Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga "Alexander Solzhenitsyn toàn tập"
(30 tập), Tập 1 - Truyện ngắn & Đoản văn, Nxb "Thời đại" Moskva,
2006.
- Случай на станции Кочетовка
Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhứt tại Sài Gòn, khổ 13x20,5cm.
In xong & tặng giang hồ 11/12/2011
Lời nói
đầu
Nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 93 của nhà văn Nga
đoạt giải Nobel năm 1970 - Alexander Solzhenitsyn (11/12/1918 - 3/8/2008),
chúng tôi dịch lại từ nguyên tác tiếng Nga hai truyện ngắn của ông, lần đầu ra
mắt công chúng trên tạp chí "Thế giới mới" số tháng Giêng 1963:
"Ngôi nhà của Matriona" và
"Trường hợp tại nhà ga Kochetovka".
Bản thảo truyện ngắn "Ngôi nhà của Matriona" được tác giả trao cho Alexander
Tvardovsky (1910-1971), khi đó là Tổng biên tập tạp chí "Thế giới
mới", vào ngày 26/12/1961. Tuy nhiên, sau cuộc họp nội bộ, Ban biên tập đã
kết luận chưa phải thời điểm thích hợp để đăng truyện ngắn vào số tháng Giêng
1962. Đúng một năm sau "Ngôi nhà của
Matriona" đã được phép đăng trên "Thế giới mới" cùng với
"Trường hợp tại nhà ga Kochetovka"
dưới nhan đề chung là "Hai truyện
ngắn". Hơn 100 ngàn bản của số báo này đã được bán hết sạch!
Tựa đề "Ngôi
nhà của Matriona" do Tvardovsky đề nghị sửa lại từ tên truyện nguyên
thủy "Xóm làng không tồn tại thiếu
con người thánh thiện" - từ một câu cách ngôn dân gian Nga; ông phát
biểu: "Tựa đề không cần thiết phải mang tính giáo huấn như thế!".
Solzhenitsyn trả lời tương đối nhẹ nhàng: "Thôi, cứ coi như tôi không may
với cái tựa đề ở chỗ các ông!".
Năm 1989, truyện ngắn này được đăng lại trên tạp
chí "Ngọn lửa nhỏ" số 23 & 24 với số lượng 3.350.000 bản!
"Trường
hợp tại nhà ga Kochetovka", theo lời tác giả, được viết dựa trên một
trường hợp có thật tại nhà ga Kochetovka vào năm 1941 do người bạn của ông
(Vlasov), khi đó làm ở Ban chỉ huy quân vận, thuật lại.
Vào tháng 12-1962 "Trường hợp tại nhà ga Kochetovka"được trích đăng trên báo
"Sự thật", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô (vì vậy, tác
phẩm này chưa lần nào bị "lên thớt" phê bình của báo chí Sô-viết, bởi
vì "Sự thật" thì làm sao sai được!).
Lúc đầu, Ban biên tập "Thế giới mới"và
tác giả cũng thảo luận để đặt lại tựa cho truyện ngắn này, một số nhan đề như
"Chiếc mũ lưỡi trai xanh"
và "Trong ca trực" được đề
xuất; tuy nhiên cuối cùng tên truyện vẫn được giữ nguyên, ngoại trừ một thay
đổi nhỏ: "Kochetovka", tên
thật của nhà ga, được đổi thành "Krechetovka"
vì lí do tế nhị là trùng với tên của trưởng ban biên tập "Thế giới
mới" và "Tháng Mười" lúc đó là Kochetov; ngoài ra, tất cả các
địa danh khác trong truyện đều được giữ nguyên.
Người dịch
Trường hợp tại nhà ga Kochetovka
- A lô! Phòng điều độ phải không?
- Ừm.
- Ai đấy? Dyachikhin hả?
- Ừm.
- Đừng có "ừm" như vậy, tôi hỏi có phải
Dyachikhin không?
- Chuyển các toa nước từ đường 7 sang đường 3...
Phải, Dyachikhin đây!
- Đây là trung úy Zotov, sĩ quan phụ tá trực ban
của chỉ huy trưởng! Các anh đang vẽ vời cái gì vậy? Tại sao đến giờ còn chưa
chuyển đi Lipetsk đoàn tàu sáu trăm bảy mươi... bao nhiêu nữa nhỉ, Valia?
- Tám.
- Sáu trăm bảy mươi tám.
- Không có gì kéo.
- Là sao, không có gì là thế nào?
- Không có đầu máy. Varnakov hả? Có thấy bốn toa
than trên đường 6 không? Dồn mấy toa ấy lại luôn nhé.
- Này, không có đầu máy là sao hả? Từ cửa sổ phòng
tôi, thấy rõ ràng sáu cái xếp hàng dài cơ mà.
- Đó là một đoàn.
- Một đoàn là thế nào?
- Một đoàn đầu máy. Từ nghĩa địa về. Chuyển đi nơi
khác.
- Được rồi, nhưng chỗ các anh vẫn còn hai đầu máy
đang chuyển đường mà!
- Đồng chí trung úy! Tôi thấy có ba cái!
- Có đội trưởng đội hộ tống đứng cạnh tôi đây. Anh
ta mới nhắc tôi là có ba đầu máy. Điều cho tôi một cái.
- Tôi không thể...
- Không thể nghĩa là làm sao? Các người có biết số
hàng ấy quan trọng thế nào không? Không được chậm trễ một phút nào, các
người...
- Chuyển lên đồi.
- ... rồi sẽ trì hoãn nửa ngày trời!
- Chưa đến nửa ngày.
- Chỗ các anh là cái gì chứ, nhà trẻ hay là phòng
điều độ? Tại sao bọn trẻ con la khóc?
- Tất cả kẹt lại đây hết. Các đồng chí, tôi đã nói
không biết bao nhiêu lần rồi! Các đồng chí dọn dẹp cho sạch sẽ đi. Tôi không
thể chuyển đi được. Hàng của quân đội đứng đầy cả kia kìa!
- Chuyến tàu ấy chở máu dự trữ gửi đến quân y viện.
Các anh phải hiểu như vậy!
- Tôi hiểu hết. Varnakov hả? Nào bây giờ thì tháo
ra, rồi đến tháp nước, lấy mười nhé.
- Nghe đây! Trong vòng nửa giờ nữa, nếu không
chuyển đi cho tôi, tôi sẽ báo cáo lên cấp trên! Không đùa đâu! Các anh phải
chịu trách nhiệm!
- Vasil Vasilich! Đưa tôi ống nghe, để tôi...
- Tôi chuyển máy cho nhân viên điều độ quân sự đây.
- Nikolai Petrovich? Podshebyakina ở đầu dây đây.
Này, ở xưởng sửa chữa các anh có gì? Một cái SU đã sửa xong xuôi rồi à.
- Thế chứ, đồng chí trung sĩ, đến toa hộ tống đi,
nếu trong bốn mươi phút nữa... Thôi được, nếu trước sáu giờ ba mươi họ chưa
chuyển các đồng chí đi, hãy đến đây báo cáo.
- Rõ, đến đây báo cáo! Tôi đi được chưa ạ?
- Đi đi.
Đội trưởng đội hộ tống nhanh nhẹn quay người, bước
ra, bàn tay hạ khỏi vành mũ từ bước chân đầu tiên.
Trung úy Zotov sửa lại kính, cặp mắt kính tạo vẻ
nghiêm khắc cho khuôn mặt vốn dĩ không chút nghiêm khắc của anh. Anh nhìn
Podshebyakina, nhân viên điều độ quân sự, trong bộ đồng phục đường sắt, những lọn
tóc quăn dầy, màu bạch kim xõa xuống, trong khi cô đang nói chuyện qua ống nghe
của chiếc điện thoại cổ lỗ. Anh bước ra khỏi căn phòng nhỏ của cô, để vào phòng
riêng của mình, cũng nhỏ, ở góc trong cùng, tiếp theo không còn cánh cửa nào
khác.
Phòng của ban chỉ huy quân vận nằm ngay góc tầng
trệt. Phía trên góc tòa nhà, máng xối đã bị hỏng. Một dòng nước lớn tuôn xối xả
vào bên ngoài vách tường, bị từng cơn gió giật làm đổi hướng và bắn tung tóe,
khi thì vào khung cửa sổ bên trái nhìn ra sân ga, khi thì vào khung cửa sổ bên
phải nhìn ra lối đi nội bộ. Sau những đợt lạnh tháng mười cuối thu, khiến cho
cả sân ga phủ đầy sương vào buổi sáng, mấy ngày gần đây thời tiết trở nên ẩm
ướt, và từ hôm qua mưa lạnh đổ xuống liên miên không ngớt, làm ta phải ngạc nhiên,
không hiểu nước ở đâu trên trời mà có thể trút xuống lắm đến thế!
Nhưng trời mưa lại khiến nơi này trở nên trật tự:
không có cảnh đám đông chen lấn xô đẩy một cách vô nghĩa, không có cảnh nhốn
nháo thường xuyên của đám thường dân trên sân ga và trên các đường tàu, làm mất
đi vẻ khả kính vốn dĩ và cản trở hoạt động của nhà ga. Mọi người đều tìm chỗ
trú mưa, không ai lom khom bò qua gầm các toa tàu, hay trèo lên các bậc thang
dẫn lên toa; dân địa phương không còn đến với những xô khoai chiên và đám hành
khách của những toa chở hàng không còn len lỏi giữa những đoàn tàu, với trăm
thứ bà rằn: áo trong, áo ngoài, đồ len... vắt trên vai và trên hai cánh tay như
ở ngoài chợ trời. (Cái kiểu buôn bán này khiến trung úy Zotov bối rối vô cùng:
cho phép thì chắc chắn là không rồi, nhưng cũng chẳng tài nào cấm nổi, bởi vì
đám dân tản cư này có được cấp phát thực phẩm gì đâu).
Mưa chỉ không xua được những người đang thi hành
công vụ. Qua cửa sổ, có thể thấy người lính gác đứng ở sân ga bên các kiện hàng
phủ bạt, nước mưa xối xả vào người, nhưng anh ta vẫn đứng đấy chẳng buồn rũ
nước đi. Trên đường số 3 đầu máy đang nối các toa chở bồn nước, người bẻ ghi
khoác áo mưa dính liền chiếc mũ trùm, phất cờ ra hiệu. Người trưởng toa, dáng
người thấp bé, trong bộ đồ sẫm màu, đi dọc đoàn tàu trên đường số 2, vừa đi vừa
cúi xuống xem xét dưới gầm mỗi toa.
Tất cả chỉ còn là những hạt mưa rơi xiên. Trong cơn
gió lạnh rít lên không ngớt, mưa đập vào nóc và vách các toa hàng, quất thẳng
vào đầu máy, bổ xuống bộ khung của hơn hai chục toa tàu chỉ còn trơ những lóng
sắt bị cong vặn (lớp vỏ thép bên ngoài đã bị cháy rụi vì bom, song những bộ
phận chuyển động chưa bị hỏng nên chúng được kéo về hậu phương), mưa trút xuống
bốn khẩu pháo không che đậy, đứng trơ giữa sân ga; hòa vào bóng tối đang phủ
xuống, kéo thành một lớp màn xám trên mặt tròn màu xanh của đèn tín hiệu, và
những tàn lửa như những tia chớp đỏ rực thỉnh thoảng vọt lên từ ống khói những
toa hàng được cải tạo để chở người. Sân ga số 1 tráng nhựa đã sủi những bọt
bong bóng do nước chưa kịp rút đi, các đường ray loang loáng trong bóng tối,
những vũng dầu đọng lại, chưa kịp thấm đi, rung rinh trên dải đường sắt màu nâu
sậm.
Không một tiếng động, ngoại trừ tiếng rung nhẹ của
mặt đất và tiếng còi như hụt hơi của người bẻ ghi, còi tàu đã bị cấm từ những
ngày đầu chiến tranh bùng nổ.
Chỉ có tiếng nước mưa rít trong ống máng đã bị bể.
Ngoài cửa sổ phía bên kia, một cây sồi non mọc ven
con đường nhỏ chạy dọc tường rào nhà kho. Thân cây bị gió xoắn vặn, sũng nước,
và những chiếc lá sẫm mầu cuối cùng còn sót lại đến hôm nay cũng bị gió bứt đi
nốt.
Không còn thời gian đâu để đứng nhìn mãi như vậy.
Đã đến lúc phải buông tấm rèm bằng giấy ngụy trang trên cửa sổ, bật đèn và ngồi
làm việc. Còn nhiều việc phải làm cho kịp trước khi giao ca vào lúc 9 giờ tối.
Nhưng Zotov không buông rèm cửa sổ, mà lại bỏ chiếc
mũ sĩ quan với lưỡi trai màu xanh xuống, chiếc mũ anh luôn đội trong ca trực,
kể cả khi ở trong phòng làm việc. Anh bỏ kính ra và chầm chậm đưa tay dụi mắt,
đôi mắt đã mệt mỏi vì việc chép lại những con số mật mã viết bằng bút chì, kí
hiệu hàng hóa vận chuyển từ một bảng kê này sang một bảng kê khác. Không, không
phải mệt mỏi, mà là nỗi buồn bã chán chường chất chứa trong lòng anh từ cái
bóng đen của những ngày trước và khoét sâu vào tâm hồn anh.
Nỗi buồn không phải vì lo cho người vợ và đứa con
sắp chào đời hiện đang ở tận Belorus, nơi đang bị quân Đức chiếm đóng. Không
phải vì quá khứ bị đánh mất, bởi vì Zotov cũng chẳng có quá khứ để mà luyến
tiếc. Không phải vì tài sản bị tiêu tan, anh không có tài sản và cũng chẳng bao
giờ mong ước được có nó.
Theo diễn tiến của cuộc chiến tranh, Zotov cảm thấy
lòng trĩu nặng đến mức muốn hét to lên thành tiếng cho vơi bớt phần nào. Không
thể nào xác định được tuyến đầu mặt trận hiện đang ở đâu qua các thông cáo của
Phòng Thông tin[1], có thể tranh cãi với nhau ai đang kiểm soát thành phố Kharkov, ai đang
chiếm đóng thành phố Kaluga. Tuy nhiên những người trong ngành đường sắt đều
biết quá rõ là các chuyến tàu không còn đi quá thành phố Uzlovaya trên tuyến
Tula nữa, và nếu đi tuyến Elets thì các chuyến tàu cùng lắm là đến Verkhovye mà
thôi. Máy bay ném bom lúc thì ở đây, lúc thì chỗ khác, và tuyến đường Ryazan -
Voronezh cũng bị dội bom, khiến ga Kochetovka bị vạ lây. Chừng mười ngày trước,
không biết từ đâu xuất hiện hai tên lính Đức điên cuồng cưỡi mô tô chạy lạc tới
đây và bắn xối xả vào ga Kochetovka bằng súng máy. Một tên bị hạ, tên kia bỏ
chạy, nhưng vụ nổ súng đã làm cho nhà ga bị thiệt hại nặng nề, vì viên sĩ quan
đội trưởng đội đặc nhiệm, có nhiệm vụ cho nổ mìn trong trường hợp rút quân, đã
làm nổ khối thuốc đặt sẵn từ trước, phá tung cả tháp nước. Vì thế, bây giờ
người ta phải điều đến một chuyến tàu để sửa chữa, làm việc ở đây đến hôm nay
là hôm thứ ba rồi.
Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ Kochetovka, mà
là tại sao chiến tranh lại xảy ra như vậy? Không những không có cách mạng nổ ra
khắp châu Âu, không những chúng ta không vào cuộc với cái giá rẻ mạt là một ít
máu đổ ra để chống lại liên minh xâm lược, mà giờ đây chúng ta bị lún sâu vào
cuộc chiến! - liệu còn kéo dài bao lâu nữa? Dù làm gì vào ban ngày, hoặc nằm
trong giường vào ban đêm, một ý nghĩ lúc nào cũng nung nấu: "còn kéo dài
đến bao lâu?". Và dù ở nơi làm việc, hay ngủ ở nhà, bao giờ anh cũng tỉnh
giấc cùng với chương trình phát thanh lúc 6 giờ sáng, mỏi mòn với hi vọng là
cuối cùng hôm nay cũng được nghe thông báo tin chiến thắng, nhưng từ cái loa
phóng thanh đen ngòm ấy vẫn chỉ đổ ra những lời rập khuôn tình hình chiến sự
tại Vyazma và Volokolamsk, và như có gọng kìm bóp nghẹt lấy tim: "nếu như
Moskva cũng đầu hàng nốt thì sao?". Tất nhiên là không dám hỏi lớn (như
thế rất nguy hiểm), anh còn cảm thấy sợ hãi không dám tự đặt thầm cho mình câu
hỏi này trong đầu óc, suốt ngày anh chỉ nghĩ đến việc ấy và phải cố gắng không
nghĩ đến nó.
Tuy nhiên, câu hỏi u ám ấy còn chưa phải là câu hỏi
cuối cùng tệ hại nhất. Moskva đầu hàng vẫn còn chưa phải là tai họa lớn nhất.
Moskva đã từng thất thủ vào tay Napoleon. Một điều khác còn trăn trở dằn vặt
hơn: sau đấy thì sao? và nếu như... đến tận Ural?
Vasia Zotov cảm thấy chỉ cần một ý nghĩ như vậy
thoáng qua trong đầu thôi cũng đã là tội lỗi lắm rồi. Như vậy là báng bổ, là
xúc phạm vị Cha già, người Thầy vĩ đại, toàn năng, đại trí tuệ, người chỉ cần
ngồi một chỗ mà bao giờ cũng nhìn thấy trước hết thảy mọi việc, cũng có ngay
biện pháp cần thiết và không đời nào để chuyện ấy xảy ra.
Nhưng các nhân viên đường sắt từ Moskva, những
người từng ở đó hồi giữa tháng Mười
đều kể lại những chuyện khó lòng tin được về việc trốn chạy của lãnh đạo nhà
máy, về việc đập phá và vét sạch các két sắt hay các cửa hàng; và sự đau khổ âm
thầm đang bóp nghẹt trái tim trung úy Zotov.
Cách đây chưa lâu, trên đường tới đây, Zotov có
dừng lại hai ngày ở trại huấn luyện sĩ quan dự bị. Ở đó, vào một buổi tối sinh
hoạt tự do ngoại khóa, một tay trung úy gầy gò, gương mặt xanh xao, tóc rối bù
đã bước ra đọc ít câu thơ của chính anh ta, những câu thơ chưa qua kiểm duyệt
bao giờ, rất thẳng thắn. Vasia ngay lúc đó chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhớ
nổi những câu thơ ấy, nhưng sau này những câu thơ ấy tự nhiên hiện ra mồn một
trong đầu anh. Và giờ đây, dù đi trong ga Kochetovka, hay trên tàu đến ban chỉ
huy quân sự Michurinsk, hay trên xe đến Sô-viết nông thôn, nơi anh được giao
nhiệm vụ thực hiện khóa huấn luyện quân sự cho đám thiếu niên và các thương
binh, lúc nào Zotov cũng lẩm nhẩm lại những câu thơ ấy, cứ y như là của chính
mình:
Xóm làng
ngút lửa, khói ngập thị thành
Đốt cháy tim
ta ám ảnh cực hình
Ôi! biết đến
bao giờ, biết đến bao giờ?
Ta chặn đứng
bước quân thù tiến nhanh
Và còn thế này:
Nếu sự
nghiệp Lenin gây dựng bỗng sụp đổ, biến đi
Cuộc sống
của ta sẽ còn nghĩa lí gì?
Khi chiến tranh bùng nổ, chính Zotov cũng chẳng
quan tâm gì đến sự sống còn của bản thân. Cuộc sống nhỏ bé của anh chỉ có ý
nghĩa khi anh có thể làm được điều gì cống hiến cho cách mạng. Mặc dù anh đã
tha thiết xin được ra tuyến đầu lửa đạn, nhưng cuối cùng số phận vẫn bị dính
liền với ban chỉ huy quân vận.
Cuộc đời sẽ còn ý nghĩa gì nếu chỉ biết tìm cách
sống cho riêng mình. Không nhất thiết phải tìm cách sống sót chỉ vì người vợ và
đứa con sắp ra đời của anh. Nếu như quân Đức từ các ngả tràn đến hồ Baikal, và
nếu như Zotov còn sống sót nhờ một phép màu, thì anh sẽ vượt đường bộ theo ngả
Kyakhta để qua Trung Quốc, hay qua Ấn Độ, hay vượt đại dương, với một mục đích
duy nhất là tìm đến một đơn vị chiến đấu nào đấy rồi trở về Liên Xô, trở về
châu Âu với vũ khí trong tay để tiếp tục chiến đấu.
Anh vẫn đứng trong bóng tối, ngoài cửa sổ mưa vẫn
đổ, nước trong ống máng vẫn xối xả, gió vẫn giật từng cơn, miệng vẫn lẩm nhẩm
bài thơ của anh trung úy nọ.
Bóng tối dầy đặc trong phòng càng làm nổi bật cánh
cửa đỏ rực màu mận chín của lò sưởi, và ánh đèn vàng tản mác lọt qua ô kính
phía trên khung cửa từ phòng bên cạnh, nơi nhân viên điều độ quân sự đang ngồi
làm việc.
Nhân viên điều độ quân sự, mặc dù không phải là cấp
dưới trực tiếp của sĩ quan phụ tá trực ban, nhưng cô không thể thực hiện công
việc mà không có ông này, bởi vì cô không biết cả nội dung lẫn mục đích của
hàng gửi, mà chỉ biết mã hiệu các toa tàu chở hàng ấy. Bà Frosya, người làm
công việc kiểm kê các toa hàng, sẽ chuyển các con số ấy đến cho cô. Bà ta vừa
bước vào phòng, chân dậm mạnh xuống sàn.
- Ối trời, mưa gì là mưa, sũng nước là nước! - bà
than thở - Mưa khiếp quá! Kiểu này còn lâu mới tạnh!
- Này cô Frosya, mưa thì mưa, chứ mã số chuyến bảy
trăm sáu lăm vẫn phải ghi đầy đủ cả đấy! - Valia Podshebyakina nói.
- Được mà, cô sẽ ghi, đưa cô cái đèn để thắp nào!
Cánh cửa giữa hai căn phòng mỏng manh và không khép kín, nên Zotov nghe rõ mồn
một hai người nói chuyện với nhau.
- May quá, cô xoay được than rồi, - bà Frosya bảo -
bây giờ thì không sợ gì nữa, cô sẽ giữ cho các mầm khoai sống được. À, cháu có
biết bà Dashka Malentyeva không, bà ấy còn chưa đào khoai đấy. Bây giờ thì tha
hồ ngụp lặn trong bùn mà bới.
- Cô bảo, sương giá có xuống sớm không chứ. Lạnh
thế này.
- Mùa đông đến sớm. Ôi thời buổi chiến tranh này và
mùa đông đến sớm... Cháu đào được nhiều khoai không?
Zotov thở dài và với tay buông tấm rèm trên cửa sổ,
anh cẩn thận đẩy tấm rèm sát vào khung cửa để nó khỏi lay động kêu phần phật.
Đây là điều anh không sao hiểu nổi, và làm anh rất
buồn lòng, thậm chí cảm thấy cô đơn là khác. Tất cả những người làm việc chung
quanh anh xem ra cũng nghe các bản tin với vẻ rầu rĩ rồi lặng lẽ rời loa phóng
thanh, lòng cũng trĩu nặng một nỗi đau âm thầm như anh. Nhưng Zotov nhận thấy
có điều khác biệt: những người quanh anh dường như sống bằng một điều gì khác,
chứ không phải vì những tin tức từ mặt trận - họ đào khoai, vắt sữa bò, cưa
củi, dán lại kính cửa. Và họ nói chuyện với nhau về những công việc ấy, và quan
tâm đến những việc ấy còn nhiều hơn là tin tức từ mặt trận.
Bà già ngốc nghếch! Lấy được ít than mà bây giờ thì
"không sợ gì nữa". Chắc xe tăng của tướng Đức Guderian cũng không
thèm sợ?
Gió rung lắc cái cây nhỏ ở cạnh nhà kho đập vào
cánh cửa sổ suýt làm bể kính.
Zotov hạ tấm rèm cuối cùng xuống, rồi bật đèn. Căn
phòng sạch sẽ, mặc dù không trang bị nhiều đồ đạc, trở nên ấm áp dễ chịu, khiến
tâm trạng của người ta trở nên phấn chấn hơn.
Bàn giấy của sĩ quan trực ban đặt chính giữa phòng,
ngay dưới ngọn đèn, đằng sau bàn là lò sưởi, két sắt đựng tài liệu, gần cửa sổ
kê một trường kỉ ba chỗ ngồi, kiểu cổ, bằng gỗ sồi, có lưng tựa (trên lưng ghế có
tên tuyến đường sắt khắc bằng những chữ lớn). Có thể ngủ đêm trên chiếc trường
kỉ này, dù rằng hiếm khi nào phải ngủ lại sau khi làm việc. Trong phòng còn có
hai chiếc ghế lớn. Giữa hai khung cửa sổ là tấm ảnh màu chân dung Kaganovich[2] trong bộ đồng phục đường sắt. Một tấm bản đồ các tuyến đường trước kia
được treo ở đấy, nhưng ông đại úy trưởng ban của nhà ga đã ra lệnh gỡ nó xuống;
vì lẽ, trong số những người vào phòng này, ngộ nhỡ có kẻ địch trà trộn vào,
chúng có thể định hướng được tuyến đường nào sẽ dẫn tới đâu.
- Cô mới đổi được mấy đôi tất đấy,- bà Frosya khoe
khoang trong căn phòng bên cạnh - phải mất năm cái bánh khoai chiên mới đổi
được đôi tất lụa. Từ giờ cho đến lúc hết chiến tranh, có lẽ sẽ không còn tất
nữa đâu. Cháu phải bảo mẹ cháu mau lên mới được, làm ít bánh khoai đi, rồi mau
mau đem ra đó, chỗ mấy toa chở hàng ấy. Họ sẽ vồ lấy ngay. Hôm trước bà Grunka
Mostryukova vớ được cái áo ngủ lạ lắm, khoét hở ở mấy "chỗ ấy", nhìn
cười bể bụng! Các bà xúm đến nhà bà ấy xem mặc thử, bò lăn ra mà cười... Có thể
kiếm được xà phòng ở chỗ họ, rẻ hơn nơi khác nhiều. Xà phòng giờ cũng khan hiếm
rồi, không có mà mua đâu. Bảo mẹ cháu ngay đi, đừng có ngồi đó mà ngáp.
- Cháu chẳng biết đâu, cô Frosya...
- Gì, bộ cháu không cần bít tất à?
- Rất cần là khác, có điều cháu thấy kiếm chác ở
chỗ mấy người tản cư nó thế nào ấy...
- Có phải mua đồ ăn cắp đâu mà thế nào! Bọn họ mang
theo đủ thứ: vải vóc, cả bộ đồ vía, xà phòng, cứ như đem đi hội chợ. Một số còn
khảnh ăn lắm cơ - gà rán mới đổi, không thì thôi! Dân tình còn bảo, có người
tiền cứ gọi là bó cả xấp, nhét đầy va li, như cướp được của ngân hàng! Nhưng
mình cần gì tiền, tiền thì họ cứ việc giữ lấy.
- Thế còn mấy người ở trọ nhà cô...
- Cháu đừng so sánh, có phải ai cũng như ai đâu. Họ
đến từ Kiev, chỉ có nghèo và đói cõng trên lưng thôi, lúc ra đi như thế nào thì
đến đây vẫn như thế nấy, ngạc nhiên là sao họ đến đây được. Polinka đã thu xếp
được việc làm ở bưu điện, lương không đến nỗi, nhưng ăn thua gì? Có hôm cô mở
hầm thực phẩm ở nhà cho cô ấy xem, rồi bảo: "Đấy, khoai đấy, dưa bắp cải
đấy, cứ thoải mái, tiền nhà tôi cũng chả cần đâu!". Cháu xem, Valyuta, cô
lúc nào cũng thương người nghèo, còn bọn giàu thì mặc xác chúng chứ!
Trên bàn làm việc của Zotov có hai máy điện thoại -
một để gọi đường dài, thuộc loại cổ, vòng quay số gắn trên hộp gỗ màu vàng,
giống như cái máy của nhân viên điều độ quân sự, cái thứ hai là máy nội bộ,
kiểu như máy bộ đàm khi hành quân, nối thẳng với phòng làm việc của ông đại úy
và kho quân nhu của nhà ga. Binh lính gác kho quân nhu là lực lượng quân sự duy
nhất của ban chỉ huy quân vận Kochetovka. Mặc dù nhiệm vụ chính của họ là bảo
vệ hàng hóa quân đội, nhưng họ cũng làm đủ thứ việc như đốt lò sưởi, dọn phòng,
một xô chứa những hòn than to và lấp lánh đặt trước lò sưởi để dự trữ.
Chuông điện thoại đường dài reo vang. Vượt qua phút
chán nản yếu đuối nhất thời, Zotov bước nhanh lại chỗ điện thoại, một tay nhấc
ống nghe, tay kia đội chiếc mũ lên, hét vào ống nói. Khi nói chuyện điện thoại
đường dài, bao giờ anh cũng gào to, một phần vì tín hiệu đường truyền không
tốt, nghe không rõ, nhưng phần lớn là do thói quen.
Người ta gọi đến từ ga Bogoyavlenskaya để yêu cầu
anh xác nhận đã nhận được và chưa nhận được những chỉ thị nào. Các chỉ thị này
là những chỉ thị được mã hóa do ban chỉ huy quân vận ở nhà ga trước gửi tới
bằng điện tín cho biết những hàng hóa nào sẽ được gửi đến đâu. Mới chỉ một giờ
trước đây, Zotov đã trao một số chỉ thị như vậy cho cô điện tín viên để gửi đi
và nhận từ cô ta một số khác. Cần phải nhanh chóng nghiên cứu những chỉ thị
nhận được để phân loại hàng hóa, đưa chúng vào cùng một nhóm để gửi đến những
ga cần thiết, và lệnh cho nhân viên điều độ quân sự toa tàu nào phải nối với
đoàn tàu nào. Sau đó soạn thảo và gửi các chỉ thị mới đến ga tiếp theo, giữ lại
một bản sao và kẹp vào hồ sơ lưu.
Đặt ống nghe xuống, Zotov vội ngồi vào ghế, đôi mắt
cận thị nghiêng xuống bàn, cắm cúi vào xấp chỉ thị.
Nhưng ở phòng bên cạnh tiếng ồn ào lại tiếp tục
quấy rầy anh. Có người bước vào, dậm mạnh đôi bốt, ông ta buông thịch cái túi
đựng ba thứ sắt thép lỉnh kỉnh bên trong xuống sàn. Bà Frosya hỏi xem mưa đã
tạnh chưa. Người đàn ông lẩm bẩm gì đó, rồi ngồi xuống.
(Thật sự, nước trong ống máng bị bể không còn rít
thành tiếng nữa, nhưng gió thì mạnh lên và đập ầm ầm vào cửa sổ).
- Ông nói sao hả ông lão? - Valia Podshebyankina la
lên.
- Trời rét cóng rồi - lão già đáp lại bằng một
giọng đặc quánh.
- Ông nghe đúng đấy chứ, Gavrila Nikitich? - bà
Frosya hỏi lớn.
- Đúng hẳn chứ lị, - lão già trả lời - như tiếng ù
ù trong lỗ tai đây này!
- Ông kiểm tra các toa ra sao hả ông ngoại? Phải gõ
vào để kiểm tra chứ.
- Thấy rõ rành rồi, cần gì.
- Valia, cháu không biết ông lão này rồi, người
Kochetovka của ta đó, ông Kordubailo. Có bao nhiêu thợ cả sửa toa ở các nhà ga,
thì thảy đều là học trò của lão đấy. Lão đã nghỉ hưu trước chiến tranh cả mười
năm rồi, bây giờ lại mò ra.
Và bà Frosya lại bắt đầu buôn chuyện. Câu chuyện
tào lao của họ khiến Zotov bực mình, anh đã định đứng dậy đuổi bà ta đi, thì ở
phòng bên họ kháo nhau về vụ rắc rối ngày hôm qua với đoàn tàu chở người từng
trong vòng vây của quân Đức, có an ninh hộ tống.
Zotov được nghe người đổi ca với mình, cũng là sĩ
quan phụ tá trực ban như anh cho biết về vụ này. Hôm qua anh ta phải đích thân
giải quyết sự vụ, bởi vì ga Kochetovka không có đội cảnh sát riêng. Sáng hôm
qua, cùng một lúc có hai đoàn tàu tới ga: một đoàn ba mươi toa chở đầy người từ
Shigry qua ngả Otrozhka với một đội hộ tống chỉ có năm nhân viên an ninh NKVD,
tất nhiên năm người này thì chẳng thể nào xoay xở nổi với ba mươi toa tàu lèn
đầy những con người tuyệt vọng. Đoàn tàu kia từ Rtishev, chở toàn bột mì. Số
bột chứa trong bao tải, một phần chất trong các toa kín, một phần chất trên các
"toa sơ mi". Đám người kia thấy các toa hàng là biết gì ngay rồi, họ
bèn tấn công các "toa sơ mi", leo lên trên, dùng dao rạch tung các
bao bột, trút vào gàu mên, họ còn cởi áo ra làm bao mà đựng. Đoàn tàu chở bột
chỉ có hai lính canh, một ở đầu, một ở đuôi. Tay lính canh đầu tàu, trông chỉ
nhỉnh hơn một đứa thiếu niên, hô hoán mấy tiếng để cản đám người cướp bột;
chẳng ai thèm lí gì đến hắn, đội hộ tống người cũng mặc kệ chẳng đến giúp. Thế
là hắn chĩa khẩu súng trường lên, hắn chỉ nổ mỗi một phát đạn duy nhất, mà lại
ghim ngay vào đầu một người cướp bột đứng trên toa tàu.
Zotov vẫn lắng tai nghe câu chuyện của họ, họ nói
không đúng chắc hẳn là do không hiểu. Anh không kiềm chế được, phải đi qua giải
thích cho họ hiểu. Đẩy cửa ra và đứng ngay ngưỡng cửa, anh giương cặp mắt kính
tròn ngó vào cả ba người.
Valia thân hình mảnh dẻ, lúc ấy đang ngồi tại bàn
bên phải, trước một đống bảng kê và lịch trình gồm những ô vuông tô màu khác
nhau.
Bà Frosya ngồi trên chiếc ghế dài kê dọc theo cửa
sổ với rèm che bằng giấy màu xanh. Bà là một phụ nữ đứng tuổi, vóc người to lớn
vững chắc, khuôn mặt lộ vẻ quyền uy, thường thấy ở những người đàn bà Nga giỏi
xoay xở mọi việc, nơi công sở cũng như ở nhà. Chiếc áo mưa bằng vải dầu màu
xanh cứt ngựa sũng nước treo trên tường, bà ta ngồi vẫn mang đôi bốt ướt, mặc
chiếc bành tô ngắn dân sự màu đen đã sờn, và đang loay hoay vặn lại tim chiếc
đèn bão xách tay hình vuông.
Trên cánh cửa ra vào dán một mảnh giấy màu hồng in
dòng chữ: "Coi chừng bệnh sốt phát ban!", khẩu hiệu này dán khắp nơi
tại nhà ga Kochetovka. Tờ giấy để in khẩu hiệu màu hồng một cách bệnh hoạn như
chính những nốt phát ban, hay như những khung xương bằng sắt cháy đỏ của các
toa tàu bị dội bom.
Gần cửa ra vào, lão Kordubailo ngồi bệt xuống sàn,
chếch về phía lò sưởi để khỏi cản lối đi, lưng dựa hẳn vào tường. Chiếc túi da
cũ kĩ bên trong có các đồ nghề dụng cụ nặng nề, đặt sát bên lão để khỏi choán
lối đi, hai tay áo lão dính dầu nhớt be bét. Rõ ràng từ lúc mới vào, ngồi xuống
sàn như thế nào, thì đến bấy giờ lão vẫn ngồi y như vậy, chẳng thèm rũ nước mà
cũng chẳng cởi bỏ đôi bốt lẫn áo mưa, khiến nước trên người lão chảy xuống sàn
đọng thành vũng. Một ngọn đèn bão, giống như đèn của bà Frosya, chưa thắp sáng,
đặt trên sàn giữa hai đầu gối gập lại của lão. Bên trong áo mưa, lão mặc một
chiếc áo khoác thủy thủ màu đen bẩn thỉu, chiếc thắt lưng nâu quanh bụng lão
cũng bẩn như chiếc áo. Mũ trùm của áo mưa hất ngược ra sau, chiếc mũ nhân viên
đường sắt cũ kĩ đội chắc chắn trên cái đầu bù xù của lão. Vành lưỡi trai của
chiếc mũ làm cho vùng mắt lão tối lại, ánh đèn chỉ đủ soi rõ chiếc mũi cà chua
và cặp môi dầy đang ngậm một điếu thuốc loa kèn quấn bằng giấy báo và nhả khói
khét lẹt. Hàm râu lởm chởm vẫn còn giữ được màu đen dù có ít sợi bạc lẫn vào.
- Không bắn thì anh ta còn biết làm gì hơn? - Valia
vừa gõ gõ bút chì xuống mặt bàn, vừa nói - Anh ta đang làm nhiệm vụ, đang canh
gác!
- Thì đúng thế! - lão gật đầu, tay gạt một mẩu tàn
thuốc lớn, đỏ rực xuống sàn, cà cà đầu thuốc vào nắp chiếc đèn - Đúng chứ có
sai đâu. Mọi người, ai chẳng muốn được ăn...
- Ông nói như vậy là thế nào? - cô gái cau mày -
Mọi người là ai?
- Là cả ta lẫn cháu, chẳng hạn! - Kordubailo thở
dài.
- Ông lẫn lộn hết cả rồi, ông ngoại à! Ông bảo họ
đói chắc? Họ được cấp khẩu phần ăn mà. Ông nghĩ là nhà nước chở họ đi như vậy
mà không cấp khẩu phần sao?
- Được rồi, cháu đúng, - lão đồng ý, lại thêm một
mẩu tàn đỏ lửa nữa rụng xuống, lần này rơi xuống đầu gối và áo khoác của lão.
- Kìa kìa, cháy bây giờ, Gavrila Nikitich! - bà
Frosya cảnh báo.
Ông lão thản nhiên nhìn mẩu tàn đỏ tắt dần trên
chiếc quần sẫm, bẩn thỉu và ướt nhẹp của lão, không buồn phủi đi, đến khi tàn
thuốc tắt hẳn lão mới khẽ ngẩng cái đầu với mái tóc bạc bù xù, vẫn sùm sụp
chiếc mũ:
- Này, các cô có bao giờ ăn bột sống khuấy với nước
lã chưa?
- Sao lại bột sống? - bà Frosya ngạc nhiên - cho
nước vào, nhào lên, rồi nướng mà ăn chứ.
Ông lão chẹp chẹp đôi môi dầy nhợt nhạt, không trả
lời ngay - những lời lão nói chẳng khi nào phát ra liền, không đi thẳng vào
điều muốn nói, mà dường như còn phải chống gậy lò dò từng bước từ cái nơi nó
xuất phát:
- Vậy là, các người chưa biết đói là cái gì rồi,
các nàng ơi!
Trung úy Zotov bước qua ngưỡng cửa, xen vào:
- Này ông ngoại, ông không hiểu lời thề trung thành là cái gì hả?
Giọng nói của Zotov đặc sệt giọng miền Volga.
Ông lão nhìn trung úy với vẻ rầu rầu. Ông lão không
lấy gì làm cao lớn, nhưng chân ông xỏ đôi bốt khổng lồ, nặng như cùm, sũng
nước, đế giầy dính choe choét đất sét.
- Lạ gì! - lão lầm bầm - Chính lão đã năm lần thề trung
thành rồi đấy!
- Ông thề với ai? Sa hoàng Nikolai hả?
Lão già lắc đầu:
- Trước nữa.
- Hả? Alexander Đệ Tam chắc?
Lão già chép miệng một cách chán chường, rồi tiếp
tục hút thuốc.
- Đúng thế! Còn bây giờ thì thề với nhân dân. Có gì
khác chăng?
Lão lại làm rơi tàn thuốc xuống đầu gối.
- Thế bột mì là của ai? Không phải của nhân dân
sao? - Valia hất mái tóc lòa xòa trước trán ra sau, nóng nảy - Bột ấy chở đi
đâu? Cho bọn Đức chắc?
- Đúng thế, - vẫn cái giọng bâng quơ như chẳng hề
muốn tranh luận - Còn đám người ấy là bọn Đức phỏng, nhân dân ta cả mà.
Hút hết điếu thuốc loa kèn, lão dụi mẩu tàn vào nắp
chiếc đèn.
- Ông lão này lẩm cẩm quá rồi! - Zotov giọng khó
chịu - Ông bảo luật pháp với trật tự là thế nào? Nếu ai cũng thích gì cứ lấy
thì còn ra thể thống gì, tôi thích tôi lấy, lão thích lão lấy, thử hỏi chúng ta
có thể thắng được cuộc chiến này không?
- Sao họ dám rạch tung các bao bột ra vậy? - Valia
bất mãn - Ai lại thế bao giờ? Thế mà là đồng bào của ta được sao?
- Bần cùng sinh đạo tặc, chẳng qua cái đói làm mờ
con mắt thôi! - Kordubailo vừa đưa tay quệt mũi vừa đáp.
- Đói mà phí của như vậy? Làm cho bột đổ hết cả
xuống đường? - bà Frosya bất bình - Xé tan rồi vung vãi như thế, đồng chí trung
úy! Số bột rơi vãi ấy nuôi được bao nhiêu là trẻ con!
- Phải, đúng rồi - lão già đáp - Mà mưa thế này thì
số bột còn lại thể nào cũng bị hỏng nốt cho mà xem!
- Ôi dào! Nói với lão chỉ phí lời! - Zotov có vẻ tự
trách mình sao lại tham gia vào câu chuyện chẳng ra đâu vào với đâu, anh gắt
lên - Thôi đừng ồn ào nữa, để tôi còn làm việc!
Bà Frosya đã làm sạch tim đèn và châm lửa vào bấc.
Bà đứng dậy, giơ tay với cái áo mưa, miệng nói:
- Này Valyuta, cho cô mượn cái bút chì nào, cô đến
toa bảy trăm sáu lăm để ghi đây.
Zotov quay về phòng mình.
Vụ rắc rối hôm qua có thể đã kết thúc một cách tệ
hại hơn nhiều. Đám người ấy thấy đồng đội của mình bị bắn gục, liền quẳng hết
cả bột, gào lên rồi nhảy xổ vào tay lính gác thiếu niên. Họ tước súng của anh
ta, anh ta đứng đờ ra không chống cự, rồi họ xúm vào nện anh ta. Nếu không có tay
lính gác ở ga chạy đến làm ra vẻ bắt giữ anh lính canh rồi giải đi, thì có lẽ
đám người ấy xé nát anh ta ra mất.
Từ đó, mỗi khi có chuyến tàu nào chở đám người ấy
dừng lại ở ga, thì ban chỉ huy quân vận vội vàng điều động đầu kéo để chuyển họ
đi tiếp cho thật sớm. Đêm qua có một đoàn tàu mã hiệu 245413 từ Pavelets đi
Archeda, Zotov nhận đoàn tàu rồi gấp rút cho lên đường ngay. Đoàn tàu chỉ ngừng
lại ở ga hai mươi phút, đám người ấy còn đang ngủ nên không ra ngoài. Đám người
ấy, khi tập trung thành số đông, cũng đáng sợ lắm. Họ không còn là một đơn vị
quân đội, họ không còn vũ khí, nhưng họ còn cái cảm giác như vẫn đang trong
quân ngũ ngày hôm qua, bởi vì họ chính là những người anh em hồi tháng Bảy còn
chiến đấu ở Bobruisk, hay hồi tháng Tám ở Kiev, hay hồi tháng Chín ở Oriol.
Zotov cảm thấy e ngại trước những con người ấy, cái
cảm giác y hệt như của anh lính gác trẻ khi buông súng cho đám đông mà không
dám bắn thêm phát thứ hai. Zotov thấy xấu hổ vì chức vụ sĩ quan hậu cần của
mình. Anh ganh tị với họ và thậm chí sẵn sàng can dự vào những việc đáng chê
trách như họ, cốt chỉ để cảm thấy sau lưng mình là trận đánh, là những làn đạn,
là vượt tuyến lửa.
Các bạn cùng khóa, tất cả các bạn hữu của Vasia
Zotov lúc này đang ở mặt trận.
Còn anh thì lại ở đây...
Như vậy cần phải làm việc tận tụy hơn nữa mới xứng
đáng! Phải làm việc với tinh thần không những chỉ hoàn thành tốt ca trực, mọi
việc đâu ra đấy, mà còn phải làm thêm nhiều việc khác nữa, sao cho có thể hoàn
thành vượt mức với chất lượng công việc tốt hơn trong những ngày này. Sắp đến
ngày kỉ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười, ngày lễ yêu thích trong năm, một
ngày vui sướng bất kể thời tiết như thế nào; nhưng sao lần này tâm hồn anh lại
ray rứt vậy!
Ngoài những công việc thường lệ, Zotov còn mất thêm
cả tuần để làm thêm việc khác bắt đầu từ ca trực của anh. Trong một cuộc không
kích nhà ga, quân Đức đã ném bom trúng đoàn tàu chuyên chở hàng hóa quân đội,
trong đó có thực phẩm. Nếu cuộc không kích ấy hủy diệt trọn đoàn tàu, thì mọi
việc đã kết thúc. Nhưng may thay, phần lớn các hàng hóa chưa bị thiệt hại. Và
vì thế mà giờ đây Zotov nhận được lệnh lập bốn biên bản đầy đủ danh sách: hàng
hóa bị hư hại hoàn toàn 100% (phải lập danh sách gửi về nơi cấp phát để trang
bị mới); hàng hóa bị hư hại từ 40 đến 80% (việc tái sử dụng sẽ được quyết định
sau); hàng hóa bị hư hại từ 10 đến 40% (được tiếp tục chuyển đến nơi quy định,
kèm theo giải trình đầy đủ, hoặc thay thế một phần); cuối cùng là hàng hóa còn
nguyên vẹn. Điều làm cho công việc trở nên phức tạp là mặc dù tất cả hàng hóa
của chuyến tàu bị ném bom đều được tạm nhập kho, nhưng không thể hoàn tất việc
ấy trong chốc lát, thêm vào đó có nhiều người lạ lởn vởn quanh nhà ga, có thể
xảy ra tình trạng mất cắp. Ngoài ra, việc xác định tỉ lệ phần trăm hư hại đòi
hỏi phải có chuyên môn giám định (phải cử các chuyên viên từ Michurinsk và
Voronezh đến) và việc xê dịch sắp xếp lại các kiện hàng trong nhà kho phát sinh
rất nhiều mà nhân lực thì thiếu hụt trầm trọng.
Ném bom thì ngốc tới đâu cũng làm được, chứ khắc
phục hậu quả ném bom thì còn khướt!
Bản thân Zotov lại yêu thích sự tỉ mỉ chính xác, ra
ngô ra khoai, trong công việc, cho nên anh đã làm cật lực cho xong những biên
bản danh mục hàng hóa, anh có thể làm trong hôm nay và dành cả tuần để suy nghĩ
và bổ sung chỉnh sửa hoàn tất.
Thậm chí nếu đây có phải là công việc hàng ngày thì
Zotov vẫn còn bắt mình phải để mắt đến những công việc khác nữa. Zotov là một
người được ăn học đào tạo bài bản, ưa chuộng tính hệ thống, làm công việc ở bộ
phận chỉ huy nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Anh nhận thức được rất rõ
ràng những yếu kém thiếu sót của kế hoạch động viên trong thời kì chiến tranh,
những bất cập trong tổ chức theo dõi hàng hóa quân sự, thấy được những biện
pháp cải tiến có thể áp dụng cho công tác quân vận. Đấy chẳng phải là trách
nhiệm lương tâm của anh hay sao - quan sát, ghi chép, cân nhắc, ước lượng tất
cả, rồi lập bản tường trình gửi về Bộ Quốc phòng? Giả sử công trình của anh
không kịp sử dụng trong cuộc chiến này, biết đâu nó sẽ hữu ích cho cuộc chiến
về sau.
Và để làm công việc này cần phải có thời gian và
nghị lực (mặc dù nếu thổ lộ ý tưởng này cho đại úy chỉ huy trưởng hay cho ban
chỉ huy cấp cao hơn nữa, thể nào họ cũng cười vào mũi. Những con người không có
tầm nhìn.)
Vì thế tốt hơn hết là lo mà xử lí các chỉ thị được
gửi đến! Zotov xoa hai bàn tay vào nhau, những ngón tay mập và ngắn, cầm cây
viết chì hóa chất đặc biệt, dò các mật mã, chép lại ra những tờ giấy khác bằng
nét chữ tròn và rõ những con số dài dằng dặc, thỉnh thoảng lại ghi chú riêng,
con số các chuyến tàu, hàng hóa và toa hàng. Công việc này không được phép nhầm
lẫn, kể cả lỗi nhỏ nhất như đầu ruồi khẩu súng. Anh tập trung cao độ, nhăn hết
cả trán và môi dưới trễ xuống.
[1] Cơ quan thông tin tuyên truyền của
Liên Xô thời kì 1941-1961, tương đương cấp Bộ (Soviet Information Bureau)
[2] Lazar Moiseyevich Kaganovich
(1893-1991) - nhà chính trị, giữ nhiều chức vụ trong chính quyền nhà nước Sô-viết,
một trong những người thân cận của Stalin; được mệnh danh là "Lazar
thép" (Iron Lazar), trong thời kì 1935-1937, trên cương vị bộ trưởng Bộ
dân ủy đường sắt, ông đã bỏ tù hàng ngàn quan chức và nhân viên quản lí ngành
đường sắt với tội danh "phá hoại".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét