Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Di chúc Lenin (IV)

Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc của Lenin", được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô từ năm 1928. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.

Quan hệ của Lenin đối với Stalin
Chính trị rất kiên trì: nó biết bắt người ta phục vụ nó, kể cả những kẻ ngạo ngược quay lưng lại với nó. Ludwig viết: "Stalin hăng say kế tục sự nghiệp của Lenin cho đến hơi thở cuối cùng". Nếu như câu này chỉ phản ánh sự việc là Lenin có ảnh hưởng to lớn đối với các học trò của đồng chí, trong đó có Stalin, thì chẳng có cơ sở gì để phản đối. Thế nhưng Ludwig lại muốn ám chỉ một điều gì đó to tát hơn. Ông ta muốn nhấn mạnh sự gần gũi với người thầy của duy nhất người học trò ấy thôi. Ludwig trích chính lời của Stalin để làm cho dẫn chứng có một giá trị đặc biệt: "Tôi chỉ là học trò của Lenin, và mục đích của tôi là sao cho xứng đáng là học trò của Người". Thật tệ hại nếu như một nhà tâm lí chuyên nghiệp hoàn toàn thiếu đầu óc phê phán khi mổ xẻ một câu nói vô vị mà sự khiêm tốn ước lệ của nó chẳng hề chứa đựng mảy may nội dung thân tình. Ở đây Ludwig đơn thuần trở thành vật dẫn cho một huyền thoại chính thức, được dựng lên trong những năm gần đây. Chưa chắc ông ta hình dung được những mâu thuẫn, kể cả trong mức độ xa, mà do việc xem thường sự kiện khiến ông ta mắc phải. Nếu như Stalin thực sự "kế tục sự nghiệp của Lenin đến hơi thở cuối cùng", thì có thể giải thích như thế nào về trường hợp bức thư cuối cùng Lenin đọc cho thư kí viết trước ngày bị cú đột quỵ thứ hai, một bức thư ngắn chỉ vài hàng gửi Stalin, về việc đoạn tuyệt mọi quan hệ cá nhân cũng như đồng chí? Trường hợp duy nhất như thế trong đời Lenin - dứt khoát cắt đứt với một trong những đồng sự thân cận - phải có nguyên nhân tâm lí vô cùng nghiêm trọng và là điều thật sự khó hiểu trong quan hệ của người học trò "hăng say" kế tục sự nghiệp của người thầy đến cùng. Tuy nhiên chúng ta chẳng nghe Ludwig nói một lời nào về điều này.
Khi bức thư của Lenin về việc cắt đứt quan hệ với Stalin lan truyền rộng rãi trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng, sau khi bộ ba tan rã, Stalin và cộng sự thân cận của ông ta không tìm được cách giải thích nào ngoài phương án tình trạng thiếu năng lực trách nhiệm do bệnh tật của Lenin. Thực tế, cả Di chúc cũng như thư đoạn tuyệt được viết trong tháng 12-1922 và đầu tháng 3-1923, trong khoảng thời gian này, cùng với hàng loạt bài viết về cương lĩnh, Lenin đã gửi đến đảng những thành quả chín muồi nhất trong í tưởng của mình. Rạn nứt với Stalin chẳng phải từ trên trời rơi xuống, nó bắt nguồn từ hàng loạt xung đột trước đây mang tính nguyên tắc lẫn thực tiễn, và đó là giọt nước cuối cùng làm tràn li một cách đầy bi kịch.
Không nghi ngờ gì, Lenin đánh giá cao những tính cách rõ nét của Stalin. Cứng rắn, kiên trì, bướng bỉnh, thậm chí không khoan nhượng và mưu mẹo - những tính cách cần thiết trong thời kì chiến tranh, suy ra, trong bộ tổng tham mưu. Song Lenin không cho rằng những đặc điểm đó, kể cả trong một í nghĩa đặc biệt, là đủ tư cách để lãnh đạo đảng và nhà nước. Lenin thấy ở con người Stalin một nhà cách mạng, nhưng không phải nhà chính trị tầm cỡ lớn. Í nghĩa lí luận đấu tranh chính trị trong con mắt Lenin cao hơn rất nhiều. Mà Stalin thì không một ai công nhận là một nhà lí luận, kể cả chính ông ta trước năm 1924 cũng chưa bao giờ coi trọng điều đó. Trái lại, trình độ lí luận non kém của ông ta được biết rõ trong nhóm nhỏ. Stalin không hiểu rõ phương Tây, không biết một ngoại ngữ nào. Khi thảo luận vấn đề phong trào công nhân thế giới ông ta không bao giờ hào hứng. Sau cùng, mặc dù điều này ít quan trọng hơn nhưng không vì thế mà mất đi í nghĩa, Stalin chưa bao giờ là một nhà văn, nhà hùng biện trong í nghĩa riêng của từ này. Những bài viết của ông ta, không nhìn vào sự cẩn trọng của tác giả, không những chứa đầy sự thiếu mạch lạc về lí thuyết và những điều ngây thơ, mà còn đầy những lỗi văn phạm nghiêm trọng trong tiếng Nga. Giá trị của Stalin trong mắt của Lenin hầu như đã chẳng còn chút nào trong lĩnh vực quản lí hành chính của đảng và điều hành bộ máy nhà nước. Nhưng trong Di chúc Lenin đã đưa vào những điều rào trước đón sau, rất chín chắn vào thời kì cuối.
Lenin bày tỏ thái độ kinh tởm đối với đạo đức duy tâm. Song điều đó không hề cản trở đồng chí là một người nghiêm khắc về đạo đức cách mạng, nghĩa là những chuẩn mực về hạnh kiểm mà đồng chí coi là cần thiết cho sự thành công của cách mạng và xây dựng xã hội mới. Trong chủ nghĩa khắc kỉ của Lenin, xuất phát tự nhiên và tự nguyện từ bản chất của đồng chí, không có một chút gì gọi là cố chấp, đạo đức giả, phô trương. Đồng chí nhận biết rõ con người và chấp nhận họ như những gì họ có. Đồng chí kết hợp khuyết điểm của một số người với ưu điểm, đôi lúc với khuyết điểm của những người khác, và không ngừng theo dõi một cách sáng suốt xem điều đó dẫn đến cái gì. Đồng chí nhận thức thời gian thay đổi và ta cũng thay đổi theo thời gian. Đảng từ hoạt động bí mật bỗng trong chớp mắt lên đến đỉnh cao quyền lực. Điều đó khiến mỗi nhà cách mạng kì cựu có những thay đổi mạnh mẽ trong vị thế cá nhân và trong quan hệ với những người khác. Lenin thận trọng, nhưng nhận xét một cách rõ ràng trong Di chúc điều mà đồng chí nhận thấy ở con người Stalin trong hoàn cảnh mới: không trung thực và có khuynh hướng lạm dụng quyền lực. Ludwig bỏ qua những ám chỉ này. Ngoài ra cần phải thấy chính đó mới là điểm mấu chốt trong quan hệ giữa Lenin và Stalin trong giai đoạn cuối.
Lenin không chỉ là nhà lí luận và thực tiễn chuyên chính cách mạng, mà còn là người canh giữ sáng suốt nền tảng đạo đức của nó. Mỗi ám chỉ về việc lợi dụng quyền lực trong những cá nhân gây nên mầm mống nguy cơ trong mắt đồng chí. "Điều đó tốt hơn gì chế độ đại nghị tư sản?" - đồng chí hỏi, thể hiện rõ sự phẫn nộ tột cùng, và nhiều lần nói thêm cái định nghĩa giàu hình ảnh về chế độ đại nghị của mình. Song le, Stalin càng lúc càng sử dụng rộng rãi và thiếu thận trọng khả năng vốn có trong chuyên chính cách mạng để lôi kéo tạo bè cánh cho mình những người cúc cung tận tụy và trung thành. Trên cương vị tổng bí thư ông ta trở thành người ban phát ân huệ. Ở đây tiềm ẩn nguồn gốc xung đột không thể tránh khỏi. Lenin dần dần mất hẳn tin tưởng về mặt đạo đức đối với Stalin. Nếu như nắm vững được sự kiện cơ bản, tất cả những tình tiết riêng của thời kì cuối sẽ được diễn giải đúng đắn và cho thấy rõ bức tranh thực tế chứ không phải giả tạo về quan hệ của Lenin đối với Stalin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét