Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Nhân chứng chính (002a)

 


CHƯƠNG 2

BẤT CHẤP SỰ XÂM LƯỢC VÀ TÀN PHÁ CỦA TRUNG QUỐC: MƠ VỀ MỘT TƯƠNG LAI VÀNG VÀ AN NINH TÀI CHÍNH

 

May mắn

“Em bé đây rồi?” Cha tôi, 39 tuổi với bộ râu ngắn đen nhánh, đẩy tấm nỉ che cửa lều của chúng tôi sang một bên, và ngạc nhiên nhìn chằm chằm khi mẹ tôi đu đưa tôi trong vòng tay trên tấm nệm lông cừu. Mái tóc đen dài che khuất khuôn mặt nhợt nhạt của mẹ. Mẹ tôi 27 tuổi, ưa cười, và bạn khó có thể nói rằng cô ấy vừa mới sinh đứa con thứ tư. Tôi ra đời thật dễ dàng.

Ngày 16/9/1976, người ta treo những chiếc lông chim đại bàng trên cũi của tôi, để bảo vệ khỏi tà thuật hắc ám và mang lại may mắn. Khi tôi mở đôi mắt màu nâu sẫm như hạt dẻ trên khuôn mặt tròn, khói từ ngọn lửa bốc lên qua chỗ hở trên mái lều của chúng tôi. Ban đêm, ánh sao lọt qua khe hở trên cơ thể quấn đầy lông thú đang say giấc của chúng tôi.

Đông Turkestan có đủ mọi thứ, từ những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng đến sa mạc lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng tôi sinh ra ở vựa lúa mì Khu tự trị Ili, quận Mongolküre. Chúng tôi được biết đến là một nhóm dân sôi nổi, thích nhảy múa, ca hát và kể chuyện cười, cũng như có những nhà khoa học, nhà thơ và cựu chiến binh đã nổi dậy chống lại quân Trung Quốc chiếm đóng trong thời kì cách mạng.

“Con bé sẽ mang lại may mắn,” cha mẹ tôi tin chắc như thế. “Không chỉ riêng chúng tôi, mà còn cho cả làng ta.” Trong nhiều tháng, dân tình đã phải trải qua một đợt hạn hán khủng khiếp và cơn đói đã len lỏi vào dạ dày của nhiều người như một con quái vật. Chỉ một tuần trước khi tôi chào đời, Mao Trạch Đông, người đồng sáng lập ĐCSTQ và là “Người cầm lái vĩ đại”, đã qua đời. Sự tàn ác và coi thường nhân loại của Mao đã đưa Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ. Vào ngày tôi hít hơi thở đầu tiên, trời bắt đầu mưa, và nông thôn lại trở nên xanh tươi.

Tất cả bà con họ hàng tôi đều lắc đầu kinh ngạc. “Thật là một đứa trẻ vui tính. Con bé không bao giờ làm ồn, không bao giờ la khóc.” Khi mẹ tôi dùng dây bện buộc chặt tôi vào cũi, tôi đánh giấc ngon lành suốt 9 giờ đồng hồ. Đôi khi cha mẹ phải lay tôi dậy vì tôi không tè dầm và họ lo rằng có thể tôi không còn sống. Khi được 5 tháng tuổi, tôi đã học cách tự ngồi dậy và tự chơi một mình ở rìa bãi thả gia súc trong khi mẹ tôi chăm sóc đám dê, cừu và bò.

Sau này, cha tôi luôn nói: “Con giống như một con mèo có 9 mạng sống.” Nhìn lại, tôi phải thừa nhận rằng ông nói đúng. Đã rất nhiều lần tôi từng thoát chết trên những đồng cỏ bằng phẳng, đẹp tuyệt vời, nơi bầy sói tru trong rừng. Những đồng cỏ với các loại thảo mộc nở rộ và những thung lũng xanh bát ngát nằm rải rác - từ góc nhìn của những đỉnh núi đầy tuyết có thể thấy những mảng màu nhỏ li ti đang chuyển động. Đấy là những người Kazakhstan chăn gia súc, cưỡi những chú ngựa lùn cứng cáp của họ, tung bụi mù lên giữa bầy cừu, bò và bò Tây Tạng đang gặm cỏ. Tít trên cao là bầu trời xanh ngắt, những con đại bàng đang sải đôi cánh rộng.

Làng tôi nằm dưới chân núi Thiên Sơn, một dãy núi lớn, có nơi cao đến hơn 7.000m so với mực nước biển. Trong một thời gian dài, nó đã che chắn cho người Kazakhstan trước Trung Quốc và mở ra thung lũng Ili màu mỡ ở phía tây. Nó cách thành phố Almaty gần biên giới của Kazakhstan khoảng 450km, và cách Ürümqi, thủ phủ của khu vực, khoảng 750km.

Sáu tháng tuổi, lần đầu tôi phải đối mặt với thần chết.



Thoát chết

Thời kì này, cha mẹ tôi sống theo kiểu bán du mục, di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác tùy theo mùa, cùng với các gia đình khác và những đàn cừu, bò, bò Tây Tạng. Mùa hè, chúng tôi đi theo nguồn nước và thức ăn cho gia súc lên núi, và trước khi mùa đông băng giá ập xuống, chúng tôi quay về ngôi nhà cố định của mình trên đồng cỏ. Cha tôi là một giáo viên, dạy cho lũ trẻ ở bất cứ nơi nào chúng tôi dựng lều, nhưng ông cũng chăn nuôi, hát, viết bài hát và soạn nhạc; ông thích soạn những bài hát mới cho chúng tôi trên đàn dombra hai dây.

Bên cha tôi, mẹ chúng tôi dường như có vẻ nhỏ bé, xanh xao và mảnh mai, mặc dù bà thật sự tròn trịa và tràn đầy sức sống. Nhưng với chiều cao hơn 1,9m, chồng bà thật cao to, mạnh mẽ, nước da ngăm đen, cao hơn hầu hết mọi người. Mẹ tôi đã được hứa hôn với cha tôi từ hồi bà còn nằm trong nôi. Một người bạn của gia đình mê vẻ ngoài của mẹ tôi đến mức đã thốt lên: “Một ngày nào đó con bé này sẽ là con dâu tôi!” Lúc đó, cha tôi mới 12 tuổi. May mắn thay, quyết định này đã tạo nên mối quan hệ tuyệt vời giữa hai gia đình, bởi vì cha mẹ tôi rất yêu thương nhau, dẫu họ chưa từng bao giờ được lựa chọn.

Đó là một ngày lạnh lẽo và lộng gió ở một vùng núi đá hoang dã khi chúng tôi di chuyển. Phía trước chúng tôi là một cuộc hành trình khó nhọc vào thung lũng, khi mang theo tất cả gia súc và đồ đạc mà chúng tôi sở hữu. Nhưng trong khi người Kazakhstan chúng tôi lang thang khắp các vùng đất rộng lớn, như từng làm trong 3.000 năm nay, thì người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở các khu vực khác đã định cư lâu dài trong các thành phố hoặc làng mạc, bao gồm nhiều nhánh của các tuyến lữ hành dọc theo Con đường Tơ lụa. Mặc dù nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn có thể hiểu nhau, vì các ngôn ngữ gốc Thổ Nhĩ Kì của chúng tôi đều có liên quan.

Ở trên cao chót vót, cha mẹ tôi chất hành lí, cùng với cọc lều và các bó bạt lều lên những con lạc đà. Họ dùng dây bện buộc chặt trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh như tôi vào giỏ đặt giữa hai bướu lạc đà, để trọng lượng được phân bổ đều hai bên. Sau đó đoàn người và vật khởi hành. Đi xuống theo những con đường hẹp đầy đá, bên hông thường là những vực thẳm hun hút.

Người và vật mồ hôi đầm đìa, thở hồng hộc, thận trọng dò dẫm từng bước chân thì đột nhiên con lạc đà chở tôi bị trượt trên dốc đá, loạng choạng khuỵu xuống, gầm lớn và đổ sang một bên,. Các bó hàng bị lỏng ra và rơi xuống hẻm núi. Cả nhóm kinh hoàng đứng nhìn chiếc giỏ nhỏ buộc chặt tôi bên trong rơi xuống, lộn nhào và lăn lông lốc cho đến khi dừng lại. Trong giây lát, mọi người nín thở và cố lắng nghe: không có tiếng em bé khóc. Chỉ có một sự im lặng chết chóc. Sau đó là tiếng thét lớn: “Ôi, không!” Tiếng thét của mẹ tôi lớn hơn hết thảy.

“Nó chết rồi,” cha tôi thốt lên, lòng tan nát. Cuộc sống thật khó khăn; hầu hết các gia đình đều có nhiều con. Khi một đứa chết, câu trả lời tỉnh táo phổ biến sẽ là: “Đó là ý muốn của Thượng đế!” Họ có thể làm gì khác chứ? Còn phải chăm sóc những đứa trẻ khác nữa. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Không thể khóc than hay nán lại quá lâu ở một nơi không hề mến khách như vậy.

Họ cùng trèo xuống để cứu vớt hành lí của chúng tôi và chôn xác tôi ở đâu đó giữa những tảng đá. Thận trọng tiến lại gần cái giỏ, cha tôi nhìn vào trong và thấy khuôn mặt tròn của tôi, đôi mắt nhỏ nhắm nghiền thật dịu dàng. “Không thể nào!” Ông khóc òa, giọng vỡ ra. “Nó vẫn còn sống!” Mẹ tôi khuỵu gối xuống bên tôi, nức nở. “Con là đứa trẻ gì vậy? Vừa mới suýt chết mà lại lăn ra ngủ tiếp!” Thật may, con lạc đà của chúng tôi cũng chỉ bị thương nhẹ ở chân.

Đoàn lữ hành tiếp tục lên đường.



Hang rắn

Lần thứ hai thoát chết là năm tôi lên 2 tuổi. Mẹ tôi đã vắt sữa con bò cuối cùng xong xuôi vào buổi chiều, cha tôi lên ngựa và lùa đàn gia súc ra đồng cỏ cao hơn trên núi. Thông thường, ông sẽ nhấc tôi đặt lên yên phía trước. Tuy nhiên, lần này ông phải làm thêm một vài công việc, thế nên ông bảo tôi: “Hôm nay con ở lại đây!”

Ông phi nước kiệu với đàn gia súc vây quanh, và không nhận ra rằng tôi đang lẫm chẫm đuổi theo. Tôi đã đi được khá xa, nhưng rõ ràng là con ngựa nhanh hơn, và nó đã sớm khuất khỏi tầm mắt tôi. Khi trở về nhà vào tối hôm đó, ông nhìn chằm chằm vào 5 đứa con của mình vẻ thắc mắc. “Cục cưng của tôi đâu rồi? Nó không có nhà à?” Mẹ tôi đinh ninh rằng ông đã cho tôi đi cùng như thường lệ. Bà cùng với các anh chị tôi chạy ngay ra ngoài và bắt đầu gọi. “Sayragul, con đang ở đâu?”

Khi bà hỏi họ hàng, bạn bè và mọi người quen liệu họ có biết tôi đang ở đâu không, họ chỉ nhún vai và cùng đi tìm. Chẳng bao lâu sau, không một viên đá nào hay một khe hổng nào mà họ không lật lên để kiếm - nhưng giống như mặt đất đã nuốt chửng tôi. Sau đó, cùng một lúc, tất cả mọi người đều giật mình vì một ý nghĩ khủng khiếp: “Bầy rắn đã cắn chết nó rồi!”

Tất nhiên, chúng tôi đã quen đối phó với rắn, nhưng tránh xa chúng thì tốt hơn. Thi thoảng, chúng tôi phát hiện một con rắn đang treo lơ lửng trên nóc trong lều của chúng tôi, và mẹ tôi dụ nó bằng cách đổ một ít sữa từ cốc ra trước mặt nó rồi sau đó vẽ một đường dọc theo sàn nhà để dụ nó ra ngoài. Con rắn sẽ uống sữa và lần theo dấu sữa.

Nhưng người lớn đã dọa lũ trẻ chúng tôi sợ chết khiếp về cái hang rắn. “Đừng bao giờ đến đó! Có rắn độc!” Vì không ai tìm thấy tôi trong đêm tối đầy sao, nên họ đoan chắc rằng tôi đã rơi vào trong. Tuy nhiên, cha tôi không chịu đầu hàng. Ông quay lại một trong những đồng cỏ bao la và hỏi người chăn gia súc: “Anh có thấy một đứa con gái nhỏ có chiếc mũ gắn lông chim đại bàng hay không?” Người chăn gia súc nâng vành cong chiếc mũ nỉ cao và sáng màu, quấn chặt lại chiếc áo khoác dài tay bằng da quanh ngực và cân nhắc câu hỏi. “Tôi đã thấy một bóng đen cách đây ít lâu, ở đằng kia. Có lẽ là con gái của anh chăng?”

Ngay lập tức, cha tôi thúc gót giục ngựa, tặc lưỡi và phi nước đại đến chỗ người chăn gia súc đã chỉ. Ông thấy tôi nằm trên mặt đất dưới ánh trăng màu trắng đục như sữa, gối đầu trên mũ và bím tóc đen quấn quanh người như một chiếc khăn choàng. Tuy nhiên, chỗ cỏ mọc quanh tôi lúc nhúc đầy rắn. Ông không thể đến chỗ tôi được.

Cha tôi không dám xuống ngựa, thế nên ông gọi những người khác đến, họ rón rén gạt từng con rắn ra bằng những cây gậy dài. Bởi vì tôi nằm im như khúc gỗ suốt thời gian đó nên mọi người đều cho rằng tôi đã chết. Bầy rắn đã cắn tôi, họ nghĩ vậy.

Lúc này, một số người lớn tuổi hơn đã cưỡi ngựa đến. “Tránh sang một bên!” Ông nội tôi ra lệnh khi lũ rắn đã được gạt ra khỏi đường. Ông là một người cao lớn, giống như con trai mình, với bộ râu dài màu trắng: từ dáng người lực lưỡng của ông, ta có thể biết rằng ông từng là một đô vật nổi tiếng. Nhíu mày, ông cúi mặt xuống tôi và tuyên bố: “Nó vẫn đang thở.”

Về nhà, ông tôi cho mời pháp sư. “Chúng ta nên cầu nguyện và để ông ta khám cho con bé.” Tôn giáo của chúng tôi pha trộn giữa thờ phụng thiên nhiên và truyền thống đa thần với những nền tảng của Hồi giáo. Vài phút sau, một người đàn ông tóc bạc đội mũ da cáo, mặc áo khoác nhung dài thêu những họa tiết con vật xuất hiện ở ngưỡng cửa lều chúng tôi, nơi chúng tôi treo xương động vật để xua đuổi tà ma. Ông ta nhìn vào đôi mắt lấp lánh của tôi, sờ làn da nhợt nhạt trên má tôi, rồi trấn an mọi người chung quanh đang lo lắng, “Bầy rắn đã không chạm vào nó.” Tuy nhiên, để bảo vệ khỏi bất kì nguy hiểm nào khả dĩ, cha mẹ và các anh chị tôi đã phải thanh lọc căn phòng bằng cách đốt cây vân hương dại để xông. Cha tôi nói: “Đây là lần thứ hai chúng ta nghĩ nó đã chết, nhưng lần nào nó cũng chỉ ngủ say.”

Sau đó, cha mẹ tôi càng tin tưởng hơn bao giờ hết rằng tôi là điềm may mắn. Mỗi năm trôi qua sau khi tôi sinh ra, điều kiện sống ở những cộng đồng nông dân vô cùng nghèo khó đã được cải thiện. Chiến dịch “Phá tứ cựu” của Mao - “tư duy cũ”, “văn hóa cũ”, “thói quen cũ” và “phong tục cũ” - dường như đã kết thúc. Tập thể hóa cưỡng bức, quản lí yếu kém và tước bỏ tư hữu đã bị bỏ lại phía sau lưng. Mọi người được phép làm việc và canh tác đất đai của họ một cách độc lập. Thu nhập được cải thiện, các quyền tự do phát triển mạnh và sự thay đổi đang diễn ra.

Tôi được ba tuổi khi Đảng Cộng sản dưới thời Đặng Tiểu Bình bắt đầu tự do hóa nền kinh tế, đưa ra cái mà họ gọi là “chương trình cải tổ và mở cửa” - mặc dù trong thâm tâm họ vẫn kiên định chuyên chế. “Bạn vẫn phải mở cửa sổ kể cả sẽ có vài con ruồi bay vào,” người kế nhiệm Mao nói với những kẻ chỉ trích.



Biến dân du mục thành dân làng

Năm 1981, chúng tôi và khoảng 150 gia đình khác đến định cư ở chân núi Thiên Sơn và lập nên ngôi làng Aheyazi, thuộc quận Mongolküre (tiếng Trung Quốc là Chiêu Tô). Ngôi làng thơ mộng nằm giữa hai con sông xanh biếc như ngọc bích, một con suối róc rách cung cấp nguồn nước trong như pha lê đổ thẳng từ những ngọn núi. Đấy là nơi chúng tôi lấy nước uống, dùng xô xách về nhà. Phụ nữ giặt giũ ở phía sau cây cầu bắc qua sông, gia súc được chăn thả trên thảo nguyên rộng lớn, chúng tôi tích trữ lương thực cho người và thức ăn cho gia súc trong các chuồng trại.

Vừa lắp xong tấm lợp cuối cùng màu đen và lấp lánh như những con đường lên nóc ngôi nhà gỗ của chúng tôi, cha tôi đã kêu gọi dân làng cùng nhau xây dựng một trường học. Ông là nhân vật được kính trọng trong cộng đồng, bởi lẽ ông là người ngay thẳng, kín đáo và kiên nhẫn, đã làm hết sức để hỗ trợ không chỉ gia đình mình mà còn mọi người trong làng. Là một người nổi bật và lại là phó hiệu trưởng, chẳng bao lâu ông được mời tham dự những sự kiện giáo dục ở các khu vực và thị trấn xung quanh. Khi cha tôi đi công tác, mẹ tôi phải tự lo liệu việc nhà, chuồng trại, gia súc và bất kì công việc phát sinh nào khác. Khéo léo và có tổ chức, bà đã xử lí mọi việc thật tự tin, kể cả với bầy con nhỏ nhốn nháo bên chân.

Mặc dù có một bầy con đang lớn, nhưng căn nhà ba buồng của cha mẹ tôi rất nhỏ. Cha mẹ tôi ngủ ở một phòng, ông nội góa bụa của tôi ở một phòng, và bầy con ở phòng còn lại. Ba đứa con trai ngủ ở dãy đầu tiên, tiếp theo là hai dãy cho sáu đứa con gái. Việc đầu tiên chúng tôi làm khi thức dậy vào buổi sáng là cuộn những chiếc nệm len của mình lại và cất chúng bên cạnh những chiếc rương và hộp ở một góc. Một điều được coi như hiển nhiên là những đứa trẻ nhỏ sẽ mặc quần áo cũ của những đứa đã lớn lên, thế nên mẹ tôi thường xuyên bận bịu để cắt ngắn hoặc nới rộng quần hoặc váy của chúng tôi.

Đêm khuya ta có thể nghe thấy âm thanh ngân nga vui nhộn của tiếng hát và tiếng cười vọng ra từ khung cửa các nhà trong làng. Chúng tôi luôn có rất nhiều việc để làm. Những cô, dì, chú, bác họ hàng và bạn bè sẽ lui tới thăm viếng mọi ngôi nhà, hào phóng đem tới nhiều thực phẩm. Luôn có thức ăn ngon, nhiều lí do để ăn mừng và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ đang ngày càng trở thành cái gai trong mắt Bắc Kinh.

Vào một trong những ngày ấy, chúng tôi ở trong lều, vô cùng náo nức đón chờ những vị khách từ thành phố đến chơi. Tôi và em trai Sawulet, nhỏ hơn tôi một tuổi, nhảy cẫng lên vì vui sướng vì họ thường mang những món quà nhỏ cho bọn trẻ chúng tôi. Phấn khởi, chúng tôi được cho mấy chai nước ngọt.

Sau khi uống hết, Sawulet và tôi - lúc bấy giờ bốn và năm tuổi - mặc bộ quần áo vải bông chạy lên ngọn đồi phía sau chiếc lều nhà chúng tôi về phía sông Ahesu. Chúng tôi muốn chơi trên bờ. Khi chúng tôi đổ đầy nước vào chai, cái chai của tôi đột ngột tuột khỏi tay. Tôi cố gắng chụp nó lại, bước vội vài bước xuống nước, nhưng vấp ngã và bị dòng nước mạnh cuốn trôi.

Loạng choạng, tôi cố quay lại bờ, nhưng dòng nước mạnh dần lên, và cách đó không xa có một thác nước - với một vách nước dựng đứng đổ xuống ầm ầm. Nếu rơi xuống đó, tôi sẽ chết đuối! Tôi nghĩ vậy. Trong lúc hoảng loạn, tôi chụp lấy đám cây cỏ ven bờ, nhưng chúng toác ra từng mảng, thế nên tôi cố chụp lấy đám cây tiếp theo. Em trai tôi vừa chạy vừa la hét dọc theo bờ sông, chụm cả hai tay lên miệng: “Ra khỏi đó đi, Sari May!”

Người trong nhà thường trìu mến gọi tôi là “Sari May” (nghĩa là bơ) vì da của tôi có màu nhạt như bơ. Con sông càng kéo tôi về phía thác nước, thì em tôi càng tuyệt vọng. “Sari May, quay lại đây! Em sẽ không bao giờ chọc ghẹo chị nữa!” Nhưng tôi không tài nào lên được. Bộ quần áo ướt sũng đang kéo tôi xuống. Tôi bị uống nước và sặc. “Sari May, lên đây, em sẽ cho chị chơi chung mọi thứ!”

Không giống như năm chị em gái của tôi, em trai tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, và đánh nhau với tôi là một trong những trò yêu thích của nó. “Sari May!” Nó kêu lên, “chị có thể chơi đồ chơi của em!” Một lúc sau, nó nhận ra rằng những lời của mình chẳng giúp ích gì, thế nên nó đã dồn hết sức vào đôi chân ngắn cũn của mình chạy băng qua đồi quay về lều để tìm trợ giúp. Bấy giờ, tôi đã bám được vào một cây bạc hà lớn ở rìa sông, lần này rễ nó đã đủ chắc để giữ trọng lượng cơ thể tôi. Thở hổn hển, tôi cố trườn bụng lên bờ sỏi.

Đúng lúc đó, tôi thấy gia đình mình và những vị khách đang lao ra phía tôi, cử chỉ cuống cuồng. Dẫn đầu là cha mẹ tôi, tóc mẹ tôi đen bóng như tóc con gái bà, nhưng được che bên dưới một chiếc khăn trùm đầu buộc lỏng. “Sayragul!” Cả hai hét lên, ôm chầm lấy tôi mặc dù tôi ướt sũng.

Trở về lều, mẹ thay quần áo khô cho tôi và đặt tôi trước bếp củi. Các anh chị em tôi nhìn tôi với ánh mắt sa sầm, buộc tội trong khi cha tôi mắng mỏ. “Đã bao nhiêu lần bố mẹ cảnh báo con không được lội xuống sông? Con không được chơi ở đó! Sao con cố với cái chai làm gì? Thật ngốc nghếch!”

Nhưng ngay cả trong những lần tức giận hiếm hoi, ông cũng không bao giờ mất bình tĩnh hoặc quá cao giọng. Khi trấn tĩnh trở lại, ông đặt bàn tay to lớn và ấm áp lên vai tôi. “Hãy tự chăm sóc bản thân tốt hơn, con gái! Con mới được năm tuổi và hôm nay là lần thứ ba con phải đối mặt với tử thần.” Mẹ tôi chắp tay, thoáng nhìn lên trời và nói: “Tạ ơn Người!”

Cha mẹ chúng tôi tuy nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương. Họ không bao giờ đánh chúng tôi. Mà cũng không nhất thiết phải làm thế: các bậc cha mẹ luôn được kính trọng trong cộng đồng chúng tôi. Khi cha mẹ nói, con cái phải im lặng lắng nghe. Mẹ tôi hầu như không phải ra hiệu bằng tay để chúng tôi phải chú ý...

Tôi chưa bao giờ nghe thấy cha mẹ mình cãi nhau to tiếng. Nếu anh em tôi đánh nhau, tất cả những gì mẹ tôi phải nói là: Các con phải ngoan, nếu không mẹ sẽ mách bố, và lập tức trong phòng sẽ im lặng. Bà luôn khuyên chúng tôi nên quan tâm đến cha mình và hạn chế làm ồn khi ông đang cố thư giãn sau một ngày làm việc vất vả.

Tuy nhiên, người có quyền lực cao nhất trong một gia đình Kazakhstan là aksakal: ông râu trắng. Bất cứ khi nào cần đưa ra một quyết định quan trọng, cha mẹ tôi đều hỏi ông tôi để xin lời khuyên. Ông ngồi ở vị trí danh dự trong các bữa tiệc gia đình, và luôn được mời miếng thịt ngon nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét