Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Trường hợp tại nhà ga Kochetovka (II)

Đúng lúc ấy, Podshebyakina gõ cửa phòng.
- Vasil Vasilich, em vào được không? - Và không đợi trả lời, cô bước vào, trên tay cầm một bản danh mục.
Nói chung thì cô không được phép vào phòng này, việc gì cần có thể đứng ở cửa hoặc đứng ngay trong phòng cô mà hỏi cũng được; tuy nhiên ca trực của anh và Valia thường trùng với nhau, và anh cảm thấy không được tế nhị nếu không cho cô vào.
Vì vậy anh lật qua những trang ghi mật mã và làm như tình cờ lấy một tờ giấy trắng để che những cột số vừa viết ra.
- Vasil Vasilich, em nhầm chỗ nào đó! Ông xem này... - Chiếc ghế không nằm trong tầm với, nên Valia tựa người vào cạnh bàn để chìa cho Zotov bảng kê với những hàng xiên xẹo những con số không đều. - Đoàn tàu 446 có một toa số 57831. Em phải chuyển đi đâu?
- Đợi một lát, để tôi tìm. - Anh kéo một ngăn kéo, nghĩ xem cần phải lấy cái nào trong ba tập hồ sơ, rồi mở nhanh (làm sao cho Valia không kịp nhìn thấy), và tìm thấy ngay: - 57831, đi Pachelma.
- Ừ hứ, - Valia vừa nói vừa ghi vào chữ "Pac", nhưng cô chưa chịu đi ra, vẫn tiếp tục nghiêng người trên bàn giấy của Zotov, mắt chăm chú nhìn vào bản danh mục, môi ngậm đuôi bút chì.
- Cô viết chữ "c" cẩu thả thế này,- Zotov mắng - khéo chút nữa lại đọc thành chữ "v", rồi lại gửi đi Pavelets mất!
- Sao thế được! - Valia đáp, giọng thản nhiên - Thế có mà Vasil Vasilich mắng em chết! Qua lọn tóc buông trước trán, cô liếc nhìn anh. Nhưng rồi cô cũng lấy bút ghi rõ chữ "c" lại.
- Bây giờ tiếp tục... - giọng cô nũng nịu, lại ngậm bút chì vào miệng. Những lọn tóc dầy của cô, mượt như nhung, xõa xuống trán, che cả mắt, nhưng cô không vuốt chúng lại. Mái tóc cô óng ả, sạch sẽ, và chắc là mềm mại lắm... Zotov tưởng tượng nếu vuốt ve mái tóc ấy chắc sẽ thích thú lắm! - Đây rồi... toa không mui này, 105110.
- Toa nhỏ hả?
- Dạ không, toa lớn.
- Có lí nào...
- Sao vậy?
- Thiếu một số.
- Phải làm sao bây giờ? - cô hất mái tóc ra sau, lông mi cô cũng gần như màu bạch kim.
- Phải tìm chứ sao! Valia, phải chú ý hơn nữa. Có cùng đoàn tàu không?
- Dạ phải.
Nhìn vào tập hồ sơ, Zotov dò theo các con số.
Valia nhìn trung úy, anh có đôi tai vểnh trông thật buồn cười, mũi thì như một củ khoai, đôi mắt màu xanh nhạt với đồng tử màu xám có thể thấy rõ qua cặp kính cận. Những lúc làm việc thế này, anh hay cáu kỉnh, nhưng không ác ý. Điều cô thích nhất ở anh là thái độ lịch sự, không buông thả.
- Ầy dà! - Zotov cáu kỉnh - Thế này thì bắn bỏ cho rồi! Không phải 05, mà là 005, đầu với óc!
- Hai số không? -Valia ngạc nhiên và ghi thêm một số không nữa.
- Cô tốt nghiệp trung học rồi phải không, không thấy xấu hổ à?
- Thôi bỏ đi, Vasil Vasilich, tốt nghiệp trung học thì ăn nhập gì với chuyện này. Toa này chuyển đi đâu?
- Kirsanov.
- Rõ rồi, - Valia ghi vào giấy.
Nhưng cô vẫn chưa đi. Vẫn cứ nghiêng người như vậy trên cạnh bàn giấy của Zotov, sát bên anh. Cô nghĩ ngợi điều gì đó, ngón tạy gại gại thớ gỗ xước ra ở cạnh bàn, vân vê rồi ấn lại vào chỗ cũ.
Tình cờ ánh mắt của Zotov lướt qua cặp vú nhỏ nhắn như thiếu nữ của cô, bây giờ do nghiêng người về trước nên thấy rất rõ, bình thường chúng khuất sau chiếc áo đồng phục đường sắt bằng vải dầy.
- Ca trực sắp hết rồi - cô nói, cặp môi hơi trễ xuống, cặp môi mọng, màu hồng nhạt.
- Mới "sắp" hết thôi, vẫn còn việc phải làm! Zotov cau mày, ngừng ngắm nghía cô gái.
- Rồi ông lại về chỗ nhà bà chủ nhà ấy hả?
- Chứ còn về đâu nữa?
- Thế ông không bao giờ đến chơi nhà ai sao?
- Cô cũng có thời gian tiếp khách à!
- Sao ông lại sống được ở nhà bà ấy nhỉ? Đến một cái giường xếp cũng không có, phải lấy thùng gỗ mà làm giường để ngủ.
- Sao cô biết?
- Thì người ta nói.
- Không phải lúc, Valechka, không nhất thiết phải chăn ấm nệm êm, nhất là tôi nữa. Tôi thấy xấu hổ vì không được ra mặt trận.
- Em thấy không việc gì phải thế. Ông chẳng đang làm nhiệm vụ là gì? Sao lại phải xấu hổ? Còn đủ thời gian để nằm chiến hào mà. Với lại, liệu ông có còn sống được đến lúc ấy không... Còn sống được đến ngày nào, thì cứ phải sống cho ra người.
Zotov nhấc mũ ra, xoa xoa trán (chiếc mũ hơi chật nhưng trong kho không tìm được cái nào vừa vặn hơn).
Trên góc tờ bảng kê Valia nguệch ngoạc bằng bút chì một hình xoắn dài và nhọn trông từa tựa một cái móng vuốt.
- Tại sao ông thôi không ở trọ nhà Avdeev nữa? Ở đấy tốt hơn mà.
Zotov đưa mắt xuống, anh thấy mặt nóng bừng.
- Tôi đi khỏi đấy, có thế thôi!
(Chẳng lẽ chuyện ở nhà Avdeev đã đồn khắp làng rồi sao?..)
Valia cứ tô nhọn mãi cái hình lăng nhăng trông tựa cái móng vuốt.
Không ai nói gì.
Valia liếc nhìn cái đầu tròn tròn của anh. Nếu không có cặp kính, thì cái đầu ấy trông như đầu của một cậu bé, mái tóc mỏng và sáng màu, đôi chỗ loăn xoăn như hình dấu hỏi.
- Ông hình như chẳng bao giờ đi xem chiếu bóng. Chắc ông có nhiều sách hay lắm nhỉ. Cho em mượn vài cuốn nhé!
Zotov ngước mắt lên, mặt anh vẫn còn đỏ.
- Ai nói với cô chuyện sách vở?
- Em nghĩ thế thôi.
- Tôi chẳng có cuốn nào. Để hết ở nhà rồi.
- Ông không muốn cho em mượn chứ gì!
- Không phải, ở đây tôi không có cuốn nào. Làm sao đem theo được? Người lính chỉ có mỗi cái ba lô trên lưng, không thể đem theo nhiều thứ.
- Nếu vậy để em cho ông mượn vài cuốn nhé.
- Nhà cô có nhiều sách không?
- Để trên một kệ.
- Là loại sách nào?
- À... "Lò luyện gang" này, "Công tước Serebrianyi" này, còn nhiều nữa.
- Cô đọc hết chưa?
- Một số thôi. - Đột nhiên cô ngửng đầu, nhìn anh chăm chăm, rồi nói một hơi: - Vasil Vasilich, hay là ông dọn sang ở nhà em đi! Phòng của Vova bỏ trống, ông có thể ở đó. Đốt lò sưởi phòng sẽ ấm. Mẹ em sẽ nấu ăn cho ông. Chỗ ông đang trọ thì có ra gì!
Họ nhìn nhau, mỗi người với suy nghĩ thầm kín của mình.
Valia thấy trung úy lưỡng lự, như là có vẻ sắp nhận lời rồi. Tại sao cái anh chàng "hâm đời" này lại không nhận lời nhỉ? Anh lính nào cũng luôn bảo mình còn độc thân vui tính, có mỗi anh này thì khai là mình có vợ. Mọi quân nhân đều ở trọ trong các nhà có điều kiện tốt trong làng, vừa ấm cúng vừa được chăm sóc. Valia muốn trong nhà có người đàn ông, trong khi cha và anh cô đều ra mặt trận. Khi đó cả hai có thể cùng về nhà sau ca trực, qua những con đường tối tăm, lầy lội (có thể tay trong tay cũng nên), sau đó cùng ngồi ăn tối, nói chuyện bông lơn, kể với nhau đủ thứ chuyện...
Vasia Zotov có vẻ sợ hãi nhìn cô gái, người vừa mới công khai mời anh đến ở trọ nhà cô. Cô chỉ kém anh vài ba tuổi, và nếu như cô gọi anh bằng "ông" thì không phải là do tuổi tác, mà là vì tôn trọng cái lon trung úy trên vai áo anh. Anh hiểu mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở những bữa ăn ngon và hơi ấm của lò sưởi. Anh cảm thấy hồi hộp. Giờ đây anh thèm được luồn tay vào những lọn tóc quăn mềm mại màu bạch kim của cô.
Không được! Không thể nào!
Anh sửa lại cổ áo có gắn phù hiệu sĩ quan màu đỏ, dù cổ áo không hề chật, và chỉnh lại gọng kính.
- Không, Valia ạ, tôi không đi đâu cả. Việc còn nhiều mà ta cứ tán gẫu thế này phí thì gian quá.
Anh đội lại chiếc mũ lưỡi trai màu xanh, nó khiến gương mặt ngây thơ với cái mũi hếch của anh trở nên nghiêm khắc.
Cô gái nheo mắt nhìn anh, kéo dài giọng:
- Thôi được, tùy ông, Vasil Vasilich!
Cô thở dài. Rồi đứng thẳng dậy với vẻ khó khăn, tờ bảng kê cầm trong cánh tay buông thõng, bước ra khỏi phòng.
Anh uể oải chớp mắt. Có lẽ, nếu cô quay trở vào và nhắc lại lời đề nghị lần nữa một cách cương quyết, chắc chắn anh sẽ nhượng bộ.
Nhưng cô không quay lại.
Vasia không thể giải thích với ai vì sao anh phải sống trong một căn nhà lạnh lẽo, bẩn thỉu với một bà già có ba đứa cháu, và phải ngủ trên cái thùng gỗ ngắn chẳng chút tiện nghi thay cho giường. Anh đã từng bị đưa ra làm trò cười, không phải một lần, giữa đám đông những người lính trẻ của cái năm 1941 ấy, khi anh nói rằng anh yêu vợ lắm và nghĩ rằng sẽ chung thủy với cô trọn cuộc chiến, cũng như đặt hết niềm tin vào cô. Đám trai trẻ ấy cười rú lên như điên, vỗ bồm bộp vào vai anh và khuyên anh hãy cố nuôi hi vọng. Từ đấy, chẳng bao giờ anh thố lộ điều ấy nữa, nhưng cảm thấy buồn ghê gớm, đặc biệt vào những lúc nửa khuya giật mình tỉnh giấc, suy nghĩ lo lắng trong lòng không biết vợ mình nơi xa xôi, trong vòng vây của quân Đức, chờ ngày khai hoa nở nhụy, bây giờ ra sao.
Nhưng không phải vì vợ mà anh từ chối lời đề nghị của Valia, mà là vì Polina...
Nhưng thật sự cũng không phải vì Polina nữa, mà là...
Polina, cô gái tản cư từ Kiev có mái tóc cắt ngắn màu đen với gương mặt xanh xao, cô là khách trọ sống ở nhà bà Frosya và làm việc ở bưu điện. Hễ có lúc nào rảnh là Zotov lại đến bưu điện để đọc báo (báo luôn đến trễ, từng chồng một sau vài ngày). Đến bưu điện, anh có thể đọc những số báo tương đối mới hơn, và có thể xem được nhiều loại cùng một lúc thay vì chỉ được một hai tờ. Dĩ nhiên, bưu điện không phải là thư viện, và không ai có nhiệm vụ phải đưa báo cho anh, nhưng Polina lại thông cảm với anh và thường đem tất cả các báo đặt ở chỗ cuối quầy, nơi anh đứng đọc trong cái lạnh. Với Polina, cũng như với Zotov, thì chiến tranh không phải là những vòng quay vô cảm của cỗ xe không gì ngăn nổi, mà là cả cuộc sống cũng như tương lai của cô, và để có thể đoán biết cái tương lai ấy, những ngón tay bồn chồn lo lắng của cô cũng lật từng trang báo với hi vọng mong manh là tìm được chút tin tức gì có thể giải thích về diễn biến cuộc chiến. Họ thường đứng cạnh nhau đọc báo, chỉ cho nhau những tin quan trọng. Những tờ báo thay cho những cánh thư mà chẳng bao giờ họ nhận được. Polina chăm chú đọc những thông báo về kết quả trận đánh ở tiền tuyến, băn khoăn không biết chồng mình có ở mặt trận ấy không, và theo lời khuyên của Zotov cô cũng cố nhíu mày nhăn trán đọc cả những bài báo về chiến thuật của pháo binh và thiết giáp trên tờ Sao Đỏ. Vasia thường đọc to những bài trên tờ Erenburg cho Polina cùng nghe. Anh xin Polina một số báo không gửi đi được và cắt ra một ít bài để cất giữ.
Anh rất yêu quý Polina, con trai cô và cả mẹ cô bằng một thứ tình cảm mà những người chưa từng trải qua đau khổ bất hạnh thì chẳng bao giờ có thể biết được. Anh đem cho con trai cô miếng đường trong khẩu phần của anh. Nhưng trong những lúc cùng lật từng trang báo, chưa bao giờ Zotov dám chạm vào bàn tay trắng muốt của Polina, chẳng phải là vì chồng của cô hay vì vợ của anh, mà chính vì nỗi đau khổ thiêng liêng ràng buộc hai người với nhau.
Polina trở thành người bạn thân thiết nhất, là chứng nhân của lương tri và niềm tin của anh ở Kochetovka này, hay chính xác hơn là ở bên này chiến tuyến, vậy thì làm sao anh lại có thể đến ở nhà Valia được? Liệu Polina sẽ nghĩ thế nào về anh?
Nhưng giả sử như không có Polina đi nữa, thì bây giờ anh cũng chẳng thể nào đi tìm sự an ủi với một người đàn bà khác giữa lúc tất cả những gì thân yêu nhất của anh có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào.
Và cũng không dễ dàng để thú nhận với Valia, với các sĩ quan trực ban như anh, rằng đêm nào anh cũng đọc một cuốn sách duy nhất, mượn ở một thư viện nào đó trên những chặng đường quay cuồng trong năm nay, luôn là người bạn đồng hành của anh trong chiếc ba lô trên lưng.
Quyển sách khá dầy, bìa mầu xanh, tập 1 của bộ "Tư bản luận" in trên nền giấy hơi vàng đã giòn, của những năm 30.
Suốt năm năm đại học anh đã mong được đọc hết bộ sách quý giá này, và nhiều lần mượn về từ thư viện trường đại học, dự định ghi chú và tóm tắt nội dung. Anh giữ cuốn sách suốt cả học kì, rồi cả năm học, nhưng chẳng khi nào có thời gian rảnh, nào là họp hành, công tác xã hội đoàn thể, thi cử. Và chưa hoàn thành được một trang tóm tắt nào thì đã đến hạn phải trả sách lại cho thư viện, rồi còn chuẩn bị kì thi tháng Sáu. Ngay cả đến khi học môn kinh tế chính trị, thời điểm thích hợp nhất để đọc "Tư bản luận", thì giáo sư lại bảo "Các anh chị sẽ bị chết đuối trong bộ sách ấy!", và khuyên sinh viên tốt hơn hết nên đọc sách giáo khoa do Lapidus soạn, và phần tóm tắt trong giáo trình. Thật ra, các sinh viên cũng chỉ kịp làm như thế thôi.
Nhưng giờ đây, mùa thu năm 41, trong cái xó xa xôi bên lề cuộc đại họa, Vasya Zotov đã có thể thu xếp thời gian để đọc "Tư bản luận". Anh đọc cuốn sách vào những lúc không bận ca trực, hay tham gia khóa huấn luyện, hay công tác đảng do quận ủy giao. Khi còn ở trọ nhà Avdeev, trong căn phòng nhỏ với những chậu hoa ráy thơm và lô hội, anh ngồi sau chiếc bàn con cập kênh với ngọn đèn dầu (máy phát không đủ công suất cung cấp điện cho mọi nhà trong làng), tay mân mê từng trang giấy sần sùi, mắt chăm chú đọc: lần đầu - để nắm ý tổng quát, lần thứ nhì - để lưu ý những chỗ quan trọng, lần thứ ba - để tóm lược và ghi nhớ trong đầu theo trình tự. Những thông cáo từ mặt trận càng mờ mịt bao nhiêu, thì anh lại càng kiên trì miệt mài vào cuốn sách dầy bìa xanh ấy bấy nhiêu. Vasia cảm thấy khi anh lĩnh hội được và ghi nhận toàn bộ ý tưởng của quyển sách, dù chỉ mới tập đầu, thành một chuỗi mạch lạc trong đầu, thì anh sẽ trở thành bất khả chiến bại, không thể khuất phục trong bất kì trận chiến ý thức hệ nào.
Nhưng những giờ buổi tối ấy không có nhiều, và mới chỉ vài trang sách được ghi chú, thì Antonina Ivanovna lại đến quấy rầy.
Đó cũng là một khách trọ ở nhà Avdeev tản cư từ Liski, và trở thành chủ nhiệm nhà ăn ở nhà ga Kochetovka này. Cô ta là một người tháo vát và biết cách đứng vững trên đôi chân của mình, nên không có điều ra tiếng vào gì lắm về nhà ăn của cô ta. Sau này Zotov mới được biết, tại nhà ăn ở ga, khách hàng phải dúi một rúp vào cái ô cửa con con để nhận được một bát nước nóng xam xám đùng đục chẳng tí mỡ thịt, bên trong lơ thơ vài cọng mì, và những ai không muốn ghé miệng xì xụp húp những thứ trong cái bát ấy thì phải bỏ ra thêm một rúp nữa nữa, gọi là tiền đặt cọc, cho chiếc thìa bằng gỗ sứt mẻ. Chiều nào cũng vậy, Antonina Ivanovna ra lệnh cho nhà Avdeev đặt ấm samovar, rồi lôi ra bàn ăn bánh mì và bơ. Cô ta chỉ khoảng hai mươi lăm, nhưng trông ra dáng một mệnh phụ phu nhân lắm lắm, da trắng mịn. Lúc nào cũng xởi lởi chào hỏi ông trung úy, nhưng anh thường hờ hững đáp lại lời chào và suốt một thời gian khá lâu cứ tưởng cô ta là họ hàng gì với bà chủ nhà. Gập người trên quyển sách, anh không để ý và cũng không nghe thấy tiếng cô ta vừa từ chỗ làm về rất muộn, đi ngang qua phòng anh đang ngồi để về phòng ngủ của cô, rồi đến phòng bà chủ nhà, rồi lại quay về phòng riêng. Bỗng cô ta đến gần anh và hỏi: "Đồng chí trung úy, ông đang đọc gì thế?". Anh lấy quyển vở che tập sách lại, rồi trả lời lửng lơ cho qua chuyện. Một lần khác, cô ta hỏi: "Trung úy này, đêm ngủ em không khoá cửa phòng, thế có nguy hiểm không nhỉ?". Zotov trả lời: "Có gì mà sợ! Tôi ở ngoài này, có súng mà". Rồi ít ngày sau đó, đang ngồi đọc sách, anh bỗng có cảm giác cô ta không đi qua đi lại, mà ở luôn trong phòng. Anh quay đầu lại và ngây như phỗng: cô ta ôm mền gối leo lên nằm trên chiếc đi văng trong phòng anh, tóc xõa trên gối, chiếc mền không phủ hết đôi vai trần trắng muốt. Anh tròn xoe mắt sững sờ nhìn cô ta, không biết phải làm sao. "Em nằm đây không phiền gì trung úy chứ?" - cô ta hỏi với giọng cợt nhả. Vasia đứng dậy, mất ý thức. Lí ra anh đã phải bước tới bên cô ta, nhưng cái thân hình tròn trịa được nuôi dưỡng bằng những đồng tiền ăn cướp trên đầu trên cổ người khác thay vì mời chào kéo đến, lại đẩy anh ra xa.
Anh không thốt được một lời, cổ họng nghẹn lại vì ghê tởm căm thù. Anh quay phắt người, gập cuốn "Tư bản luận", lấy lại bình tĩnh nhét quyển sách vào ba lô, nhảy bổ đến chỗ cái đinh treo áo khoác và mũ, nhấc lấy thắt lưng có khẩu súng nặng trĩu, cứ thế cầm trong tay rồi phóng ra khỏi nhà.
Anh bước ra một khoảng tối đen kịt, không một tia cỏn con ánh sáng nào lọt ra từ những khung cửa sổ che kín, cũng như từ trên bầu trời u ám, gió thu lạnh cuốn những hạt mưa như cắt vào da. Dẵm bừa vào những vũng nước, ổ gà, vũng bùn, anh đi về hướng nhà ga, chưa ý thức được là trên tay còn cầm chiếc dây lưng có bao súng. Cơn giận dữ bất lực bùng lên trong lòng khiến anh suýt bật thành tiếng khóc, anh lang thang trong bóng đêm đen thẫm.
Từ đó, những chuỗi ngày ở trọ nhà Avdeev đối với anh không còn là cuộc sống nữa. Antonina Ivanovna đã thôi không chào hỏi anh, nhưng bắt đầu đưa về nhà một gã đực mặt phị, thường dân nhưng lại mang bốt cao và khoác áo kiểu nhà binh, đúng mốt thời đó. Trong khi Zotov ngồi nghiên cứu "Tư bản luận", thì cô ta lại cố tình không khép kín cửa phòng, để anh nghe thấy tiếng của họ đùa giỡn, chí chóe nhau, rồi thì tiếng cô ta rít lên và rên ư ử.
Từ đấy anh dọn đến ở trọ nhà bà già nghễnh ngãng, nơi chỉ có thể tìm được một chiếc thùng cũ dùng làm giường nằm, và một tấm vải bố để trải lên.
Nhưng bây giờ thì dường như thiên hạ xầm xì khắp cả Kochetovka. Không biết có lọt đến tai Polina không? Thật xấu hổ...
Những ý nghĩ ấy làm xao nhãng công việc của anh. Anh chụp lấy cây viết chì, cố bắt đầu óc tập trung vào những chỉ thị và lại ghi chép những con số chuyến tàu, hàng hoá, soạn thảo các chỉ thị mới, lưu lại một bản sao. Anh đã gần như hoàn tất công việc, nếu như không có chuyện khó xử với đoàn tàu có số hàng lớn từ Kamyshin tới, không biết phải chia nhỏ ra làm sao và chuyển đi như thế nào. Chỉ có đại úy chỉ huy mới giải quyết được việc này. Zotov nhấn nút một lần điện thoại nội bộ, cầm ống nghe và chờ. Nhấn một lần nữa lâu hơn. Rồi một lần nữa. Đại úy không trả lời. Có nghĩa là không có mặt tại văn phòng. Có lẽ ông ta về nhà để nghỉ sau bữa trưa. Chắc chắn ông ta sẽ quay lại trước giờ đổi ca để nghe báo cáo.
Sau cánh cửa Valia thỉnh thoảng gọi điện cho phòng điều độ. Bà Frosya đến rồi lại đi ra. Sau đó có tiếng bước chân của hai đôi bốt. Có tiếng gõ cửa, rồi cửa mở hé, tiếng người hỏi vọng vào:
- Chúng tôi vào được không?
Và không đợi để được cho phép, họ đẩy cửa bước vào. Người thứ nhất, vóc dáng cao lớn như lính phóng lựu, dẻo dai, mặt đỏ hồng vì giá lạnh, bước vào giữa phòng, dậm gót chào rồi xưng danh:
- Trung sĩ Gaidukov, đội trưởng hộ tống chuyến 95505, ba mươi tám toa, tất cả sẵn sàng, chuẩn bị lên đường!
Anh ta đội chiếc mũ mùa đông mới toanh, mặc áo khoác dài, phẳng phiu, loại dành cho sĩ quan, xẻ ở vạt sau, thắt lưng da to bản có khoá hình ngôi sao, đôi bốt bằng da bò bóng lộn.
Người thứ hai đứng đằng sau, chỉ nhỉnh hơn vai Gaidukov một chút, vai rộng, gương mặt như tạc bằng gỗ đen sạm, u ám, trông như kiệt sức, vẫn đứng gần chỗ cửa ra vào. Anh ta miễn cưỡng chụm năm ngón tay giơ lên vành mũ mùa đông không gài nút che tai, và thay vì báo cáo dõng dạc theo điều lệnh, anh ta nói khẽ:
- Hạ sĩ Dygin, đội trưởng hộ tống chuyến 71628, bốn toa mười sáu tấn.
Một vạt áo khoác rách nham nhở như bị cuốn vào một cái máy nào đấy không thể vá víu lại được nữa, giắt trong chiếc thắt lưng hẹp bằng vải dầu, đôi bốt vải nhăn nhúm như miếng đệm cao su nối giữa hai toa tàu.
Hạ sĩ Dygin có hàng lông mày rậm và quai hàm bạnh trông rất giống gương mặt Chkalov[1], nhưng anh ta không phải là một Chkalov trẻ tuổi không biết sợ hãi là gì, mới hi sinh cách đây không lâu, mà là một Chkalov đã từng trải, nhàu nhĩ.
- Tốt lắm, rất vui được gặp các đồng chí! - Zotov vừa nói vừa đứng dậy.
Xét về cấp bậc lẫn tính chất công việc thì anh chẳng cần phải đứng lên để chào một trung sĩ nào bước vào phòng làm việc cả. Nhưng lúc này anh thật sự vui mừng được gặp họ và mau chóng hỗ trợ họ giải quyết công việc. Từ khi sĩ quan phụ tá không có nhân viên trực tiếp nữa, thì những người này là những người duy nhất để Zotov có thể thể hiện mối quan tâm và sự chỉ đạo của cấp chỉ huy, dù rằng họ chỉ ghé qua năm ba phút hoặc đôi ngày.
- Tôi biết, tôi vừa nhận được chỉ thị về chuyến tàu của các đồng chí - Anh tìm trên bàn và nhìn vào - Đây rồi, 95505 và 71628... - và ngước mắt thân thiện nhìn hai đội trưởng.
Áo khoác và mũ của họ chỉ hơi ướt, lấm tấm những giọt nước nhỏ.
- Các anh làm thế nào mà khô ráo vậy? Tạnh mưa rồi à?
- Lúc mưa lúc tạnh, thưa trung úy, - anh chàng Gaidukov cao lớn cân đối mỉm cười, lúc lắc đầu - tuy chưa đứng theo tư thế "nghỉ" nhưng cũng thư giãn chút ít - Gió bắc đã bắt đầu nổi lên rồi đấy!
Anh ta chỉ khoảng mười chín là cùng, nhưng những ngày tháng lăn lộn ở mặt trận đã tạo vẻ rắn rỏi trên gương mặt đượm nét phong sương.
(Chính vẻ rắn rỏi nơi chiến trận khiến Zotov phải rời bàn đứng lên để gặp họ.)
Thật ra sĩ quan phụ tá cũng chẳng có việc gì để nói nhiều với họ. Hơn nữa cũng không được phép nói về thứ hàng hoá chở đi, bởi vì có thể các toa tàu được niêm phong kín, các thùng hàng được đóng kín và đội hộ tống cũng chẳng biết họ đang hộ tống thứ gì.
Nhưng đối với họ, sĩ quan quân vận tại một trạm có thể đòi hỏi ở họ rất nhiều.
Và họ chăm chú nhìn anh, một ánh mắt thì vui vẻ, còn ánh mắt kia thì buồn bã ưu tư.
Gaidukov cần phải tìm hiểu xem tay sĩ quan này có phải là một con chuột hậu phương hay soi mói không, y có đòi khám xét đoàn tàu và hàng hoá do mình hộ tống hay không.
Về hàng hoá chẳng có gì phải lo, vì anh ta không chỉ đơn thuần phải bảo vệ, mà đúng hơn là yêu quý chúng. Chuyến hàng là vài trăm con ngựa chiến, do người phụ trách khí tài gửi đi, vì không tin tưởng việc cung cấp đầy đủ cỏ khô cho đám ngựa trong suốt cuộc hành trình, nên đã nhét thật nhiều rơm ép theo đoàn tàu để đàn ngựa có cái ăn. Gaidukov lớn lên ở nông thôn, từ bé đã mê thích ngựa, vì thế bây giờ coi ngựa như chiến hữu, chứ không phải vì nhiệm vụ, mà tự nguyện trông nom và giúp đỡ cho mấy người lính được cử đi theo coi sóc bầy ngựa. Cứ mỗi lần anh đẩy cánh cửa lùa, leo vào toa chở súc vật bằng một chiếc thang dây, thì cả mười sáu con ngựa trong toa - đỏ, nâu, đen, xám, đủ loại đều quay những chiếc mõm dài, khôn ngoan của chúng lại phía anh, có con còn ghếch mõm trên lưng con bên cạnh, nhìn anh với cặp mắt lớn buồn bã không chớp, tai chúng giật giật liên hồi, không hẳn như để xin thêm ít rơm khô nữa, mà như để anh bảo cho chúng biết đang đưa chúng đi đâu mà lại nhốt vào cái thùng ầm ĩ và lắc lư này. Gaidukov đi quanh bầy ngựa, len lỏi giữa những bộ mông nóng hổi, vuốt ve bờm ngựa, và những lúc không có lính canh, còn vuốt ve mặt chúng và lẩm bẩm nói chuyện với chúng nữa. Ở mặt trận ngựa có phần vất vả hơn người nhiều và chúng cần cho mặt trận như cái chân thứ năm.
Điều làm Gaidukov lo lắng trước viên sĩ quan (tuy nhiên, ông này rõ ràng là một tay dễ tính, chẳng có gì phải đề phòng) là ông trung úy có thể đòi đi kiểm tra các toa hàng. Mặc dù đám lính trong đội hộ tống của Gaidukov đều là lính mới, nhưng anh ta đã từng ở tuyến đầu và từng bị thương tại mặt trận Dnyepr hồi tháng Bảy, phải nằm viện mất hai tháng và làm việc tại kho quân y, và bây giờ anh ta lại ra mặt trận. Vì thế anh nắm vững quân luật, biết rằng có thể và cần phải vi phạm điều gì. Họ gồm hai mươi binh sĩ trẻ tình cờ lãnh nhiệm vụ hộ tống đàn ngựa, và ngay sau khi bàn giao bầy ngựa là lập tức liên lạc với một sư đoàn tác chiến để bổ sung quân số. Có thể chỉ sau vài ngày, những bộ quân phục mới toanh ấy sẽ phủ đầy đất cát ở hố cá nhân hay công sự rồi... còn may mắn chán nếu còn được ở trong hố cá nhân, chứ chỉ một vài mô đất nhỏ làm chỗ che đầu tránh lựu đạn của bọn Đức bắn sượt qua vai, Gaidukov ghét nhất súng bắn lựu của bọn Đức đã làm anh bị thương hồi mùa hè. Vậy nên anh muốn được hưởng nốt những ngày cuối cùng ấm cúng, thân tình, vui vẻ này. Trong toa tàu rộng rãi, hai cái lò sưởi bằng gang chất đầy than hồng, những hòn than to bằng nắm tay lấy từ các toa khác. Đoàn tàu của họ luôn được chuyển đi nhanh, không phải dừng lâu ở đâu, nhưng mỗi ngày một lần phải tiếp nước uống cho ngựa, và ba ngày một lần nhận thực phẩm theo phiếu khẩu phần của đội hộ tống. Vì là đoàn tàu tốc hành như vậy, nhiều người sẽ muốn xin quá giang. Mặc dù điều lệnh nghiêm cấm thường dân lên toa hộ tống, Gaidukov và phụ tá của anh, tuy làm ra vẻ ngăn cản, nhưng cũng không thể thờ ơ trước cảnh những con người lạnh cóng trong bộ áo khoác mùa thu cuống cuồng chạy dọc theo những toa tàu. Không phải để mặc bất cứ ai xin lên cũng được, nhưng họ không từ chối nhiều người. Chỉ cần một lít rượu nấu là tay thanh tra khôn lanh đã có thể lên tàu rồi, chỉ cần khoanh mỡ lợn muối là lão già tóc hoe với mấy cái túi xách lỉnh kỉnh đã không còn phải đứng trong gió lạnh, cũng có khi vì lòng trắc ẩn, không thể nhẫn tâm đứng ngó, họ kéo người ta lên mà chẳng đòi hỏi gì hết, nhưng thường thì lính hộ tống bao giờ cũng chìa tay cho đám đàn bà con gái trẻ, những người cũng đi đâu đó vì một mục đích gì đó. Bấy giờ, trong toa tàu ấm cúng, lão già tóc hoe lẩm nhẩm ôn lại thời đệ nhất thế chiến, hồi đó lão được không ít huy chương thánh George chữ thập vàng, trong khi ấy thì một trong những cô gái không cho ai chạm đến người, co ro cúm rúm như một con chim non, lách đến ngồi sát bên lò sưởi. Vì nóng, các cô gái khác đã cởi hết bành tô, áo khoác từ lâu rồi, thậm chí cả áo len. Có một cô, mặc mỗi chiếc áo cộc màu đỏ, người cũng đỏ hồng, giặt áo cho đám lính trẻ, quất cuộn áo ướt vào người anh chàng đang phụ một tay, khi anh này cứ sấn lại sát bên cô nàng. Hai cô khác thì nấu ăn cho đám lính, họ lấy mỡ lợn muối nhà làm để chế biến lại các khẩu phần quân đội khô khan. Còn một cô nữa ngồi khâu vá quần áo rách cho đám lính. Khi tàu rời ga, họ dùng bữa, ngồi bên lò sưởi, hát đôi câu theo nhịp lắc lư của toa tàu, và rồi chẳng cần phải phân công ai phải trực đêm, ai được nghỉ ngơi (cả bọn cùng mệt mỏi như nhau), họ tản ra, bò lên chỗ ngủ của mình làm bằng những tấm ván thô, đánh giấc ngon lành. Và trong đám phụ nữ hôm nay, cũng như đám phụ nữ hôm qua, vừa mới tiễn chồng ra chiến trận và trong đám các cô gái nữa, không phải tất cả đều có thể cưỡng được cám dỗ, nên trong những góc tối khuất ánh đèn dầu, một số nằm gọn trong lòng những chàng trai trẻ.
Còn tiếc gì với người lính trẻ hôm nay lên đường ra tiền tuyến! Biết đâu chừng đây là những ngày cuối cùng của đời họ.
Điều duy nhất mà Gaidukov muốn ở ông trung úy bây giờ cho chuyến tàu lên đường càng sớm càng tốt. Và anh cũng muốn biết lộ trình chuyến tàu để liệu xem các bà các cô sẽ xuống đâu, còn bản thân anh sẽ chiến đấu ở chiến trường nào? lần này có ai trong bọn họ được đi qua quê nhà hay không?
- Như vậy là... - trung úy nhìn các chỉ thị vừa bảo - các anh không đi cùng với nhau? Họ nối các toa lâu chưa?
- Vài ga trước, thưa trung úy.
Cặp mắt kính của trung úy săm soi vào tờ giấy, môi anh trề ra.
- Sao người ta lại chuyển anh đi đường này? - anh hỏi người có khuôn mặt giống Chkalov nhưng già hơn - Anh đã ở Penza chưa?
- Thưa đã - giọng Dygin khàn khàn.
- Quỷ quái thật, sao người ta lại cho anh đi vòng vo qua tận Ryazhsk thế này? Lạ lùng thật, chả hiểu đầu óc ra làm sao!
- Bây giờ chúng tôi có đi cùng nhau không? - Gaidukov hỏi. (Trong lúc đến văn phòng sĩ quan trực ban, anh đã biết hướng đi của Dygin và muốn đoán hướng của mình.)
- Đến ga Gryazi cùng nhau.
- Sau đấy thì sao ạ?
- Bí mật quân sự! - Zotov lắc lắc đầu vui vẻ, nheo mắt nhìn từ trên xuống dưới anh chàng trung sĩ cao lớn qua cặp mắt kính.
- Cuối cùng thì sao ạ? Có qua Kastornaya không, trung úy? - Gaidukov nghiêng người về phía trung úy, cố gắng tán tỉnh.
- Đến đó khắc biết, - Zotov làm ra vẻ nghiêm nghị trả lời, nhưng miệng cười cười, và vì thế Gaidukov hiểu rằng có đi qua Kastornaya.
- Tối nay chúng tôi đi ngay à, thưa trung úy?
- Đúng, không thể giữ các anh lại.
- Tôi không thể đi được - giọng Dygin rít lên như bắn gắt, không thân thiện.
- Cá nhân anh? Anh bị ốm sao?
- Cả đội hộ tống.
- Có nghĩa là... thế nào? Tôi chưa hiểu. Tại sao các anh không thể?
- Bởi vì chúng tôi không phải là những con chó! - Dygin gằn giọng, hai tròng mắt anh long lên giận dữ dưới mi mắt.
- Nói năng kiểu gì thế, - Zotov bật đứng thẳng lên, trán cau lại - hạ sĩ phải thận trọng lời nói!
Đến lúc ấy anh mới nhận thấy trên cổ áo Dygin chỉ có một phù hiệu hạ sĩ hình tam giác màu xanh, còn bên kia trống trơn, chỉ còn vết hình tam giác có lỗ thủng ở giữa. Hai dải mũ trông như hai cái tai xệ, lòng thòng dài xuống đến ngực.
Tia mắt dữ dằn của Dygin nhìn xếch lên:
- Bởi vì chúng tôi... - giọng anh ta khàn khàn như người bị viêm họng - mười một ngày nay chưa được ăn một thứ gì!
- Hả?? - trung úy giật giọng, mắt kính tuột khỏi một vành tai, anh chụp lấy gọng kính, đeo lên lại - Sao lại như thế được?
- Thế đấy. Chính thế... Rất đơn giản.
- Các anh có phiếu khẩu phần không?
- Nhưng không thể nhai giấy được.
- Vậy các anh làm thế nào mà sống được?
- Chúng tôi vẫn sống thế đấy.
Làm thế nào mà sống được chứ! Câu hỏi như của đứa trẻ nít, rỗng tuếch từ cửa miệng anh chàng "bốn mắt" làm Dygin nổi giận, và y nhủ thầm là đừng có trông mong gì sự giúp đỡ ở cái ga Kochetovka chết tiệt này. Làm thế nào mà sống được chứ! Cái đói và sự giận dữ làm cho quai hàm Dygin bạnh ra, anh ta hầm hầm nhìn ông sĩ quan phụ tá có nước da trắng bệch, vùi đời mình trong căn phòng sạch sẽ ấm cúng này. Cách đây bảy ngày, tại một nhà ga bọn họ kiếm được hai bao củ cải trong một đống bao, và suốt một tuần liền họ đã luộc số củ cải ấy mà ăn sạch. Và củ cải đã khiến họ phát nôn phát mửa, ruột họ không tiêu hóa nổi chúng nữa rồi. Đêm hôm kia, khi chuyến tàu của họ đợi ở ga Alexander Nevsky, Dygin đưa mắt nhìn đám lính kiệt quệ của anh, họ đều là lính dự bị và còn lớn tuổi hơn anh, mặc dù anh cũng chẳng trẻ trung gì nữa. Dygin quyết định và đứng dậy. Gió lùa dưới gầm toa và rên rỉ qua những khe hở. Phải tìm thứ gì để đám lính dịu cơn đói, dù chỉ chút ít tạm lót lòng. Và anh lần bước vào bóng đêm. Chừng một tiếng rưỡi đồng hồ sau anh trở về và quăng ba ổ bánh mì lên chỗ ngủ. Người lính ngồi sát bên sửng sốt: "Cả bánh mì trắng nữa cơ à!" - "Thế à? Tôi không để ý!" - Dygin thản nhiên đưa mắt nhìn mấy ổ bánh. Bây giờ thì chẳng đời nào Dygin lại kể chuyện này cho gã trung úy bốn mắt biết. Làm thế nào mà sống được chứ! Mười ngày qua, bốn người bọn họ đi qua quê hương xóm làng của mình mà như đi trên hoang mạc. Hàng hoá bọn họ hộ tống là hai mươi ngàn cái xẻng công binh trét đầy mỡ bỡ nhà máy. Và Dygin đã biết từ lúc khởi hành là bọn họ phải đưa số xẻng này đi từ Gorky đến Tbilisi. Nhưng tất các hàng hoá khác đều "khẩn" hơn đám cuốc xẻng đáng nguyền rủa, lạnh cứng trong lớp mỡ bò này. Đã bắt đầu tuần lễ thứ ba mà bọn họ vẫn chưa đi được nửa đường. Nhân viên điều độ ở ga cuối cùng trước khi đến đây, một tay vô tâm vô tính, đã tháo bốn toa của họ và để mặc ở một ga xép. Ở Gorky bọn họ được lĩnh khẩu phần cho ba ngày, sau đó ở Saransk thêm khẩu phần cho ba ngày nữa, rồi kể từ đó không một ga nào bọn họ có thể thấy kho quân nhu mở cửa. Tuy nhiên nỗi khổ ấy vẫn còn có thể chịu đựng được, giả sử như họ nhịn đói năm ngày liên tiếp mà biết chắc rằng sau đó sẽ nhận được đủ khẩu phần cho tổng số mười lăm ngày. Nhưng bụng thì cồn cào còn tâm hồn thì rên xiết vì quy định của tất cả các kho quân nhu: không cấp phát khẩu phần quá hạn. Qua rồi là trôi theo con nước, miễn hồi tố!
- Nhưng tại sao họ lại không cấp phát khẩu phần cho các anh nhỉ? - trung úy hỏi thêm.
- Vậy như ông, ông có cấp không? - Dygin nghiến quai hàm.
Trước khi đoàn tàu dừng hẳn, anh ta đã nhảy xuống hỏi một người lính ở sân ga là có kho quân nhu ở đó không. Nhưng trời đã tối, và theo quy định, không thể nhận được gì ở cái ô cửa đó.
Trung sĩ Gaidukov quên bẵng cái tư thế đứng buồn cười của mình trước sĩ quan trực ban và quay sang Dygin. Cánh tay dài của anh vỗ vỗ vào vai Dygin:
- Sao anh không cho tôi biết sớm, người anh em? Bọn tôi "tiếp đạn" cho anh ngay bây giờ!
Dygin chẳng động đậy gì trước cái vỗ vai mà cũng chẳng thèm quay lại, ánh mắt câm lặng hướng vào trung úy. Y thấy buồn nôn trước sự vô dụng của bản thân và của cả những gã còn lớn tuổi hơn y, trong suốt mười một ngày trời đói khát, chưa lần nào bọn họ ngỏ lời xin dân thường hay binh lính khác cho miếng gì ăn; họ hiểu rằng vào thời buổi này làm gì có của dư mà cho người khác được. Và cũng chẳng có ai xin quá giang bọn họ trong những cái toa bị bỏ lại chưa được nối vào đoàn tàu. Thuốc lá của họ cũng hết nhẵn. Thành toa tàu của họ đầy những khe hở, và họ lấy vải bạt bịt kín ba trong bốn ô cửa sổ, vì thế dù giữa ban ngày trong toa cũng tối om. Thất vọng não nề, họ chẳng buồn đốt lò sưởi lên cho ấm, rồi trong suốt thời gian bị bỏ rơi lại một hai ngày, họ ngồi bó gối quanh chiếc lò sưởi đã tắt, luộc củ cải trong các bình đựng nước, dùng dao găm xiên củ cải mà ăn, chẳng nói lấy nửa lời.
Gaidukov nhanh nhẹn đứng thẳng người lên:
- Đồng chí trung úy, cho phép tôi ra ngoài?
- Đi đi.
Gaidukov chạy ra. Có lẽ anh ta đi giải quyết việc chia sẻ thức ăn và thuốc hút cho bọn Dygin. Bọn ta cho bà già khóc lóc ấy đi nhờ mà không lấy gì, như vậy để bà ta chia ít thức ăn cho họ! Còn tay thanh tra nữa, phải gõ xem cái va li của y còn những thứ gì.
- Ừm...mm, đã sáu giờ - trung úy tìm cách giải quyết - kho quân nhu đóng cửa mất rồi.
- Giờ này thì kho nào cũng đóng... Họ mở cửa từ mười giờ sáng đến năm giờ chiều... Ở Penza tôi đứng xếp hàng cả buổi, đến lượt thì tàu lại khởi hành. Đến Morshanck thì đã quá nửa đêm rồi. Đến Ryazhsk cũng đêm nốt.
- Hượm đã, hượm đã!- trung úy bối rối - Tôi không để mặc vụ này. Được rồi!
Anh nhấc ống nghe điện thoại nội bộ, nhấn một hồi dài.
Không ai nhấc máy.
Anh chuyển sang nhấn ba hồi.
Vẫn không ai nhấc máy.
- Quỷ tha ma bắt! - Thêm ba hồi nữa - Guskov hả?
- Vâng, thưa trung úy.
- Sao không có ai trực điện thoại?
- Em vừa ra ngoài. Đi lấy ít sữa chua. Trung úy có dùng không, để em đem lên?
-Vớ vẩn, tôi không cần gì cả!
(Anh không nói rõ ra vì có Dygin đứng bên cạnh. Bao giờ anh cũng cấm Guskov đem đến bất cứ thứ gì, đó là nguyên tắc. Để giữ cho quan hệ công tác lành mạnh, nếu không thì không thể đòi hỏi cấp dưới chấp hành nghiêm túc. Zotov đã có lần báo cáo với đại úy về việc vô kỉ luật của Guskov.)
- Guskov, có việc này. Có đoàn hộ tống bốn người đến đây, từ mười một ngày nay họ chưa được lãnh tí khẩu phần nào.
Có tiếng Guskov huýt sáo trong ống nghe.
- Mấy anh chàng này đoảng thật!
- Vậy đấy. Phải giúp họ. Này, bây giờ phải gọi Chichishev và Samorukov, bảo họ mở kho cấp khẩu phần theo đúng phiếu của đội hộ tống nhé.
- Tìm họ ở đâu bây giờ, không đơn giản đâu, trung úy!
- Ở đâu hả? Chỗ trọ của họ.
- Lầy lội thế này, bùn đến đầu gối, lại tối như...
- Chichishev sống gần đây mà.
- Còn Samorukov? Y ở tít bên kia. Mà y cũng không chịu đến đâu, thưa trung úy.
- Chichishev sẽ đến!
Chichishev là kế toán quân đội, trong lực lượng dự bị và đeo lon thượng sĩ, nhưng chẳng có dáng dấp gì là một người trong quân đội cả, mà cứ như là một thày kế toán già bị cái bệnh nghề nghiệp ám ảnh. Ông ta không thể nói chuyện mà không có cái bàn tính một bên. Ông hỏi: "Mấy giờ rồi? Năm giờ hả?" - và thế là gẩy cái "cách" năm hạt bàn tính sang một bên. Hay khi lí sự: "Nếu một người đàn ông (gạt một hạt bàn tính) cảm thấy sống khó khăn. Rồi anh ta (gạt tiếp hạt thứ hai) phải cưới vợ". Khi ngồi trong ô cửa sổ có song sắt ngăn cách với đám lính xếp hàng la ó bên ngoài, chìa phiếu khẩu phần vào cái lỗ chỉ hé mở vừa đủ cho lọt một cánh tay, Chichishev có thái độ hết sức cứng rắn, la hét đám lính, gạt tay họ ra rồi đóng sập cánh cửa lại, không cho đưa phiếu vào nữa. Nhưng mỗi khi ông ta ra khỏi nơi trú ẩn gặp gỡ với đám lính, hoặc giả một toán nào đó tìm được cách lọt vào phòng làm việc của ông, thì lập tức ông ta rụt đầu vào đôi vai nhỏ và đổi giọng ngọt ngào "người anh em", rồi đóng dấu cái cộp vào phiếu của họ ngay tắp lự. Trước cấp trên bao giờ ông ta cũng lăng xăng khúm núm, không dám từ chối điều gì với ai có đeo lon trên cổ áo. Kho quân nhu không thuộc quyền điều hành của sĩ quan phụ tá trực ban nhưng Zotov tin rằng Chichishev sẽ không từ chối.
- Còn Samorukov sẽ không đến đâu, - Gushov nói một cách chắc chắn. Samorukov là một thượng sĩ nhất, nhưng y lại rất coi thường các ông trung úy. Khoẻ mạnh như một con sói no nê, y là thủ kho kho quân nhu, nhưng cung cách của y như một gã bán tạp hóa, và hách xì xằng như một ông đại tá. Với bộ điệu trịnh trọng, luôn đến muộn mười lăm phút, y bước tới chỗ nhà kho, kiểm tra các chốt cửa, mở ổ khoá, nâng cánh cửa lên rồi móc cái móc để giữ cho cánh cửa khỏi sập xuống, trong khi ấy cái bản mặt phị mỡ hãm tài của y lại tỏ vẻ ta đây lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ. Trong khi biết bao nhiêu người lính hối hả vội vã cho kịp chuyến tàu, đi từng toán hay cá nhân, kể cả những thương binh, chen chúc trước cái ô cửa sổ, chửi thề và xô đẩy nhau, cố làm sao chen đến gần hơn, thì Samorukov vẫn bình thản, ung dung vén tay áo đến tận khuỷu tay, để lộ hai cánh tay nung núc của một anh hàng thịt, soi mói kiểm tra con dấu của Chichishev đóng lên các phiếu khẩu phần rách nát, quăn queo, sau đấy khoan thai cân số thực phẩm (bao giờ y cũng cân thiếu) mà chẳng bao giờ băn khoăn tự hỏi người lính đi lĩnh khẩu phần ấy liệu có kịp chuyến tàu hay không. Y cố tình ở trọ tại một nơi khá xa nhà ga để khỏi bị ai quấy rầy ngoài giờ làm việc, và lại còn cẩn thận chọn bà chủ trọ nào có khoảnh vườn và một con bò sữa.
Nghĩ đến Samorukov, Zotov thấy cơn giận sôi lên trong lòng. Anh căm thù loại người như y, như căm thù bọn phát xít, mối nguy cơ từ bọn ấy không kém một chút nào. Anh không hiểu sao đồng chí Stalin lại không ra chỉ thị bắn bỏ bằng hết những loại Samorukov như vậy, xử bắn ngay cửa kho quân nhu, công khai trước nhân dân.
"Không, Samorukov sẽ không đến thật" - Zotov nghĩ thầm và lại thấy giận điên lên, đồng thời lại thấy hổ thẹn vì không dám động đến y. Có lẽ Zotov không định động đến Samorukov nếu như những người lính hộ tống này bị bỏ đói chừng năm ba ngày. Đằng này những mười một ngày!
- Nghe này, Guskov, đừng sai lính đi gọi y, đích thân anh phải đi tìm y cho bằng được. Đừng nói về chuyện bốn người lính bị bỏ đói, mà nói là đại úy, thông qua tôi, gọi y có việc khẩn, hiểu chưa? Bảo y lên gặp tôi. Tôi sẽ giải quyết với y!
Guskov im lặng.
- Sao không trả lời? Anh hiểu lệnh không? Hiểu thì nói "Rõ!" rồi thi hành ngay đi.
- Nhưng trung úy đã báo cáo đại úy chưa?
- Không phải việc của anh! Tôi chịu trách nhiệm! Đại úy ra ngoài rồi, không có ở đây.
- Đại úy sẽ không ra lệnh cho y làm thế đâu. - Guskov nói - Không có quy định nào bắt phải mở kho giữa đêm hôm để phát vài cân bánh, mấy con cá mòi!
Sự thật đúng là như vậy.
- Mà gấp gáp thế làm gì? - Guskov phân bua - Cứ để họ đợi đến mười giờ sáng mai. Một đêm nữa thì có gì là ghê gớm! Nằm sấp xuống đè cho bụng khỏi sôi!
- Nhưng tàu sắp chạy rồi. Chuyến này gấp lắm, toa của họ bị tháo ra ở ga trước, bị giữ lại lâu quá. Hàng phải gửi gấp, người ta đang chờ.
- Nếu tàu sắp chạy thì Samorukov có đến cũng chẳng kịp. Lội bùn từ đây đến đó rồi quay lại, kể cả có đèn bão để soi đường, ít nhất cũng mất tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ.
Guskov lại nói thêm một điều đúng nữa...
Quai hàm nghiến chặt, hai dải mũ che tai lòng thòng, gương mặt đen sạm của Dygin chăm chăm về phía ống nghe - anh ta cũng đoán biết được người ta nói gì ở đầu dây bên kia.
- Hôm nay cũng toi rồi - anh ta lắc đầu thất vọng.
Zotov thở dài, tay nhả nút ấn để Guskov ở đầu bên kia không nghe được.
- Phải làm gì bây giờ, người anh em? Hôm nay không được rồi. Chắc phải tới ga Gryazi thôi? Chuyến này là chuyến tốc hành, đến đó thì cũng vừa kịp sáng.
Có vẻ như sắp bị thuyết phục, nhưng Dygin cảm thấy điểm yếu ở viên trung úy này.
- Tôi không đi. Bắt giam cũng chịu, tôi không đi đâu hết.
Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa. Một người ăn mặc dân sự, đầu đội chiếc mũ kếp rộng, bằng vải dạ kẻ ca rô đen xám xen kẽ. Ông ta nghiêng mình thật lịch sự và hỏi xin phép được vào phòng, nhưng bên trong không ai nghe ông ta nói gì.
- Mời vào! - Zotov nói lớn, rồi ấn nút bộ đàm: - Thôi được, Guskov, gác ống nghe đi, tôi sẽ nghĩ cách.
Người đàn ông bên ngoài chưa hiểu ngay, sau đó đợi một chút rồi lại hỏi:
- Thưa, tôi vào được không ạ?
Giọng nói của người lạ không khỏi khiến Zotov ngạc nhiên, một giọng trầm, giàu âm điệu và được nén hơi lại để khỏi vang lên. Ông mặc chiếc áo khoác dầy, màu nâu đỏ, vạt dài nhưng tay áo lại bị cắt ngắn, kiểu áo dân sự, chân đi giầy lính Hồng quân có quấn xà cạp, tay xách chiếc ba lô nhỏ, bẩn thỉu. Vừa bước vào, tay ông ta nhấc chiếc mũ dạ, nghiêng mình về phía hai người:
- Chào các ông!
- Chào ông.
- Quý ông vui lòng cho biết, - ông ta hỏi thật lịch sự, phong thái đĩnh đạc cứ như là đang ăn mặc rất đàng hoàng chứ không phải lạ lùng như vậy - ai là sĩ quan chỉ huy ở đây ạ?
- Tôi là phụ tá trực ban.
- Vậy có lẽ ông chính là người tôi đang muốn gặp rồi.
Ông nhìn quanh tìm chỗ treo mũ, chiếc mũ dường như bị bẩn vì bụi than, không thấy chỗ treo chiếc mũ, ông kẹp nó vào khuỷu tay bên kia, bàn tay còn lại cởi khuy áo dạ. Chiếc áo không có cổ, đúng hơn thì cổ áo đã bị cắt bỏ, chiếc khăn len quấn quanh cổ ông ta. Bên trong áo khoác người khách mặc bộ quần áo Hồng quân mùa hè, bạc phếch, bẩn thỉu, ông ta bắt đầu giơ tay cởi khuy túi áo ngực.
- Khoan khoan, đợi một chút! - Zotov khoát tay, anh quay sang Dygin, đang đứng bất động và thiểu não. - Tôi sẽ làm tất cả những gì mà tôi có thể làm được, tôi sẽ cho gỡ toa của các anh ra khỏi chuyến này, mười giờ sáng mai các anh sẽ được lãnh khẩu phần...
- Cảm ơn trung úy - Dygin nói, hai mắt rưng rưng.
- Không phải cảm ơn, thật ra còn chưa thu xếp xong. Chuyến tàu sắp tới là chuyến tốc hành, rất thuận lợi. Còn bây giờ thì chưa biết sẽ nối các anh vào chuyến nào đây.
- Dù gì chúng tôi cũng đã mất hai tuần rồi, vậy sớm hay muộn thêm một ngày có khác gì đâu - Tôi biết hàng này...
- Chớ, chớ! - Zotov giơ ngón tay lên lắc lắc - Chúng ta không được phép bàn chuyện này. - Liếc mắt về phía người lạ, bước đến sát Dygin, vẫn thì thầm bằng cái giọng miền Volga - Nếu anh đã biết là hàng gì rồi, thì thử hình dung đi: bao nhiêu người sẽ dùng số xẻng ấy để đào hố cá nhân? Hai sư đoàn! Xuống được hố cá nhân có nghĩa là mạng sống của họ được bảo đảm! Hai vạn chiếc xẻng là hai vạn mạng sống của các chiến sĩ Hồng quân! Phải không?
Zotov lại liếc mắt nhìn người lạ. Ông ta hiểu ý nên đã đi ra phía vách, quay lưng lại, bàn tay lần lượt che, không phải là che, mà như thể xoa tai cho đỡ lạnh.
- Sao? Ông lạnh à? - Zotov cười to.
Người lạ quay lại, mỉm cười:
- Vâng, ông thấy đấy, rét thật. Gió khủng khiếp. Ẩm ướt quá chừng.
Phải, gió rít lên, quất vào góc toà nhà, lay động tấm kính chưa dán kín phía cửa sổ bên phải làm phát ra những tiếng lạch cạch sau tấm rèm. Nước trong ống máng bể lại chảy ào ào.
Người khách lạ lùng râu ria lởm chởm này có một nụ cười dễ mến vô cùng, có thể làm dịu tâm hồn. Tóc ông chưa cạo hết. Những sợi tóc ngắn, mỏng và mềm phủ kín cái đầu tròn của ông đã ngả sang màu xám vì những sợi bạc.
Ông ta trông chẳng ra quân sự, cũng chẳng ra dân sự.
- Thưa ông đây, - tay ông chìa ra miếng giấy.- Giấy tờ của tôi...
- Lát nữa, lát nữa. - Zotov cầm tờ giấy nhưng chưa xem. - Mời ông ngồi... Đây, ghế đây. - Nhìn người đàn ông với chiếc áo khoác kì khôi lần nữa, anh quay lại chỗ bàn, lấy bản mã số và bảng kê, khóa két sắt, rồi ra hiệu cho Dygin và cùng anh ta qua phòng nhân viên điều độ quân sự.
Cô đang bận điện thoại, còn bà Frosya ngồi xổm bên lò sưởi để hong quần áo cho khô. Zotov lại gần Valia, nắm lấy tay cô, tay đang cầm ống nghe.
- Valyuta...
Cô gái quay lại, sống động, nhìn anh với vẻ hóm hỉnh, hình như cô cảm thấy lạ vì anh dịu dàng nắm cổ tay cô. Nhưng cô còn phải kết thúc cuộc điện thoại:
- Chuyến 1002 chuẩn bị ra, chúng tôi không có gì gửi đi cả. Cho sang đường đi Tambov nhé, Petrovich!
- Valechka! Bảo bà Frosya mau mau ghi lại, hay tốt hơn hết bảo bà ấy đi chỉ cho bộ phận kết nối toa bốn toa của ông này, hạ sĩ đây sẽ đi với bà ấy, dặn bên điều độ tháo mấy toa ấy và kéo riêng ra một chỗ đợi đến sáng mai nhé.
Bà Frosya vẫn ngồi xổm cạnh lò sưởi, quay gương mặt lớn, nhăn nhó về phía trung úy rồi trề môi.
- Được rồi, Vasil Vasilich, - Valia mỉm cười. Cô vẫn giữ ống nghe vì anh chưa buông tay cô ra. - Em bảo bà ấy đi liền.
- Còn bốn toa ấy thì cô thu xếp sao cho lên đường vào chuyến đầu tiên sáng mai. Cố gắng nhé.
- Được mà, Vasil Vasilich! - Valia cười rạng rỡ.
- Vậy là xong rồi! - trung úy thông báo với Dygin.
Bà Frosya thở dài sườn sượt như ống bễ lò rèn, rên rỉ rồi đứng dậy.
Dygin lặng lẽ đưa tay lên thái dương chào và cứ giữ tay như vậy. Ở con người y chẳng có vẻ gì là quân nhân cả, từ chiếc mũ với hai cái dải che tai lòng thòng.
- Anh mới được động viên à? Trước là công nhân phải không?
- Vâng, đúng thế. - Dygin nhìn trung úy với ánh mắt biết ơn.
- Anh nên đeo lon bên này nữa, - Zotov chỉ bên cổ áo của Dygin bị khuyết lon.
- Mất rồi, đã bị gẫy, thưa trung úy.
- Còn mũ nữa, hoặc buộc lại, hoặc lật lên, chứ cứ để thế à?
- Lật lên là thế nào? - bà Frosya đã chui vào áo mưa - Ngoài kia mưa thấy bà! Thôi đi nào, anh bạn!
- Rồi, chúc anh may mắn! Ngày mai sĩ quan khác trực ở đây, anh nhớ ốp ông ấy cho đi sớm.


[1] Chkalov Valery Pavlovich (1904-1938) - phi công lái máy bay thử nghiệm, anh hùng quân đội Liên Xô, hi sinh khi lái thử nghiệm máy bay chiến đấu Polikarpov I-180 năm 1938.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét