Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Tùy bút Solzhenitsyn (I)

Lời người dịch
Trong di sản văn chương đồ sộ của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn (1918-2008), đoạt giải Nobel Văn chương năm 1970, có hai chuỗi đoản văn viết vào hai giai đoạn: 1958-1963 - trong những chuyến du hành bằng xe đạp ở miền Trung nước Nga; 1996-1999 - khi trở về Nga sau hai mươi năm lưu đày biệt xứ, mà ông gọi đó là những ghi chép "vụn vặt". Chính những cái "vụn vặt" ấy lại mang đậm tinh thần Nga nhất trong toàn bộ sáng tác của Solzhenitsyn, và chỉ khi ở trên mảnh đất Nga chôn nhau cắt rốn, nhà văn mới có cảm hứng để viết những đoản văn này. Trong bức thư gửi ban biên tập tạp chí "Thế giới mới" vào năm 1996 ông viết: "Chỉ sau khi trở về Nga, dường như tôi lại mới có thể viết chúng, còn ở đó (bang Vermont, Hoa Kì) - thì không thể nào!".
Tháng 12 năm 1961, Solzhenitsyn đã trao cho Tvardovsky, Tổng biên tập tạp chí "Thế giới mới" một số đoản văn, song thể loại này không được chú í lắm. Mùa xuân 1964, tác giả gửi bản thảo những đoản văn cho một số người bạn, và chúng nhanh chóng được phổ biến trong trào lưu "xuất bản tự do". Đến mùa thu 1964, tạp chí "Grani" của Nga kiều tại Frankfurt lần đầu tiên đăng tải một loạt "Đoản văn" trên số báo 56.
Nếm trải đủ mọi cay đắng lẫn vinh quang trọn cuộc đời gần một thế kỉ, trong hai chuỗi đoản văn tác giả ghi lại những cảm nhận về tự do, về tổ quốc, về những giá trị tinh thần của Chính thống giáo, về tuổi già, về cái chết và sau cái chết.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 32 đoản văn của Alexander Solzhenitsyn, mà chúng tôi đặt tựa là "Tùy bút Solzhenitsyn".
Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga trong "Alexander Solzhenitsyn toàn tập" (30 tập), Tập 1 - Truyện ngắn & Đoản văn, Nxb "Thời đại" Moskva, 2006.

Tại lễ trao giải Nobel, Stockholm - Thụy Điển ngày 10/12/1974
1958 - 1963
1. Thở
Mưa nhỏ vào đêm, và bây giờ mây đen đang vần vũ trên bầu trời, thi thoảng lại lắc rắc những hạt mưa nhẹ.
Tôi đứng dưới gốc táo đang trổ hoa và hít thở. Không chỉ mỗi cây táo mà cả đám cỏ xung quanh cũng đang ngái hương sau cơn mưa - không sao gọi được tên cái tinh chất ngọt ngào đang thấm đẫm không gian. Tôi hít căng hai buồng phổi, cảm nhận hương thơm bằng trọn lồng ngực, hít vào, hít nữa, lúc mở to mắt, lúc lại nhắm nghiền, không biết cách nào thì tận hưởng tốt hơn.
Có lẽ, đấy chính là tự do - thứ tự do duy nhất nhưng đáng quý nhất mà chốn ngục tù đã tước mất của chúng tôi: được hít thở thế này, được hít thở nơi đây. Không một món ăn trân quý nào trên thế gian, không một thứ rượu vang nào, thậm chí không một nụ hôn của người đàn bà nào đối với tôi lại ngọt ngào hơn thứ không khí này, đượm hương hoa, ẩm ướt và tươi mát.
Cho dù đây chỉ là khoảnh vườn con con, bị dồn nén trong song sắt dã man của những khu nhà năm tầng. Tôi đã không còn nghe thấy tiếng rú xe máy, tiếng rột roạt của máy thu thanh, tiếng lục bục của loa phóng thanh. Chừng nào còn có thể hít thở không khí sau cơn mưa dưới gốc táo, chừng ấy còn có thể sống thêm!
2. Hồ Segden
Người ta không viết, thậm chí không dám nói lớn về nó. Mọi con đường dẫn đến hồ đều bị chặn lại, như đường đến lâu đài cổ tích, khắp các ngả đường đều treo biển cấm, một vạch ngang đơn giản câm lặng. Người hoặc thú hoang hễ thấy biển cấm này trên đường đi là phải quay lại ngay lập tức! Một thế lực trần gian đã dựng chúng lên. Nó có nghĩa: không được chạy qua và không được bay qua, không được đi qua và không được bò qua.
Gần đường, trong rừng thông, những người lính canh được trang bị gậy gộc và súng ống ngồi phục.
Đi vòng quanh cánh rừng thinh lặng, đi lòng vòng tìm lối ra hồ - nhưng không tìm thấy, mà cũng không hỏi được ai: người ta dọa dẫm khiến chẳng còn ai dám ở trong rừng. Chỉ còn cách nương theo tiếng chuông đeo cổ đùng đục của đàn bò, anh lần qua lối mòn in dấu chân của bầy gia súc vào giờ giữa trưa, trong một ngày mưa. Và chỉ mới vừa loáng thấy lấp lánh ánh nước, mênh mông, giữa rừng cây, còn chưa kịp chạy đến nơi, anh đã biết ngay rằng: anh sẽ iêu cái chốn trần gian này đến trọn đời.
Hồ Segden[1] - tròn vành vạnh như được quay bằng com-pa. Nếu hét lớn từ bờ bên này (nhưng anh sẽ không la lên, để người ta khỏi phát hiện) - chỉ còn tiếng vọng gần bặt hẳn đến bờ bên kia. Xa thật là xa. Rừng ven bờ bao quanh hồ. Cây rừng mọc đều tăm tắp, không thân cây nào thò ra thụt vào. Bước ra phía nước, trước mắt anh rộng mở một khung cảnh quanh bờ hồ khép kín: nơi này là dải cát vàng, nơi kia đám lau sậy xam xám lù xù, nơi nọ đám cỏ mọng xanh nõn phơi mình. Mặt hồ phẳng như gương, không một gợn lăn tăn, rải rác ven bờ ít vạt bèo tấm, còn thì nước trong vắt, nhìn thấu cả đáy hồ trăng trắng.
Nước riêng một cõi. Rừng riêng một cõi. Hồ ngửa mặt ngắm bầu trời, bầu trời soi bóng nước. Và liệu còn có gì sánh bằng: trên mặt đất này - chưa từng được biết, ngoài khu rừng này - chưa từng được thấy. Mà giả như có - thì cũng bằng thừa, nơi này chẳng cần đến làm gì.
Giá như được sống trọn kiếp ở đây... Ở đây tâm hồn, tựa làn không khí đang run rẩy, dường như lai láng giữa trời và nước, những suy tư sâu lắng và thanh khiết dường như muốn tuôn trào.
Chẳng thể nào. Lãnh chúa bạo tàn, đại ác nhân mắt lé[2], đã độc chiếm hồ để làm nhà nghỉ, xây hồ tắm. Lũ tiểu ác nhân bơi thuyền câu cá, săn vịt. Thoạt tiên một sợi khói lam lãng đãng mặt hồ, tiếp đó tiếng súng vang lên.
Còn ở ngoài bìa rừng, vùng dân cư xung quanh nhấp nhô trải dài. Nhưng mọi ngả đường đến đây đều bị chặn lại để khỏi ai quấy rầy bọn họ, câu cá và săn thú ở đây là đặc quyền của họ. Dấu vết còn đây: ai đó nhóm lửa trại, đầu tiên họ dập tắt rồi tống cổ đi.
Hồ hoang vắng. Hồ thân thương.
Ôi quê hương...
Hồ Segden

3. Chú vịt con
Một chú vịt con vàng vàng be bé, áp cái ức trăng trắng vào đám cỏ ướt trông rất buồn cười, đôi chân mỏng mảnh suýt nữa thì ngã dúi, chạy trước mặt tôi và líu ra líu ríu: "Mẹ tôi đâu? Anh em tôi đâu cả rồi?"
Chú không có mẹ, mà là một cô gà mái: người ta dúi mấy cái trứng vịt vào ổ, cô ta ấp chúng lẫn với đám trứng của mình, ủ ấm đều như nhau. Giờ đây sắp sửa mưa giông, người ta dời nhà của chúng - một cái sọt không đáy lật úp - vào nơi có mái che, phủ tấm bao bố lên. Cả nhà đều ở đó, còn mỗi chú bị lạc đàn. Nào bé con, bước lên lòng bàn tay ta nào.
Hồn phách có chăng trong cái thân xác bé tẹo này? Nhẹ bẫng, cặp mắt đen nhánh hạt huyền, đôi chân chim sẻ, chỉ cần siết nhẹ một cái là chú mình tan biến. Thêm nữa, lại hơi âm ấm. Cái mỏ tí hon màu hồng nhạt, như được phủ một lớp sơn móng tay, đã có dáng bè bè. Bàn chân đã kéo màng, màu lông đã phớt vàng, và đôi cánh phủ lông tơ đã nhô ra. Thậm chí tính cách cũng đã khác biệt với đám anh em mình.
Còn chúng ta, chúng ta sắp sửa bay lên tận sao Kim. Giờ đây, nếu như tất cả đều đồng lòng, thì chỉ trong vòng hai mươi phút ta có thể đảo lộn cả thế giới.
Nhưng không bao giờ, với tất cả sức mạnh nguyên tử, dù có được cấp lông và xương, chẳng đời nào chúng ta có thể tạo ra được, cấy ghép được trong ống nghiệm chú vịt con vàng vàng nhẹ bẫng đáng thương này...
4. Nơi iên nghỉ của nhà thơ
Bây giờ là thôn Lgovo, còn xưa kia là thành phố cổ Olgov nằm trên bờ dốc đứng của dòng sông Oka: vào thế kỉ đó, sau nước, cả nước uống lẫn nước sông, nước suối, thì vưu vật thứ nhì mà người Nga lựa chọn - đó là cái đẹp. Ingvar Igorevich[3], nhờ một phép màu mà thoát được lưỡi gươm của đám anh em ông ta, đã cho dựng ở đây tu viện Uspensky để tạ ơn cứu rỗi. Qua những bãi bồi, vào ngày quang đãng, từ đây có thể thấy xa xa, cách độ 35 dặm[4] ngay khúc ngoặt, tháp chuông cao của tu viện Yoann Bogoslov.
Kha hãn Bạt Đô[5], một người mê tín, đã tha không tàn phá cả hai tu viện.
Chỗ này là nơi duy nhất mà Yakov Petrovich Polonsky[6] hồi còn sinh thời đã ngắm nghía và chọn làm nơi iên nghỉ sau cùng. Có lẽ chúng ta quan niệm rằng thể phách của ta sẽ bay lãng đãng trên nấm mộ và ngoảnh nhìn vào khoảng bao la iên bình.
Nhưng giờ đây - chẳng còn mái vòm, nhà thờ cũng không, trên bức tường đá còn trơ lại phân nửa người ta dựng thêm hàng rào bằng ván có giăng dây thép gai, và ngự trị trên toàn bộ di tích cổ kính là những tháp canh - tên ngáo ộp bỉ ổi, và rất quen thuộc, quen đúng mức... Tại cổng tu viện đặt một trạm gác. Tấm bích chương: "Vì hòa bình giữa các dân tộc!" vẽ hình một công nhân Nga nắm tay người bạn châu Phi.
Chúng tôi vờ như chẳng hiểu gì. Và giữa những lán gỗ làm nơi ở của ban quản giáo, tay giám thị nghỉ trực ca mặc chiếc áo lót giảng giải:
- Chính tu viện đã ở đây, xếp thứ hai thế giới đấy. Thứ nhất có lẽ ở Roma. Còn ở Moskva chỉ xếp thứ ba thôi. Khi còn trại cải tạo thiếu niên ở đây, mấy thằng con trai, chẳng biết gì sất, đã bôi lem nhem hết các bức tường, đập bể tượng thánh. Sau đó nông trang mua lại hai nhà thờ với giá 40 ngàn rúp để lấy gạch, họ muốn xây một chuồng bò sáu dãy. Chính tôi đây cũng được thuê: 50 xu cho một viên gạch nguyên, 20 xu nửa viên. Chỉ có điều khó mà gỡ được gạch còn nguyên lành, chúng dính chắc với hồ vữa thành một khối. Hầm mộ dưới nhà thờ cũng được moi ra, thi hài tổng giám mục nằm đó, hộp sọ và tấm áo choàng còn nguyên vẹn. Chúng tôi hai đứa cùng xé tấm áo choàng, không thể xé nổi...
- Ông bảo, theo bản đồ thì phần mộ nhà thơ Polonsky ở đây. Vậy nó đâu rồi?
- Không được đụng đến Polonsky. Ông ấy trong khu vực cấm. Không được xâm phạm. Mà xem gì ở đó? - tấm bia đã mục nát phỏng? Mặc dù đang đứng, tay giám thị cũng ngoảnh lại nói với bà vợ - hình như mộ của Polonsky đã bốc đi rồi thì phải?
- Ừ. Đem về Ryazan rồi - bà vợ đứng trên bậc tam cấp gật đầu, miệng cắn hạt hướng dương.
Tay giám thị như tự nói với mình, nghe rất buồn cười:
- Nghĩa là đã được phóng thích...
5. Khúc gỗ du
Chúng tôi cưa củi, nhặt khúc gỗ du - và thốt lên kinh ngạc: từ dạo chúng tôi đốn cây hồi năm ngoái, rồi lôi về bằng máy kéo, rồi cưa hết các nhánh, rồi quẳng lên xà lan và lên thùng xe, rồi chất thành đống, rồi quăng bừa trên đất - khúc gỗ du vẫn không chịu đầu hàng! Từ thân gỗ một chồi xanh nõn lại nảy ra - cả một cây du trong tương lai hoặc một nhánh rậm rạp xào xạc.
Chúng tôi đã đặt khúc gỗ lên giá, như đưa lên đoạn đầu đài, nhưng còn chần chừ chưa nỡ hạ lưỡi cưa vào cổ nó: lòng dạ nào mà xuống tay cưa? Nó còn ham sống biết dường nào! Sức sống của nó còn mãnh liệt hơn cả của chúng tôi!
6. Bóng nước
Trên mặt dòng nước chảy xiết khó thể phân biệt được ảnh phản chiếu, dù gần hay xa, kể cả lúc nước trong, kể cả khi không sủi bọt - sóng gợn thành tia liên hồi, lấp loáng không ngừng khiến hình ảnh không trung thực, nhòe nhoẹt, không rõ hình thù.
Chỉ khi dòng nước chảy qua hết sông này sông khác, ra đến cửa sông rộng lớn hiền hòa, hoặc đổ vào vũng ngưng đọng, hoặc vào hồ nhỏ, nơi nước không còn lay động, chỉ ở đó ta mới thấy rõ trên mặt gương từng chiếc lá con của nhánh cây ven bờ, từng sợi mây mỏng mảnh, và bầu trời xanh thăm thẳm.
Anh cũng vậy mà tôi cũng vậy. Nếu đến giờ này mà ta còn chưa cách nào nhận ra, chưa cách nào phản chiếu được cái chân lí rành rành bất tử, phải chăng nghĩa là vì ta còn vọng động đâu đó? Còn đang sống?
7. Cơn giông trên núi
Cơn giông bắt gặp chúng tôi vào một đêm tối đen như mực trước khi vượt qua bên kia núi. Chúng tôi bò ra khỏi lều và tìm chỗ núp.
Nó đến chỗ chúng tôi qua sườn núi.
Tất cả chỉ còn là một màu đen kịt, không thấy trời, không thấy đất, đường chân trời cũng không. Rồi một tia sét như xé rách màn đêm lóe lên,tách biệt bóng tối và ánh sáng[7], những đỉnh núi khổng lồ nhô lên, Belala-Kaya và Juguturlyuchat[8], những cây thông đen thẫm cao vút gần chúng tôi, cũng nhô lên với núi. Chỉ trong nháy mắt, chúng tôi có cảm giác như đất cứng dưới chân, rồi tất cả lại tối đen và thăm thẳm không đáy.
Những tia chớp lóe lên, bầu trời luân phiên hết sáng chói rồi lại đen kịt, lóe trắng, lóe hồng, lóe tím; tất cả vẫn ở nguyên tại chỗ, những đỉnh núi và những cây thông cứ nhô lên, làm sửng sốt vì vẻ khổng lồ sừng sững, còn khi biến mất thì không thể tin được là chúng tồn tại.
Tiếng sấm lấp đầy khe núi át cả tiếng gầm gừ không ngớt của những dòng sông. Những tia sét, tựa những mũi tên của Đấng Sáng Thế Sabaoth, từ trên không bổ xuống sườn núi, chẻ ra thành những con rắn ngoằn ngoèo, thành những tia nhỏ, dường như bắn tung tóe vào các đỉnh núi hoặc như bắn ra, tóe ra những sinh linh.
Còn chúng tôi, chúng tôi quên cả sợ sấm chớp và mưa rào - như giọt nước biển nào biết sợ gì bão tố. Chúng tôi hóa thành hạt bụi li ti được ban ơn của thế giới này. Một thế giới lần đầu tiên được tạo ra hôm nay - trong mắt chúng tôi.
8. Thành phố bên bờ Neva
Những thiên thần với chân đèn trong tay phủ phục quanh mái vòm kiểu Byzantine[9] của nhà thờ thánh Isaac[10]. Ba đỉnh nhọn nhiều cạnh dát vàng vẫy chào nhau qua những dòng sông Neva và Moyka. Đó đây những tượng sư tử, sư tử đầu chim, nhân sư đang canh giữ kho báu hay đang ngủ lim dim. Cỗ xe sáu ngựa "Chiến thắng" đang phi trên nóc cổng vòm của Rossi[11]. Hàng trăm hành lang, hàng ngàn cột đá, những phù điêu khắc hình ngựa chồm vó, bò tót giương sừng...
May mắn làm sao, không vật thể kiến trúc nào được phép xây dựng ở khu vực này! - không một tòa nhà chọc trời hình hộp kẹo được nhồi nhét trên đại lộ Nevsky, không một dãy nhà hộp năm tầng được xây quấy quá bên bờ kênh Griboedov. Không một kiến trúc sư nào, bất tài và lắm thế lực nhất, có thể dùng mọi ảnh hưởng để nhận giấy phép xây dựng trên khu vực gần Sông Đen và khu trung tâm Okhta.
Chúng ta sửng sốt - vẻ tráng lệ huy hoàng nhất của ta là đây! Một niềm sảng khoái được lang thang trên những đại lộ ấy. Nhưng để tạo dựng nên vẻ đẹp này, bao người dân Nga đã từng nghiến răng rủa thầm và mục xương trong các đầm lầy âm u. Biết bao xương máu của tiền nhân đã được nén chặt, hòa quyện, hóa đá trong những cung điện đủ màu - vàng, nâu, sô cô la, xanh lục.
Thật khủng khiếp khi nghĩ về chuyện: những cuộc đời vô vọng trắc trở của chúng ta, những bùng nổ mâu thuẫn của chúng ta, tiếng rên siết của người bị hành quyết và nước mắt của những người vợ - tất cả những điều ấy rồi sẽ trôi vào quên lãng hoàn toàn? tất cả những điều ấy cũng để hiến dâng cho cái đẹp hoàn hảo vĩnh hằng này chăng?

Nhà thờ Thánh Isaac Dalmatia tại St. Peterburg
9. Quả Cầu Bông
Trong sân nhà chúng tôi, một cậu bé dắt chú chó nhỏ tên "Quả Cầu Bông" với sợi dây xích - cậu nuôi nó từ hồi còn là một chú cún bé tẹo.
Một bận, tôi đem cho nó ít mẩu xương gà, còn nóng hổi và thơm phức, vừa lúc đó, cậu bé thả chú chó đáng thương chạy rông đôi chút. Tuyết dày và xốp phủ kín sân, Quả Cầu Bông nhảy nhót tung tăng như chú thỏ rừng, khi chân trước, lúc chân sau, từ góc này sân sang góc kia sân, chúi mõm vào tuyết.
Nó chạy đến chỗ tôi, lông ướt bù xù, nhảy quanh, hít hít mẩu xương, rồi lại vụt chạy, tuyết ngập tới bụng!
Chả cần xương của ông, nó nói, tôi chỉ muốn tự do!


[1] Segden - hồ giữa rừng, thuộc làng Solotcha, cách thành phố Ryazan nửa giờ đi xe. (Tất cả các chú thích đều của người dịch).
[2] Nhân vật độc ác trong cổ tích Nga.
[3] Ingvar Igorevich (?-1235), Công tước thành Ryazan, năm 1217 sáu công tước thành Ryazan được anh em nhà Glev Vladimirovich (là anh em họ) mời đến dự tiệc và bị giết chết tại đó, một mình ông may mắn thoát chết nhờ không đi dự tiệc.
[4] Đơn vị đo cũ của Nga, 1 dặm (versta) = 1,067km.
[5] Kha hãn Bạt Đô (Batu) (1209?-1256), cháu nội Thành Cát Tư Hãn, năm 1242 đã xâm lăng châu Âu.
[6] Yakov Petrovich Polonsky (1819-1898), nhà thơ, nhà văn Nga.
[7] Mô-tip trong Kinh Thánh - chương Sáng Thế Kí, thế giới được sáng tạo.
[8] Belala-Kaya (độ cao 3861m) và Juguturlyuchat (độ cao 3921m) là những đỉnh núi phía Tây dãy Kavkaz lớn.
[9] Đế quốc La Mã ở Đông Âu (Eastern Roman Empire).
[10] Tên đầy đủ là Thánh đường vinh danh Thánh Isaac Dalmatia, được xây dựng trong 40 năm (1818-1858) theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Auguste Ricard de Montferrand (1786-1858), trên một diện tích 4000m2, với chiều cao 101,5m, mái vòm có đường kính ngoài 25,8m, đường kính trong 22,15m.
[11] Karl Ivanovich Rossi (tên Í là Carlo di Giovanni Rossi) (1775-1849), kiến trúc sư người Nga gốc Í, tác giả của nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng tại Saint Peterburg.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét