Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Nhân chứng chính (002b)

 


Không được nói dối!

Bất cứ khi nào cưỡi ngựa về nhà sau chuyến đi thăm làng bên, ông tôi đều mang về những viên đường nhỏ bọc trong một miếng vải để ở túi xách. Ngay khi lũ trẻ chúng tôi thấy ông - một dấu chấm trên đồng cỏ rộng - chúng tôi lập tức chạy ra đón ông.

Ông tôi là người mộ đạo, đã dạy anh chị em chúng tôi luật lệ của đạo Hồi. Về bản chất, chúng không khác gì Mười điều răn trong Kinh Thánh. “Không trộm cắp, không giết người, phải đối xử với người khác như ta muốn người khác đối xử y hệt với ta.” Trong lúc chị cả tôi rót trà còn tôi đưa ông miếng bánh mì dẹt, một nụ cười sẽ tỏa sáng trên khuôn mặt đã rám vì nắng gió với hàng ngàn nếp nhăn li ti quanh khóe mắt ông như những tia nắng. “Các con, ông muốn các con luôn đối xử tử tế với mọi người! Một người Hồi giáo mộ đạo không bao giờ làm hại người khác.”

Người Kazakhstan không phân chia nam nữ trong các buồng khác nhau. Chúng tôi ăn uống và dự tiệc cùng nhau, giống như người phương Tây. Hình thức Hồi giáo của chúng tôi rất ôn hòa. Những phụ nữ lớn tuổi đội khăn trùm đầu màu trắng truyền thống qua nhiều thế kỉ, chúng được thêu tay với những họa tiết tỉ mỉ phức tạp. Bạn không bao giờ thấy tấm mạng dài màu đen che mặt và tất nhiên cũng không có tấm trùm burka như thường thấy ở các phụ nữ Hồi giáo Ả Rập và một số nơi khác ở Trung Đông. Năm 2020, dưới thời “vị giáo chủ nhiệt tâm” Tập Cận Bình, như Đảng thích gọi tổng bí thư của họ là vậy, thậm chí chiếc khăn thêu trùm đầu ấy cũng bị cấm.

Mặc dù ông tôi cầu nguyện 5 lần một ngày và đến đền thờ Hồi giáo, nhưng ông không bao giờ ép buộc các cháu mình làm thế. Tôi cũng chưa bao giờ thấy cha mẹ tôi cầu nguyện như vậy. Sau khi dùng bữa, tất cả chúng tôi cùng nắm tay cầu chúc an lành may mắn cho gia đình, cho những vị khách hay cho nhân loại nói chung. Đôi khi đơn thuần chúng tôi chỉ nói: “Tạ ơn Thượng đế.”

Ngay từ hồi còn rất nhỏ tôi đã mong muốn được sống như điều mà cha mẹ và ông tôi đã kì vọng vào tôi. Tôi đã cố đối xử với người khác thật cân nhắc và tôn trọng. Cha tôi thường xuyên hài lòng về tôi. Ông cười và tự hào nói: “Nó là con gái tôi, nó cũng giống như tôi!”

Tôi thuờng chạy khắp nơi trong trang phục của một cậu bé, mặc quần dài và đi ủng da. Bím tóc của tôi dài đến đầu gối. Váy dài chỉ làm cản trở việc chạy nhảy và cưỡi ngựa. Tôi luôn bận bịu giúp đỡ cha mình, nhặt gỗ hoặc chăn cừu. Khi lớn hơn một chút, thậm chí tôi còn được phép lái chiếc máy kéo mới mua gần đây của chúng tôi.

Cha mẹ thường khen tôi chăm chỉ như các chị tôi. “Nhìn Sayragul kìa, nó thật tự lập!” Mỗi lời khen ngợi đều khích lệ tôi trở nên gương mẫu hơn nữa. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng được như thế. Năm lên 7 tuổi tôi là lớp trưởng của lớp Hai, một ngày nọ giáo viên chủ nhiệm yêu cầu tôi trông lớp cả buổi vì ông bận tổ chức đám cưới cho con trai mình. “Hãy giữ cho các bạn trong lớp trật tự và không có bất kì trò nghịch ngợm nào.”

Nhưng việc ngồi yên là một hình phạt đối với các bạn nhỏ của tôi, và chẳng mấy chốc họ bắt đầu lên tiếng. “Chúng ta không thể ngồi đây cả ngày được,” một cậu bé nhỏ nhắn có những lọn tóc xoăn đen nhánh phản đối. “Vậy chúng ta nên làm gì?” Tôi hỏi. Mọi người quyết định làm một quả bóng bằng vải, nhét hạt bên trong và chơi trong lớp học. Đề xuất có vẻ hợp lí, dẫu sao tôi cũng không có nhiều lựa chọn, thế nên tôi đồng ý.

Trong vòng ít phút, quả bóng được ném từ tay này sang tay khác, cuối cùng rơi xuống trước mặt tôi trên bàn giáo viên. Chuẩn bị cho một cú ném mạnh, tôi cố nhắm đến một bạn gái ở cuối lớp và lấy hết sức để ném. Thật không may, tôi đã nhắm trượt và quả bóng đập vào cửa sổ phía sau bạn ấy làm kính vỡ tan tành thành nhiều mảnh vụn. Tôi đứng đó như mọc rễ tại chỗ. Lúc ấy đang là mùa đông, 15 độ âm, và cái lạnh lập tức ngấm vào tận xương chúng tôi.

Khi bọn trẻ thấy tôi từ từ quỵ xuống thành một đống nhỏ xíu khốn khổ trên sàn, chúng đã cố an ủi tôi. “Đó thật sự là lỗi của bọn tớ. Rốt cuộc thì đó là ý tưởng của bọn tớ.” Để bảo vệ tôi khỏi bị phạt, chúng quyết định đổ lỗi cho một nghi phạm thông thường: một cậu bé luôn gây rắc rối. Sau đó, chúng tôi dùng những mảnh quần áo của mình để bịt cái lỗ lại.

Thông thường, những đứa trẻ khác tìm đến mẹ khi chúng gặp vấn đề, bất bình hoặc bày tỏ điều chúng muốn. Tôi là đứa duy nhất trong nhà tìm đến cha tôi trước. “Hôm nay con đã làm một việc xấu,” tôi thú thật với cha, ôm khuôn mặt đẫm nước mắt trong hai bàn tay. Vuốt bộ râu xoăn của mình một cách trầm ngâm, ông tuyên bố chỉ có sự thật mới giúp tôi thoát được tình trạng khó khăn.

Tôi đã lăn qua lăn lại trằn trọc cả đêm. Sáng hôm sau, thầy giáo hỏi hết đứa này đến đứa khác: “Ai đã làm?” Tất cả đều lắc đầu. “Không phải em mà là bạn đó...” Họ chỉ vào tên hề của lớp, người đã thành khẩn nhận hết mọi lỗi lầm. Đến lượt tôi. “Đó là lỗi của em!” Tôi ứa nước mắt thốt lên.

Do thái độ ân hận của tôi quá rõ ràng, thầy giáo đã nguôi giận. “Thầy sẽ không phạt em, vì em rất trung thực. Tuy nhiên, các bạn còn lại đều nói dối, vì vậy các bạn đáng bị phạt.” Tất cả các học sinh khác phải mang một khoản tiền nhỏ vào ngày hôm sau để đóng góp thay kính cửa sổ.

Sau giờ học, bọn trẻ vây quanh tôi ở bên ngoài. Chúng tức giận vì những gì tôi đã làm và cảm thấy bị phản bội vì tôi đã không đứng về phe họ. “Sao bạn làm vậy? Bọn tớ đã cố giúp bạn. Đồ phản bội!” Nhưng tôi có thể làm gì khác chứ? Cha mẹ tôi đã khắc sâu vào đầu tôi rằng nói dối là một tội lỗi khủng khiếp. Và Thượng đế luôn dõi theo.

Tình huống rất khó xử đối với tôi. Tuy nhiên, ở nhà cha tôi hài lòng gật gù. “Con đã làm tốt. Rồi con sẽ thấy, rốt cuộc các bạn con cũng sẽ hiểu, đừng lo lắng nữa.” Dẫu thế, tôi đã phải khóc hàng năm trời cho đến khi tôi bình tâm lại.



Môi trường khắc nghiệt

Chúng tôi chỉ có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này bởi lẽ cộng đồng gắn bó với nhau. Người trẻ và người già sống gần gũi, giúp đỡ và nương tựa vào nhau. Các bậc ông bà đã đúc kết kinh nghiệm hàng chục năm về khí hậu, chăn nuôi và trồng trọt. Không như hầu hết các gia đình Kazakhstan, dưới mái nhà của chúng tôi, con trai không được đối xử ưu đãi hơn con gái. Chúng tôi cảm thấy bình đẳng và được tôn trọng.

Tôi sống hòa thuận với các chị em mình. Đặc biệt, chị cả là tấm gương lớn để noi theo. Chị khôn ngoan thận trọng như cha tôi. Chị còn là một học sinh giỏi, rất thông minh, và không bao giờ phàn nàn, giống như mẹ tôi. Tôi và các anh chị em khác đều ghen tị với lối chị viết các chữ Ả Rập lên giấy bằng nét chữ tỉ mỉ của chị.

Tôi cũng muốn mình gọn gàng và xinh đẹp như chị, thế nên tôi đã dành thật nhiều thời gian có thể để quanh quẩn bên chị, giúp chị làm việc nhà. Có rất nhiều việc để làm. Nấu ăn, vá các chỗ rách trên quần áo của chúng tôi, dọn dẹp, chăm nom gia súc, giặt quần áo ngoài sông...

Chúng tôi thường được nghe đi nghe lại bài phát biểu cũ rích khi có khách đến chơi và ăn uống bên bếp nhà chúng tôi. “Cho bọn con trai đi học và để bọn con gái làm việc nhà. Sao lại cho chúng đi học làm gì? Chúng sẽ lấy chồng rồi sẽ chăm sóc việc nhà.” Vì phép lịch sự, cha mẹ tôi thường làm thinh.

Nhưng sau khi khách ra về, họ vội vàng trấn an sáu chị em chúng tôi. “Người ta có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng chúng ta nhìn nhận mọi thứ theo cách của chúng ta.” Cha tôi nghiêm túc nhìn vào những khuôn mặt tròn và đôi mắt hẹp của chúng tôi. “Các con cũng cần được dạy dỗ tốt như các anh em trai.”

Và quả thật, sau này tất cả các anh chị em chúng tôi đều tốt nghiệp đại học.



Lễ hội

Từ hồi còn là một đứa trẻ, tôi đã thích nhảy múa, viết lách và ca hát. Đặc biệt tôi từng mong đợi khi những cánh đồng cỏ chuyển sang màu tím và hồng, những bông nghệ tây nở rộ, và chúng tôi tổ chức lễ đón năm mới và mùa xuân (lễ hội được gọi là Nauryz) từ ngày 21 đến 22/3. Tất cả dân làng bắt đầu chuẩn bị được thêm một tuổi.

Trong rừng và trên đồng cỏ lũ trẻ sẽ săn lùng những chiếc lông chim lộng lẫy, bắt mắt và những chiếc răng thú để trang trí cho mũ của chúng tôi. Nếu không thể tìm thấy thứ gì, ai đó sẽ cho bạn hoặc bạn có thể mua chúng từ một người bán.

Phụ nữ trang trí nhà cửa bằng hoa và vòng hoa. Họ lau chùi mọi thứ cho đến khi chúng lấp lánh, chuẩn bị một món súp đặc biệt với bảy phụ liệu khác nhau, gửi lời chúc mừng đến những vị khách của họ nhân dịp xuân về. Ngày hôm sau, tất cả chúng tôi sẽ cùng ăn mừng, bất kể già trẻ, giàu nghèo, ngoài đồng cỏ lớn ở bìa làng. Có âm nhạc, khiêu vũ và lửa trại.

Đàn ông và phụ nữ thể hiện kĩ năng của họ bằng cung tên và trên lưng ngựa. Ba anh em trai của tôi, cùng với những cậu bé khác, đã cho thấy họ giỏi môn đấu vật như thế nào. Và các thiếu nữ chúng tôi đã tập luyện các điệu nhảy ở trường, lập nhóm và hát hò. Những bím tóc đen dài đến đầu gối của chúng tôi được búi lên đỉnh đầu và cài bằng kẹp.

Tất cả dân làng đều mặc trang phục truyền thống đẹp và đầy màu sắc. Tôi xoay xoay người trong bộ áo váy truyền thống thêu hoa đắt tiền mà mẹ tôi đã may cho tôi, cho đến khi tôi chóng mặt vì cười vui, những chiếc lông chim đại bàng nhấp nhô trên đầu. Cùng với Lễ tế thần và Lễ hội kết thúc mùa chay vào cuối tháng Ramadan, ba sự kiện lớn này đại diện cho đỉnh cao của lịch Hồi giáo.

Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả các lễ hội truyền thống và tôn giáo của chúng tôi. Thay vào đó, họ buộc chúng tôi phải tổ chức các lễ hội của Trung Quốc, kể cả Tết năm mới của họ. Chúng tôi phải trang trí nhà cửa theo phong cách Trung Quốc, mặc dù hình ảnh của họ trông thật khó chịu và đáng sợ đối với chúng tôi, kết hợp trong những bộ mặt ma quỷ, xấu xí, nhăn nhó. Bất cứ ai từ chối đều bị coi là kẻ cực đoan và bị bắt nhốt.



Cách mạng văn hóa: phủ bóng tối lên tâm hồn

Cuối ngày làm việc, những người lớn tuổi thích tụ tập quanh ông tôi trên tấm thảm len được trang trí sặc sỡ ở nhà chúng tôi trong khi các anh chị em chúng tôi ngồi khoanh chân gần cửa và lắng nghe. Nếu họ nói chuyện về cuộc nổi dậy chống lại người Trung Quốc, họ bảo chúng tôi ra chỗ khác chơi vì những câu chuyện đó không dành cho trẻ em.

Cũng như những “ông râu trắng” khác, ông tôi từng là một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Vào những năm 1930-1940, những người dân quê chúng tôi trong một thời gian ngắn đã đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc. Ông tôi đã ở đó khi chính phủ độc lập được thành lập ở Đông Turkestan, nơi mà người Kazakhstan đã sống trong nhiều thế kỉ ở vùng đông bắc. Ngày nay, chúng tôi thậm chí không được phép đề cập đến tên của những người nổi dậy trước đây, chứ đừng nói đến việc thảo luận về cuộc nổi dậy.

Dân bản địa ở Đông Turkestan đã luôn nổi dậy dưới ách thống trị của người Trung Quốc, cố thoát khỏi nó bằng vũ lực. Các lực lượng chiếm đóng Trung Quốc đã dập tắt các cuộc phản kháng này bằng vũ lực thô bạo, hành quyết tù nhân, khoét mắt hoặc lột tóc họ, những hành động mà ông bà và cha mẹ tôi đã tận mắt chứng kiến. Để xoa dịu tình hình, trong bối cảnh Trung Quốc lúc đó suy yếu vì đói khổ, Mao không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trao quyền tự trị cho người Hồi giáo vào năm 1955.

Trong nhiều thế kỉ, cánh đàn ông trong gia đình tôi thuộc về cấp trên trong thị tộc chúng tôi. May thay, chúng tôi chưa bao giờ giàu có, thế nên ông bà tôi đã xoay xở để sống sót qua cuộc Cách mạng Văn hóa đã bắt đầu ở đây từ rất lâu trước năm 1966 - kể cả khi nó được mô tả khác trong sử sách - và kéo dài cho đến năm 1976. Hồng vệ binh buộc người dân địa phương phải giao nộp cừu, bò và ngựa của họ cho chính phủ, đổi lại hứa hẹn sẽ thành lập một trang trại lớn cho mọi người. Sau khi gia súc bị tịch thu, đơn giản là ĐCSTQ thôn tính luôn toàn bộ tài sản còn lại của họ, và không bao giờ thực hiện lời hứa của mình. Đến thời điểm này, những người thân của tôi chẳng còn gì để mất ngoài mạng sống của họ, theo đúng nghĩa chân thực nhất của từ này.

Đến năm 1962, nạn đói diện rộng lớn nhất lịch sử Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40 triệu người. Nhưng Mao đổ lỗi cho Liên Xô, vốn được cho là đã đẩy cả nước này đến bờ vực bằng cách buộc Trung Quốc phải trả nợ quá gấp rút. Mưu đồ thành công và mọi người hướng sự tức giận của họ vào chỗ khác.

“Mỗi hộ gia đình phải treo một bức chân dung lớn của Mao,” ông tôi nhớ lại, nét mặt sa sầm. “Ba lần một ngày phải đứng trước ảnh Mao và cầu nguyện như một vị thánh.” Ngay cả đến giờ ăn, các gia đình cũng phải hướng về tấm ảnh đầy yêu thương. Những lời của Hồng vệ binh được rao giảng không ngừng, hiện lên trong đầu cha tôi: “Chúng ta sẽ tiêu diệt hệ thống tư bản.” Đó là lúc mà công cuộc cào bằng vĩ đại bắt đầu. Sẽ không còn sự khác biệt nào giữa mọi người: không ai có thể sở hữu nhiều hơn bất cứ ai. Tất nhiên, đối với giai cấp đặc quyền như Mao, các quy tắc khác được áp dụng.

“Phải,” ông tôi đồng ý đầy chỉ trích, lắc lư qua lại nửa người trên của mình. “Sau đó họ bắt đầu chơi trò đấu tố: tất cả chúng ta phải tố cáo bạn bè hay hàng xóm là thành phần tư sản càng nhiều càng tốt.”

“Đó là một thời kì tồi tệ,” cha tôi nói thêm. “Rất nhiều người đã tham gia, bởi vì nó có lợi cho họ.” Có thể nhận ra họ qua chiếc băng đeo tay màu đỏ và giọng điệu của họ về gián điệp của kẻ thù “được phương Tây mua chuộc”. Và bằng những cuộc diễu hành chiến thắng mà họ kéo lê xác chết của những nạn nhân trên đường phố.

Sự thống trị của khủng bố phủ bóng đen lên tâm hồn của tất cả những người sống sót, khiến họ thường xuyên sợ hãi. Gia đình tôi hiếm khi nói về quá khứ của chính mình vì e ngại đánh thức những bóng ma cũ, mặc dù chúng tôi gặp may mắn là khoảng thời gian ngay sau khi tôi sinh ra là thời kì tự do nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nếu chúng tôi lên tiếng, Đảng sẽ trừng phạt cả gia đình vì những tư tưởng thù địch, họ suy nghĩ lo lắng. Sự ngờ vực đã bén rễ sâu vào bên trong họ.

Bất chấp sự thận trọng của họ, từ hồi còn nhỏ chúng tôi đã hiểu rằng người Trung Quốc là những người nguy hiểm. Và chính người Trung Quốc sẽ sớm nhắc nhở chúng ta về điều đó mỗi ngày. Ngôi làng của chúng tôi không chỉ là quê hương của người Kazakhstan mà còn có một số người Duy Ngô Nhĩ, Kyrgyzstan và cả người Dungan Trung Quốc theo đạo Hồi, những người nói một dạng tiếng Quan thoại. Tuy nhiên, mọi người trong làng đều thông thạo tiếng Kazakhstan, và không có định kiến: chúng tôi là một cộng đồng. Thậm chí tôi còn chưa từng gặp trực tiếp một người Trung Quốc bao giờ.

“Mảnh đất này là nơi chúng ta bén rễ.” Đó là những gì chúng tôi đã học được. Bạn phải nhớ nằm lòng bảy thế hệ trong gia đình mình, kể cả tên và nơi sinh; bằng không thì bạn là trẻ mồ côi hoặc không phải là người Kazakhstan thật sự. Các anh chị em chúng tôi tự hào rằng chúng tôi có thể đọc đúng tên của ông nội, ông cố của chúng tôi và bốn thế hệ liên tiếp trước đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét