Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-11)


XI
Thưa quý vị, rốt cuộc của mọi rốt cuộc, tốt nhất là không làm gì hết! Tốt hơn hết là tính ì có í thức. Vậy thì hoan hô cuộc đời dưới hầm! Mặc dù tôi có nói rằng tôi ghen tị với con người bình thường đến tận xương tủy, tuy nhiên trong những điều kiện mà tôi trông thấy hắn thì tôi lại chẳng muốn là hắn chút nào (mặc dù xét cho cùng vẫn không ngớt ghen tị với hắn. Không, không, trong mọi trường hợp dưới hầm vẫn có lợi hơn). Ít ra ở đó còn có thể... À, mà tôi lại nói dối nữa rồi. Nói dối bởi tôi biết rõ như "hai lần hai", rằng hoàn toàn không phải dưới hầm tốt hơn, mà là một cái gì khác, hoàn toàn khác hẳn mà tôi đang khao khát nhưng không thể tìm thấy. Quỷ tha ma bắt cái cuộc đời dưới hầm!
Giá như tôi tin được ít nhất vào một câu tôi viết đây thì sự tình đã tốt hơn biết bao nhiêu rồi! Thưa quý vị, tôi thề là tôi không tin nổi lấy một chữ nhỏ! Nghĩa là có thể tôi cũng tin, nhưng đồng thời chẳng biết sao tôi cảm thấy, tôi nghi ngờ là mình nói dối như cuội.
- Nếu thế anh lại viết những thứ này ra để làm gì? - quý vị sẽ thắc mắc.
- Quý vị tính sao nếu như tôi nhốt quý vị dưới hầm suốt bốn mươi năm chẳng cho làm gì hết, rồi bốn mươi năm sau tôi sẽ tới thăm quý vị để xem quý vị đã trở thành cái giống gì rồi? Lẽ nào có thể để một người sống cô độc mà chẳng cho làm gì suốt bốn mưới năm trời?
- Không thấy xấu hổ, không thấy hèn hạ à! - có lẽ quý vị sẽ lắc đầu khinh bỉ mà bảo tôi như vậy - Anh thèm khát sống mà lại tự giải quyết những vấn đề cuộc sống bằng những ngộ nhận logic ư. Mấy trò mèo của anh mới nhiễu sự làm sao, xấc xược làm sao, còn chính anh thì hèn làm vậy! Anh nói toàn chuyện tào lao mà lại còn dương dương tự đắc; anh nói toàn điều xấc xược mà liên tục sợ sệt rồi lại xin thứ lỗi. Anh cam đoan là anh chẳng e ngại quái gì mà lại cứ muốn chúng tôi cho í kiến. Anh tin chắc là anh nghiến răng nghiến lợi mà đồng thời lại pha trò để chọc cười chúng tôi. Anh biết rằng những câu pha trò của anh nhạt như nước ốc mà cũng lấy làm đắc chí với cái chất văn chương của chúng. Có thể, thực sự anh đã từng đau khổ, nhưng anh có chút tôn trọng gì với nỗi đau ấy. Trong con người anh có chút thật lòng nhưng con người anh lại chẳng có chút liêm sỉ; chỉ do thói hám danh nho nhỏ anh đem phơi cái sự thật đó ra trước thiên hạ để bêu riếu như ở ngoài chợ.... Anh thực tâm muốn nói đôi điều, nhưng do sợ hãi lại che giấu lời cuối cùng, bởi anh chẳng có lấy một chút cả quyết để nói ra mà chỉ bày trò hỗn láo một cách hèn nhát. Anh khoe khoang cái í thức của mình, nhưng lại do dự, bởi mặc dù đầu óc anh làm việc, nhưng con tim anh lại u mê sa đọa, mà hễ trái tim không trong sạch thì í thức chẳng thể nào đầy đủ, đúng đắn được. Và cái tính nhiễu sự trong anh nhiều chừng nào, thì anh lại càng kì kèo, lại uốn éo chừng nấy! Dối trá, dối trá, toàn dối trá!
Tất nhiên, những lời của quý vị là do chính tôi soạn. Cái đó cũng từ dưới hầm mà ra. Ở đó suốt bốn mươi năm trời tôi áp tai nghe từng lời một của quý vị qua khe vách hở. Chính tôi đã bịa ra, bởi chỉ bịa được đến thế thôi. Chẳng có gì là thông thái mà không học thuộc lòng đượcvà khoác cho nó một tấm áo văn chương...
Nhưng chẳng lẽ, chẳng lẽ thực tế quý vị lại nhẹ dạ đến mức tưởng rằng tôi sẽ cho in ra rồi đưa cho quý vị đọc sao? Còn vấn đề này nữa: tại sao tôi lại gọi quý vị bằng "quý vị", rồi tôi xưng hô với quý vị như thể với độc giả của mình vậy để làm gì? Không ai đem in và cho người khác đọc những lời thú nhận như tôi có í định trình bày ở đây. Ít ra, tôi cũng không đủ cứng rắn để làm vậy mà cũng chẳng cần cứng rắn để làm gì. Nhưng quý vị có thấy không: trong đầu tôi bỗng nảy ra ảo tưởng và bằng mọi giá phải thực hiện nó. Cơ sự là như thế.
Trong kí ức của mỗi người đều có những điều mà hắn không thổ lộ với tất cả mọi người mà chỉ chia sẻ với bạn bè. Có những điều mà kể cả với bạn bè cũng không thổ lộ, chỉ lẩm bẩm một mình, chôn kín trong lòng như một bí mật. Tuy nhiên, cũng có những điều mà con người còn không dám thổ lộ với cả chính bản thân, và những điều như thế bất cứ một con người đứng đắn nào cũng tích lũy được kha khá. Nghĩa là thậm chí thế này: càng đứng đắn bao nhiêu lại càng có nhiều điều như thế bấy nhiêu. Ít ra cũng mới đây thôi, tôi quyết định hồi tưởng lại mấy chuyện phiêu lưu cũ, trước nay tôi luôn cố tránh nó, thậm chí còn đôi chút lo âu. Giờ đây, không những tôi đã nhớ lại, mà tôi còn quyết định chép nó ra, tôi muốn thử xem: ít nhất có thể hoàn toàn cởi mở với bản thân hay không và có dám đối diện với toàn bộ sự thật hay không? Nhân tiện tôi xin ghi chú: Heine quả quyết rằng tiểu sử tự thuật đáng tin cậy hầu như chẳng bao giờ có, và con người thường dối trá khi nói về bản thân. Theo ông thì Rousseau chẳng hạn, ắt hẳn đã nói dối về bản thân trong "Lời thú tội", và chủ tâm lừa dối do thói hám danh. Tôi tin là Heine nói đúng; tôi hiểu rất rõ đôi khi chỉ vì mỗi một thói hám danh mà ta có thể đóng đinh vào người bao điều tội lỗi, và tôi cũng nhận thức rõ cái thói hám danh đó là cái giống gì. Nhưng Heine phán xét con người thú tội trước công chúng. Còn tôi, tôi chỉ viết cho một mình tôi và xin tuyên bố, lần đầu cũng là lần cuối, rằng nếu những gì tôi viết có vẻ như hướng tới độc giả, thì chẳng qua chỉ là một cách diễn đạt cho dễ viết. Ở đây chỉ là hình thức, hình thức suông, tôi sẽ chẳng bao giờ có độc giả nào hết. Tôi đã tuyên bố rồi...
Tôi chẳng muốn bị gò bó bởi bất cứ điều gì trong việc biên tập những ghi chép của tôi. Tôi chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào. Tôi chỉ viết những gì tôi nhớ lại.
Lúc này chẳng hạn, quý vị có thể bắt bẻ tôi và hỏi: nếu thực sự anh không màng đến độc giả, thì giờ đây anh lại thỏa hiệp với chính anh để làm gì, mà lại còn viết ra giấy nữa, nghĩa là anh chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào, nghĩa là anh viết những gì anh nhớ lại thôi v.v... và v.v...? Vậy anh biện bạch để làm gì? Vì sao phải xin lỗi?
- À đúng thế đó, - tôi bèn trả lời
Tuy vậy, ở đây là một ca tâm lí, thưa quý vị. Có thể, đơn giản tôi chỉ là một thằng hèn. Mà cũng có thể, tôi cố tình tưởng tượng ra đông đảo công chúng trước mặt mình để gọi là giữ thể diện, trong khi viết ra giấy. Nghĩa là, có cả ngàn lẻ một lí do.
Nhưng còn điều này nữa: cớ sao tôi lại muốn viết ra? Nếu không vì công chúng, thì cứ việc ngồi đó mà hồi tưởng, viết ra giấy làm gì.
Thế đấy; nhưng viết ra giấy thì nghe chừng trang trọng hơn nhiều. Có gì đó gợi cảm hứng hơn, sẽ phán xét bản thân được nhiều hơn, lối hành văn nhờ thế khá hơn. Ngoài ra: có thể nhờ viết ra tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Như hôm nay chẳng hạn, một kí ức xa xưa bỗng đè nặng tim tôi. Nó tái hiện trong tôi rất rõ ràng từ mấy bữa nay và từ bấy đến giờ không ngớt theo đuổi tôi, cứ i như những í nhạc gây bực mình không chịu lìa xa. Trong khi tôi lại thấy cần xua nó đi. Tôi có hàng trăm kí ức như thế; nhưng dần dần một trong hàng trăm kí ức bỗng trỗi dậy và đè nặng tim tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại tin rằng nếu tôi viết ra, nó sẽ biến đi. Vậy thì sao lại không thử nhỉ?
Sau rốt: vì tôi buồn chán, suốt ngày tôi chẳng làm gì. Viết lách tựa như là một công việc rồi. Người ta nói công việc khiến con người trở nên lương thiện và đứng đắn. Ít ra đây cũng là một cơ hội cho tôi.
Hôm nay tuyết rơi, hầu như đang tan, những bông tuyết vàng, mịt mù. Hôm qua tuyết cũng rơi, mấy hôm trước cũng thế. Tôi cảm thấy do tuyết tan khiến tôi nhớ lại câu chuyện vui, mà giờ đây kí ức về nó chẳng chịu rời tôi nữa. Như vậy, hãy để câu chuyện tôi sắp kể được mang tên - Nhân mùa tuyết tan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét