Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Nhân chứng chính (002c)

 

Bóng ma sống của thời đại khủng bố


Mỗi khi dùng máy khâu, tôi khó chịu liếc nhìn những tấm nhãn cũ trên đó có in câu nói của Mao: “Nếu không có Đảng Cộng sản thì cũng không có một đất nước Trung Quốc mới.”

Thi thoảng có những lời xì xào trong mỗi gia đình về những tội ác dưới thời Mao, cũng như tội ác ở nước Nga dưới thời Stalin. Cả hai đã di những dấu chân đẫm máu qua cảnh quan của chúng tôi, mà ảnh hưởng của chúng vẫn còn có thể cảm nhận được. Ngôi làng bị ám bởi một hồn ma sống của thời đại khủng bố này. Ít ra, đối với tôi nó như một bóng ma mất trí với mái tóc trắng như bông: một phụ nữ 70 tuổi bị điên trong Cách mạng Văn hóa.

Có thời bà ấy từng sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Chưa hài lòng với việc đơn giản là tịch thu toàn bộ tài sản của họ, Hồng vệ binh đã tra tấn chồng và con họ trong tù. Một ngày nọ, người ta thấy chồng bà treo cổ trong phòng giam. Các quan chức Trung Quốc thẳng thừng thông báo với bà rằng: “Ông ta đã thừa nhận tội lỗi và tự kết liễu mạng sống của mình.” Nhưng mọi người đều biết họ đã giết ông ta. Không lâu sau đó, những đôi bàn chân xanh xao của các con ba cũng lủng lẳng trên những sợi dây thừng ngoài trời. Các đội tử thần đã thủ tiêu toàn bộ gia đình bà, từng người một. Bà ấy là người duy nhất sống sót.

Kể từ đó, bà ấy lang thang khắp làng như một người điên, xông vào những ngôi nhà và kêu cứu. Để giúp bà ấy bình tĩnh lại, người ta cho bà ấy thứ gì đó để ăn. Thật khó khăn khi chứng kiến một người mẹ tuyệt vọng đến mức ấy. Điều đó khiến lồng ngực tôi thắt lại vì buồn, nhưng nó cũng khiến tim tôi đập thình thịch vì những kẻ đã làm điều này với bà ấy.

Cũng như ngày nay, người ta bị cấm phàn nàn về những vụ giết người hoặc mất tích, bởi vì “đối với Mao, không có sự hi sinh nào là quá lớn.” Một khi vị lãnh tụ vĩ đại ra lệnh, ông bà, cha mẹ tôi đều phải “để thân mình hóa thành cát bụi, xương tan thành ngàn mảnh.”

Những năm đầu đời của tôi trùng hợp với sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, mặc dù ở Đông Turkestan, mọi thứ vẫn như xưa, dưới sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng sản: việc làm được bố trí, giá cả và hạn ngạch sản xuất được quy định như trước.



Người Trung Quốc đang đến!


“Người Trung Quốc đang đến!” Tiếng kêu nghẹn ngào truyền từ miệng người này sang miệng người khác khắp làng. Đó là vào đầu những năm 1980, hàng loạt đoàn xe quân sự đã lăn bánh qua khu định cư của chúng tôi, dừng lại ở cây cầu bắc qua sông. Họ không đến từ Binh đoàn (Bingtuan) sản xuất và xây dựng Tân Cương, một tổ chức bán quân sự thành lập các tập đoàn lớn ở Đông Turkestan và sẽ sớm kiểm soát toàn bộ các ngành công nghiệp trong khu vực, cũng như những cánh đồng bông và vườn nho rộng lớn của chúng tôi. Những đoàn quân này là bộ phận của một đơn vị đặc biệt khác.

Những người lính lập tức bắt tay vào việc xây dựng một doanh trại lớn, có tường cao và dây thép gai bao quanh. Phía sau doanh trại, họ dựng một trạm radar trên ngọn đồi. Việc xây dựng vừa hoàn thành thì lập tức 1.000 lính Trung Quốc trên xe tải tràn vào trại và đóng kín cánh cổng phía sau họ, biến mất nhanh chóng cũng như khi đến. Chúng tôi không ai được phép vào trong. “Họ đang làm gì trong đó?” Chúng tôi tự hỏi.

Dân làng vô cùng lo lắng chụm đầu vào nhau bàn tán. Cây cầu bắc qua sông rất quan trọng đối với chúng tôi - chúng tôi cần lùa đàn gia súc qua đó ra đồng cỏ - nhưng từ hôm ấy, những kẻ lạ mặt đã không mang gì đến ngoài rắc rối. “Hãy tìm nơi khác,” họ cáu kỉnh, đuổi chúng tôi đi.

Các đoàn xe quân sự xuất hiện đã đánh dấu sự chấm dứt hòa bình ở làng chúng tôi. Những người lính ăn trộm gia súc của chúng tôi và dồn chúng vào doanh trại ngay trước mắt chủ nhân của chúng. Những người chăn ngồi trên lưng ngựa gần các bức tường, từ trên cao nhìn thấy những con cừu của họ bị giết thịt, nhưng đám lính giận dữ tràn ra khỏi doanh trại như bầy ong bắp cày và quát họ: “Các người đang làm gì ở trên đó? Biến khỏi đây!”

Sau đó, bất kỳ ai dám hỏi gia súc của chúng tôi đâu - chứ đừng nói gì đến phản đối nạn trộm cắp - đều bị đe dọa hoặc đơn giản là bị đánh tơi tả. Đấy là lần tiếp xúc gần gũi đầu tiên của tôi với người Trung Quốc. Ngay lập tức, mọi dân làng như hóa đá. Khi đó tôi đang học lớp Ba.

Kể từ đó, bất cứ lúc nào các anh chị em chúng tôi lùa cừu của mình ra đồng cỏ, chúng tôi đều cúi gằm xuống và quan sát đám lính từ xa, bầy chó canh hung dữ của họ đang giật mạnh những sợi dây buộc ngắn. Chúng tôi lúc nào quá sợ hãi không dám công khai nhìn chằm chằm và mỗi khi đi ngang qua, chúng tôi đều rảo bước nhanh nhất có thể. “Những người này đánh chúng ta, họ không nói chuyện với chúng ta, và họ không bao giờ cho chúng ta câu trả lời nào,” ông tôi lẩm bẩm một cách cay đắng vào bữa ăn. “Họ không cảm thấy có trách nhiệm hay tội lỗi về bất cứ điều gì,” mẹ tôi nói thêm. “Đó là chế độ chuyên chế,” cha tôi tuyên bố với vẻ cam chịu. “Nhưng chúng ta có thể làm gì chứ?”



Những người định cư đầu tiên: Đừng sợ người Trung Quốc!


Sau một thời gian, một số người Trung Quốc đầu tiên bắt đầu đến định cư ở làng chúng tôi, mở cửa hàng bán rau xanh, tiệm chụp ảnh và sửa xe. Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc gần những người nước ngoài, nhưng tôi và những đứa trẻ khác vẫn e ngại và giữ khoảng cách. Dần dà, những gia đình và họ hàng người Hoa của họ cũng cùng tham gia.

Những người mới đến đã sớm tìm hiểu những nhu yếu phẩm mà dân làng cần nhất và cung cấp chúng cho chúng tôi. Chúng tôi không thể hiểu họ. Họ thân thiện hay thù địch? Họ chỉ nói tiếng Trung và khai thác sự ngây thơ của người dân địa phương, những người không biết nhiều về kinh doanh. Họ mua hàng hóa và sản phẩm của chúng tôi như sữa, pho mát, hoặc thịt với giá cực rẻ, rồi sau đó bán chúng cho đồng bào của họ với giá cao ngất ngưởng.

Đám lính bắt đầu đào những cái hố khổng lồ quanh doanh trại của họ. Đôi khi gia súc của chúng tôi rơi xuống đó và phải chịu một cái chết đau đớn. Họ dùng những gì họ đào được để làm vật liệu xây dựng, trưng dụng tổng thể những khu vực đồng cỏ. “Tại sao người Trung Quốc lại cứ đến đây?” Một ngày nọ, em trai Sawulet của tôi đã hỏi một cách khó chịu, nhưng chính tôi cũng không biết câu trả lời.

Trong khi các chủ tiệm người Hoa nhanh chóng trở thành những người giàu nhất làng, thì dân bản địa rơi vào cảnh nghèo túng. Chúng tôi không còn đồng cỏ, ít gia súc hơn và thu nhập cũng ít hơn. Chẳng mấy chốc, mọi gia đình đều gặp khó khăn về tài chính. Mỗi buổi sáng, cha mẹ tôi tiễn chúng tôi với lời dặn dò: “Hãy đưa gia súc tránh xa doanh trại. Ở đó quá nguy hiểm.”

Trong khi đó Bắc Kinh đang đẩy mạnh một chiến dịch quảng bá Trung Quốc và người dân Trung Quốc. “Đừng sợ người Trung Quốc! Họ sẽ biến Tân Cương thành một xứ sở thần tiên kinh tế thịnh vượng! Bạn sẽ có việc làm và trở nên giàu có!” Ngồi trước chiếc tivi đèn hình mới, chúng tôi tự hỏi liệu điều ấy có đúng hay không. Những sự kiện gần đây dường như cho thấy điều ngược lại. Chúng tôi chẳng được gì mà còn mất tất cả.

Vào những ngày đó, việc chụp ảnh rất phổ biến. Gia đình, trai gái trẻ già, ai cũng muốn có một tấm. Nhưng chúng tôi không bao giờ mạo hiểm bước vào tiệm ảnh duy nhất trong làng, vì nó thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, người thợ ảnh lại không hề e ngại. Anh ta thừa trơ trẽn để xông vào nhà chúng tôi mà không cần xin phép. Đột nhiên, một người đàn ông Trung Quốc đứng trong phòng của chúng tôi, bấm máy mọi thứ, từ những đứa trẻ đầy vẻ kinh ngạc đến những chiếc rương và chậu bóng loáng. Một hai ngày sau, anh ta dúi những tấm ảnh vào tay mẹ tôi và đòi một khoản tiền lớn. Mẹ tôi lúng túng nhìn xuống sàn nhà. Còn cha tôi vì quá lịch sự nên khó thể từ chối.

Ngay từ ban đầu, những người nước ngoài đã đối xử với chúng tôi bằng sự kiêu ngạo và tự cao tột độ. Làn sóng tiếp theo xuất hiện là đám người nuôi ong Trung Quốc, dựng hàng rào ở bất cứ nơi nào họ muốn và chiếm phần đất còn lại. “Ai đã cho phép họ làm điều đó?” Ông tôi kêu lên đầy phẫn nộ. Thậm chí chúng tôi không biết phải hỏi cơ quan nào.



Ảo tưởng

Mặc dù ngay từ đầu rõ ràng là đã có những quy định khác nhau đối với người Trung Quốc và cư dân địa phương, bất chấp một số sự cố đau lòng, hầu hết thanh thiếu niên và trẻ em trong làng vẫn tự tin và lạc quan. Tâm hồn chúng tôi còn trẻ, và không dễ gì nhột chặt trong ổ khóa. Cha tôi tránh mọi bình luận về hành vi vô liêm sỉ của những người mới đến, thay vào đó tập trung cho tương lai. “Các con phải chăm chỉ học tập để một ngày nào đó có thể kiếm được việc làm tốt.”

Không cho chúng tôi hay biết, ông đã chuẩn bị cho chúng tôi đối mặt với những bất công thậm chí còn lớn hơn. Bản thân đã trải qua điều sỉ nhục này, ông cố hết sức rèn luyện chúng tôi bằng niềm tự tin, tự hào về văn hóa của chúng tôi và một nền giáo dục hàn lâm.

Cha tôi gần như đã nghỉ hưu, nhưng ông và mẹ tôi tập trung toàn lực cho trang trại nhỏ của chúng tôi và mở rộng thêm một phần ngôi nhà chúng tôi. Mọi thứ dường như có vẻ ổn thỏa. Khi tôi bước qua tuổi 12 và chuyển dần sang tuổi dậy thì, cơ thể tôi bắt đầu phát triển, vì vậy ông đã xây thêm hai rồi sau đó là ba phòng ngủ mới cho các chị gái và anh trai tôi đã trưởng thành. Vào mùa hè, một rạp chiếu phim ngoài trời được mở đối diện với một vũ trường. Chúng tôi có thể mua vé từ một người Dungan Hồi giáo gốc Trung Quốc với một khoản tiền nhỏ và xem các bộ phim nước ngoài như Spartacus hay Đào thoát khỏi nhà tù Alcatraz.

Chúng tôi đã sống ở làng mình như trong một quả bong bóng. Không nghe nói về những gì đang diễn ra ở thế giới chung quanh. Chúng tôi không hề biết rằng giới sinh viên đang biểu tình đòi quyền tự do hơn, phản đối chế độ thối nát và các gia tộc vơ vét làm giàu cho bản thân. Chúng tôi không hề biết rằng đêm hôm 03/6/1989, xe tăng lê bánh xích trên quảng trường Thiên An Môn, cán chết các sinh viên. Binh lính đã bắn và dùng lưỡi lê đâm chết những người biểu tình vô tội.

Mãi sau này, ở trường đại học, có lần tôi mới nghe thấy các bạn cùng học thì thầm với nhau. “Bạn có nghe nói về một người Duy Ngô Nhĩ tên là Urkesh không? Anh ấy đã đấu tranh cho quyền lợi của chúng ta tại quảng trường Thiên An Môn.” Đối với họ, Urkesh là một anh hùng, nhưng anh phải chạy trốn khỏi Trung Quốc và hiện đang sống ở Đài Loan. Thậm chí ngày nay, chúng ta còn không biết liệu số người chết lên đến hàng trăm hay hàng ngàn. Nhưng dù thế nào chăng nữa, chính phủ của Đặng Tiểu Bình đã chôn vùi phong trào dân chủ một cách hiệu quả.

Chúng tôi cũng biết rất ít về những cuộc nổi dậy vào những năm 1990 ở các khu vực khác của Đông Turkestan, nơi người Duy Ngô Nhĩ nổi dậy chống lại áp bức và phân biệt đối xử, ngoài việc họ bị dập tắt bằng bạo lực dã man. Trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát kể từ năm 1949, tất cả những gì bạn nghe được đều là giọng điệu ca ngợi về những thành tựu to lớn của chính phủ Trung Quốc. Không có gì về việc họ đã cấm người Duy Ngô Nhĩ tổ chức các cuộc tụ họp lớn, chẳng hạn các giải đấu bóng đá, hoặc xây dựng một đền thờ Hồi giáo mới ở thị trấn Baren, bởi vì họ cho rằng đó là “lật đổ”. Họ lập tức đưa ra các biện pháp quyết liệt để “vây bắt tội phạm nguy hiểm”. Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô không còn có thể che giấu được bất cứ ai.

Khi Liên bang Xô viết tan rã vào ngày 21/12/1991 ở Almaty, được thay thế bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), trong đó tất cả các nước cộng hòa Trung Á đều là thành viên có chủ quyền, chúng tôi đã tổ chức ăn mừng ở làng mình. Nhiều người đã tận dụng cơ hội qua biên giới để gặp họ hàng Kazakhstan của họ, hoặc khăn gói ra đi, hoặc đơn giản để trao đổi thông tin và ý tưởng. Trong khi đó, Bắc Kinh không ngừng nhấn mạnh rằng tuyên bố độc lập ấy là một quyết định sai lầm, và cố bằng mọi cách để dập tắt bất cứ hi vọng độc lập nào ở nước họ.

Các văn sĩ, trí thức và ca sĩ từ Kazakhstan đã đến tỉnh của chúng tôi, tổ chức những buổi hòa nhạc hoặc trưng bày tác phẩm của họ tại những sự kiện văn hóa khác. Mọi người xếp hàng bên ngoài các hiệu sách để mua tiểu thuyết. Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể tiếp cận văn học Nga, bao gồm sách của Maxim Gorky hay Anton Chekov, cũng như những sách nước ngoài khác.

Giống như cha tôi, tôi khao khát kiến thức, đọc ngấu nghiến những cuốn tiểu thuyết kinh điển ấy và háo hức muốn biết thêm thông tin về các nước phương Tây. Có lẽ một ngày nào đó tôi có thể đến đó du lịch, nếu như tôi trở thành diễn viên, phóng viên truyền hình hay người dẫn chương trình nổi tiếng? Trong thời kì còn tương đối thoải mái về chính trị đó, đồng bào của tôi vẫn điều hành các đài phát thanh và truyền hình, mặc dù các phương tiện truyền thông đã và luôn là “miệng lưỡi” của Đảng.

Chính phủ đã cố tình che mắt chúng tôi, để chúng tôi duy trì ảo tưởng rằng mình được tự do. Suốt một thời gian dài, người Kazakhstan chúng tôi cảm thấy được độc lập trong khu vực Đông Turkestan như một nhóm riêng biệt. Chúng tôi vẫn còn không gian và không khí để thở. Chúng tôi đã không nhận ra rằng mình đang sống trong một nhà tù khổng lồ, những bức tường đóng kín quanh chúng tôi từ từ đã trở nên cao hơn và khó lòng mở rộng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét