ngoan; vì lẽ từ xưa vẫn biết: thiếu khôn ngoan chẳng phải gì khác là do vô đạo đức mà ra. Quý vị cứ thử ngó vào lịch sử nhân loại mà xem; quý vị thấy gì nào? Vĩ đại? Có thể là vĩ đại; gì chứ nội pho tượng khổng lồ ở Rhodes[1] chẳng hạn cũng đủ chứng tỏ rồi. Đâu phải vô cớ mà ngài Anaevsky chứng minh rằng theo một số người thì pho tượng đó là sản phẩm của bàn tay con người; theo một số người khác thì đó lại là công trình của tạo hóa. Đa dạng không? Có thể, ít nhất có đa dạng; chỉ cần lí giải trong mọi thế kỉ ở tất cả dân tộc những bộ lễ phục, cả quân sự lẫn dân sự, thì đủ biết, và nếu thêm vào những bộ thường phục nữa thì chẳng còn biết đường nào mà mò, không một sử gia nào có thể làm xuể. Đơn điệu chăng? Có thể cũng đơn điệu: toàn đánh nhau với đánh nhau, ngày nay đánh nhau, trước kia đánh nhau, rồi sau đó vẫn đánh nhau, quý vị đồng í không, quá đơn điệu đi chứ lại. Tóm lại, có thể nói toàn bộ về lịch sử thế giới, nghĩa là tất cả những tưởng tượng bệnh hoạn nhất có thể nảy sinh trong đầu. Duy nhất một điều ta không được nói là: khôn ngoan. Vừa cất tiếng là từ đầu tiên tắc ngay trong cổ họng. Thậm chí ở đây thường xảy ra câu chuyện: trên đời luôn có những người đạo đức và khôn ngoan, những bậc thông thái và những vị nhân ái, chính những kẻ đặt mục tiêu cho bản thân là suốt đời phải sống thật đạo đức hơn và khôn ngoan hơn, có thể nói để làm gương cho những người xung quanh, nhất là để chứng minh cho họ biết rằng trên thế gian này thực sự có thể sống một cách vừa đạo đức vừa khôn ngoan. Rồi sao nữa? Rồi sẽ biết rằng rất nhiều trong số những vị ái hữu này, chẳng chóng thì chày, cuối đời cũng phản bội lại bản thân, thực hiện những chuyện thật nực cười, thậm chí đôi khi còn làm những chuyện vô luân thường nhất. Bây giờ tôi xin hỏi quý vị: có thể mong chờ gì ở con người như một tạo vật được thiên phú những phẩm chất lạ lùng như vậy? Quý vị cứ tưới tràn trề lên hắn toàn bộ của cải trên thế gian, hãy dìm hắn ngập đầu trong bể hạnh phúc để chỉ còn những bọt tăm hạnh phúc sủi lên trên mặt nước; hãy thỏa mãn nhu cầu kinh tế của hắn đến mức hắn chẳng còn việc gì để làm ngoại trừ ngủ nghê, ăn bánh quế và loay hoay lo việc kéo dài lịch sử thế giới - ấy thế mà chỉ vì sự vô ơn đơn thuần, chỉ vì không hài lòng, con người sẽ dở trò đê tiện với quý vị. Hắn thậm chí sẵn sàng hi sinh miếng bánh của mình và cố tình mong muốn những thứ vớ vẩn chết người nhất, những điều nhảm nhí phi kinh tế nhất, cốt chỉ để trộn vào toàn bộ cái khôn ngoan đầy ưu điểm ấy một iếu tố ảo tưởng chết người. Chính những ảo mộng, chính cái ngu xuẩn đê tiện nhất là cái hắn muốn giữ lại cho mình, cốt chỉ để khẳng định (cứ làm như cần thiết lắm vậy) rằng con người dù sao vẫn là con người chứ không phải những phím dương cầm mà quy luật tự nhiên muốn dạo tay chơi ra sao tùy thích, lại còn hăm dọa chơi cho đến mức sẽ không có dục vọng nào được nằm ngoài lịch biểu. Chưa hết: thậm chí trong trường hợp con người có thực sự hóa thành một phím dương cầm đi chăng nữa, cho dù khoa học tự nhiên chứng minh bằng toán học cho hắn thấy đi chăng nữa, hắn cũng chẳng chịu tỉnh ngộ, mà vẫn cố tình làm điều ngược lại, duy chỉ vì vô ơn; cốt chỉ để giữ vững lập trường. Còn trong trường hợp không tìm được phương tiện, hắn sẽ nghĩ ra chuyện phá hoại và gây rối, sẽ nghĩ ra các loại khổ đau để giữ vững lập trường! Sẽ ném lời nguyền rủa vào thế gian, bởi lẽ chỉ con người mới có thể nguyền rủa (đây là đặc quyền của hắn, khiến hắn khác biệt cơ bản với loài vật khác), có thể hắn sẽ đạt được mục đích bằng một lời nguyền, nghĩa là thực sự khẳng định được hắn là một con người chứ không phải phím dương cầm! Nếu quý vị bảo rằng mọi thứ đều có thể tính toán theo bảng biểu: hỗn mang, bóng tối, nguyền rủa; như vậy cái khả năng tính trước được đó sẽ chặn đứng mọi thứ và lí trí sẽ làm chủ tất cả - thế thì trong trường hợp này tốt nhất con người nên cố tình hóa điên hóa dại để khỏi còn lí trí mà giữ vững lập trường! Tôi tin tưởng và chịu trách nhiệm về điều này, bởi toàn bộ cái vấn đề con người vốn thực sự chỉ gói gọn trong việc không ngừng tự chứng minh rằng hắn là một con người chứ không phải cái bàn đạp đại phong cầm! cố chứng minh bằng chết thì thôi; dù có phải ăn thịt đồng loại cũng vẫn cố chứng minh. Còn sau đó thì bất luận khen chê là điều đó vẫn còn chưa xảy ra, và rằng dục vọng cho đến nay họa có quỷ mới biết nó phụ thuộc vào cái gì...
Quý vị sẽ quát vào mặt tôi (nếu quý vị hãy còn muốn ban vinh dự cho tôi bằng những lời quát mắng) rằng ở đây nào có ai tước đi cái í chí của tôi đâu; rằng ở đây người ta chỉ cặm cụi thu xếp sao cho cái í chí của tôi, theo í riêng của nó, trùng hợp với những quyền lợi bình thường của tôi, với những quy luật tự nhiên, với số học.
- Này quý vị, sẽ còn gì là í chí nữa khi cơ sự đã đến nước chỉ còn lại bảng biểu và số học, khi chỉ còn mỗi một cái "hai lần hai là bốn"? Hai lần hai cần quái gì đến í chí của tôi mà chả là bốn. Có tồn tại cái í chí như thế được sao!


[1] Pho tượng thần mặt trời Helios khổng lồ bằng đồng có chiều cao khoảng 32m, được dựng tại Rhodes, thành phố cảng Hi Lạp cổ đại, vào khoảng năm 280 trước Công nguyên, được coi là một trong bảy kì quan của thế giới.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-7)


VII
Nhưng đó chỉ là giấc kê vàng mà thôi. Ồ này, ai là người đầu tiên đã phát biểu, ai là người đầu tiên đã tuyên bố rằng con người làm những điều đê tiện chỉ vì hắn không biết đến những quyền lợi thực thụ của mình; còn nếu như soi sáng cho hắn, banh mắt hắn ra cho hắn thấy những quyền lợi bình thường thực thụ của hắn, thì lập tức hắn sẽ thôi, không làm những điều đê tiện nữa, lập tức trở nên tốt bụng và cao cả ngay, bởi vì một khi đã được soi sáng và thấu hiểu những lợi ích thực thụ của mình, thì hắn sẽ thấy được cái tư lợi trong cái thiện, bởi ai cũng biết là không người nào có thể cố tình hành động đi ngược lại lợi ích của chính mình, suy ra con người thấy cần thiết phải làm điều thiện? Ôi, đúng là trẻ con! ôi bé con ngây thơ trong trắng làm sao! nhưng có bao giờ, thứ nhất, suốt hàng ngàn năm nay, có bao giờ con người hành động chỉ vì tư lợi? Biết làm gì đây với hàng triệu sự kiện chứng minh rằng người ta đã biết trước, nghĩa là hoàn toàn hiểu rõ lợi ích thực thụ của mình, lại đem đặt nó vào hàng thứ iếu và đâm đầu vào một con đường khác, nguy hiểm, trông vào may rủi, không gì bắt và chẳng ai buộc phải làm thế, mà dường như chính họ cố tình tránh con đường được vạch ra, và ngoan cố, tự í lao vào con đường khác khó khăn, vô nghĩa, gần như mò mẫm trong bóng tối. Nghĩa là, thực sự cái thói ngoan cố và tự í đối với họ còn thú vị hơn mọi tư lợi... Tư lợi! Tư lợi là cái gì cơ chứ? Quý vị có dám đảm đương việc định nghĩa một cách hoàn toàn chính xác tư lợi của con người là thế nào không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như tư lợi của con người đôi khi không những có thể, mà thậm chí ngược lại, còn phải là muốn rước lấy cái hại chứ không phải cái lợi? Nếu thế, nếu chỉ có thể xảy ra trường hợp này, thì toàn bộ nguyên tắc sẽ ra tro bụi. Quý vị nghĩ sao, trường hợp đó có xảy ra không? Quý vị có cười thì cứ cười, nhưng hãy trả lời đã: có thể đếm được đầy đủ và chính xác những tư lợi của con người hay không? Có phải là có những cái không những không được xếp vào, mà còn không thể xếp vào bất kì hệ thống phân loại nào? Thưa quý vị, trong chừng mực mà tôi biết, quý vị đã lập danh mục tư lợi con người bằng cách lấy con số trung bình từ số liệu thống kê và từ những công thức kinh tế - khoa học. Vậy tư lợi con người theo quý vị bao gồm: sự thịnh vượng, giàu có, tự do, bình an, v.v... và v.v...; như thế, chẳng hạn một người công khai và cố tính bài xích cái danh mục đó, theo í quý vị, và dĩ nhiên cả tôi nữa, sẽ được coi là một kẻ ngu dân chủ nghĩa hay một thằng điên, phải thế không nhỉ? Nhưng lạ một điều: vì lẽ gì mà hết thảy các nhà thống kê, các bậc thông thái và các vị nhân ái đó lại luôn luôn bỏ qua một thứ trong khi tính toán những tư lợi của con người? Thậm chí họ cũng chẳng đưa nó vào tính toán dưới dạng thức mà lẽ ra phải đưa vào, vì toàn bộ kết quả tính toán phụ thuộc vào nó. Có đưa nó vào tính toán hay thêm nó vào danh mục thì cũng chẳng phải là tai họa lớn. Tuy nhiên tai họa là ở chỗ cái tư lợi thông thái ấy không khớp với bất kì một hệ thống phân loại nào và không thể có chỗ trong một danh mục nào được. Chẳng hạn, tôi có một ông bạn... Mà này, quý vị à! quý ông đó cũng là bạn của quý vị luôn; có ai mà không là bạn của ông ta cơ chứ! Khi sắp sửa hành động, quý ông đó lập tức trình bày với quý vị rất rõ ràng và tao nhã rằng chính ông ta phải hành động phù hợp với quy luật của lí trí và chân lí. Hơn nữa: ông ta sẽ rất phấn khích và say sưa mà thưa với quý vị về những quyền lợi thực thụ và bình thường của con người; sẽ mỉa mai nhiếc móc sự thiển cận của những kẻ ngu si chẳng hiểu gì về tư lợi của mình, về chân giá trị của phẩm hạnh; và chỉ đúng mười lăm phút sau, chẳng vì một nguyên cớ đột xuất nào bên ngoài, mà chỉ do một động cơ nào đó bên trong lấn át mọi quyền lợi của ông ta, ông ta sẽ đổi chân trụ ngay tức khắc, nghĩa là sẽ hành động phản lại những gì đã nói: phản lại cả những quy luật của lí trí, cả tư lợi, nói tóm lại là phản lại tất cả... Tôi cảnh báo trước, ông bạn tôi là một nhân vật tập thể và vì thế khó lòng mà quy kết một mình ông ta được. Sự thể là vậy, thưa quý vị, chẳng lẽ thực chất không tồn tại điều gì đáng quý hơn những tư lợi lớn lao nhất hầu như đối với bất kì con người nào hay sao, hoặc là (để khỏi phá vỡ logic): chẳng lẽ tồn tại một thứ tư lợi có tính tư lợi nhất (chính cái thứ bị bỏ qua một bên, mà giờ đây đang nói tới), còn chủ iếu hơn và có lợi hơn tất cả các tư lợi khác, mà một khi cần thiết, con người sẵn sàng hành động phản lại mọi quy luật, nghĩa là phản lại lí trí, danh dự, bình an, thịnh vượng, - nói tóm lại phản lại toàn bộ những cái đẹp và cái hữu ích, cốt chỉ để đạt được cái tư lợi khởi nguồn có tính tư lợi nhất, đáng quý nhất đối với cá nhân hắn thôi sao.
- Ừ thì xét cho cùng đó cũng vẫn là tư lợi, - quý vị ngắt lời tôi. Nhưng xin mạn phép, chúng ta sẽ làm rõ thêm, chuyện ở đây không phải là trò đố chữ mà là ở chỗ, sở dĩ cái tư lợi ấy nó vượt trội chính là vì nó phá hủy toàn bộ hệ thống phân loại của ta và luôn luôn đập tan toàn bộ các hệ thống do những con người nhân ái gầy dựng vì hạnh phúc của nhân loại. Tóm lại, nó cản trở mọi thứ. Nhưng trước khi gọi đích danh cái tư lợi ấy ra, tôi muốn tự thỏa hiệp với cá nhân mình, và vì thế đánh liều mà tuyên bố rằng tất cả những hệ thống đẹp đẽ ấy, tất cả những lí thuyết giải nghĩa cho nhân loại đâu là những quyền lợi bình thường thực thụ của mình, để nhân loại, khi cần phải hướng mục đích đạt được những quyền lợi đó, lập tức trở nên có lòng tốt và cao thượng, cho đến nay, theo tôi chỉ là vấn đề logic! Vâng, logic học thuần túy! Ít ra để củng cố lí thuyết cải tạo nhân loại bằng hệ thống tư lợi của con người, theo tôi, hầu như là... ít ra là công nhận với Buckle[1] chẳng hạn, là văn minh làm cho con người ôn hòa hơn, do đó con người trở nên ít khát máu hơn, ít hiếu chiến hơn. Về mặt logic, Buckle đã đưa ra kết luận như thế. Nhưng con người say sưa với những hệ thống và với kết luận trừu tượng đến mức sẵn sàng chủ tâm bóp méo sự thật, sẵn sàng nhắm mắt bịt tai, cốt để biện minh cho logic của mình. Sở dĩ tôi lấy ví dụ này vì đó là một ví dụ quá rõ ràng. Quý vị thử nhìn quanh xem: máu chảy thành sông, lại còn chảy rộn ràng là đằng khác, cứ như thể rượu sâm-banh. Đấy, toàn bộ cái thế kỉ XIX của chúng ta là thế đấy, trong đó có cả Buckle. Đó là Napoléon - vừa vĩ đại, vừa hiện đại. Đó là Bắc Mĩ - một khối liên hiệp vĩnh cửu. Và cuối cùng, đó là vụ tranh chấp Schleswig-Holstein[2] thật khôi hài... Vậy văn minh làm ta ôn hòa ở chỗ nào? Văn minh chỉ tạo ra trong con người cái đa tạp của cảm xúc mà thôi... dứt khoát chẳng có gì hơn. Thông qua sự phát triển tính đa tạp đó, có lẽ con người sẽ còn đạt đến độ tìm thấy khoái lạc trong việc đổ máu cũng nên. Vả lại cơ sự này cũng đã xảy ra rồi. Quý vị có để í rằng những kẻ khát máu tinh tế nhất bao giờ cũng là những vị văn minh nhất, và so với họ thì những Attila[3], những Stenka Razin[4] chả thấm vào đâu, và sở dĩ họ không lọt vào mắt xanh chúng ta như Attila và Stenka Razin chẳng qua là bởi họ xuất hiện quá thường xuyên, quá đỗi bình thường, vụt đến vụt đi. Ít ra nếu văn minh không làm cho con người thêm khát máu thì có lẽ nó đã làm cho con người khát máu một cách tệ hại hơn, ghê tởm hơn trước kia. Trước kia, con người thấy việc đổ máu là chính đáng và hủy diệt những kẻ đáng chết với lương tâm thanh thản; còn ngày nay, mặc dù chúng ta cho rằng việc đổ máu là ghê tởm, song rốt cuộc vẫn thực hiện những việc ghê tởm ấy, thậm chí còn nhiều hơn trước kia. Cái nào tệ hơn? - quý vị tự mà quyết lấy. Người ta bảo Cleopatra (xin lỗi đã lấy ví dụ trong sử La Mã) rất thích đâm kim nhọn bằng vàng vào vú bọn nữ nô lệ để tìm khoái lạc trong tiếng la thét và sự quằn quại của chúng. Quý vị sẽ bảo rằng chuyện đó xảy ra trong thời kì tương đối còn man rợ; rằng thời nay cũng hãy còn man rợ, bởi vì (cũng nói một cách tương đối) cũng vẫn trò đâm kim vào thịt; rằng mặc dù thời nay con người đôi khi đã học cách nhìn biết sự vật rõ ràng hơn thời kì man rợ, nhưng còn khướt mới học được cách hành xử cho đúng với lí trí và khoa học. Nhưng dù sao quý vị vẫn hoàn toàn tin chắc là con người dứt khoát sẽ học được một khi từ bỏ hẳn những thói quen cũ tệ hại và chừng nào tư duy lành mạnh và khoa học hoàn toàn cải tạo được bản tính con người và hướng nó vào chuẩn mực. Quý vị tin là khi đó con người sẽ tự nguyện chấm dứt lỗi lầm, có thể nói, sẽ miễn cưỡng không muốn gắn kết í chí với những quyền lợi bình thường của hắn nữa. Hơn thế nữa: quý vị sẽ bảo, chừng đó khoa học sẽ dạy dỗ con người (mặc dù theo tôi đây là điều xa xỉ) rằng thực sự hắn chưa bao giờ và chưa từng bao giờ có í chí hay những tính khí bất thường gì hết, tựu trung hắn chỉ giống như phím đàn dương cầm[5] hoặc bàn đạp đại phong cầm không hơn không kém; rằng cao hơn tất cả, trên thế gian này còn có những quy luật tự nhiên; vì thế hết thảy những điều hắn làm hoàn toàn chẳng phải do í muốn của hắn, mà tự thân nó phù hợp với những quy luật tự nhiên. Cho nên chỉ cần khám phá ra những quy luật tự nhiên là con người sẽ khỏi còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và cuộc đời đối với hắn sẽ vô cùng dễ chịu. Khi đó toàn bộ hành vi của con người tự thân nó sẽ được tính toán theo những quy luật của toán học, trong dạng bảng lôgarit tính đến 108.000, rồi được đưa vào lịch biểu; hoặc tốt hơn nữa, xuất hiện những ấn bản có mục đích cao đẹp, đại loại như từ điển bách khoa toàn thư thời nay, trong đó gi gỉ gì gi đều được tính toán và kí hiệu, trên thế gian này sẽ không còn hành vi, không còn phiêu lưu gì hết.
Khi đó - vẫn theo lời quý vị - những tương quan kinh tế mới sẽ bắt đầu, hoàn toàn sẵn sàng và được tính toán với độ chính xác toán học, thế rồi trong nháy mắt mọi câu hỏi các loại sẽ biến mất, đơn giản là vì đã có sẵn mọi câu trả lời các loại rồi. Khi đó một cung điện pha lê sẽ được dựng lên. Khi đó... Nào, tóm lại, khi đó Chim Lửa[6] sẽ bay đến. Tất nhiên chẳng có gì bảo đảm (bây giờ là tôi nói), rằng khi đó sẽ không còn buồn chán kinh khủng (vì còn biết làm gì nếu mọi thứ đều được tính toán theo bảng tính), nhưng được cái mọi thứ đều sẽ rất khôn ngoan. Cố nhiên nhàn cư vi bất thiện! Chính những mũi kim vàng sẽ đâm vào da thịt do buồn chán, tuy nhiên thế vẫn còn chưa sao. Điều tệ hại là ở chỗ (vẫn lời tôi) có thể khi đó người ta còn khoái trá với những cây kim vàng. Con người vốn ngu xuẩn, ngu xuẩn một cách lạ thường. Nghĩa là hắn chí ít hoàn toàn không ngu xuẩn, song lại cực kì vô ơn đến mức không tài nào tìm ra một loài khác vô ơn hơn. Chẳng hạn, như tôi đây sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu bất thình lình, vô duyên vô cớ, ngay giữa lúc khôn ngoan nhất, xuất hiện một quý ông nào đó với bộ mặt đê tiện, hoặc đúng hơn, với bộ mặt thoái hóa và cợt nhả, hai tay chống nạnh, oang oang với tất cả chúng ta: này các ngài, nên chăng ta đá quách cái lí trí sáng suốt ấy một lần cho rảnh với mục đích duy nhất là tống khứ mẹ nó mấy thứ lôgarit đó đi, để quay lại sống theo cái í chí ngông cuồng xuẩn ngốc của ta có hơn không! Thế đã hề hấn gì, cái đáng giận là nhân vật này dứt khoát thế nào cũng tìm được nhiều môn đồ cho mà xem: con người là vậy đó. Tất cả đều từ một lí do vớ vẩn, có lẽ không đáng để nhắc tới chút nào: chính là vì con người, cho dù hắn là ai, bao giờ và ở đâu, đều khao khát hành động theo í muốn chứ không theo mệnh lệnh của lí trí và tư lợi; mà í muốn cũng có thể, và đôi khi còn buộc phải đi ngược lại tư lợi (í tưởng của tôi). Í muốn tự do, không bị trói buộc của cá nhân, tính khí thất thường, kể cả có man rợ đến mấy của cá nhân, ảo tưởng bị kích động thậm chí tới mức điên loạn của cá nhân - phải, tất cả những thứ đó chính là cái tư lợi có tính tư lợi nhất, là cái bị gạt qua một bên, là cái không khớp với bất cứ hệ thống phân loại nào, là cái khiến mọi hệ thống và lí thuyết biến hết xuống địa ngục. Dựa vào đâu mà tất cả các nhà thông thái lại cho rằng con người ta nhất thiết phải có dục vọng bình thường và đức hạnh? Dựa vào đâu mà họ lại hình dung là con người nhất thiết phải có dục vọng tư lợi khôn ngoan? Con người chỉ cần một thứ duy nhất là dục vọng độc lập, bất chấp cái độc lập ấy đáng giá thế nào và dẫn tới hậu quả thế nào. Còn dục vọng là cái thứ gì thì họa có quỷ mới biết được nó ra làm sao...


[1] Henry Thomas Buckle (1821-1862) - sử gia người Anh, dự định viết bộ "Lịch sử văn minh nước Anh" trong đó ông muốn xây dựng những quy luật phát triển nhân loại, nhưng không hoàn thành tác phẩm và chỉ viết xong hai tập.
[2] Chiến tranh giữa Phổ và Đan Mạch tranh giành hai vùng Schleswig và Holstein xảy ra trong thời Dostoevsky viết tập "Bút kí" này. Hiện nay Schleswig-Holstein là một bang cực Bắc của Đức.
[3] Thường được gọi là Attila the Huns (?-453) - lãnh tụ của người Huns từ năm 434 đến 453, đứng đầu đế quốc Huns có lãnh thổ từ sông Ural đến sông Rhine, và từ sông Danube đến biển Baltic, kẻ thù đáng sợ nhất của Tây và Đông La Mã.
[4] Stepan Timofeevich Razin (~1630-1671) - người cầm đầu quân Kazak từ năm 1667 hô hào nhân dân khởi nghĩa chống Sa hoàng Aleksei I, bị bắt và bị xử tử năm 1671.
[5] Nói về lí luận của triết gia duy vật Pháp Denis Diderot (1713-1784) trong tiểu luận "Cuộc trò chuyện của D'Alembert và Diderot" (1769): "Chúng ta là những nhạc cụ được ban cho khả năng cảm giác và trí nhớ. Cảm xúc của chúng ta là những phím đàn mà thiên nhiên đưa bàn tay dạo nhẹ và những phím đàn ấy cũng thường tự bật lên thành tiếng nhạc".
[6] Chim Kagan trong thần thoại, khi xuất hiện mang điềm hạnh phúc đến.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-6)


VI
Ôi, giá như tôi chẳng chịu làm gì chỉ vì lười biếng nhỉ. Trời ạ, thế có phải tôi đã kính trọng tôi biết chừng nào. Kính trọng là bởi vì ít nhất tôi cũng có đức tính lười biếng trong con người mình; ít nhất tôi đã có được một phẩm chất dường như là ưu điểm trong con người mình để có thể tự tin. Hỏi: mi là ai? Đáp: một đứa chẩy thây; được nghe về mình như thế thì thú phải biết. Nghĩa là tôi đã được xác định là có ưu điểm, nghĩa là có chuyện để nói về tôi. "Một kẻ lười biếng!" - đó là danh hiệu và chức vị, cả một sự nghiệp. Thế đấy, quý vị chớ bỡn. Khi đó tôi được quyền là hội viên của một câu lạc bộ hạng nhất và có mỗi một nhiệm vụ duy nhất là không ngừng kính trọng bản thân. Tôi biết một quý ngài suốt đời tự hào là am hiểu tường tận về rượu vang Lafitte. Vị ấy cho rằng ưu điểm của mình vô cùng xứng đáng và không hề có chút nghi ngờ về bản thân. Vị ấy chết đi không những lương tâm thanh thản, mà còn vô cùng hoan hỉ, và quý ngài ấy hoàn toàn có lí. Còn tôi đã chọn cho mình một sự nghiệp: một kẻ biếng nhác và ham ăn, nhưng không phải loại tầm thường, mà chẳng hạn là một đứa cảm nhận được toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Quý vị thích thế không? Tôi đã nhắm đến chuyện này từ lâu rồi. "Cái đẹp và cái cao thượng" đã chất nặng lên đầu lên cổ tôi vào năm tôi bốn mươi; nhưng vào năm tôi bốn mươi tuổi thôi, còn trước đó - ồ, trước đó lại là chuyện khác! Tôi lập tức tìm ngay cho mình phương thức hoạt động phù hợp; cụ thể là: uống mừng vì toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Tôi sẽ nắm lấy mọi cơ hội để trước tiên nhỏ một giọt nước mắt vào li rượu, kế đến nâng li uống mừng "cái đẹp và cái cao thượng". Tôi sẽ biến mọi thứ trên thế gian thành "cái đẹp và cái cao thượng"; tôi sẽ khám phá "cái đẹp và cái cao thượng" ngay cả trong đống rác ghê tởm nhất chẳng còn ngờ gì. Tôi sẽ nhỏ lệ đầm đìa như một miếng bọt biển ướt sũng. Một họa sĩ, chẳng hạn, vẽ một bức tranh tương tự như Ge[1]; lập tức tôi nâng li chúc mừng họa sĩ đó, bởi tôi iêu toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Một tác giả đã viết "tùy mỗi người"[2]; lập tức tôi nâng li chúc mừng " tùy, ai cũng được", bởi tôi iêu toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Vì điều đó, tôi sẽ đòi hỏi mọi người phải kính trọng tôi, sẽ truy tố kẻ nào không kính trọng. Tôi sống bình iên, tôi chết trang trọng - thế mới là tuyệt mĩ chứ, tuyệt mĩ trọn vẹn! Và lúc đó tôi nên để một cái bụng bệ vệ thế này, một cái cằm bạnh ba ngấn thế này, một cái mũi đỏ ửng thế này, để bất cứ ai trông thấy cũng phải thốt lên: "Đích thực đây rồi! một tạo vật chân chính, khả kính đây rồi!". Quý vị muốn sao thì muốn, chứ được nghe những nhận xét như thế trong cái thời buổi tiêu cực này thì thật là trên cả tuyệt vời, thưa quý vị.


[1] Họa sĩ Nga Ge Nikolai Nikolaevich (1831-1894), tác giả bức họa "Dạ tiệc bí mật". Bức tranh, lần đầu được trưng bày tại triển lãm mùa thu 1863 của Viện hàn lâm Mĩ thuật, đã gây nhiều í kiến trái chiều. Dostoevsky đã phê phán Ge pha trộn "lịch sử và hiên tại" và "sự giả tạo chính là dối trá và hoàn toàn không còn là chủ nghĩa hiện thực".
[2] Tựa bài viết của M.E. Saltykov-Shedrin đăng trên tạp chí "Người cùng thời" năm 1863, nêu quan điểm ủng hộ bức họa "Dạ tiệc bí mật" của Ge và do đó đã có bút chiến với Dostoevsky.