Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-1)


Ghi chép dưới hầm
dịch từ nguyên tác tiếng Nga "Записки из подполья")



GHI CHÉP DƯỚI HẦM
Cả tập “Ghi chép” này lẫn tác giả của nó tất nhiên là tưởng tượng. Tuy nhiên, nếu xét những hoàn cảnh mà nói chung trong đó xã hội chúng ta được hình thành, thì những người như tác giả tập ghi chép này chẳng những có thể, mà nhất định còn phải hiện diện trong xã hội chúng ta. Tôi muốn nêu ra trước công chúng, rõ nét hơn bình thường, một trong số những nhân vật của thời đại vừa qua. Đó là một trong số những đại diện của thế hệ còn sống đến bây giờ. Trong phần đầu có nhan đề “Dưới hầm”, nhân vật đó sẽ tự giới thiệu về bản thân, về quan điểm của hắn, như thể muốn giải thích những lí do khiến hắn đã sinh ra và phải được sinh ra trong xã hội chúng ta. Còn phần kế tiếp mới chính là những “ghi chép” của nhân vật ấy về một số biến cố trong cuộc đời hắn.

Fyodor Dostoevsky, 1864
PHẦN I
DƯỚI HẦM
I
Tôi là người bệnh hoạn. Tôi là người độc ác. Tôi là người tẻ nhạt. Tôi nghĩ mình đau gan. Tuy vậy, tôi chẳng băn khoăn quái gì về bệnh tình của mình và có lẽ cũng chẳng biết thật sự mình đau chỗ nào. Tôi không đi khám bệnh và cũng chưa từng chữa trị bao giờ, mặc dù rất tôn trọng y học và y giới. Ngoài ra, tôi còn mê tín khủng khiếp; hừm, ít nhất cũng đủ để còn tôn trọng y khoa. (Tôi có đủ học thức để không mê tín, nhưng vẫn cứ mê tín như thường). Không, tôi không muốn chữa bệnh chẳng qua là vì giận dữ. Có lẽ quý vị đâu thèm hiểu cho. Hừm, trái lại tôi rất hiểu. Tất nhiên, tôi không biết cách nào để giải thích với quý vị, trong trường hợp này tôi định trút giận vào ai; tôi thừa biết đâu thể “bôi nhọ” các vị bác sĩ bằng việc không để họ chữa trị cho mình; tôi rõ hơn ai hết là làm thế chỉ gây tổn hại cho chính bản thân mình chứ chẳng phải ai khác. Nhưng xét cho cùng, nếu tôi không chịu chữa bệnh chẳng qua là vì giận dữ. Đau gan ư, cứ mặc cho nó đau nặng thêm nữa đi!
Tôi sống thế cũng đã lâu rồi, có đến hai mươi năm. Năm nay tôi bốn mươi. Trước kia tôi là công chức, nhưng giờ đã nghỉ việc. Tôi từng là một công chức ác nghiệt. Tôi thô lỗ và lấy làm hài lòng vì điều này. Tôi không ăn hối lộ, vậy thì tôi phải được quyền tự ban thưởng cho mình một chút chứ. (Câu pha trò hơi nhạt, nhưng tôi sẽ không xóa nó đi. Khi viết ra tôi tưởng nghe sẽ ý vị lắm, nhưng lúc này, khi thấy đó chẳng qua chỉ là trò phô trương đốn mạt thì tôi lại cố tình không xóa nó đi!). Khi có người đến bàn tôi ngồi, trình đơn từ xin xỏ việc gì, tôi thường nghiến răng giận dữ với họ và cảm nhận niềm khoái lạc vô hạn được hành hạ một ai đó. Hầu như lúc nào cũng thành công. Phần đông đều là những kẻ nhút nhát - đám xin xỏ ấy mà. Nhưng trong số bọn láo xược tôi đặc biệt không thể nào chịu nổi một tay sĩ quan. Hắn dứt khoát không chịu khúm núm và cứ khua loảng xoảng thanh kiếm một cách khả ố. Suốt một năm rưỡi trời tôi gây chiến với hắn chỉ vì thanh kiếm đó. Cuối cùng tôi cũng thắng. Hắn thôi, không khua kiếm nữa. Dù sao chuyện đó xảy ra hồi tôi còn trẻ. Nhưng thưa quý vị, quý vị có biết mấu chốt sự giận dữ của tôi là ở chỗ nào không? Tất cả là ở chỗ, vấn đề tởm lợm nhất chính là ở chỗ, ngay cả vào giây phút cáu giận khủng khiếp nhất, tôi luôn cảm thấy xấu hổ nhận ra rằng: mình chẳng những không phải là người độc ác, mà thậm chí còn không phải là người hay cáu giận, rằng tôi cứ thích bày trò ngáo ộp một cách vô tích sự để tự an ủi mình. Tôi đang tức sùi bọt mép, ấy thế chứ ai đó thử đem cho tôi con búp bê hay tách trà đường xem, có khi tôi nguôi giận ngay. Thậm chí còn mủi lòng là đằng khác, dù rằng sau đó tôi sẽ nghiến răng sỉ vả bản thân và bị mất ngủ cả mấy tháng trời vì xấu hổ. Tính tôi nó vốn thế!
Khi nãy tôi vừa nói dối về bản thân rằng mình là một công chức ác nghiệt. Dối trá thế là vì tôi giận dữ. Chẳng qua tôi muốn đùa bỡn với những kẻ xin xỏ và với tay sĩ quan nọ, chứ thật ra đời thuở nào tôi lại có thể ác nghiệt được. Tôi luôn nhận thấy trong con người mình đầy những yếu tố tương phản nhau quá mức. Tôi có cảm giác chúng lúc nhúc trong tôi, những yếu tố tương phản nhau ấy mà. Tôi biết suốt đời chúng vẫn cứ nhộn nhạo trong người tôi và đòi thoát ra ngoài, nhưng tôi không cho phép, cố tình không cho chúng thoát ra. Chúng hành hạ tôi đến xấu hổ, khiến tôi lên cơn động kinh, và cuối cùng làm tôi phát ngấy, ngấy tận mang tai! Thưa quý vị, hay là quý vị tưởng bở rằng giờ đây tôi đang ăn năn hối lỗi và muốn cầu mong tha thứ điều gì? Tôi dám chắc thể nào quý vị cũng tưởng thế... Tuy vậy, xin cam đoan là kể cả quý vị có tưởng thế, tôi cũng cóc quan tâm...
Tôi chẳng những không ác nghiệt, mà còn chẳng biết trở thành cái quái gì hết: không ác - chẳng hiền, không đểu cáng - chẳng tử tế, không là anh hùng cũng chẳng là côn trùng. Giờ đây tôi đang sống nốt chuỗi ngày tàn trong cái xó này, tự huyễn hoặc mình bằng niềm an ủi độc ác, vô tích sự là: một kẻ thông minh thì chẳng tài nào trở thành gì ráo trọi, chỉ có đứa đần độn mới trở thành gì đó mà thôi. Phải, một kẻ thông minh của thế kỉ XIX cần và phải có trách nhiệm đạo đức: trước hết phải là một tạo vật không cá tính; còn con người có cá tính, con người hành động, chỉ là tạo vật với nhiều hạn chế. Đó là niềm tin không gì lay chuyển suốt bốn mươi năm trời. Năm nay tôi bốn mươi tuổi rồi, mà bốn mươi năm là cả một đời người; là đã quá già nua. Sống quá bốn mươi tuổi là không hợp lẽ, là đê tiện, là vô đạo đức! Quý vị thử trả lời thật chân thành, thẳng thắn: ai sống lâu hơn bốn mươi tuổi nào? Tôi sẽ bảo với quý vị là ai nhé: là bọn đần độn và lũ vô lại. Tôi sẽ bổ thẳng vào mặt mọi tên già, mọi tên già đáng kính, mọi tên già tóc bạc đẹp lão! Tôi sẽ bổ thẳng vào mặt toàn thế giới! Tôi có quyền nói thế là vì chính tôi đây cũng sẽ sống đến sáu mươi tuổi! Sẽ sống đến bảy mươi! Sẽ sống đến tám mươi! Gượm đã! Cho tôi thở chút...
Thưa quý vị, quý vị tưởng tôi muốn pha trò cho vui chắc? Nhầm to! Tôi hoàn toàn chẳng phải là một tay hoạt kê như quý vị tưởng, hay như quý vị có thể tưởng thế đâu; tuy vậy, nếu quý vị thấy bực mình với mấy trò ba hoa khoác lác này (mà tôi cảm thấy quý vị có vẻ bực rồi đấy), và muốn chất vấn xem thực chất cái thằng tôi là đứa nào vậy? - Thế thì xin thưa: tôi là một viên chức bậc VIII[1]. Tôi làm việc cốt vì miếng cơm manh áo (chỉ thế mà thôi), và năm ngoái khi một người bà con xa để lại di chúc cho tôi thừa kế sáu ngàn rúp, thì tôi lập tức xin nghỉ hưu non và chuyển về sống hẳn ở cái xó này. Trước kia tôi từng sống ở cái xó này, còn bây giờ thì chuyển hẳn về ở đây. Phòng của tôi - một căn phòng khốn khổ, tồi tàn ở rìa thành phố. Người giúp việc của tôi là một mụ già nhà quê, xấu tính xấu nết do đần độn, đã thế người lúc nào cũng bốc mùi khiếp đảm. Người ta bảo khí hậu Peterburg có hại cho tôi, và với chút tiền còm như tôi thì sống ở Peterburg làm gì cho đắt đỏ. Tôi biết lắm chứ, còn rõ hơn tất cả những vị tham mưu, cố vấn khôn ngoan và đầy kinh nghiệm ấy chứ. Nhưng tôi vẫn ở lại Peterburg; tôi sẽ không rời Peterburg. Tôi không đi là vì... Ủa, mà tôi đi hay ở thì phỏng có can hệ quái gì nhỉ!
Tuy vậy: một người đứng đắn thì khoái nói về điều gì nhất nào?
Xin thưa rằng: nói về bản thân hắn.
À, vậy thì tôi sẽ nói về tôi.



[1] Bảng hạng ngạch viên chức của Nga trước cách mạng tháng Mười (1917) gồm 14 bậc, cao nhất là bậc I. (Mọi chú thích đều của người dịch).

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Chúng tôi (VI)


Ghi chép 6
Chủ đề:
Trường hợp. "Rõ ràng" chết tiệt. 24 giờ.
Tôi nhắc lại: tôi tự cho mình có trách nhiệm phải viết ra hết, không dấu diếm điều gì. Vì vậy, ở đây tôi phải lấy làm buồn mà thừa nhận, rõ ràng quá trình đông cứng, kết tinh cuộc sống của chúng tôi còn chưa kết thúc, còn một số bước nữa mới đạt được mức lí tưởng. Mức lí tưởng (rõ ràng rồi) là ở chỗ không còn xảy ra chuyện, nhưng ở chỗ chúng tôi... Đây nhé: hôm nay tôi đọc trên Nhật Báo Quốc Gia, tại quảng trường Lập Phương hai ngày tới sẽ mở hội Tư pháp. Vậy là, lại có mã số nào đó vi phạm tiến trình của Guồng Máy Quốc Gia vĩ đại, lại xảy ra chuyện chưa lường trước, chưa tính toán trước.
Ngoài ra, còn có chuyện xảy ra với tôi. Đúng thế, chuyện xảy ra vào Giờ Riêng Tư, nghĩa là trong khoảng thời gian đặc biệt dành cho những tình huống chưa lường trước, thế nhưng...
Gần 16 giờ (chính xác là 16 giờ kém 10) tôi đang ở nhà. Bỗng điện thoại reo.
- D-503? - giọng phụ nữ.
- Phải.
- Ông có rảnh không?
- Có.
- Tôi, I-330 đây. Tôi sẽ bay qua chỗ ông rồi chúng ta đến Nhà Cổ. Được chứ?
I-330... Cô nàng I làm tôi bực mình, hay thúc ép, hầu như làm tôi sợ. Nhưng chẳng hiểu vì sao tôi lại trả lời: được.
Năm phút sau chúng tôi đã ở trên không. Màu xanh men sứ của bầu trời tháng Năm và ánh nắng nhạt chiếu trên phi cơ bằng vàng như tan chảy ra sau lưng chúng tôi, không vượt lên trước mà cũng không tụt lại sau. Nhưng ở phía trước đám mây trắng đục như cườm mắt, ngớ ngẩn, bềnh bồng tựa đôi má thần ái tình cổ đại, và điều này hơi cản trở. Cửa sổ trước được kéo lên, gió làm khô môi, bạn miễn cưỡng phải liếm môi không và cứ phải bận tâm về chúng.
Từ xa, đằng sau Bức Tường, đã thấp thoáng những vệt xanh. Rồi cơn thắt tim nhẹ, vô tình - xuống, xuống, xuống mãi, như lao từ dốc núi, - và chúng tôi ở trước Nhà Cổ.
Toàn bộ kiến trúc lạ lùng, mong manh, kín bưng được bọc trong lớp vỏ kính: nếu không, đương nhiên nó đã sụp đổ từ lâu rồi. Tại cửa ra vào bằng kính, một bà cụ nhăn nheo, đặc biệt nhất là cái miệng: chỉ còn là những nếp nhăn, nếp gấp, cặp môi như thụt vào trong, khiến miệng trông như vết sẹo, không thể tin là bà cụ còn có thể mở miệng nói được. Thế nhưng bà lại nói.
- Đến xem nhà của ta ư, các con iêu? - Những nếp nhăn rạng rỡ (nghĩa là chúng xếp thành hình tia, tạo cảm giác "tỏa sáng").
- Vâng, bà ạ, lại muốn xem, - I đáp lời bà cụ.
Những nếp nhăn rạng rỡ:
- Nắng lên à? Nào, nào? Ồ, oắt con, quỷ nhỏ! Ta biết, ta biết! Được rồi: các con tự đi đi, ta ở đây thì hơn, hong nắng chút...
Hm...m... Bạn đồng hành của tôi ắt hẳn là khách thường xuyên ở đây. Tôi như muốn rũ bỏ khỏi bản thân điều gì đó gây phiền toái: có lẽ, hình ảnh vừa mới thấy cứ bám riết - đám mây trên men sứ xanh nhẵn.
Khi bước lên cầu thang tối và rộng, I nói:
- Tôi iêu bà cụ ấy.
- Vì sao?
- Không biết. Có lẽ, vì miệng của bà. Mà cũng có thể - chẳng vì cái gì. Đơn giản là iêu, thế thôi.
Tôi nhún vai. Nàng nói tiếp, khẽ mỉm cười, mà cũng có thể là chẳng mỉm cười chi cả:
- Tôi cảm thấy có lỗi. Hiển nhiên là tôi không được "đơn-giản-là-iêu-thôi", mà phải "iêu-vì-lẽ". Mọi hiện tượng cơ bản phải...
- Rõ rồi... - tôi bắt đầu, và ngay lúc ấy chợt thấy mình nói hớ, bèn nhìn trộm I, không biết nàng nhận ra không?
Nàng nhìn xuống đâu đó, mắt cụp xuống như buông rèm.
Tôi bỗng nhớ: khoảng 22 giờ tối, đi dọc đại lộ, và giữa những ô sáng trưng, trong suốt là những ô tối buông rèm, và ở đó, sau bức rèm... - Còn bên trong nàng là gì, sau bức rẻm mi? Hôm nay nàng gọi tôi để làm gì, và toàn bộ chuyện này để làm gì?
Tôi mở cánh cửa nặng, kêu cót két, không nhìn xuyên qua được, và chúng tôi vào một nơi tối tăm, bừa bộn (họ gọi nơi đây là "căn hộ"). Chính nhạc cụ "vua" lạ lùng ấy và cái thứ âm nhạc hoang dã, điên loạn, vô tổ chức của thời bấy giờ, một pha trộn hỗn tạp những màu sắc và hình thái. Mặt phẳng màu trắng bên trên; những bức vách xanh đậm; những bìa sách cổ màu đỏ, lục, cam; những ngọn đèn treo màu vàng đồng, pho tượng Phật; đồ gỗ bày biện xộc xệch như bị động kinh, không cách gì triển khai vào một phương trình nào cả.
Tôi khó mà chịu đựng nổi sự hỗn loạn này. Song phải nói bạn đồng hành của tôi có cơ thể khỏe mạnh hơn tôi.
- Đây là nơi đáng iêu nhất... - nàng dường như bỗng sực nhớ ra, hàm răng trắng nhọn, cười như muốn cắn. - Chính xác hơn: ngớ ngẩn nhất trong tất cả các "căn hộ".
- Hoặc chính xác hơn nữa: trong tất cả các quốc gia, - tôi sửa lời. - Hàng ngàn quốc gia li ti, chiến tranh triền miên, tàn bạo, như là...
- Rõ rồi... - I đáp, rõ ràng là rất nghiêm túc.
Chúng tôi đi qua căn phòng bên trong đặt những chiếc giường nhỏ cho trẻ em (trẻ em vào thời đó được coi là sở hữu cá nhân). Rồi những phòng, loang loáng những tấm gương soi, những tủ quần áo rầu rĩ, những ghế sofa lòe loẹt không chịu nổi, "lò sưởi" lớn tướng, giường gỗ đỏ kềnh càng. Vật bằng kính trong suốt, vĩnh cửu, tuyệt mĩ như thời chúng tôi chỉ vỏn vẹn trong mấy vuông cửa sổ con con mỏng manh, thảm hại.
- Nghĩ mà xem: ở đây người ta "đơn-giản-là-iêu-thôi", hừng hực, khổ đau... (lại rèm mi buông xuống). - Thật là hoang phí năng lượng con người một cách ngớ ngẩn, khinh suất, đúng không nào?
Nàng nói cứ như từ bên trong tôi, nói ra những suy nghĩ của tôi. Nhưng trong nụ cười của nàng luôn tiềm tàng một ẩn số X đáng bực mình. Bên trong rèm mi ẩn chứa điều gì đó mà tôi chưa biết, khiến tôi mất kiên nhẫn, và muốn tranh cãi với nàng, lớn tiếng với nàng (đúng thế), tuy nhiên rốt cục lại đồng í , không thể không đồng í được.
Chúng tôi đứng lại trước tấm gương. Vào lúc này tôi chỉ thấy đôi mắt nàng. Tôi có một í nghĩ: con người được tạo ra, hoang dã như những "căn hộ" ngớ ngẩn này, - đầu óc loài người không trong suốt, và chỉ có những cửa sổ tí hon: đôi mắt. Nàng dường như đoán ra và quay lại. "Phải, mắt của tôi. Rồi sao nào?" (Im lặng, tất nhiên).
Hiện ra trước tôi hai ô cửa sổ đen thẳm, bên trong chứa đựng một cuộc sống lạ lùng, bí ẩn. Tôi chỉ thấy ngọn lửa cháy rực bên trong "lò sưởi" của nàng, và những hình bóng tựa như...
Tất nhiên, điều này cũng tự nhiên thôi: tôi thấy bản thân mình phản chiếu trong đó. Song lại không tự nhiên và không giống tôi (rõ ràng, do tác động nặng nề của khung cảnh xung quanh) - tôi cảm thấy rõ là mình bị bắt, bị nhốt vào cái lồng man rợ này, cảm thấy mình bị cuốn vào cơn lốc của đời sống cổ xưa.
- Ông biết không, - I nói, - hãy qua phòng bên cạnh một chút. - Giọng nàng nghe như vẳng từ bên trong, từ hai ô mắt cửa sổ đen, với lò sưởi cháy rực.
Tôi bước ra, ngồi xuống. Từ kệ trên tường, gương mặt không cân xứng với chiếc mũi hếch của một nhà thơ cổ đại nào đó (hình như là Pushkin) uể oải mỉm cười trực diện với tôi. Cớ sao tôi ngồi đó ngoan ngoãn chịu đựng nụ cười, và vì lẽ gì tất cả những điều này: vì sao tôi lại ở đây, sao lại có tình trạng ngớ ngẩn này? Người phụ nữ thúc ép đáng bực mình, trò chơi lạ lùng...
Cửa tủ khua lộp cộp, quần áo lụa sột soạt, tôi phải khó khăn mới kiềm chế được không đi ra đó, và... - tôi không nhớ chính xác: có lẽ tôi muốn nói với nàng điều gì rất gay gắt.
Nhưng nàng đã bước ra. Mặc một chiếc áo váy ngắn, rất xưa, màu vàng sáng, đội mũ đen, đi tất đen. Váy lụa mỏng, tôi thấy rõ: tất rất dài, cao hơn đầu gối nhiều, cổ áo hở, cái bóng ở giữa...
- Nghe này, rõ là cô muốn trở nên lập dị, nhưng chẳng lẽ...
- Rõ rồi, - I ngắt lời, - lập dị có nghĩa là nổi bật giữa đám đông. Suy ra, lập dị là phá vỡ sự bình đẳng... Và ngôn ngữ dốt nát của người xưa gọi đó là "nhạt nhẽo", còn với chúng ta có nghĩa là: thực hiện bổn phận của mình. Bởi vì...
- Phải, phải, phải! Chính thế. - Tôi không chịu nổi. - Và cô chẳng cớ gì mà...
Nàng bước đến pho tượng nhà thơ mũi hếch, buông rèm mi che ngọn lửa hoang dại trong ô mắt cửa sổ và nói, lần này có vẻ hoàn toàn nghiêm túc (có lẽ để xoa dịu tôi), một điều rất hợp lí:
- Ông không thấy ngạc nhiên là có một thời người ta phải chịu đựng những người như thế này? Và không chỉ chịu đựng, mà còn tôn thờ họ. Tinh thần nô lệ! Không đúng sao?
- Rõ ràng... Nghĩa là tôi muốn... ("rõ ràng" chết tiệt!).
- Phải, tôi hiểu. Nhưng thực chất, đó là những vị chúa tể còn mạnh mẽ hơn những vị đội vương miện trên đầu. Vì lẽ gì họ không bị cô lập, không bị tiêu diệt? Còn chúng ta...
- Phải, còn chúng ta... - tôi bắt đầu. Bỗng nàng cười phá lên. Tôi chợt "thấy" tiếng cười ấy bằng mắt: một đường cong ngân vang, dựng đứng, dẻo tựa ngọn roi của tiếng cười.
Tôi nhớ mình rúng động toàn thân. Phải bắt cô ta, nhưng tôi không nhớ mình đã làm gì... Cần phải làm một điều gì đó, bất kể là điều gì. Tôi mở huy hiệu bằng vàng của mình một cách máy móc, nhìn lên đồng hồ. 17 giờ kém 10.
- Cô không thấy là đến giờ rồi sao? - tôi nói, cố lịch sự đến mức có thể.
- Còn nếu như tôi đề nghị ông ở lại đây với tôi?
- Nghe này, cô... có í thức được mình đang nói gì không? Mười phút nữa tôi phải có mặt ở thính phòng...
-... Và tất cả các mã số phải qua một khóa học quy định về nghệ thuật và khoa học... - I nói bằng giọng của tôi. - Sau đó vén rèm mi, ngước mắt lên: lò sưởi cháy rực qua ô cửa tối. - Ở Phòng I Tế tôi quen một bác sĩ, ông ấy có đăng kí với tôi. Nếu tôi đề nghị, ông ấy sẽ cấp cho ông giấy xác nhận đang bị bệnh. Sao nào?
Tôi hiểu. Cuối cùng đã hiểu, trò chơi này sẽ dẫn đến đâu.
- Lại còn thế nữa! Cô có biết là đáng lí ra, như mọi mã số trung thực, tôi phải ngay lập tức đến Phòng Bảo Vệ để...
- Còn không phải đáng lí ra (nhe răng nhọn cười như cắn). Tôi tò mò kinh khủng: ông có đến Phòng Bảo Vệ hay không?
- Cô sẽ ở lại? - Tôi cầm tay nắm cửa. Tay nắm bằng đồng, và tôi nghe thấy giọng nói của tôi cũng lạnh như đồng.
- Đợi một lát... Tôi có thể?
Nàng bước đến máy điện thoại. Nàng nói lớn với mã số nào đó - tôi hồi hộp đến mức không nhớ là mã số nào:
- Tôi sẽ đợi ông tại Nhà Cổ. Phải, một mình...
Tôi xoay tay nắm bằng đồng lạnh giá:
- Cô cho phép tôi dùng phi cơ chứ?
- Ồ vâng, tất nhiên! Xin mời...
Dưới ánh nắng, bên cửa ra vào, bà cụ lim dim như một loài thực vật. Lại thật ngạc nhiên là cái miệng như vết sẹo của bà có thể mở ra được và bà nói:
- Còn cô nàng của ông... cô ấy ở đó một mình à?
- Vâng, một mình.
Miệng của bà cụ lại liền như vết sẹo. Bà lắc đầu. Rõ ràng, thậm chí đầu óc kém sáng suốt của bà cũng hiểu được sự nhảm nhí và mạo hiểm trong lối cư xử của người phụ nữ này.
Đúng 17 giờ tôi có mặt ở buổi diễn thuyết. Và ở đó bỗng tôi hiểu ra vì cớ gì tôi không nói thật với bà cụ: I không ở đó một mình. Có lẽ chính vì thế tôi mới nói dối bà cụ một cách vô tâm - điều đó dằn vặt và cản trở tôi nghe diễn thuyết. Phải, không ở đó một mình: phiền một nỗi là thế đấy.
Sau 21 giờ 30 tôi có thời gian rảnh. Lẽ ra hôm nay có thể đến Phòng Bảo Vệ để báo cáo. Song sau câu chuyện ngu ngốc đó tôi cảm thấy mệt. Vả lại thời hạn luật định để báo cáo là hai ngày đêm. Mai cũng còn kịp chán: trọn 24 giờ nữa mà.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Chúng tôi (V)


Ghi chép 5
Chủ đề:
Hình vuông. Chúa tể thế giới. Chức năng hữu ích dễ chịu.
Lại không ổn. Độc giả chưa quen biết, tôi lại phải nói thế với bạn cứ như thể... Được rồi, thế này, bạn cũ của tôi R-13, nhà thơ có đôi môi như của người da đen, mọi người đều biết anh ta. Còn bạn, dù có ở mặt Trăng, sao Kim, sao Hỏa, sao Thủy gì chăng nữa, ai biết bạn ở đâu, bạn là ai.
Bây giờ, hãy hình dung một hình vuông, hình vuông sống động, tuyệt mĩ. Và nó phải kể về bản thân, về cuộc sống của nó. Bạn hiểu không, rất hãn hữu trong đầu hình vuông ấy lại nảy sinh í tưởng phải kể rằng nó có bốn góc bằng nhau: đơn giản là nó không thấy điều đó vì quá đỗi quen thuộc, ngày nào cũng thế. Cũng như tôi, suốt đời trong địa vị một hình vuông. Cho dù những tờ phiếu màu hồng và những gì liên quan đến chúng, đối với tôi cũng chỉ là bốn góc bằng nhau, song đối với bạn, có thể điều đó bí ẩn hơn nhị thức Newton.
Thế đấy. Một nhà thông thái cổ đại, tất nhiên là tình cờ, phát biểu được một điều cũng thông minh: "Tình iêu và đói khát sẽ thống trị thế giới". Vậy thì: để thống trị thế giới, con người phải cai trị được những chúa tể của thế giới. Tổ tiên chúng ta đã phải trả giá đắt để cuối cùng khuất phục được nạn đói: tôi đang nói về cuộc Chiến Tranh Hai Trăm Năm vĩ đại - cuộc chiến giữa thành thị và nông thôn. Có lẽ, do những thành kiến tôn giáo, các tín đồ Thiên Chúa giáo man dã cứ khăng khăng bám vào "bánh mì" của họ (từ này trong thời chúng tôi chỉ mang tính ẩn dụ thi ca: chúng tôi không biết thành phần hóa học của chất ấy). Tuy nhiên, vào năm 35 trước năm thành lập Quốc Gia Thống Nhất, thực phẩm tổng hợp từ dầu hỏa như ngày nay đã được phát minh. Thật vậy, chỉ còn 20% dân số trái đất sống sót. Thế nhưng, bộ mặt của trái đất, được làm sạch khỏi bùn dơ hàng ngàn năm, đã trở nên rạng rỡ. Thế nhưng, con số 20% sống sót ấy đã được nếm lạc thú trong những cung điện nguy nga của Quốc Gia Thống Nhất.
Không rõ ràng sao: lạc thú và ganh tị - đó là tử số và mẫu số của một phân số mang tên hạnh phúc. Và í nghĩa gì cơ chứ trong tất thảy những hi sinh mất mát vô hạn của cuộc Chiến Tranh Hai Trăm Năm, nếu như trong cuộc sống chúng ta chung quy vẫn còn nguyên cớ để ganh tị. Mà nó vẫn còn, vì lẽ vẫn tồn tại mũi "hột nút" và mũi "cổ điển" (như cuộc nói chuyện của chúng tôi khi đi dạo), và còn vì lẽ một số người được nhiều người iêu mến, còn số khác lại không.
Lẽ tự nhiên, sau khi chế ngự được Đói Khát (bằng tổng đại số của cải vật chất bên ngoài), Quốc Gia Thống Nhất đã hướng cuộc tấn công chống lại vị chúa tể còn lại của thế giới - chống lại Tình Yêu. Cuối cùng, thế lực cơ bản này cũng bị khuất phục, nghĩa là được tổ chức, được thuật toán hóa, và cách đây gần 300 năm, "Lex Sexualis" (Luật tình dục - tiếng Latin, ND) đi vào lịch sử của chúng tôi được ban hành, quy định: "mỗi một mã số đều có quyền xem một mã số bất kì như một sản phẩm tình dục".
Tiếp theo chỉ còn là vấn đề kĩ thuật. Phòng Tình Dục xét nghiệm tỉ mỉ bạn trong các phòng thí nghiệm, xác định chính xác hàm lượng hoóc-môn sinh dục trong máu và lập ra Lịch biểu ngày tình dục thích hợp cho bạn. Sau đó bạn làm đề nghị, vào những ngày tình dục của mình, bạn muốn sử dụng mã số này, mã số kia... và nhận được tập phiếu màu hồng. Chỉ có thế.
Rõ ràng: chẳng có cớ gì để ganh tị, khi mẫu số tiến về 0 thì phân số hạnh phúc sẽ tiến đến vô cực lộng lẫy. Và chính những thứ là nguồn cơn của vô số bi kịch dốt nát nhất đối với người xưa, vào thời chúng tôi được chuyển hóa thành chức năng cơ thể hữu ích, dễ chịu, hài hòa, tương tự như giấc ngủ, lao động chân tay, ăn uống, bài tiết v.v... Từ đó bạn sẽ thấy sức mạnh vĩ đại của lí luận làm trong sạch mọi thứ nó chạm vào. Ồ, độc giả chưa quen biết, nếu như bạn biết được cái sức mạnh thần thánh ấy, nếu như bạn học được cách đi theo nó đến cùng.
... Thật lạ, hôm nay tôi viết về những đỉnh cao sừng sững của lịch sử loài người, tôi luôn hít thở không khí núi cao tinh khiết nhất của í tưởng, thế mà trong tôi - một ẩn số X của loài bốn chân nào đó đan xen nhằng nhịt tựa mây mù, mạng nhện. Hay đó chính là tứ chi của tôi, lúc nào cũng hiện ra trước mắt tôi, tay chân bờm xờm lông lá. Tôi không thích nói về chúng và cũng không ưa chúng - vết tích thời hoang dã. Chẳng lẽ trong tôi thực sự...
Tôi những muốn xóa bỏ hết ghi chép này, vì lẽ đã vượt ra ngoài giới hạn chủ đề. Tuy nhiên, sau đó tôi quyết định để nguyên. Mặc cho những ghi chép của tôi, như máy ghi địa chấn siêu nhạy, ghi nhận lại những đường cong của sóng não iếu ớt nhất: đôi khi chính những dao động ấy lại có vai trò dự báo trước...
Song thật vô lí, liệu điều này có thực sự cần phải gạch bỏ: tất cả những lực cơ bản đã được chúng tôi chuyển hướng rồi, không thể nào xảy ra tai họa gì được.
Giờ đây tôi hoàn toàn rõ: cảm giác lạ lẫm bên trong - tất cả chính là từ vị trí hình vuông của tôi, như đã nói lúc đầu. Và không phải là ẩn số X trong tôi (không thể như thế được) - mà đơn giản tôi e rằng, ẩn số X nào đó còn trong bạn, những độc giả chưa hề quen biết. Nhưng tôi tin bạn sẽ không quá nghiêm khắc khi phán xét tôi. Tôi tin là bạn sẽ hiểu tôi thật sự khó khăn khi viết ra đây, trong suốt chiều dài lịch sử loài người, chưa từng một tác giả nào từng bao giờ như thế cả: một số viết cho những người cùng thời, số khác - cho thế hệ mai sau, nhưng chưa một ai từng bao giờ viết cho tiền nhân hoặc cho những thực thể tương tự như tổ tiên xa xưa hoang dã của họ...

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Giở chồng báo cũ (5)


Giai thoại một thời
Cô đầu với Phan Khôi
Nguyễn Văn Xuân
Đêm ba mươi Tết năm 1936 thì phải, bọn chúng tôi (lời ông Phan Châu Toàn) học thuốc Đông y ở Hà Nội. Nhân năm hết, Tết tới, đất khách quê người không biết làm gì cho vui. Bèn rủ nhau chung ít tiền mời nhà văn Phan Khôi đi chơi. Trong bọn chúng tôi, có anh Phan Thái Nhật quen với ông vì Nhật có người bà con cũng viết báo. Chúng tôi bỏ ra 1đ18 mua một hộp thuốc ty hiệu con Rồng, lúc bấy giờ rất quí rồi tới mời ông. Chúng tôi biết chắc chắn ông đi ngay vì cũng hoàn cảnh như chúng tôi: đất khách, quê người, đêm ba mươi tá túc nơi đâu? Thế thì còn chỗ nào tốt hơn là xuống xóm chị em nói chuyện cho qua cái đêm rất vui của thiên hạ mà rất buồn của mình này. Huống chi lại gặp người đồng châu (Ô. Toàn cũng người Quảng Nam như Phan Khôi) thì lại có thêm một cái thú khác, sâu xa hơn.
Phan Khôi bấy giờ ở một cái gác nhỏ phố cửa Nam. Xem qua, cũng biết là cảnh một hàn sĩ. Trong nhà chỉ có một cái rương (chớ không phải va-li) bằng gỗ đã tróc sơn, một cái bàn nhỏ vừa là bàn viết, bàn nước với đủ thứ lộn xộn, không ra thứ gì. Thêm vào đó là một cái chõng tre đáng giá mấy hào. Căn nhà nho nhỏ ấy thật không thể nào đi đôi với bộ óc rộng lớn: "Thiên kinh vạn quyển" của ông. Thế thì khi cần tra cứu việc này, sự nọ, chả hiểu ông phải giải quyết ra sao vì tuyệt nhiên không thấy có một cái tủ sách đáng giá nào để chứa sách vở. Cũng không rõ có người giúp việc không, mà dù có, chắc ngày ấy họ cũng xin về quê rồi.
Ông Phan Khôi, tôi nghe danh từ lâu, tưởng đâu là người to lớn, khôi vĩ lắm. Khi gặp thì thấy chỉ là một vị tráng niên giữa tuổi bốn, năm mươi, nhỏ người, không có vẻ gì hấp dẫn. Khi bạn tôi ngỏ lời mời, ông không chút lộ sự ngạc nhiên hay tỏ lời từ chối kiểu cách như thường thấy ở nơi người Bắc mà nhận lời ngay. Ông vớ cái áo lương cũ mặc vào rồi theo bọn tôi ra đi.
Đêm Ba mươi, trong khi thiên hạ nô nức ăn Tết, chúng tôi dẫn nhau xuống dãy phố Bạch Mai chọn một nhà hát. Xem ra khoản này, Phan tiên sinh có vẻ sành sõi lắm và chúng tôi đóng đô luôn ở đó suốt đêm.
oOo
Điều nhận xét đầu tiên của tôi thì người ta bảo "lý luận Phan Khôi", quả không ngoa. Mới nằm xuống, chưa kịp nói gì đã thấy ông biện luận về tên gọi cái hộp quẹt khi một anh trong bọn chúng tôi bối rối về "danh xưng". Ông nói luôn một thôi và bảo:
- Chả là gì cả. Cái tên nó, muốn thế nào chẳng được. Anh là người Nam thì bảo hộp quẹt, người Trung người Bắc thì bảo bao diêm... Giá họ gọi là cái phát lửa, tóe lửa hay gì đó chẳng được.
Nghe ông nói chuyện, mới thấy tất cả cái cá tính và tài năng của ông hiện ra. Ông ăn nói dõng dạc, không kiểu cách, không câu nệ, cũng không vì thấy bọn tôi trẻ mà coi thường hay dấu diếm điều gì.
Tôi cũng nhận thấy ông quá rành về cô đầu cho nên ông chẳng còn thấy thú gì ngoài cái thú... tránh cô đầu. Ấy là khi ngả bàn đèn ra - hình như ông đã nghiện rồi chăng? - ông nằm xuống, tự tiêm mà hút, bảo các cô đầu ra ngoài. Ông cho như thế chuyện vãn sẽ tự nhiên hơn và còn vì một lý do làm chúng tôi nhận thấy óc ông quá thực tế:
- Bọn cô đầu nó ăn cắp thuốc phiện tài tình lắm. Cũng thì một hộp thế này, mình hút mãi mới hết. Còn chị em tiêm thì chỉ dạo qua mấy lượt là hết nhẵn. Chúng ăn cắp rất tài, ngay trước mắt mình mà mình không thấy, hoặc thấy cũng khó nói ra.
- Nhưng làm sao họ lấy trộm được?
- Thì chúng nhét vào trong miệng dọc tẩu chẳng hạn, mình đâu có ngờ cứ tưởng nó hơ thuốc cho chín thôi, chờ khi mình không để ý, nó mới lấy thuốc ra.
Đối với cô đầu, ông cũng không dấu là ông chơi họ nhiều vố rất cay có lẽ để trả thù khi họ chơi... ông những vố cay khác.
Bấy giờ có cô đầu Cúc khá đẹp, ăn nói khôn ngoan, duyên dáng. Ông thường ăn mặc sang trọng và rủ cô cùng đi chơi. Ngày kia, ông lãnh được một món nhuận bút khá, mới dẫn cô từ Bạch Mai về Hà Nội. Phố Hàng Lọng bấy giờ có một ngôi nhà lầu hai tầng, là một cảnh sang trọng nhiều người khá giả vẫn áo ước; nó có vẻ nguy nga, kênh kiệu giữa đám nhà trệt ra điều đại gia lắm.
Ông Khôi mới bảo cô Cúc một cách tự nhiên:
- Cái nhà kia là nhà của anh đấy.
- Thật ư?
- Sao lại không thật. Việc gì anh lại dối em.
- Nhà sang thế kia à? Anh đưa em vào nhà chơi đi.
- Đâu dễ thế. Gia đình anh đều làm quan lớn cả. Anh đi chơi với em, lỡ ra vợ con bắt được thì khốn đấy.
- Thế sao anh bảo anh yêu em?
- Thì cũng liệu từ từ chứ. Bây giờ sắp đi qua, anh phải tránh mặt, nghe.
Ông Khôi vờ nhìn sang bên đường nhưng ông cũng biết chắc là Cúc đang say sưa theo dõi từng nhân vật, từng cử chỉ, từng tiện nghi của gia đình giàu có ấy.
Cúc có thêm tình cảm đậm đà sâu xa với con người mà xưa nay Cúc chỉ xem như tất cả kẻ khác, đôi khi còn hững hờ vì cái vẻ tầm thường giản dị của kẻ văn nhân.
Sau đó, khi xuống xe, ông dẫn Cúc đi ăn ở một tiệm đàng hoàng rồi cho Cúc hai đồng bạc. Thời bấy giờ, như thế là rất chu tất. Cô đầu Cúc từ đó để ý tới ông và về sau, nhờ lối đối xử khôn khéo của ông mà cô mê ông. Nhiều hôm, đang tiếp khách chợt thấy ông tới, cô cũng bỏ khách ra tiếp ông. Tình tự với nhau một thời gian khá lâu, Cúc vẫn nuôi hy vọng được ông đón về làm lẽ. Hình như ông có bịa một chuyện ngang trái gì của gia đình khiến ông lâm cảnh túng thiếu, Cúc thương tình, bỏ tiền ra giúp đỡ ông một thời gian lâu... Cho tới khi ông chán rồi lơ luôn và Cúc vỡ mộng hoàn lương với anh văn sĩ kiết.
Chuyện đó xảy ra mấy năm trước, nay kể lại, ông còn hối hận và cho là mình chơi bời hơi nhiều, có hại cho mình, cho người và khuyên đám thanh niên chúng tôi không nên bắt chước.
Cũng nhân chuyện hát xướng, ông kể lại một chuyện sau đây (và hình như ông Nguyễn Khắc Hiếu có kể lại trong một tờ báo ở Hà Nội?)
Cách đấy hai tháng (tức là khoảng tháng 10 ta) Phan Khôi có bị bắt mấy ngày vì tội giao du. Có lẽ người ta thấy ông đi chơi với toàn những người chính quyền nghi ngờ về chính trị nên phải tạm giữ. Khi được tha, có người rủ ông đi hát cô đầu rồi chơi gái luôn tại đó. Hát xong, uống rượu, chơi gái thỏa mãn rồi, hai người định ra về. Bỗng nhiên, có một bọn thanh niên vào, thấy hai người bạn này, liền nói khích mấy câu. Ông Phan Khôi đối đáp lại. Bọn kia không chịu thua. Tức thì họ muốn gây sự đánh lộn. Có lẽ Phan Khôi - dân Bảo An, Quảng Nam - cũng như một số nhà nho thời ấy (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng) biết võ nên không sợ, sấn vào đánh liều. Ông bạn kia giữ thể diện, lo can ra bảo mình là người thế này, thế nọ, mình không thể như họ, mình lỡ bị cẩm phạt thì mặt mũi nào với đám trí thức v.v...
Ông Phan Khôi đã trả lời một câu thật tỉnh:
- Đã chơi đĩ được thì đánh lộn cũng không từ.
Không rõ, chuyện này có liên quan gì tới chuyện Nguyễn Khắc Hiếu kể lại không. Có thể là một, mà cũng có thể là hai vì Phan Khôi đâu thiếu cơ hội chống trả với những ai gây hấn trong xóm đĩ cũng như nơi trường văn, trận bút?
Ông là người thống nhất trên văn đàn cũng như trong đời sống riêng. Đó mới thật là người không thành kiến.
Ông Phan Khôi có khuyên chúng tôi một điều mà không bao giờ cá nhân tôi quên được:
- Các cậu còn trẻ nên cố gắng tìm cách tự lập. Nghề làm báo tuy nghèo khổ đó, không ra gì đó, nhưng là nghề tự do đáng cho những người có cao vọng theo đuổi.
oOo
Năm giờ sáng, ông đã hút hết hộp thuốc, chuyện cũng đã tàn. Chúng tôi giải tán. Tuy đã mấy mươi năm, tôi vẫn không quên hình ảnh con người phóng khoáng hoạt bát ấy, con người sống tự nhiên, nói chuyện say mê không câu nệ tuổi tác, địa vị, thân sơ. Những bài học ông dạy chúng tôi tuy ngáo ngổ nhưng lại thấm thía hơn bất kỳ những lời tôn quí nào. Cho tới bây giờ, già rồi sực nhớ lời khuyên của ông năm nào, tôi lại thử cầm cán bút để theo đuổi cái "nghề tự do đáng cho những người có cao vọng theo đuổi".

(Tạp chí "Bách Khoa" Giai phẩm Xuân Quý Sửu 1973)