Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc của Lenin", được viết vào
tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi
Liên Sô từ năm 1928. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới
được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên
tạp chí "Horizon".
Phạm
Ngọc dịch từ tiếng Nga.
Trotsky bị trục xuất khỏi Liên Sô, 1928 |
Quan hệ giữa Stalin và Trotsky
Hai trang đánh máy chiếm vị trí trung
tâm trong Di chúc là nói về đặc điểm quan hệ giữa Stalin và Trotsky, "hai
lãnh đạo kiệt xuất của BCHTW hiện nay". Nhấn mạnh "khả năng xuất sắc"
của Trotsky ("người có khả năng nhất
trong BCHTW hiện nay"), sau đó Lenin nêu ra những nhược điểm: "tự
tin quá mức" và "bị lôi cuốn về khía cạnh hành chính thuần túy của
công việc". Bản thân những khuyết điểm được nêu ra chẳng có gì đáng nghiêm
trọng, nhân tiện tôi nhận xét thêm, nó chẳng liên quan gì đến "không đánh
giá hết giai cấp nông dân", hay "không tin tưởng vào nội lực cách mạng",
cũng như những thứ khác do những người kế tục bịa đặt trong những năm sau này.
Mặt khác, Lenin viết: "Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng
chí Stalin đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng
chí sẽ đủ thận trọng để sử dụng quyền lực này". Chuyện muốn nói ở đây
không phải về ảnh hưởng chính trị của Stalin, vào thời kì đó còn chưa đáng kể,
mà về quyền lực hành chính ông ta thâu tóm vào tay mình, "nắm trọng trách
tổng bí thư". Đó là công thức chính xác và được cân nhắc thận trọng: chúng
ta sẽ quay lại nó.
Di chúc khẩn khoản về việc tăng số lượng
ủy viên BCHTW lên đến 50, thậm chí 100 người, để họ có thể bằng áp lực thu nhỏ ủng
hộ khuynh hướng tập trung của Bộ chính trị. Đề xuất về tổ chức có tầm nhìn bảo
đảm trung lập chống xung đột cá nhân. Nhưng 10 ngày sau đó Lenin cảm thấy còn
chưa đủ, và đã viết thêm đề xuất, đã cho toàn bộ văn kiện một diện mạo sau
cùng: "... tôi đề nghị các đồng chí
hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử
vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ
thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn,
ít thất thường hơn v.v..."
Vào những ngày khi đọc cho thư kí chép
Di chúc, Lenin hướng đến việc đánh giá có tính chất phê bình Stalin một cách kiềm
chế nhất đến mức có thể. Vào những tuần cuối cùng giọng điệu Lenin trở nên gay
gắt hơn, và càng như thế cho đến những giờ phút cuối cùng, khi giọng của đồng
chí vĩnh viễn tắt hẳn. Nhưng trong Di chúc đã nói đủ, để thấy cần thiết phải
thay tổng bí thư. Cùng với tính cách thô lỗ và thất thường, Stalin còn bị phê
bình khuyết điểm không trung thực. Tại điểm này việc nêu tính cách chuyển thành
lời buộc tội nặng nề.
Từ lâu đã rõ, Di chúc không có gì là bất
ngờ đối với Stalin. Nhưng điều này cũng không xoa dịu được cú đòn ấy. Sau lần đầu
tiếp xúc với tài liệu, giữa những cộng sự gần gũi trong ban bí thư, Stalin đã
buông ra câu nói cho thấy cách thể hiện hoàn toàn không cần che dấu những cảm
xúc thật của ông ta với tác giả của Di chúc. Tình huống mà câu nói được lan
truyền rộng hơn, và cái chính là tính xác thực của phản ứng, theo quan điểm của
tôi, là đảm bảo cho tính xác thực của tình tiết. Đáng tiếc, những lời vàng ngọc
có cánh ấy lại không được công bố trên sách báo.
Không có tính nước đôi, đề xuất then chốt
của Di chúc chỉ rõ, theo Lenin, nguy cơ khởi nguồn từ đâu. Bãi nhiệm Stalin -
chính ông ta và chỉ ông ta mà thôi - có nghĩa là tách ông ta khỏi bộ máy nhà nước,
loại bỏ khả năng nắm cánh tay đòn dài của đòn bẩy, tước mọi quyền lực mà ông ta
đã dùng cương vị tổng bí thư để thâu tóm.
Bổ nhiệm ai vào cương vị tổng bí thư?
Nhân vật có phẩm chất ưu tú hơn Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn,
ít thất thường hơn. Stalin đã đón nhận chính câu nói này một cách cay cú nhất:
rõ ràng Lenin không cho rằng ông ta là người không thể thay thế được, một khi
đã đề xuất tìm kiếm người thích hợp hơn cho cương vị đó. Lên tiếng từ chức, cho
có hình thức, tổng bí thư nhắc lại một cách giận dỗi: "Sao nào, tôi thực sự
thô lỗ... Ilich đề xuất các đồng chí tìm một người khác tôi chỉ vì có tính cách
lịch sự hơn. Đấy, các đồng chí cứ thử tìm xem." - "Không vấn đề gì, -
đáp lại là giọng nói cất lên của một người khi đó còn là chiến hữu của Stalin,
- chúng tôi không ngại sự thô lỗ, đảng ta toàn người thô lỗ, đảng của giai cấp
vô sản mà". Khái niệm lịch sự Lenin ám chỉ ở đây có tính chất sa-lông. Về việc
kết tội khuyết điểm không trung thực - cả Stalin lẫn phe nhóm của ông ta không
ai nhắc đến. Thật thú vị là giọng nói ủng hộ lại phát ra từ A.P. Smirnov, khi
đó là ủy viên Bộ dân ủy điền địa, còn hiện nay đang bị thất sủng, bị quy kết
thuộc phe hữu khuynh. Chính trị đâu đếm xỉa gì đến ơn huệ.
Radek, khi ấy còn là ủy viên BCHTW, ngồi
cạnh tôi lúc công bố Di chúc. Nhân khoảnh khắc hơi mất kỉ luật nội bộ do ảnh hưởng
quá mạnh của Di chúc, Radek nghiêng qua tôi thì thầm: "Bây giờ họ không
dám đứng lên chống lại đồng chí nữa". Tôi trả lời: "Ngược lại, bây giờ
họ sẽ đi đến cùng và sẽ dùng mọi khả năng để nhanh nhất có thể". Những
ngày sau đó tại đại hội XIII chứng tỏ đánh giá của tôi khá tỉnh táo. Bộ ba cần
ngăn chặn tác động có thể xảy ra của Di chúc, tìm cách nhanh chóng đặt đảng vào
chuyện đã rồi. Việc công bố văn kiện đến các đại biểu khối điền địa, không cho
"người lạ" tham gia, thực chất đã biến thành cuộc đấu tranh trực diện
chống lại tôi. Các đại biểu tối cao nghe đọc một đằng những từ này, người ta lại
nhấn mạnh một nẻo những từ khác và giải thích, bình luận với ý như bức thư do một
người đang lâm bệnh nặng viết ra, bị ảnh hưởng bởi những mưu đồ và toan tính. Bộ
máy đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Một thực tế là bộ ba có thể đạt mục đích
làm trái nguyện vọng của Lenin, từ chối công bố Di chúc tại đại hội, đủ để xác
định thành phần đại hội và không khí của nó như thế nào rồi. Di chúc đã không
ngăn chặn và xoa dịu bớt đấu đá nội bộ, trái lại, còn khiến nó trở nên khốc liệt
hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét