Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Chúng tôi (VIII)


Ghi chép 8
Chủ đề:
Căn số vô tỉ. R-13. Tam giác.
Chuyện xảy ra đã lâu rồi, vào thời còn đi học, khi lần đầu tôi gặp căn bậc hai của (-1). Tôi nhớ như in, thật rõ ràng: phòng học hình cầu sáng trưng, hàng trăm cái đầu tròn xoe của lũ con trai - và Plyapa, thầy dạy toán của chúng tôi. Chúng tôi đặt biệt hiệu cho thầy là Plyapa, thầy được dùng đi dùng lại nhiều lần, khá xộc xệch, và khi học sinh trực nhật cắm phích cắm điện đằng sau thì bao giờ cũng bắt đầu phát ra từ loa một tràng "Plya-plya-plya-tshshsh", sau đó mới là bài giảng. Một lần Plyapa giảng về số phức, tôi nhớ mình đã khóc, đấm nắm tay thình thịch xuống bàn và gào ầm lên: "Em không muốn căn bậc hai của (-1)! Đem căn bậc hai của (-1)  ra khỏi đây!" Căn số vô tỉ ấy bén rễ trong tôi như một thứ gì lạ lẫm, khác nòi, khủng khiếp, nó ngốn ngấu tôi, không thể hiểu nổi nó, không thể vô hiệu hóa, bởi vì nó là vô tỉ.
Và bây giờ lại là căn bậc hai của (-1) . Tôi xem lại toàn bộ ghi chép của mình và thấy rõ: tôi đang giở mánh khóe, tự lừa mình, cốt để khỏi thấy căn bậc hai của (-1). Toàn chuyện vớ vẩn - nào là bệnh với vân vân và vân vân: tôi đã có thể đến đó - tôi biết chắc là một tuần lễ trước mình đã đến đó ngay chẳng hề do dự. Sao bây giờ... tại sao chứ?
Hôm nay cũng thế. Đúng 16 giờ 10, tôi đứng trước bức tường kính lấp lánh. Phía trên tôi, dòng chữ bằng vàng chói ánh mặt trời tinh khiết trên tấm biển của Phòng Bảo Vệ. Sâu bên trong qua lớp kính, một hàng dài những bộ đồng phục xanh nhạt. Những gương mặt bừng sáng như những ngọn đèn trong nhà thờ thời cổ: họ đến để lập công, họ đến để phản bội lại người iêu, bạn bè, bản thân trước bàn thờ Quốc Gia Thống Nhất. Còn tôi - tôi thiết tha nhập bọn với họ. Và chẳng thể nào: hai chân cứ chôn chặt vào những phiến thủy tinh - tôi đứng đờ đẫn ngó, không đủ sức nhích khỏi chỗ...
- Ê, nhà toán học, mơ màng gì thế!
Tôi giật mình. Đôi mắt đen, ánh vẻ cười cợt, cặp môi dầy như của người da đen hướng vào tôi. Nhà thơ R-13, người bạn cũ, và O hồng hồng đi với anh ta.
Tôi giận dữ quay lại (thầm nghĩ nếu họ không quấy rầy, có khi tôi đã tách li được căn bậc hai của (-1) khỏi da thịt và bước vào Phòng).
- Chẳng mơ màng gì cả, hay cứ cho là say đắm cũng được nếu muốn - tôi trả lời khá gay gắt.
- Phải rồi, phải rồi! Bạn thân mến, anh không nên là nhà toán học mà phải là nhà thơ, nhà thơ ạ! Ê, sao không chuyển sang nhóm nhà thơ bọn tôi hả? Nếu thích, tôi thu xếp trong nháy mắt, hả?
R-13 nói liên tu bất tận như bị nghẹn thở, lời của anh tuôn tung tóe khỏi cặp môi dầy; mỗi chữ "nh" như một vòi phun, "nh...nhà thơ" - cũng như một vòi phun.
- Tôi phục vụ và sẽ phục vụ cho kiến thức, - tôi nhăn nhó: tôi không hiểu và không thích đùa, còn R-13 lại có thói xấu hay đùa.
- Ái chà chà, kiến thức! Kiến thức của anh chỉ là hèn nhát. Đúng thế chứ còn gì. Đơn giản là anh chỉ muốn dựng bức tường ngăn vô tận và không dám nhìn qua bức tường đó. Phải! Cứ thử nhìn qua xem, nhắm tịt mắt lại ngay. Phải!
- Những bức tường - đó là nền tảng của mọi con người... - tôi bắt đầu.
R - tóe ra những vòi nước, O - cười tròn xoe, hồng hồng. Tôi khoát tay: cứ cười vô tư đi. Chẳng nghĩa lí gì với tôi. Tôi còn phải nghiền ngẫm thứ khác, còn phải triệt tiêu cái căn bậc hai của (-1)  đáng nguyền rủa này.
- Hay là, - tôi đề xuất, - đến phòng tôi đi, chúng ta sẽ giải toán (tôi nhớ lại giờ phút iên tĩnh tối hôm qua - có lẽ, hôm nay cũng sẽ như thế).
O liếc nhìn R; rõ ràng, nàng tròn mắt nhìn tôi, đôi má phớt hồng như màu những tờ phiếu dịu dàng và xúc động của chúng tôi.
- Nhưng hôm nay... Hôm nay em có phiếu của ông ấy, - nàng gật đầu qua R, - còn buổi tối ông ấy bận... Vậy thì...
Đôi môi ướt, bóng nhoáng của R vui vẻ mấp máy:
- Ái chà, tôi và cô ấy chỉ cần nửa tiếng thôi. Phải không, O? Còn bài tập toán của anh - tôi không ham, hay là đến phòng tôi đi.
Tôi thấy sợ phải ở lại với chính mình, hay đúng hơn, với "tôi" xa lạ này, người có mã số D-503 i hệt như tôi do một sự tình cờ lạ lùng. Và tôi đến chỗ anh ta, R. Thật ra, anh ta không chính xác, không nhịp nhàng, anh ta có lối lí luận chế diễu, lộn trái gan ruột, tuy nhiên chúng tôi là bạn bè. Chẳng phải vô cớ mà ba năm trước chúng tôi cùng chọn O hồng hồng iêu quý này. Điều này như sợi dây ràng buộc chúng tôi còn hơn những năm cùng học.
Tiếp đó, lên phòng R. Mọi thứ dường như cũng i hệt như ở phòng tôi: Bảng Giờ, bàn, ghế, tủ, giường bằng thủy tinh. Nhưng vừa bước vào phòng, R di chuyển hết ghế dựa này rồi ghế dựa khác, khiến những mặt phẳng bị xáo trộn, mọi thứ lệch ra khỏi tỉ lệ được xác lập, trở nên phi Euclid. Anh chàng R này xưa nay vẫn thế. Về môn toán và lí thuyết Taylor khi nào cũng đứng bét lớp.
Chúng tôi nhớ lại Plyapa già nua: bọn trẻ chúng tôi lúc nào cũng dán những mẩu phiếu cám ơn đầy hai chân bằng thủy tinh của thầy (chúng tôi iêu quý Plyapa). Chúng tôi hồi tưởng giáo viên Luật (tất nhiên, không nói về Giáo Luật hay "Luật Chúa Trời" của người xưa, mà là luật của Quốc Gia Thống Nhất). Giáo viên Luật của chúng tôi có giọng nói sang sảng lạ thường - cứ như gió ù ù qua loa phóng thanh - còn bầy trẻ chúng tôi, khản giọng hét theo lời thầy. Có lần thằng bé bất kham R-13 nhét giấy nhai nát vào ống loa, khiến cho thay vì lời giảng, giấy vụn bắn ra lả tả. Lẽ dĩ nhiên, sau đó R bị phạt, những gì nó làm đương nhiên là rất tệ, nhưng bây giờ chúng tôi nhớ lại và cười ngặt nghẽo - hình tam giác của chúng tôi - và tôi thú nhận mình cũng vậy.
- Sẽ ra sao nếu như ông ta còn sống như người xưa, hả? Gi...giá như... - chữ "gi" như vòi phun tuôn qua đôi môi dầy mấp máy...
Ánh mặt trời xuyên qua trần nhà, những bức tường; mặt trời bên trên, bên hông, phản chiếu bên dưới. O ngồi trên lòng R-13, và những giọt nắng tí hon lấp lánh trong đôi mắt biếc của nàng. Tôi thấy ấm áp và nguôi ngoai ít nhiều, căn bậc hai của (-1) đã lịm dần, không còn nhúc nhích nữa...
- Thế nào, tàu Tích Phân của anh đến đâu rồi? Ta sắp sửa bay đi khai hóa cho những cư dân hành tinh khác, đúng không? Này, các anh phải khẩn trương lên! Không là đám nhà thơ chúng tôi sẽ chất đầy tàu với những sáng tác đến mức nó không thể cất cánh nổi. Mỗi ngày từ 8 đến 11 giờ... R lúc lắc đầu, gãi gáy: gáy của anh ta như chiếc va-li vuông nhỏ buộc phía sau đầu (khiến tôi nhớ đến bức tranh cổ "trên xe ngựa").
Tôi sống động hẳn:
- Này, anh cũng sáng tác cho tàu Tích Phân hả? Về gì thế? Kể xem, hôm nay chẳng hạn.
- Hôm nay chưa viết được gì, Tôi bbb...bận việc khác... - chữ "b" tuôn xối xả vào tôi.
- Bận việc gì?
R nhăn nhó:
- Gì, gì! Thôi được, nếu anh muốn biết - việc xử án. Làm thơ ca ngợi xử án. Một gã thộn, trong đám nhà thơ bọn tôi... Hai năm ngồi cạnh hắn, tuồng như chẳng có gì. Thế rồi bỗng dưng: "Tôi là thiên tài - hắn bảo - thiên tài đứng trên cả luật". Lại còn hét toáng lên... Ôi dào, chán gì đâu!
Cặp môi dầy trễ xuống, ánh tinh quái trong mắt biến mất. R-13 bật dậy, quay người, nhìn chằm chằm qua bức tường. Tôi nhìn chiếc va-li nhỏ khóa chặt của anh ta và nghĩ: anh ta chứa gì trong cái va-li ấy?
Một phút im lặng ngượng ngùng, không đối xứng. Tôi không rõ chuyện gì xảy ra, nhưng có gì đó không ổn.
- May thay, cái thời cổ hủ của các ông Shakespear và các ông Dostoyevsky, hay là gì gì đó, đã qua rồi, - tôi cố í nói lớn.
R quay mặt lại. Những lời vẫn tung tóe tuôn trào từ miệng anh, song tôi thấy ánh vui vẻ lấp lánh trong mắt ánh đã không còn.
- Phải, nhà toán học iêu quý, may thay, may thay, may thay! Chúng ta là trung bình cộng số học hạnh phúc nhất... Như dân toán các anh thường nói: lấy tích phân từ 0 đến vô cực, từ thằng đần đến Shakespear... Vậy đấy!
Không rõ vì sao - dường như hoàn toàn không phải nhân tiện - tôi nhớ lại giọng của nàng, sợi chỉ mong manh nào đó nối liền giữa nàng và R. (Sợi chỉ nào?) Căn bậc hai của (-1) lại ngọ nguậy. Tôi mở huy hiệu: kém 16 giờ 25. Họ còn 45 phút cho phiếu hồng.
- Thôi, tôi phải đi đây... - tôi hôn O, bắt tay R, bước ra thang máy.
Trên đại lộ, sau khi đã băng qua đường, tôi ngoái lại: trong khối nhà bằng kính ánh nắng xuyên qua sáng trưng - rải rác đó đây những ô tối xanh xám được buông rèm - những ô cửa hạnh phúc nhịp nhàng theo công thức Taylor. Tôi đưa mắt lên tầng 7 và tìm thấy ô cửa của R-13: anh ta đã buông rèm.
O iêu quý... R iêu quý... Trong anh ta cũng có (chẳng rõ vì sao "cũng", nhưng mặc kệ viết thế thì cứ thế) - trong anh cũng có gì đó, không hoàn toàn rõ ràng với tôi. Xét cho cùng, tôi - R - O, chúng tôi là một tam giác, cho dù không đều nhưng vẫn là tam giác. Chúng tôi, nếu nói bằng ngôn ngữ của tổ tiên (có lẽ các bạn, những độc giả ở hành tinh khác, cũng hiểu ngôn ngữ đó), chúng tôi là một gia đình. Và thật dễ chịu khi thỉnh thoảng được nghỉ ngơi, dù ngắn ngủi, trong hình tam giác đơn giản, bền chặt, cách li khỏi mọi thứ...

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Chúng tôi (VII)


Ghi chép 7
Chủ đề:
Sợi lông mi. Taylor. Kì nham và linh lan.
Đêm. Lục, cam, lam; nhạc cụ vua màu đỏ; áo váy vàng như vỏ cam. Sau đó - tượng Phật bằng đồng; bỗng nhướng mí mắt bằng đồng và thân mình ứa nhựa. Áo váy màu vàng cũng ứa nhựa, và những giọt nhựa trên mặt gương, cả chiếc giường lớn, cả những chiếc giường trẻ con,  cả tôi nữa bây giờ cũng ứa nhựa, và nỗi sợ hãi ngọt lịm chết người...
Tôi bừng tỉnh giấc: ánh sáng xanh dịu; những bức tường kính lấp lánh, bàn ghế đều bằng thủy tinh. Điều này làm iên lòng, tim thôi đập thình thịch. Ứa nhựa, tượng Phật... vô lí thật? Rõ ràng là tôi bị bệnh rồi. Trước kia chưa bao giờ tôi nằm mơ. Người ta bảo, với người xưa thì nằm mơ là chuyện quá đỗi bình thường. Phải rồi, toàn bộ cuộc sống của họ là vòng đu quay khủng khiếp: lục - cam - tượng Phật - ứa nhựa. Nhưng chúng tôi biết giấc mơ là căn bệnh tâm lí nghiêm trọng. Và tôi biết: từ trước đến nay não của tôi hoạt động chính xác như chiếc đồng hồ, cỗ máy trong veo không vương một hạt bụi, thế mà bây giờ... Phải, bây giờ lại thế này: tôi có cảm giác như trong não có vật thể lạ - như sợi lông mi tí hon lọt vào mắt - dẫu không cảm thấy bản thân, vẫn chẳng thể nào quên được dù chỉ một giây - con mắt cấn sợi lông mi...
Tiếng chuông thánh thót khỏe khoắn vang lên trong đầu: 7 giờ, đến lúc dậy rồi. Nhìn sang phải và sang trái, qua những bức tường kính, dường như tôi thấy bản thân, căn phòng, quần áo, cử động của chính mình lặp đi lặp lại hàng ngàn lần. Điều này làm phấn chấn: thấy mình là một phần của điều gì đó to lớn, mạnh mẽ, thống nhất. Và cái đẹp chính xác như thế: không một động tác gập người, quay người nào thừa.
Phải, không còn ngờ gì, Taylor đúng là thiên tài cổ xưa vĩ đại nhất. Đúng thế, cho dù ông chưa nghĩ thấu đáo đến mức phổ cập phương pháp của mình cho toàn bộ đời sống, từng bước chân, từng ngày tròn - ông chưa biết lấy tích phân toàn hệ thống từ 1 đến 24 giờ. Chẳng hiểu sao họ lại có thể viết ra cả một thư viện về ông Kant nào đó - mà lại ít để í đến Taylor, nhà tiên tri có thể nhìn thấy trước sự việc cả mười thế kỉ.
Bữa sáng kết thúc. Hát đều Quốc Ca Quốc Gia Thống Nhất. Đều đặn bốn người một hàng đến thang máy. Tiếng ro ro khe khẽ của mô-tơ, vút xuống, xuống nữa, xuống mãi thật nhanh, tim thắt nhẹ...
Chẳng hiểu sao lại giấc mơ vô nghĩa, hoặc là chức năng mơ hồ của giấc mơ đó. À phải rồi, như thể hôm qua trên phi cơ, khi lao xuống. Vả chăng, mọi thứ đã kết thúc rồi mà: chấm hết. Thật là tốt khi tôi đã tỏ ra quyết liệt và gay gắt với nàng.
Trong một toa ngầm dưới lòng đất tôi được đưa đến xưởng tàu, nơi thân tàu Tích Phân tráng lệ, chưa khạc ra lửa, còn nằm bất động, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Mắt nhắm nghiền, tôi thả hồn vào những công thức: một lần nữa tôi suy nghĩ tính toán xem vận tốc ban đầu phải là bao nhiêu để tàu Tích Phân phóng khỏi mặt đất. Khối lượng tàu Tích Phân thay đổi theo mỗi phần trăm giây (do nhiên liệu nổ được tiêu thụ). Phương trình vô cùng phức tạp với những đại lượng siêu việt.
Như xuyên qua cơn mơ, trong thế giới số khô cứng này, một ai đó ngồi cạnh đập nhẹ vào tôi và nói "xin lỗi".
Tôi hé mắt, thoạt tiên (cùng với tàu Tích Phân) một vật gì đó lao vút vào không gian: cái đầu lao trước tiên vì hai bên là hai cái tai vểnh như đôi cánh màu hồng. Sau đó, đường cong của cái gáy bè bè - cái lưng khom khom - hai lần cong của chữ S...
Qua những bức tường kính thế giới đại số của tôi - lại sợi lông mi con con - một điều gì đó khó chịu tôi phải thực hiện hôm nay...
- Không, không có gì, - tôi mỉm cười với người bên cạnh và cúi chào. Trên huy hiệu của anh ta lấp lánh mã số S-4711 (rõ là vì sao ngay từ phút ban đầu chữ S này như có liên quan đến tôi: ấn tượng hình ảnh chưa kịp ghi nhận bằng í thức). Đôi mắt lấp lánh - hai mũi khoan nhỏ nhọn hoắt, quay nhanh, càng lúc càng xoáy sâu hơn, và bây giờ đang xoáy đến tận đáy, thấy rõ những gì trong tôi mà chính tôi còn chưa rõ...
Bỗng sợi lông mi trở nên hoàn toàn rõ ràng: một trong bọn họ, người của Phòng Bảo Vệ, và đơn giản nhất bây giờ là khỏi phải ngần ngừ, báo cáo hết cho anh ta.
- Ông biết đấy, hôm qua tôi đến Nhà Cổ... - giọng tôi nghe lạ lạ, dẹt lét, phẳng phiu, tôi thử hắng giọng.
- Thế ư, tốt lắm. Thêm chất liệu để có những kết luận rất bổ ích.
- Ông biết không, tôi không ở đó một mình, tôi đi cùng mã số I-330, và...
- I-330? Mừng cho ông. Một phụ nữ rất thú vị, tài năng. Cô ấy có nhiều người hâm mộ.
... Cả anh ta nữa sao? - buổi đi dạo hôm trước, có lẽ anh ta cũng đăng kí với nàng? Không, không được nói với anh ta, không tưởng tượng được - rõ rồi.
- Vâng, vâng! Đúng vậy, đúng vậy! Rất là... - tôi ngoác miệng cười rất ngớ ngẩn và có cảm giác nụ cười của mình thật trơ trẽn, ngốc nghếch...
Hai mũi khoan nhỏ xoáy tận đáy lòng tôi, rồi đảo nhanh, xoáy ngược lại vào tròng mắt; S cong miệng mỉm cười hai lần, vẫy chào tôi, lướt đến lối ra.
Tôi núp sau tờ báo (có cảm giác mọi người đều nhìn tôi chằm chằm) và nhanh chóng quên luôn sợi lông mi lẫn hai mũi khoan, quên tất tật: những gì đọc được khiến tôi vô cùng hồi hộp. Một dòng tin ngắn: "Theo nguồn tin đáng tin cậy, đến nay lại phát hiện dấu vết của một tổ chức ngầm, hướng đến mục tiêu giải phóng sự cai trị thiện nguyện của Quốc Gia".
"Giải phóng"? Lạ lùng thật: bản năng phạm tội vẫn còn tồn tại trong loài người đến chừng mực nào. Tôi đang nói một cách đầy í thức: "phạm tội". Tự do và tội ác liên quan khắng khít với nhau, như thể... à, chẳng hạn như chuyển động của phi cơ và vận tốc của nó: khi vận tốc của phi cơ bằng 0, nghĩa là nó không chuyển động; khi tự do của một người bằng 0, nghĩa là hắn không phạm tội. Thật rõ ràng. Biện pháp duy nhất để ngăn một người phạm tội là tước đi tự do của hắn. Và chúng tôi chỉ mới vừa được ngăn ngừa phạm tội (tất nhiên trong thước đo vũ trụ thì hàng thế kỉ cũng chỉ là "mới vừa"), thì đột nhiên lại có những suy nghĩ dại dột đáng thương hại...
Không, tôi không hiểu vì sao hôm qua mình không đến ngay Phòng Bảo Vệ. Hôm nay sau 16 giờ nhất định tôi sẽ đến đó...
16 giờ 10, tôi ra ngoài và thấy O ngay góc đường, toàn thân ánh lên màu hồng vui sướng vì sự gặp gỡ này. "Nàng cũng có một trí thông minh tròn trịa giản dị. Nhân tiện, nàng hiểu và ủng hộ tôi..." Tuy vậy không, tôi không cần ủng hộ, tôi quyết định dứt khoát.
Dàn kèn của Xưởng Nhạc tấu lên Hành Khúc nhịp nhàng - Hành Khúc một ngày như mọi ngày. Một khoái cảm không giải thích nổi trong sự cố định, lặp đi lặp lại hàng ngày, trong trẻo như gương! O chụp lấy cánh tay tôi.
- Đi dạo nhé, - đôi mắt xanh tròn mở to nhìn tôi - hai ô cửa sổ xanh biếc - và tôi xuyên vào trong đó, không hề vấp váp: chẳng có gì bên trong, nghĩa là chẳng có gì xa lạ, không cần thiết.
- Không, không đi dạo được. Tôi phải... - tôi nói với nàng phải đi đâu. Và thật ngạc nhiên khi thấy: cái miệng tròn màu hồng của nàng chợt biến thành vầng trăng khuyết với hai đầu nhọn quặp xuống dưới, như nếm phải thứ gì rất chua. Tôi nổi giận.
- Những mã số nữ các cô có lẽ bị xói mòn bởi những thành kiến đến mức vô phương cứu chữa. Các cô hoàn toàn không có khả năng tư duy trừu tượng. Thứ lỗi cho tôi, nhưng đơn giản đó là ngu ngốc.
- Ông đi đến chỗ bọn gián điệp... hứ! Còn em vừa kiếm được nhánh linh lan ở Bảo Tàng Sinh Học để tặng ông...
- Sao lại "còn em", sao lại "còn"? Đúng là... đàn bà. - Tôi giận dữ chụp lấy nhánh linh lan (thú thật là mình giận dữ). - Này thì linh lan của cô, rồi sao nữa? Ngửi đi: thơm hả? Hãy có chút tư duy logic xem nào. Linh lan có mùi thơm: được rồi. Nhưng cô có thể nói về mùi, về chính cái khái niệm "mùi" là thơm hay không thơm? K-h-ô-n-g t-h-ể, phải không? Có mùi thơm của linh lan, và có mùi ghê tởm của kì nham: có mùi này mùi khác. Đã có gián điệp trong quốc gia cổ đại, và cũng có gián điệp ở ta... phải, gián điệp. Tôi không ngại cách dùng từ. Tuy nhiên, rõ ràng là: gián điệp thời xưa là kì nham, còn thời nay là linh lan. Phải, linh lan, đúng thế!
Vầng trăng khuyết màu hồng run run. Bây giờ tôi mới hiểu ra: giờ tôi mới thấy, chứ lúc đó tôi lại đoan chắc rằng nàng cười nhạo. Và tôi còn quát lớn hơn:
- Phải, linh lan. Chẳng có gì buồn cười, chẳng có gì buồn cười cả.
Những cái đầu tròn, hình cầu cạo nhẵn lướt qua và ngoái lại. O dịu dàng nắm lấy tay tôi:
- Hôm nay ông thế nào ấy... Ông không bị bệnh chứ?
Giấc mơ - màu vàng - tượng Phật... Lúc đó mọi thứ trở nên rõ ràng: tôi phải đến Phòng I Tế.
- Phải, đúng là tôi bị bệnh, - tôi thốt lên với vẻ mừng rỡ (mâu thuẫn tuyệt nhiên không thể giải thích nổi: có gì để mà mừng?).
- Vậy thì ông phải đến bác sĩ luôn đi. Ông nên hiểu là ông có bổn phận phải mạnh khỏe - thật buồn cười phải chứng minh với ông.
- Phải rồi, O iêu quý, lẽ dĩ nhiên là cô nói đúng. Tuyệt đối đúng!
Tôi không đến Phòng Bảo Vệ: làm gì chứ, còn phải đến Phòng I Tế, ở đó người ta giữ tôi lại đến 17 giờ.
Còn buổi tối (vả lại buổi tối ở đó cũng đóng cửa) - buổi tối O đến chỗ tôi. Không buông rèm. Chúng tôi giải bài tập từ sách toán cổ: điều này làm khuây khỏa đầu óc và thanh lọc suy nghĩ. O-90 ngồi trước quyển vở, đầu nghiêng qua vai trái và lưỡi trong miệng đẩy phồng má bên trái, vẻ cố gắng. Điệu bộ như trẻ con, đáng iêu vô cùng. Và mọi thứ trong tôi thật dễ chịu, chính xác, đơn giản...
Nàng đi khỏi. Còn mình tôi. Hít hai hơi thật sâu (rất có ích trước khi đi ngủ). Và bỗng một mùi hương không lường trước, nhắc nhở một điều gì đó thật khó chịu... Tôi tìm ra ngay: một nhánh linh lan giấu trên đầu giường. Tức thì mọi thứ cuộn xoáy lên từ đáy sâu. Không, nàng chẳng tế nhị chút nào khi để lại những bông linh lan này. Phải, tôi đã không đến đó, phải. Nhưng tôi có lỗi gì chứ, tôi đang bệnh mà.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (II)


Phần II. Nhân mùa tuyết tan
Từ bóng tối lạc loài
Vọng lời anh ấm áp
Nâng hồn em - khổ đau
Chất chồng muôn ngọn tháp
Xoắn xuýt ngón tay em buông lời nguyền rủa
Bao thói hư hèn đeo đẳng mãi bên em
Tâm hồn dường đã lãng quên
Nhạt nhòa kí ức từng đêm đọa đày
Kể anh nghe câu chuyện
Về quãng đời trước anh
Rồi bối rối, hãi hùng, xấu hổ
Vai run bần bật
Hai tay bưng mặt
Khóc òa...
v.v... v.v...
(Trích thơ N.A. Nekrasov)

Ghi chép dưới hầm (I-11)


XI
Thưa quý vị, rốt cuộc của mọi rốt cuộc, tốt nhất là không làm gì hết! Tốt hơn hết là tính ì có í thức. Vậy thì hoan hô cuộc đời dưới hầm! Mặc dù tôi có nói rằng tôi ghen tị với con người bình thường đến tận xương tủy, tuy nhiên trong những điều kiện mà tôi trông thấy hắn thì tôi lại chẳng muốn là hắn chút nào (mặc dù xét cho cùng vẫn không ngớt ghen tị với hắn. Không, không, trong mọi trường hợp dưới hầm vẫn có lợi hơn). Ít ra ở đó còn có thể... À, mà tôi lại nói dối nữa rồi. Nói dối bởi tôi biết rõ như "hai lần hai", rằng hoàn toàn không phải dưới hầm tốt hơn, mà là một cái gì khác, hoàn toàn khác hẳn mà tôi đang khao khát nhưng không thể tìm thấy. Quỷ tha ma bắt cái cuộc đời dưới hầm!
Giá như tôi tin được ít nhất vào một câu tôi viết đây thì sự tình đã tốt hơn biết bao nhiêu rồi! Thưa quý vị, tôi thề là tôi không tin nổi lấy một chữ nhỏ! Nghĩa là có thể tôi cũng tin, nhưng đồng thời chẳng biết sao tôi cảm thấy, tôi nghi ngờ là mình nói dối như cuội.
- Nếu thế anh lại viết những thứ này ra để làm gì? - quý vị sẽ thắc mắc.
- Quý vị tính sao nếu như tôi nhốt quý vị dưới hầm suốt bốn mươi năm chẳng cho làm gì hết, rồi bốn mươi năm sau tôi sẽ tới thăm quý vị để xem quý vị đã trở thành cái giống gì rồi? Lẽ nào có thể để một người sống cô độc mà chẳng cho làm gì suốt bốn mưới năm trời?
- Không thấy xấu hổ, không thấy hèn hạ à! - có lẽ quý vị sẽ lắc đầu khinh bỉ mà bảo tôi như vậy - Anh thèm khát sống mà lại tự giải quyết những vấn đề cuộc sống bằng những ngộ nhận logic ư. Mấy trò mèo của anh mới nhiễu sự làm sao, xấc xược làm sao, còn chính anh thì hèn làm vậy! Anh nói toàn chuyện tào lao mà lại còn dương dương tự đắc; anh nói toàn điều xấc xược mà liên tục sợ sệt rồi lại xin thứ lỗi. Anh cam đoan là anh chẳng e ngại quái gì mà lại cứ muốn chúng tôi cho í kiến. Anh tin chắc là anh nghiến răng nghiến lợi mà đồng thời lại pha trò để chọc cười chúng tôi. Anh biết rằng những câu pha trò của anh nhạt như nước ốc mà cũng lấy làm đắc chí với cái chất văn chương của chúng. Có thể, thực sự anh đã từng đau khổ, nhưng anh có chút tôn trọng gì với nỗi đau ấy. Trong con người anh có chút thật lòng nhưng con người anh lại chẳng có chút liêm sỉ; chỉ do thói hám danh nho nhỏ anh đem phơi cái sự thật đó ra trước thiên hạ để bêu riếu như ở ngoài chợ.... Anh thực tâm muốn nói đôi điều, nhưng do sợ hãi lại che giấu lời cuối cùng, bởi anh chẳng có lấy một chút cả quyết để nói ra mà chỉ bày trò hỗn láo một cách hèn nhát. Anh khoe khoang cái í thức của mình, nhưng lại do dự, bởi mặc dù đầu óc anh làm việc, nhưng con tim anh lại u mê sa đọa, mà hễ trái tim không trong sạch thì í thức chẳng thể nào đầy đủ, đúng đắn được. Và cái tính nhiễu sự trong anh nhiều chừng nào, thì anh lại càng kì kèo, lại uốn éo chừng nấy! Dối trá, dối trá, toàn dối trá!
Tất nhiên, những lời của quý vị là do chính tôi soạn. Cái đó cũng từ dưới hầm mà ra. Ở đó suốt bốn mươi năm trời tôi áp tai nghe từng lời một của quý vị qua khe vách hở. Chính tôi đã bịa ra, bởi chỉ bịa được đến thế thôi. Chẳng có gì là thông thái mà không học thuộc lòng đượcvà khoác cho nó một tấm áo văn chương...
Nhưng chẳng lẽ, chẳng lẽ thực tế quý vị lại nhẹ dạ đến mức tưởng rằng tôi sẽ cho in ra rồi đưa cho quý vị đọc sao? Còn vấn đề này nữa: tại sao tôi lại gọi quý vị bằng "quý vị", rồi tôi xưng hô với quý vị như thể với độc giả của mình vậy để làm gì? Không ai đem in và cho người khác đọc những lời thú nhận như tôi có í định trình bày ở đây. Ít ra, tôi cũng không đủ cứng rắn để làm vậy mà cũng chẳng cần cứng rắn để làm gì. Nhưng quý vị có thấy không: trong đầu tôi bỗng nảy ra ảo tưởng và bằng mọi giá phải thực hiện nó. Cơ sự là như thế.
Trong kí ức của mỗi người đều có những điều mà hắn không thổ lộ với tất cả mọi người mà chỉ chia sẻ với bạn bè. Có những điều mà kể cả với bạn bè cũng không thổ lộ, chỉ lẩm bẩm một mình, chôn kín trong lòng như một bí mật. Tuy nhiên, cũng có những điều mà con người còn không dám thổ lộ với cả chính bản thân, và những điều như thế bất cứ một con người đứng đắn nào cũng tích lũy được kha khá. Nghĩa là thậm chí thế này: càng đứng đắn bao nhiêu lại càng có nhiều điều như thế bấy nhiêu. Ít ra cũng mới đây thôi, tôi quyết định hồi tưởng lại mấy chuyện phiêu lưu cũ, trước nay tôi luôn cố tránh nó, thậm chí còn đôi chút lo âu. Giờ đây, không những tôi đã nhớ lại, mà tôi còn quyết định chép nó ra, tôi muốn thử xem: ít nhất có thể hoàn toàn cởi mở với bản thân hay không và có dám đối diện với toàn bộ sự thật hay không? Nhân tiện tôi xin ghi chú: Heine quả quyết rằng tiểu sử tự thuật đáng tin cậy hầu như chẳng bao giờ có, và con người thường dối trá khi nói về bản thân. Theo ông thì Rousseau chẳng hạn, ắt hẳn đã nói dối về bản thân trong "Lời thú tội", và chủ tâm lừa dối do thói hám danh. Tôi tin là Heine nói đúng; tôi hiểu rất rõ đôi khi chỉ vì mỗi một thói hám danh mà ta có thể đóng đinh vào người bao điều tội lỗi, và tôi cũng nhận thức rõ cái thói hám danh đó là cái giống gì. Nhưng Heine phán xét con người thú tội trước công chúng. Còn tôi, tôi chỉ viết cho một mình tôi và xin tuyên bố, lần đầu cũng là lần cuối, rằng nếu những gì tôi viết có vẻ như hướng tới độc giả, thì chẳng qua chỉ là một cách diễn đạt cho dễ viết. Ở đây chỉ là hình thức, hình thức suông, tôi sẽ chẳng bao giờ có độc giả nào hết. Tôi đã tuyên bố rồi...
Tôi chẳng muốn bị gò bó bởi bất cứ điều gì trong việc biên tập những ghi chép của tôi. Tôi chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào. Tôi chỉ viết những gì tôi nhớ lại.
Lúc này chẳng hạn, quý vị có thể bắt bẻ tôi và hỏi: nếu thực sự anh không màng đến độc giả, thì giờ đây anh lại thỏa hiệp với chính anh để làm gì, mà lại còn viết ra giấy nữa, nghĩa là anh chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào, nghĩa là anh viết những gì anh nhớ lại thôi v.v... và v.v...? Vậy anh biện bạch để làm gì? Vì sao phải xin lỗi?
- À đúng thế đó, - tôi bèn trả lời
Tuy vậy, ở đây là một ca tâm lí, thưa quý vị. Có thể, đơn giản tôi chỉ là một thằng hèn. Mà cũng có thể, tôi cố tình tưởng tượng ra đông đảo công chúng trước mặt mình để gọi là giữ thể diện, trong khi viết ra giấy. Nghĩa là, có cả ngàn lẻ một lí do.
Nhưng còn điều này nữa: cớ sao tôi lại muốn viết ra? Nếu không vì công chúng, thì cứ việc ngồi đó mà hồi tưởng, viết ra giấy làm gì.
Thế đấy; nhưng viết ra giấy thì nghe chừng trang trọng hơn nhiều. Có gì đó gợi cảm hứng hơn, sẽ phán xét bản thân được nhiều hơn, lối hành văn nhờ thế khá hơn. Ngoài ra: có thể nhờ viết ra tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Như hôm nay chẳng hạn, một kí ức xa xưa bỗng đè nặng tim tôi. Nó tái hiện trong tôi rất rõ ràng từ mấy bữa nay và từ bấy đến giờ không ngớt theo đuổi tôi, cứ i như những í nhạc gây bực mình không chịu lìa xa. Trong khi tôi lại thấy cần xua nó đi. Tôi có hàng trăm kí ức như thế; nhưng dần dần một trong hàng trăm kí ức bỗng trỗi dậy và đè nặng tim tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại tin rằng nếu tôi viết ra, nó sẽ biến đi. Vậy thì sao lại không thử nhỉ?
Sau rốt: vì tôi buồn chán, suốt ngày tôi chẳng làm gì. Viết lách tựa như là một công việc rồi. Người ta nói công việc khiến con người trở nên lương thiện và đứng đắn. Ít ra đây cũng là một cơ hội cho tôi.
Hôm nay tuyết rơi, hầu như đang tan, những bông tuyết vàng, mịt mù. Hôm qua tuyết cũng rơi, mấy hôm trước cũng thế. Tôi cảm thấy do tuyết tan khiến tôi nhớ lại câu chuyện vui, mà giờ đây kí ức về nó chẳng chịu rời tôi nữa. Như vậy, hãy để câu chuyện tôi sắp kể được mang tên - Nhân mùa tuyết tan.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-10)


X
Quý vị tin vào tòa lâu đài bằng pha lê bền vững muôn đời, nghĩa là tin vào một thứ mà không được lén thè lưỡi ra chế nhạo hoặc chĩa nắm tay về phía nó một cách tục tĩu, cho dù có giấu tay trong túi quần. Có lẽ vì thế mà tôi rất e ngại tòa lâu đài đó, chính vì nó bằng pha lê và vì nó bền vững muôn đời và không được lén thè lưỡi ra chế nhạo.
Quý vị thấy chứ: nếu như thay vì tòa lâu đài mà chỉ là một cái chuồng gà, thì có lẽ tôi sẽ chui vào chuồng gà để trú mưa, và mặc dù rất biết ơn vì nó đã che mưa cho tôi, xét cho cùng tôi nhất định không gọi cái chuồng gà là lâu đài được. Quý vị bật cười, thậm chí quý vị còn bảo là trong trường hợp đó thì chuồng gà và lâu đài phỏng có gì khác nhau. Vâng, - tôi xin thưa, - nếu như chỉ cần chỗ trú tạm để khỏi bị ướt.
Nhưng phải làm gì nếu trong đầu tôi nảy ra í nghĩ rằng người ta sống không phải đơn thuần chỉ để sống, mà phải sống trong tòa lâu đài cơ. Đó là dục vọng của tôi, ước muốn của tôi. Quý vị có thể tẩy sạch được dục vọng của tôi chừng nào đã thay đổi được những ham muốn của tôi. Vậy thì thay đổi đi, nhử tôi bằng thứ khác đi, ban cho tôi lí tưởng khác đi. Nhưng trong khi chờ đợi tôi sẽ không gọi cái chuồng gà là một tòa lâu đài. Kể cả tòa lâu đài pha lê chỉ được xây trên cát, nó không phù hợp với quy luật tự nhiên, và tôi đã bịa đặt ra nó chỉ do sự ngu xuẩn của tôi, do một số những tập quán hủ lậu, vô lí của thế hệ chúng ta. Nhưng việc quái gì đến tôi nếu như nó không phù hợp. Mặc tình sao cũng được, nếu như nó tồn tại trong ước muốn của tôi, hay nói đúng hơn, nó còn tồn tại chừng nào những ước muốn của tôi còn tồn tại? Có thể quý vị lại bật cười? Quý vị cứ việc cười; tôi chấp nhận mọi sự chế nhạo, nhưng rốt cuộc tôi sẽ không nói là tôi no trong khi tôi vẫn còn muốn ăn; xét cho cùng tôi vẫn biết rằng tôi sẽ không iên tâm với sự thỏa hiệp, với một con số không quay vòng vô tận, chỉ bởi vì nó tồn tại theo quy luật tự nhiên và nó thực sự tồn tại. Tôi sẽ không chấp nhận đánh đổi ước muốn của tôi lấy vòng nguyệt quế - ngôi nhà trọ chết tiệt với những căn hộ dành cho người nghèo theo hợp đồng có thời hạn một ngàn năm, và để phòng xa có treo một tấm bảng hiệu của nha sĩ Wagenheim. Hủy diệt mọi ham muốn của tôi đi, lật đổ lí tưởng tôi đi, hãy chỉ cho tôi điều gì tốt hơn nào, tôi sẽ đi theo quý vị. Có lẽ quý vị sẽ bảo chẳng hơi đâu mà dây vào tôi; nhưng trong trường hợp đó tôi cũng có thể trả lời quý vị bằng giọng điệu i hệt. Chúng ta đang thảo luận nghiêm túc; còn như quý vị chẳng thèm lí gì đến tôi thì tùy, tôi cũng cóc cần. Tôi có hầm trú ẩn rồi.
Nhưng chừng nào tôi còn sống và còn ham muốn, thì thà cứ để cho tay tôi khô héo dần mòn chứ nhất quyết tôi không khuân dù chỉ một viên gạch nhỏ tới ngôi nhà trọ thổ tả đó! Đừng nhìn vào sự việc là mới đây tôi đã chối bỏ tòa lâu đài pha lê ấy chỉ vì lí do duy nhất là không được thè lưỡi ra chế nhạo nó. Tôi nói thế hoàn toàn chẳng phải là vì tôi khoái thè lưỡi chế nhạo. Có thể tôi chỉ bực là vì trong tất cả những tòa kiến trúc của quý vị chưa tìm được một cái nào mà có thể thè lưỡi ra chế nhạo được. Trái lại, để tỏ lòng biết ơn, tôi bằng lòng cho cắt lưỡi tôi đi nếu như có cách nào khiến tôi không bao giờ muốn thè nó ra. Nếu không có cách nào thì chả việc gì đến tôi và cần phải tạm hài lòng với những căn hộ rẻ tiền. Vì lẽ gì tôi lại có những mong muốn như thế? Chẳng lẽ tôi được tạo ra như vậy chỉ là để đi tới một kết luận rằng sự tạo thành đó chỉ là một trò đùa vô duyên? Chẳng lẽ toàn bộ mục đích chính là ở đó? Tôi không tin thế.
Tuy vậy, quý vị biết gì không: tôi cam đoan người anh em dưới hầm của chúng ta cần phải được thắng dây cương. Dù rằng hắn có khả năng ngồi lặng im dưới hầm suốt bốn mươi năm, nhưng hễ cứ thò mặt ra ánh sáng là i như rằng hắn lại mở máy lải nhải, lải nhải nữa, lải nhải mãi...

Ghi chép dưới hầm (I-9)


IX
Thưa quý vị, tất nhiên là tôi pha trò, và tôi tự biết những câu đùa của mình nhạt như nước ốc, tuy nhiên không được coi toàn bộ là chuyện đùa đâu. Có thể tôi vừa pha trò vừa nghiến răng cũng nên. Thưa quý vị, nhiều vấn đề đang hành hạ tôi; xin giúp tôi giải quyết chúng với. Nào, chẳng hạn quý vị muốn bắt con người từ bỏ những thói quen cũ và uốn nắn í chí của hắn cho phù hợp với đòi hỏi của khoa học và tư duy lành mạnh. Nhưng làm sao quý vị biết được rằng con người không những có thể sửa đổi mà còn cần thiết phải sửa đổi? dựa vào đâu mà quý vị kết luận rằng dục vọng con người tất phải được uốn nắn? Tóm lại, vì sao quý vị biết là việc uốn nắn đó thực sự đem lại lợi ích cho con người? Và nếu như nói đến cùng: vì sao quý vị lại chắc chắn rằng điều này không đi ngược lại lợi ích bình thường và thực thụ, được đảm bảo bằng những kết luận của lí trí và số học, thực sự có lợi cho con người và là quy luật tất iếu cho toàn nhân loại? Cho đến nay đó chỉ là giả thiết của quý vị. Cứ giả sử như đó là quy luật logic đi, nhưng có thể đó hoàn toàn không phải là quy luật của nhân loại. Có lẽ quý vị tưởng tôi điên? Xin mạn phép được phân giải đôi lời. Tôi đồng í: con người là một động vật đa phần có xu hướng sáng tạo, bất đắc dĩ phải nhắm tới mục đích một cách có í thức và thực hiện nghệ thuật công trình, nghĩa là vĩnh viễn và không ngừng vạch ra cho mình một con đường bằng mọi giá dù đến đâu thì đến. Nhưng có lẽ chính vì thế nên đôi khi hắn lại muốn vòng vo rẽ loanh quanh, vì hắn bị buộc phải lao vào con đường đó, còn nữa: bởi vì nói chung con người chất phác, con người hành động dù có ngu si đến mấy, xét cho cùng đôi khi hắn cũng có suy nghĩ là hóa ra con đường đó hầu như dứt khoát phải dẫn tới một nơi nào đó và điều chủ iếu không phải là nó dẫn đến đâu, mà là ở chỗ nó cứ dẫn đi khơi khơi, để đứa trẻ ngoan ngoãn vốn coi thường nghệ thuật công trình đừng có dở cái thói ăn không ngồi rồi chết người, mà ai cũng biết là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu. Con người iêu thích sáng tạo và mở ra những con đường, điều này miễn bàn. Nhưng vì cớ gì hắn cũng say mê phá hoại và gây rối? Quý vị bảo sao nào! Riêng tôi muốn có đôi lời. Có thể hắn iêu thích phá hoại và gây rối đến thế (điều này miễn tranh luận, đôi khi hắn còn iêu thích quá mức) phải chăng là vì theo bản năng hắn sợ đạt tới đích và hoàn thành cái công cuộc xây dựng của hắn? Làm sao quý vị biết, có thể hắn chỉ iêu thích cái công trình đó ở đằng xa, chứ không phải lúc đến gần; có thể hắn chỉ iêu thích xây dựng nó chứ không phải để sống trong đó, rồi về sau hắn sẽ sẵn sàng đem nó cho les animaux domestiques (gia súc), như loài kiến, loài cừu, vân vân và vân vân... Song loài kiến lại có thị hiếu khác hẳn. Chúng có một công trình tuyệt tác cũng đại loại thế nhưng bền vững muôn đời - đó là tổ kiến.
Tổ kiến là nơi bắt đầu, có lẽ cũng là nơi chấm dứt của loài kiến đáng kính, đem lại vinh dự lớn cho đức tính kiên định và thiết thực của chúng. Nhưng con người là một tạo vật nhẹ dạ và xấu xa, và có thể, giống như một người chơi cờ, hắn chỉ ưa cái quá trình để đạt được mục tiêu chứ không phải chính mục tiêu. Và ai biết được (không thể đảm bảo) có thể toàn bộ mục tiêu trên thế gian mà nhân loại hướng tới chỉ gói gọn trong tính liên tục của quá trình để đạt được; nói cách khác, gói gọn trong chính cuộc sống chứ không phải trong mục đích của cuộc sống, cố nhiên không phải gì khác là cái "hai lần hai là bốn", nghĩa là một công thức, mà "hai lần hai là bốn" không phải là cuộc sống, thưa quý vị, mà là khởi nguồn của cái chết. Ít ra thì con người cũng luôn sợ hãi cái "hai lần hai là bốn", tôi đây cũng rất sợ. Giả dụ con người chỉ làm cái việc đi tìm cái "hai lần hai là bốn" đó, hắn vượt đại dương, hi sinh cả cuộc đời để theo đuổi nó, nhưng để tìm kiếm, thực sự tìm thấy nó, trời ạ, thì hắn lại sợ. Bởi hắn cảm thấy rằng một khi đã tìm thấy rồi thì chẳng còn gì để mà tìm kiếm nữa. Khi làm xong việc, ít ra các thợ thuyền lãnh lương, vào quán uống rượu, và sau đó vào đồn cảnh sát, thế là có việc cho cả tuần rồi. Còn con người thì đi đâu? Ít nhất mỗi lần đạt được những mục đích tương tự thì i như rằng lại nhận thấy hắn có gì đó không ổn. Hắn iêu thích đạt được mục đích, nhưng khi đạt được rồi thì lại không hoàn toàn mãn nguyện và điều đó tất nhiên là khôi hài kinh khủng. Tóm lại, con người là một tạo vật khôi hài hết sức; trong toàn bộ chuyện này rõ ràng là một trò đố chữ. Nhưng cái "hai lần hai là bốn" xét cho cùng vẫn là một thứ không thể chịu nổi. "Hai lần hai là bốn" theo tôi chỉ là một điều xấc xược. "Hai lần hai là bốn" nhìn chòng chọc vào ta với vẻ hỗn láo, đứng chắn ngang đường, hai tay chống nạnh và khạc nhổ. Tôi đồng í "hai lần hai là bốn" là một thứ rất hay; nhưng nếu cần tán dương hết thảy mọi thứ thì "hai lần hai là năm" đôi khi còn dễ thương hơn nhiều.
Và vì sao quý vị lại cứ nằng nặc, cứ long trọng mà tin chắc rằng chỉ có cái bình thường và tích cực, tóm lại cái hạnh phúc là có lợi cho con người mà thôi? Liệu lí trí có nhầm lẫn gì trong lợi ích? Có thể con người không chỉ iêu thích mỗi cái hạnh phúc? Có thể hắn cũng thích đau khổ không kém? Có thể đau khổ đối với hắn cũng có lợi như hạnh phúc? Con người đôi khi lại iêu thích đau khổ khủng khiếp đến độ say mê, đó là sự thật. Ở đây chẳng cần phải tra trong thế giới sử làm gì; quý vị cứ tự hỏi chính mình thì biết, nếu quý vị là con người và ít nhiều đã sống một chút. Còn í kiến riêng của tôi ư, xin thưa: chỉ iêu thích mỗi cái hạnh phúc thôi là rất khiếm nhã. Tốt ư, xấu ư, nhưng đôi khi cũng thật là dễ chịu nếu đập phá thứ gì. Ở đây cá nhân tôi không đứng về phía ủng hộ đau khổ, và cũng không về phía hạnh phúc. Tôi đứng về phía... về phía cái tính khí thất thường của tôi, để nó đảm bảo cho tôi khi cần thiết. Chẳng hạn đau khổ thì chẳng ai đưa vào hài kịch cả, tôi biết chứ. Trong cung điện pha lê nó cũng thật vô nghĩa: đau khổ là hoài nghi, là tiêu cực, thế thì còn gì là cung điện pha lê nữa nếu còn có chỗ cho hoài nghi trong đó? Nhưng tôi dám chắc rằng con người chẳng đời nào lại từ chối sự đau khổ thực sự, nghĩa là từ chối phá hoại và gây rối. Đau khổ là nguyên nhân duy nhất của í thức! Lúc đầu tôi có trình bày rằng theo tôi thì í thức là một trong những bất hạnh lớn nhất của con người; nhưng tôi biết con người lại iêu quý nó và sẽ không khi nào đánh đổi nó lấy bất cứ sự thỏa mãn nào. Í thức, chẳng hạn, còn cao hơn vô cùng tận cái "hai lần hai". Sau cái "hai lần hai" thì cố nhiên không những chẳng còn gì để làm mà thậm chí chẳng còn gì để biết nữa. Khi đó tất cả chỉ còn mỗi một việc là đút nút hết thảy năm giác quan lại và đắm chìm vào suy tưởng. Với í thức thì mặc dù cũng sẽ tới một kết quả tương tự, nghĩa là cũng chẳng có gì để mà làm, nhưng ít ra thi thoảng cũng còn tự quất vào người được mấy roi, chí ít cũng còn ngọ nguậy đôi chút. Dù có thoái hóa thật, song vẫn còn tốt bằng vạn lần chẳng có gì.