Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Tùy bút Solzhenitsyn (III)



1996 - 1999
19. Lạc diệp tùng
Loài cây mới kì lạ làm sao!
Ta thấy nó đã bao lần - loài cây lá kim. Ắt cùng họ nhà thông? Nhưng không phải. Thu sang, lạc diệp tùng trút lá ào ào tưởng chừng như lìa bỏ cõi đời. Phải chăng lá theo nhau lìa cành vì lòng xót thương quyến luyến? ta sẽ không rời bỏ các người, anh em ta vẫn trụ vững dẫu có vắng ta. Và lạc diệp tùng trút lá mới đồng loạt nhịp nhàng và tưng bừng làm sao - những chiếc lá rơi còn lấp lánh ánh mặt trời.
Phải chăng cây cũng có trái tim mềm iếu như lõi gỗ bên trong? Lại không phải nốt: mô gỗ loại cây này bền vững nhất trần gian, không phải lưỡi rìu nào cũng hạ nổi, thả bè thì không bị bềnh lên, còn ngâm nước không biết mục, càng ngâm càng cứng lại như hóa đá vĩnh cửu.
Năm nào tiết trời ấm áp dịu dàng cũng sẽ trở lại như một món quà bất ngờ - ta biết rằng thêm một năm mới được ban cho đất trời, cây cối lại được xanh tươi, những lá non óng ả hình kim kia lại trở về với người thân.
Cả con người cũng như thế đấy.
20. Tia sét
Bản thân tôi chưa từng thấy cảnh sét chẻ đôi cây mà chỉ đọc được ở trong sách.
Nhưng lần này được chứng kiến tận mắt. Từ cơn giông ào ào kéo đến giữa ban ngày, vụt bừng lên tia chớp chói lòa khiến các cửa sổ sáng rực lên như được dát vàng, chưa đầy một giây ngay sau đó là tiếng sét long trời lở đất - hẳn chỉ cách nhà độ đôi ba trăm bước chân?
Tan giông. Chính thế: ngay vạt rừng sát bên. Tia sét đã không chọn ngọn cao nhất giữa những cây thông cao vút - sao thế nhỉ? Từ phía trên, dưới ngọn một ít, tia sét đã chạy dọc thân cây, xuyên qua cái lõi tràn trề nhựa sống và tự tin của nó. Nhưng như cạn lực, luồng sét không chạy thẳng xuống gốc, mà trượt ra ngoài hay kiệt sức? Có điều đất bị xới tung bên một thân rễ cháy sém, một mảnh vỏ cây lớn văng ra xa có đến năm mươi mét.
Và một nửa thân cây bị bổ dọc đến lưng chừng thì đổ vật sang bên, đè lên mấy cành vô tội bên cạnh. Còn nửa kia, chẳng hiểu lấy đâu ra sức mà còn trụ được cả ngày trời, nó cũng bị sét khoan cho một lỗ toang hoác. Cuối cùng cũng bổ ngửa xuống một chạc tốt bụng của một cây cao chị em khác.
Cũng giống như trong chúng ta, chỉ có điều khác là: một khi ai đó bị lương tâm trừng phạt thì cú đánh ấy vừa xuyên thẳng vào tim vừa xuyên suốt cuộc đời. Thế rồi có người sau cú đó còn gượng đứng lên được và có người thì không.
21. Quả chuông thành Uglich
Mấy ai trong chúng ta chưa được nghe về quả chuông này, từng chịu một hình phạt quái gở là bị tháo lưỡi và một bên tai để chẳng bao giờ còn được treo lên cho xứng với một quả chuông; hơn thế nữa, còn bị quất bằng roi, rồi bị lưu đày xa hơn hai ngàn dặm, đến Tobolsk, trên một cỗ xe kéo - và suốt chặng đường thăm thẳm ấy, những cư dân Uglich bị trừng phạt đã phải oằn lưng thay ngựa để kéo theo mình cái gánh nặng bị nguyền rủa - hơn hai trăm con người bị trị tội vì sự cắn xé lẫn nhau của đám người trong hoàng tộc (những kẻ sát hại hoàng tử bé), họ bị cắt lưỡi để khỏi còn kể được chuyện xảy ra trong thành theo cách của mình.
Trở về xuyên qua Siberia, tôi bắt gặp nơi thành cổ Tobolsk dấu tích hoang phế của kẻ tội đồ bị trục xuất, trong một nhà nguyện nhỏ cô độc, nơi nó đã mãn hạn lưu đày ba trăm năm của mình trước khi được ân xá để trở về cố hương. Rồi tôi cũng đã đến thành Uglich, trong ngôi đền tưởng niệm Dimitry[1].Và quả chuông, cho dù nặng 20 pud[2] mà chỉ cao đến nửa thân người, được treo ở đây một cách trang trọng. Lớp đồng của nó bị xỉn đi thành một màu xám đẫm đau thương. Dùi chuông treo bất động. Người ta mời tôi gióng chuông.
Tôi gióng chuông, một lần duy nhất. Và tiếng ngân vang lên trong đền mới lạ thường làm sao, những âm điệu sâu lắng tuôn trào mới đa nghĩa làm sao, từ ngàn xưa vọng lại với chúng ta, những linh hồn u mê vội vã và mờ tối. Chỉ một gióng mà tiếng chuông kéo dài nửa phút, rồi tiếng ngân nga còn đến trọn phút, chầm chậm, chầm chậm tắt dần một cách đường bệ - và đến tận khi lặng hẳn vẫn không mất đi nét đa âm diễm lệ. Người xưa quả là sành bí ẩn của kim loại.
Trong khoảnh khắc đầu tiên khi hay tin hoàng tử bé bị sát hại, thầy dòng của nhà thờ đã lao lên tháp chuông, sáng suốt chốt chặt cửa lại, mặc cho biết bao kẻ thù lao lên phá cửa, thầy vẫn gióng chính quả chuông này, gióng mãi, gióng mãi những hồi chuông cảnh tỉnh. Tiếng kêu gào và cơn hoảng loạn của dân chúng thành Uglich bùng lên - quả chuông đã loan báo về nỗi hãi hùng chung cho vận mệnh nước Nga.
Những tiếng chuông rền vang ấy là lời báo hiệu về một Thảm họa to lớn - báo trước cuộc Binh biến lần thứ nhất. Ngay chính tôi, giờ đây, khi gióng quả chuông từng trải qua thống khổ, dường như cũng lạc vào một quãng nào đó trong suốt chiều dài của cuộc Binh biến lần thứ ba. Và tránh sao khỏi so sánh: lời báo nguy của dân chúng chỉ là vật cản đáng bực mình đối với ngai vàng và chế độ nông nô sừng sững, tồn tại bốn trăm năm trước, đến bây giờ vẫn thế.


[1] Tại nơi sát hại hoàng tử Dimitri xứ Uglich, đầu tiên người ta dựng lên một nguyện đường bằng gỗ, năm 1692 nhà thờ xây bằng đá được thay thế và tồn tại đến ngày nay.
[2] pud - đơn vị đo lường của Nga thời xưa, tương đương 16,38 kg.


22. Tháp chuông

Tháp chuông Kalyazin

Ai muốn, chỉ với một cái nhìn duy nhất vào khoảng không bao la, ngắm nước Nga chưa bị nhấn chìm hết của chúng ta - đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng tháp chuông Kalyazin[1].
Nó đã từng tọa lạc trong khuôn viên nhà thờ, giữa đô thị buôn bán sầm uất trù phú, gần trung tâm thương mại Gostinyi Dvor, và trên quảng trường là giao lộ của những con đường với một loạt dinh cơ hai tầng của giới thương gia. Và không một nhà tiên tri nào thời đó có thể tiên đoán nổi thành phố cổ kính này, vẫn tồn tại được trải qua sự tàn phá khốc liệt của người Tatar và người Ba Lan vào thế kỉ thứ VIII, lại có thể ngập chìm hết hai phần ba trong dòng nước Volga chỉ do í chí ngu xuẩn của giới cầm quyền độc đoán: con đập thứ hai dường như đã cứu tất cả, và những người bôn-sê-vich đã chán, chẳng buồn lí đến nó nữa. (Còn biết nói gì hơn! Toàn bộ thành phố Mologa đã chìm xuống đáy.) Và giờ đây, đứng bên bờ nước - thậm chí chỉ bằng tưởng tượng thôi, anh cũng chẳng tài nào nâng lên từ vực thẳm thành phố Kitezh[2] này, hay hòn đảo Atlantis[3] huyền thoại đã chìm sâu trong lòng nước.
Song tháp chuông cao thanh thoát vẫn tồn tại giữa lòng thành phố bị nhấn chìm. Nhà thờ bị đập tan thành gạch vụn vì tương lai của chúng ta - còn tháp chuông chẳng hiểu lí do vì sao chưa kịp phá, thậm chí chưa bị chạm tới một viên gạch, cứ như di tích được bảo tồn. Và ở đó, sừng sững trên mặt nước, một kiến trúc tuyệt vời bằng gạch trắng, gồm sáu tầng thon lại phía trên (một tầng rưỡi bị ngập nước), vào những năm gần đây, người ta đắp thêm đất đá bên dưới để gia cố phần móng, vẫn đứng vững, không chút xiêu vẹo, năm nhịp xuyên suốt, tiếp đó là nóc vòm hình củ hành và đỉnh nhọn - hướng lên bầu trời. Và trên đỉnh nhọn, cây thánh giá vẫn còn nguyên vẹn như một phép màu! Các đợt sóng từ những con tàu lớn chạy trên sông Volga, chưa đạt tới tầm cao, từ xa vỗ lao xao vào những bức tường đá trắng, và trên boong tàu, có đến cả 50 năm nay, những hành khách Sô-viết vẫn chiêm ngưỡng tháp chuông.
Anh lang thang khắp những xó xỉnh buồn thảm, đầy vết tích bi thương còn sót lại, nơi những cư dân thành phố bị ngập chìm đã dời tới cư ngụ trong những ngôi nhà xiêu vẹo. Trên bờ nước giả tạo, các bà các cô Kalyazin, một lòng một dạ với đức tính dịu dàng tự ngàn xưa truyền lại và sự tinh khiết của dòng Volga, vẫn miệt mài giặt giũ đồ vải. Thành phố nửa hoang phế, đổ nát, chưa hoàn toàn chết hẳn, với một ít còn sót lại của những kiến trúc xưa bị biến dạng. Và trong cảnh hoang tàn của những con người bị bỏ lại nơi đây, những con người bị dối lừa này chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài sống - sống ở đây.
Đối với họ, lẫn với tất cả những ai đã từng một lần chứng kiến điều kì diệu này: tháp chuông còn sừng sững đó. Như hi vọng của chúng ta. Như lời nguyện cầu của chúng ta: không, Chúa sẽ không để toàn bộ nước Nga bị nhấn chìm...
23. Tuổi già
Không những biết bao điều đã được viết về nỗi sợ hãi cái chết, mà còn về chuyện cái chết vốn là một mắt xích tự nhiên của chuỗi đời, nếu như không phải bị ép buộc.
Tôi còn nhớ một nhà thơ người Hi Lạp hồi ở trại, bị kết án tử hình mà tuổi mới ngoài ba mươi. Và không hề có ánh sợ hãi nào trước cái chết thoáng hiện trong nụ cười phảng phất u buồn của anh. Tôi rất kinh ngạc. Anh bảo: "Nếu ta đã có sự chuẩn bị nội tâm để đón nhận cái chết trước khi nó đến, nghĩa là ta đã trưởng thành trước cái chết. Thế thì chẳng còn gì phải sợ".
Chỉ một năm sau - đến lượt tôi cũng cảm nhận được điều này trong bản thân mình, vào cái tuổi ba mươi tư. Tháng tiếp tháng, tuần tiếp tuần, tôi nhích gần cái chết, quen dần - tôi chuẩn bị phần xác đón nhận nó trong sự sẵn sàng và thanh thản của phần hồn.
Thế nhưng, nói một cách thẳng thắn, thật dễ chịu hơn nhiều khi tuổi xế bóng từ từ đưa ta đi gặp tử thần. Tuổi già hoàn toàn không phải là sự trừng phạt của Chúa, mà trong đó ẩn chứa điều tốt lành và những gam màu ấm nóng.
Sự ấm áp khi ngắm cảnh chộn rộn của lớp trẻ, đang dần cứng cáp và hình thành tính cách. Thậm chí cả khi sức lực iếu đi, anh vẫn còn có thể tỏa ấm, anh so sánh: ra thế, xưa kia ta đã từng là ngựa đầu đàn trong cỗ xe tam mã. Anh không kéo lê thê công việc của ngày dài - chút ngơi nghỉ ngắn ngủi của tâm thức cũng ngọt ngào làm sao, rồi sự minh mẫn của buổi sớm mai lần thứ hai hay thứ ba trong ngày hãy còn là một món quà. Rồi sự tận hưởng của tâm hồn - hạn chế ăn uống, không lục tìm những hồi ức về vị giác: anh đang còn sống mà đã ở tầm cao trên vật chất rồi. Và tiếng hót thanh thanh của bầy vành khuyên trong khu rừng chớm xuân tuyết đọng còn đáng iêu hơn gấp bội, vì lẽ chẳng mấy chốc anh sẽ không còn được nghe chúng nữa, vậy hãy nghe cho thỏa thích đi! Còn cả một kho báu không thể bị tước đoạt - đó là những hồi ức; người trẻ tuổi không có được điều này, còn với anh thì hết thảy, kể cả từng đoạn đời, chẳng hề thoái thoác, đến thăm anh hàng ngày, khi đêm chầm chậm chuyển sang ngày, và ngày chuyển sang đêm.
Tuổi già minh mẫn - đó không phải là đường đi xuống, mà là lối đi lên.
Chỉ có điều, ơn Chúa, xin đừng để tuổi già phải chịu cảnh bần hàn.
Như chúng ta - đã từng bỏ rơi biết bao, biết bao người...
24. Tủi nhục
Đau khổ xiết bao khi cảm thấy tủi nhục vì Tổ quốc mình.
Tổ quốc đang nằm trong những bàn tay hờ hững hoặc nham hiểm của thế lực nào đó, đang thao túng vận mệnh của Tổ quốc một cách khinh suất hay vụ lợi. Tổ quốc hiện ra trước con mắt của thế giới qua những diện mạo hoặc vênh váo, hoặc xảo quyệt, hoặc vô hồn. Người ta tống cho Tổ quốc thứ đồ uống hôi thối thay cho món ăn tinh thần lành mạnh. Cuộc sống của nhân dân đã bị đẩy đến chỗ bần cùng và đói rách, khó bề cứu vãn.
Cảm giác hèn mọn đã trở nên dai dẳng. Không phải thoáng qua, nó không dễ biến đổi như cảm xúc cá nhân hàng ngày trước biến động của ngoại cảnh. Không, nó là cái ách đeo đẳng đến trọn kiếp, thức dậy đã thấy nó, khốn khổ với nó cả ngày dài, nhỏ lệ vì nó suốt đêm thâu. Thậm chí có chết đi cho hết buồn phiền vẫn chưa hết nhục: nó vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu những người sống, mà chính anh cũng là một phần của họ.
Anh cứ lần dở, lần dở mãi, đi sâu vào trang sử nước nhà, mong tìm thấy niềm khích lệ ở những gương sáng. Song anh cũng nhận ra một sự thật phũ phàng: đã từng có những dân tộc trên trái đất này bị diệt vong. Quả có thế.
Không, vẫn còn điều khác - sự sâu sắc của 25 vùng miền mà tôi đã từng đặt chân - chính điều đó thổi cho tôi một luồng hi vọng: tôi thấy được ở đó sự trong sáng của bao í tưởng, sự tìm tòi không nản chí, những đồng bào ruột thịt, hào phóng, đầy sức sống. Lẽ nào họ không thể phá vỡ cái tình thế tuyệt vọng này? Nhất định sẽ được! họ thừa sức làm việc đó.
Nhưng nỗi tủi nhục vẫn còn treo lơ lửng trên đầu chúng ta như một đám mây khí độc màu da cam đang gặm nhấm buồng phổi của chúng ta. Và dù có xua tan được đám mây ấy thì chúng ta cũng chẳng bao giờ xóa nhòa được vết hằn của nó trên trang sử nước nhà.
25. Cỏ dại
Biết bao công lao khó nhọc nhà nông phải đổ ra: nào là ươm hạt giống cho đến vụ, nào là gieo trồng đúng cách, nào là chăm bón nâng niu đến tận ngày thu hoạch. Còn cỏ dại thì cứ thế mà mọc, nhanh như thổi, chẳng những không cần chăm sóc mà còn nhạo báng lại bất cứ sự chăm sóc nào. Thế nên mới có câu ngạn ngữ: cỏ dại chẳng dễ biến khỏi mặt đất.
Vì sao những loài cây có ích bao giờ cũng iếu ớt hơn?
Trước sự bế tắc của lịch sử loài người tự ngàn xưa đến tận ngàn sau, ta buồn bã cúi đầu: biết làm sao được, quy luật của thế giới này là vậy đó. Và chúng ta chẳng thể thoát ra được - không đời nào, chẳng có í tưởng hay ho nào, chẳng có giải pháp trần thế nào.
Cho đến khi nhân loại diệt vong.
Chỉ có một lẽ sống cho mỗi một người đang sống: lao động chân chính và lương tâm trong sạch.


[1] Tháp chuông nằm giữa hồ chứa nước Uglich, thành phố Kalyazin, được xây dựng năm 1800 trong khu vực nhà thờ thánh Nicolas, cao 74,5m, gồm 5 tầng với nóc vòm và đỉnh nhọn, bên trong đặt 12 quả chuông. Khi xây dựng hồ chứa nước Uglich, một phần thành phố Kalyazin bị ngập chìm trong nước, nhà thờ bị di dời và tháp chuông vẫn giữ lại dùng để làm tháp nhảy dù. Sau đó, người ta đắp một đảo nhân tạo quanh tháp, có bến cập thuyền. Ngày nay, tháp chuông là một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.
[2] Kitezh - thành phố thần thoại, nằm bên hồ Svetloyar, thuộc vùng Novgorod, lần đầu được mô tả trong quyển sách "Biên niên sử Kitezh" không rõ tác giả, vào thế kỉ 18.
[3] Atlantis - hòn đảo huyền thoại, được xem là đạt tới đỉnh cao vinh quang hơn 11 ngàn năm trước, nhưng chỉ xuất hiện trong thư tịch khoảng từ năm 359 đến 347 trước Công nguyên, trong các cuộc đối thoại của nhà triết học Hi Lạp cổ đại Plato - Timaeus và Critias.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét