Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Nhân chứng chính (002a)

 


CHƯƠNG 2

BẤT CHẤP SỰ XÂM LƯỢC VÀ TÀN PHÁ CỦA TRUNG QUỐC: MƠ VỀ MỘT TƯƠNG LAI VÀNG VÀ AN NINH TÀI CHÍNH

 

May mắn

“Em bé đây rồi?” Cha tôi, 39 tuổi với bộ râu ngắn đen nhánh, đẩy tấm nỉ che cửa lều của chúng tôi sang một bên, và ngạc nhiên nhìn chằm chằm khi mẹ tôi đu đưa tôi trong vòng tay trên tấm nệm lông cừu. Mái tóc đen dài che khuất khuôn mặt nhợt nhạt của mẹ. Mẹ tôi 27 tuổi, ưa cười, và bạn khó có thể nói rằng cô ấy vừa mới sinh đứa con thứ tư. Tôi ra đời thật dễ dàng.

Ngày 16/9/1976, người ta treo những chiếc lông chim đại bàng trên cũi của tôi, để bảo vệ khỏi tà thuật hắc ám và mang lại may mắn. Khi tôi mở đôi mắt màu nâu sẫm như hạt dẻ trên khuôn mặt tròn, khói từ ngọn lửa bốc lên qua chỗ hở trên mái lều của chúng tôi. Ban đêm, ánh sao lọt qua khe hở trên cơ thể quấn đầy lông thú đang say giấc của chúng tôi.

Đông Turkestan có đủ mọi thứ, từ những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng đến sa mạc lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng tôi sinh ra ở vựa lúa mì Khu tự trị Ili, quận Mongolküre. Chúng tôi được biết đến là một nhóm dân sôi nổi, thích nhảy múa, ca hát và kể chuyện cười, cũng như có những nhà khoa học, nhà thơ và cựu chiến binh đã nổi dậy chống lại quân Trung Quốc chiếm đóng trong thời kì cách mạng.

“Con bé sẽ mang lại may mắn,” cha mẹ tôi tin chắc như thế. “Không chỉ riêng chúng tôi, mà còn cho cả làng ta.” Trong nhiều tháng, dân tình đã phải trải qua một đợt hạn hán khủng khiếp và cơn đói đã len lỏi vào dạ dày của nhiều người như một con quái vật. Chỉ một tuần trước khi tôi chào đời, Mao Trạch Đông, người đồng sáng lập ĐCSTQ và là “Người cầm lái vĩ đại”, đã qua đời. Sự tàn ác và coi thường nhân loại của Mao đã đưa Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ. Vào ngày tôi hít hơi thở đầu tiên, trời bắt đầu mưa, và nông thôn lại trở nên xanh tươi.

Tất cả bà con họ hàng tôi đều lắc đầu kinh ngạc. “Thật là một đứa trẻ vui tính. Con bé không bao giờ làm ồn, không bao giờ la khóc.” Khi mẹ tôi dùng dây bện buộc chặt tôi vào cũi, tôi đánh giấc ngon lành suốt 9 giờ đồng hồ. Đôi khi cha mẹ phải lay tôi dậy vì tôi không tè dầm và họ lo rằng có thể tôi không còn sống. Khi được 5 tháng tuổi, tôi đã học cách tự ngồi dậy và tự chơi một mình ở rìa bãi thả gia súc trong khi mẹ tôi chăm sóc đám dê, cừu và bò.

Sau này, cha tôi luôn nói: “Con giống như một con mèo có 9 mạng sống.” Nhìn lại, tôi phải thừa nhận rằng ông nói đúng. Đã rất nhiều lần tôi từng thoát chết trên những đồng cỏ bằng phẳng, đẹp tuyệt vời, nơi bầy sói tru trong rừng. Những đồng cỏ với các loại thảo mộc nở rộ và những thung lũng xanh bát ngát nằm rải rác - từ góc nhìn của những đỉnh núi đầy tuyết có thể thấy những mảng màu nhỏ li ti đang chuyển động. Đấy là những người Kazakhstan chăn gia súc, cưỡi những chú ngựa lùn cứng cáp của họ, tung bụi mù lên giữa bầy cừu, bò và bò Tây Tạng đang gặm cỏ. Tít trên cao là bầu trời xanh ngắt, những con đại bàng đang sải đôi cánh rộng.

Làng tôi nằm dưới chân núi Thiên Sơn, một dãy núi lớn, có nơi cao đến hơn 7.000m so với mực nước biển. Trong một thời gian dài, nó đã che chắn cho người Kazakhstan trước Trung Quốc và mở ra thung lũng Ili màu mỡ ở phía tây. Nó cách thành phố Almaty gần biên giới của Kazakhstan khoảng 450km, và cách Ürümqi, thủ phủ của khu vực, khoảng 750km.

Sáu tháng tuổi, lần đầu tôi phải đối mặt với thần chết.



Thoát chết

Thời kì này, cha mẹ tôi sống theo kiểu bán du mục, di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác tùy theo mùa, cùng với các gia đình khác và những đàn cừu, bò, bò Tây Tạng. Mùa hè, chúng tôi đi theo nguồn nước và thức ăn cho gia súc lên núi, và trước khi mùa đông băng giá ập xuống, chúng tôi quay về ngôi nhà cố định của mình trên đồng cỏ. Cha tôi là một giáo viên, dạy cho lũ trẻ ở bất cứ nơi nào chúng tôi dựng lều, nhưng ông cũng chăn nuôi, hát, viết bài hát và soạn nhạc; ông thích soạn những bài hát mới cho chúng tôi trên đàn dombra hai dây.

Bên cha tôi, mẹ chúng tôi dường như có vẻ nhỏ bé, xanh xao và mảnh mai, mặc dù bà thật sự tròn trịa và tràn đầy sức sống. Nhưng với chiều cao hơn 1,9m, chồng bà thật cao to, mạnh mẽ, nước da ngăm đen, cao hơn hầu hết mọi người. Mẹ tôi đã được hứa hôn với cha tôi từ hồi bà còn nằm trong nôi. Một người bạn của gia đình mê vẻ ngoài của mẹ tôi đến mức đã thốt lên: “Một ngày nào đó con bé này sẽ là con dâu tôi!” Lúc đó, cha tôi mới 12 tuổi. May mắn thay, quyết định này đã tạo nên mối quan hệ tuyệt vời giữa hai gia đình, bởi vì cha mẹ tôi rất yêu thương nhau, dẫu họ chưa từng bao giờ được lựa chọn.

Đó là một ngày lạnh lẽo và lộng gió ở một vùng núi đá hoang dã khi chúng tôi di chuyển. Phía trước chúng tôi là một cuộc hành trình khó nhọc vào thung lũng, khi mang theo tất cả gia súc và đồ đạc mà chúng tôi sở hữu. Nhưng trong khi người Kazakhstan chúng tôi lang thang khắp các vùng đất rộng lớn, như từng làm trong 3.000 năm nay, thì người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở các khu vực khác đã định cư lâu dài trong các thành phố hoặc làng mạc, bao gồm nhiều nhánh của các tuyến lữ hành dọc theo Con đường Tơ lụa. Mặc dù nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn có thể hiểu nhau, vì các ngôn ngữ gốc Thổ Nhĩ Kì của chúng tôi đều có liên quan.

Ở trên cao chót vót, cha mẹ tôi chất hành lí, cùng với cọc lều và các bó bạt lều lên những con lạc đà. Họ dùng dây bện buộc chặt trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh như tôi vào giỏ đặt giữa hai bướu lạc đà, để trọng lượng được phân bổ đều hai bên. Sau đó đoàn người và vật khởi hành. Đi xuống theo những con đường hẹp đầy đá, bên hông thường là những vực thẳm hun hút.

Người và vật mồ hôi đầm đìa, thở hồng hộc, thận trọng dò dẫm từng bước chân thì đột nhiên con lạc đà chở tôi bị trượt trên dốc đá, loạng choạng khuỵu xuống, gầm lớn và đổ sang một bên,. Các bó hàng bị lỏng ra và rơi xuống hẻm núi. Cả nhóm kinh hoàng đứng nhìn chiếc giỏ nhỏ buộc chặt tôi bên trong rơi xuống, lộn nhào và lăn lông lốc cho đến khi dừng lại. Trong giây lát, mọi người nín thở và cố lắng nghe: không có tiếng em bé khóc. Chỉ có một sự im lặng chết chóc. Sau đó là tiếng thét lớn: “Ôi, không!” Tiếng thét của mẹ tôi lớn hơn hết thảy.

“Nó chết rồi,” cha tôi thốt lên, lòng tan nát. Cuộc sống thật khó khăn; hầu hết các gia đình đều có nhiều con. Khi một đứa chết, câu trả lời tỉnh táo phổ biến sẽ là: “Đó là ý muốn của Thượng đế!” Họ có thể làm gì khác chứ? Còn phải chăm sóc những đứa trẻ khác nữa. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Không thể khóc than hay nán lại quá lâu ở một nơi không hề mến khách như vậy.

Họ cùng trèo xuống để cứu vớt hành lí của chúng tôi và chôn xác tôi ở đâu đó giữa những tảng đá. Thận trọng tiến lại gần cái giỏ, cha tôi nhìn vào trong và thấy khuôn mặt tròn của tôi, đôi mắt nhỏ nhắm nghiền thật dịu dàng. “Không thể nào!” Ông khóc òa, giọng vỡ ra. “Nó vẫn còn sống!” Mẹ tôi khuỵu gối xuống bên tôi, nức nở. “Con là đứa trẻ gì vậy? Vừa mới suýt chết mà lại lăn ra ngủ tiếp!” Thật may, con lạc đà của chúng tôi cũng chỉ bị thương nhẹ ở chân.

Đoàn lữ hành tiếp tục lên đường.



Hang rắn

Lần thứ hai thoát chết là năm tôi lên 2 tuổi. Mẹ tôi đã vắt sữa con bò cuối cùng xong xuôi vào buổi chiều, cha tôi lên ngựa và lùa đàn gia súc ra đồng cỏ cao hơn trên núi. Thông thường, ông sẽ nhấc tôi đặt lên yên phía trước. Tuy nhiên, lần này ông phải làm thêm một vài công việc, thế nên ông bảo tôi: “Hôm nay con ở lại đây!”

Ông phi nước kiệu với đàn gia súc vây quanh, và không nhận ra rằng tôi đang lẫm chẫm đuổi theo. Tôi đã đi được khá xa, nhưng rõ ràng là con ngựa nhanh hơn, và nó đã sớm khuất khỏi tầm mắt tôi. Khi trở về nhà vào tối hôm đó, ông nhìn chằm chằm vào 5 đứa con của mình vẻ thắc mắc. “Cục cưng của tôi đâu rồi? Nó không có nhà à?” Mẹ tôi đinh ninh rằng ông đã cho tôi đi cùng như thường lệ. Bà cùng với các anh chị tôi chạy ngay ra ngoài và bắt đầu gọi. “Sayragul, con đang ở đâu?”

Khi bà hỏi họ hàng, bạn bè và mọi người quen liệu họ có biết tôi đang ở đâu không, họ chỉ nhún vai và cùng đi tìm. Chẳng bao lâu sau, không một viên đá nào hay một khe hổng nào mà họ không lật lên để kiếm - nhưng giống như mặt đất đã nuốt chửng tôi. Sau đó, cùng một lúc, tất cả mọi người đều giật mình vì một ý nghĩ khủng khiếp: “Bầy rắn đã cắn chết nó rồi!”

Tất nhiên, chúng tôi đã quen đối phó với rắn, nhưng tránh xa chúng thì tốt hơn. Thi thoảng, chúng tôi phát hiện một con rắn đang treo lơ lửng trên nóc trong lều của chúng tôi, và mẹ tôi dụ nó bằng cách đổ một ít sữa từ cốc ra trước mặt nó rồi sau đó vẽ một đường dọc theo sàn nhà để dụ nó ra ngoài. Con rắn sẽ uống sữa và lần theo dấu sữa.

Nhưng người lớn đã dọa lũ trẻ chúng tôi sợ chết khiếp về cái hang rắn. “Đừng bao giờ đến đó! Có rắn độc!” Vì không ai tìm thấy tôi trong đêm tối đầy sao, nên họ đoan chắc rằng tôi đã rơi vào trong. Tuy nhiên, cha tôi không chịu đầu hàng. Ông quay lại một trong những đồng cỏ bao la và hỏi người chăn gia súc: “Anh có thấy một đứa con gái nhỏ có chiếc mũ gắn lông chim đại bàng hay không?” Người chăn gia súc nâng vành cong chiếc mũ nỉ cao và sáng màu, quấn chặt lại chiếc áo khoác dài tay bằng da quanh ngực và cân nhắc câu hỏi. “Tôi đã thấy một bóng đen cách đây ít lâu, ở đằng kia. Có lẽ là con gái của anh chăng?”

Ngay lập tức, cha tôi thúc gót giục ngựa, tặc lưỡi và phi nước đại đến chỗ người chăn gia súc đã chỉ. Ông thấy tôi nằm trên mặt đất dưới ánh trăng màu trắng đục như sữa, gối đầu trên mũ và bím tóc đen quấn quanh người như một chiếc khăn choàng. Tuy nhiên, chỗ cỏ mọc quanh tôi lúc nhúc đầy rắn. Ông không thể đến chỗ tôi được.

Cha tôi không dám xuống ngựa, thế nên ông gọi những người khác đến, họ rón rén gạt từng con rắn ra bằng những cây gậy dài. Bởi vì tôi nằm im như khúc gỗ suốt thời gian đó nên mọi người đều cho rằng tôi đã chết. Bầy rắn đã cắn tôi, họ nghĩ vậy.

Lúc này, một số người lớn tuổi hơn đã cưỡi ngựa đến. “Tránh sang một bên!” Ông nội tôi ra lệnh khi lũ rắn đã được gạt ra khỏi đường. Ông là một người cao lớn, giống như con trai mình, với bộ râu dài màu trắng: từ dáng người lực lưỡng của ông, ta có thể biết rằng ông từng là một đô vật nổi tiếng. Nhíu mày, ông cúi mặt xuống tôi và tuyên bố: “Nó vẫn đang thở.”

Về nhà, ông tôi cho mời pháp sư. “Chúng ta nên cầu nguyện và để ông ta khám cho con bé.” Tôn giáo của chúng tôi pha trộn giữa thờ phụng thiên nhiên và truyền thống đa thần với những nền tảng của Hồi giáo. Vài phút sau, một người đàn ông tóc bạc đội mũ da cáo, mặc áo khoác nhung dài thêu những họa tiết con vật xuất hiện ở ngưỡng cửa lều chúng tôi, nơi chúng tôi treo xương động vật để xua đuổi tà ma. Ông ta nhìn vào đôi mắt lấp lánh của tôi, sờ làn da nhợt nhạt trên má tôi, rồi trấn an mọi người chung quanh đang lo lắng, “Bầy rắn đã không chạm vào nó.” Tuy nhiên, để bảo vệ khỏi bất kì nguy hiểm nào khả dĩ, cha mẹ và các anh chị tôi đã phải thanh lọc căn phòng bằng cách đốt cây vân hương dại để xông. Cha tôi nói: “Đây là lần thứ hai chúng ta nghĩ nó đã chết, nhưng lần nào nó cũng chỉ ngủ say.”

Sau đó, cha mẹ tôi càng tin tưởng hơn bao giờ hết rằng tôi là điềm may mắn. Mỗi năm trôi qua sau khi tôi sinh ra, điều kiện sống ở những cộng đồng nông dân vô cùng nghèo khó đã được cải thiện. Chiến dịch “Phá tứ cựu” của Mao - “tư duy cũ”, “văn hóa cũ”, “thói quen cũ” và “phong tục cũ” - dường như đã kết thúc. Tập thể hóa cưỡng bức, quản lí yếu kém và tước bỏ tư hữu đã bị bỏ lại phía sau lưng. Mọi người được phép làm việc và canh tác đất đai của họ một cách độc lập. Thu nhập được cải thiện, các quyền tự do phát triển mạnh và sự thay đổi đang diễn ra.

Tôi được ba tuổi khi Đảng Cộng sản dưới thời Đặng Tiểu Bình bắt đầu tự do hóa nền kinh tế, đưa ra cái mà họ gọi là “chương trình cải tổ và mở cửa” - mặc dù trong thâm tâm họ vẫn kiên định chuyên chế. “Bạn vẫn phải mở cửa sổ kể cả sẽ có vài con ruồi bay vào,” người kế nhiệm Mao nói với những kẻ chỉ trích.



Biến dân du mục thành dân làng

Năm 1981, chúng tôi và khoảng 150 gia đình khác đến định cư ở chân núi Thiên Sơn và lập nên ngôi làng Aheyazi, thuộc quận Mongolküre (tiếng Trung Quốc là Chiêu Tô). Ngôi làng thơ mộng nằm giữa hai con sông xanh biếc như ngọc bích, một con suối róc rách cung cấp nguồn nước trong như pha lê đổ thẳng từ những ngọn núi. Đấy là nơi chúng tôi lấy nước uống, dùng xô xách về nhà. Phụ nữ giặt giũ ở phía sau cây cầu bắc qua sông, gia súc được chăn thả trên thảo nguyên rộng lớn, chúng tôi tích trữ lương thực cho người và thức ăn cho gia súc trong các chuồng trại.

Vừa lắp xong tấm lợp cuối cùng màu đen và lấp lánh như những con đường lên nóc ngôi nhà gỗ của chúng tôi, cha tôi đã kêu gọi dân làng cùng nhau xây dựng một trường học. Ông là nhân vật được kính trọng trong cộng đồng, bởi lẽ ông là người ngay thẳng, kín đáo và kiên nhẫn, đã làm hết sức để hỗ trợ không chỉ gia đình mình mà còn mọi người trong làng. Là một người nổi bật và lại là phó hiệu trưởng, chẳng bao lâu ông được mời tham dự những sự kiện giáo dục ở các khu vực và thị trấn xung quanh. Khi cha tôi đi công tác, mẹ tôi phải tự lo liệu việc nhà, chuồng trại, gia súc và bất kì công việc phát sinh nào khác. Khéo léo và có tổ chức, bà đã xử lí mọi việc thật tự tin, kể cả với bầy con nhỏ nhốn nháo bên chân.

Mặc dù có một bầy con đang lớn, nhưng căn nhà ba buồng của cha mẹ tôi rất nhỏ. Cha mẹ tôi ngủ ở một phòng, ông nội góa bụa của tôi ở một phòng, và bầy con ở phòng còn lại. Ba đứa con trai ngủ ở dãy đầu tiên, tiếp theo là hai dãy cho sáu đứa con gái. Việc đầu tiên chúng tôi làm khi thức dậy vào buổi sáng là cuộn những chiếc nệm len của mình lại và cất chúng bên cạnh những chiếc rương và hộp ở một góc. Một điều được coi như hiển nhiên là những đứa trẻ nhỏ sẽ mặc quần áo cũ của những đứa đã lớn lên, thế nên mẹ tôi thường xuyên bận bịu để cắt ngắn hoặc nới rộng quần hoặc váy của chúng tôi.

Đêm khuya ta có thể nghe thấy âm thanh ngân nga vui nhộn của tiếng hát và tiếng cười vọng ra từ khung cửa các nhà trong làng. Chúng tôi luôn có rất nhiều việc để làm. Những cô, dì, chú, bác họ hàng và bạn bè sẽ lui tới thăm viếng mọi ngôi nhà, hào phóng đem tới nhiều thực phẩm. Luôn có thức ăn ngon, nhiều lí do để ăn mừng và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ đang ngày càng trở thành cái gai trong mắt Bắc Kinh.

Vào một trong những ngày ấy, chúng tôi ở trong lều, vô cùng náo nức đón chờ những vị khách từ thành phố đến chơi. Tôi và em trai Sawulet, nhỏ hơn tôi một tuổi, nhảy cẫng lên vì vui sướng vì họ thường mang những món quà nhỏ cho bọn trẻ chúng tôi. Phấn khởi, chúng tôi được cho mấy chai nước ngọt.

Sau khi uống hết, Sawulet và tôi - lúc bấy giờ bốn và năm tuổi - mặc bộ quần áo vải bông chạy lên ngọn đồi phía sau chiếc lều nhà chúng tôi về phía sông Ahesu. Chúng tôi muốn chơi trên bờ. Khi chúng tôi đổ đầy nước vào chai, cái chai của tôi đột ngột tuột khỏi tay. Tôi cố gắng chụp nó lại, bước vội vài bước xuống nước, nhưng vấp ngã và bị dòng nước mạnh cuốn trôi.

Loạng choạng, tôi cố quay lại bờ, nhưng dòng nước mạnh dần lên, và cách đó không xa có một thác nước - với một vách nước dựng đứng đổ xuống ầm ầm. Nếu rơi xuống đó, tôi sẽ chết đuối! Tôi nghĩ vậy. Trong lúc hoảng loạn, tôi chụp lấy đám cây cỏ ven bờ, nhưng chúng toác ra từng mảng, thế nên tôi cố chụp lấy đám cây tiếp theo. Em trai tôi vừa chạy vừa la hét dọc theo bờ sông, chụm cả hai tay lên miệng: “Ra khỏi đó đi, Sari May!”

Người trong nhà thường trìu mến gọi tôi là “Sari May” (nghĩa là bơ) vì da của tôi có màu nhạt như bơ. Con sông càng kéo tôi về phía thác nước, thì em tôi càng tuyệt vọng. “Sari May, quay lại đây! Em sẽ không bao giờ chọc ghẹo chị nữa!” Nhưng tôi không tài nào lên được. Bộ quần áo ướt sũng đang kéo tôi xuống. Tôi bị uống nước và sặc. “Sari May, lên đây, em sẽ cho chị chơi chung mọi thứ!”

Không giống như năm chị em gái của tôi, em trai tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, và đánh nhau với tôi là một trong những trò yêu thích của nó. “Sari May!” Nó kêu lên, “chị có thể chơi đồ chơi của em!” Một lúc sau, nó nhận ra rằng những lời của mình chẳng giúp ích gì, thế nên nó đã dồn hết sức vào đôi chân ngắn cũn của mình chạy băng qua đồi quay về lều để tìm trợ giúp. Bấy giờ, tôi đã bám được vào một cây bạc hà lớn ở rìa sông, lần này rễ nó đã đủ chắc để giữ trọng lượng cơ thể tôi. Thở hổn hển, tôi cố trườn bụng lên bờ sỏi.

Đúng lúc đó, tôi thấy gia đình mình và những vị khách đang lao ra phía tôi, cử chỉ cuống cuồng. Dẫn đầu là cha mẹ tôi, tóc mẹ tôi đen bóng như tóc con gái bà, nhưng được che bên dưới một chiếc khăn trùm đầu buộc lỏng. “Sayragul!” Cả hai hét lên, ôm chầm lấy tôi mặc dù tôi ướt sũng.

Trở về lều, mẹ thay quần áo khô cho tôi và đặt tôi trước bếp củi. Các anh chị em tôi nhìn tôi với ánh mắt sa sầm, buộc tội trong khi cha tôi mắng mỏ. “Đã bao nhiêu lần bố mẹ cảnh báo con không được lội xuống sông? Con không được chơi ở đó! Sao con cố với cái chai làm gì? Thật ngốc nghếch!”

Nhưng ngay cả trong những lần tức giận hiếm hoi, ông cũng không bao giờ mất bình tĩnh hoặc quá cao giọng. Khi trấn tĩnh trở lại, ông đặt bàn tay to lớn và ấm áp lên vai tôi. “Hãy tự chăm sóc bản thân tốt hơn, con gái! Con mới được năm tuổi và hôm nay là lần thứ ba con phải đối mặt với tử thần.” Mẹ tôi chắp tay, thoáng nhìn lên trời và nói: “Tạ ơn Người!”

Cha mẹ chúng tôi tuy nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương. Họ không bao giờ đánh chúng tôi. Mà cũng không nhất thiết phải làm thế: các bậc cha mẹ luôn được kính trọng trong cộng đồng chúng tôi. Khi cha mẹ nói, con cái phải im lặng lắng nghe. Mẹ tôi hầu như không phải ra hiệu bằng tay để chúng tôi phải chú ý...

Tôi chưa bao giờ nghe thấy cha mẹ mình cãi nhau to tiếng. Nếu anh em tôi đánh nhau, tất cả những gì mẹ tôi phải nói là: Các con phải ngoan, nếu không mẹ sẽ mách bố, và lập tức trong phòng sẽ im lặng. Bà luôn khuyên chúng tôi nên quan tâm đến cha mình và hạn chế làm ồn khi ông đang cố thư giãn sau một ngày làm việc vất vả.

Tuy nhiên, người có quyền lực cao nhất trong một gia đình Kazakhstan là aksakal: ông râu trắng. Bất cứ khi nào cần đưa ra một quyết định quan trọng, cha mẹ tôi đều hỏi ông tôi để xin lời khuyên. Ông ngồi ở vị trí danh dự trong các bữa tiệc gia đình, và luôn được mời miếng thịt ngon nhất.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Nhân chứng chính (001)



CHƯƠNG 1

NHỮNG BÓNG MA CỦA QUÁ KHỨ

 

Những phụ nữ van xin trong đêm

Hằng đêm, những cô gái khóc lóc vây quanh giường tôi. Những đôi mắt đen mở to, đầu họ bị cạo trọc. “Hãy cứu chúng tôi!” Họ van xin tôi. “Làm ơn cứu chúng tôi!” Bất cứ nơi nào có sự cai trị của chế độ chuyên chế, nữ giới chúng tôi luôn bị đàn áp nặng nề nhất. Thật dễ dàng bóp nghẹt chúng tôi bằng lũ quỷ dữ của bất lực, xấu hổ và tội lỗi. Tuy nhiên, không phải phụ nữ xấu hổ vì những vết thương mà đàn ông gây ra cho chúng tôi. Giờ đây tất cả những gì tôi phải làm là hiểu rõ sự thật này. Tôi cố vùng vẫy để đứng dậy, nhưng thấy mình chết cóng, vô hồn như một cái xác.

Kể từ hồi ở trại, đôi khi tôi không thể nhỏm dậy khỏi giường. Bởi vì một thời gian quá dài tôi đã ngủ trên sàn bê tông lạnh. Chân tay và các khớp của tôi đau nhức vì bệnh thấp khớp. Trước đó tôi hoàn toàn khỏe mạnh; lúc này, ở tuổi 43, tôi là một phụ nữ ốm yếu. Khoảnh khắc tôi chìm vào giấc ngủ khó khăn độ vài giây thì những cơn ác mộng lại đánh thức tôi dậy.

Không một ai trong số những phụ nữ, trẻ em, đàn ông và người già bị nhốt sau dãy hàng rào thép gai cao đó phạm tội gì, ngoài việc họ sinh ra là người Kazakhstan, Duy Ngô Nhĩ hoặc một số sắc tộc Hồi giáo khác ở tỉnh Tây Bắc Trung Quốc. Có những cái tên Hồi giáo như Fatima hay Hussein.

Tôi tên là Sayragul Sauytbay. Tôi đã kết hôn, từng điều hành một lúc 5 trường mẫu giáo trước khi bị giam giữ, và tôi yêu gia đình mình hơn tất cả. Chúng tôi xuất thân từ một tỉnh Tây Bắc Trung Quốc, rộng lớn hơn cả Đức, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại, và cách Bắc Kinh khoảng 3.000km đường chim bay. Với những rặng núi cao tới 7.000m bao quanh, tỉnh chúng tôi tiếp giáp với nhiều nước hơn bất cứ nơi nào ở Trung Quốc, bao gồm Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, cũng như Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan. Đây là nơi Trung Quốc tiếp giáp gần nhất với châu Âu xa xôi.

Từ thời cổ đại, khu vực này từng là nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ, nhưng cũng có nhiều đại diện sắc tộc khác, bao gồm người Mông Cổ, Kyrgyzstan, Tartar, và tôi thuộc một nhóm sắc tộc lớn thứ hai là người Kazakhstan. Tỉnh của chúng tôi từng có tên là Đông Turkestan cho đến năm 1949, khi Trung Quốc, một đế quốc láng giềng rộng lớn, thôn tính thô bạo toàn bộ khu vực, một vùng có lợi thế chiến lược được gọi một cách không chính thức là “cửa ngõ phía Tây”. Mao Trạch Đông đã đổi tên nó thành Khu tự trị Tân Cương (Biên giới mới), nhưng với chúng tôi nó vẫn là Đông Turkestan, quê cha đất tổ của chúng tôi. Về mặt chính thức, Bắc Kinh đảm bảo cho cư dân bản địa quyền tự chủ, độc lập và ý chí tự do. Tuy nhiên, một cách không chính thức, chính phủ đối xử với chúng tôi như một thuộc địa nô lệ.

Từ năm 2016, tỉnh chúng tôi đã được chuyển sang một khu vực được giám sát lớn nhất trên thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia quốc tế, một mạng lưới gồm hơn 1.200 trại giam trên mặt đất, nhưng càng ngày càng có nhiều báo cáo về các trại dưới lòng đất. Chúng tôi ước tính có khoảng 3 triệu người hiện đang bị giam giữ. Họ chưa bao giờ ra tòa. Họ chưa bao giờ phạm tội. Đây là vụ giam cầm có hệ thống lớn nhất một nhóm sắc tộc duy nhất kể từ thời Đệ tam Đế chế.

Các quan chức của Đảng buộc tôi phải im lặng về tất cả những gì tôi đã chứng kiến với tư cách là một nhân viên bậc cao trong khu vực công ở các trại kinh hoàng tại Đông Turkestan - “bằng không thì sẽ chết”. Tôi thật sự đã phải kí vào bản cam kết bằng mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những trở ngại đó, cuối cùng tôi đã tìm cách thoát khỏi nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới ấy và đến được Thụy Điển.

Hoàn cảnh của tôi thật không bình thường, bởi vì tôi đã được đưa vào làm giáo viên ở một trong những trại này. Vị trí ấy cho tôi cái nhìn thấu suốt về hoạt động sâu bên trong hệ thống; và những gì tôi thấy là một bộ máy quan liêu được nghĩ ra một cách tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận, và vận hành theo những hướng dẫn rõ ràng cụ thể từ Bắc Kinh. Đây không chỉ là sự tra tấn, sỉ nhục và tẩy não có hệ thống. Mà là sự thủ tiêu có chủ ý cả một nhóm sắc tộc.

Khi chúng ta ngồi đây, các tập đoàn lớn phương Tây đang kiếm bộn tiền từ việc kinh doanh giao dịch của họ ở Tây Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, cách trụ sở của họ chỉ độ vài bước chân, trẻ em, phụ nữ, đàn ông, thiếu niên và người già đang bị giam cầm như những con vật và bị tra tấn theo những cách không thể diễn tả nổi.

Theo các tổ chức nhân quyền thì có khoảng 1/10 người Hồi giáo ở tỉnh nhà chúng tôi hiện đang bị giam giữ. Con số này phù hợp với ước tính riêng của tôi. Bản thân tôi đã ở trong một trại cùng với 2.500 tù nhân khác. Ở trung tâm khu vực Mongolküre, được người Trung Quốc gọi là Chiêu Tô (Zhaosu), là nơi sinh sống của 180.000 người, có 2 nhà tù lớn và 3 trại, được thiết lập từ một trường Đảng cũ được chuyển đổi công năng và từ các tòa nhà bỏ hoang. Giả sử những trại này có cùng một số lượng tù nhân, thì ngay cả trong một khu vực nhỏ bé như quận nhà của tôi cũng có khoảng 20.000 người bị giam giữ. Đến nay, mọi gia đình Hồi giáo đều có người bị bắt giam. Không ai ở Tân Cương mà không bị mất vài người thân.

Bằng chứng về các trại này thì quá nhiều - chúng tôi có những hình ảnh vệ tinh, những lời kể của nhân chứng, và gần đây nhất là một người Trung Quốc tố giác đã phát hành tài liệu “China Cables” - thế nên cuối cùng Bắc Kinh đã thừa nhận sự tồn tại của các trại sau một thời gian dài phủ nhận. Tuy nhiên, các chính khách cấp cao của Trung Quốc vẫn tiếp tục nói một cách hoa mĩ về “các trung tâm dạy nghề”; họ tung ra các bộ phim tuyên truyền cho thấy các học viên trang điểm xinh tươi, ăn mặc đẹp, nhảy múa và cười đùa, học tập trong những căn phòng sáng sủa, được bài trí đẹp mắt và được “cải tạo thành người tốt hơn”. Luận điệu chính thức của Đảng là các phương tiện truyền thông nước ngoài đang “truyền bá những lời dối trá ác ý”, là tất cả các “học viên” đều được hưởng tự do riêng, và hầu hết đều đã được thả ra.

Khi nghe những giọng điệu loại này, tôi tự hỏi, thế thì tất cả bạn bè, hàng xóm và người quen của tôi đã có thể đi đâu. Nếu như họ được tự do, thế thì tại sao không ai có thể gọi điện thoại cho họ? Và nếu thật sự những trại này là “các trung tâm dạy nghề” như chính quyền Bắc Kinh kiên quyết khẳng định, thì tại sao bọn trẻ nhỏ lại bị tách khỏi gia đình và lớp học của chúng, và bị gửi đến đó? Tại sao những “trường nội trú này phải thay thế cho phụ huynh”, như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu? Việc “cải tạo” này cần để làm gì đối với một bà già 84 tuổi? Tại sao các văn sĩ, giáo sư, doanh nhân thành đạt và nghệ sĩ - tất cả những người có trình độ học vấn cao - cần tham gia “các khóa giáo dục thường xuyên” đằng sau hàng rào thép gai này?

Bất cứ ai nói lên sự thật về những trại này ở Đông Turkestan đều bị gắn mác gián điệp nước ngoài, kẻ dối trá hoặc khủng bố. Bộ phận kiểm duyệt Trung Quốc lập tức xóa ngay tất cả thông tin có trên mạng, và bất cứ ai đăng chuyển thông tin này trong phạm vi Trung Quốc sẽ biến mất không dấu vết ngay ngày hôm sau. Ngay sau khi một phái đoàn phương Tây thông báo sẽ đưa các nhà báo đến thăm tỉnh Đông Turkestan, như đã xảy ra vào mùa thu năm 2019, các quan chức Đảng đã nhanh chóng biến một trại cải tạo thành trường học bình thường.

Dây thép gai biến mất khỏi hàng rào và những lính canh trang bị vũ khí tận răng được điều đi khỏi cổng. Các giáo viên trước đây đã bị sa thải - hiện là phu quét đường hay công nhân nhà máy - bị điều động trở lại phục vụ trong suốt thời gian của chuyến thăm. Các lớp học mới gồm toàn học viên Kazakhstan và Duy Ngô Nhĩ nhanh chóng được lập ra, và những thước phim tươi sáng, đầy màu sắc được lên sóng truyền hình.

Một người bạn, được cấp giấy phép cho khách thăm để dự đám tang của mẹ anh ấy trong khu vực, đã nói với tôi rằng tất cả các giáo viên và học viên phải học thuộc lòng lời soạn sẵn của Đảng để trả lời khách phương Tây. Bất cứ ai bỏ sót một từ hoặc một dấu phẩy đều bị đày đến các trại. Hướng dẫn chính thức như sau: “Học viên, các bạn không được phép nói những gì thật sự diễn ra trong vài năm qua. Các bạn sẽ cho họ biết Đảng tốt như thế nào và đời sống ở đây tốt đẹp như thế nào...” Giờ đây, chúng tôi đã quen với những màn biểu diễn đóng kịch và giả tạo của ĐCSTQ. Chúng tôi đã sống với họ từ hồi còn bé.

Hồi tưởng lại quá khứ của mình khiến tôi buồn nôn. Tôi không tài nào ghìm được cơn mửa, như thể bầy kí sinh trùng đang lúc nhúc trong cơ thể. Tôi phải quấn khăn quanh đầu vì có cảm giác như nó sắp nổ tung. Có thể đó là những kí ức; mà cũng có thể đó là hậu quả của đòn tra tấn. Nhưng dù có đau khổ đến mấy khi nói về những trải nghiệm của bản thân, tôi tin rằng nhiệm vụ của mình là phải cảnh báo với thế giới. Nghĩa là, tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không đổ lỗi cho nhân dân Trung Quốc về những tội ác kinh hoàng này: trách nhiệm duy nhất thuộc về chính quyền Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Với tư cách là nhân chứng chính, tôi chia sẻ hiểu biết của mình về hoạt động bên trong của hệ thống phát xít này. Tôi nói ra không chỉ cho bản thân, mà nhân danh tất cả những ai bị giam giữ trong các trại tập trung ấy, và thay mặt những ai đang lo sợ cho tánh mạng của họ dưới chế độ độc tài này. Chúng ta không thể có tự do như là điều hiển nhiên. Nếu chúng ta không hành động để bảo vệ nó đúng lúc, thì chúng ta sẽ đánh mất nó, vì trong cơn hấp hối cuối cùng, nó biến mất quá nhanh để chúng ta theo kịp. The Middle Kingdom - như cách gọi của Trung Quốc - đã lên kế hoạch trước nhiều thập kỉ. Họ tận dụng những cơ hội do một xã hội mở đem lại để phá hoại nền dân chủ dần từng mảnh. Tôi có kinh nghiệm trực tiếp về ý nghĩa của việc sống trong một môi trường do Bắc Kinh kiểm soát, trong một trạng thái giám sát siêu hiện đại mà thế giới chưa từng thấy.

Và một thế giới không có tự do khiến ta phải chạy trốn khỏi cuộc sống địa ngục của mình.



Rời Thụy Điển đến Đức

Đó là một tình huống kì lạ khi tôi tạm biệt gia đình ở Thụy Điển và cùng Ulagat, cậu con trai 10 tuổi của tôi, đi du lịch đến Đức để tham dự buổi phỏng vấn. Nhà báo Alexandra Cavelius dự định sử dụng những cuộc trò chuyện của chúng tôi để viết một cuốn sách về những trải nghiệm của tôi.

Tàu sẽ khởi hành vào lúc 10 giờ 55 phút tối, nhưng chúng tôi đã rời khỏi nhà sớm 4 giờ, mặc dù chỉ cách bến cảng 15 phút đi đường. Uali và Ukilay, cô con gái 14 tuổi của tôi, đã đi tiễn chúng tôi. Một lúc sau, cả hai người đột nhiên im lặng và lùi lại sau một chút.

Tôi và con trai có mặt ở bến xe buýt, đợi xe đưa chúng tôi đến bến thuyền. “Sao bố và chị không nói chuyện với mẹ con mình nữa?” Ulagat níu lấy áo khoác của tôi thắc mắc. “Có thể bố và chị buồn vì không đi cùng mẹ con mình chăng?” Nó chạy đến chỗ bố. “Bố và chị có muốn mẹ và con ở lại không?” Uali lắc đầu và vuốt mái tóc đen dày của thằng bé. “Không, không, đây là một cơ hội tuyệt vời! Chỉ cần nghĩ - con chỉ mới 10 tuổi, và sắp tới con sẽ đến thăm 4 quốc gia khác nhau. Đó là điều mà mọi trẻ em đều mơ ước. Bây giờ con đã là một người đàn ông và con phải chăm sóc mẹ thật tốt. Khi mẹ muốn uống trà, hãy pha cho mẹ một tách. Khi mẹ cần uống thuốc, hãy lấy thuốc cho mẹ.”

Các con tôi đều biết mẹ chúng bị bệnh từ hồi ở trại. Không ai ra khỏi một nơi như thế mà vẫn khỏe mạnh. Thường thì người thân của họ cũng đổ bệnh, chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm, lo lắng, hi vọng mong manh một dấu hiệu sự sống của người thân yêu. Các con tôi đã phải lớn lên quá nhanh.

Khi xe buýt đến, con gái tôi nhìn quanh và bắt đầu khóc nức nở. Không có lí do gì đáng để buồn, nhưng bỗng nhiên tất cả những kí ức đen tối đó lại sủi lên như bong bóng. Những đứa trẻ nhớ lại chúng đã phải chạy trốn đến chỗ cha chúng ở Kazakhstan như thế nào, trong khi phải xa rời mẹ chúng ở biên giới. Hai năm rưỡi trời. Không có bất cứ liên lạc gì.

Kể từ đó, gia đình chúng tôi không có một ngày nào mà không phải lo lắng. Chúng tôi luôn chạy trốn, từ nơi này đến nơi khác. Trước buổi tối hôm đó tại bến tàu, chúng tôi chưa bao giờ được yên ổn, và chưa bao giờ được sống trong tự do như một gia đình bình thường. Đột nhiên, cửa xe đóng sập lại, ngăn cách tôi và con trai với con gái và cha nó. Xe buýt chưa chạy được 5m thì điện thoại của tôi đổ chuông. “Em sao rồi?” Chồng tôi hỏi. “Mọi thứ ổn chứ? Mẹ con em hãy tự chăm sóc bản thân nhé!”


 

Nước Đức

Giờ đây, mỗi khi ngồi trên xe buýt hay tàu hỏa và nhân viên soát vé đi qua, tôi luôn phải nhắc nhở bản thân rằng: Không, viên chức này không muốn bắt nhốt mình... Thực tế, tôi có thể đi khắp thế giới như bất cứ một công dân tự do nào khác. Một trong những điểm đến đầu tiên của tôi là Bộ Ngoại giao ở Stockholm, sau đó là Nghị viện châu Âu ở Brussels, nơi tôi đã đưa ra bằng chứng với tư cách là nhân chứng chính về những trải nghiệm của tôi trong các trại.

Có lẽ, thật là tốt khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức. Nước Đức có một lịch sử bi thảm khi dính líu đến chủ nghĩa phát xít, nhưng khác với Trung Quốc, quốc gia này đã dũng cảm đối mặt với quá khứ đen tối của mình, khám phá lí do vì sao những chuyện đó lại xảy ra và học hỏi từ chúng. Mặt khác, Trung Quốc chỉ đơn thuần là viết lại lịch sử của mình, bởi lẽ bằng không nó có thể gây nguy hại cho Đảng và chính phủ. Đức là một đất nước hùng mạnh với một hệ thống chính trị hiệu quả cao. Nhờ sự hỗ trợ của vô số các chính khách quốc tế cũng như các tổ chức nhân quyền khác nhau mà tôi và gia đình đã tìm được nơi trú ngụ mới ở một đất nước tự do.

Phàm là con người, tất cả chúng ta đều sống trên cùng một hành tinh và trong cùng thế kỷ 21, nhưng ở quê hương tôi, một phần lớn dân số bị cắt đứt với phần còn lại của thế giới và bị chối bỏ các quyền cơ bản. Đối với một người coi nền dân chủ và nhân quyền là lẽ đương nhiên, sẽ khó lòng hiểu được những gì chúng tôi phải đối mặt hằng ngày tại Đông Turkestan.

Có một chương trình truyền hình rất nổi tiếng của Trung Quốc là “Thám hiểm phương Tây”, minh họa hoàn cảnh của chúng tôi thật hoàn hảo. Đảng Cộng sản sử dụng các nhân vật chính để chứng tỏ ưu thế của chính mình, vì không ai sáng suốt hoặc mạnh mẽ hơn Đảng. Trong chương trình, một pháp sư đi đến nhiều nước phương Tây nhất có thể theo lệnh của một vị vua, nghiên cứu phong tục và lối sống của họ. Phương Tây được mô tả dưới một cách nhìn khủng khiếp: lạc hậu, phiến diện và yếu ớt. Lầm lạc trong hỗn loạn và đổ máu.

Khi pháp sư khoanh một vòng tròn quanh người ta bằng cây đũa thần thì mọi người bên trong đều lọt vào vòng phép thuật của ông ta. Không ai dám mạo hiểm vượt ra ngoài vòng tròn. Những tù nhân này không còn được tự do ra vào, không còn được tự do suy nghĩ nữa; họ đã quên rằngmình là con người với các quyền bình thường của con người. Đơn giản là họ chấp nhận mọi thứ, như những con cừu tế thần, bất kể điều gì xảy ra với họ. Họ không có sự lựa chọn nào. Họ đang cố tồn tại - tựa như người dân ở tỉnh Tây Bắc Trung Quốc.

Tôi vẫn phải làm quen với cảm giác rằng tôi có thể ra ngoài hoặc đi quanh nhà mình mà không bị giám sát. Lần đầu trong đời tôi được chứng kiến và trải nghiệm một người có thể được phép sống với phẩm giá của mình như thế nào. Ở Đông Turkestan, mọi mẩu vụn thông tin đều bị kiểm soát. Sách và tạp chí chưa được kiểm duyệt, cũng như các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và WhatsApp, đều bị cấm. Mặc dù đã sống ở Thụy Điển vài tháng, tôi vẫn cảm thấy áp lực mà chúng tôi phải chịu mỗi ngày. Nỗi sợ hãi thường trực cho người thân, chồng con, và chính bản thân. Đôi khi tôi thấy mình đang liếc qua vai ngoài phố, ngờ ngợ tự hỏi: “Ai trông như người châu Á ở sau lưng tôi vậy? Anh ta có phải là an ninh chìm Trung Quốc hay không? Anh ta đang theo dõi tôi chăng?” Tầm với của Đảng Cộng sản rất đáng sợ. Nó có thể sờ tới những người bất đồng chính kiến ở bất cứ đâu, kể cả ở Đức.

Tại Đông Turkestan, có cảm giác như dân bản địa đang sống trong một nhà thương điên, một nơi chẳng có gì còn ý nghĩa. Nhưng nếu bạn luôn bận tâm để không đi những bước sai lầm vì sợ bị trừng phạt, thì bạn sẽ không còn thời giờ đâu để đặt câu hỏi. Sự việc ngày nay tôi được tự do và có thể hỏi những câu hỏi quan trọng này là một món quà từ Thượng đế: vì sao hàng trăm ngàn người vô tội lại bị tra tấn và giết hại mà không có bất cứ hậu quả nào? Làm thế nào ai đó có thể làm những điều kinh khủng như vậy đối với người khác? Đấy chỉ có thể là vì họ tự coi mình là một chủng tộc vô cùng vượt trội và có giá trị hơn, đó chính là điều mà ĐCSTQ và tổng bí thư Tập Cận Bình đang rao giảng với một tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành như vậy. Ngày nay, các quốc gia khắp toàn cầu đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vậy tại sao họ lại cho phép những vi phạm nhân quyền này tiếp tục diễn ra một cách không kiểm soát? Tôi không mong gì hơn là một số lực lượng bên ngoài, công bằng hơn, sẽ can thiệp để ngăn chặn điều này trong tương lai.

Khi người dân ở các quốc gia khác nghĩ về Trung Quốc, họ thường hình dung về một đất nước văn minh, tiên tiến và đạt được thành công to lớn về kinh tế. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, với số tiền khổng lồ được một trong những cỗ máy tuyên truyền mạnh mẽ nhất thế giới đầu tư để đất nước nhìn từ bên ngoài trông có vẻ như một xã hội công nghệ cao chói sáng, tương đối bình thường. Các phương tiện truyền thông nhà nước làm thinh về tất cả những sự thật xấu xa và khó chịu đằng sau nhận thức này, nhưng chất độc ở bên dưới như vết mưng mủ. Người dân Trung Quốc nhận thức được rằng chính phủ thường xuyên lừa dối họ, nhưng người dân phương Tây có nhận ra điều đó hay không? Hay họ đang cho phép mình bị lóa mắt trước mặt tiền lấp lánh?

Tôi hi vọng rằng mọi người sẽ hiểu rõ hơn về bản chất và ý đồ thật sự của chế độ ấy. Rằng họ sẽ tự bảo vệ mình khỏi mối đe dọa của chế độ chuyên chế và củng cố nền dân chủ của họ. Thế giới quan của riêng tôi đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi vào trại. Trước đây, tôi chủ yếu lo lắng về việc tuân thủ và không vi phạm bất kì quy tắc nào, vì vậy tôi sẽ không bị trừng phạt.

Mục tiêu chiến dịch của Trung Quốc là đạt được sự kiểm soát chính trị đối với toàn thế giới. Đấy là lí do vì sao lời khuyên của tôi cho tất cả các quốc gia khác là: “Đừng rời mắt khỏi Đông Turkestan! Đấy là cách mà con cháu của quý vị sẽ sống trong tương lai nếu quý vị không bảo vệ quyền tự do của mình!” Trung Quốc hiện là một quốc gia thương mại lớn nhất hành tinh, không thúc đẩy các mối quan hệ thân thiện cũng như trao đổi cởi mở. Trong thế giới chính trị không rõ ràng của ĐCSTQ, không có gì xảy ra mà không có động cơ thầm kín.

Và bất cứ nơi nào ảnh hưởng của Bắc Kinh đang gia tăng, sự dối trá bắt đầu mọc lên như cỏ dại và bóp nghẹt sự thật.


 

Đe dọa và hi vọng

Thoạt tiên, gia đình tôi cảm thấy rất cô đơn ở Thụy Điển, nơi ở mới của chúng tôi cách xa tất cả bạn bè và người thân. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chúng tôi không còn thời gian để cảm nhận điều đó. Cho đến nay, các phóng viên từ khoảng 40 nước đã đến căn hộ của chúng tôi để nói chuyện về những trải nghiệm của tôi trong trại. Nhưng tôi chưa bao giờ kể câu chuyện của mình đầy đủ chi tiết như trong cuốn sách này.

Thông thường, các nhà báo còn chưa kịp đi khỏi thì điện thoại của chúng tôi đổ chuông và tôi bị đe dọa. “Đừng nói nữa! Hãy nghĩ đến những đứa con của bà!” Đôi khi những người đàn ông đó nói tiếng Thụy Điển, có khi là tiếng Kazakhstan, và những lần khác là tiếng Trung. Mỗi lần như vậy, cảnh sát Thụy Điển đều trấn an chúng tôi sau đó: “Đừng lo lắng, đây không phải là Trung Quốc!” Họ tiếp tục cố gắng khích lệ chúng tôi. “Chỉ cần cố giữ một cuộc sống bình thường. Bạn có các quyền tương  tự bất cứ người dân Thụy Điển nào. Chúng tôi đang bảo vệ bạn ngay cả khi bạn không thấy một xe tuần tra nào bên ngoài. Chỉ có điều chúng tôi không thể cho bạn biết chúng tôi đang làm gì.”

Theo thời gian, tôi trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp với những người lạ ở đầu dây bên kia. “Các ông có thể tiếp tục làm phiền chúng tôi bằng những cuộc gọi,” tôi nói với họ, “nhưng các ông không thể làm gì chúng tôi!” Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục cố bẻ gãy tinh thần của chúng tôi. Gần đây, tôi nghe nói về một tin nhắn mà một trong những đặc vụ chìm đó để lại trên trang Facebook của một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ: “Hãy dừng lại nếu không họ sẽ tìm thấy xác bà bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ trong thùng rác màu đen bên ngoài nhà bà.” Đấy là người phụ nữ đã phát hành tài liệu “China Cables sau khi một quan chức Trung Quốc tiết lộ bí mật cho bà ấy. Nhờ lòng dũng cảm của người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ này, giờ đây có bằng chứng mới mẻ và không thể chối cãi được về sự đàn áp có hệ thống đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo trong các trại cải tạo. Ngay cả Bắc Kinh cũng không bác bỏ tính xác thực của những tài liệu mật này.

Thông thường, các cuộc gọi đe dọa là từ Trung Quốc. Một lần, số hiển thị trên màn hình cho thấy cuộc gọi có nguồn gốc từ các mật vụ ở Bắc Kinh. “Tại sao ông gọi cho tôi?” Tôi hỏi. “Tôi chỉ muốn biết bà sống như thế nào,” một giọng nam trả lời. “Tôi biết đích xác nơi bà sống. Bà đã ổn định tốt cuộc sống chưa? Con cái bà định làm gì? ” Tôi cố giữ bình tĩnh: “Mọi thứ ở đây đều tuyệt vời, chúng tôi rất vui.”

“Nếu mọi thứ đều tuyệt như vậy, sao bà không ngừng nói chuyện với các nhà báo? Hãy vui mừng vì bà vẫn còn sống, và đừng nói về những gì thuộc về quá khứ.”

“Tôi sẽ không bao giờ dừng lại,” tôi trả lời, “và vì ông đang làm việc ở Bắc Kinh, sao ông không đến gặp lãnh đạo Đảng của ông và yêu cầu ông ta ngừng tra tấn những người trong các trại đó một lần và mãi mãi.” Lần này, giọng anh ta trở nên lạnh lùng và cứng rắn. “Hãy thôi ngay những cuộc trò chuyện với các nhà báo! Hãy nghĩ đến những đứa con của bà!” Họ luôn kết thúc bằng những lời ấy. Tôi thường xuyên sống trong nỗi lo sợ cho con cái mình, những đứa trẻ là thứ quan trọng nhất với tôi trên đời này.

Không có gì ngạc nhiên khi những lời đe dọa đó thường khiến tôi cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé, và tôi nghĩ: Chúng ta có cơ hội nào để chống lại một đối thủ mạnh mẽ như vậy? Nhưng tôi không chỉ mắc nợ các tù nhân trong trại mà còn với vô số những người ủng hộ tôi ở Kazakhstan để nói lên sự thật. Quá nhiều người ở đó đang tuyệt vọng: con cái, cha mẹ, ông bà họ đã biến mất không dấu vết vào các trại ở nước láng giềng Trung Quốc. Đối thủ của chúng tôi mạnh đến đâu không quan trọng. Chúng tôi không đời nào có thể ngừng nói ra. Có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ bắt đầu một phong trào có thể chấm dứt sự lạm quyền ghê tởm của Trung Quốc.

Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng tôi cảm thấy tự do? Khi còn thơ, tôi lớn lên với những người Kazakhstan. Chúng tôi có trường học riêng, truyền thống riêng và chúng tôi chỉ nói tiếng Kazakhstan, bởi vì phía đông bắc của Đông Turkestan là vùng đất của tổ tiên chúng tôi, mà người Trung Quốc gọi là “Khu tự trị Kazakh ở Tân Cương”.

Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ai đó có thể cướp mất quê hương của mình.

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Nhân chứng chính (000)


  

Europa Verlag xuất bản lần đầu năm 2020 bằng tiếng Đức Die Kronzeugin

Scribe xuất bản bằng tiếng Anh năm 2021

Copyright © Europa Verlag AG, Zürich 2020

Translation copyright © Caroline Waight 2021


Pham Ngoc dịch từ bản tiếng Anh The Chief Witness: Escape From China's Modern-Day Concentration Camps của Caroline Waight, phát hành ngày 15/06/2021.


NHÂN CHỨNG CHÍNH

Trốn thoát khỏi các trại tập trung thời nay của Trung Quốc

Sayragul Sauytbay

Alexandra Cavelius

 

VỀ TÁC GIẢ

Sayragul Sauytbay được Bộ Ngoại giao Hoa Kì trao tặng Giải thưởng Phụ nữ dũng cảm quốc tế năm 2020. Những lời kể của bà với tư cách nhân chứng chính đã gây chấn động trên trường quốc tế, và các tờ báo The New York Times, The Washington Post, Frankfurter Allgemeine Zeitung đã đưa tin.

Alexandra Cavelius là một nhà báo tự do. Bà từng viết bài cho các tạp chí danh tiếng và là tác giả của một số đầu sách phi hư cấu về chính trị. Bà cũng là tác giả của tựa sách bán chạy “Chiến binh Rồng” (Dragon Fighter), tự truyện của Rebiya Kadeer, nhà hoạt động chính trị Duy Ngô Nhĩ, người đã nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Caroline Waight là một dịch giả văn chương từ tiếng Đan Mạch và tiếng Đức từng đoạt giải thưởng.

 

LỜI TRI ÂN

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc; chính phủ và người dân Thụy Điển; nhân dân Kazakhstan; chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức; tổ chức Atajurt của Kazakhstan; tất cả các phương tiện báo chí quốc tế đã theo dõi trường hợp của tôi; đài truyền hình và phát thanh ở nhiều quốc gia; tất cả các nhà báo trên nhiều phương tiện truyền thông; và đài truyền hình Free Asia Television của Kazakhstan.

Sayragul Sauytbay

 

MỤC LỤC

Chương 1

Ghosts of the Past

Những bóng ma của quá khứ

Chương 2

Despite Chinese Invasion and Destruction: dreaming of a golden future and financial security

Bất chấp sự xâm lược và tàn phá của Trung Quốc: mơ về một tương lai vàng và an ninh tài chính

Chương 3

Mouths Taped Shut

Băng keo dán miệng

Chương 4

Worse Than a Mental Hospital: the world’s biggest surveillance state

Tệ hơn nhà thương điên: khu vực bị giám sát lớn nhất thế giới

Chương 5

Total Control: interrogations and rape

Kiểm soát hoàn toàn: hỏi cung và cưỡng hiếp

Chương 6

The Camp: surviving in hell

Trại tập trung: sống sót trong địa ngục

Chương 7

Better to Die Escaping Than Die in the Camp

Thà chết khi đào thoát còn hơn chết trong trại

Chương 8

Kazakhstan: Beijing’s interference in neighbouring countries

Kazakhstan: Sự can thiệp của Bắc Kinh đến các nước láng giềng

Chương 9

Viral: warning the world

Lan truyền: cảnh báo thế giới


AFTERWORD by Alexandra Cavelius

Lời bạt của Alexandra Cavelius