Bài
báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di
chúc Lenin" được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong
thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến
tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và
được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Từ
thời điểm bị trục xuất khỏi Liên Sô vào tháng 2-1929, Trotsky đúng là chưa hề
buông bút, tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại Stalin, người đã ra lệnh trục xuất
ông. Ông xuất bản tạp chí, sách, bài đăng báo, tuyên bố, trả lời phỏng vấn,
trao đổi thư từ với cộng sự tại nhiều nước trên thế giới.
Bài
báo "Di chúc Lenin" cũng
không ngoài thể loại quen thuộc của ông là bút chiến chính trị. Tuy nhiên nội
dung bài báo không gói gọn trong di chúc Lenin. "Di chúc" mà Trotsky
quyết định hồi tưởng sau 10 năm kể từ khi Lenin viết nó, chỉ là cái cớ kế tiếp
để tiếp tục cuộc chiến chống lại Stalin. Vì vậy tựa đề của bài báo, trong chừng
mực nhất định, chỉ là một phần nội dung của nó.
Từ
ngày đầu của cuộc chiến đấu giành quyền lực giữa Trotsky và các phe nhóm khác của
Bộ Chính trị, trong đó luôn có Stalin, Trotsky viện dẫn đến Lenin, mặc dù đã
qua đời, nhưng được tất cả các phe nhóm đối thủ tôn sùng như một biểu tượng của
chủ nghĩa bôn-sê-vich chân chính. Trotsky trung thực trong vấn đề này. Ông hoàn
toàn không kém cơ sở hơn Stalin để cho rằng mình là người kế tục thứ nhất của sự
nghiệp Lenin.
Vào
những tháng cuối đời, Lenin thực sự đã "tha thứ" cho Trotsky về việc
xa rời chủ nghĩa Lenin và thẳng thắn đề nghị Trotsky liên kết để chống lại
Stalin, người có mối quan hệ xấu đi rất nhiều trong thời gian Lenin bị bệnh.
Tuy nhiên, chính vào năm 1923 Lenin khi đó sắp qua đời đứng về phe Trotsky,
Stalin đối phó bằng cách củng cố vị trí của mình trong bộ máy của đảng. Cuối
cùng Trotsky đã bị đánh bại.
Trong
quãng thời gian còn lại của đời mình, Trotsky luôn chứng minh cho tất cả mọi
người, bất cứ lúc nào có thể, Stalin không phải là người theo chủ nghĩa Lenin
chân chính, mà chính là ông - Trotsky. Không thể bác bỏ sự đúng đắn của ông
trong tuyên bố này, tuy nhiên chỉ đúng một nửa: Stalin cũng là người
bôn-sê-vich kế tục ở mức độ không kém Trotsky. Họ là những người kế tục theo những
cách khác nhau: Trotsky dựa trên giáo điều, lí thuyết cách mạng, còn Stalin dựa
trên thực lực và quyền lực...
Phạm
Ngọc dịch từ tiếng Nga.
Trường phái tâm lí thuần túy
Thời kì hậu chiến đã phổ biến lối viết tiểu
sử nhân vật theo kiểu phân tâm học mà các tác giả thể loại này thường hoàn toàn
lí giải từ xã hội. Sự trừu tượng của cá nhân hóa ra là động lực cơ bản của lịch
sử. Sự nghiệp của một "động vật chính trị", như Aristotle[1] đã định nghĩa con người một cách thiên tài, bao gồm những ham
muốn và bản năng cá nhân.
Những từ ngữ về một cá nhân trừu tượng có
thể được thể hiện bằng sự phi lí. Phải chăng sức mạnh vượt lên trên cá nhân
của lịch sử không phải là trừu tượng trong thực tế? Và điều gì có thể cụ thể hơn
một con người sống? Tuy nhiên, chúng ta cứ nằng nặc theo ý mình. Nếu như gột sạch
một cá nhân, kể cả xuất chúng nhất, khỏi cái nội hàm đem lại cho nó bởi môi trường,
dân tộc, thời đại, giai cấp, phe nhóm, gia đình, thì nó chỉ còn là một cái máy tự
động trống rỗng, một con rô bốt tâm-vật lí, một đối tượng của khoa học tự nhiên
chứ không phải khoa học xã hội và nhân văn.
Những nguyên nhân tách rời khỏi lịch sử
và xã hội, bao giờ cũng thế, cần phải tìm kiếm trong lịch sử và xã hội. Hai thập
kỉ chiến tranh, cách mạng và khủng hoảng đã bào mòn mạnh mẽ cá nhân con người tự
chủ. Điều gì muốn đạt được ý nghĩa trong cán cân lịch sử hiện đại phải được đo bằng
con số không ít hơn 7 chữ số. Cá nhân bị xúc phạm sẽ tìm cách phục hận.
Không biết nó xoay xở nổi với cái xã hội
được tháo dây cương như thế nào, song nó quay lưng lại với xã hội. Không đủ năng
lực diễn giải bản thân qua quá trình lịch sử, nó toan diễn giải lịch sử từ bên trong
bản thân.
Đó là cách những triết gia Ấn Độ đã xây
dựng những hệ thống toàn năng trong khi quán tưởng vào đan điền[2] của mình.
Ảnh hưởng của Freud[3] lên trường phái viết tiểu sử mới không có gì phải bàn cãi, nhưng
chỉ mang tính bề mặt. Về bản chất, những nhà tâm lí học sa-lông có khuynh hướng
thiên về thiếu trách nhiệm một cách hư cấu. Họ sử dụng không hẳn phương pháp của
Freud mà là nhiều thuật ngữ của Freud, không hẳn cho mục đích phân tích mà là để
tô điểm văn chương.
Trong những tác phẩm sau cùng của mình,
Emil Ludwig[4], một đại diện nổi tiếng nhất của thể loại này, đã tiến một bước
mới trên con đường đã chọn: nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của nhân vật mà ông
phỏng vấn. Bằng những câu trả lời của chính khách cho những câu hỏi ông đặt ra,
bằng sự nhấn nhá và điệu bộ của mình, nhà văn mở ra sự khêu gợi thực sự. Cuộc trò
chuyện hầu như trở thành lời xưng tội.
Về mặt kĩ thuật, cách tiếp cận của Ludwig
với nhân vật tương tự như Freud với bệnh nhân: chuyện là làm thế nào để bóc trần
cá nhân đó với sự hợp tác của chính nó. Tuy nhiên trong cái vẻ giống nhau ở bề ngoài,
về mặt bản chất thì khác nhau xa! Thành quả công trình của Freud đạt được bằng giá
trị sự đoạn tuyệt của nhân vật với mọi ước lệ. Nhà phân tâm học vĩ đại thẳng tay
không thương xót. Trong công việc ông giống như nhà phẫu thuật, thậm chí như một
anh hàng thịt với tay áo xăn lên. Gì thì gì, chứ trong kĩ thuật của ông không hề
có chút xã giao, dù chỉ một phần trăm. Uy tín, phong thái đĩnh đạc, vẻ giả dối và
hào nhoáng của bệnh nhân là những điều Freud ít quan tâm hơn cả. Chính vì thế ông
có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện của mình không thể nào khác hơn là câu chuyện rất
riêng tư, không có thư kí và tốc kí, đằng sau cánh cửa bọc nỉ.
Ludwig lại là chuyện khác. Ông trò chuyện
với Mussolini hay với Stalin, để giới thiệu với thế giới chân dung đích thực của
tâm hồn họ. Nhưng cuộc trò chuyện được tiến hành theo một kịch bản thỏa thuận trước.
Mỗi lời đều được tốc kí lại. Những bệnh nhân có địa vị cao hiểu khá rõ điều gì có
thể phục vụ lợi ích của họ, điều gì có hại. Nhà văn đủ kinh nghiệm để phân biệt
những mánh lới của mĩ từ sáo rỗng, và đủ tính toán để không bận tâm đến chúng. Cuộc
trò chuyện được tiến hành trong điều kiện đó, nếu có giống như lời xưng tội, thì
cũng giống như được dựng sẵn cho một bộ phim có lời.
Emil Ludwig luôn tận dụng mỗi một cơ hội
để tuyên bố: "Tôi không biết gì về chính trị". Điều đó phải có nghĩa:
tôi đứng trên chính trị. Thực tế, đó chỉ là hình thức của trung lập chuyên nghiệp,
hay nói theo cách vay mượn từ Freud, đó là sự kiểm duyệt nội tại, khiến nhà tâm
lí yên tâm khỏi chức năng chính trị. Đó là cách các nhà ngoại giao không can thiệp
vào sinh hoạt bên trong một đất nước mà họ được ủy nhiệm làm đại diện, tuy thế,
điều gì không cản trở họ trong trường hợp ủng hộ những âm mưu và tài trợ cho các
hoạt động khủng bố.
Một và chỉ một con người trong những điều
kiện khác nhau sẽ phát triển những khía cạnh khác nhau của tính cách cá nhân. Có bao nhiêu
Aristotle chăn heo và có bao nhiêu kẻ chăn heo đội vương miện trên đầu! Trong khi
đó, Ludwig thậm chí chẳng khó khăn gì hòa lẫn mâu thuẫn giữa chủ nghĩa bôn-sê-vich
và chủ nghĩa phát-xít vào tâm lí một cá nhân. "Trung lập" có khuynh hướng
biết chừng nào không thể đi qua mà không bị trừng phạt, kể cả đối với nhà tâm lí
sắc sảo nhất. Cắt đứt với tính ước định xã hội của ý thức con người, anh ta bước
vào vương quốc của võ đoán chủ quan. "Tâm hồn" không có ba chiều, và vì
thế, không có khả năng phản kháng như vốn có ở các vật liệu khác. Nhà văn đánh mất
hứng thú nghiên cứu sự kiện và tài liệu. Tính xác thực nhạt nhẽo để làm gì khi có
thể thay thế bằng sự phỏng đoán rực rỡ?
Trong tác phẩm về Stalin, cũng như sách
viết về Mussolini, Ludwig đứng ngoài "chính trị". Điều đó chẳng cản trở
các tác phẩm của ông là vũ khí chính trị chút nào. Của ai? Trong một trường hợp
- của Mussolini, còn trong trường hợp khác - của Stalin và băng nhóm của ông ta.
Tự nhiên không chịu đựng được sự trống rỗng. Nếu Ludwig không làm chính trị, không
có nghĩa là, chính trị không "làm" Ludwig. Vào thời điểm ra đời
"Tự truyện"[5] của tôi, gần 3 năm trước đây, Pokrovsky, một nhà sử học Sô-viết
chính thống, nay đã qua đời, đã viết: cần thiết phải nhanh chóng đáp lại cuốn sách
này, huy động các nhà khoa học trẻ vào công việc, phản bác tất cả những gì cần phải
phản bác, v.v... Nhưng thật lạ lùng: không ai đáp lại, hoàn toàn không một ai, không
một điều gì bị xem xét lại, bị phản bác. Chẳng phản bác điều gì và cũng chẳng ai
viết cuốn sách nào hầu tìm được người đọc.
Không đủ khả năng tấn công trực diện, người
ta dùng lối đánh thọc sườn. Tất nhiên, Ludwig không phải nhà sử học thuộc trường
phái Stalin. Song chính qua một nhà văn xa lạ với chính trị, đôi khi lại thuận tiện
nhất để phổ biến những tư tưởng không còn cách nhấn mạnh nào khác, ngoài cách thông
qua một cái tên nổi tiếng. Bây giờ chúng ta hãy xem điều này trên thực tế trông
ra làm sao.
Chú thích của người dịch:
[1] Aristotle (384-322 trước CN) - triết gia Hi Lạp cổ đại, được xem là người sáng lập môn luận lí học. (Tất cả ghi chú đều của ND)
[1] Aristotle (384-322 trước CN) - triết gia Hi Lạp cổ đại, được xem là người sáng lập môn luận lí học. (Tất cả ghi chú đều của ND)
[2] Nguyên văn là "nhìn chăm
chú vào cái rốn của mình". Ở đây, có lẽ tác giả hơi nhầm: dẫn khí về đan điền (khí thủ đan điền) là căn bản của khí công, không phải của yoga Ấn Độ.
[3] Sigmund Schlomo Freud (1856-1939), nguyên là một bác sĩ về thần kinh
và tâm lí người Áo, nhà phân tâm học vĩ đại của thế kỉ XX, được công nhận là người
đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.
[4] Emil Ludwig (1881-1948), nhà văn
- nhà báo Đức gốc Do Thái, nổi tiếng về thể loại tiểu sử nhân vật.
[5] Tiểu sử tự thuật của Trotsky
"Đời tôi" 2 tập, Nxb Granit, Berlin 1930.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét