Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-7)


VII
Nhưng đó chỉ là giấc kê vàng mà thôi. Ồ này, ai là người đầu tiên đã phát biểu, ai là người đầu tiên đã tuyên bố rằng con người làm những điều đê tiện chỉ vì hắn không biết đến những quyền lợi thực thụ của mình; còn nếu như soi sáng cho hắn, banh mắt hắn ra cho hắn thấy những quyền lợi bình thường thực thụ của hắn, thì lập tức hắn sẽ thôi, không làm những điều đê tiện nữa, lập tức trở nên tốt bụng và cao cả ngay, bởi vì một khi đã được soi sáng và thấu hiểu những lợi ích thực thụ của mình, thì hắn sẽ thấy được cái tư lợi trong cái thiện, bởi ai cũng biết là không người nào có thể cố tình hành động đi ngược lại lợi ích của chính mình, suy ra con người thấy cần thiết phải làm điều thiện? Ôi, đúng là trẻ con! ôi bé con ngây thơ trong trắng làm sao! nhưng có bao giờ, thứ nhất, suốt hàng ngàn năm nay, có bao giờ con người hành động chỉ vì tư lợi? Biết làm gì đây với hàng triệu sự kiện chứng minh rằng người ta đã biết trước, nghĩa là hoàn toàn hiểu rõ lợi ích thực thụ của mình, lại đem đặt nó vào hàng thứ iếu và đâm đầu vào một con đường khác, nguy hiểm, trông vào may rủi, không gì bắt và chẳng ai buộc phải làm thế, mà dường như chính họ cố tình tránh con đường được vạch ra, và ngoan cố, tự í lao vào con đường khác khó khăn, vô nghĩa, gần như mò mẫm trong bóng tối. Nghĩa là, thực sự cái thói ngoan cố và tự í đối với họ còn thú vị hơn mọi tư lợi... Tư lợi! Tư lợi là cái gì cơ chứ? Quý vị có dám đảm đương việc định nghĩa một cách hoàn toàn chính xác tư lợi của con người là thế nào không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như tư lợi của con người đôi khi không những có thể, mà thậm chí ngược lại, còn phải là muốn rước lấy cái hại chứ không phải cái lợi? Nếu thế, nếu chỉ có thể xảy ra trường hợp này, thì toàn bộ nguyên tắc sẽ ra tro bụi. Quý vị nghĩ sao, trường hợp đó có xảy ra không? Quý vị có cười thì cứ cười, nhưng hãy trả lời đã: có thể đếm được đầy đủ và chính xác những tư lợi của con người hay không? Có phải là có những cái không những không được xếp vào, mà còn không thể xếp vào bất kì hệ thống phân loại nào? Thưa quý vị, trong chừng mực mà tôi biết, quý vị đã lập danh mục tư lợi con người bằng cách lấy con số trung bình từ số liệu thống kê và từ những công thức kinh tế - khoa học. Vậy tư lợi con người theo quý vị bao gồm: sự thịnh vượng, giàu có, tự do, bình an, v.v... và v.v...; như thế, chẳng hạn một người công khai và cố tính bài xích cái danh mục đó, theo í quý vị, và dĩ nhiên cả tôi nữa, sẽ được coi là một kẻ ngu dân chủ nghĩa hay một thằng điên, phải thế không nhỉ? Nhưng lạ một điều: vì lẽ gì mà hết thảy các nhà thống kê, các bậc thông thái và các vị nhân ái đó lại luôn luôn bỏ qua một thứ trong khi tính toán những tư lợi của con người? Thậm chí họ cũng chẳng đưa nó vào tính toán dưới dạng thức mà lẽ ra phải đưa vào, vì toàn bộ kết quả tính toán phụ thuộc vào nó. Có đưa nó vào tính toán hay thêm nó vào danh mục thì cũng chẳng phải là tai họa lớn. Tuy nhiên tai họa là ở chỗ cái tư lợi thông thái ấy không khớp với bất kì một hệ thống phân loại nào và không thể có chỗ trong một danh mục nào được. Chẳng hạn, tôi có một ông bạn... Mà này, quý vị à! quý ông đó cũng là bạn của quý vị luôn; có ai mà không là bạn của ông ta cơ chứ! Khi sắp sửa hành động, quý ông đó lập tức trình bày với quý vị rất rõ ràng và tao nhã rằng chính ông ta phải hành động phù hợp với quy luật của lí trí và chân lí. Hơn nữa: ông ta sẽ rất phấn khích và say sưa mà thưa với quý vị về những quyền lợi thực thụ và bình thường của con người; sẽ mỉa mai nhiếc móc sự thiển cận của những kẻ ngu si chẳng hiểu gì về tư lợi của mình, về chân giá trị của phẩm hạnh; và chỉ đúng mười lăm phút sau, chẳng vì một nguyên cớ đột xuất nào bên ngoài, mà chỉ do một động cơ nào đó bên trong lấn át mọi quyền lợi của ông ta, ông ta sẽ đổi chân trụ ngay tức khắc, nghĩa là sẽ hành động phản lại những gì đã nói: phản lại cả những quy luật của lí trí, cả tư lợi, nói tóm lại là phản lại tất cả... Tôi cảnh báo trước, ông bạn tôi là một nhân vật tập thể và vì thế khó lòng mà quy kết một mình ông ta được. Sự thể là vậy, thưa quý vị, chẳng lẽ thực chất không tồn tại điều gì đáng quý hơn những tư lợi lớn lao nhất hầu như đối với bất kì con người nào hay sao, hoặc là (để khỏi phá vỡ logic): chẳng lẽ tồn tại một thứ tư lợi có tính tư lợi nhất (chính cái thứ bị bỏ qua một bên, mà giờ đây đang nói tới), còn chủ iếu hơn và có lợi hơn tất cả các tư lợi khác, mà một khi cần thiết, con người sẵn sàng hành động phản lại mọi quy luật, nghĩa là phản lại lí trí, danh dự, bình an, thịnh vượng, - nói tóm lại phản lại toàn bộ những cái đẹp và cái hữu ích, cốt chỉ để đạt được cái tư lợi khởi nguồn có tính tư lợi nhất, đáng quý nhất đối với cá nhân hắn thôi sao.
- Ừ thì xét cho cùng đó cũng vẫn là tư lợi, - quý vị ngắt lời tôi. Nhưng xin mạn phép, chúng ta sẽ làm rõ thêm, chuyện ở đây không phải là trò đố chữ mà là ở chỗ, sở dĩ cái tư lợi ấy nó vượt trội chính là vì nó phá hủy toàn bộ hệ thống phân loại của ta và luôn luôn đập tan toàn bộ các hệ thống do những con người nhân ái gầy dựng vì hạnh phúc của nhân loại. Tóm lại, nó cản trở mọi thứ. Nhưng trước khi gọi đích danh cái tư lợi ấy ra, tôi muốn tự thỏa hiệp với cá nhân mình, và vì thế đánh liều mà tuyên bố rằng tất cả những hệ thống đẹp đẽ ấy, tất cả những lí thuyết giải nghĩa cho nhân loại đâu là những quyền lợi bình thường thực thụ của mình, để nhân loại, khi cần phải hướng mục đích đạt được những quyền lợi đó, lập tức trở nên có lòng tốt và cao thượng, cho đến nay, theo tôi chỉ là vấn đề logic! Vâng, logic học thuần túy! Ít ra để củng cố lí thuyết cải tạo nhân loại bằng hệ thống tư lợi của con người, theo tôi, hầu như là... ít ra là công nhận với Buckle[1] chẳng hạn, là văn minh làm cho con người ôn hòa hơn, do đó con người trở nên ít khát máu hơn, ít hiếu chiến hơn. Về mặt logic, Buckle đã đưa ra kết luận như thế. Nhưng con người say sưa với những hệ thống và với kết luận trừu tượng đến mức sẵn sàng chủ tâm bóp méo sự thật, sẵn sàng nhắm mắt bịt tai, cốt để biện minh cho logic của mình. Sở dĩ tôi lấy ví dụ này vì đó là một ví dụ quá rõ ràng. Quý vị thử nhìn quanh xem: máu chảy thành sông, lại còn chảy rộn ràng là đằng khác, cứ như thể rượu sâm-banh. Đấy, toàn bộ cái thế kỉ XIX của chúng ta là thế đấy, trong đó có cả Buckle. Đó là Napoléon - vừa vĩ đại, vừa hiện đại. Đó là Bắc Mĩ - một khối liên hiệp vĩnh cửu. Và cuối cùng, đó là vụ tranh chấp Schleswig-Holstein[2] thật khôi hài... Vậy văn minh làm ta ôn hòa ở chỗ nào? Văn minh chỉ tạo ra trong con người cái đa tạp của cảm xúc mà thôi... dứt khoát chẳng có gì hơn. Thông qua sự phát triển tính đa tạp đó, có lẽ con người sẽ còn đạt đến độ tìm thấy khoái lạc trong việc đổ máu cũng nên. Vả lại cơ sự này cũng đã xảy ra rồi. Quý vị có để í rằng những kẻ khát máu tinh tế nhất bao giờ cũng là những vị văn minh nhất, và so với họ thì những Attila[3], những Stenka Razin[4] chả thấm vào đâu, và sở dĩ họ không lọt vào mắt xanh chúng ta như Attila và Stenka Razin chẳng qua là bởi họ xuất hiện quá thường xuyên, quá đỗi bình thường, vụt đến vụt đi. Ít ra nếu văn minh không làm cho con người thêm khát máu thì có lẽ nó đã làm cho con người khát máu một cách tệ hại hơn, ghê tởm hơn trước kia. Trước kia, con người thấy việc đổ máu là chính đáng và hủy diệt những kẻ đáng chết với lương tâm thanh thản; còn ngày nay, mặc dù chúng ta cho rằng việc đổ máu là ghê tởm, song rốt cuộc vẫn thực hiện những việc ghê tởm ấy, thậm chí còn nhiều hơn trước kia. Cái nào tệ hơn? - quý vị tự mà quyết lấy. Người ta bảo Cleopatra (xin lỗi đã lấy ví dụ trong sử La Mã) rất thích đâm kim nhọn bằng vàng vào vú bọn nữ nô lệ để tìm khoái lạc trong tiếng la thét và sự quằn quại của chúng. Quý vị sẽ bảo rằng chuyện đó xảy ra trong thời kì tương đối còn man rợ; rằng thời nay cũng hãy còn man rợ, bởi vì (cũng nói một cách tương đối) cũng vẫn trò đâm kim vào thịt; rằng mặc dù thời nay con người đôi khi đã học cách nhìn biết sự vật rõ ràng hơn thời kì man rợ, nhưng còn khướt mới học được cách hành xử cho đúng với lí trí và khoa học. Nhưng dù sao quý vị vẫn hoàn toàn tin chắc là con người dứt khoát sẽ học được một khi từ bỏ hẳn những thói quen cũ tệ hại và chừng nào tư duy lành mạnh và khoa học hoàn toàn cải tạo được bản tính con người và hướng nó vào chuẩn mực. Quý vị tin là khi đó con người sẽ tự nguyện chấm dứt lỗi lầm, có thể nói, sẽ miễn cưỡng không muốn gắn kết í chí với những quyền lợi bình thường của hắn nữa. Hơn thế nữa: quý vị sẽ bảo, chừng đó khoa học sẽ dạy dỗ con người (mặc dù theo tôi đây là điều xa xỉ) rằng thực sự hắn chưa bao giờ và chưa từng bao giờ có í chí hay những tính khí bất thường gì hết, tựu trung hắn chỉ giống như phím đàn dương cầm[5] hoặc bàn đạp đại phong cầm không hơn không kém; rằng cao hơn tất cả, trên thế gian này còn có những quy luật tự nhiên; vì thế hết thảy những điều hắn làm hoàn toàn chẳng phải do í muốn của hắn, mà tự thân nó phù hợp với những quy luật tự nhiên. Cho nên chỉ cần khám phá ra những quy luật tự nhiên là con người sẽ khỏi còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và cuộc đời đối với hắn sẽ vô cùng dễ chịu. Khi đó toàn bộ hành vi của con người tự thân nó sẽ được tính toán theo những quy luật của toán học, trong dạng bảng lôgarit tính đến 108.000, rồi được đưa vào lịch biểu; hoặc tốt hơn nữa, xuất hiện những ấn bản có mục đích cao đẹp, đại loại như từ điển bách khoa toàn thư thời nay, trong đó gi gỉ gì gi đều được tính toán và kí hiệu, trên thế gian này sẽ không còn hành vi, không còn phiêu lưu gì hết.
Khi đó - vẫn theo lời quý vị - những tương quan kinh tế mới sẽ bắt đầu, hoàn toàn sẵn sàng và được tính toán với độ chính xác toán học, thế rồi trong nháy mắt mọi câu hỏi các loại sẽ biến mất, đơn giản là vì đã có sẵn mọi câu trả lời các loại rồi. Khi đó một cung điện pha lê sẽ được dựng lên. Khi đó... Nào, tóm lại, khi đó Chim Lửa[6] sẽ bay đến. Tất nhiên chẳng có gì bảo đảm (bây giờ là tôi nói), rằng khi đó sẽ không còn buồn chán kinh khủng (vì còn biết làm gì nếu mọi thứ đều được tính toán theo bảng tính), nhưng được cái mọi thứ đều sẽ rất khôn ngoan. Cố nhiên nhàn cư vi bất thiện! Chính những mũi kim vàng sẽ đâm vào da thịt do buồn chán, tuy nhiên thế vẫn còn chưa sao. Điều tệ hại là ở chỗ (vẫn lời tôi) có thể khi đó người ta còn khoái trá với những cây kim vàng. Con người vốn ngu xuẩn, ngu xuẩn một cách lạ thường. Nghĩa là hắn chí ít hoàn toàn không ngu xuẩn, song lại cực kì vô ơn đến mức không tài nào tìm ra một loài khác vô ơn hơn. Chẳng hạn, như tôi đây sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu bất thình lình, vô duyên vô cớ, ngay giữa lúc khôn ngoan nhất, xuất hiện một quý ông nào đó với bộ mặt đê tiện, hoặc đúng hơn, với bộ mặt thoái hóa và cợt nhả, hai tay chống nạnh, oang oang với tất cả chúng ta: này các ngài, nên chăng ta đá quách cái lí trí sáng suốt ấy một lần cho rảnh với mục đích duy nhất là tống khứ mẹ nó mấy thứ lôgarit đó đi, để quay lại sống theo cái í chí ngông cuồng xuẩn ngốc của ta có hơn không! Thế đã hề hấn gì, cái đáng giận là nhân vật này dứt khoát thế nào cũng tìm được nhiều môn đồ cho mà xem: con người là vậy đó. Tất cả đều từ một lí do vớ vẩn, có lẽ không đáng để nhắc tới chút nào: chính là vì con người, cho dù hắn là ai, bao giờ và ở đâu, đều khao khát hành động theo í muốn chứ không theo mệnh lệnh của lí trí và tư lợi; mà í muốn cũng có thể, và đôi khi còn buộc phải đi ngược lại tư lợi (í tưởng của tôi). Í muốn tự do, không bị trói buộc của cá nhân, tính khí thất thường, kể cả có man rợ đến mấy của cá nhân, ảo tưởng bị kích động thậm chí tới mức điên loạn của cá nhân - phải, tất cả những thứ đó chính là cái tư lợi có tính tư lợi nhất, là cái bị gạt qua một bên, là cái không khớp với bất cứ hệ thống phân loại nào, là cái khiến mọi hệ thống và lí thuyết biến hết xuống địa ngục. Dựa vào đâu mà tất cả các nhà thông thái lại cho rằng con người ta nhất thiết phải có dục vọng bình thường và đức hạnh? Dựa vào đâu mà họ lại hình dung là con người nhất thiết phải có dục vọng tư lợi khôn ngoan? Con người chỉ cần một thứ duy nhất là dục vọng độc lập, bất chấp cái độc lập ấy đáng giá thế nào và dẫn tới hậu quả thế nào. Còn dục vọng là cái thứ gì thì họa có quỷ mới biết được nó ra làm sao...


[1] Henry Thomas Buckle (1821-1862) - sử gia người Anh, dự định viết bộ "Lịch sử văn minh nước Anh" trong đó ông muốn xây dựng những quy luật phát triển nhân loại, nhưng không hoàn thành tác phẩm và chỉ viết xong hai tập.
[2] Chiến tranh giữa Phổ và Đan Mạch tranh giành hai vùng Schleswig và Holstein xảy ra trong thời Dostoevsky viết tập "Bút kí" này. Hiện nay Schleswig-Holstein là một bang cực Bắc của Đức.
[3] Thường được gọi là Attila the Huns (?-453) - lãnh tụ của người Huns từ năm 434 đến 453, đứng đầu đế quốc Huns có lãnh thổ từ sông Ural đến sông Rhine, và từ sông Danube đến biển Baltic, kẻ thù đáng sợ nhất của Tây và Đông La Mã.
[4] Stepan Timofeevich Razin (~1630-1671) - người cầm đầu quân Kazak từ năm 1667 hô hào nhân dân khởi nghĩa chống Sa hoàng Aleksei I, bị bắt và bị xử tử năm 1671.
[5] Nói về lí luận của triết gia duy vật Pháp Denis Diderot (1713-1784) trong tiểu luận "Cuộc trò chuyện của D'Alembert và Diderot" (1769): "Chúng ta là những nhạc cụ được ban cho khả năng cảm giác và trí nhớ. Cảm xúc của chúng ta là những phím đàn mà thiên nhiên đưa bàn tay dạo nhẹ và những phím đàn ấy cũng thường tự bật lên thành tiếng nhạc".
[6] Chim Kagan trong thần thoại, khi xuất hiện mang điềm hạnh phúc đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét