Matryona Vasilyevna tại nhà của bà năm 1956 |
3
Sáng sớm, mấy người phụ nữ đem về từ chỗ giao lộ
tất cả những gì còn lại của Matryona trên một chiếc xe trượt tuyết nhỏ, bên
trên phủ một tấm bao bố bẩn thỉu. Người ta vất chiếc bao đi để tắm rửa cho bà
lần cuối. Những gì còn lại là một đống bầy nhầy: mất chân, mất một nửa thân, và
cả cánh tay trái. Một người đàn bà làm dấu và nói:
- Chúa đã để lại cho bà bàn tay phải. Bà sẽ có thể
cầu nguyện ở trên ấy.
Và đây, đám chậu cây ficus mà Matriona đã iêu
thương đến độ một đêm, giật mình thức dậy giữa mùi khói sặc sụa, bà không lo
chạy đi cứu ngôi nhà mà chỉ lo ném đám cây xuống đất (cho chúng khỏi chết ngộp vì
khói), đang được mang ra khỏi căn nhà. Sàn nhà được lau chùi sạch sẽ. Tấm gương
mờ của bà được che lại bằng một cái khăn dệt tay của thời xa xưa. Những tấm
bích chương vô vị trên tường được gỡ xuống. Bàn của tôi được dời đi. Sát cửa sổ
và dưới các bức tượng thánh, người ta đặt cỗ quan tài thô sơ không có đường
diềm trang trí trên mấy cái ghế đẩu.
Xác Matryona được đặt trong hòm. Thân thể không
toàn vẹn của bà được phủ một tấm khăn trải giường sạch và đầu bà được quấn một chiếc
khăn quàng trắng, gương mặt bà vẫn nguyên vẹn, bình thản, trông như còn sống
hơn là đã chết.
Người trong làng đến, đứng nhìn bà một lúc rồi đi.
Đàn bà thì mang luôn cả con cái đến cho chúng nhìn người chết lần cuối. Mỗi khi
có ai bắt đầu khóc thì tất cả mấy bà, luôn cả những bà chỉ đến vì tò mò, đều
thi nhau sướt mướt từ cửa ra vào cho đến dọc theo bốn vách tường như để phụ họa
cho dàn đồng ca. Đàn ông thì đứng thẳng, im lặng, đầu để trần.
Các bà họ hàng mới là những giọng hát chính. Trong
tiếng khóc than đó, tôi ghi nhận có một trật tự đã được nghiền ngẫm một cách
lạnh lùng và được thực hiện từ muôn thuở đến giờ. Những bà có họ xa thì chỉ đến
đứng một lúc cạnh quan tài và kể lể nho nhỏ. Những bà nào cho là mình có họ
hàng gần thì bắt đầu khóc ngay từ ngưỡng cửa, và khi đến gần quan tài thì họ
cúi xuống tận mặt người quá cố để khóc than. Mỗi bà sáng tác một âm điệu riêng
biệt, trong đó chứa đựng tất cả í nghĩ và tình cảm riêng của mình.
Có dịp này tôi mới biết được là sự than khóc người
chết không phải là những khóc lóc tầm thường, mà trong chừng mực nào đó, là vụ
áp-phe chính trị. Ba bà em của Matryona đến với vẻ hấp tấp, vội vã, họ chiếm
ngôi nhà, con dê và cái lò, khóa cái rương bằng một ổ khóa, mở lớp vải lót của
cái áo bành tô để lấy số tiền hai trăm rúp ra làm ma chay, giải thích với mọi
người họ là những người bà con gần duy nhất của Matryona. Và họ cũng khóc trên
quan tài của bà:
- Ối, chị ơi là chị ơi! Trời ơi! Người mẹ nhỏ bé
của em! Tụi em chỉ có mình chị thôi! Chị có thể sống iên thân mà! Tụi em lúc
nào cũng yêu quý chị mà! Cái "căn phòng" của chị nó giết chị rồi, chị
ơi! "Căn phòng" đáng nguyền rủa ấy nó kết liễu đời chị rồi! Sao chị
lại đi tháo nó ra làm gì? Ôi! Sao chị không nghe lời chúng em?
Như vậy rõ ràng những lời than khóc của mấy bà em
là lời buộc tội gia đình bên chồng bà: đáng lẽ không nên ép Matryona phá "căn
phòng" (và như vậy có nghĩa là mấy người có thể đã chiếm "căn phòng",
nhưng ngôi nhà này thì đừng hòng).
Gia đình bên chồng - chị em dâu của Matryona, chị
em gái của Efim và Faddei, rồi thêm đủ loại cháu chắt đều đến và cũng khóc lóc:
- Trời ơi! Thím ơi là thím! Sao thím không thương
lấy thân? Rồi bây giờ thế nào họ cũng oán trách chúng cháu cho mà xem! Ối trời
ơi! Thím iêu dấu ơi! Tại thím cả thôi! Chứ "căn phòng" nó có tội tình
gì đâu! Tại sao thím lại đi đến nơi thần chết đang rình rập làm chi? Có ai bắt thím
đi đâu! Thím xem thím chết như thế nào nè! Tại sao thím không chịu suy nghĩ?
Tại sao thím không nghe lời chúng cháu chớ?
(Trong những lời than khóc đó ta thấy có câu trả
lời: chúng tôi không can dự gì trong cái chết của bà ấy cả; còn vụ ngôi nhà sẽ
tính sau!).
Nhưng bà Matryona thứ nhì có gương mặt to với những
đường nét thô kệch, một Matryona thay thế mà trước kia Faddei đã lấy chỉ vì cái
tên của bà ta, không theo nổi cái chính trị đó, bà thét to lên, rất mộc mạc,
nấc nghẹn ngào trên quan tài:
- Nhưng mà em là em gái của chị mà! Không lẽ em lại
giận chị sao? Ôi, chao ôi! Ôi, chao ôi! Mình nói chuyện với nhau không biết bao
nhiêu lần rồi! Em tha lỗi cho chị nhé. Chị khổ lắm! Ôi chao ôi! Em về với mẹ em
rồi, chắc thế nào em cũng về tìm chị mà! Ôi chao ôi! Ôi chao ôô...ôi!..
Trong cái "ôi chao ôô... ôi..." đó, bà có
vẻ như dồn hết hơi thở và tinh thần của mình vào, rồi bà đập ngực vào quan tài
liên hồi. Đến khi sự khóc lóc của bà đã vượt quá giới hạn nghi thức thì tất cả
mấy bà kia đều đồng thanh, như muốn công nhận như vậy là đủ thành công lắm rồi:
- Thôi! Thôi!
Matryona bỏ đi, nhưng sau đó quay lại và còn khóc
lóc dữ dội hơn nữa. Thế rồi một bà lão rất già, lọm khọm từ một góc phòng bước
ra, đặt tay lên vai Matryona và nói với giọng nghiêm nghị:
- Trên đời có hai điều bí mật: ta sanh ra thế nào -
không nhớ, ta sẽ chết thế nào - chưa biết được.
Matryona nín ngay lập tức, và tất cả đều nín, đến
mức trong phòng chỉ còn sự im lặng hoàn toàn.
Nhưng rồi chính bà lão đó, già hơn những bà già
hiện có mặt tại đây rất nhiều, và hình như không có họ hàng gì với Matryona,
một lúc sau lại òa lên khóc:
- Ôi, Matryona đau khổ tội nghiệp! Ôi, Vasilyevna
của tôi! Tôi chán phải đưa xác mọi người như thế này lắm rồi!
Rồi đến lượt người con nuôi Kira đau khổ rấm rứt
khóc, lần này không theo nghi thức, vì những tiếng nức nở của chị ta giản dị
hơn, như thường thấy ở thời đại chúng ta. Chính vì chị mà người ta đã hạ "căn
phòng" xuống và chở đi. Những lọn tóc quăn của chị rối bời thảm não. Mắt
đỏ hoe như rướm máu. Chị không buồn để í đến cái khăn quàng của chị đã tuột ra
và rơi xuống đất lạnh, chị mặc bành tô mà còn chưa xỏ tay. Chị ngơ ngác chạy từ
nhà này đến nhà kia, từ chiếc quan tài của bà mẹ nuôi đến chiếc quan tài của
người anh, và mọi người đều lo cho thần kinh của chị vì chồng chị còn sắp phải
ra tòa.
Với những gì đã xảy ra, anh ta sẽ bị buộc tới hai
tội: không những trực tiếp tham gia vụ chở "căn phòng", thêm vào đó
là lái tàu, đáng lí anh phải biết rõ luật lệ là khi băng qua giao lộ không có
thanh chắn, anh phải chạy ngược đến ga trước để báo cho người ta biết là sắp có
máy kéo băng qua. Đêm ấy, trên chuyến tàu tốc hành Ural, hàng ngàn sinh mạng
đang iên giấc trên những giường tầng của toa tàu, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn
đèn, có thể đã ra đi vĩnh viễn. Vì lòng tham của một nhóm người muốn chiếm một
mảnh đất nhỏ nhoi, hoặc vì không chịu để cho chiếc máy kéo đi thêm một chuyến
thứ hai.
"Căn phòng" đã mang một lời nguyền xui
xẻo kể từ khi Faddei đang tâm xuống tay phá hủy nó.
Anh lái máy kéo đã vĩnh viễn thoát khỏi phán xử của
người sống. Về phần Cục đường sắt thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về việc
không đặt trạm gác và thanh chắn tại giao lộ có xe cộ qua lại thường xuyên, và
hai cái đầu máy lôi nhau chạy thụt lùi mà không đèn đóm gì hết. Chính vì thế mà
thoạt tiên người ta đã cố đổ lỗi cho say rượu và giờ đây thì tìm cách ỉm đi cho
êm chuyện.
Đường sắt bị hỏng nặng đến mức trong ba ngày liền,
khi các cỗ quan tài vẫn còn được quàn trong nhà, tàu không thể di chuyển qua đó
được, mà phải đi vòng bằng đường rẽ. Trong các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ
nhật, từ khi xảy ra hậu quả cho đến lúc chôn cất, người ta phải sửa chữa đường
sắt, nơi xảy ra tai nạn, cả ngày lẫn đêm. Công nhân sửa chữa bị lạnh cóng và để
sưởi ấm và soi sáng ban đêm, họ đốt những đống lửa lớn bằng ván và những súc gỗ
chất trên chiếc xe trượt thứ nhì còn vung vãi nơi giao lộ.
Còn chiếc xe trượt thứ nhất, vẫn còn nguyên vẹn,
thì nằm cách đó không xa, phía bên kia giao lộ.
Và chính điều ấy, một chiếc thì như trêu ngươi, nằm
đợi với một đầu cáp sẵn sàng để được kéo đi, còn chiếc kia vẫn còn có thể cứu
thoát khỏi ngọn lửa của đám thợ sửa đường, đã làm cho lão già râu đen Faddei
ray rứt, đứng ngồi không iên suốt cả ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Con gái thì sắp
loạn thần kinh, con rể thì sắp bị tòa xử, đứa con trai do lão mà chết xác không
nguyên vẹn, còn nằm trong nhà chưa kịp đem chôn, và cũng trên cùng con đường ấy,
còn xác một người lão đã từng iêu và nay cũng do lão mà chết. Faddei chỉ đứng
bên cạnh mấy cỗ quan tài trong chốc lát, tay vuốt hàm râu. Vầng trán cao của
lão sa sầm vì những í nghĩ khổ sở dằn vặt, lão đang nung nấu í nghĩ là làm cách
nào cứu những súc gỗ của "căn phòng" khỏi ngọn lửa và khỏi âm mưu của
mấy người em gái của Matryona.
Kiểm điểm lại những người dân sống ở Talnovo, tôi
nhận thấy Faddei không phải là kẻ duy nhất thuộc hạng như vậy trong làng.
Và ngôn ngữ của họ có cách diễn tả lạ lùng khi gọi
của cải của người khác là của "chúng ta". Và để mất nó đi là một điều
nhục nhã và ngu xuẩn trước mọi người.
Faddei chạy từ làng đến ga, từ lãnh đạo cơ quan này
đến lãnh đạo cơ quan nọ, không còn chút thì giờ nào để ngồi nghỉ, với cái lưng
không đứng thẳng nổi của lão, lúc nào cũng phải chống vào cây gậy, để van xin
người ta rũ lòng thương hại tuổi tác già nua của lão mà cho phép lão mang "căn
phòng" về.
Rồi cũng có người ban ơn cho lão. Thế là Faddei huy
động con trai, con rể và cháu, những người còn sống sót, đi tìm ngựa ở nông
trang, đánh một vòng qua ba ngôi làng để sang phía bên kia con đường sắt bị hư
hại, và chở về nhà lão tất cả những gì còn lại của "căn phòng". Lão
đã hoàn tất công việc đó trong đêm thứ Bảy đến rạng sáng Chủ nhật.
Chủ nhật là ngày đưa đám. Hai cỗ quan tài được khiêng
đến giữa làng, họ hàng bàn tính xem phải để cái nào đi trước. Cuối cùng người
ta đặt cả hai thím cháu nằm song song cạnh nhau trên một chiếc xe trượt, trên
lớp băng của tháng Hai ẩm ướt dưới bầu trời u ám, người ta đưa hai kẻ xấu số
đến nghĩa trang nhà thờ cách đó hai làng. Thời tiết vô cùng khó chịu, gió rít
ầm ầm, vị cha xứ cùng người hộ tế chờ sẵn ở nhà thờ, họ không chịu đi Talnovo.
Ra đến cổng làng, mọi người đi chậm lại và cùng hát
thánh ca. Sau đó họ tản về dần.
Trước hôm Chủ nhật, mấy người đàn bà còn chộn rộn
trong ngôi nhà: bà cụ già lẩm nhẩm mấy bài thánh ca bên quan tài, các bà em của
Matryona lăng xăng bên cái lò kiểu Nga, tỏa hơi nóng kinh khủng vì chất đầy
than hồng, những bao than mà Matryona đã vất vả vác về từ đầm lầy xa xôi. Họ
làm những cái bánh rán không thể nuốt nổi với thứ bột hạng bét.
Chiều Chủ nhật, sau khi đã hạ huyệt, mọi người quay
về tụ tập để ăn lễ tống táng. Bàn được kê thành một hàng dài nằm chật hết chỗ
đặt quan tài lúc sáng. Thoạt tiên mọi người đều đứng quanh bàn và một ông lão,
chồng của người chị dâu, đọc kinh "Lạy Cha". Sau đó mỗi người được rót
một lớp mỏng nước mật vừa đủ lót đáy chén. Chúng tôi dùng muỗng ăn mật suông,
để cầu cho linh hồn Matryona được an nghỉ. Sau đó mọi người ăn và uống vodka,
chuyện trò dần dần nổ như bắp rang. Trước khi dùng mứt quả, mọi người đều đứng
dậy và hát "Kỉ niệm muôn đời" (người ta giải thích cho tôi là trước
khi ăn mứt phải hát như vậy). Rồi mọi người lại tiếp tục uống rượu. Họ nói
chuyện mỗi lúc một ồn ào, hầu như không còn nhắc đến Matryona. Ông chồng bà chị
dâu bắt đầu khoác lác:
- Quý vị là Chính thống giáo, quý vị có để í là hôm
nay mình hát thánh lễ hơi chậm không? Chính Cha Mikhail đã lưu í tôi đó. Cha
biết là tôi thuộc nghi thức mà. Nếu không thì chỉ một kinh "Lạy Cha",
rồi một kinh "Kính mừng" là xong.
Cuối cùng tiệc cũng tàn. Mọi người lại đồng loạt
đứng lên hát "Xứng danh Đức Bà", sau đó lặp lại ba lần "Kỉ niệm
muôn đời", "Kỉ niệm muôn đời", "Kỉ niệm muôn đời"!
Nhưng giọng mọi người đã khàn khàn, lạc điệu, gương mặt ai nấy đều có vẻ ngà
ngà, và chẳng ai còn cảm thấy hứng thú gì trong cái "kỉ niệm muôn đời"
ấy nữa.
Khách khứa lần lượt ra về, chỉ còn lại những người
bà con gần nhất, họ móc thuốc lá ra hút, kể vài câu chuyện pha trò và cười
vang. Câu chuyện bỗng được lái sang việc mất tích của ông chồng Matryona ngoài
chiến trường, và ông lão chồng bà chị dâu tay đấm vào ngực mình để chứng minh
với tôi cùng lão thợ giày, chồng của một trong mấy bà em của Matryona:
- Efim chết rồi! Nếu không sao chú ấy lại không thể
về? Tôi ấy à, giả dụ như biết về tới nơi rồi người ta sẽ treo cổ mình lên, tôi
vẫn cứ về!
Lão thợ giày gật gù ra vẻ đồng tình. Lão là một tay
trốn quân dịch và nói chung chưa bao giờ rời quê tới nửa bước: suốt cuộc chiến
lão trốn trong căn hầm của mẹ lão.
Ngồi trên lò sưởi là bà cụ với vẻ mặt nghiêm nghị
và lặng lẽ, già hơn tất cả những người già nhất, và vì vậy mà người ta muốn để cụ
đi nằm trước. Cụ im lặng ngó xuống với vẻ khinh khỉnh đám trẻ năm mươi, sáu
mươi tuổi đó đang rộn ràng chẳng ra thể thống gì.
Chỉ có người con gái nuôi đau khổ đã từng lớn lên
giữa bốn bức tường ngôi nhà này là lẻn ra sau tấm vách ngồi khóc.
Faddei không đến dự tiệc ma chay của Matryona -
phải chăng vì lão còn bận lo tiệc ma chay của con trai lão? Nhưng những ngày sau
đó, lão đã đến hai lần, thái độ thù địch, để thương lượng với mấy bà em của
Matryona và lão thợ giày trốn lính.
Tranh chấp liên quan đến ngôi nhà gỗ: ai sẽ được
thừa hưởng, em gái hay con gái nuôi? Thoạt tiên họ định đưa nhau ra tòa, nhưng
sau đó suy nghĩ lại và tìm cách giải quyết êm thắm, vì nếu ra tòa, sẽ chẳng ai
được thừa hưởng, mà ngôi nhà sẽ được sung vào công quỹ Sô-viết nông thôn. Cuộc
thương lượng đã đi đến thỏa thuận: một bà em sẽ bắt con dê, ngôi nhà gỗ sẽ về
tay lão thợ giày và vợ lão, còn Faddei, xét vì "lão đã tự tay đẽo gọt từng
súc gỗ", lão sẽ làm chủ "căn phòng lớn" mà lão đã chở về nhà,
ngoài ra người ta cũng nhường luôn cho lão cái kho, nơi Matryona nuôi con dê
cái, và cả dãy hàng rào bên trong, ngăn cái sân với khoảnh vườn.
Và một lần nữa, cố vượt qua bệnh tật và chứng phong
thấp, lão già tham lam lại tỏ ra phấn khởi và trẻ lại. Lão lại huy động đám con
cũng như rể còn sống sót đến rỡ nhà kho và hàng rào, rồi lão đích thân lấy gỗ
chất lên xe trượt, và chỉ đến lúc gần xong, lão mới gọi thằng Antoshka lớp 8D
đến phụ một tay, lần này thì thằng bé chẳng có vẻ gì là lười biếng cả.
Người ta đóng cửa ngôi nhà của Matryona cho đến mùa
xuân, và tôi phải đến trọ tại nhà người chị dâu của bà ở gần đó. Bà chị dâu này
sau đó mới kể lại trong những dịp khác nhau nhiều câu chuyện liên quan đến
Matryona khiến tôi càng hiểu rõ hơn về người quá cố từ một khía cạnh khác.
- Efim mà thương gì cô ta. Chú ấy hay nói:
"tôi thích ăn mặc lịch sự", còn cô ấy thì lôi thôi lếch thếch, sao
cũng được, kiểu nhà quê ấy mà. Rồi một hôm vợ chồng tôi và chú ấy lên thành phố
đi làm kiếm tiền, chú chàng vớ được một ả, rồi không quay về với Matryona nữa.
Tất cả những gì bà ta kể đều có í chê bai: nào là
bê bối; không biết sắm sửa nhà cửa; không biết tiết kiệm; thậm chí đến heo mà
cũng không biết đường nuôi, chả hiểu nổi tại sao lại không chịu nuôi heo; nào
là ngốc chưa từng thấy, chỉ lo làm việc không công cho thiên hạ (bà ta nhắc đến
Matryona đúng vào dịp tìm không ra người để nhờ cày xới đất trong khu vườn).
Ngay cả lòng tốt và tính giản dị của Matryona, bà
ta cũng kể lại một cách đầy thương hại pha lẫn coi thường.
Và chỉ đến lúc này - trước những lời chê trách của
bà chị dâu - tôi mới thấy hiện lên trước mắt hình ảnh một Matryona mà trước kia
tôi chưa hiểu hết, dù sống bên cạnh bà.
Quả thật, trong làng nhà ai cũng nuôi một con heo
sữa! Nhưng bà thì không. Còn gì đơn giản hơn là nuôi một con heo con tham ăn,
suốt ngày chỉ biết có ăn! Cho ăn cám ngày ba bận, sống vì nó, rồi sau đó làm
thịt để có món mỡ lợn muối?
Nhưng bà đã không làm như vậy...
Bà không quan tâm việc sắm sửa... Bà chẳng hơi đâu
mua sắm đồ này đồ nọ để phải gìn giữ và chăm sóc chúng còn hơn chính cuộc đời
mình.
Bà không màng đến trang phục. Quần áo chỉ để làm
đẹp cho những kẻ xấu xa ác đức.
Không ai thông cảm, bị chồng ruồng bỏ, đã phải đem
chôn sáu người con, nhưng vẫn cởi mở với mọi người, khác hẳn các em gái và chị
em dâu, lạ đời, làm việc không công cho thiên hạ một cách ngốc nghếch - bà
chẳng tích cóp được gì cho bản thân đến tận ngày nhắm mắt. Một con dê cái dơ
dáy, một con mèo què quặt, mấy chậu cây...
Tất cả chúng tôi, những kẻ sống bên bà và đã không
hiểu được rằng chính bà mới là người thánh thiện nhất, như cách ngôn thường
nói, nếu không có những con người ấy thì chẳng làng mạc nào, chẳng thành phố
nào, thậm chí cả thế gian này, có thể tồn tại được.
1959
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét