Toàn
văn "Thư gửi đại hội" của Lenin, được biết dưới cái tên "Di chúc".
Trong số 6 nhân vật được nhắc tên trong Di chúc - Stalin, Trotsky, Zinovyev,
Kamenev, Bukharin, Pyatakov - sau khi nắm quyền lãnh đạo, Stalin đã trục xuất
Trotsky khỏi Liên Xô rồi sau đó phái người ám sát ông, 4 người còn lại lần lượt
bị Stalin hãm hại, bị kết án "tổ chức chống phá nhà nước Xô-viết", "kẻ
thù nhân dân" và bị xử bắn.
Phạm
Ngọc dịch từ tiếng Nga
Thư gửi đại hội
(Di chúc Lenin)
23-12-1922
Theo tôi trong kì đại hội này nên tiến hành một loạt
thay đổi trong chế độ chính trị của đảng ta.
Tôi muốn chia sẻ với các đồng chí những dự định tôi
cho là quan trọng nhất.
Điều đầu tiên, tôi đặt vấn đề tăng số lượng ủy viên
BCHTW lên vài chục cho đến một trăm. Tôi nghĩ BCHTW đang đứng trước hiểm họa to
lớn trong trường hợp diễn biến sự kiện xảy ra không có lợi cho ta (ta chưa thể lường
trước việc này), - nếu như chúng ta không áp dụng cải cách này.
Tiếp theo, tôi đề nghị đại hội lưu ý đến đặc trưng pháp
lí của nghị quyết Ủy ban kế hoạch nhà nước, trong những điều kiện nhất định; vấn
đề này liên quan trực tiếp đến đồng chí Trotsky, đến một mức độ nào đó trong những
điều kiện nhất định.
Liên quan đến điểm đầu tiên, tức là vấn đề tăng số lượng
ủy viên BCHTW, tôi nghĩ việc này thật sự cần thiết để nâng cao uy tín của BCHTW,
và quan trọng để hoàn thiện bộ máy nhà nước của ta, hầu ngăn chặn xung đột của một
bộ phận nhỏ trong BCHTW có thể gây nên hậu quả lớn, có hại cho số phận của đảng
ta.
Theo tôi, đảng ta có quyền đòi hỏi từ giai cấp công
nhân 50-100 ủy viên BCHTW và có thể đạt được mà không phải cố gắng quá sức.
Cải cách này tăng cường đáng kể sự vững mạnh của đảng
và làm giảm bớt áp lực của cuộc đấu tranh giữa các nước thù địch, mà theo tôi có
thể và chắc chắn sẽ gay go khốc liệt hơn trong những năm tới. Tôi nghĩ sự ổn định
của đảng ta nhờ biện pháp này sẽ tăng lên cả ngàn lần.
24-12-1922
Vì sự ổn định của BCHTW, như tôi đã nói ở trên, tôi
nhận thức được những biện pháp ngăn chặn sự chia rẽ, trong một chừng mực nào
đó, những biện pháp này có thể được thực hiện. Vì lẽ, tất nhiên, tên bạch vệ trong
tạp chí "Tư tưởng Nga" (hình như là S.S. Oldenburg) đã có lí, một là,
khi đặt vấn đề về sự chia rẽ của đảng ta, trên quan điểm chống lại nước Nga Xô-viết
của chúng, hai là, đặt vấn đề về mâu thuẫn nghiêm trọng trong nội bộ đảng đối với
sự chia rẽ đó.
Đảng ta dựa trên hai giai cấp và vì thế, tình trạng
mất ổn định có thể xảy ra và sự sụp đổ cũng không tránh khỏi, nếu giữa hai giai
cấp này không thể đạt được một sự đồng thuận. Trong trường hợp đó, thực hiện biện
pháp này hay biện pháp khác, nói chung, bàn về sự bền vững của BCHTW là một việc
vô ích. Không biện pháp nào trong trường hợp này có thể ngăn chặn được sự chia rẽ.
Nhưng tôi hi vọng đó còn là một tương lai rất xa và là một biến cố có xác suất rất
nhỏ để chúng ta phải bàn luận trong lúc này.
Tôi nói đến sự bền vững, đảm bảo không xảy ra chia rẽ
trong một tương lai gần và tôi có ý định xem xét ở đây một loạt dự định có tính
cách hoàn toàn cá nhân.
Tôi nghĩ rằng vấn đề chính yếu của sự ổn định từ quan
điểm này là các ủy viên BCHTW, như Stalin và Trotsky. Theo tôi, quan hệ giữa hai
người chiếm hơn một nửa hiểm họa chia rẽ, có thể tránh khỏi và để tránh được nó,
theo ý kiến tôi, chỉ bằng cách tăng số ủy viên BCHTW lên 50 hoặc 100 người.
Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng chí Stalin
đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí sẽ đủ thận
trọng để sử dụng quyền lực này. Mặt khác, đồng chí Trotsky, được chứng tỏ qua việc
chống lại BCHTW về vấn đề Bộ dân ủy giao thông, không chỉ nổi bật về khả năng xuất
chúng mà thôi. Về phương diện cá nhân, có lẽ Trotsky là người có năng lực nhất trong
BCHTW hiện nay, nhưng lại tự tin quá mức và hay bị lôi cuốn bởi khía cạnh hành chính
thuần túy của công việc.
Những phẩm chất ấy của hai nhà lãnh đạo xuất sắc của
BCHTW hiện nay có thể vô tình dẫn tới sự chia rẽ, và nếu đảng ta không thực hiện
những biện pháp đề phòng, sự chia rẽ ấy có thể bùng nổ bất ngờ.
Tôi miễn nêu tính cách những ủy viên BCHTW khác theo
phẩm chất cá nhân của họ. Tôi chỉ lưu ý, biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev,
tất nhiên, không phải là tình cờ, nhưng không thể quy đó là lỗi lầm cá nhân của
họ, cũng như không thể quy cho Trotsky không phải là bôn-sê-vich.
Trong số những ủy viên BCHTW trẻ tuổi, tôi muốn có
vài lời về Bukharin và Pyatakov. Theo ý tôi, họ là những lực lượng xuất sắc
nhất (trong số lực lượng trẻ) và đối với họ, cần chú ý như sau: Bukharin chẳng
những là lí thuyết gia quý báu nhất và cứng cáp nhất của đảng, mà còn có quyền
được xem như con cưng của toàn đảng, tuy nhiên, khó mà chắc chắn được những
quan điểm lí luận của đồng chí có thể được coi là hoàn toàn Mac-xit, bởi có gì
kinh viện giáo điều trong đó (đồng chí chưa bao giờ học hỏi, và theo tôi, chưa
bao giờ thông hiểu toàn bộ biện chứng pháp).
25-12-1922
Về Pyatakov, không nghi ngờ gì, là người có ý chí sắt
đá và khả năng xuất chúng, nhưng lại quá thiên về quản lí hành chính và khía
cạnh hành chính của công việc, thành thử không thể dựa vào đồng chí trong những
vấn đề chính trị quan trọng.
Dĩ nhiên, những nhận định này khác của tôi chỉ có
giá trị trong giai đoạn hiện tại, giả sử như hai cán bộ xuất sắc và trung thành
này không có dịp bồi dưỡng thêm kiến thức và thay đổi quan điểm phiến diện của
mình.
Bổ sung thư ngày 24-12-1922
4-1-1923
Stalin là người quá thô lỗ và nhược điểm này hoàn toàn
có thể chịu đựng được trong quan hệ giữa chúng ta, những người cộng sản, song không
thể chấp nhận được trên cương vị tổng bí thư đảng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng
chí hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử
vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ
thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn, ít
thất thường hơn v.v... Tình huống này có thể là không đáng kể. Tuy nhiên, tôi nghĩ,
trên quan điểm ngăn ngừa sự chia rẽ như những gì tôi trình bày ở trên về quan hệ
giữa Stalin và Trotsky, thì điều này hoàn toàn không hề nhỏ nhặt, bằng không,
đó là sự nhỏ nhặt có thể mang ý nghĩa quyết định.
Ghi chép tiếp theo
26-12-1922
Việc tăng số lượng ủy viên BCHTW lên đến 50 hoặc thậm
chí 100 người, theo tôi, phải phục vụ cho hai mục đích hoặc thậm chí ba mục đích,
càng nhiều ủy viên BCHTW, càng phải tăng cường việc bồi dưỡng công tác cho các ủy
viên và càng giảm nguy cơ chia rẽ do sự bất cẩn nào đó. Việc lôi kéo nhiều công
nhân vào BCHTW sẽ giúp công nhân hoàn thiện bộ máy nhà nước của ta, hiện đang rất
non kém. Bộ máy của chúng ta, về bản chất, được thừa kế từ chế độ cũ, vì lẽ hoàn
toàn không thể cải tạo nó trong một thời gian ngắn, đặc biệt trong điều kiện chiến
tranh, nạn đói xảy ra, v.v.... Vì vậy, đối với những búa rìu "phê bình",
với sự mỉa mai hay ác cảm, đang chỉa mũi dùi vào những iếu kém của bộ máy chúng
ta, có thể bình tĩnh trả lời rằng những người này hoàn toàn không hiểu gì về điều
kiện cách mạng hiện đại. Nói chung không thể nào đủ thời gian trong vòng 5 năm cải
tạo lại bộ máy nhà nước, đặc biệt trong những điều kiện như cuộc cách mạng xảy ra
ở ta. Sẽ đủ thời gian nếu như trong vòng 5 năm chúng ta thiết lập được nhà nước
kiểu mới, trong đó công nhân tiên phong cùng nông dân chống lại tư sản, và trong
tình trạng tồn tại hận thù giữa các dân tộc thì vấn đề này là một công cuộc vô cùng
to lớn. Tuy nhiên chúng ta không bao giờ được phép lơi lỏng nhận thức về vấn đề
này, là về bản chất, chúng ta giành lại bộ máy từ tay phong kiến và tư sản và giờ
đây bắt đầu thời kì hòa bình và đảm bảo nhu cầu tối thiểu do nạn đói tất cả nhiệm
vụ phải tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy.
Tôi hình dung sự việc theo khía cạnh này, vài chục công
nhân tham gia vào thành phần BCHTW có thể tốt hơn bất kì một ai khác đảm trách nhiệm
vụ kiểm tra, hoàn thiện, và tái lập bộ máy nhà nước ta. Chức năng này đầu tiên thuộc
về Ban thanh tra nhà nước công nông, mà hầu như không đảm đương nổi nhiệm vụ và
có lẽ sẽ được sử dụng như "cánh tay phụ" hoặc người trợ giúp, trong những
điều kiện nhất định, cho những ủy viên BCHTW. Những công nhân tham gia vào thành
phần BCHTW, theo ý tôi, phải được ưu tiên không phải từ những người đã kinh qua
quá trình phục vụ lâu dài trong nhà nước Xô-viết (thành phần công nhân trong thư
này bao gồm cả nông dân), bởi vì trong con người họ đã hình thành những truyền thống
nhất định, những thành kiến nhất định cần phải đấu tranh để khắc phục.
Những công nhân từ tầng lớp thấp, thuộc tầng lớp công
nhân tiên phong và nông dân, trực tiếp hay gián tiếp, không nằm trong hàng ngũ giai
cấp bóc lột, phải được ưu tiên tham gia vào thành phần ủy viên BCHTW, để rồi sau
5 năm họ được đưa vào đội ngũ những người phục vụ nhà nước Xô-viết. Tôi nghĩ, những
công nhân ấy, hiện diện tại tất cả các phiên họp của BCHTW, các phiên họp của Bộ
Chính trị, nghiên cứu các văn kiện của BCHTW, có thể lập ra bộ khung gồm những
đồng sự trung thành với chế độ Xô-viết, một là, có khả năng tạo sự ổn định cho chính
BCHTW; hai là, có khả năng thực sự thực hiện đổi mới và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét