Báo cáo của Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung
ương (BCHTW) Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), Nikita Sergeyevich Khrushyov tại
phiên họp kín đại hội ĐCSLX lần thứ XX ngày 25 tháng Hai năm 1956.
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga
Về tệ sùng bái cá nhân và
những hậu quả của nó (tt)
Một ví dụ điển hình cho sự khiêu khích đê tiện, sự man trá thâm độc và sự vi phạm tội lỗi nền pháp chế cách mạng là vụ án của đồng chí Eikhe, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, một nhà hoạt động lỗi lạc của đảng và nhà nước Xô-viết, gia nhập đảng từ năm 1905. (Xôn xao trong phòng họp.)
Một ví dụ điển hình cho sự khiêu khích đê tiện, sự man trá thâm độc và sự vi phạm tội lỗi nền pháp chế cách mạng là vụ án của đồng chí Eikhe, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, một nhà hoạt động lỗi lạc của đảng và nhà nước Xô-viết, gia nhập đảng từ năm 1905. (Xôn xao trong phòng họp.)
Đồng chí Eikhe bị bắt ngày 29-4-1938 trên cơ sở
những tài liệu vu khống, không có lệnh bắt của viện kiểm sát Liên Xô, trát này
chỉ có sau khi Eikhe đã bị bắt 15 tháng!
Việc điều tra hồ sơ Eikhe được thực hiện trong tình
huống vi phạm thô bạo nhất nền pháp chế Xô-viết, trong tình trạng chuyên quyền
và ngụy tạo trắng trợn nhất.
Không chịu nổi đòn tra tấn, Eikhe buộc phải kí biên
bản hỏi cung do các cán bộ điều tra soạn sẵn, trong đó đồng chí và một số cán
bộ đảng và nhà nước có uy tín khác bị buộc tội hoạt động chống phá chính quyền
Xô-viết.
Ngày 1-10-1939, Eikhe gửi Stalin đơn khiếu nại,
trong đó đồng chí kiên quyết phủ nhận lời buộc tội và đề nghị thẩm tra lại
trường hợp của mình. Trong đơn Eikhe viết:
"Không
còn gì đau khổ cay đắng hơn là bị giam cầm trong ngục tù của chính chế độ mà
tôi đã luôn luôn đấu tranh để xây dựng nó".
Đơn khiếu nại thứ hai của Eikhe gửi Stalin ngày
27-10-1939 cũng được lưu trữ, trong đó đồng chí nêu ra những bằng chứng và phủ
nhận một cách xác đáng lời buộc tội vu khống. Đồng chí chỉ rõ lời buộc tội mang
tính khiêu khích này, một mặt, là sản phẩm của bọn Trotskit thực thụ, vì chính
đồng chí trên cương vị bí thư thứ nhất thành ủy Tây Siberia đã kí lệnh bắt giam
chúng, do đó chúng âm mưu trả thù, mặt khác, đó là kết quả của việc ngụy tạo hồ
sơ điều tra một cách bẩn thỉu.
Eikhe đã viết trong đơn:
"Ngày
25-10 năm nay, người ta thông báo với tôi về việc kết thúc điều tra trường hợp
của tôi và cho tôi khả năng làm quen với những tài liệu điều tra. Nếu như tôi
phạm tội, dù chỉ một phần trăm những tội ác mà người ta đã gán cho tôi, thì đã
chẳng bao giờ tôi dám gửi đến đồng chí đơn này trước khi tôi chết, nhưng tôi
không hề phạm một tội gì trong tất cả những tội ác hình sự mà người ta gán cho
tôi và lương tâm tôi không hề gợn một vết nhơ. Trong đời mình chưa bao giờ tôi
nói với đồng chí một lời nào sai sự thật, và kể cả bây giờ, khi hai chân tôi
sắp sửa bước xuống mồ, tôi cũng dối trá đồng chí một lời. Trường hợp của tôi là
điển hình của một cuộc khiêu khích, vu khống và vi phạm những điều căn bản nhất
của nền pháp chế cách mạng...
...
Những điều "vạch mặt" ghi trong hồ sơ vụ án của tôi chẳng những phi
lí mà nó chứa đựng hàng loạt vu khống đối với BCHTW ĐCS (bôn-sê-vich) và Hội
đồng dân ủy, bởi vì những nghị quyết đúng đắn của BCHTW và của Hội đồng dân ủy
được thông qua vốn chẳng phải do sáng kiến của tôi hoặc với sự tham gia của
tôi, đã được trình bày như hành động thù địch của một tổ chức phản cách mạng do
tôi khởi xướng...
Bây
giờ tôi xin đề cập đến những trang nhục nhã nhất của quyển sách đời tôi, một
tội lỗi thực sự nặng nề ray rứt nhất của tôi trước đảng và trước đồng chí. Đó
là lời thú tội của tôi về hoạt động phản cách mạng... Sự việc là thế này: vì
không chịu đựng nổi đòn tra tấn của Ushakov và Nikolaev, nhất là Ushakov đã
khéo léo lợi dụng việc tôi bị gãy cột sống và xương chưa kịp liền lại, trong
quá trình hỏi cung, đã làm tôi đau đớn khủng khiếp đến mức không chịu đựng nổi
và ép tôi phải tự vu khống bản thân mình và vu khống những đồng chí khác.
Phần
lớn những lời thú tội của tôi là do Ushakov mớm cung hoặc đọc cho tôi viết,
phần còn lại là do tôi chép lại theo trí nhớ tài liệu của NKVD vùng Tây Siberia
mà tôi phải tự gán những sự kiện trong tài liệu của NKVD cho chính mình. Nếu
trong truyền thuyết do Ushakov thêu dệt và tôi phải kí nhận có gì đó không
khớp, thì người ta lại bắt tôi kí nhận một phương án khác. Xảy ra như vậy đối
với Rukhimovich, thoạt tiên người ta viết là thuộc mạng lưới dự bị, sau đó
người ta gạch đi, không hề nói cho tôi biết, tương tự đối với chủ tịch mạng
lưới dự bị, tuồng như do Bukharin thành lập năm 1935. Đầu tiên tôi phải ghi
mình là lãnh đạo, sau đó người ta bảo tôi phải viết tên Mezhlauk, và còn nhiều
thứ khác...
...
Tôi đề nghị đồng chí, tôi van xin đồng chí hãy chỉ đạo xem xét lại trường hợp
của tôi, chẳng phải vì tôi mong muốn được tha thứ, mà để vạch mặt âm mưu khiêu
khích đê tiện này, nó như con rắn cuốn lấy nhiều người do sự yếu hèn của tôi và
sự vu khống đầy tội lỗi. Tôi thề không bao giờ phản bội đồng chí, phản bội
đảng. Tôi biết tôi sắp phải hi sinh vì hành động hèn hạ, đê tiện, do kẻ thù của
đảng và của nhân dân sắp đặt ra những thủ đoạn khiêu khích để chống lại tôi".
(Hồ sơ Eikhe, tập 1).
Thiết tưởng, một lá đơn quan trọng như thế chắc
chắn phải được bàn bạc trong BCHTW. Nhưng điều đó đã không xảy ra, đơn được
chuyển đến tay Beria và đồng chí Eikhe, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, vẫn
bị tiếp tục tra tấn tàn nhẫn.
Ngày 2-2-1940 diễn ra phiên tòa xử Eikhe. Trước
tòa, Eikhe không nhận bất cứ một tội nào và tuyên bố như sau:
"Trong
tất cả cái gọi là lời thú tội của tôi, không một chữ nào được gọi là của tôi,
ngoại trừ chữ kí ở dưới tờ biên bản mà người ta dùng nhục hình để buộc tôi phải
kí. Những lời thú tội được viết ra dưới sự ép buộc của an ninh điều tra, là kẻ
đã hành hạ tôi từ ngày tôi bị bắt. Sau đó, tôi bắt đầu viết tất cả những điều
ngớ ngẩn này... Điều chủ yếu với tôi bây giờ là phải tuyên bố trước tòa, trước
đảng và trước Stalin: tôi vô tội. Tôi không bao giờ tham gia một âm mưu nào.
Tôi sẽ chết với niềm tin ở chính sách đúng đắn của đảng, cũng như tôi đã tin
tưởng trong suốt cuộc đời hoạt động của tôi". (Hồ sơ Eikhe, tập 1).
Eikhe bị xử bắn ngày 4-2. (Phẫn nộ trong phòng
họp.) Hiện nay, không còn nghi ngờ gì nữa, đã xác định được vụ án Eikhe hoàn
toàn bịa đặt, đồng chí đã được minh oan và phục hồi danh dự sau khi chết!
Trước tòa án, đồng chí Rudzutak, ủy viên dự khuyết
Bộ Chính trị, đảng viên từ năm 1905, người đã từng bị 10 năm khổ sai dưới chế
độ Sa hoàng, cũng phủ nhận toàn bộ những lời thú tội bị ép cung của mình. Trong
biên bản xử án của Tòa quân sự tối cao đã ghi lại tuyên bố của Rudzutak như
sau:
"... Đề
nghị duy nhất của bị cáo trước tòa - thông báo cho BCHTW ĐCS (bôn-sê-vich) biết
rằng tại NKVD còn tồn tại một khối ung nhọt chưa được tiêu diệt tận gốc rễ,
chuyên chế tạo các hồ sơ vụ án để buộc những kẻ vô tội phải thú nhận những tội
họ chưa bao giờ vi phạm. Hoàn toàn không hề có việc thẩm tra các tình huống
phạm tội và các bị cáo không hề có được một cơ hội nào để chứng minh tình trạng
ngoại phạm của mình đối với những tội danh mà họ bị ép buộc phải thú nhận hoặc
do người khác khai ra. Những phương pháp điều tra như thế đã ép buộc người bị
hỏi cung phải bịa ra và vu khống cho những người vô tội, chưa kể việc tự bịa ra
những tội cho chính bản thân mình. Bị cáo yêu cầu tòa cho phép được viết thư
cho BCHTW. Bị cáo cam đoan với tòa rằng bản thân mình không hề có bất kì một ý
đồ xấu xa nào chống đối lại chính sách của đảng ta, bởi vì bị cáo hoàn toàn đồng
tình với chính sách của đảng trong mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng kinh tế
và văn hóa".
Lời tuyên bố của Rudzutak đã trôi vào quên lãng,
chẳng ai để ý đến, mặc dù vào thời của mình đồng chí là chủ tịch Ủy ban kiểm
tra trung ương, được thành lập theo ý tưởng của Lenin để đấu tranh vì sự thống
nhất của đảng. Người đứng đầu một cơ quan cao cấp, đầy uy tín của đảng đã trở
thành vật hi sinh cho sự chuyên quyền bạo ngược như thế đấy: người ta cũng
chẳng thèm gọi đồng chí đến chất vấn tại Bộ Chính trị, Stalin không muốn nói
chuyện với đồng chí. Bản án tử hình được đưa ra trong vòng 20 phút và đồng chí
bị xử bắn. (Xôn xao phẫn nộ trong phòng họp.)
Việc thẩm tra kĩ lưỡng trường hợp này tiến hành vào
năm 1955, đã xác định hồ sơ buộc tội Rudzutak hoàn toàn ngụy tạo và đồng chí bị
tuyên án trên cơ sở những tài liệu mang tính vu khống. Đồng chí đã được minh
oan và phục hồi danh dự sau khi chết!
Bằng phương pháp khiêu khích giả tạo như thế nào,
những cựu nhân viên NKVD đã sáng chế ra những "trung tâm" và những
"khối liên kết" chống phá nhà nước Xô-viết - được thấy rõ từ lời
"thú tội" của đồng chí Rozenblyum, đảng viên từ năm 1906, bị NKVD
thành phố Leningrad bắt năm 1937.
Trong quá trình thẩm tra lại vụ án Komarov vào năm
1955, Rozenblyum đã cho biết sự kiện sau: khi bị bắt vào năm 1937, đồng chí đã
phải chịu đựng tra tấn dã man và buộc phải thú nhận những tội bịa đặt về bản
thân cũng như về một số người khác. Sau đó Rozenblyum được đưa đến văn phòng
của Zakovsky và được đề nghị trả tự do với điều kiện: trước tòa đồng chí chịu
thú nhận một cách dối trá về "vụ án trung tâm khủng bố, phá hoại, gián
điệp, gây rối Leningrad" do NKVD bịa đặt ra năm 1937. (Xôn xao trong phòng
họp.) Với một thái độ vô liêm sỉ không thể tưởng tượng nổi, Zakovsky đã phơi
bày một "bộ máy" hèn hạ chuyên chế tạo những "âm mưu chống nhà
nước Xô-viết".
"Để dễ
hình dung - Rozenblyum thuật lại - Zakovsky
đã vạch ra cho tôi một số phương án của sơ đồ tổ chức giả định cái "trung
tâm" này và các chi nhánh của nó...
Sau
khi giới thiệu với tôi những sơ đồ tổ chức, Zakovsky nói NKVD đang chuẩn bị hồ
sơ về trung tâm này và vụ án sẽ được xét xử công khai.
Người
ta sẽ đưa ra tòa những lãnh đạo của trung tâm, 4-5 người: Chudov, Ugarov,
Smorodin, Pozern, Shaposhnikova (vợ của Chudov) và những người khác, và 2-3
người từ mỗi chi nhánh...
... Hồ
sơ vụ án trung tâm Leningrad phải được sắp đặt một cách hoàn hảo. Lời khai của
các nhân chứng có ý nghĩa quyết định. Địa vị xã hội (trong quá khứ, tất nhiên)
và tuổi đảng của những nhân chứng đóng một vai trò không nhỏ.
Bản
thân anh - Zakovsky bảo - chẳng phải đặt chuyện gì cả. NKVD sẽ chuẩn bị sẵn cho
anh một bản tóm tắt riêng biệt về mỗi chi nhánh, việc của anh là học thuộc lòng
và ghi nhớ kĩ mọi câu hỏi và câu trả lời mà tòa có thể đặt ra cho anh. Hồ sơ vụ
này sẽ được chuẩn bị trong vòng 4-5 tháng hoặc nửa năm. Anh phải tranh thủ thời
gian để chuẩn bị, đừng để hậu quả tai hại cho bản thân. Số phận của anh sắp tới
sẽ phụ thuộc vào tiến trình và kết quả của phiên tòa. Nhầm lẫn và khai báo sai
- còn mỗi nước là tự trách mình. Vượt qua thử thách - nghĩa là giữ được cái bắp
cải (cái đầu), nhà nước sẽ chu cấp cho anh đến cuối đời".
(Tài liệu thẩm tra vụ án Komarov, tờ 60-69.)
Thế đấy, những việc đê tiện đã được dàn dựng thời
bấy giờ. (Xôn xao trong phòng họp.)
Ở các tỉnh, việc giả mạo hồ sơ điều tra còn phổ
biến rộng rãi hơn nhiều. Sở công an tỉnh Sverdlovsk đã "phát hiện"
một tổ chức mang tên "Bộ tham mưu phong trào khởi nghĩa vùng Ural - cơ
quan của khối hữu khuynh, Trotkist, xã hội cách mạng, giáo hội" dưới sự
lãnh đạo chừng như là của Kabakov, bí thư đảng ủy tỉnh Sverdlovsk, ủy viên
BCHTW ĐCSLX, vào đảng từ năm 1914. Theo số liệu của hồ sơ điều tra thời ấy cho
thấy trong hầu hết các vùng, các tỉnh, các nước cộng hòa đều tồn tại những tổ
chức dường như có chi nhánh rộng khắp "các tổ chức và trung tâm gián điệp,
khủng bố, biệt kích, phá hoại của bọn Trotskist hữu khuynh", và như một
quy luật, những "tổ chức" và "trung tâm" này, không rõ lí
do gì, toàn do các bí thư thứ nhất đảng ủy tỉnh, vùng, hay BCHTW nước cộng hòa
lãnh đạo. (Xôn xao trong phòng họp.)
Hậu quả của vụ việc giả tạo quái vật những "hồ
sơ" tương tự như vậy là hàng nhiều ngàn chiến sĩ cộng sản trung kiên vô
tội đã bị giết hại do người ta tin vào những lời "thú tội" mang tính
vu khống, bị ép buộc phải tự gán cho chính mình và cho những người khác. Bằng
cách đó, người ta chế tạo các "hồ sơ" để chống lại những nhà hoạt
động ưu tú của đảng và nhà nước như Kosior, Chubar, Postysev, Kosariov và nhiều
người khác.
Trong những năm đó, những cuộc đàn áp vô căn cứ
được tiến hành với quy mô lớn, hậu quả là đảng bị tổn thất nghiêm trọng về mặt
nhân sự.
Một thực tế thối nát được hình thành, tại cơ quan
NKVD những danh sách được lập sẵn, hồ sơ của những người trong danh sách được
tòa quân sự xem xét, và mức án cũng đã được xác định sẵn. Những danh sách này
do Ezhov đích thân trình lên Stalin để phê chuẩn mức án đề xuất. Vào những năm
1937-1938, 383 danh sách loại ấy được trình lên Stalin, trong đó gồm nhiều ngàn
cán bộ đảng, nhà nước, đoàn thanh niên cộng sản, quân đội, các tổ chức kinh tế,
và đã được phê duyệt.
Một phần đáng kể các hồ sơ ấy hiện đang được thẩm
tra lại và đa số đã bị bác bỏ vì vô căn cứ và ngụy tạo. Đủ cơ sở để nói rằng từ
năm 1954 đến nay, Tòa quân sự tối cao đã minh oan và phục hồi danh dự cho 7679
người, trong đó nhiều người được phục hồi sau khi chết!
Việc bắt bớ hàng loạt cán bộ đảng, nhà nước, quân
đội, tổ chức kinh tế đã gây tổn thất vô cùng to lớn cho đất nước ta và cho sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những vụ đàn áp hàng loạt đã ảnh hưởng tiêu cực đến
tình trạng đạo đức chính trị của đảng, gây mất niềm tin, góp phần phổ biến nghi
ngờ bệnh hoạn, gieo rắc sự ngờ vực lẫn nhau giữa những người cộng sản. Bọn vu
khống và hãnh tiến đủ loại có cơ hội phát triển.
Nghị quyết của hội nghị toàn thể BCHTW ĐCSLX vào
tháng 1-1938 phần nào đã cải thiện các tổ chức đảng. Nhưng đàn áp trên diện
rộng vẫn tiếp diễn trong năm 1938.
Và chỉ do đảng ta có một sức mạnh đạo đức chính trị
vĩ đại, nên mới vượt qua được những biến cố nặng nề của những năm 1937-1938,
chịu đựng nổi thử thách và bồi dưỡng cán bộ mới. Nhưng không nghi ngờ gì, con
đường tiến đến chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị quốc phòng còn thành công hơn
nhiều, nếu như không có những mất mát to lớn đội ngũ cán bộ, do hậu quả những
cuộc đàn áp hàng loạt vô căn cứ và phi nghĩa thời kì 1937-1938.
Chúng ta đúng đắn khi buộc tôi Ezhov đồi bại biến
chất vào năm 1937. Nhưng cần trả lời câu hỏi: chẳng lẽ Ezhov có thể tự động,
không báo cáo Stalin, ra lệnh bắt Kosior chẳng hạn? Có sự trao đổi ý kiến hay
quyết định của Bộ Chính trị về vấn đề đó hay không? Không, không có, và cũng
không có trong những trường hợp tương tự như thế. Chẳng lẽ Ezhov có thể tự giải
quyết những vấn đề quan trọng như định đoạt vận mệnh của những nhà hoạt động
kiệt xuất của đảng? Không, thật ngây thơ nếu cho rằng việc ấy chỉ do mỗi bàn
tay của Ezhov nhúng vào. Rõ ràng, những việc ấy đều do Stalin quyết định, và nếu
không có chỉ thị, không có phê duyệt của Stalin, thì Ezhov chẳng thể làm gì.
Giờ đây chúng ta đã xem xét lại và đã phục hồi danh
dự cho các đồng chí Kosior, Rudzutak, Postyshev, Kosariov và nhiều đồng chí
khác. Căn cứ vào đâu họ bị bắt và bị kết án? Nghiên cứu các tài liệu cho thấy
không hề có căn cứ gì cả. Người ta bắt giam họ, cũng như nhiều người khác,
không có lệnh bắt của viện kiểm sát. Nhưng trong điều kiện như thế, cũng chẳng
đòi hỏi phải có lệnh bắt; lệnh làm gì một khi Stalin đã cho phép. Stalin chính
là ủy viên kiểm sát tối cao trong những vụ này rồi. Chẳng những cho phép, mà
Stalin còn chỉ thị việc bắt bớ theo sáng kiến của mình. Cần phải nói để các đại
biểu đại hội thấy rõ và có thể đưa ra đánh giá đúng đắn và kết luận phù hợp.
Những sự kiện cho thấy nhiều việc lạm dụng đã được
thực hiện theo chỉ thị của Stalin, hoàn toàn bỏ qua mọi chuẩn mực pháp chế của
đảng và nhà nước Xô-viết. Stalin là một người rất hay ngờ vực với tính đa nghi
đến mức bệnh hoạn, chúng tôi khẳng định điều đó qua thời gian làm việc chung.
Đồng chí có thể nhìn một người khác rồi hỏi: "sao hôm nay mắt của đồng chí
đảo liên tục thế?", hoặc: "sao hôm nay đồng chí cứ lảng đi, không
nhìn thẳng vào mắt tôi?". Bệnh đa nghi ấy khiến Stalin có những ngờ vực vô
căn cứ, kể cả đối với những nhà hoạt động tiên phong của đảng mà đồng chí đã
biết rất nhiều năm. Mọi lúc mọi nơi, Stalin đều nhìn thấy "kẻ thù",
"kẻ hai mặt", "bọn gián điệp".
Nắm quyền lực vô biên trong tay, đồng chí cho phép
chuyên quyền độc ác, trấn áp người khác về tinh thần và thể xác. Xảy ra tình
trạng người ta không dám bày tỏ chính kiến của mình.
Khi Stalin bảo phải bắt người này, suy ra phải tin
rằng người đó là "kẻ thù của nhân dân". Còn băng nhóm Beria, cầm đầu
cơ quan an ninh nhà nước, cố sống cố chết mà chứng minh tội trạng những người
bị bắt, tính hợp lí của các tài liệu do chúng làm giả.Và chứng cớ gì được đưa
vào trong quá trình điều tra? Lời "thú tội" của bị cáo. Và an ninh
điều tra, làm sao đó thì làm, phải khai thác cho bằng được lời "thú
tội". Nhưng làm sao người ta có thể thú nhận những tội ác mà họ chẳng bao
giờ thực hiện? Chỉ có một cách duy nhất - áp dụng nhục hình, tra tấn khiến
người ta mất hết tri giác, mất hết lí trí, mất hết phẩm giá con người. Những
lời "thú tội" ảo đã được khai thác như thế đó.
Khi làn sóng đàn áp hàng loạt bắt đầu dịu xuống vào
năm 1939, khi lãnh đạo các tổ chức đảng địa phương tố cáo nhân viên NKVD dùng
nhục hình với những người bị bắt, ngày 10-1-1939, Stalin gửi một bức điện mật
cho bí thư đảng ủy các tỉnh, vùng, BCHTW các nước cộng hòa, các ủy viên nội vụ
và lãnh đạo các cục an ninh thuộc NKVD. Nội dung bức điện như sau:
"BCHTW
ĐCSLX giải thích việc áp dụng nhục hình khi làm nhiệm vụ của NKVD đã được BCHTW
ĐCSLX cho phép từ năm 1937... Được biết tất cả các cơ quan phản gián tư sản đều
áp dụng nhục hình với đại diện giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa, hơn thế nữa,
còn áp dụng dưới những hình thức ghê tởm nhất. Thử hỏi, tại sao an ninh phản
gián xã hội chủ nghĩa lại phải nhân đạo hơn với lũ tay sai hung hãn của tư sản,
với kẻ thù đáng nguyền rủa của giai cấp công nhân và nông dân. BCHTW ĐCSLX cho
rằng phương pháp nhục hình phải được sử dụng, trong tình huống đặc biệt, để
chống lại những kẻ thù của nhân dân, công khai và có vũ trang, như là một
phương pháp đúng đắn và hợp lí".
Bằng việc này, sự vi phạm trắng trợn nhất pháp chế
xã hội chủ nghĩa, nhục hình và tra tấn, như trình bày ở trên, đã khiến những
người vô tội phải tự buộc tội mình và vu khống kẻ khác, đã được Stalin phê
chuẩn, nhân danh BCHTW ĐCSLX.
Gần đây, vài ngày trước đại hội, chúng tôi đã gọi
tới trước phiên họp của Đoàn chủ tịch BCHTW và thẩm tra nhân viên điều tra
Rodos, kẻ đã điều tra và hỏi cung Kosior, Chubar, Kosariov. Đó là một kẻ vô giá
trị, óc chim sẻ, tư cách đạo đức đồi bại. Ấy vậy mà một kẻ như thế lại định
đoạt số phận của những nhà hoạt động tên tuổi của đảng, định đoạt cả đường lối
chính trị, bởi vì khi chứng minh "tội ác" của họ, y đã cung cấp hồ sơ
tài liệu có thể rút ra những kết luận mang tính chính trị lớn.
Thử hỏi, chẳng lẽ một kẻ như thế lại có thể, bằng
trí tuệ của mình, tiến hành điều tra để chứng minh tội trạng của những người
như Kosior và nhiều người khác. Không, y không thể làm gì hơn nếu không có chỉ
đạo sát sao. Tại phiên họp của Đoàn chủ tịch BCHTW y đã khai với chúng tôi:
"Người ta bảo với tôi Kosior và Chubar là kẻ thù của nhân dân, vì vậy, với
tư cách nhân viên điều tra, tôi có bổn phận bắt họ thú nhận họ là kẻ thù".
(Phẫn nộ trong phòng họp.)
Y chỉ có thể khai thác được bằng biện pháp tra tấn
dai dẳng, và những gì y làm đều theo chỉ đạo cụ thể của Beria. Phải nói là tại
phiên họp của Đoàn chủ tịch BCHTW Rodos đã trơ tráo tuyên bố: "Tôi nghĩ
tôi thực hiện mệnh lệnh của đảng". Chỉ thị của Stalin về việc áp dụng nhục
hình với những người bị bắt giữ đã được thi hành trong thực tiễn như thế đó.
Những sự kiện này cùng nhiều sự kiện tương tự chứng
tỏ mọi chuẩn mực nhằm giải quyết vấn đề một cách đúng đắn của đảng đã bị xóa
bỏ; tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyên quyền của một cá nhân.
Sự chuyên quyền của Stalin đã dẫn đến những hậu quả
đặc biệt nặng nề trong thời kì chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Khi xem rất nhiều những tiểu thuyết, phim ảnh và
"công trình nghiên cứu" lịch sử của chúng ta, ta thấy trong đó trình
bày hoàn toàn bóp méo sự thật vai trò của Stalin trong chiến tranh vệ quốc.
Thường thì một bố cục được xây dựng thế này. Stalin đã tiên đoán tất cả. Quân
đội Xô-viết theo kế hoạch chiến lược do Stalin vạch ra từ trước, sử dụng chiến
thuật mang tên "‘phòng thủ tích cực", có nghĩa là chiến thuật, như đã
biết, cho quân Đức tràn vào tận Moskva và Stalingrad. Áp dụng chiến thuật này,
dường như chỉ nhờ vào thiên tài của Stalin, quân đội Xô-viết đã chuyển sang thế
phản công và đập tan quân thù. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới do
các lực lượng vũ trang đất nước Xô-viết và nhân dân anh hùng, được mô tả trong
các loại tiểu thuyết, phim ảnh, "công trình nghiên cứu" như thế đấy,
hoàn toàn nhờ vào thiên tài quân sự của Stalin.
Cần phải lưu tâm xem xét vấn đề này, vì nó có ý
nghĩa vô cùng lớn lao, chẳng những về góc độ lịch sử, mà trên hết còn về góc độ
chính trị, giáo dục và thực tiễn.
Những sự kiện nào trong vấn đề này?
Trước chiến tranh, trên mọi phương tiện báo chí và
công tác giáo dục tuyên truyền trong nước rặt một giọng ngạo mạn: nếu kẻ thù
dám xâm phạm lãnh thổ Xô-viết thiêng liêng, chúng ta sẽ giáng trả gấp ba lần
cho một đòn của quân thù, sẽ tiến hành chiến tranh ngay trên lãnh thổ của chúng
và sẽ chiến thắng với thiệt hại xương máu ít nhất. Tuy nhiên, những lời tuyên
bố được khẳng định ấy còn rất xa với thực tế, đảm bảo sự bất khả xâm phạm biên
cương nước ta.
Theo diễn tiến và khi kết thúc chiến tranh, Stalin
đã nâng cao luận điểm, bi kịch mà nhân dân ta phải gánh chịu trong giai đoạn
đầu của cuộc chiến, tuồng như là hậu quả cuộc tấn công "bất thình
lình" của quân Đức chống Liên Xô. Nhưng thưa các đồng chí, điều này hoàn
toàn không đúng sự thực. Ngay khi Hitler vừa nắm chính quyền nước Đức, y đã đặt
ra sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa cộng sản. Bọn phát-xít đã thẳng thừng tuyên bố
điều này, không hề giấu giếm ý đồ. Để thực hiện kế hoạch xâm lăng, các loại
hiệp ước, khối liên minh, trục đã được kí kết, chẳng hạn "trục Berlin -
Rome - Tokyo". Vô số sự kiện thời kì trước chiến tranh rõ ràng chứng tỏ
Hitler đã tập trung mọi lực lượng để mở cuộc chiến tranh chống nhà nước Xô-viết
và tập trung những binh đoàn lớn, trong đó có binh chủng thiết giáp, gần biên
giới Liên Xô.
Nhiều tài liệu công bố hiện nay cho thấy từ ngày
3-4-1941 Churchill, thông qua Kripps, đại sứ Anh tại Liên Xô, đã đích thân cảnh
báo Stalin về việc Đức Quốc xã bắt đầu điều động các binh đoàn chuẩn bị mở cuộc
tấn công Liên Xô. Tất nhiên, Churchill làm thế chẳng phải vì thiện cảm với nhân
dân Xô-viết. Ở đây ông ta theo đuổi mục tiêu quyền lợi đế quốc - đẩy Đức Quốc
xã và Liên Xô vào cuộc chiến tranh đẫm máu, từ đó củng cố địa vị của đế quốc
Anh. Tuy vậy, Churchill nhấn mạnh trong bức công hàm, ông "cảnh báo Stalin
chú ý đến mối hiểm họa đang đe dọa". Churchill liên tục nhấn mạnh vấn đề
này trong các công điện ngày 18-4 và những ngày tiếp theo. Nhưng Stalin chẳng
chút lưu tâm đến những cảnh báo này. Ngoài ra, Stalin còn chỉ thị không được
tin vào những thông tin loại ấy nhằm tránh khiêu khích mở đầu hoạt động quân
sự.
Cần phải nói, thông tin về hiểm họa lơ lửng trên
đầu của các binh đoàn Đức xâm lược lãnh thổ Liên Xô cũng đã được các nguồn tin
quân sự và ngoại giao của chúng ta đưa ra, nhưng do chỉ thị về việc không được
tin vào những thông tin loại này nên mỗi lần báo cáo thông tin lên cấp lãnh đạo
phải hết sức dè dặt và luôn phải bàn bạc cân nhắc.
Chẳng hạn, trong báo cáo gửi từ Berlin ngày
6-5-1941, tùy viên quân sự đại tá hải quân Vorontsov trình bày: "Một công dân Liên Xô tên Bozer... đã báo cho
phó tùy viên hải quân là theo lời một sĩ quan Đức tại tổng hành dinh của
Hitler, quân Đức chuẩn bị xâm lược Liên Xô vào ngày 14-5 qua ngả Phần Lan, các
nước Baltic và Latvia. Đồng thời, không quân Đức sẽ tấn công ồ ạt Moskva và
Leningrad và biệt kích dù xâm nhập các thành phố trung tâm dọc theo biên
giới..."
Trong báo cáo ngày 22-5-1941, Khlopov, phó tùy viên
quân sự tại Berlin báo cáo "... cuộc
tấn công của quân đội Đức được ấn định vào ngày 15-6, nhưng có khả năng sẽ bắt
đầu vào những ngày đầu tháng Sáu...".
Trong bức điện của đại sứ nước ta tại London ngày 18-6-1941
báo cáo: "Liên quan đến tình hình
hiện tại, Kripps khẳng định chắc chắn đụng độ quân sự giữa Đức và Liên Xô là
không tránh khỏi, và sẽ diễn ra chậm nhất là giữa tháng Sáu. Theo lời Kripps,
hôm nay quân Đức đang tập trung 147 sư đoàn (kể cả không quân và các lực lượng
tiếp ứng) dọc biên giới Liên Xô...".
Mặc cho những tín hiệu tối quan trọng như thế,
không có biện pháp thiết yếu nào được đưa ra để chuẩn bị quốc phòng và loại trừ
tình huống bị tấn công bất ngờ.
Chúng ta có đủ thời gian và khả năng cho việc chuẩn
bị không? Có, đủ thời gian và đủ khả năng. Nền công nghiệp của chúng ta đang
phát triển ở mức hoàn toàn có thể đảm bảo cho quân đội Liên Xô những gì cần
thiết. Điều này được khẳng định bằng thực tế, trong diễn tiến cuộc chiến tranh,
một nửa nền công nghiệp của chúng ta bị thiệt hại do hậu quả Ukraina, Bắc
Caucase, miền Tây đất nước, những vùng công nghiệp và lương thực quan trọng bị
kẻ thù chiếm đóng, nhân dân Xô-viết vẫn biết tổ chức sản xuất quân nhu ở các
vùng phía Đông, vẫn đưa vào hoạt động những thiết bị được chuyển từ các khu
công nghiệp miền Tây về và đã đảm bảo cho lực lượng vũ trang tất cả những gì
cần thiết yếu để đập tan quân thù.
Nếu như nền công nghiệp chúng ta được điều động kịp
thời và đúng lúc để đảm bảo cho quân đội vũ khí và quân trang quân dụng cần
thiết thì chúng ta đã chỉ phải chịu hi sinh mất mát ít hơn rất nhiều trong cuộc
chiến khốc liệt này. Tuy nhiên việc điều động kịp thời đã không được tiến hành.
Từ những ngày đầu chiến tranh đã phát hiện quân đội ta được vũ trang rất yếu
kém, chúng ta không đủ pháo, xe tăng, máy bay để đẩy lùi quân địch.
Khoa học và kĩ thuật Xô-viết đã chế tạo được các mô
hình tuyệt vời xe tăng và pháo ngay từ thời trước chiến tranh. Có điều việc sản
xuất hàng loạt những vũ khí này chưa tiến hành, và chúng ta mới tái vũ trang
cho quân đội ngay trước ngày chiến tranh bùng nổ. Hậu quả là vào thời điểm quân
thù tấn công trên lãnh thổ Xô-viết, chúng ta không có đủ số lượng vũ khí cần
thiết theo kĩ thuật cũ, đã không còn được trang bị, mà cũng không đủ vũ khí mới
do chưa kịp sản xuất hàng loạt trong công nghiệp quân sự. Pháo cao xạ còn rất
lạc hậu, việc sản xuất đạn trái phá bọc đồng chống tăng chưa được tổ chức.
Nhiều vùng chiến lược vào thời điểm kẻ địch tấn công không đương đầu nổi vì vũ
khí cũ đã bị loại bỏ, còn vũ khí mới chưa kịp trang bị.
Đáng tiếc, vấn đề không phải chỉ đối với xe tăng,
pháo và máy bay. Đầu cuộc chiến ta còn không đủ cả súng trường để trang bị cho
binh lính mới được động viên nhập ngũ. Tôi còn nhớ vào những ngày đó, tôi đã
gọi điện từ Kiev cho đồng chí Malenkov:
- Nhiều người tình nguyện nhập ngũ và họ đòi cấp
súng đạn. Gửi vũ khí cho chúng tôi.
Malenkov trả lời:
- Chúng tôi không thể gửi vũ khí. Tất cả súng đã
gửi đi Leningrad rồi, các đồng chí phải tự vũ trang lấy. (Xôn xao trong phòng
họp.)
Tình trạng vũ khí là như thế.
Không thể không nhớ đến sự kiện liên quan đến vấn
đề này. Ít lâu trước cuộc tấn công của quân Hitler vào lãnh thổ Xô-viết,
Kirponos - thời ấy là tư lệnh vành đai quân sự đặc khu Kiev (đã hi sinh tại mặt
trận) - báo cáo Stalin là quân Đức đã tiến gần sông Bug và đang củng cố lực
lượng để chuẩn bị tấn công trong thời gian sớm nhất. Dự liệu điều này, Kirponos
đề nghị thiết lập một hệ thống phòng thủ chắc chắn, di tản khoảng 300 ngàn dân
cư khỏi các vùng biên giới và xây dựng vành đai phòng ngự kiên cố: đào chiến
hào chống tăng, đắp công sự cho chiến sĩ v.v...
Đáp lại đề nghị này, Moskva trả lời đó là một hành
động khiêu khích, không được tiến hành bất cứ hành động gì dọc biên giới để
quân Đức khỏi mượn cớ mở hành động quân sự chống lại ta. Và biên giới của ta
thực sự không được chuẩn bị để ngăn chặn quân thù.
Khi các binh đoàn phát-xít đã tràn qua lãnh thổ
Xô-viết và bắt đầu những hành động quân sự, mệnh lệnh từ Moskva vẫn là không
được bắn trả. Tại sao? Bởi vì Stalin, bất chấp những sự kiện rành rành, vẫn cho
rằng chiến tranh chưa xảy ra, mà chỉ là hành động khiêu khích của vài đơn vị vô
kỉ luật của quân Đức và đòn giáng trả của chúng ta sẽ là cái cớ để bùng nổ
chiến tranh.
Sự kiện này cũng được biết đến. Ngay trước ngày
quân đội Hitler xâm lược lãnh thổ Liên Xô, một công dân Đức đã vượt biên giới
nước ta và thông báo quân Đức được lệnh tấn công Liên Xô vào 3 giờ đêm ngày
22-6. Thông tin ngay lập tức được báo cáo Stalin, song tín hiệu này vẫn hoàn
toàn bị bỏ qua.
Như các đồng chí thấy, mọi thứ đều bị phớt lờ: cảnh
báo của cấp lãnh đạo quân sự, tin tức của lính Đức đào ngũ và thậm chí những
hành động rành rành của kẻ địch. Đó có phải là tinh thần cảnh giác của một lãnh
tụ đảng và đất nước trong một khoảnh khắc lịch sử quan trọng như thế?
Thái độ thản nhiên, phớt lờ những sự kiện rành rành
ấy đã dẫn đến hậu quả ra sao? Hậu quả là ngay trong những giờ đầu và ngày đầu
cuộc chiến, tại các vùng biên giới, kẻ thù đã tiêu diệt số lượng lớn không
quân, pháo binh, các trang bị quân sự khác, đã sát hại số lượng đáng kể cán bộ
quân sự, phá tan bộ tham mưu quân đoàn của ta, và chúng ta lâm vào tình trạng
không ngăn nổi bước tiến của quân thù vào sâu lãnh thổ.
Những hậu quả thảm hại, đặc biệt trong giai đoạn
đầu cuộc chiến, cũng do tình trạng vào thời kì 1937-1941 Stalin, vì bản tính đa
nghi của mình, dựa trên những lời buộc tội vu khống đã thủ tiêu nhiều cán bộ
lãnh đạo quân sự và chính trị. Suốt những năm đó, các cuộc đàn áp đã triệt hạ
những tầng lớp cán bộ quân sự, từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến những lãnh đạo
quân sự cấp cao, trong đó nhiều người đã từng kinh qua chiến tranh ở Tây Ban
Nha và Viễn Đông.
Chính sách đàn áp trên diện rộng đối với các cán bộ
quân sự còn gây hậu quả nghiêm trọng là phá vỡ nền móng kỉ luật quân đội, vì
trong nhiều năm liền, người ta đã gợi ý các sĩ quan các cấp, thậm chí cả binh
lính trong đảng và trong đoàn thanh niên cộng sản phải "vạch mặt" chỉ
huy cấp cao như những kẻ thù giấu mặt. (Xôn xao trong phòng họp.). Lẽ tự nhiên,
điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kỉ luật quân đội trong giai đoạn đầu chiến
tranh.
Và trước chiến tranh chúng ta có nhiều cán bộ quân
sự lỗi lạc, những người trung thành vô hạn với đảng và với tổ quốc. Đủ cơ sở để
nói, những người còn sống sót, tôi muốn nói đến các đồng chí như Rokossovsky (đã
bị ngồi tù), Gorbatov, Maretskov (là đại biểu đại hội này), Podlas (một tư lệnh
nổi tiếng đã hi sinh ngoài mặt trận) và nhiều, rất nhiều đồng chí khác, bất kể
đã phải trải qua đau khổ nặng nề trong ngục tù, từ những ngày đầu chiến tranh
đã tỏ ra là những người yêu nước chân chính và đã anh dũng chiến đấu vì tổ quốc
vinh quang. Nhưng cũng nhiều tư lệnh đã bỏ xác trong các trại cải tạo hoặc
trong nhà tù, và quân đội ta không được gặp lại họ nữa.
Tất cả những điều ấy đã dẫn đến tình trạng đất nước
ta vào thời kì đầu cuộc chiến và gây ra mối hiểm họa vô cùng to lớn cho số phận
của tổ quốc ta.
Thật không đúng đắn nếu không nói rằng sau những
thất bại và những tổn thất nặng nề đầu tiên ngoài mặt trận, Stalin nghĩ rằng đã
lâm vào bước đường cùng. Trong một cuộc nói chuyện hồi đó, Stalin tuyên bố:
- Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn tất cả những gì
Lenin gây dựng.
Sau đó, trong một thời gian dài, thực tế Stalin
không chỉ đạo các hoạt động quân sự, nói chung đồng chí ấy chẳng làm gì cả và
chỉ điều hành trở lại khi một số ủy viên Bộ Chính trị đến gặp đồng chí và đề
nghị thi hành cấp tốc một số biện pháp để cải thiện tình hình ngoài mặt trận.
Như thế, hiểm họa khôn lường treo lơ lửng trên đầu
tổ quốc ta vào thời kì đầu chiến tranh, phần lớn là hậu quả của phương pháp sai
lầm trong việc lãnh đạo đất nước và đảng của Stalin.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ vào thời điểm chiến
tranh bùng nổ, đã làm rối loạn nghiêm trọng quân đội và gây ra nhiều thiệt hại
nặng nề. Về sau này, sự cáu kỉnh và thần kinh không ổn định của Stalin trong
việc can thiệp loạn xạ vào hoạt động quân sự cũng làm quân đội ta bị thiệt hại
nặng nề.
Stalin hoàn toàn không nắm được tình hình thực tế
ngoài mặt trận. Và điều này là lẽ tự nhiên, vì suốt thời kì chiến tranh vệ
quốc, Stalin không hề có mặt tại một mặt trận nào, hay một thành phố nào vừa
được giải phóng, nếu không kể một cuộc đi thăm chớp nhoáng trên quốc lộ
Mojaisky khi tình thế mặt trận đã ổn định, được mô tả trong không biết bao
nhiêu tác phẩm văn học, với những thêm thắt thêu dệt đủ loại, và trong không
biết bao nhiêu bức tranh tuyệt đẹp. Cùng lúc đó, Stalin trực tiếp can thiệp vào
những cuộc hành quân, ban hành các mệnh lệnh hoàn toàn không căn cứ vào tình
hình thực tế mặt trận, không thể không gây tổn thất vô cùng to lớn về nhân
mạng.
Tôi xin nêu một sự việc điển hình liên quan đến vấn
đề này, chứng tỏ cách thức Stalin đã chỉ đạo mặt trận. Tham dự đại hội hôm nay
có nguyên soái Bagramian, thời đó là chỉ huy trưởng bộ tham mưu mặt trận Tây
Nam, và đồng chí có thể chứng thực lời của tôi.
Năm 1942, khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm
trọng cho quân ta tại Kharkov, chúng tôi đã thông qua quyết định đúng đắn về
việc ngừng hành quân bao vây Kharkov, vì tình hình thực tế hồi đó cho thấy việc
tiếp tục hành quân có thể gây thiệt hại thảm khốc cho quân đội ta.
Chúng tôi báo cáo Stalin, tuyên bố rằng tình hình
hiện tại đòi hỏi phải thay đổi kế hoạch hành động, để quân địch không có cơ hội
tiêu diệt các cứ điểm quân đội của ta.
Trái với tư duy lành mạnh, Stalin bác bỏ đề xuất
của chúng tôi và ra lệnh tiếp tục hành quân bao vây Kharkov, mặc dù khi đó rất
nhiều cứ điểm quân ta đang bị đe dọa bao vây và tiêu diệt.
Tôi gọi điện cho Vasilievsky và khẩn khoản với đồng
chí:
- Alexandre Mikhailovich (đồng chí Vasilievsky đang
có mặt ở đây), đồng chí hãy lấy bản đồ và chỉ cho đồng chí Stalin biết tình
hình. Phải lưu ý là Stalin lên kế hoạch quân sự trên quả địa cầu dùng cho học
trò. (Xôn xao trong phòng họp.) Đúng thế, thưa các đồng chí, lấy một quả địa
cầu và vạch tuyến mặt trận trên đó. Tôi nói với đồng chí Vasilievsky, hãy chỉ
tình hình trên bản đồ, trong điều kiện hiện nay không được tiếp tục kế hoạch dự
định. Phải thay đổi quyết định cho phù hợp tình thế.
Vasilievsky trả lời tôi Stalin đã xem xét vấn đề
này và đồng chí, Vasilievsky, không muốn chứng minh với Stalin nữa, vì Stalin
không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về kế hoạch hành quân này.
Sau cuộc nói chuyện với Vasilievsky, tôi gọi điện
về nhà nghỉ Stalin. Nhưng Stalin không nhấc máy mà là Malenkov. Tôi nói với
đồng chí Malenkov là tôi gọi từ mặt trận và muốn nói chuyện trực tiếp với đồng
chí Stalin. Qua Malenkov, Stalin bảo tôi có gì cứ nói với Malenkov. Tôi nhấn
mạnh lần thứ hai là muốn báo cáo trực tiếp với Stalin về tình hình nguy cấp của
chúng tôi ngoài mặt trận. Nhưng Stalin cho rằng không cần thiết nhấc ống nghe,
và một lần nữa khẳng định cứ báo cáo thông qua Malenkov, mặc dù khi đó Stalin
chỉ đứng cách điện thoại vài bước chân.
Sau khi đã "lắng nghe" đề nghị của chúng
tôi bằng cách ấy, Stalin trả lời:
- Cứ theo kế hoạch cũ!
Và kết quả ra sao? Không thể nào tệ hại hơn, như
chúng tôi dự liệu. Quân Đức đã bao vây các cứ điểm quân ta và chúng ta đã bị
thiệt hại hàng trăm ngàn binh sĩ. Thế đấy, "thiên tài" quân sự của
Stalin là như thế, nó đã đáng giá như thế nào! (Xôn xao trong phòng họp.)
Có lần, sau chiến tranh, trong cuộc gặp gỡ của
Stalin với các ủy viên Bộ Chính trị, Anastas Ivanovich Mikoyan có nhắc chuyện
Khrushyov đã có lí khi gọi điện báo cáo về kế hoạch hành quân tại Kharkov, và
thật đáng tiếc khi đề xuất của đồng chí đã không được ủng hộ.
Phải hình dung xem Stalin đã nổi trận lôi dình như
thế nào! Làm sao có thể nhìn nhận là Stalin không đúng đắn! Bởi Stalin là một
"thiên tài", mà thiên tài thì sao mà sai được! Mọi người, bất kì ai,
đều có thể sai lầm, nhưng Stalin thì cho rằng mình không bao giờ sai lầm, luôn
luôn đúng. Và đồng chí không bao giờ, không với một ai, thú nhận là mình sai,
lỗi lớn hay lỗi nhỏ, mặc dù đồng chí đã phạm không ít sai lầm cả trong lí
thuyết lẫn trong vấn đề thực tiễn. Sau đại hội này, chắc chắn chúng ta phải xem
xét lại cách đánh giá nhiều kế hoạch tác chiến và đưa ra những giải thích đúng
đắn.
Chúng ta đã phải trả giá bằng nhiều xương máu cho
chiến thuật mà Stalin cứ khăng khăng chỉ đạo, không am hiểu gì bản chất của chỉ
huy quân sự, kể cả sau khi đã ngăn chặn được bước tiến quân địch và chuyển sang
thế phản công.
Các nhà quân sự đều biết ngay từ cuối năm 1941,
thay vì phải mở đầu tổng hành quân di chuyển vòng theo sườn địch để đánh thọc
vào hậu tuyến, Stalin lại đòi hỏi liên tục đánh trực diện để chiếm lại từng
ngôi làng. Và chúng ta chịu nhiều tổn thất nặng nề, chỉ cho đến khi các tướng
lĩnh của ta, hai vai mang mọi gánh nặng của chiến tranh, đã kịp biến đổi tình
thế và chuyển sang những chiến dịch mềm dẻo hơn, và cục diện lập tức xoay
chuyển nhanh chóng trên các mặt trận theo hướng có lợi cho quân ta.
Một sự thật nhục nhã và hoàn toàn không xứng đáng
là sau thắng lợi vĩ đại trước kẻ thù bằng một giá quá đắt, Stalin lại bắt đầu
công kích nhiều nhà chỉ huy quân sự, những người đã cống hiến nhiều công sức để
chiến thắng quân thù, bởi lẽ Stalin muốn loại trừ hết mọi khả năng những công
trạng ngoài mặt trận lại có thể là của một ai đó khác hơn là của chính đồng
chí.
Stalin rất quan tâm sự đánh giá của mọi người về
đồng chí Jukov, nhà chỉ huy quân sự của ta. Nhiều lần đồng chí hỏi ý kiến tôi
về Zhukov, và tôi trả lời:
- Tôi biết Zhukov đã lâu, đồng chí là một vị tướng
giỏi và một nhà chỉ huy quân sự tài ba.
Sau chiến tranh, Stalin bắt đầu gieo rắc những
chuyện không hay về Zhukov, chẳng hạn, đồng chí nói với tôi:
- Đồng chí khen ngợi Zhukov, nhưng đồng chí ấy có
xứng đáng đâu. Người ta kể, ngoài mặt trận trước mỗi cuộc hành quân, Zhukov làm
thế này: bốc một nắm đất, đưa lên mũi ngửi rồi nói: có thể bắt đầu tấn công,
hoặc ngược lại, không thể thực hiện kế hoạch tác chiến dự định.
Khi đó, tôi đã trả lời:
- Thưa đồng chí Stalin, tôi không biết ai đã bịa
đặt chuyện đó, nhưng không đúng thế.
Có thể chính Stalin đã bịa ra những chuyện đại loại
thế để hạ thấp vai trò và tài năng quân sự của nguyên soái Zhukov.
Liên quan đến vấn đề này, Stalin rất sốt sắng đánh
bóng bản thân như một nhà chỉ huy quân sự vĩ đại, bằng mọi cách cấy vào nhận
thức mọi người ý nghĩ là tất cả chiến công trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ
đại do nhân dân Sô-viết làm nên, đều là kết quả của lòng can đảm, sự quả cảm,
thiên tài lỗi lạc của Stalin, ngoài ra không có gì hơn. Cứ như chàng Kuzma
Kryuchkov trong cổ tích - một nhát bảy mạng. (Xôn xao trong phòng họp.)
Trong thực tế, cứ thử xem các phim ảnh về đề tài
lịch sử và quân sự của ta hoặc một số tác phẩm văn học, đọc qua là thấy buồn nôn.
Thực chất chúng được hướng vào mục đích tuyên truyền cho chính cái kịch bản để
vinh danh Stalin như một vị chỉ huy thiên tài. Thử nhớ lại cuốn phim
"Berlin thất thủ". Trong đó, Stalin độc diễn: đồng chí ra chỉ thì
trong một sảnh đường với toàn ghế trống, và chỉ có một người tiến lại gần và
báo cáo điều gì đó - đó là Poskrebyshev, kẻ hầu cận trung thành. (Cười lớn
trong phòng họp.)
Còn bộ tổng tham mưu lúc đó ở đâu? Bộ Chính trị ở
đâu? Chính phủ ở đâu? Họ làm gì và đang bận việc gì? Không có trong phim. Stalin
độc diễn thay cho tất cả, chẳng đếm xỉa, chẳng bàn bạc với ai. Người ta đã công
chiếu trước nhân dân cái loại hình bị bóp méo xuyên tạc này. Để làm gì? Để bọc
Stalin trong một vầng hào quang, bất kể mọi sự kiện, bất kể sự thật lịch sử.
Thử hỏi, còn những người lính của chúng ta lúc đó ở
đâu, những người oằn cả hai vai dưới gánh nặng của cuộc chiến tranh? Trong phim
không có, sau Stalin chẳng còn một chỗ nào cho họ.
Không phải Stalin, mà là toàn đảng, chính phủ
Xô-viết, quân đội anh hùng, những nhà chỉ huy quân sự tài ba, những người lính
quả cảm, toàn thể nhân dân Xô-viết - những người đã làm nên chiến thắng của
cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. (Vỗ tay vang dội kéo dài.)
Các ủy viên BCHTW, các bộ trưởng, các nhà quản lí
kinh tế, các nhà hoạt động văn hóa Xô-viết, lãnh đạo các tổ chức đảng và
Xô-viết địa phương, các kĩ sư, kĩ thuật viên - mỗi người tại vị trí của mình,
đã cống hiến hết sức lực và kiến thức một cách quên mình để chiến thắng kẻ thù.
Hậu phương của chúng ta đã thể hiện chủ nghĩa anh
hùng tuyệt đối: giai cấp công nhân vinh quang, nông dân, trí thức Xô-viết, dưới
sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn mất mát thời
chiến, đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Phụ nữ Xô-viết của chúng ta đã làm nên chiến công
hiển hách khi nhận trên đôi vai gánh nặng của nhiệm vụ sản xuất trong các công
xưởng, các nông trang, trong mọi bộ phận của ngành kinh tế và văn hóa, nhiều
phụ nữ đã trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, lớp thanh niên anh dũng của chúng
ta, ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương đã có những đóng góp vô giá trong sự
nghiệp bảo vệ tổ quốc Xô-viết, trong công cuộc đập tan quân thù.
Những chiến công bất tử của người lính Xô-viết,
những nhà chỉ huy quân sự và nhà chính trị các cấp, những người trong ngày đầu
chiến tranh, sau thiệt hại đáng kể của quân đội ta, không ngã lòng, biết củng
cố lại lực lượng, xây dựng và tôi luyện trong chiến đấu quân đội hùng mạnh và
anh dũng, chẳng những chặn đứng được kẻ thù mạnh mẽ và xảo quyệt mà còn đập tan
bọn chúng.
Chiến công vĩ đại của nhân dân Xô-viết trong cuộc
chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã cứu hàng trăm triệu con người, phương Đông lẫn
phương Tây, khỏi hiểm họa nô dịch phát-xít lơ lửng trên đầu, sẽ còn sống mãi
trong kí ức của nhân loại biết ơn, hàng thế kỉ, hàng thiên niên kỉ sau này. (Vỗ
tay kéo dài.)
Vai trò chủ yếu và chiến công trong việc kết thúc
thắng lợi cuộc chiến tranh này thuộc về đảng ta, các lực lượng vũ trang Liên
Xô, hàng triệu triệu nhân dân Xô-viết do đảng đào tạo. (Vỗ tay vang dội kéo
dài.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét