Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Ngôi nhà của Matryona (II)



2
Matryona đã quen sống với tôi, và tôi cũng quen sống với bà; chúng tôi sống thoải mái chân tình. Bà không làm phiền khi tôi làm việc buổi tối đến tận khuya và cũng không làm tôi bực mình vì những câu hỏi. Bà không có cái tánh tò mò của phụ nữ, hoặc vì bà quá tế nhị nên chưa lần nào hỏi tôi đã lập gia đình bao giờ chưa. Tất cả các bà ở Talnovo cứ theo hỏi bà không ngớt để tìm hiểu về tôi, nhưng đều nghe bà trả lời:
- Muốn biết thì cứ tới mà hỏi ông ấy! Tôi chỉ biết có một điều là ông ấy từ xa đến.
Và mãi sau này khi tôi kể cho bà nghe tôi đã từng ở tù rất lâu, thì bà chỉ gật gật cái đầu mà không nói gì, cứ như là đã đoán biết từ lâu lắm rồi.
Về phần tôi, tôi cũng chỉ thấy một Matryona của hiện tại, một bà lão khốn khổ trên cõi đời, tôi không hề muốn động chạm đến quá khứ của bà, và cũng không có í định tìm hiểu.
Tôi được biết Matryona đã lấy chồng hồi trước cách mạng, và ngay sau đó dọn đến ở trong ngôi nhà hiện tại để bắt đầu một cuộc sống vất vả (mẹ chồng đã chết, chị chồng đã đi lấy chồng nơi khác, do đó ngay sau hôm cưới, bà đã phải quán xuyến hết mọi việc trong nhà). Tôi cũng được biết là bà có sáu người con, tất cả đều chết khi còn rất nhỏ, thành thử chưa bao giờ bà từng có một lúc hai đứa con. Sau đó, bà nhận nuôi một người con gái tên Kira. Chồng bà ra trận và không quay về sau chiến tranh. Không có giấy báo tử. Mấy người đàn ông cùng làng từng đi lính với chồng bà nói rằng hoặc ông bị bắt làm tù binh, hoặc đã tử trận mà không tìm được xác. Trong suốt mười một năm sau chiến tranh, Matryona cũng phải coi như chồng mình đã chết. Như vậy lại càng hay. Ví thử ông còn sống thì chắc cũng đã có vợ khác ở Brasil hay ở Úc rồi. Và cả cái làng Talnovo lẫn tiếng Nga cũng bị xóa nhòa trong trí nhớ của ông...
Một hôm đi dạy về, tôi thấy trong nhà có khách. Một ông già cao lớn đen đúa với chiếc nón đặt trên đầu gối; ông ngồi trên chiếc ghế mà Matryona đẩy đến giữa phòng cho ông, cạnh cái lò sưởi Hà Lan. Toàn bộ khuôn mặt của ông được phủ kín bởi bộ râu rậm và đen kịt hầu như chưa có sợi nào bạc, nối tiếp với bộ ria cũng rậm rì và đen nhánh gần như bít kín hết miệng, hai bên thái dương cũng đầy râu, gần như che lấp đôi tai, nối liền với mấy chùm tóc đen rũ xuống từ trên đỉnh đầu; thêm vào đó là cặp lông mày rậm dính vào nhau như bắc cầu. Chỉ có từ trán lên đến đỉnh đầu là nhẵn thín. Dáng dấp của ông như muốn tỏ vẻ quan trọng và bệ vệ. Ông ngồi ngay ngắn, hai tay đặt trên cây gậy chống thẳng xuống sàn nhà, trong một tư thế kiên nhẫn chờ đợi, và, rõ ràng, ông nói chuyện rất ít với Matryona, đang làm việc sau bếp.
Khi tôi bước vào, ông chậm chạp quay cái đầu oai vệ lại, và gọi tôi bằng một giọng thật bất ngờ:
- Này ông giáo!.. Tôi không thấy ông rõ lắm. Con tôi là học trò của ông, Grigoryev Anton...
Ông khỏi cần nói tiếp tôi cũng hiểu... Mặc dù trong thâm tâm tôi rất muốn giúp ông lão khả kính này, nhưng tôi biết trước là mình sẽ không tán thành những điều vô ích mà ông sắp nói ra. Grigoryev Antoshka là một thằng bé hồng hào, mập béo học lớp 8D, có dáng điệu như một con mèo ăn quá nhiều bánh "kếp". Có cảm tưởng như nó đến trường chỉ để nghỉ ngơi, nó ngồi sau bàn và mỉm cười một cách lười biếng. Đương nhiên là nó không bao giờ học bài hay làm bài tập ở nhà. Tuy nhiên, cái chính là nhà trường lúc nào cũng phấn đấu để đạt được tỉ lệ học sinh lên lớp cao, để đạt thành tích là trường tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh... cho nên năm nào nó cũng được "đẩy" lên lớp, và nó đã hiểu rõ là dù thầy giáo có hăm dọa cách mấy, cuối năm nó vẫn được lên lớp mà khỏi cần học hành gì hết. Rõ ràng là nó chế nhạo chúng tôi. Học đến lớp tám mà chưa biết phân số là gì và không phân biệt nổi các loại hình tam giác. Hai quý đầu, tôi chỉ cho nó toàn điểm 2, và chắc chắn trong quý ba cũng không thể khá hơn.
Nhưng biết nói sao với ông lão gần như lòa này bây giờ? Đối với Anton, ông ta phải là ông nội mới thích hợp hơn là cha, và giờ đây ông ta phải hạ mình đến gặp tôi. Tôi sẽ phải nói là từ nhiều năm nay nhà trường đã đánh lừa ông, là tôi không thể tiếp tục lừa ông được nữa, nếu không thì lớp học của tôi sẽ còn ra gì, và tôi sẽ tự biến mình thành một kẻ gian lận, phỉ nhổ vào công sức và danh dự của một người thầy.
Và tôi kiên nhẫn giải thích cho ông hiểu là con ông đã buông trôi quá độ, nói dối cả ở nhà lẫn ở trường, ông phải kiểm tra sổ liên lạc của nó thường xuyên hơn, đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà trường để ép nó học.
- Làm sao ép nó hơn được nữa hả ông giáo! - ông khách quả quyết. - Tuần nào mà tôi chả đánh đòn nó. Và tôi có nhẹ tay đâu.
Trong cuộc nói chuyện tôi nhớ có một lần Matryona chen vô để bênh vực Antoshka Grigoryev, nhưng tôi cũng không hỏi bà có họ hàng thế nào với nó, và chỉ đáp lại bằng sự từ chối. Lần này bà đứng ở cửa bếp với vẻ van nài im lặng. Đến khi Faddei Mironovich ra về và nói sẽ đến gặp tôi nữa, tôi mới hỏi:
- Tôi không thể hiểu nổi, bà và thằng Antoshka có liên quan gì với nhau, Matryona Vasilyevna?
- Nó là con của ông anh chồng tôi - bà trả lời nhát gừng, rồi đi vắt sữa dê.
Thì ra ông già đen đúa và lì lợm đó là anh ruột của ông chồng mất tích của bà.
Cả buổi tối hôm đó, bà không trở lại câu chuyện ấy nữa. Đến khuya, khi hình ảnh của ông lão đã ra khỏi đầu óc tôi và tôi đang làm việc trong im lặng, chỉ có tiếng sột soạt của mấy con gián và tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường, thì bỗng nhiên từ trong góc phòng Matryona nói vọng ra:
- Ngày xưa tôi suýt lấy ông ấy đó, Ignatich!
Tôi đã quên luôn sự có mặt của Matryona, tôi không nghe tiếng bà, nhưng những lời nói đó vọng ra từ bóng tối, chứa đựng nhiều xúc động đến nỗi người ta có cảm tưởng ông lão đó vẫn còn ám ảnh bà cho đến tận bây giờ.
Rõ ràng là suốt buổi tối bà không nghĩ đến chuyện gì khác hơn.
Bà rời khỏi chiếc giường nghèo khổ đầy giẻ rách của mình, chầm chậm bước về phía tôi ngồi như thể bà đi theo lời nói vậy. Tôi ngả người vào lưng ghế, và lần đầu tiên tôi nhìn thấy một Matryona khác hẳn mọi khi.
Không có đèn trên trần trong căn phòng lớn ngổn ngang những chậu ficus như một đám rừng. Quầng sáng tỏa ra từ ngọn đèn trên bàn viết của tôi chỉ đủ soi sáng mấy quyển vở, và khi mắt tôi rời khỏi vùng ánh sáng đó, cả căn phòng tranh tối tranh sáng dường như ánh lên vẻ hồng hồng và đôi gò má vàng vọt của Matryona mọi khi cũng ánh lên vẻ hồng hồng.
- Ông ấy là người tán tỉnh tôi trước... trước Efim... Faddei là anh cả... Tôi vừa tròn mười chín tuổi, còn ông ấy thì đã hai mươi ba... Lúc đó họ sống trong ngôi nhà này. Đây là nhà của họ. Chính tay cha họ dựng nó lên.
Bất giác, tôi nhìn khắp căn phòng. Ngôi nhà cũ kĩ xám xịt, đang mục nát này, qua lớp giấy dán tường màu xanh nhạt, bên trong đầy chuột chạy, chợt trở nên mới hẳn, với những lóng gỗ bào nhẵn chưa ngả sang màu xám, tỏa mùi nhựa thông thơm ngát.
- Rồi bà và ông ấy... Rồi sao nữa?
- Mùa hè năm ấy... chúng tôi đi vào rừng, - bà thì thầm. - Rừng hồi đó là chỗ cái chuồng ngựa bây giờ, người ta đốn hết rồi... Tôi sắp lấy ông ta, Ignatich à. Chiến tranh với Đức bắt đầu. Họ bắt Faddei ra trận.
Bà ngưng lại và trước mắt tôi vụt hiện ra bầu trời xanh, mây trắng, nắng vàng của một ngày tháng Bảy năm 1914 êm ả, mây trôi bềnh bồng và dân tình chen chúc nhau trong đám lúa chín. Tôi thấy họ đi cạnh nhau: người thanh niên cao lớn với nước da ngăm ngăm vác lưỡi hái trên vai; còn cô gái, mặt đỏ hồng, tay ôm bó lúa. Rồi một bài hát, một bài hát xưa kia người dân quê thường hay hát, mà giờ đây, vào thời đại máy móc này, người ta không còn hát nữa.
- Ông ấy ra trận, rồi mất tích... Ba năm trời tôi mỏi mòn chờ đợi. Không tin tức gì, hài cốt cũng không...
Quấn trong một cái khăn choàng cũ xưa, khuôn mặt tròn của Matryona trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn bỗng nhiên mất hết các nếp nhăn, không còn cái vẻ lôi thôi lếch thếch thường ngày, mà giờ đây là khuôn mặt sợ hãi của một thiếu nữ đang đứng trước một sự lựa chọn ghê gớm.
Phải... Phải, tôi hiểu... bao mùa lá rụng, bao lần tuyết rơi rồi tuyết lại tan. Rồi cày bừa, rồi gieo hạt, rồi mùa gặt lại đến. Rồi lá lại rụng và tuyết lại rơi. Rồi cách mạng bùng nổ, tiếp theo lại một cuộc cách mạng khác. Và cả thế giới đảo lộn.
- Mẹ của họ qua đời và Efim bắt đầu tán tỉnh tôi. Ông ấy nói: em đã từng muốn đến ở nhà chúng tôi, vậy em cứ đến đi. Efim trẻ hơn tôi một tuổi. Ở quê tôi người ta bảo: gái khôn lấy chồng sau ngày lễ Đức Bà, còn gái dại lấy chồng sau ngày lễ thánh Peter. Gia đình họ thiếu người làm lụng. Thế là tôi nhận lời... Đám cưới chúng tôi nhằm ngày lễ thánh Peter và đến ngày lễ thánh Nicolas vào mùa đông thì Faddei trở về... từ trại giam Hungary.
Matryona nhắm mắt lại.
Tôi ngồi lặng thinh.
Bà quay sang nhìn cánh cửa cứ như nó là một vật thể sống:
- Ông ấy đứng ngay ngưỡng cửa. Tôi thét lên một tiếng, rồi bổ đến quỳ phục dưới chân ông!.. Bộ không thể... thôi được... - ông ấy nói - nếu không phải em trai tôi thì tôi băm nát cả hai người!
Tôi rùng mình. Qua sự phấn khích và kinh hãi của Matryona, tôi hình dung một cách sống động, ông ta đứng ở đó, đen đúa, giữa khung cửa tối om, lưỡi rìu huơ lên trước mặt Matryona.
Nhưng rồi bà bình tĩnh trở lại, dựa vào lưng ghế trước mặt tôi, tiếp tục bằng một giọng nỉ non:
- Ôi chao, tội nghiệp ông ấy quá! Trong làng thiếu gì đàn bà con gái, mà ông không chịu lấy ai hết. Ông ấy bảo: "Tôi sẽ tìm tên em, một Matryona khác". Và cuối cùng cũng mang về một Matryona từ Lipovka; họ cất riêng một ngôi nhà, và hiện đang sống ở đó, ngày nào ông cũng đi ngang qua đấy để đến trường.
À thì ra thế! Bây giờ tôi hiểu là tôi đã hơn một lần gặp bà Matryona thứ hai rồi. Tôi không thích bà ấy lắm, bà ấy hay đến than phiền với Matryona của tôi là bị chồng đánh đập, ông ta keo kiệt và hay khảo tiền bà, rồi bà khóc rất lâu và giọng lúc nào cũng đầy nước mắt.
Matryona của tôi chẳng có gì để phải hối tiếc cả, Faddei đánh đập Matryona của ông ấy hàng ngày, đến giờ vẫn còn tiếp tục hành hạ bà ta và khắc nghiệt với mọi người trong nhà.
- Còn ông của tôi thì chưa bao giờ đánh tôi một lần nào, - bà kể về Efim. - Ra đường thì ông ấy rượt và thoi đàn ông, nhưng với tôi thì chưa bao giờ... Đúng ra thì có một lần, tôi cãi nhau với chị dâu, ông ấy đập cái thìa bằng gỗ vào trán tôi. Tôi liền phóng ra khỏi bàn: "Cho chúng bay chết sặc hết đi, quân ăn hại!". Rồi tôi bỏ vô rừng. Từ đó ông ấy không bao giờ đụng đến tôi nữa.
Faddei dường như cũng không có gì để hối tiếc, Matryona thứ hai cũng sinh cho ông sáu người con (trong đó Antoshka, học sinh của tôi, là con út và là đứa tệ nhất), cả sáu đều còn sống; trong khi Matryona và Efim thì không giữ được con mình: chúng đều chết trước ba tháng mà không bệnh hoạn gì hết, từng đứa một.
- Một trong mấy đứa con gái của tôi, Elena, vừa lọt lòng, tắm rửa xong nó vẫn còn sống, nhưng rồi lại chết ngay sau đó. Thành thử không cần phải tắm rửa để liệm xác cho nó... Ngày cưới của tôi đúng vào ngày lễ thánh Peter, tôi chôn đứa thứ sáu, thằng Alexander, cũng vào ngày lễ thánh Peter.
Và cả làng đều quả quyết Matryona bị trù ếm.
- Tôi bị một "vật iếm"[1]! - bây giờ Matryona vẫn còn gật gù ra vẻ tin lắm. - Người ta đã dẫn tôi đến chỗ một bà trước từng là nữ tu để trừ tà, bà ấy làm cho tôi ho, và bảo là "vật iếm" sẽ thành một con ếch và nhảy ra từ họng tôi, nhưng không thấy con ếch nào cả...
Năm tháng trôi qua, như nước chảy chân cầu... Năm 1941, người ta không bắt Faddei ra trận nữa vì mắt ông quá iếu, trái lại người ta bắt Efim. Và giống như ông anh trong cuộc chiến thứ nhất, trong cuộc chiến thứ hai ông em cũng mất tích. Có điều là ông em không bao giờ trở về. Ngôi nhà nhộn nhịp ngày nào, giờ trở nên mục nát, cằn cỗi, hoang vắng và Matryona cũng già đi trong cô độc.
Rồi bà xin Matryona kia một mảnh thịt trong bụng của bà ấy (hay một giọt máu của Faddei) - cô con gái út Kira.
Trong suốt mười năm, bà đã nuôi dưỡng đứa bé ấy tại đây như con ruột thay cho những đứa đã mất. Và trước khi tôi đến ít lâu, bà đã gả cô cho một anh tài công ở Cherusti. Từ đó bà bắt đầu nhận được sự giúp đỡ nhỏ giọt của họ: lúc thì ít đường, lúc thì miếng mỡ lợn muối khi họ mổ heo.
Đau đớn vì bệnh hoạn và nghĩ mình sắp chết, Matryona đã cho biết ước nguyện cuối cùng của mình: "căn phòng lớn" biệt lập, nối với ngôi nhà sẽ thuộc về Kira sau khi bà chết. Bà không nói gì về ngôi nhà gỗ hết. Ba người em gái của bà đang hi vọng sẽ thừa hưởng ngôi nhà gỗ ấy.
Thế là, tối hôm đó, Matryona thổ lộ hết với tôi. Và, như chuyện đời thường, mối liên hệ gia đình và í nghĩa cuộc sống của bà mà tôi vừa được biết, đã gây xáo trộn cho bà trong những ngày tiếp đó. Kira từ Cherusti về nói chuyện và ông lão Faddei lo lắng: muốn xin và giữ một mảnh đất ở Cherusti, hai vợ chồng trẻ phải cất một ngôi nhà trên đó, thế nào cũng được. "Căn phòng lớn" của Matryona hoàn toàn thích hợp cho việc đó. Ngoài ra, không có cách nào khác, vì đào đâu ra gỗ để xây nhà. Và không phải Kira, hay anh chồng của cô, mà chính lão Faddei nôn nóng nhất định giành cho được mảnh đất ở Cherusti.
Thế là ông đến chơi nhà Matryona thường xuyên hơn, lần thứ nhất, rồi lần nữa. Bằng một giọng kẻ cả, ông đòi bà phải cho Kira "căn phòng lớn" ngay khi bà còn sống. Mấy lần sau này, tôi không còn thấy ở ông một cụ già khả kính hai tay chống trên gậy, dễ tổn thương vì một cái đẩy hay một lời nói lỗ mãng. Mặc dù lưng hơi còng vì bị đau vùng thắt lưng, nhưng ông vẫn còn giữ được vẻ nhanh nhẹn, và tuy đã hơn sáu mươi tuổi, tóc ông vẫn đen mướt như thời trẻ. Ông ta tấn công rất hăng hái.
Hai đêm liền, Matryona không ngủ được. Bà cảm thất rất khó quyết định. Không phải vì bà tiếc "căn phòng lớn", trước nay có dùng đến đâu, cũng như xưa nay bà có hề tiếc công tiếc sức, tiếc lòng tốt của bà với ai bao giờ? Hơn nữa, "căn phòng" đó dù sao bà cũng dành cho Kira rồi kia mà. Nhưng như có ai xát muối vào ruột bà khi phải phá hủy cái mái nhà đã từng che nắng che mưa cho bà suốt bốn chục năm trời. Ngay cả tôi, chỉ là người khách trọ, cũng đau lòng khi thấy người ta tháo những tấm ván, hạ những súc gỗ của ngôi nhà. Với Matryona, đó là dấu chấm hết cho cuộc đời bà.
Nhưng với đám người kia, họ đòi phá hủy ngôi nhà ngay lúc bà còn sống cho bằng được.
Và một buổi sáng tháng hai, Faddei kéo đám con trai và con rể đến, rồi cùng một lúc năm lưỡi rìu bổ xuống, các tấm ván gào thét, rên rỉ khi bị tháo tung ra. Đôi mắt Faddei ngời sáng. Mặc dù lưng ông không thể đứng thẳng hoàn toàn, ông cũng thoăn thoắt leo lên tận mấy cái đòn tay trên mái, còn khi ở dưới thì lăng xăng chỉ đạo, quát tháo mấy người phụ ông. Ngôi nhà gỗ này ông đã cùng với cha ông tự tay cất lên khi còn thanh niên; người ta đã dựng "căn phòng" lên để làm nơi ở cho ông khi cưới vợ. Giờ đây ông hùng hổ tháo rỡ nó ra, từng lóng xương một, để đem đi khỏi sân nhà người lạ.
Sau khi đánh số các cây kèo và ván trần, họ bắt đầu tháo "căn phòng" và cái gác xép của nó, còn ngôi nhà gỗ với những sàn gác ngắn thì họ ngăn tạm bằng một tấm ván mỏng. Họ bỏ mặc mấy cái khe hở trong tường và điều đó cho thấy kẻ tàn phángười xây dựng đúng là hai thái cực, chắc họ đồ rằng Matryona sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Trong khi đàn ông lo phá nhà thì đàn bà lo cất rượu để uống trong ngày chở gỗ. Vì vodka quá đắt nên Kira mang về từ vùng phụ cận Moskva một pud đường, ban đêm Matryona Vasilyevna mang đường và chai lọ đến nhà người cất rượu lậu.
Các súc gỗ đã được hạ xuống và chất thành đống trước cổng, người con rể tài công tàu hỏa đã đi Cherusti để thuê máy kéo.
Nhưng hôm đó bão tuyết bắt đầu nổi lên, "giời thổi bễ" nói theo kiểu của Matryona. Gió gào thét quay cuồng suốt hai ngày đêm liền và đổ lên mặt đường những đống tuyết lớn. Sau đó, khi người ta cào bớt tuyết trên đường, một vài chiếc xe tải chạy qua chạy lại thì trời đột nhiên ấm lên. Một ngày sau tuyết bắt đầu tan, sương mù ẩm ướt buông xuống, các con suối nhỏ do tuyết tan róc rách tìm đường chảy và chân người lún sâu gần đến cổ giày ống.
Suốt hai tuần liền "căn phòng lớn" bị hạ xuống cứ nằm ì ở cổng vì máy kéo không thể đi được! Và trong hai tuần đó, Matryona đi như người mất hồn. Điều làm bà khổ tâm nhất là ba người em gái đến hùa nhau mắng nhiếc bà là đồ ngu vì đã cho "căn phòng", họ bảo không muốn thấy mặt bà nữa, rồi bỏ đi.
Trong những ngày ấy con mèo thọt cũng bỏ nhà đi mất biệt. Bao nhiêu chuyện dồn dập cùng một lúc hành hạ Matryona đáng thương.
Sau cùng mặt đường đầy tuyết chảy cũng đông lại thành một lớp băng. Một ngày nắng lên sáng sủa và lòng người cũng nhẹ bớt phần nào. Hôm đó, Matryona mơ thấy một giấc mơ đẹp. Buổi sáng, khi biết tôi muốn chụp ảnh một người ngồi trước máy dệt (loại máy dệt này chỉ còn trong một hai nhà ở làng, được dùng để dệt vải thô làm khăn lau), bà trả lời với một nụ cười ngượng nghịu:
- Ông ráng chờ một vài ngày nữa nhé, Ignatich! Để tôi cho "căn phòng" đi cái đã, rồi tôi sẽ ráp lại cái máy dệt của tôi, vẫn còn nguyên, lúc đó ông tha hồ chụp ảnh, nói có ông giời làm chứng!
Rõ ràng là bà đang hồi tưởng lại thời xuân sắc. Ánh nắng hồng của mùa đông phớt nhẹ trên cửa sổ còn đóng băng của tiền sảnh căn nhà, giờ đã bị thu ngắn lại, sưởi ấm khuôn mặt bà. Những người sống với sự thanh thản của tâm hồn bao giờ cũng giữ được nét mặt ưa nhìn.
Nhá nhem tối, khi đi dạy về, tôi thấy nhốn nháo ở ngoài cổng. Những súc gỗ tròn đã được chất lên một chiếc xe trượt lớn nối sau máy kéo. Nhưng nhiều gỗ quá, không đủ chỗ, nên gia đình lão Faddei và những người được gọi đến giúp phải chất tiếp lên một chiếc xe trượt khác do họ tự chế. Mọi người làm việc như điên, với sự hăng say của những người sắp được hưởng một món tiền kếch xù hay một bữa tiệc linh đình. Họ la lối, cãi nhau chí chóe.
Vấn đề đang tranh cãi là phải kéo hai chiếc xe trượt thế nào - cùng một lúc hay từng chiếc một. Một người con trai của Faddei, chân bị thọt, và người con rể tài công cả quyết là không thể kéo hai xe cùng một lúc, vì máy kéo không đủ sức. Nhưng tay lái máy kéo, một anh chàng khỏe mạnh, miệng rộng môi dầy, đầy vẻ tự tin, la lớn với giọng khàn khàn là anh ta biết rõ hơn ai hết, vì anh ta là lái xe, và quyết định kéo cả hai xe một lượt. Rõ ràng anh ta đã tính kĩ rồi: anh ta đã thỏa thuận với anh tài công giá chuyên chở trọn gói, chứ không phải tính theo chuyến. Đi hai chuyến mà một chuyến hai mươi lăm cây số, cộng thêm một lần quay lại, không thể nào làm kịp trong một đêm. Mà đến sáng thì anh ta và máy kéo buộc phải có mặt ở bãi rồi, đây là anh ta làm lén ngoài giờ để kiếm thêm chút tiền bằng tay trái.
Lão Faddei thì không thể nào chịu nổi nếu nội trong ngày hôm nay mà không chở được "căn phòng" đi, gật đầu ra hiệu cho mấy người kia nhượng bộ. Họ bèn buộc chiếc xe thứ hai nối vào chiếc thứ nhất.
Matryona chạy lăng xăng giữa đám đàn ông, phụ họ lăn các súc gỗ lên xe. Lúc đó tôi mới để í thấy bà mặc cái áo khoác của tôi, và đã làm dơ hai tay áo vào lớp bùn ở các đầu súc gỗ, tôi liền lưu í bà với giọng bất bình. Chiếc áo này đối với tôi là cả một kỉ niệm, nó đã từng giữ ấm tôi trong suốt những năm gian khổ.
Đó là lần đầu tiên tôi giận dữ với Matryona Vasilyevna.
- Chết thật, chết thật! Tôi mụ mẫm hết cả rồi! - bà ngẩn người ra nói, - tại tôi chụp vội trong khi đang chạy nên quên đó là áo của ông. Xin lỗi, Ignatich, ông đừng giận nhé! - Bà cởi ra ngay và đem đi phơi.
Gỗ đã chất hết lên xe và tất cả bọn họ, khoảng mười người, ồn ào kéo nhau đi qua bàn tôi và chui xuống bếp. Tôi nghe tiếng li chạm nhẹ, thỉnh thoảng tiếng chai rượu leng keng, tiếng người nói càng lúc càng to, tiếng khoác lác càng lúc càng lố bịch. Tay lái máy kéo là nổ hăng nhất. Hơi rượu nồng nặc xộc vào mũi tôi. Nhưng họ không khề khà lâu, bóng tối buông xuống khiến họ phải vội vàng. Họ bắt đầu ra ngoài. Tay lái máy kéo mặt lầm lì, bước ra đầy tự mãn. Người con rể, người con trai chân thọt và một người cháu của lão Faddei sẽ đi theo xe đến Cherusti. Mấy người còn lại về nhà họ. Faddei quơ gậy, đuổi theo một người nào đó để căn dặn điều gì. Người con chân thọt dừng lại cạnh bàn tôi ngồi để châm một điếu thuốc rồi bỗng nói với tôi là anh thương thím Matryona của anh lắm, là anh mới cưới vợ cách đây không lâu, và họ vừa sinh một đứa con trai. Đúng lúc đó có người gọi nên anh bước ra. Tôi nghe tiếng rền rĩ của máy kéo ngoài cửa sổ.
Matryona là người cuối cùng bước ra sau tấm vách ngăn nhà bếp. Bà lúc lắc đầu, đưa mắt nhìn theo họ đầy vẻ lo ngại. Choàng vội chiếc áo khoác, trùm khăn lên đầu, ra đến cửa bà quay lại nói với tôi:
- Đáng lí họ phải thuê hai máy kéo. Lỡ một chiếc trục trặc thì chiếc kia còn kéo được. Chớ thế này thì giời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Rồi bà chạy theo họ.
Sau chầu nhậu, sau những cãi vã và lăng xăng nhốn nháo, ngôi nhà giờ trở nên im ắng, trống trải và lạnh lẽo vì cánh cửa cứ mở ra đóng vào khiến hơi ấm thoát đi. Ngoài cửa sổ trời tối đen như mực. Tôi cũng chui vào áo khoác và ngồi vào bàn làm việc. Đằng xa tiếng máy kéo tắt dần.
Một giờ trôi qua, một giờ nữa, rồi thêm một giờ thứ ba. Matryona vẫn chưa về, nhưng tôi không ngạc nhiên lắm, có lẽ sau khi đi theo xe một đoạn, bà đến chơi nhà bà Masha.
Lại một giờ trôi qua, rồi một giờ khác. Không phải chỉ có bóng đêm dày đặc, mà một sự im lặng nặng nề bao trùm lên khắp làng. Tôi không hiểu nổi vì sao lặng im thế, và sau đó mới nhận ra là suốt buổi tối, không có một chuyến tàu nào chạy ngang qua trên tuyến đường sắt cách nhà chúng tôi khoảng hơn nửa cây số. Máy thu thanh đã tắt và tôi để í, chưa có khi nào bọn chuột lại ầm ĩ như vậy: càng lúc càng táo tợn, càng ồn ào dưới lớp giấy dán tường, chúng còn cào sột soạt và kêu chí chóe.
Tôi vẫn thức. Đã hơn nửa đêm rồi mà Matryona vẫn chưa về.
Bỗng tôi nghe nhiều tiếng người ồn ào trong làng. Mặc dù họ còn ở xa, nhưng có điều gì đó khiến tôi nghĩ họ đang đi về hướng nhà chúng tôi. Quả nhiên, ít lâu sau tôi nghe tiếng gõ cổng thật mạnh. Một giọng nói lạ, như ra lệnh, dõng dạc kêu mở cửa. Tôi với cây đèn pin và bước ra bóng đêm dày đặc. Cả làng đang chìm trong giấc ngủ, không ô cửa nào có ánh đèn, và lớp tuyết sau một tuần đã bắt đầu tan nên cũng không còn phản chiếu ánh sáng. Tôi xoay cái chốt cửa ở dưới và mở ra. Bốn người đàn ông khoác áo tơi bước vào nhà. Chẳng thích thú gì khi người ta vào nhà lúc nửa đêm nửa hôm, mà còn ồn ào và mặc đồng phục.
Dưới ánh đèn, tôi nhận thấy trong số bốn người, có hai người mặc đồng phục của nhân viên đường sắt. Người lớn tuổi, mập mạp, có khuôn mặt giống tay lái máy kéo, lên tiếng:
- Bà chủ nhà đâu?
- Tôi không biết.
- Cái máy kéo và mấy chiếc xe trượt có phải từ đây đi không?
- Phải.
- Trước khi đi họ có uống rượu phải không?
Cả bốn người đều nheo mắt nhìn soi mói trong ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn bàn của tôi. Và tôi hiểu họ đã bắt giữ ai đó hoặc muốn bắt giữ ai.
- Có chuyện gì xảy ra vậy?
- Lo trả lời những câu hỏi của chúng tôi đi!
- Nhưng...
- Khi đi họ đã say rồi phải không?
- Họ đã uống rượu tại đây phải không?
Có ai bị ám sát chăng? Hay là họ cấm chở "căn phòng" đi? Họ có vẻ nhất quyết muốn biết. Một điều chắc chắn là với vụ cất rượu, Matryona có thể đi tù như chơi.
Tôi lùi lại phía cánh cửa bếp và đứng chắn nó lại.
- Thật tình tôi không để í. Không thấy gì hết.
(Quả thật, tôi có thấy gì đâu, tôi chỉ nghe thôi.)
Tôi khoát tay bằng một động tác tỏ vẻ bất lực, chỉ cho họ thấy tình trạng căn nhà: ánh sáng hiền hòa trên bàn viết của tôi tỏa xuống chồng sách vở, đám chậu cây ficus nhút nhát, cái giường thô sơ của kẻ ẩn dật. Không có dấu vết gì của sự trụy lạc cả. Ngoài ra sau mấy tiếng đồng hồ mùi rượu đã bay đi hết rồi.
Họ tỏ vẻ bực dọc khi nhận thấy ở đây không có dấu hiệu gì của rượu chè. Và họ quay người, đi ra cửa, vừa nói với nhau là không có ai uống rượu trong nhà này, phải chi tìm được dấu vết nhậu nhẹt thì hay quá. Tôi tiễn họ ra và cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Chỉ khi ra tới cổng một người trong bọn mới càu nhàu:
- Nó đụng nát bét tất cả rồi. Không sao nhặt hết được mảnh vụn!
Một người khác thêm vào:
- Đã ăn nhằm gì! Chuyến tốc hành số 21 mà bị trật đường rầy thì chưa biết còn khủng khiếp tới đâu!
Và họ bỏ đi mất.
- Đụng ai? Tất cả là ai với ai? Còn Matryona đang ở đâu?
Tôi quay vào nhà, vén màn và bước vào bếp. Mùi rượu còn nồng nặc làm tôi lợm giọng. Cả một sự ngổn ngang lạnh lẽo: mấy cái ghế đẩu chồng lên cái ghế dài, vài chai rỗng lăn lóc và một chai đang uống dở, li tách, ít cá mòi, mẩu hành và mỡ vụn còn dư.
Im lặng chết chóc. Chỉ có mấy con gián là bình thản bò trên bãi chiến trường.
Tôi vội vàng dọn dẹp. Tôi súc mấy cái chai, vứt hết đồ ăn thừa, xếp lại mấy cái ghế, dấu chai rượu uống dở xuống tầng hầm.
Khi xong việc tôi mới giật mình đứng lặng giữa ngôi nhà trống trải. Họ có nhắc đến chuyến tàu tốc hành số 21 gì đó. Có gì liên quan? Lẽ ra nên cho họ thấy những cái này? Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Nhưng sao lại có cái kiểu chết tiệt là không bao giờ chịu giải thích cho dân thường, không phải người thi hành công vụ gì hết vậy?
Bỗng có tiếng cánh cổng rít lên. Tôi chạy vội ra:
- Matryona Vasilyevna, bà đó hả?
Bà bạn Masha của Matryona loạng choạng bước vào:
- Ôi! Matryona... Matryona của chúng ta... Ignatich ơi...
Tôi đỡ bà ngồi xuống, bà kể trong nước mắt.
Tại giao lộ của đường bộ và đường sắt có một cái dốc cao. Không có thanh chắn ngang. Cái máy kéo đã qua được với chiếc xe trượt thứ nhất, nhưng dây cáp bị đứt và chiếc xe trượt thứ nhì, cái xe tự chế, bị kẹt ngay trên đường sắt và sắp sửa đổ ra. Faddei không chất gỗ tốt trên chiếc xe thứ hai. Họ kéo chiếc xe thứ nhất ra xa một quãng rồi mới quay lại chiếc thứ hai. Anh lái máy kéo và đứa con chân thọt của Faddei cố tìm cách buộc dây cáp ngay tại chỗ xe kẹt, vậy mà Matryona cũng phải xen vô. Bà ấy giúp gì được cho mấy gã đàn ông chứ? Lúc nào bà ấy cũng xen vô chuyện của đàn ông. Cũng như lần suýt bị con ngựa quật xuống hồ, xuống hố băng. Bà ấy đến cái giao lộ mắc toi ấy làm gì? - đã cho "căn phòng" rồi, vậy là hết bổn phận rồi, xong nợ rồi... Anh tài công thì cứ nhìn về phía Cherusti, canh xem có tàu từ hướng đó không, từ đằng xa thế nào cũng thấy đèn của nó. Nhưng từ hướng bên này, phía ga của chúng tôi, có hai cái đầu máy kéo nhau trờ tới, chạy thụt lùi và không có đèn. Có trời mới biết tại sao không bật đèn, nhưng khi đầu máy chạy thụt lùi, anh tài công bị bụi than vào mắt làm cho không thấy gì hết ở phía sau. Chúng ủi vào và nghiền nát ba người đứng giữa cái máy kéo và chiếc xe trượt. Máy kéo tan tành, xe trượt thành mảnh vụn, đường sắt bật tung lên, và hai đầu máy lật qua một bên.
- Nhưng sao họ không nghe tiếng đầu máy xe lửa đến?
- Tại tiếng máy kéo rú to quá.
- Còn xác họ thì sao?
- Người ta không cho tới gần, họ cử người gác xung quanh.
- Còn chuyện chuyến tàu tôi nghe là thế nào?.. Họ bảo là một chuyến tốc hành.
- Đó là chuyến tàu mười giờ. Nó chạy ngang qua ga chúng ta mà không dừng lại và cũng qua chỗ giao lộ. Khi hai cái đầu máy lật xuống, hai anh tài công thoát ra được, họ nhảy xuống đường sắt và chạy trở lui về phía sau, đứng trên đường sắt, họ phất tay lia lịa, và kịp chặn được chuyến tàu tốc hành lại... Đứa cháu của Faddei cũng bị một súc gỗ đè bị thương. Hiện giờ nó đang trốn tại nhà Klavka để người ta không biết là nó đã có mặt tại nơi xảy ra tai nạn. Nếu không thì họ sẽ bắt nó làm nhân chứng!... Kẻ không biết thì iên thân, chứ người biết có khi bị treo cổ... Thằng chồng của Kira thì không một vết xước. Nó định treo cổ tự tử, nhưng lại được cứu thoát. Nó bảo tại tôi, mà mẹ nuôi tôi và anh vợ tôi chết. Nó đi đầu thú rồi, người ta tạm giam lại. Chẳng cần bỏ tù nó nữa đâu, mà cứ đưa thẳng vào nhà thương điên! Khổ thân Matryona! Bạn Matryona yêu quý của tôi!
Matryona không còn nữa. Một người thân yêu đã ra đi. Thế mà ngày cuối cùng tôi đã trách móc bà vì cái áo khoác của tôi.
Cô gái diêm dúa vàng vàng đỏ đỏ trên tấm bích chương với những cuốn sách vẫn tươi cười.
Masha ngồi khóc thêm một lúc. Lúc đứng lên để ra về, bà chợt hỏi:
- Ignatich! Ông còn nhớ... cái áo len màu xám của Matryona... Chị ấy hứa cho con cháu Tanya của tôi sau khi chị mất, có phải vậy không?
Trong ánh sáng lờ mờ, bà nhìn tôi tràn trề hi vọng: có thể nào tôi quên được sao?
Nhưng tôi vẫn còn nhớ:
- Vâng, bà ấy có hứa.
- Thế thì, nếu ông cho phép tôi sẽ lấy nó ngay? Kẻo sáng mai họ kéo đến, tôi sẽ không lấy được nữa.
Và bà lại nhìn tôi với vẻ van nài hi vọng - người bạn của Matryona trong suốt nửa thế kỉ, người duy nhất trong làng thực tình thương iêu bà...
Có lẽ, như vậy vẫn hơn.
- Vâng, dĩ nhiên... bà cứ lấy... - tôi xác nhận.
Bà mở một cái rương nhỏ, lấy chiếc áo len ra, nhét nó dưới lớp áo của bà rồi ra về...
Bọn chuột như lên cơn điên, chúng chạy tứ tung dọc theo mấy bức tường và lớp giấy dán tường màu xanh vồng lên như dợn sóng trên lưng chúng.
Biết làm gì bây giờ. Rồi họ sẽ đến và lấy lời khai của tôi. Buổi sáng tôi còn phải đi dạy. Đã hai giờ khuya rồi. Điều duy nhất cần phải làm là gài cửa và đi nằm ngủ.
Phải gài then cửa vì Matryona sẽ không bao giờ trở về nữa.
Tôi đi nằm mà không tắt đèn. Bọn chuột cứ kêu chút chít, như rền rĩ, và chạy liên tục không ngừng. Đầu óc mệt mỏi, í nghĩ rời rạc, tôi không tài nào xua được nỗi sợ hãi ám ảnh tôi: tôi có cảm giác chính Matryona đang chạy tứ phía để nói lời vĩnh biệt với ngôi nhà của bà.
Rồi bỗng trong bóng tối ngay ngưỡng cửa ra vào, tôi hình dung Faddei còn trẻ, đen đúa, tay lăm lăm lưỡi rìu:
"Nếu không phải là em trai tôi thì tôi băm nát cả hai!"
Lời đe dọa ấy, suốt bốn mươi năm trời vẫn rình rập trong góc nhà, như một lưỡi rìu cũ kĩ, cuối cùng cũng kết liễu đời Matryona.


[1] "vật ếm" nhưng Matryona nói thành "vật iếm".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét