Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Tùy bút Solzhenitsyn (II)


Phạm Ngọc dịch từ nguyện tác tiếng Nga trong "Alexander Solzhenitsyn toàn tập" (30 tập), Tập 1 - Truyện ngắn & Đoản văn, Nxb "Thời đại" Moskva, 2006.

1958 - 1963
10. Phương tiện di chuyển
Nào chàng tuấn mã, lượn tấm lưng cong, nện móng oai hùng, bờm tung trong gió, mắt rực sáng tinh anh! Nào bác lạc đà, chàng thiên nga hai bướu, nhà thông thái ung dung với điệu cười nhếch mép uyên bác trên cặp môi dầy! Nào, thậm chí chú lừa nhỏ mõm đen, vẻ kiên trì bền bỉ, đôi tai dịu dàng sống động!
Còn chúng ta đã chọn gì? - đây, một thứ chẳng ra sao nhất trong tất cả những tạo vật của thế gian, lướt nhanh trên những vó cao su, những con mắt bằng kính vô hồn, cái mõm đờ đẫn góc cạnh, gồ lên trong cái hộp sắt. Nó không hí lên kể lể về niềm hoan lạc thảo nguyên, về hương cỏ dại, về mối tình dành cho nàng ngựa cái hay niềm quyến luyến dành cho ông chủ. Nó thường xuyên nghiến ken két tấm thân bằng sắt và phun phì phì làn khói tím hôi hám.
Nồi nào vung nấy, chúng ta như thế nào thì phương tiện di chuyển của ta cũng như thế nấy.
11. Cái xô cũ
Ồ, rồi thì cũng có một chàng cựu chiến binh buồn bã lang thang ngoài cánh rừng thông Kartunsky. Đất ở đây mới lạ lùng làm sao, trải qua mười tám năm trời, mặc dù hơi bị sạt lở chút đỉnh, nhưng mọi thứ hầu như vẫn còn nguyên, từ những dãy chiến hào, hoặc những ụ đặt pháo, cho đến hố xạ thủ cá nhân, nơi chiến sĩ Ivan chưa từng được biết, trong chiếc áo ca-pốt ngắn lem luốc, đã chui tấm thân dềnh dàng của anh vào. Những súc gỗ trên nóc các công sự tất nhiên đã bị rỡ đem đi sau những tháng năm ấy, song những hố đất vẫn còn trơ đấy.
Mặc dù tôi không chiến đấu tại cánh rừng này, nhưng ở sát bên, thì cũng xem như đã từng ở đây. Tôi lang thang từ công sự này qua công sự khác, cố hình dung điều gì từng xảy ra nơi đây. Và đột nhiên, trên lối ra một công sự, tôi bắt gặp một chiếc xô cũ - mười tám năm trời đã nằm đó và suốt mười tám năm ấy, nó đã không được dùng đến.
Có lẽ nó cũng đã móp méo lắm rồi vào mùa đông đầu tiên của cuộc chiến. Có thể, từ cái làng bị cháy rụi, chiếc xô bị nứt đáy, thành xô hình nón bị giẫm nát đã được một người lính nhanh trí nhặt lấy, rồi nắn lại và dùng nó để nối cái lò bằng sắt thông với ống khói. Vậy là ngay ở công sự này, trong mùa đông nguy cấp ấy, kéo dài 90 ngày, mà cũng có thể là 150 ngày, cho đến khi mặt trận ngừng tiếng súng, chiếc xô móp ấy đã cho biết bao là khói lùa qua mình. Nó đã từng bị nung đến đỏ rực, từ nó những bàn tay đã được sưởi ấm, từ nó có thể người ta đã châm thuốc hút, và bánh mì đã được nướng vàng. Bao nhiêu khói lùa qua đây là bấy nhiêu suy tư chưa kịp bày tỏ, bấy nhiêu bức thư chưa kịp viết ra của những người có thể đã về miền chín suối từ lâu.
Sau đó, vào một sáng hôm nào, trong ánh ban mai tươi tắn, người ta thay đổi đội hình chiến đấu, phải rời công sự, chỉ huy thúc giục đơn vị mình - "Nào, nhanh nào!"- anh lính cần vụ tháo dỡ bếp lò, dúi tất cả lên xe, tất tần tật, mỗi cái xô móp là không còn chỗ. "Quăng nó đi thôi! - thượng sĩ nhất la lên - Đến chỗ mới, cậu sẽ tìm được cái khác!". Phải đi rất xa, và chuyện là còn phải xoay xở thế nào cho đến mùa xuân, anh lính cần vụ ngập ngừng với cái xô cũ, thở dài rồi đặt xuống ngay lối ra vào.
Mọi người bật cười vang.
Từ bấy đến nay, người ta lấy đi những súc gỗ trên nóc công sự, cả băng ghế ở bên trong, cả chiếc bàn con - còn chiếc xô móp trung thành là ở lại với công sự.
Tôi đứng bên nó, kí ức ùa về. Đồng đội ngoài mặt trận, những chàng trai trong sáng! Chúng tôi đã sống và đã đặt hết hi vọng vào điều gì, và tình bạn không vụ lợi của chúng tôi chính là điều đẹp nhất trên đời - khói cũ đã tan rồi, và chiếc xô han rỉ bị bỏ quên này sẽ chẳng bao giờ còn được dùng đến nữa...
12. Trên quê hương Esenin
Bốn thôn nối liền nhau trải dài đơn điệu dọc con đường. Bụi. Không vườn tược. Gần đó cũng chẳng có rừng. Những hàng giậu còi cọc. Thấp thoáng đây đó những khung cửa nhiều màu sặc sỡ. Một nàng heo lưng ngứa ran đứng ngay giữa đường mà cọ vào trụ nước. Một đàn ngỗng lộc ngộc đều nhau ngoái cổ về bóng chiếc xe đạp vừa vèo qua và đồng thanh gửi theo một tràng quàng quạc hiếu chiến. Những ả gà mái tất bật bới tung cả đường và sân sau để kiếm mồi.
Quầy tạp hóa của làng Konstantinovo cũng hệt như một cái chuồng gà ọp ẹp. Cá trích. Rượu vodka đủ loại. Kẹo phồng dinh dính, thứ kẹo đã mười lăm năm nay chẳng ở đâu người ta còn ăn nữa. Những ổ bánh mì đen cứng như đá cuội, nặng gấp đôi bánh ở thành phố, chắc chỉ hợp với rìu chứ chẳng dao nào kham nổi.
Trong căn nhà gỗ của gia đình Esenin, những bức vách xiêu vẹo chưa chạm đến trần, những buồng xép, những ô con con, chẳng khoảnh nào đáng gọi là phòng cả. Ngoài vườn là một căn kho bé tẹo tối om, mà trước kia là gian nhà tắm, nơi Sergey đã từng lẻn vào, giam mình trong bóng tối và gieo những vần thơ đầu tiên. Ngoài hàng rào là cánh đồng rất đỗi bình thường.
Tôi đi trong thôn ấy, làng kiểu này đầy dẫy, rất nhiều, nơi ngay cả thời bây giờ dân cư vẫn tất bật vì miếng cơm manh áo và sĩ diện kèn cựa với láng giềng; tôi thấy bồi hồi: ánh lửa trời đã từng một lần rọi sáng vùng này, đến tận hôm nay vẫn thiêu đốt hai gò má tôi ngay tại nơi đây. Tôi bước ra phía sườn đồi Oksky, nhìn xa xa và ngỡ ngàng: lẽ nào có thể nói về cái dải sẫm xa xăm của cánh rừng khẳng khiu một cách bí ẩn thế này:
Trong rừng thông lũ gà gô ngân nga than khóc...?
Và về những khúc uốn quanh đầy cỏ lác của dòng Oka lững lờ:
Những đụn nắng nằm giữa lòng nước rộng...?
Một thoi vàng ròng tài năng mà Đấng tạo hóa đã quẳng xuống nơi đây, trong căn nhà gỗ ấy, trong trái tim của chàng thanh niên nông thôn hay gây gổ, để rồi chàng rung động mà khám phá ra biết bao điều đẹp đẽ từ những bếp lò, chuồng trại, sân kho, cổng làng - vẻ đẹp mà hàng ngàn năm người ta dẫm đạp lên nhưng không hề nhận ra?
13. Cái gùi nông trang
Khi trên chuyến xe buýt ngoại thành mà bạn bị cái cạnh giỏ cứng như thép thúc vào ngực hay vào sườn đau điếng, bạn khoan vội mắng chửi mà hãy quan sát thật kĩ cái giỏ đan bằng vỏ cây ấy, có gắn đai đeo bằng dây dù rộng bản đã sờn. Chủ nhân của nó gùi sữa, pho mát tươi, cà chua, của mình và của hai bà láng giềng, lên thành phố, rồi từ đó tha về nửa trăm ổ bánh mì cho cả ba gia đình.
Cái gùi ấy của các bà nhà quê không thể sánh được với loại túi thể thao đủ màu sắc, có nhiều ngăn và khóa cài sáng choang, song nó chứa được nhiều, bền chắc và rẻ tiền. Nó có thể tải một sức nặng khiến dây đeo của nó, qua lần áo bông dầy, vẫn làm đau buốt đôi vai lam lũ của người nông dân.
Vì thế, các bà phải đeo nó theo lối thế này: vác chiếc giỏ đan cân đối giữa lưng, sau đó vòng sợi đai qua đầu ra phía trước ngực như khoác iên cương. Khi đó, trọng lượng được phân bố đều xuống hai vai và ngực.
Các bạn viết! Tôi không bảo các bạn đeo thử thứ giỏ ấy lên lưng. Nhưng nếu các bạn thấy khó chịu khi bị thúc vào sườn, xin mời đi taxi!
14. Đống lửa và bầy kiến
Tôi quẳng vào đống lửa một thanh củi mục, không để í trong ruột gỗ bầy kiến làm tổ đặc nghẹt.
Thanh củi nổ lách tách, bầy kiến túa ra, tuyệt vọng chạy tán loạn, chạy trên thân gỗ rồi quằn quại cháy trong ngọn lửa. Tôi khều thanh củi và hất nó ra rìa. Lúc này, nhiều con kiến thoát nạn chạy xuống cát, leo lên đám lá thông. Nhưng lạ thay: chúng không chạy xa đống lửa. Vừa qua cơn kinh hoàng, chúng đã quay ngược lại, chạy loanh quanh, và như có một sức mạnh vô hình kéo chúng trở về, về chốn quê hương vừa mới rời xa! - rất nhiều con kiến, một lần nữa lại leo ngược lên thanh củi đang cháy, cuống quýt chạy dọc thân gỗ rồi chết ở đó...
15. Chúng tôi sẽ chẳng chết đâu
Chúng ta đâm ra sợ người chết và cái chết quá đỗi.
Nếu trong gia đình ai đó có người chết, chúng ta cố tránh thư từ, không đến viếng, chúng ta biết nói gì về cái chết đâu nào...
Thậm chí còn thấy ngượng khi gọi nghĩa trang bằng một cái gì đó nghiêm trang. Ở nơi làm việc anh sẽ không nói: "tôi không thể đi làm ngày chủ nhật lao động cộng sản vì còn phải viếng mộ người thân". Chẳng nhẽ có chuyện phải đi thăm viếng những kẻ không còn biết đòi ăn uống gì nữa sao?
Vận chuyển tử thi từ thành phố này qua thành phố khác? - ngông đến thế là cùng, sẽ chẳng ai cho một toa để chở. Và bây giờ người ta không còn khiêng quan tài đi dọc phố với ban tang nhạc tiễn đưa, mà nhanh chóng đưa lên xe tải chở đi cho vội.
Có một thời vào chủ nhật, người ta đến nghĩa trang, đi giữa những hàng mộ, hát thánh ca và đốt lò trầm thơm ngát. Cảm thấy tâm hồn thanh thản, vết thương lòng trước cái chết không tránh khỏi chẳng còn đè nặng làm nhói con tim. Như thể những người đã khuất khẽ mỉm cười với ta từ bên dưới nấm mồ xanh cỏ: "Có gì đâu! Không hề gì..."
Còn bây giờ, nếu nghĩa trang vẫn chưa bị di dời, thì ở đó cũng chỉ trơ một tấm biển nhâng nháo: "Chủ mộ! Để khỏi bị phạt, hãy dọn sạch rác rưởi năm ngoái!". Nhưng thường thì người ta giải tỏa nghĩa trang, dùng xe ủi san bằng để xây sân vận động, xây công viên văn hóa.
Còn có những người đã hi sinh vì tổ quốc, một điều có thể xảy ra với anh hoặc với tôi. Trước kia Giáo hội chúng ta dành một ngày[1] để cầu siêu cho chiến sĩ trận vong. Nước Anh làm lễ tưởng niệm vào ngày Hoa anh túc[2]. Mọi dân tộc đều dành một ngày để tưởng niệm những người đã hi sinh vì dân tộc.
Ở ta, những người hi sinh vì dân tộc còn nhiều hơn bất cứ nơi nào khác, vậy mà ta chẳng hề có một ngày dành cho họ. Nếu vọng về tất cả những người đã hi sinh, ai sẽ là kẻ đặt viên gạch đầu tiên? Trong ba cuộc chiến tranh, chúng ta đã mất những người chồng, những người con, những vị hôn phu - lũ chán ngấy các người, hãy biến hết đi dưới cây thập giá bằng gỗ sơn phết ấy, chớ quấy rầy đời chúng tôi nữa! Vì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ chết đâu!
16. Chạm đáy
Mặt trời ló dạng, ba mươi thanh niên chạy ra bìa rừng, xếp thành hàng hướng về phía mặt trời, rồi bắt đầu uốn người, ngồi xuống đứng lên, gập người ra trước, hít đất, vươn vai, duỗi tay, quỳ gối ngửa người ra sau. Cứ thế, độ khoảng một khắc.
Nhìn từ xa có thể tưởng họ đang cầu nguyện.
Ngày nay, chẳng ai ngạc nhiên khi hàng ngày người ta kiên trì quan tâm rèn luyện thân thể mình.
Nhưng thật xúc phạm nếu như người ta cũng quan tâm rèn luyện tinh thần như vậy.
Không, không phải buổi cầu kinh. Đó là thể dục buổi sáng.
17. Chuyến đi xuôi dòng Oka
Có đi qua những xóm làng miền Trung nước Nga, anh mới bắt đầu hiểu ra bí ẩn của phong cảnh tĩnh lặng nước Nga là ở chỗ nào.
Chính là ở các nhà thờ. Chạy dài trên những gò cao, uốn mình theo những sườn đồi, những mái vòm hình vương miện trắng và đỏ quay mặt về dòng sông mênh mông, những tháp chuông cân đối, thon thả, được chạm khắc, vươn cao trên đời sống thường nhật rơm rạ quê mùa - từ rất xa, chúng gật đầu chào nhau, từ những ngôi làng biệt lập, không nhìn thấy nhau, chúng cùng hướng về bầu trời duy nhất.
Và cho dù anh lang thang bất cứ nơi đâu, trên cánh đồng, ngoài nội cỏ, xa cách vùng dân cư - chẳng khi nào anh cô độc: cao cao trên cánh rừng, trên những đụn rơm thân thuộc hay trên chính quả đất tròn này, thì đỉnh tháp chuông, hoặc từ Borok Lovesky, hoặc từ Lyubich, hoặc từ Gavrilovsky, luôn vẫy gọi anh.
Rồi anh vào làng và nhận ra rằng, chẳng một ai, cả người sống lẫn người chết, đón chào anh từ xa. Những cây thánh giá từ lâu đã bị xô ngã hoặc bị bẻ cong, mái vòm toang hoác há hốc bộ khung xương với những lóng rỉ sét; cỏ dại mọc hoang trên mái và trong kẽ nứt các mảng tường; hiếm khi còn tồn tại nghĩa trang quanh nhà thờ; những cây thánh giá đổ sập xuống, những ngôi mộ bị xới tung lên; những ảnh thánh trên bệ thờ bị xóa mờ bởi mưa gió hàng chục năm, bị bôi bẩn với những hàng chữ thô tục.
Trên bậc thềm, một chiếc máy kéo đang vần những thùng bơ mặn. Hoặc là một chiếc xe tải đang lui thùng xe vào cửa để nhận những bao hàng. Cũng trong nhà thờ ấy, những cỗ máy lâu lâu lại rung bần bật. Chỉ chính nguyện đường - bị khóa trái, là lặng ngắt. Còn nhà thờ nọ, rồi một nhà thờ khác nữa được trưng dụng làm câu lạc bộ. "Phấn đấu đạt sản lượng sữa cao!". "Trường ca biển". "Chiến công vĩ đại".
Người ta luôn vụ lợi, và thường không hướng thiện. Nhưng tiếng chuông chiều vang lên, lơ lửng khắp thôn làng, trên cánh đồng, trên rừng cây. Nó nhắc nhở rằng cần phải gạt qua một bên những bận rộn trần thế vụn vặt, để hiến dâng thời gian và tư tưởng cho đức tin vĩnh hằng. Tiếng chuông này, còn tồn tại cho chúng ta đến tận bây giờ chỉ với một giai điệu xưa cũ, đã nâng con người đứng dậy để họ biết cách quỳ gối xuống.
Trong những viên đá này, trong những tháp chuông này, tổ tiên chúng ta đã gửi gắm vào đó tất cả những gì tốt đẹp nhất, tất cả những điều họ ngộ được từ cuộc sống.
Nhưng thôi Vitka, hỉ mũi đi, thương tiếc làm gì! Phim sẽ chiếu lúc 6 giờ, còn khiêu vũ lúc 8 giờ...
18. Lời nguyện cầu
Lạy Chúa! Thanh thản sao được sống bên Người!
Hoan hỉ sao tin tưởng ở Người!
Khi bối rối băn khoăn do dự
hay tinh thần con héo rũ,
khi những người thông minh xuất chúng
không nhìn xa hơn được tối hôm nay
không biết ngày mai phải làm gì -
Người hiển hiện cho con niềm tin sáng chói
rằng Người hiện hữu
và Người chăm nom
để mọi con đường hướng thiện không bị chặn lại.
Trên sườn cao vinh quang trần thế
con sững sờ ngắm con đường ấy
vượt qua vô vọng để đến được nơi
mà từ đó con có thể gửi đến loài người
ánh hào quang của Người
Và cần bao nhiêu hào quang ấy
để con phản chiếu
Người sẽ ban cho con.
Còn như nếu con chưa kịp
nghĩa là - Người đã định con đường khác.


[1] Năm 1769, Giáo hội Nga chọn ngày 29 tháng 8 (theo lịch mới là 11 tháng 9) làm ngày cầu siêu cho chiến sĩ trận vong.
[2] Ngày Hoa anh túc - 11 tháng 11.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét