Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Di chúc Lenin (III)

Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc của Lenin", được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô từ năm 1928. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.

Trotsky bị trục xuất khỏi Liên Sô, 1928

Quan hệ giữa Stalin và Trotsky
Hai trang đánh máy chiếm vị trí trung tâm trong Di chúc là nói về đặc điểm quan hệ giữa Stalin và Trotsky, "hai lãnh đạo kiệt xuất của BCHTW hiện nay". Nhấn mạnh "khả năng xuất sắc" của Trotsky ("người có khả năng nhất trong BCHTW hiện nay"), sau đó Lenin nêu ra những nhược điểm: "tự tin quá mức" và "bị lôi cuốn về khía cạnh hành chính thuần túy của công việc". Bản thân những khuyết điểm được nêu ra chẳng có gì đáng nghiêm trọng, nhân tiện tôi nhận xét thêm, nó chẳng liên quan gì đến "không đánh giá hết giai cấp nông dân", hay "không tin tưởng vào nội lực cách mạng", cũng như những thứ khác do những người kế tục bịa đặt trong những năm sau này.
Mặt khác, Lenin viết: "Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng chí Stalin đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí sẽ đủ thận trọng để sử dụng quyền lực này". Chuyện muốn nói ở đây không phải về ảnh hưởng chính trị của Stalin, vào thời kì đó còn chưa đáng kể, mà về quyền lực hành chính ông ta thâu tóm vào tay mình, "nắm trọng trách tổng bí thư". Đó là công thức chính xác và được cân nhắc thận trọng: chúng ta sẽ quay lại nó.
Di chúc khẩn khoản về việc tăng số lượng ủy viên BCHTW lên đến 50, thậm chí 100 người, để họ có thể bằng áp lực thu nhỏ ủng hộ khuynh hướng tập trung của Bộ chính trị. Đề xuất về tổ chức có tầm nhìn bảo đảm trung lập chống xung đột cá nhân. Nhưng 10 ngày sau đó Lenin cảm thấy còn chưa đủ, và đã viết thêm đề xuất, đã cho toàn bộ văn kiện một diện mạo sau cùng: "... tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn, ít thất thường hơn v.v..."
Vào những ngày khi đọc cho thư kí chép Di chúc, Lenin hướng đến việc đánh giá có tính chất phê bình Stalin một cách kiềm chế nhất đến mức có thể. Vào những tuần cuối cùng giọng điệu Lenin trở nên gay gắt hơn, và càng như thế cho đến những giờ phút cuối cùng, khi giọng của đồng chí vĩnh viễn tắt hẳn. Nhưng trong Di chúc đã nói đủ, để thấy cần thiết phải thay tổng bí thư. Cùng với tính cách thô lỗ và thất thường, Stalin còn bị phê bình khuyết điểm không trung thực. Tại điểm này việc nêu tính cách chuyển thành lời buộc tội nặng nề.
Từ lâu đã rõ, Di chúc không có gì là bất ngờ đối với Stalin. Nhưng điều này cũng không xoa dịu được cú đòn ấy. Sau lần đầu tiếp xúc với tài liệu, giữa những cộng sự gần gũi trong ban bí thư, Stalin đã buông ra câu nói cho thấy cách thể hiện hoàn toàn không cần che dấu những cảm xúc thật của ông ta với tác giả của Di chúc. Tình huống mà câu nói được lan truyền rộng hơn, và cái chính là tính xác thực của phản ứng, theo quan điểm của tôi, là đảm bảo cho tính xác thực của tình tiết. Đáng tiếc, những lời vàng ngọc có cánh ấy lại không được công bố trên sách báo.
Không có tính nước đôi, đề xuất then chốt của Di chúc chỉ rõ, theo Lenin, nguy cơ khởi nguồn từ đâu. Bãi nhiệm Stalin - chính ông ta và chỉ ông ta mà thôi - có nghĩa là tách ông ta khỏi bộ máy nhà nước, loại bỏ khả năng nắm cánh tay đòn dài của đòn bẩy, tước mọi quyền lực mà ông ta đã dùng cương vị tổng bí thư để thâu tóm.
Bổ nhiệm ai vào cương vị tổng bí thư? Nhân vật có phẩm chất ưu tú hơn Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, ít thất thường hơn. Stalin đã đón nhận chính câu nói này một cách cay cú nhất: rõ ràng Lenin không cho rằng ông ta là người không thể thay thế được, một khi đã đề xuất tìm kiếm người thích hợp hơn cho cương vị đó. Lên tiếng từ chức, cho có hình thức, tổng bí thư nhắc lại một cách giận dỗi: "Sao nào, tôi thực sự thô lỗ... Ilich đề xuất các đồng chí tìm một người khác tôi chỉ vì có tính cách lịch sự hơn. Đấy, các đồng chí cứ thử tìm xem." - "Không vấn đề gì, - đáp lại là giọng nói cất lên của một người khi đó còn là chiến hữu của Stalin, - chúng tôi không ngại sự thô lỗ, đảng ta toàn người thô lỗ, đảng của giai cấp vô sản mà". Khái niệm lịch sự Lenin ám chỉ ở đây có tính chất sa-lông. Về việc kết tội khuyết điểm không trung thực - cả Stalin lẫn phe nhóm của ông ta không ai nhắc đến. Thật thú vị là giọng nói ủng hộ lại phát ra từ A.P. Smirnov, khi đó là ủy viên Bộ dân ủy điền địa, còn hiện nay đang bị thất sủng, bị quy kết thuộc phe hữu khuynh. Chính trị đâu đếm xỉa gì đến ơn huệ.
Radek, khi ấy còn là ủy viên BCHTW, ngồi cạnh tôi lúc công bố Di chúc. Nhân khoảnh khắc hơi mất kỉ luật nội bộ do ảnh hưởng quá mạnh của Di chúc, Radek nghiêng qua tôi thì thầm: "Bây giờ họ không dám đứng lên chống lại đồng chí nữa". Tôi trả lời: "Ngược lại, bây giờ họ sẽ đi đến cùng và sẽ dùng mọi khả năng để nhanh nhất có thể". Những ngày sau đó tại đại hội XIII chứng tỏ đánh giá của tôi khá tỉnh táo. Bộ ba cần ngăn chặn tác động có thể xảy ra của Di chúc, tìm cách nhanh chóng đặt đảng vào chuyện đã rồi. Việc công bố văn kiện đến các đại biểu khối điền địa, không cho "người lạ" tham gia, thực chất đã biến thành cuộc đấu tranh trực diện chống lại tôi. Các đại biểu tối cao nghe đọc một đằng những từ này, người ta lại nhấn mạnh một nẻo những từ khác và giải thích, bình luận với ý như bức thư do một người đang lâm bệnh nặng viết ra, bị ảnh hưởng bởi những mưu đồ và toan tính. Bộ máy đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Một thực tế là bộ ba có thể đạt mục đích làm trái nguyện vọng của Lenin, từ chối công bố Di chúc tại đại hội, đủ để xác định thành phần đại hội và không khí của nó như thế nào rồi. Di chúc đã không ngăn chặn và xoa dịu bớt đấu đá nội bộ, trái lại, còn khiến nó trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Di chúc Lenin (II)

Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc của Lenin", được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô từ năm 1928. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.


"Sáu từ"
Viện dẫn lời của Karl Radek[1] như một nhân chứng, Emil Ludwig thuật lại tình tiết sau: "Sau khi Lenin chết, 19 người chúng tôi trong BCHTW ngồi cùng nhau, căng thẳng chờ đợi vị lãnh tụ, người mà chúng tôi vừa mất đi, đang nằm trong cỗ quan tài, căn dặn lại những gì. Bà góa phụ Lenin trao cho chúng tôi bức thư của người. Stalin đọc lớn nó lên. Trong lúc đọc thư không một ai nhúc nhích. Khi đến đoạn về Trotsky "quá khứ không phải bôn-sê-vich của đồng chí ấy không phải tình cờ". Đúng tại chỗ ấy, Trotsky ngắt lời và hỏi: "Viết thế nào?". Lời đề nghị được lặp lại. Đó là những từ duy nhất vang lên trong giờ phút long trọng ấy".
Lúc này với tư cách là người phân tích chứ không phải người kể chuyện, Ludwig đưa ra nhận xét: "Thời điểm đáng sợ khi tim Trotsky như muốn ngừng đập: sáu từ ấy về bản chất đã quyết định cuộc đời ông". Hóa ra, thật đơn giản để tìm được chìa khóa của bí ẩn lịch sử! Những dòng lâm li của Ludwig có lẽ đã hé mở cho tôi biết bí mật của số phận tôi, nếu như... Nếu như câu chuyện của bộ đôi Radek - Ludwig không phải là bịa đặt từ đầu chí cuối: từ nhỏ đến lớn, từ không đáng kể đến đầy í nghĩa.
Bắt đầu từ thời điểm Di chúc được Lenin hoàn thành, không phải là hai năm trước khi chết như tác giả của chúng ta khẳng định, mà là một năm: nó được ghi ngày 4/1/1923, còn Lenin chết ngày 21/1/1924; sự nghiệp chính trị của đồng chí thực chất đã kết thúc từ tháng 3/1923. Ludwig khẳng định, dường như Di chúc chưa từng được công bố đầy đủ. Thực chất, nó đã được xuất bản hàng chục lần trên thế giới bằng mọi thứ tiếng. Lần công bố chính thức đầu tiên tại điện Kremlin không phải trong phiên họp của BCHTW, như Ludwig viết, mà trong phiên họp hội đồng tối cao của đại hội lần thứ XIII ngày 22/5/1924. Người đọc Di chúc không phải là Stalin mà là Kamenev, trong tư cách không thể thay thế là chủ tịch cơ quan trung ương đảng. Và sau cùng, chủ iếu nhất, là tôi không ngắt lời bằng tiếng thốt đầy lo lắng vì chẳng có một duyên cớ nào: những từ đó, như Ludwig ghi lại theo lời kể của Radek, không có trong Di chúc - nó hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chẳng có gì khó khăn để kiểm tra, nhưng nó vẫn cứ được viết ra như thế!
Nếu như Ludwig không quá xem thường nền tảng sự kiện đối với những thêu dệt phân tích tâm lí của mình, ông ta có thể dễ dàng tìm được toàn văn chính xác của Di chúc, xác lập những sự kiện và ngày tháng cần thiết và tránh được những lỗi lầm thảm hại, thật đáng tiếc, đầy nhan nhản trong tác phẩm về điện Kremlin và những người bôn-sê-vich của ông ta.
Thư gửi đại hội, dưới cái tên là Di chúc, được viết xong trong hai khoảng thời gian cách nhau 10 ngày: 25/12/1922 và 4/1/1923. Khởi thủy, chỉ có hai người biết về tài liệu này: thư kí tốc kí M. Volodicheva, người đã ghi lại theo lời đọc của Lenin, và vợ của Lenin - N. Krupskaya. Trong khi còn le lói chút hi vọng về sự hồi phục của Lenin, Krupskaya cất kĩ tài liệu này trong két sắt. Sau khi Lenin mất, không lâu trước đại hội lần thứ XIII, bà trao lại Di chúc cho ban bí thư BCHTW, để thông báo trước toàn đại hội, như đã được định trước.
Lúc đó, bộ máy lãnh đạo đảng bán chính thức nằm trong tay tam đầu chế (Zinovyev, Kamenev, Stalin), mà thực tế là trong tay Stalin. Bộ ba kiên quyết phản đối công bố Di chúc tại đại hội: động cơ gì thì quá dễ hiểu. Krupskaya dứt khoát bảo lưu í kiến mình. Thời kì đó tranh cãi xảy ra trong hậu trường. Vấn đề được đưa ra hội nghị tối cao, nghĩa là lãnh đạo đoàn đại biểu các tỉnh. Ở đây, lần đầu tiên những ủy viên BCHTW phe đối lập, trong đó có tôi, mới được biết về Di chúc. Sau đó, theo quy định, không ai được ghi chép lại, Kamenev đọc lớn toàn văn. Không khí trong hội trường lúc ấy thực sự căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, có thể phần nào khôi phục lại toàn cảnh bức tranh theo trí nhớ, tôi có thể nói ai là người lo lắng nhất thì nội dung văn kiện đã cho biết rồi. Bộ ba thông qua một người đã đưa ra đề nghị, được thỏa thuận trước với các lãnh đạo cấp tỉnh, là văn kiện sẽ được công bố đến từng đoàn đại biểu riêng biệt, tại cuộc họp kín, không ai được ghi chép, không được phổ biến tại hội nghị toàn thể. Bằng sự kiên trì nhẹ nhàng vốn có, Krupskaya chứng minh rằng làm như thế là đi ngược lại hoàn toàn nguyện vọng của Lenin, không được từ chối việc thông báo lời nhắn nhủ cuối cùng của người đến toàn đảng. Tuy nhiên, các ủy viên của hội đồng tối cao buộc phải tuân thủ kỉ luật đảng: đa số tán thành đề nghị của bộ ba.
Để làm rõ í nghĩa của "sáu từ" bí ẩn và hoang đường, dường như đã quyết định số phận của tôi, cần nhắc lại một số tình huống đi kèm đã xảy ra trước đó. Trong thời kì tranh cãi quyết liệt về biến chuyển tháng Mười, "những người bôn-sê-vich cựu trào", trong số những phần tử hữu khuynh, đã không ít lần giận dữ chỉ ra rằng Trotsky trước kia không phải là người bôn-sê-vich; Lenin luôn chống đối kịch liệt những luận điệu này. Đồng chí nói, Trotsky từ lâu đã hiểu không thể liên kết với những người men-sê-vich, chẳng hạn vào ngày 14/11/1917, "từ khi không có người bôn-sê-vich tốt nhất". Từ chính miệng Lenin những lời này có í nghĩa nhất định.
Hai năm trôi qua, giải thích trong thư gửi các đảng cộng sản nước ngoài về điều kiện phát triển đường lối bôn-sê-vich, những mâu thuẫn và chia rẽ trong quá khứ, Lenin chỉ ra "trong thời khắc quyết định, trong thời điểm giành chính quyền và thiết lập Cộng hòa Sô-viết, đường lối bôn-sê-vich là duy nhất, nó lôi kéo tất cả những cái tốt nhất trong những khuynh hướng tư tưởng xã hội gần nó nhất..." Những khuynh hướng gần với đường lối bô-sê-vich, như tôi hình dung trước năm 1917, không tồn tại ở Nga, cũng như ở phương Tây. Sự liên kết của tôi với Lenin được định sẵn bởi tính lô-gich của tư tưởng và lô-gich của sự kiện. Trong thời khắc quyết định, đường lối bôn-sê-vich lôi kéo vào hàng ngũ của nó "những cái tốt nhất trong những khuynh hướng gần nó nhất" - như đánh giá của Lenin. Tôi chẳng có cơ sở gì để phản đối nó.
Trong thời gian hai tháng thảo luận về vần đề công đoàn (mùa đông 1920/21) Stalin và Zinovyev lại có í định nêu ra vấn đề quá khứ không phải bôn-sê-vich của Trotsky. Đáp lại việc này những diễn giả thiếu kiềm chế của phe đối lập nhắc lại hành vi của Zinovyev trong thời kì chuyển biến tháng Mười. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, suy nghĩ từ mọi khía cạnh quan hệ trong đảng sẽ ra sao nếu thiếu đồng chí, Lenin không thể không thấy trước, Stalin và Zinovyev có í đồ lợi dụng quá khứ không phải bôn-sê-vich của tôi để lôi kéo những đảng viên bôn-sê-vich cựu trào chống lại tôi. Di chúc đồng thời có í định cảnh báo mối nguy hiểm này. Thế là ngay tiếp theo đoạn nói về tính cách của Stalin và Trotsky, trong di chúc trực tiếp đề cập: "Tôi miễn nêu tính cách những ủy viên BCHTW khác theo phẩm chất cá nhân của họ. Tôi chỉ lưu í, biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev, tất nhiên, không phải là tình cờ, nhưng không thể quy đó là lỗi lầm cá nhân của họ, cũng như không thể quy choTrotsky không phải là bôn-sê-vich".
Việc chỉ ra biến cố tháng Mười "không phải là tình cờ", có thể suy ra mục đích hoàn toàn xác định để cảnh báo đảng, là trong những tình huống cấp bách Zinovyev và Kamenev có thể lại thể hiện nhược điểm thiếu chín chắn. Tuy nhiên, cảnh báo không giống như liên quan đến việc nhắc về Trotsky: đối với đồng chí ấy không được sử dụng quá khứ không phải bôn-sê-vich để làm cái cớ. Như vậy, tôi không có cớ gì để đặt câu hỏi như Radek thêu dệt về tôi. Đồng thời suy đoán của Ludwig về "tim như ngừng đập". Di chúc chẳng hề có mục đích gây khó khăn cho tôi trong công tác lãnh đạo đảng. Như chúng ta sẽ thấy tiếp theo, nó còn có mục đích hoàn toàn ngược lại.


[1] Karl Radek (1885-1939), tên thật Karol Sobelsohn, bí danh Radek, nhà hoạt động chính trị, ủy viên BCHTW ĐCS bôn-sê-vich từ 1920, bị kết án 10 năm tù vào 1937 trong thời kì Đại thanh trừng của Stalin và bị mưu sát trong tù năm 1939.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Di chúc Lenin (I)


Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc Lenin" được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Từ thời điểm bị trục xuất khỏi Liên Sô vào tháng 2-1929, Trotsky đúng là chưa hề buông bút, tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại Stalin, người đã ra lệnh trục xuất ông. Ông xuất bản tạp chí, sách, bài đăng báo, tuyên bố, trả lời phỏng vấn, trao đổi thư từ với cộng sự tại nhiều nước trên thế giới.
Bài báo "Di chúc Lenin" cũng không ngoài thể loại quen thuộc của ông là bút chiến chính trị. Tuy nhiên nội dung bài báo không gói gọn trong di chúc Lenin. "Di chúc" mà Trotsky quyết định hồi tưởng sau 10 năm kể từ khi Lenin viết nó, chỉ là cái cớ kế tiếp để tiếp tục cuộc chiến chống lại Stalin. Vì vậy tựa đề của bài báo, trong chừng mực nhất định, chỉ là một phần nội dung của nó.
Từ ngày đầu của cuộc chiến đấu giành quyền lực giữa Trotsky và các phe nhóm khác của Bộ Chính trị, trong đó luôn có Stalin, Trotsky viện dẫn đến Lenin, mặc dù đã qua đời, nhưng được tất cả các phe nhóm đối thủ tôn sùng như một biểu tượng của chủ nghĩa bôn-sê-vich chân chính. Trotsky trung thực trong vấn đề này. Ông hoàn toàn không kém cơ sở hơn Stalin để cho rằng mình là người kế tục thứ nhất của sự nghiệp Lenin.
Vào những tháng cuối đời, Lenin thực sự đã "tha thứ" cho Trotsky về việc xa rời chủ nghĩa Lenin và thẳng thắn đề nghị Trotsky liên kết để chống lại Stalin, người có mối quan hệ xấu đi rất nhiều trong thời gian Lenin bị bệnh. Tuy nhiên, chính vào năm 1923 Lenin khi đó sắp qua đời đứng về phe Trotsky, Stalin đối phó bằng cách củng cố vị trí của mình trong bộ máy của đảng. Cuối cùng Trotsky đã bị đánh bại.
Trong quãng thời gian còn lại của đời mình, Trotsky luôn chứng minh cho tất cả mọi người, bất cứ lúc nào có thể, Stalin không phải là người theo chủ nghĩa Lenin chân chính, mà chính là ông - Trotsky. Không thể bác bỏ sự đúng đắn của ông trong tuyên bố này, tuy nhiên chỉ đúng một nửa: Stalin cũng là người bôn-sê-vich kế tục ở mức độ không kém Trotsky. Họ là những người kế tục theo những cách khác nhau: Trotsky dựa trên giáo điều, lí thuyết cách mạng, còn Stalin dựa trên thực lực và quyền lực...

Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.

Trotsky tại Prinkipo 1929

Trường phái tâm lí thuần túy
Thời kì hậu chiến đã phổ biến lối viết tiểu sử nhân vật theo kiểu phân tâm học mà các tác giả thể loại này thường hoàn toàn lí giải từ xã hội. Sự trừu tượng của cá nhân hóa ra là động lực cơ bản của lịch sử. Sự nghiệp của một "động vật chính trị", như Aristotle[1] đã định nghĩa con người một cách thiên tài, bao gồm những ham muốn và bản năng cá nhân.
Những từ ngữ về một cá nhân trừu tượng có thể được thể hiện bằng sự phi lí. Phải chăng sức mạnh vượt lên trên cá nhân của lịch sử không phải là trừu tượng trong thực tế? Và điều gì có thể cụ thể hơn một con người sống? Tuy nhiên, chúng ta cứ nằng nặc theo ý mình. Nếu như gột sạch một cá nhân, kể cả xuất chúng nhất, khỏi cái nội hàm đem lại cho nó bởi môi trường, dân tộc, thời đại, giai cấp, phe nhóm, gia đình, thì nó chỉ còn là một cái máy tự động trống rỗng, một con rô bốt tâm-vật lí, một đối tượng của khoa học tự nhiên chứ không phải khoa học xã hội và nhân văn.
Những nguyên nhân tách rời khỏi lịch sử và xã hội, bao giờ cũng thế, cần phải tìm kiếm trong lịch sử và xã hội. Hai thập kỉ chiến tranh, cách mạng và khủng hoảng đã bào mòn mạnh mẽ cá nhân con người tự chủ. Điều gì muốn đạt được ý nghĩa trong cán cân lịch sử hiện đại phải được đo bằng con số không ít hơn 7 chữ số. Cá nhân bị xúc phạm sẽ tìm cách phục hận.
Không biết nó xoay xở nổi với cái xã hội được tháo dây cương như thế nào, song nó quay lưng lại với xã hội. Không đủ năng lực diễn giải bản thân qua quá trình lịch sử, nó toan diễn giải lịch sử từ bên trong bản thân.
Đó là cách những triết gia Ấn Độ đã xây dựng những hệ thống toàn năng trong khi quán tưởng vào đan điền[2] của mình.
Ảnh hưởng của Freud[3] lên trường phái viết tiểu sử mới không có gì phải bàn cãi, nhưng chỉ mang tính bề mặt. Về bản chất, những nhà tâm lí học sa-lông có khuynh hướng thiên về thiếu trách nhiệm một cách hư cấu. Họ sử dụng không hẳn phương pháp của Freud mà là nhiều thuật ngữ của Freud, không hẳn cho mục đích phân tích mà là để tô điểm văn chương.
Trong những tác phẩm sau cùng của mình, Emil Ludwig[4], một đại diện nổi tiếng nhất của thể loại này, đã tiến một bước mới trên con đường đã chọn: nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của nhân vật mà ông phỏng vấn. Bằng những câu trả lời của chính khách cho những câu hỏi ông đặt ra, bằng sự nhấn nhá và điệu bộ của mình, nhà văn mở ra sự khêu gợi thực sự. Cuộc trò chuyện hầu như trở thành lời xưng tội.
Về mặt kĩ thuật, cách tiếp cận của Ludwig với nhân vật tương tự như Freud với bệnh nhân: chuyện là làm thế nào để bóc trần cá nhân đó với sự hợp tác của chính nó. Tuy nhiên trong cái vẻ giống nhau ở bề ngoài, về mặt bản chất thì khác nhau xa! Thành quả công trình của Freud đạt được bằng giá trị sự đoạn tuyệt của nhân vật với mọi ước lệ. Nhà phân tâm học vĩ đại thẳng tay không thương xót. Trong công việc ông giống như nhà phẫu thuật, thậm chí như một anh hàng thịt với tay áo xăn lên. Gì thì gì, chứ trong kĩ thuật của ông không hề có chút xã giao, dù chỉ một phần trăm. Uy tín, phong thái đĩnh đạc, vẻ giả dối và hào nhoáng của bệnh nhân là những điều Freud ít quan tâm hơn cả. Chính vì thế ông có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện của mình không thể nào khác hơn là câu chuyện rất riêng tư, không có thư kí và tốc kí, đằng sau cánh cửa bọc nỉ.
Ludwig lại là chuyện khác. Ông trò chuyện với Mussolini hay với Stalin, để giới thiệu với thế giới chân dung đích thực của tâm hồn họ. Nhưng cuộc trò chuyện được tiến hành theo một kịch bản thỏa thuận trước. Mỗi lời đều được tốc kí lại. Những bệnh nhân có địa vị cao hiểu khá rõ điều gì có thể phục vụ lợi ích của họ, điều gì có hại. Nhà văn đủ kinh nghiệm để phân biệt những mánh lới của mĩ từ sáo rỗng, và đủ tính toán để không bận tâm đến chúng. Cuộc trò chuyện được tiến hành trong điều kiện đó, nếu có giống như lời xưng tội, thì cũng giống như được dựng sẵn cho một bộ phim có lời.
Emil Ludwig luôn tận dụng mỗi một cơ hội để tuyên bố: "Tôi không biết gì về chính trị". Điều đó phải có nghĩa: tôi đứng trên chính trị. Thực tế, đó chỉ là hình thức của trung lập chuyên nghiệp, hay nói theo cách vay mượn từ Freud, đó là sự kiểm duyệt nội tại, khiến nhà tâm lí yên tâm khỏi chức năng chính trị. Đó là cách các nhà ngoại giao không can thiệp vào sinh hoạt bên trong một đất nước mà họ được ủy nhiệm làm đại diện, tuy thế, điều gì không cản trở họ trong trường hợp ủng hộ những âm mưu và tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Một và chỉ một con người trong những điều kiện khác nhau sẽ phát triển những khía cạnh khác nhau của tính cách cá nhân. Có bao nhiêu Aristotle chăn heo và có bao nhiêu kẻ chăn heo đội vương miện trên đầu! Trong khi đó, Ludwig thậm chí chẳng khó khăn gì hòa lẫn mâu thuẫn giữa chủ nghĩa bôn-sê-vich và chủ nghĩa phát-xít vào tâm lí một cá nhân. "Trung lập" có khuynh hướng biết chừng nào không thể đi qua mà không bị trừng phạt, kể cả đối với nhà tâm lí sắc sảo nhất. Cắt đứt với tính ước định xã hội của ý thức con người, anh ta bước vào vương quốc của võ đoán chủ quan. "Tâm hồn" không có ba chiều, và vì thế, không có khả năng phản kháng như vốn có ở các vật liệu khác. Nhà văn đánh mất hứng thú nghiên cứu sự kiện và tài liệu. Tính xác thực nhạt nhẽo để làm gì khi có thể thay thế bằng sự phỏng đoán rực rỡ?
Trong tác phẩm về Stalin, cũng như sách viết về Mussolini, Ludwig đứng ngoài "chính trị". Điều đó chẳng cản trở các tác phẩm của ông là vũ khí chính trị chút nào. Của ai? Trong một trường hợp - của Mussolini, còn trong trường hợp khác - của Stalin và băng nhóm của ông ta. Tự nhiên không chịu đựng được sự trống rỗng. Nếu Ludwig không làm chính trị, không có nghĩa là, chính trị không "làm" Ludwig. Vào thời điểm ra đời "Tự truyện"[5] của tôi, gần 3 năm trước đây, Pokrovsky, một nhà sử học Sô-viết chính thống, nay đã qua đời, đã viết: cần thiết phải nhanh chóng đáp lại cuốn sách này, huy động các nhà khoa học trẻ vào công việc, phản bác tất cả những gì cần phải phản bác, v.v... Nhưng thật lạ lùng: không ai đáp lại, hoàn toàn không một ai, không một điều gì bị xem xét lại, bị phản bác. Chẳng phản bác điều gì và cũng chẳng ai viết cuốn sách nào hầu tìm được người đọc.
Không đủ khả năng tấn công trực diện, người ta dùng lối đánh thọc sườn. Tất nhiên, Ludwig không phải nhà sử học thuộc trường phái Stalin. Song chính qua một nhà văn xa lạ với chính trị, đôi khi lại thuận tiện nhất để phổ biến những tư tưởng không còn cách nhấn mạnh nào khác, ngoài cách thông qua một cái tên nổi tiếng. Bây giờ chúng ta hãy xem điều này trên thực tế trông ra làm sao.


Chú thích của người dịch:
[1] Aristotle (384-322 trước CN) - triết gia Hi Lạp cổ đại, được xem là người sáng lập môn luận lí học. (Tất cả ghi chú đều của ND)
[2] Nguyên văn là "nhìn chăm chú vào cái rốn của mình". Ở đây, có lẽ tác giả hơi nhầm: dẫn khí về đan điền (khí thủ đan điền) là căn bản của khí công, không phải của yoga Ấn Độ.
[3] Sigmund Schlomo Freud (1856-1939), nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lí người Áo, nhà phân tâm học vĩ đại của thế kỉ XX, được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.
[4] Emil Ludwig (1881-1948), nhà văn - nhà báo Đức gốc Do Thái, nổi tiếng về thể loại tiểu sử nhân vật.
[5] Tiểu sử tự thuật của Trotsky "Đời tôi" 2 tập, Nxb Granit, Berlin 1930.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Bàn tay phải

Truyện được viết xong năm 1960. Tác giả quay lại câu chuyện vào cuối năm 1963 khi đang viết tiểu thuyết "Khu ung thư". Ngày 18-10-1965, Solzhenitsyn chuyển bản thảo cho Tổng biên tập "Thế giới mới". Sau khi đọc xong, Tvardovsky sửng sốt bảo: "Truyện rất hay nhưng kinh khủng quá, nhất trong những gì ông đã viết". Thậm chí Tvardovsky không đưa cho Ban biên tập xem bản thảo. Các tạp chí "Ngọn lửa nhỏ", "Nước Nga văn học", "Moskva" cũng từ chối đăng truyện này. Vậy là chỉ còn nước "xuất bản tự do" (Samizdat)! Tạp chí "Grani" tại Frankfurt giới thiệu với công chúng truyện ngắn lần đầu vào năm 1968 trên số báo 69.
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga "Alexander Solzhenitsyn toàn tập", 30 tập, Tập 1 - Truyện ngắn & Đoản văn, Nxb "Thời đại", Moskva 2006.

Bàn tay phải
Mùa đông năm ấy tôi đến Tashkent như một kẻ đang hấp hối. Phải, tôi đến đó để chết.
Thế nhưng người ta lại đưa tôi trở về với cuộc sống.
Một tháng, thêm một tháng, rồi một tháng nữa. Mùa xuân Tashkent không biết run sợ trôi qua ngoài khung cửa sổ và chuyển sang hè, khắp nơi cây cối trổ lá rậm rạp xanh mướt và tiết trời hoàn toàn ấm áp khi tôi bắt đầu bước ra ngoài đi dạo trên đôi chân còn lẩy bẩy.
Còn chưa dám thú nhận với bản thân là mình đang hồi phục, trong những giây phút mơ màng thoáng qua nhất, thời gian sống kéo dài thêm được tính bằng tháng chứ không phải bằng năm, tôi lò dò từng bước trên những lối nhỏ trải sỏi hay tráng nhựa của công viên, mọc lên giữa những khối nhà của Viện i dược. Tôi thường phải ngồi xuống nghỉ lấy sức, và đôi khi, chứng buồn nôn do xạ trị khiến tôi phải nằm chúc đầu xuống thấp.
Tôi vừa giống, mà lại vừa không giống các bệnh nhân xung quanh: tôi có ít quyền hơn và buộc phải thu mình hơn họ. Họ có thân nhân đến thăm và sụt sùi thương cảm cảnh ngộ, mối quan tâm duy nhất, mục đích duy nhất của họ là khỏi bệnh. Còn tôi có bình phục cũng chẳng để làm gì: tôi không có lấy một người thân nào trên đời này vào mùa xuân năm ấy, khi đã bước sang tuổi ba mươi lăm. Tôi cũng chẳng có hộ chiếu trong tay, và nếu như khỏi bệnh bây giờ, tôi sẽ phải rời xa chốn xanh tươi, nhiều cây trái này để trở về hoang mạc, nơi bị lưu đày vĩnh viễn dưới sự quản thúc công khai, cứ mỗi hai tuần lại phải ra trình diện, nơi mà ban quản giáo đã phải tốn khá nhiều thời gian để xem xét liệu có nên đưa một kẻ sắp chết ra ngoài điều trị hay không.
Tôi không thể kể gì với các bệnh nhân tự do xung quanh.
Mà giả như có kể thì họ cũng chẳng tài nào hiểu được...
Nhưng được một điều, gánh trên vai cả chục năm ròng suy tư chậm rãi, tôi đã ngộ ra được một chân lí: mùi vị cuộc sống thực sự được nếm chẳng phải trong những thứ nhiều nhặn và to tát mà là trong những điều ít ỏi và vụn vặt. Đại loại như trong từng bước lò dò của đôi chân run rẩy. Trong từng hơi thở thận trọng để khỏi làm đau nhói lồng ngực. Trong từng củ khoai tây chưa bị vỡ ra vì lạnh vớt từ bát súp.
Mùa xuân ấy dày vò day dứt nhất mà cũng là đẹp nhất đời tôi.
Mọi thứ đối với tôi đều thú vị, hoặc do tôi đã quên chúng, hoặc chưa nhìn thấy bao giờ: kể cả chiếc xe đẩy bán kem; kể cả người rửa đường với cái vòi xịt; kể cả người bán hàng với những chùm củ cải dài; và nhất là chú ngựa non đi lạc trên bãi cỏ nhìn thấy qua lỗ thủng trên tường.
Ngày từng ngày, tôi đánh bạo đi xa phòng khám hơn, vòng theo công viên, chắc phải được dựng lên từ cuối thế kỉ trước, với những vật thể kiến trúc vững chãi bằng gạch mộc không tô trát. Từ lúc bình minh chan chứa ánh nắng rực rỡ của một ngày ở phương Nam đến tận hoàng hôn chìm trong ánh đèn vàng, công viên tràn ngập những hoạt động đầy sức sống. Những người khoẻ mạnh qua lại nhanh nhẹn, những người bệnh thì tới lui thong thả.
Tại một điểm nhiều lối nhỏ hội tụ vào con đường dẫn đến cổng chính hiện ra trăng trắng bức tượng lớn Stalin bằng thạch cao với nụ cười hóa đá trong bộ râu. Tiếp theo trên đường ra đến tận cổng những bức tượng lãnh tụ khác với kích cỡ nhỏ hơn được đặt thành hàng cách đều nhau.
Rồi đến một quầy sách báo. Ở đó bán những cây bút bi và những cuốn sổ tay xinh xắn. Tuy nhiên, không phải chỉ vì túi tiền hạn hẹp, mà cái chính là vì những cuốn sổ ghi chép mà tôi từng có trong đời rốt cuộc đều rơi vào chỗ chẳng hay ho gì, cho nên tốt hơn hết là đừng có chúng.
Sát cổng là một quầy bán hoa quả và một quán trà. Bệnh nhân chúng tôi, trong bộ đồ bệnh viện kẻ sọc, không được vào quán trà, nhưng có thể thấy rõ bên trong do vách ngăn được mở. Trước đây tôi chưa từng thấy một quán trà thật sự bao giờ, với những ấm trà xanh hay trà đen pha riêng cho từng người. Trong quán có khu kiểu Âu với những chiếc bàn và khu Uzbek với sàn gỗ liền. Những người ngồi ở bàn, ăn uống vội vàng rồi để lại ít tiền lẻ trong những cái cốc rỗng và đi ra. Còn trên bục sàn có trải chiếu, dưới tấm rèm mây được căng lên trong những ngày nóng bức, người ta ngồi và nằm hàng giờ, thậm chí suốt ngày, uống hết ấm này đến ấm khác và chơi xúc xắc như thể chẳng có nhiệm vụ gì trói buộc họ cả ngày dài.
Quầy trái cây cũng phục vụ bệnh nhân, nhưng giá cả khiến một kẻ lưu đày với chút tiền còm như tôi phải dựng tóc gáy. Tôi đứng ngắm những đống mơ khô, nho khô và anh đào tươi một lúc rồi bỏ đi.
Tiếp theo là một bức tường cao, bệnh nhân không được phép ra khỏi cổng. Tiếng trống kèn của ban tang nhạc vọng qua bức tường mỗi ngày hai đến ba lần (bởi vì nghĩa trang của cái thành phố triệu dân này nằm ngay sát bên). Tiếng nhạc kéo dài chừng mươi phút cho đến khi đám ma đi qua. Chỉ còn tiếng trống vọng lại theo nhịp rời rạc. Nhịp điệu này chẳng ảnh hưởng gì đến đám đông vì đã là chuyện quá thường xuyên. Những người khỏe mạnh thi thoảng ngước nhìn rồi lại vội vã đi tiếp (họ biết rõ việc họ cần làm). Còn những bệnh nhân thì ngưng lại, lắng nghe hồi lâu, nhoài cả người ra khỏi cửa sổ phòng bệnh.
Càng cảm thấy rõ rệt sự hồi phục, càng tin chắn rằng mình sẽ sống, tôi càng buồn bã ngơ ngác nhìn quanh: tôi cảm thấy tiếc nuối khi phải rời bỏ chốn này.
Trong khu thể thao của viện, hai bóng người màu trắng đang chơi tennis. Cả đời, tôi đã từng muốn chơi môn này mà chưa bao giờ có cơ hội. Dòng sông Salar vàng đục chảy xiết rít ầm lên dưới bờ dốc đứng. Những cây phong lá đỏ vào mùa thu, những cây sồi tán lá tỏa rộng, những cây keo Nhật Bản thanh mảnh dịu dàng được trồng trong công viên. Đài phun nước bát giác bắn những tia nước bạc lấp lánh lên không trung. Cỏ non trên bãi mới tuyệt làm sao! - tươi mọng, thứ mà tôi đã quên mất từ lâu (trong trại người ta ra lệnh nhổ sạch như tiêu diệt kẻ thù, còn nơi lưu đày thì không một cọng cỏ). Chỉ cần úp sấp mặt xuống, nhẹ nhàng hít hương cỏ ngái bốc hơi dưới ánh mặt trời - thật là sung sướng biết dường nào!
Không chỉ mình tôi nằm trên bãi cỏ. Đó đây các cô sinh viên i khoa ngồi gạo bài, mắt dán vào những quyển sách dầy cộp. Hoặc tranh nhau bàn tán chuyện thi cử. Hoặc đung đưa những túi xách thể thao từ trong nhà tắm của khu thể thao bước ra. Buổi tối các cô gái, trông không rõ trong những bộ váy trơn hay có diềm xếp nếp, và vì thế càng hấp dẫn hơn, dạo bước quanh đài phun nước, chân khua sỏi trên lối đi kêu lạo xạo.
Tôi thấy tiếc nuối đến thắt lòng, thương cho những con người thuộc thế hệ chúng tôi, chết cóng ở Demyansk, chết khô ở Osventsim, bị đày đọa ở Jezkazgan, trút hơi tàn ở rừng taiga, mà không bao giờ được chạm vào những cô gái này. Hay là thương cho những cô gái, không biết đến những câu chuyện mà tôi chưa bao giờ kể họ nghe.
Suốt cả ngày trên những lối trải sỏi hay tráng nhựa toàn những phụ nữ và phụ nữ - những bác sĩ trẻ, i tá, nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên ghi danh, phụ trách đồ vải, nhân viên phát thuốc và người nhà bệnh nhân. Họ đi qua tôi trong bộ áo khoác trắng như tuyết, nghiêm trang và trong những bộ áo váy áo sặc sỡ của người miền Nam gần như trong suốt, một số người có vẻ khá giả xoay xoay tay nắm bằng tre của những chiếc dù Trung Quốc thời trang màu vàng nắng, màu xanh, màu hồng. Mỗi người trong số họ, dù chỉ lướt qua trong một vài giây, cũng có thể thêu dệt ra được cốt chuyện về quãng đời của họ trước tôi, về sự quen biết có khả năng xảy ra (hoặc không) với tôi.
Bộ dạng của tôi trông thật thảm hại. Khuôn mặt hốc hác, hằn dấu vết những gì nếm trải: những nếp nhăn ảm đạm ở trại, nước da màu tro xám chết chóc, độc tố do bệnh tật cũng như do thuốc chữa trị gần đây càng làm gò má thêm xanh xao. Thói quen tự vệ do phản xạ tuân lệnh và che dấu bản thân khiến lưng tôi trở nên lom khom. Chiếc áo kẻ sọc như của anh hề cũn cỡn ngang bụng, chiếc quần kẻ sọc ngắn trên mắt cá chân, từ đôi giày vải mũi to bè của trại những góc xà cạp lâu ngày nâu xỉn lòi cả ra ngoài.
Người xếp hạng cuối cùng trong số những phụ nữ này cũng chẳng thèm sóng bước bên tôi! Mặc dù tôi không tự nhìn thấy bản thân mình, song cặp mắt của tôi cũng không kém thấu suốt như họ, có thể soi vào thế giới nội tâm của tôi.
Một hôm lúc chạng vạng tối, tôi đứng ở cổng chính và quan sát xung quanh. Dòng người như mọi hôm vẫn lướt qua, những chiếc dù vung vẩy, thấp thoáng những váy lụa, quần tuyt-xo với dây lưng màu sáng, những sơ-mi thêu và mũ chỏm. Những giọng nói quyện vào nhau, mua bán hoa quả, uống trà, đổ xúc xắc, - rồi bên bờ rào quán trà, một người nhỏ thó, nhếch nhác đứng dựa vào đó, trông như kẻ ăn mày, bằng một giọng nghèn nghẹn thỉnh thoảng buông lời:
- Các đồng chí... các đồng chí...
Đám đông bận rộn chẳng ai để í đến ông ta. Tôi bước lại gần:
- Có chuyện gì đấy, người anh em?
Người đàn ông này có cái bụng còn to hơn bụng đàn bà chửa, giống một cái bao trĩu xuống, như muốn bục tung ra khỏi bộ quần áo lính bẩn thỉu. Đôi giày ống sứt đế nặng nề đầy bụi. Chiếc áo bành tô dày phanh nút với cổ áo cáu ghét và ống tay áo sờn như một gánh nặng trên vai ông ta, chẳng hợp với thời tiết chút nào. Trên đầu là chiếc mũ kếp rách rưới kiểu xưa chỉ xứng với thằng bù nhìn canh ruộng dưa.
Đôi mắt lồi lờ đờ như mắt cá.
Cố gắng lắm ông ta mới giơ lên được một bàn tay nắm chặt, và tôi lấy ra một mẩu giấy nhàu nát đẫm mồ hôi. Đó là một tờ đơn được viết bằng thứ chữ nguệch ngoạc từ một ngòi bút cào rách giấy của công dân Bobrov xin được nhập viện - nó được chứng thực bằng hai loại chữ, một đỏ một xanh. Chữ mực xanh là của Sở i tế thành phố, nêu rõ lí do từ chối. Chữ mực đỏ ra lệnh cho phòng khám của Viện i dược nhận bệnh nhân vào nội trú. Chữ mực xanh của ngày hôm qua, còn mực đỏ - hôm nay.
- À, ông cần vào khu nhận bệnh - tôi giải thích cho ông bằng một giọng oang oang như nói với người điếc - khu nhà đầu tiên. Đó, đi đến đó, nghĩa là đi thẳng qua... những bức tượng này...
Nhưng rồi tôi nhận thấy ông ta hầu như đã kiệt lực sau khi đến được đích, không còn có thể hỏi thêm điều gì, không còn lê nổi bàn chân trên con đường trải nhựa này, tay lại còn xách theo chiếc túi khoảng kí rưỡi nữa. Tôi bèn quyết định:
- Thôi được, bố già, tôi sẽ đưa ông đến đó, đi nào. Đưa túi xách cho tôi.
Lão nghe khá tốt. Với vẻ nhẹ nhõm lão đưa tôi chiếc túi và tựa lên cánh tay tôi đưa ra, dường như không nhấc chân mà lê đôi ủng trên con đường nhựa. Tôi nắm khuỷu tay lão qua lần áo bành tô đỏ ngầu bụi. Cái bụng căng phồng của lão dường như nặng hơn phần còn lại của cơ thể khiến người lão đổ về phía trước. Lão thường xuyên thở dài nặng nhọc.
Chúng tôi cứ đi như vậy, hai thằng đàn ông nhếch nhác, dọc theo lối nhỏ mà tôi đã mơ tưởng được đi dạo cùng những cô nàng đẹp nhất Tashkent. Rất lâu, chúng tôi lê bước qua những pho tượng thạch cao có khuôn mặt đờ đẫn.
Cuối cùng chúng tôi rẽ qua. Dọc đường có chiếc băng ghế với lưng dựa. Bạn đồng hành của tôi xin ngồi xuống nghỉ một lát. Tôi cũng đang buồn nôn vì đã đứng quá lâu. Chúng tôi ngồi xuống. Từ đây thấy rất rõ đài phun nước.
Trên đường đi lão lẩm bẩm với tôi vài câu gì đó, và bây giờ, sau khi lấy lại hơi thở, mới nói thêm chi tiết. Lão đăng kí hộ khẩu ở tận Ural, và toàn bộ rắc rối từ đó mà ra. Ở đâu đó gần Takhia-Tash (nơi mà theo tôi nhớ thì trước kia đã khởi công xây dựng một kênh đào vĩ đại, nhưng sau bỏ giữa chừng) lão bắt đầu bị bệnh. Tại Urgench, bệnh viện giữ lão lại cả tháng trời để hút nước từ bụng và chân ra, người ta làm bệnh trầm trọng thêm rồi cho xuất viện. Ở Charjou lão xuống tàu rồi đi Ursatyev - nhưng không đâu người ta nhận lão vào chữa trị mà bảo phải về Ural, nơi đăng kí hộ khẩu. Lão chẳng còn chút hơi sức nào để đi tàu, mà cũng hết tiền mua vé. Và giờ đây mất hết hai ngày mới đến được Tashkent.
Tôi đã không thắc mắc lão làm gì ở miền Nam và vì cớ gì lại đến đây. Bệnh tình của lão, theo giấy i tế, thì thuộc loại nan i, còn theo bộ dạng của lão thì chắc là căn bệnh cuối cùng trước khi chầu trời. Quan sát khá nhiều bệnh nhân, tôi có thể thấy rõ trong người lão chẳng còn bao sức sống. Đôi môi đã nhão ra, lời nói khó nghe, ánh mắt thì mờ đục rồi.
Thậm chí cái mũ cũng làm lão mất sức. Thật khó nhọc đưa tay lên để nhấc nó xuống đặt trên đùi. Rồi lại nhọc nhằn đưa tay lên lần nữa, lấy ống tay áo cáu bẩn quệt mồ hôi trán. Đỉnh đầu lão là một cái vòm nhẵn bóng, sau ót còn lưa thưa ít tóc không chải, bết lại vì bụi, vẫn còn giữ được màu hung hung. Không phải tuổi tác mà là bệnh tật đã đưa lão đến tình trạng thảm hại này.
Cái cổ lão, gầy trơ xương như cổ gà, bọc trong lớp da thừa chảy xệ xuống, lộ cục iết hầu ba cạnh ra phía trước.
Chẳng hiểu lấy gì mà đỡ được đầu lão lên? Chúng tôi chỉ mới vừa ngồi xuống thì đầu lão đã gập xuống, cằm tì hẳn vào ngực.
Lão cứ ngồi bất động như thế, mũ đặt trên đùi, mắt nhắm nghiền. Hình như lão quên khuấy rằng chúng tôi chỉ ngồi xuống để nghỉ đôi phút và lão còn phải đi đến phòng nhận bệnh.
Sát bên, trước mặt chúng tôi, những tia nước như sợi tơ bạc từ đài phun tung lên trời, gần như không phát ra tiếng động. Hai cô gái đi qua ở phía bên kia. Tôi dõi theo lưng họ. Một cô mặc chiếc váy màu cam, còn cô kia - màu booc-đô. Tôi thấy thích cả hai.
Ông lão ngồi cạnh trút một tiếng thở dài rõ to, xoay đầu trên ngực, nhướng cặp mí mắt vàng xám liếc lên từ phía bên:
- Không làm điếu thuốc à, đồng chí?
- Dẹp ngay í nghĩ ấy đi, bố già ạ! - tôi la lên - Không hút thì tôi với ông may ra còn lê thêm được ít bước. Nhìn vào gương mà xem. Hút... hút cái gì! (Bản thân tôi cũng khó khăn lắm mới bỏ được thuốc cách đây một tháng.)
Lão khò khè. Và lại nhìn ngược lên tôi dưới đôi mí mắt vàng ệch tựa con chó nhìn chủ.
- À, cho tôi ba rúp được không, đồng chí!
Tôi cân nhắc, cho hay không cho. Khỏi phải nói, tôi vẫn là một thằng zek[1], còn lão là người tự do. Tôi đã làm việc không công trong đó nhiều năm rồi. Đến khi bắt đầu được trả lương thì khấu trừ đủ thứ: nào tiền hộ tống, tiền điện, tiền chó canh, tiền quản giáo, tiền ăn.
Rút chiếc ví bằng giấy dán khỏi túi ngực của chiếc áo cũn cỡ như áo thằng hề và ngó sơ bên trong. Tôi thở dài, đưa cho ông già tờ ba rúp.
- Cảm ơn - lão khò khè. Khó nhọc lắm lão mới giơ được tay lên đỡ lấy tờ ba rúp và nhét nó vào túi, cánh tay không chút sinh lực lại rơi thõng xuống đùi. Đầu lão lại gục xuống, cằm tựa vào ngực.
Im lặng.
Lúc đó một phụ nữ đi ngang qua, theo sau là hai nữ sinh viên. Tôi thích cả ba người.
Đã nhiều năm tôi chưa được nghe giọng nói của họ, tiếng khua gót giày của họ.
- Cũng may là họ chứng thực vào đơn cho ông. Không thì ông còn phải vất vưởng ở đây hàng tuần lễ. Kiểu ở đây là thế. Khối người cũng gặp rắc rối.
Lão nâng cằm lên khỏi ngực và hướng về phía tôi. Trong mắt lão bắt đầu có chút í thức, giọng lão run run, lời nói đã có đôi chút mạch lạc:
- Con ơi, người ta nhận lão vào viện là do lão có công lao. Lão là cựu chiến binh thời cách mạng. Này, đích thân Sergey Mironych Kirov đã bắt tay lão ở Tsaritsyn đấy nhá. Đáng lẽ lão phải có lương hưu đặc biệt ấy chứ.
Môi và má lão hơi động đậy - dấu hiệu của nụ cười kiêu hãnh thoáng qua trên khuôn mặt lâu ngày chưa cạo.
Tôi nhìn bộ dạng rách rưới, và một lần nữa toàn bộ hình hài của lão.
- Sao người ta không cấp cho ông?
- Đời là thế đấy - lão thở dài - Bây giờ người ta không công nhận. Hồ sơ lưu trữ một số bị cháy, số khác thì thất lạc. Không tìm được nhân chứng. Sergei Mironych bị ám sát rồi... Lỗi của ta thôi, không làm thêm bản sao... Chỉ có một bản chính này...
Bàn tay phải của lão - những ngón tay có các khớp sưng lên, những ngón tay cản trở nhau - lần về túi áo, thọc vào, nhưng sự sống động ngắn ngủi ấy bị cắt đứt ngay, tay lão lại rơi ra và đầu gục xuống bất động.
Mặt trời đã khuất sau những dãy nhà, cần phải đi nhanh đến khu nhận bệnh (chỉ còn khoảng trăm bước chân): chẳng bao giờ có thể dễ dàng tìm được chỗ trống trong bệnh viện.
Tôi nắm vai ông lão:
- Tỉnh lại, bố già! Ông có thấy cái cửa kia không? Thấy không? Tôi vào đó giải thích. Còn ông, nếu được, cố đi đến đó, còn không thì đợi tôi. Tôi cầm hộ túi cho.
Lão gật đầu, dường như đã hiểu.
Phòng nhận bệnh, một gian được ngăn ra bằng những tấm ván thô từ một phòng lớn xiêu vẹo, (bên trong có phòng tắm, phòng thay đồ, phòng cắt tóc...), ban ngày luôn đông nghẹt bệnh nhân chầu chực hết giờ này đến giờ khác để được nhận vào. Lạ một điều là lúc này ở đấy lặng như tờ. Tôi gõ vào ô cửa bằng ván đóng kín. Mở cửa là một nữ i tá rất trẻ, mũi nhọn và hếch như mũi giày phụ nữ, môi tô son, không phải màu đỏ, mà màu tím sẫm.
- Gì đấy? - Cô ta ngồi sau bàn, hình như đang đọc truyện gián điệp khôi hài.
Đôi mắt cô ta rất tinh nhanh.
Tôi đưa cô ta tờ đơn có ghi hai cách giải quyết và nói:
- Ông ấy đi không nổi.Tôi sẽ dìu ông ấy đến ngay.
- Không được đưa ai đến hết! - cô ta quát lớn, thậm chí không thèm liếc qua tờ giấy - Không biết nội quy à? Chúng tôi chỉ nhận bệnh từ chín giờ sáng!
Chính cô ta mới là người không biết nội quy. Tôi chui đầu và cả cánh tay qua lỗ cửa, ngăn không cho cô ta đóng sập lại. Bĩu môi dưới, nhăn mặt lại như khỉ đột và giả nói ngọng như một tên tội phạm:
- Nghe này, tiểu thư! Tôi không phải trong băng nhóm sáu tên của cô đâu.
Cô ta có vẻ e dè, dịch ghế lui vào trong phòng và nói bằng giọng cảnh giác:
- Không nhận bệnh, công dân! Chín giờ sáng.
- Cô phải đọc cái này! - tôi bảo cô ta bằng một giọng trầm không chút thiện cảm.
Cô ta đọc.
- Gì thế này! Nội quy chung, ai cũng thế thôi. Ngày mai cũng không có giường trống. Từ sáng nay đã không còn.
Cô ta thậm chí cảm thấy hài lòng khi nói sáng nay đã không còn giường trống, như muốn trêu ngươi tôi bằng việc đó.
- Nhưng người này ở xa đến, cô thấy không? Ông ta không còn chỗ mà đi.
Vì tôi đã chui ra khỏi lỗ cửa và lấy lại giọng nói rụt rè như ở trại, vẻ mặt cô ta liền trở lại đanh đá như lúc trước:
- Tất cả bệnh nhân của chúng tôi đều từ xa đến. Cho họ nằm vào đâu? Phải đợi thôi! Cứ để ông ta nghỉ trọ đâu đó!
- Cô thử bước ra ngoài xem tình trạng ông ta thế nào.
- Lại còn thế nữa? Tôi phải đi nhặt bệnh nhân vào à! Tôi đâu phải tạp vụ!
Lúc này cô ta còn hếch cái mũi lên nhiều hơn. Giọng cô ta còn bổ nhanh hơn như thể vừa được lên dây cót để trả lời.
- Vậy cô ngồi đây để làm gì?! - tôi đập bàn tay lên tấm vách gỗ khiến cho một lớp bụi trắng bay ra - Thế thì khoá cửa lại đi!
- Người ta còn chưa hỏi đến ông!! Láo xược! - cô ta lồng lên, nhảy xuống, chạy một vòng và xuất hiện từ hành lang hẹp - Ông là ai hả? Đừng có dạy đời tôi! Xe cấp cứu chở đến chúng tôi mới nhận!
Nếu như không phải đôi môi màu tím và những móng tay sơn tím thì thật ra cô ta cũng không đến nỗi nào. Cái mũi là một lợi điểm của cô. Cả đôi lông mày nữa cũng rất ấn tượng. Áo choàng trắng không cài nút ngực mở ra vì nóng, và tôi có thể thấy chiếc khăn choàng màu hồng xinh xắn và một huy hiệu đoàn thanh niên cộng sản.
- Sao cơ? Nếu như ông ta không tự đến đây mà được một xe cấp cứu nhặt ngoài đường chở đến thì cô sẽ nhận à? Có quy định như thế à?
Cô ta ném cái nhìn với vẻ bề trên lên bộ dạng thảm hại của tôi, và tôi cũng nhìn lại cô ta. Tôi đã hoàn toàn quên mất là xà cạp của tôi thòi cả ra ngoài giày. Cô ta khịt mũi, rồi lấy vẻ lãnh đạm và nói:
- Đúng, bệnh nhân. Có quy định như vậy!
Và bước vào sau bức vách ngăn.
Tôi nghe có tiếng sột soạt sau lưng. Và quay lại nhìn. Người bạn đường của tôi đang đứng ở đây. Lão đã nghe hết và đã hiểu hết. Dựa vào tường và cố lần đến chiếc băng ghế lớn dành cho khách, lão cố vẫy bàn tay phải, trong đó có chiếc ví da sờn cũ.
- Đây... - lão khó nhọc mở miệng - đây, cho cô ấy xem... để cô ấy... đây...
Tôi kịp giữ lấy lão và đỡ xuống băng ghế. Những ngón tay vô dụng của lão cố móc ra khỏi ví tờ giấy chứng nhận duy nhất còn lại, nhưng không thể nào làm được.
Tôi nhận từ tay lão tờ giấy nhàu nát được dán bồi thêm ở chỗ các nếp gấp và mở nó ra. Những dòng chữ đánh máy màu tím lượn lên lượn xuống nhấp nhô:
VÔ SẢN TẤT CẢ CÁC NƯỚC, LIÊN HIỆP LẠI!
Giấy chứng nhận
Chứng nhận đồng chí Bobrov N.K. vào năm 1921 là thành viên Đội đặc nhiệm mang tên Cách mạng Thế giới thuộc tỉnh Slavo-Obsk đã chính tay tiêu diệt nhiều bọn sâu bọ phản động còn sót lại.
Chính ủy (Kí tên)
Một con dấu bằng mực tím đã mờ.
Tôi vừa xoa ngực vừa hỏi nhỏ:
- Gì đây - Đội đặc nhiệm, phải không?
- Ừ hứ, - lão trả lời, khó khăn lắm mới giữ được cho hai mí mắt khỏi sụp xuống - đưa cô ấy xem.
Tôi nhìn tay ông lão, bàn tay phải, nhỏ nhắn với những tĩnh mạch màu nâu rộp lên và những khớp xương sưng phồng khiến lão không thể móc nổi tờ giấy ra khỏi ví. Tôi nhớ lại kiểu cách thời thượng ngày xưa: những kị sĩ nhún trên mình ngựa vung kiếm chém xả xuống kẻ địch.
Thật lạ lùng... bàn tay phải này đã từng nắm chuôi kiếm và chỉ cần một nhát vung dũng mãnh là chém phăng đầu, cổ, và cả một phần vai. Thế mà bây giờ không giữ nổi cái ví...
Tôi đến bên ô cửa con bằng gỗ dán và đẩy ra. Cô nhân viên ghi danh đang đọc cuốn truyện cười không thèm ngẩng đầu lên. Trên trang sách nhìn ngược tôi thấy hình một tay Chekist[2] vóc dáng thanh tú nhảy lên bệ cửa sổ với khẩu súng lăm lăm trong tay.
Tôi nhẹ nhàng đặt tờ giấy chứng nhận đã sờn rách lên trên trang sách, xoay gót, tay liên tục xoa ngực cho bớt buồn nôn, đi về phía cửa vào. Tôi phải nằm chúc đầu xuống ngay bây giờ.
- Sao lại quẳng giấy tờ lung tung thế này? Lấy lại ngay, bệnh nhân! - cô gái nã liên thanh qua ô cửa con sau lưng tôi.
Người cựu chiến binh sụm xuống ghế băng. Đầu và đôi vai lão dường như lún sâu vào thân người. Những ngón tay vô dụng thõng thượt. Chiếc áo bành tô không cúc cũng thế. Cái bụng tròn trướng lên đến mức khó tin đè lên chỗ gập ở đùi.
1960


[1] Zek: tiếng lóng để chỉ tù nhân, gần tương tự "phạm" trong tiếng Việt (tiếng Nga Zaklyuchenyi - ЗаКлюченный, viết tắt là ZK, đánh vần là zê-ka và đọc nối thành zêk).
[2] Cheka - viết tắt của Ủy ban đặc nhiệm, tên đầy đủ là Ủy ban đặc nhiệm chống phản cách mạng và phá hoại (tiếng Nga: Чрезвычaйная Коми́ссия - ЧК, phát âm là Chê-ka) do Lenin thành lập tháng 12-1917, người đứng đầu là Dzerzhinsky - tiền thân của GPU (Cục chính trị quốc gia) và NKVD (Bộ dân ủy Nội vụ); nhân viên Cheka gọi là Chekist.