Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Di chúc Lenin (II)

Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc của Lenin", được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô từ năm 1928. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.


"Sáu từ"
Viện dẫn lời của Karl Radek[1] như một nhân chứng, Emil Ludwig thuật lại tình tiết sau: "Sau khi Lenin chết, 19 người chúng tôi trong BCHTW ngồi cùng nhau, căng thẳng chờ đợi vị lãnh tụ, người mà chúng tôi vừa mất đi, đang nằm trong cỗ quan tài, căn dặn lại những gì. Bà góa phụ Lenin trao cho chúng tôi bức thư của người. Stalin đọc lớn nó lên. Trong lúc đọc thư không một ai nhúc nhích. Khi đến đoạn về Trotsky "quá khứ không phải bôn-sê-vich của đồng chí ấy không phải tình cờ". Đúng tại chỗ ấy, Trotsky ngắt lời và hỏi: "Viết thế nào?". Lời đề nghị được lặp lại. Đó là những từ duy nhất vang lên trong giờ phút long trọng ấy".
Lúc này với tư cách là người phân tích chứ không phải người kể chuyện, Ludwig đưa ra nhận xét: "Thời điểm đáng sợ khi tim Trotsky như muốn ngừng đập: sáu từ ấy về bản chất đã quyết định cuộc đời ông". Hóa ra, thật đơn giản để tìm được chìa khóa của bí ẩn lịch sử! Những dòng lâm li của Ludwig có lẽ đã hé mở cho tôi biết bí mật của số phận tôi, nếu như... Nếu như câu chuyện của bộ đôi Radek - Ludwig không phải là bịa đặt từ đầu chí cuối: từ nhỏ đến lớn, từ không đáng kể đến đầy í nghĩa.
Bắt đầu từ thời điểm Di chúc được Lenin hoàn thành, không phải là hai năm trước khi chết như tác giả của chúng ta khẳng định, mà là một năm: nó được ghi ngày 4/1/1923, còn Lenin chết ngày 21/1/1924; sự nghiệp chính trị của đồng chí thực chất đã kết thúc từ tháng 3/1923. Ludwig khẳng định, dường như Di chúc chưa từng được công bố đầy đủ. Thực chất, nó đã được xuất bản hàng chục lần trên thế giới bằng mọi thứ tiếng. Lần công bố chính thức đầu tiên tại điện Kremlin không phải trong phiên họp của BCHTW, như Ludwig viết, mà trong phiên họp hội đồng tối cao của đại hội lần thứ XIII ngày 22/5/1924. Người đọc Di chúc không phải là Stalin mà là Kamenev, trong tư cách không thể thay thế là chủ tịch cơ quan trung ương đảng. Và sau cùng, chủ iếu nhất, là tôi không ngắt lời bằng tiếng thốt đầy lo lắng vì chẳng có một duyên cớ nào: những từ đó, như Ludwig ghi lại theo lời kể của Radek, không có trong Di chúc - nó hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chẳng có gì khó khăn để kiểm tra, nhưng nó vẫn cứ được viết ra như thế!
Nếu như Ludwig không quá xem thường nền tảng sự kiện đối với những thêu dệt phân tích tâm lí của mình, ông ta có thể dễ dàng tìm được toàn văn chính xác của Di chúc, xác lập những sự kiện và ngày tháng cần thiết và tránh được những lỗi lầm thảm hại, thật đáng tiếc, đầy nhan nhản trong tác phẩm về điện Kremlin và những người bôn-sê-vich của ông ta.
Thư gửi đại hội, dưới cái tên là Di chúc, được viết xong trong hai khoảng thời gian cách nhau 10 ngày: 25/12/1922 và 4/1/1923. Khởi thủy, chỉ có hai người biết về tài liệu này: thư kí tốc kí M. Volodicheva, người đã ghi lại theo lời đọc của Lenin, và vợ của Lenin - N. Krupskaya. Trong khi còn le lói chút hi vọng về sự hồi phục của Lenin, Krupskaya cất kĩ tài liệu này trong két sắt. Sau khi Lenin mất, không lâu trước đại hội lần thứ XIII, bà trao lại Di chúc cho ban bí thư BCHTW, để thông báo trước toàn đại hội, như đã được định trước.
Lúc đó, bộ máy lãnh đạo đảng bán chính thức nằm trong tay tam đầu chế (Zinovyev, Kamenev, Stalin), mà thực tế là trong tay Stalin. Bộ ba kiên quyết phản đối công bố Di chúc tại đại hội: động cơ gì thì quá dễ hiểu. Krupskaya dứt khoát bảo lưu í kiến mình. Thời kì đó tranh cãi xảy ra trong hậu trường. Vấn đề được đưa ra hội nghị tối cao, nghĩa là lãnh đạo đoàn đại biểu các tỉnh. Ở đây, lần đầu tiên những ủy viên BCHTW phe đối lập, trong đó có tôi, mới được biết về Di chúc. Sau đó, theo quy định, không ai được ghi chép lại, Kamenev đọc lớn toàn văn. Không khí trong hội trường lúc ấy thực sự căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, có thể phần nào khôi phục lại toàn cảnh bức tranh theo trí nhớ, tôi có thể nói ai là người lo lắng nhất thì nội dung văn kiện đã cho biết rồi. Bộ ba thông qua một người đã đưa ra đề nghị, được thỏa thuận trước với các lãnh đạo cấp tỉnh, là văn kiện sẽ được công bố đến từng đoàn đại biểu riêng biệt, tại cuộc họp kín, không ai được ghi chép, không được phổ biến tại hội nghị toàn thể. Bằng sự kiên trì nhẹ nhàng vốn có, Krupskaya chứng minh rằng làm như thế là đi ngược lại hoàn toàn nguyện vọng của Lenin, không được từ chối việc thông báo lời nhắn nhủ cuối cùng của người đến toàn đảng. Tuy nhiên, các ủy viên của hội đồng tối cao buộc phải tuân thủ kỉ luật đảng: đa số tán thành đề nghị của bộ ba.
Để làm rõ í nghĩa của "sáu từ" bí ẩn và hoang đường, dường như đã quyết định số phận của tôi, cần nhắc lại một số tình huống đi kèm đã xảy ra trước đó. Trong thời kì tranh cãi quyết liệt về biến chuyển tháng Mười, "những người bôn-sê-vich cựu trào", trong số những phần tử hữu khuynh, đã không ít lần giận dữ chỉ ra rằng Trotsky trước kia không phải là người bôn-sê-vich; Lenin luôn chống đối kịch liệt những luận điệu này. Đồng chí nói, Trotsky từ lâu đã hiểu không thể liên kết với những người men-sê-vich, chẳng hạn vào ngày 14/11/1917, "từ khi không có người bôn-sê-vich tốt nhất". Từ chính miệng Lenin những lời này có í nghĩa nhất định.
Hai năm trôi qua, giải thích trong thư gửi các đảng cộng sản nước ngoài về điều kiện phát triển đường lối bôn-sê-vich, những mâu thuẫn và chia rẽ trong quá khứ, Lenin chỉ ra "trong thời khắc quyết định, trong thời điểm giành chính quyền và thiết lập Cộng hòa Sô-viết, đường lối bôn-sê-vich là duy nhất, nó lôi kéo tất cả những cái tốt nhất trong những khuynh hướng tư tưởng xã hội gần nó nhất..." Những khuynh hướng gần với đường lối bô-sê-vich, như tôi hình dung trước năm 1917, không tồn tại ở Nga, cũng như ở phương Tây. Sự liên kết của tôi với Lenin được định sẵn bởi tính lô-gich của tư tưởng và lô-gich của sự kiện. Trong thời khắc quyết định, đường lối bôn-sê-vich lôi kéo vào hàng ngũ của nó "những cái tốt nhất trong những khuynh hướng gần nó nhất" - như đánh giá của Lenin. Tôi chẳng có cơ sở gì để phản đối nó.
Trong thời gian hai tháng thảo luận về vần đề công đoàn (mùa đông 1920/21) Stalin và Zinovyev lại có í định nêu ra vấn đề quá khứ không phải bôn-sê-vich của Trotsky. Đáp lại việc này những diễn giả thiếu kiềm chế của phe đối lập nhắc lại hành vi của Zinovyev trong thời kì chuyển biến tháng Mười. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, suy nghĩ từ mọi khía cạnh quan hệ trong đảng sẽ ra sao nếu thiếu đồng chí, Lenin không thể không thấy trước, Stalin và Zinovyev có í đồ lợi dụng quá khứ không phải bôn-sê-vich của tôi để lôi kéo những đảng viên bôn-sê-vich cựu trào chống lại tôi. Di chúc đồng thời có í định cảnh báo mối nguy hiểm này. Thế là ngay tiếp theo đoạn nói về tính cách của Stalin và Trotsky, trong di chúc trực tiếp đề cập: "Tôi miễn nêu tính cách những ủy viên BCHTW khác theo phẩm chất cá nhân của họ. Tôi chỉ lưu í, biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev, tất nhiên, không phải là tình cờ, nhưng không thể quy đó là lỗi lầm cá nhân của họ, cũng như không thể quy choTrotsky không phải là bôn-sê-vich".
Việc chỉ ra biến cố tháng Mười "không phải là tình cờ", có thể suy ra mục đích hoàn toàn xác định để cảnh báo đảng, là trong những tình huống cấp bách Zinovyev và Kamenev có thể lại thể hiện nhược điểm thiếu chín chắn. Tuy nhiên, cảnh báo không giống như liên quan đến việc nhắc về Trotsky: đối với đồng chí ấy không được sử dụng quá khứ không phải bôn-sê-vich để làm cái cớ. Như vậy, tôi không có cớ gì để đặt câu hỏi như Radek thêu dệt về tôi. Đồng thời suy đoán của Ludwig về "tim như ngừng đập". Di chúc chẳng hề có mục đích gây khó khăn cho tôi trong công tác lãnh đạo đảng. Như chúng ta sẽ thấy tiếp theo, nó còn có mục đích hoàn toàn ngược lại.


[1] Karl Radek (1885-1939), tên thật Karol Sobelsohn, bí danh Radek, nhà hoạt động chính trị, ủy viên BCHTW ĐCS bôn-sê-vich từ 1920, bị kết án 10 năm tù vào 1937 trong thời kì Đại thanh trừng của Stalin và bị mưu sát trong tù năm 1939.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét