Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Nhân chứng chính (002d)


1993-1997: những năm sinh viên của tôi


Chúng tôi càng lớn cha mẹ chúng tôi càng lo lắng. Mỗi năm, từng đứa chúng tôi tốt nghiệp đại học và sẽ chuyển đến một thành phố khác. Nhưng làm thế nào cha mẹ chúng tôi trả được tiền cho chuyện đó? Ai sẽ chăm sóc các con gái của họ ở những thành phố lớn, nơi đầy cạm bẫy tội lỗi và thịnh hành luật rừng? Nơi bỗng nhiên mọi thứ chỉ xoay quanh tiền bạc và lòng tham? Cả nước đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, đánh bay mọi giá trị cũ. Điều đó quá sức đối với những người lớn tuổi, nhất là khi lối sống mới này đã đến với chính ngôi làng của họ.

“Em cần thường xuyên để mắt tới các con gái của em,” cha bảo với mẹ. Không cần phải bảo vì mẹ lúc nào cũng nhắc nhở. “Hãy cẩn thận, các con không được có bước đi sai lầm,” bà nhấn mạnh với chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ dám làm bất cứ điều gì trái với đạo đức, có thể hủy hoại danh dự gia đình. Thậm chí trong đầu tôi cũng không bao giờ thoáng qua một ý nghĩ tội lỗi. Tôi hoàn toàn không thấy hứng thú gì với bọn con trai. Sự nghiệp là tất cả những gì quan trọng đối với tôi. Tôi muốn cha mẹ có thêm lí do để tự hào về tôi và tôi biết sau này mình có thể hỗ trợ họ tốt hơn trong cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông với điểm số cao nhất, tôi là người duy nhất trong lớp đạt được một suất vào trường đại học ở Ili. Thay vì phân tôi học Tây y, giới chức trách đã cho tôi học y học cổ truyền Trung Quốc. Khi cha tôi đưa tôi đến đó để nhập học, người Hồi giáo không khó khăn gì kiếm được một suất vào trường đại học. Một số người đứng đầu sở giáo dục là người bản địa, và thành phố gồm 90% người Kazakhstan. Ngày nay, người Trung Quốc đã biến chúng tôi thành thiểu số trên chính mảnh đất của mình.

Năm 17 tuổi tôi bắt đầu chuyến hành trình một mình dài 600km đến Ili xa xôi. Như trong chuyến thăm đầu tiên của mình, qua cửa sổ xe buýt tôi nhìn lên các tòa nhà cao tầng, ngắm những quán trà truyền thống tập trung bên dưới chúng, những phụ nữ đưa cho khách qua đường vội vã món mì làm thủ công hấp trong những chiếc thố. Những tấm biển hiệu trang trí công phu treo khắp trên các con phố và cửa hàng, dòng chữ lớn “Chào mừng” bằng tiếng Kazakhstan, trong khi dòng chữ tương tự bằng tiếng Trung nhỏ hơn được in bên dưới. Ngày nay, chỉ có bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Tiếng của chúng tôi đã bị xóa hoàn toàn.

Trong vài tháng đầu tiên ấy, tôi thấy cuộc sống đô thị thật khó khăn: đường phố đông đúc, ồn ào, không thân thuộc. Tôi là một cô gái giản dị đến từ nông thôn trong số 6.000 sinh viên, 30% đội ngũ giảng viên là người Trung Quốc so với con số 70%. Đêm xuống, ngủ cùng phòng với 8 cô gái lạ trên giường tầng, tôi cảm thấy rất xa làng quê và cha mẹ mình. Những cô gái giường tầng trên và bên cạnh tôi là người Trung Quốc.

Tôi nhớ nhà, cảm thấy cồn cào trong bụng. Tôi bồi hồi nghĩ về những rặng núi, về mùi cây vân hương dại trong nhà chúng tôi và trên lưng ngựa. Ngựa rất có ý nghĩa đối với người Kazakhstan: riêng trong ngôn ngữ của chúng tôi có đến 50 từ để chỉ màu lông và dấu hiệu của chúng. Trước chiếc điện thoại quay số duy nhất của tòa nhà luôn có một hàng người dài, vì vậy tôi thường viết thư, thận trọng để nước mắt không làm nhòe nét chữ. “Con nhớ mọi người nhiều...”

Các kí túc xá sinh viên tựa như một vũ trụ tí hon đối với chính họ, một cửa hiệu và một nhà hàng. Không khí cạnh tranh gay gắt. Nếu bạn là một người bản địa muốn vươn lên, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc học tiếng Trung. Một số sinh viên Hồi giáo phàn nàn bằng một giọng nghẹn ngào. “Tại sao chúng ta phải học ngoại ngữ? Người Trung Quốc nên học tiếng Kazakhstan!”

Ở trường đại học không thể né tránh người nước ngoài, như chúng tôi từng làm ở làng. Ngay từ ban đầu, sự thiếu tin tưởng giữa chúng tôi đã như một bức tường ngăn cách. Trước mặt các sinh viên Trung Quốc, chúng tôi để ý từng lời của mình, nhưng dù sao họ cũng chưa bao giờ nói chuyện với chúng tôi nhiều. Thảo luận công khai là điều cấm kị. Thậm chí những lời chỉ trích nhẹ nhàng về cách tiếp cận độc đoán của Bắc Kinh cũng thường vấp phải thái độ ngạo mạn. “Các bạn chỉ đố kị vì Trung Quốc quá thành công!” Chúng tôi luôn cảm thấy như họ đang theo dõi chúng tôi, vì vậy hầu như chúng tôi rất kín tiếng.

Điều đó nói lên rằng, tôi biết họ không phải là quái vật. Họ cũng là những người bình thường với những mối quan tâm bình thường. “Cách tốt nhất để kiếm sống là gì? Làm thế nào có thể giảm bớt một số gánh nặng tài chính cho cha mẹ? Làm thế nào để đạt điểm cao?”

Nếu đạt điểm cao trong các môn thi của mình ở nhóm A, bạn đã đạt điểm và nhận được hỗ trợ tài chính và trợ cấp của nhà nước. Đôi khi, bạn cũng được tặng phiếu mua thực phẩm. Tôi không bao giờ bị đói, vì tôi đã kiếm được rất nhiều điểm. Chẳng bao lâu, tôi không chỉ là người trẻ nhất mà còn là người giỏi nhất trong khóa học của mình.

Khi sự cô đơn khiến tôi cảm thấy quá nặng nề, cuối tuần tôi bắt xe buýt để đến thăm chị tôi đang học đại học ở thành phố kế bên. Chúng tôi an ủi nhau. Chẳng bao lâu sau, em trai Sawulet cũng đi học xa cùng chúng tôi. Cậu ấy đã đăng kí học ngành kĩ thuật cơ khí. Trong năm đầu tiên đó, mẹ đã đến thăm chúng tôi hai tháng một lần, vì nếu mua vé về thăm nhà thì quá đắt đối với ba chúng tôi. Chúng tôi từng sốt ruột chờ bà mỗi lần, đi qua đi lại loanh quanh ở lối vào tầng trệt. Bà mang theo tình yêu, ngoài ra còn có một ít tiền và một vài món ăn truyền thống nhà nấu - thực tế là rất nhiều. Về nhà, cha tôi thở dài ngao ngán mỗi khi nhìn thấy bà với đống túi xách được đóng gói, thế nên bà đề nghị lần sau ông sẽ đi thăm chúng tôi.

Tôi sớm làm quen với cuộc sống mới, và may mắn có được một người bạn thân nhất trong số những cô gái Kazakhstan: Gulina. (Tôi đã đổi tên để bảo vệ cô ấy.) Không giống tôi, cô ấy cao, mái tóc dài nhạt màu, nhưng tính cách chúng tôi có những nét giống nhau. Chúng tôi thân nhau như chị em. Cả hai luôn cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của mình, có tham vọng, không ngừng phấn đấu và quyết tâm đạt được mục tiêu một cách thành công trước khi chuyển sang mục tiêu khác... theo nghĩa đó, cả hai chúng tôi đều là những người Trung Quốc điển hình.

Tuy nhiên, hạnh phúc luôn đi trước chúng ta một bước.



Mao tái sinh


Bất kể bạn đang ở rạp chiếu phim hay tham dự một sự kiện văn hóa nào đó: đột nhiên, Đảng có mặt ở khắp mọi nơi, khoe khoang về những điều vĩ đại được cho là Mao đã thực hiện để xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Chủ yếu họ nói về lí tưởng và thái độ sẵn sàng hi sinh của mọi người - họ làm thinh về nỗi kinh hoàng và sợ hãi mà ông ta để lại sau lưng. Tôi đã nghi ngờ, mặc dù tôi chỉ mơ hồ biết được từ những người Kazakhstan lớn tuổi về mặt tối của câu chuyện này.

Những sinh viên sắc sảo hơn thì hạ giọng xuống thật khẽ đến mức hầu như bạn khó lòng thể hiểu được họ. “Sự sùng bái cá nhân kiểu mới này không phải là một điềm tốt,” hoặc “Họ đang mở một cánh cửa dẫn thẳng vào quá khứ,” hoặc “Đảng đang tái tạo lại quá khứ để khỏi phải đối mặt với nó.” Những người khác phẫn nộ giễu cợt. “Nếu như Mao không vĩ đại và không tốt thì họ sẽ không ra rả suốt ngày như thế ở trong sách và trên TV của chúng ta.” Tôi thường giấu mình trong những cuộc thảo luận ấy, chỉ lắng nghe.

Khi bạn liên tục được nhắc nhở rằng chủ nghĩa cộng sản thật tuyệt vời, có lợi cho xã hội và hữu ích với mọi người, thì sau một thời gian, thậm chí bạn không thể chắc chắn được điều gì là đúng nữa. Và nỗi kinh hoàng của quá khứ, mà ngay từ đầu các bậc cha mẹ và giáo viên của chúng tôi chưa bao giờ giải thích đầy đủ cho chúng tôi, đã mờ đi như những tấm ảnh đen trắng cũ, nhanh chóng tan thành sương mù.

Ở trường đại học, những trang đầu của mỗi cuốn sách mà tôi mở ra đều có thông tin về Mao, Lenin và Marx. Khi làm bài tập hoặc trình bày trước các bạn sinh viên của mình, chúng tôi phải mở đầu bằng cách trích dẫn tư tưởng của họ. Nếu không thì không thể đạt điểm cao. Người ta cho rằng 70% những gì Mao đã làm là tốt. Ông đã đánh đuổi những kẻ thù lớn nhất của dân tộc. Những sai lầm của ông ta - 30% còn lại - là không đáng kể, vì thế các giáo viên luôn lảm nhảm theo đường lối của Đảng.

“Vị lãnh tụ vĩ đại đã dạy chúng ta trung thành với nhân dân, với Đảng, với quốc gia,” tôi viết trong bài viết của mình. Rõ ràng với tôi, dường như mọi người được đặt lên trước còn tôi đặt phía sau. Tập thể quan trọng hơn cá nhân. Tuy nhiên, tại sao Mao lại giết nhiều người một cách tàn bạo như vậy? Ngoài ra, việc đặt những câu hỏi và hiểu những câu trả lời không mang lại giải pháp nào, mà chỉ có những vấn đề mới. Tôi không quan tâm đến chính trị. Tôi chỉ muốn yên ổn học tập và bám sát tôn chỉ quốc gia: “Thịnh vượng và thành công!”

Nhưng dù muốn hay không, ta vẫn liên tục vấp phải những câu hỏi không được phép hỏi. “Họ lấy đâu ra lắm nội tạng khỏe mạnh như vậy?” Gulina thở gấp khi chúng tôi đứng trước tấm bia đá của nhà xác, đôi mắt cô ấy đảo quanh vì choáng khi chúng tôi thực hiện những thao tác thực hành đầu tiên. Mọi người đều tảng lờ như thể câu hỏi của cô ấy đã tan biến trong làn không khí mỏng ngay khi vừa được thốt ra, cứ như thể họ chẳng nghe thấy gì.

Trước mặt chúng tôi là những chiếc bàn đầy gan, tim, phổi còn nguyên vẹn... là những sinh viên y khoa, chúng tôi có khá nhiều nội tạng để tùy ý sử dụng. Không nói nửa lời, chúng tôi nhặt dao mổ của mình và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Ở Đông Turkestan, mọi người đều bàn tán về việc các thành viên của cộng đồng tôn giáo Pháp Luân Công, cũng như những người khác trong khu vực, bị tổng bí thư Giang Trạch Dân coi là quỷ dữ, càng lúc càng bị bắt cóc giữa ban ngày ban mặt cho mục đích rõ ràng này. Ai cũng biết rằng Trung Quốc đã thực hiện những ca cấy ghép nội tạng nhiều hơn mức có thể có được do những người hiến tặng tình nguyện. Năm 2009, Bộ trưởng Y tế Hoàng Khiết Phu thừa nhận một cách dứt khoát rằng Bắc Kinh “thu hoạch khoảng 2/3 số ca cấy ghép từ các tù nhân bị tử hình”. Việc buôn bán nội tạng mang lại lợi nhuận cao ở Trung Quốc không phải do bọn tội phạm trên thị trường chợ đen mà do chính ĐCSTQ điều hành.



Kiếm tiền


Ban đêm, đôi khi Gulina và tôi nằm cạnh nhau trên chiếc giường hẹp, thức khuya và mơ về việc trở nên giàu có và được kính trọng. Chúng tôi đã giả định một cách sai lầm rằng người giàu có thể mua được mọi thứ. Kể cả tự do. Tôi cứ hình dung cha mẹ mình đã kiệt sức và mòn mỏi như thế nào. Họ đã tích cóp và dành dụm cho con cái cả đời, không hề tiêu tốn cho bản thân bất cứ thứ gì. Còn bốn đứa em sau tôi và Sawulet, việc học của chúng cũng phải được lo toan. “Mình có ý này,” tôi nói vào một buổi tối: Tôi nhận ra rằng có một cách rất hay để kiếm tiền trong khi học đại học. “Mà cha mẹ mình không thể nào phát hiện ra được.”

Về cơ bản, vào những ngày cuối tuần, tôi bắt xe buýt đến biên giới Kazakhstan. Ở đó, tôi mua một lượng lớn cặp đựng tài liệu, bút, sổ tay và các loại văn phòng phẩm khác tại một trong vô số những nhà buôn sỉ để có thể bán lại chúng cho các bạn cùng lớp với giá cao hơn trong giờ giải lao vào buổi chiều. Là sinh viên tốp đầu, tôi được đánh giá cao, thế nên ngay từ ban đầu, công việc kinh doanh đã thuận lợi đến mức thậm chí tôi còn mở rộng các mặt hàng bao gồm cả bộ trang sức bằng vàng cho các cô gái.

Dần dà, túi của tôi nhiều tiền đến mức tôi có thể đóng góp để trang trải chi phí học tập cho các em mình. “Con lấy đâu ra lắm tiền vậy?” Cha tôi ngạc nhiên hỏi. “Con có tiền vì con là một sinh viên giỏi và con làm việc rất chăm chỉ,” tôi đáp mà không hề đỏ mặt: đó chỉ là một nửa câu chuyện, nhưng ít ra không phải là lời nói dối.

Tôi muốn bằng mọi giá tránh để cha mẹ tôi biết. Sẽ rất nguy hiểm nếu sự thật bị phát hiện, một phần vì tôi là cô gái trẻ đi một mình trên xe buýt, và một phần nữa là tôi trả giá hàng hóa như một nông dân ngoài chợ, trong một ngành công nghiệp do đàn ông thống trị. Cha mẹ tôi nhất định sẽ lo lắng về danh tiếng của tôi. Và điều đó sẽ khiến họ cảm thấy xấu hổ vì không thể lo đủ tiền cho tôi; họ sẽ mặc cảm như thể đã đẩy tôi vào tình huống này.

Hai lần một năm, vào cuối học kì, các anh chị em tôi về quê. Mỗi lần về thăm nhà chúng tôi đều thấy nông thôn tươi đẹp một thời của mình bị biến dạng theo một cách mới nào đó - mặt đất bị máy xúc đào bới, núi bị khoét để khai thác mỏ. Cảnh quan ngày càng chằng chịt với đường sá và ô tô. Với mỗi công trình xây dựng, con suối róc rách nhẹ nhàng ngày càng ít nước để cung cấp cho ngôi làng.



Năm 1997: dòng suối khô cạn


Bắc Kinh cố tình đưa ngày càng nhiều người đến định cư ở Đông Turkestan, một phần của dự án để Hán hóa thậm chí cả những vùng xa xôi của tỉnh giàu tài nguyên nhất Trung Quốc. Không chỉ cảnh quan đã thay đổi. Mà hành vi của dân làng cũng thay đổi.

Họ không còn dừng lại trên phố để tán gẫu. Gương mặt họ không còn cởi mở, tâm trí họ bị vây hãm cũng như nông thôn đang bị khai thác quá mức chung quanh họ. Ngay cả trong bốn bức tường nhà mình, giờ đây cha mẹ tôi cũng cấm chúng tôi đề cập đến những mối bận tâm của mình.

Những người lớn tuổi càng sa vào tình trạng chán nản. “Nơi nào người Trung Quốc giẫm chân lên, nơi đó cỏ cây không mọc nổi.” Mức độ tàn phá của họ đối với những người Kazakhstan cao tuổi là thế đó. Thảm họa sắp sửa xảy ra; ông tôi đoan chắn về chuyện đó. Thật đáng buồn là ông đã đúng.

Lần gần đây tôi về làng thì con suối đã khô cạn, dân làng không còn nước để uống nữa. Sau đó mực nước sông rút xuống, và nó cạn lại thành một con rãnh hôi thối, cá nổi trắng bụng.

Vào mùa đông người dân địa phương cố gắng lấy tuyết từ trên núi để bù đắp cho việc thiếu nước. Họ tách băng ra thành từng lớp rồi dùng lừa chở xuống. “Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế?” Cha mẹ đang cuống cuồng của tôi cũng không thể hiểu nổi đầu cua tai nheo. Vuốt bộ râu dài bạc trắng bằng bàn tay nhăn nheo, ông tôi lắc đầu lẩm bẩm: “Núi và nước là những tạo vật thiêng liêng. Con người ta không bao giờ được làm ô nhiễm chúng bằng rác và phân như cách người Trung Quốc làm. Nước phải luôn tinh khiết, nếu không thần nước sẽ nổi giận.” Mẹ tôi cúi đầu. “Đó là lí do vì sao nước bỏ chúng ta mà đi...”

Trong thời kì này đã có rất nhiều cuộc biểu tình ở Đông Turkestan chống lại sự xói mòn ngày càng tăng của các quyền tự do tôn giáo và văn hóa, đến nỗi trong nhận thức muộn màng của mình tôi không còn chắc chắn những gì tôi biết vào thời điểm đó và những gì tôi đã quên. Tôi không biết rằng, vào ngày 08/3/1997, một loạt quả bom đã nổ trên các chuyến xe buýt ở Bắc Kinh trong khi tình hình ở Đông Turkestan đang diễn ra phức tạp tại đại hội Đảng. Càng gây áp lực, người dân càng phản kháng kịch liệt. Nhưng Bắc Kinh đã đáp trả bằng sự đàn áp và bạo lực mạnh hơn bao giờ hết.

Gia đình chúng tôi đã quen chịu đựng. Đơn giản là chúng tôi xích lại gần nhau hơn, như thể đang ở giữa một cơn bão, hi vọng những mảnh vụn bay tung tóe sẽ không văng vào đầu. Nhưng sự việc cũng kết thúc, chúng tôi lại quay về với công việc và vắt sữa bò. Tất cả năng lượng của chúng tôi đều dồn vào việc làm cho cuộc sống hằng ngày dễ chịu hơn bằng cách bảo vệ bản thân khỏi đói nghèo và thiếu thốn vật chất. Không giống như các anh chị em mình, tôi không bao giờ lãng phí thời gian để nghĩ về việc lập gia đình. Tôi muốn kết thúc kì thi càng nhanh càng tốt và tìm được một công việc lương cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét