Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Trường hợp tại nhà ga Kochetovka (III)

Zotov trở về phòng, khép cửa lại. Mới bốn tháng trước đây thôi, anh còn chưa biết cách thắt dây lưng và còn thấy cái lối đưa tay lên chào của quân đội có vẻ kì cục và buồn cười thế nào ấy.
Khi Zotov bước vào, người khách không hoàn toàn đứng lên khỏi ghế, nhưng lại có cử chỉ như sẵn sàng đứng dậy khi cần thiết. Chiếc ba lô của ông bây giờ để trên sàn, còn chiếc nón kếp kẻ ca rô để ở trên.
- Ông cứ ngồi, cứ ngồi. - Zotov ngồi vào bàn - Xem nào...
Anh giở tờ giấy ra.
- Tôi... bị nhỡ tàu... - người khách nở một nụ cười có lỗi.
Zotov đọc tờ giấy, đây là giấy đi đường do sĩ quan chỉ huy ở Ryazhsk kí. Rồi anh nhìn người khách lạ, bắt đầu các câu hỏi kiểm tra thường lệ:
- Họ của ông là gì?
- Tveritinov.
- Tên, tên đệm?[1]
- Igor Dementievich.
- Ông năm nay ngoài năm mươi tuổi?
- Không, tôi mới bốn mươi chín.
- Chuyến tàu ông đi số bao nhiêu?
- Tôi không biết.
- Sao cơ, họ không thông báo cho ông?
- Không ạ.
- Vậy tại sao ghi ở đây? Ông đã đọc chưa? (Đó là chuyến 245413 đi Archeda mà Zotov đã cho đi đêm trước.)
- Dạ chưa. Ở Ryazhsk tôi chỉ nói chuyến tàu từ đâu và khi nào đến, rồi có lẽ ông sĩ quan chỉ huy đã đoán được.
- Ga trước ông đến là ga nào?
- Dạ ở Skopin.
- Rồi sự việc xảy ra thế nào?
- Không dám dấu gì ông... - nụ cười ngượng nghịu nở trên đôi môi đầy đặn của Tveritinov - lúc ấy tôi đi... đổi chác vài thứ... để lấy chút gì lót dạ... Quay lại thì tàu đã đi mất. Bây giờ chẳng còi, chẳng chuông, chẳng thông báo gì hết, cứ thế lặng lẽ đi.
- Việc xảy ra lúc nào?
- Ngày hôm kia.
- Và chưa kịp đuổi theo?
- Dạ chưa. Đuổi theo cách nào bây giờ? Mưa thế này không thể lên toa mui trần. Đứng ở cửa toa, chỗ mấy bậc thang thì gió khủng khiếp, lại bị lính canh xua đuổi. Các toa hàng thì họ không cho lên: hoặc không được phép, hoặc không có chỗ. Có lần tôi thấy chuyến tàu khách, hai người soát vé đứng trên bậc toa đẩy bất kì ai muốn bám vào chỗ tay vịn. Còn tàu hàng, lúc nào chạy thì đã trễ rồi không còn kịp lên, còn khi đứng thì không thấy đầu máy, không thể đoán được tàu chạy hướng nào. Tấm bảng sơn với dòng chữ "Moskva- Mineralnye Vody" như ngày xưa không còn nữa. Hỏi ai cũng không được, lôi thôi mọi người lại nghi là gián điệp, nhất là ăn mặc như tôi thế này... Nói chung thì ngày nay cứ hỏi han là nguy hiểm.
- Thời buổi chiến tranh mà, tất nhiên thôi.
- Trước chiến tranh cũng đã thế rồi.
- Tôi không để ý!
- Thật đấy, - Tveritinov gần như nheo mắt - nhất là sau hồi 1937.
- 1937 à? - Zotov ngạc nhiên - Năm 37 thì có gì nhỉ? Chiến tranh Tây Ban Nha phải không?
- À không... - Tveritinov lẩm bẩm và lại nở nụ cười như có lỗi.
Khăn quàng len xám của ông không thắt nút, hai đầu buông thõng xuống quá thắt lưng.
- Sao ông không mặc quân phục? Áo khoác lính của ông đâu?
- Tôi có được phát áo đâu... - Tveritinov mỉm cười.
- Ông lấy cái áo này ở đâu ra?
- Có người tốt bụng họ cho.
- Hm...mm... - Zotov nghĩ thầm - Phải nói là ông đến đây khá nhanh đấy. Sáng hôm qua còn ở chỗ sĩ quan chỉ huy Ryazhsk, mà tối nay đã ở đây rồi. Ông đi cách nào?
Tveritinov nhìn Zotov bằng đôi mắt mở to, tin cậy, ánh mắt dịu dàng. Zotov đặc biệt cảm thấy dễ chịu trước cái điệu bộ nói chuyện của ông ta, điệu bộ như dừng lại khi người đối thoại muốn phản đối điều gì; không bao giờ vung tay mà chỉ nhịp nhịp khẽ ngón tay để phụ họa cho lời nói của mình.
- Thật là may mắn quá chừng. Ở một ga nào đó tôi leo xuống từ một "toa sơ mi"... Trong hai ngày ấy tôi đã kịp "vỡ lòng" một ít thuật ngữ đường sắt. Trước đây tôi cứ hình dung "toa sơ mi" thì cũng phải mang dáng dấp gì đó của một toa tàu, chí ít thì cũng có nửa mái chẳng hạn... Tôi leo lên đó bằng một cái thang, rồi tôi thấy đơn giản đó là một cái "hố bằng sắt" không hơn không kém, một cái hốc trống trơn không biết ngồi vào đâu, không biết tựa vào đâu; toa ấy chứa than, đến khi tàu chạy, bụi than cuốn lên mù mịt. Thế là tôi được nếm mùi "toa sơ mi", lại còn mưa nữa chứ...
- Vậy mà ông bảo là may mắn hả? - Zotov cười phá lên - Không hiểu nổi. Áo quần bôi lem nhem như thế!
Khi anh cười, hai nếp nhăn lớn bên mép chạy lên tận hai cánh mũi, trông rất phúc hậu.
- May mắn là bởi khi tôi ra khỏi "toa sơ mi", rũ bụi than, rửa mặt mũi và nhận ra rằng người ta nối đầu máy vào toa tàu để đi xuống miền Nam. Tôi chạy dọc theo đoàn tàu, chẳng thấy toa hàng nào mở, các cánh cửa đều niêm phong. Bỗng tôi thấy có một đồng chí nào đó trèo ra, hình như đi tiểu, rồi lại leo trở vào một toa hàng lạnh lẽo còn chưa đóng. Tôi bắt chước theo. Thật lạ, ông tin được không, cả một toa đầy chăn len!
- Toa ấy không niêm phong sao?
- Không! Hình như lúc đầu chăn mền buộc thành từng bó năm hay mười cái, nhưng lúc tôi vào thì nhiều bó bị gỡ tung ra hết rồi, và có thể dùng mà quấn ấm lắm. Một số người đang ngủ trong đó!
- Ái chà chà!
- Tôi cũng chui vào ba bốn cái chăn một lúc, rồi đánh một giấc khoảng một ngày đêm! Tàu đi hay ngừng tôi cũng chẳng biết. Ngoài ra hôm ấy là hôm thứ ba tôi chưa được lãnh khẩu phần. Tôi cứ thế ngủ li bì, quên cả chiến tranh, quên hết mọi thứ xung quanh... Tôi mơ thấy những người thân...
Khuôn mặt râu ria lởm chởm, nhăn nheo của ông rạng rỡ hẳn lên.
- Khoan! - Zotov đứng phắt dậy khỏi ghế - Như vậy là ông đến bằng chuyến tàu ấy... Vào lúc nào nhỉ?
- Khoảng chừng... Tới nơi là tôi đến văn phòng ông ngay.
Zotov phóng ra cửa và xô mạnh cánh cửa:
- Valia! Valia! Chuyến tàu đi Balashov số bao nhiêu, một ngàn... bao nhiêu nhỉ?
- Một không không hai.
- Còn đây không?
- Đi rồi.
- Có chắc không?
- Chắc chắn.
- Quỷ tha ma bắt! - anh ôm đầu - Ta ngồi chết dí ở đây, quan liêu một cách đáng nguyền rủa, suốt ngày chúi vào mấy tờ giấy, chẳng xem xét kiểm tra gì cả, phí cơm nhà nước! Gọi dây nói đến Michurinsk-Uralsky ngay nhé!
Anh nhảy bổ về phòng mình rồi hỏi Tveritinov:
- Ông có nhớ toa số mấy không?
- Không ạ. - Tveritinov mỉm cười.
- Toa hai trục hay bốn trục?
- Tôi không hiểu gì về...
- Có gì mà không hiểu! Toa lớn hay nhỏ? Bao nhiêu tấn?
- Như thời nội chiến người ta nói: "Bốn mươi người, tám ngựa".
- Vậy là toa mười sáu tấn rồi. Có hộ tống không?
- Hình như không thì phải.
- Vasil Vasilich! - Valia gọi vọng sang - Nhân viên điều độ quân sự đang ở đầu dây. Ông cần gặp sĩ quan chỉ huy không?
- Không nhất thiết phải chỉ huy trưởng đâu, chưa chắc phải hàng quân đội.
- Vậy nếu ông cho phép, để em làm rõ việc này?
- Được, Valia, cô làm đi. Có thể số chăn ấy đơn giản là chuyển đi thôi, ai biết được. Bảo họ đi xem thật kĩ, tìm toa đó, xác định hàng của ai, lập bản kê khai rồi niêm phong lại, tóm lại là xem xét tìm hiểu!
- Được ạ, Vasil Vasilich.
- Làm ơn nhé, Valechka. Cô thật tháo vát, quý hóa quá!
Valia mỉm cười với anh. Những lọn tóc quăn lòa xòa trước mặt.
- A lô! Michurinsk-Uraisky!..
Zotov đóng cửa lại, vẫn còn bức xúc, đi đi lại lại trong phòng, hai nắm tay đấm đấm vào nhau.
- Việc không sao giải quyết hết được, - anh hậm hực - thế mà họ không cho thêm người nào phụ giúp! Số chăn ấy ai mà biết có bị mất cắp không. Có khi không còn đủ số.
Anh còn đi lại một lúc lâu rồi mới chịu ngồi. Anh bỏ kính xuống, lấy miếng vải lau. Vẻ ưu tư công việc lập tức biến mất trên gương mặt giờ đây trông như khuôn mặt trẻ thơ, còn mỗi chiếc mũ lưỡi trai màu xanh che chở.
Tveritinov vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Ông đảo ánh mắt buồn bã lên rèm cửa sổ bằng giấy, bức chân dung Kaganovich trong bộ đồng phục "nguyên soái" ngành đường sắt, lò sưởi, xô than, xẻng xúc than. Trong căn phòng quá ấm này, chiếc áo khoác đầy bụi than bắt đầu làm ông khó chịu. Ông tuột áo khỏi vai, tháo khăn quàng cổ.
Trung úy đeo kính và lại nhìn vào tờ giấy đi đường. Về bản chất, giấy đi đường không thể coi là một loại giấy tờ tùy thân, nó được lập theo lời của người khai và nội dung của nó có thể là sự thật mà cũng có thể là man trá. Quy chế yêu cầu là phải hết sức cẩn thận đối với những người từng trong vòng vây quân Đức, đặc biệt với những người đi riêng lẻ. Tveritinov không thể chứng minh được ông ta lỡ chuyến tàu ở Skopin. Ngộ nhỡ Pavelets thì sao? Và trong khoảng thời gian đó ông ta đã có thể đi Moskva hay một nơi nào đó để nhận nhiệm vụ rồi.
Việc đến đây nhanh như thế đang là yếu tố có lợi cho ông ta.
Nhưng lấy gì đảm bảo đúng là ông ta đến từ chuyến tàu đó?
- Giả dụ như bây giờ mà đi tiếp trên chuyến đó thì ấm lắm nhỉ?
- Phải. Tôi rất thoải mái được đi tiếp như vậy.
- Thế tại sao ông lại bỏ xuống đây?
- Để trình diện ông. Ở Ryazhsk người ta lệnh tôi thế.
Trên cái đầu lớn của Tveritinov mọi đường nét cũng đều lớn: trán cao và rộng, lông mày rậm và lớn, mũi lớn. Cằm và má lởm chởm những sợi râu màu xám bạc.
- Làm cách nào ông biết đây là Kochetovka?
- Có một anh người Georgia nằm ngủ cạnh tôi cho biết.
- Anh ta là lính à? Cấp bậc ra sao?
- Tôi không biết, anh ta trùm chăn kín mít thò mỗi cái đầu ra ngoài. Câu trả lời của Tveritinov đượm một nỗi buồn, như thể cứ với mỗi câu trả lời là ông ta mất đi một cái gì đó.
- Thôi được. - Zotov đặt tờ giấy sang một bên - Ngoài ra ông còn giấy tờ gì khác không?
- Không còn gì khác, - Tveritinov mỉm cười buồn bã - Lấy đâu ra giấy tờ được chứ?
- Không còn... gì sao?
- Khi bị bao vây, chúng tôi đã phải hủy hết rồi, ai có gì hủy nấy.
- Nhưng bây giờ, khi ông trở về lãnh thổ Sô-viết, người ta phải cấp lại tận tay chứ?
- Chẳng có gì cả. Họ chỉ lập danh sách, chia thành từng nhóm bốn mươi người rồi đưa đi.
Sự việc đúng là như vậy. Khi một người chưa bị rớt lại, thì anh ta còn là một thành viên của nhóm bốn mươi người, anh ta cần gì giấy tờ.
Nhưng Zotov vẫn còn muốn khẳng định cái cảm tình mang tính bản năng của mình đối với người đàn ông có giáo dục, hoàn toàn xứng đáng này bằng một chứng cớ mang tính vật chất nào đấy.
- Một thứ gì đó! Trong túi của ông còn sót lại mảnh giấy nào không, gì cũng được?
- Không... Chỉ có vài cái ảnh gia đình...
- Cho tôi xem! - không phải mệnh lệnh, mà là yêu cầu của trung úy.
Tveritinov hơi nhướng mày lên. Ông ta mỉm cười, vẫn nụ cười như lúc nãy, có vẻ lúng túng, rồi vẫn lấy ra trong túi áo ấy (túi bên kia bị mất nút) một gói giấy phẳng phiu màu cam. Ông ta mở gói giấy đặt trên đầu gối, lấy ra hai tấm ảnh khổ 9x12, ngắm nghía từng tấm một, rồi đứng dậy đưa cho Zotov, dù ghế ông ta sát ngay bàn trung úy, Zotov nghiêng người về trước cầm mấy tấm ảnh. Anh bắt đầu ngắm nghía, Tveritinov vẫn cầm miếng giấy gói trên đầu gối, vươn thẳng lưng lên để ngắm hai bức ảnh từ xa.
Một tấm chụp cảnh ngôi vườn nhỏ trong một ngày nắng, có lẽ một ngày đầu xuân, vì những chiếc lá còn non, và còn có thể trông thấy phông đằng sau xuyên qua những lùm cây, một cô bé mười bốn tuổi mặc chiếc áo váy sọc xám nhạt thắt nơ ngang lưng. Chiếc cổ dài thanh mảnh vươn khỏi cổ áo hở, khuôn mặt gầy gầy hơi cúi xuống trên tấm ảnh, mặc dù bất động, nhưng có cảm giác như cô bé vừa rùng mình. Trong tấm ảnh có một cái gì đó còn non nớt, khó diễn tả thành lời, khiến tấm ảnh có vẻ không vui, nặng nề.
Zotov thấy thích cô bé ở trong ảnh lắm. Môi anh trễ xuống.
- Cô bé tên gì? - anh hỏi khẽ.
Tveritinov ngồi, hai mắt nhắm nghiền.
- Lalya, - giọng ông trả lời còn khẽ hơn. Sau đó mở mắt và chữa lại: Irina.
- Ảnh chụp khi nào?
- Đầu năm nay.
- Ở đâu vậy?
- Ngoại ô Moskva.
Nửa năm rồi! Nửa năm đã trôi qua từ cái phút, khi người ta nói: "Lalyenka, bấm này!" và tách... Và từ đó đến nay hàng vạn họng súng đã gầm thét, hàng triệu nắm đất đen bị xới tung lên, hàng triệu con người quay cuồng trong cái vòng quay đáng nguyền rủa, những con người cuốc bộ từ Litva, những con người đi tàu từ Irkutsk. Và giờ đây từ nhà ga này, nơi gió lạnh thổi tung lẫn lộn vừa mưa vừa tuyết, nơi những đoàn tàu rền rĩ, nơi những con người cả ngày lang thang vô nghĩa, đêm xuống lại lăn ra sàn ngủ mê mệt, làm sao có thể tin được rằng ngôi vườn nhỏ này, cô gái bé bỏng này, bộ áo váy kẻ sọc này lại có thể tồn tại được trên thế gian?!
Tấm ảnh thứ hai chụp người phụ nữ và một cậu bé ngồi trên chiếc đi văng, cả hai đang xem một cuốn sách hình thật lớn. Người mẹ gầy gầy, thanh mảnh, có vẻ cao, trong khi cậu bé bẩy tuổi lại có gương mặt rắn rỏi, thông minh, vẻ khôn trước tuổi thể hiện qua cách cậu bé không nhìn vào quyển sách hình mà lại nhìn bà mẹ, đang giảng giải điều gì cho nó. Hai mắt thằng bé rất lớn, giống như mắt cha nó.
Nhìn chung, tất cả mọi người trong cái gia đình này dường như là những người được chọn lọc. Bản thân Zotov cũng chưa bao giờ có dịp được biết một gia đình như thế, nhưng trong kí ức nhỏ bé của anh còn mơ hồ lưu lại một vài hình ảnh như trong bảo tàng Tretyakovsky, hay trong nhà hát, hay trong tiểu thuyết, về sự hiện hữu của những gia đình ấy. Sự thông thái của họ toát ra từ hai tấm ảnh này.
Trả lại hai tấm ảnh, anh nhận xét:
- Ông thấy nóng rồi. Sao không cởi bớt áo ra!
- Xin phép ông - Tveritinov cởi áo khoác ra. Ông lúng túng không biết để đâu.
- Ông để ở đó - Zotov chỉ tay về chiếc đi văng, thậm chí còn làm cử chỉ như muốn đỡ chiếc áo để lên đó.
Bây giờ thì có thể thấy được bộ quân phục mùa hè thiểu não, luộm thuộm của ông ta với những hột nút khác nhau, xà cạp được quấn một cách vụng về, những vòng quấn lỏng quá tuột cả xuống. Toàn bộ trang phục của ông như muốn chế diễu cái đầu to tướng mầu xám.
Zotov không dấu được thiện cảm với con người có cách cư xử lễ phép đúng mực này, ngay từ phút đầu tiên khi giọng nói êm ái của ông ta cất lên.
- Trước kia ông làm gì? - anh hỏi với vẻ kính trọng. Buồn bã gói mấy tấm ảnh vào tờ giấy màu cam, Tveritinov bật cười với câu trả lời:
- Tôi là nghệ sĩ.
- Ái chà! Zotov sửng sốt - Thế mà tôi không đoán ra ngay nhỉ! Ông rất giống một nghệ sĩ! (Bây giờ thật ra ông ta chẳng giống một nghệ sĩ chút nào.)
- Nghệ sĩ công huân phải không?
- Dạ không phải.
- Ông thường diễn ở đâu?
- Nhà hát kịch Moskva.
- Ở Moskva tôi có đến Nhà hát kịch một lần trong chuyến tham quan. Nhưng tôi thường xem diễn ở Ivanovo. Ông có diễn ở nhà hát mới tại Ivanovo bao giờ chưa?
- Dạ chưa.
- Bên ngoài thì chẳng có gì đặc biệt, một cái hộp xám, bê tông cốt thép, nhưng bên trong thì tuyệt vời! Tôi rất thích đi nhà hát, không đơn thuần là giải trí, mà là để học hỏi, đúng không nào?
(Đã đành là người ta đang giục nộp biên bản về đoàn tàu bị ném bom cháy để phục vụ công tác điều tra, nhưng kiểu gì cũng phải mất trọn hai ngày mới giải quyết xong. Như vậy có lãng phí chừng một giờ đồng hồ để làm quen với một nghệ sĩ lớn cũng chẳng sao!)
- Ông hay diễn những vai nào?
- Nhiều vai lắm, - Tveritinov mỉm cười, vẻ không vui - Chẳng thể nào kể hết ra được qua chừng ấy năm.
- Một vai nào đó, ví dụ?
- Chẳng hạn...  vai trung tá Vershinin... vai bác sĩ Rank...
- Hm...mm... (Zotov không nhớ những vai ấy.) Ông có diễn trong những vở của Gorky không?
- Đương nhiên rồi, khỏi phải bàn.
- Tôi thích nhất là kịch của Gorky, nói chung là Gorky! Nhà văn lớn nhất, thông minh nhất, nhân văn nhất của chúng ta, ông đồng ý chứ?
Tveritinov hơi nhíu mày, cố tìm câu trả lời nhưng không được, đành im lặng.
Hình như tôi còn biết tên tuổi của ông. Ông bảo không phải là nghệ sĩ công huân?
Zotov hơi đỏ mặt vì thấy hài lòng về cuộc nói chuyện.
- Nếu như tôi là nghệ sĩ công huân, - Tveritinov thiếu chút nữa là phủi hai bàn tay - thì có lẽ bây giờ tôi đã chẳng ngồi đây.
- Sao vậy? À, phải rồi, người ta không gọi ông nhập ngũ.
- Người ta không gọi chúng tôi. Chúng tôi tình nguyện nhập ngũ.
- Chắc các nghệ sĩ công huân cũng tình nguyện nhập ngũ?
- Ai cũng tình nguyện hết, kể cả các đạo diễn chính cũng vậy, nhưng có ai đó gạch một vạch vào danh sách, những ai nằm trên vạch thì ở lại, còn dưới vạch thì đi.
- Ông đã được huấn luyện quân sự bao giờ chưa?
- Vài ngày thôi. Chúng tôi được học chiến đấu bằng lưỡi lê, bằng gậy, ném lựu đạn... bằng gỗ thôi.
Đôi mắt Tveritinov đăm đăm hướng vào một điểm trên sàn nhà, đến nỗi trông bất động như hai hòn bi ve.
- Rồi sau đó người ta có cấp vũ khí cho ông không?
- Có, họ phát súng trường từ lúc còn huấn luyện, loại súng năm 1891. Chúng tôi đi bộ đến tận Vyazma. Tại đấy chúng tôi bị lọt ổ phục kích.
- Nhiều người hi sinh không?
- Tôi nghĩ phần lớn bị bắt sống. Một nhóm nhỏ chúng tôi nhập với một đơn vị từ mặt trận về, họ đưa chúng tôi đi. Bây giờ tôi cũng không hình dung mặt trận là chỗ nào nữa. Ông có bản đồ không?
- Không có bản đồ, các thông cáo thì không rõ ràng, nhưng tôi có thể nói cho ông: chúng ta đang kiểm soát Sevastopol và một ít ở vùng quanh đó, chúng ta còn Taganrog, Donbass vẫn còn trong tay quân ta... Nhưng địch chiếm Oriol và Kursk...
- Ôi chao! Còn ngoại ô Moskva thì sao?
- Khó mà biết được tình hình ngoại ô Moskva. Các hướng đi hầu như chỉ còn đến khu vực ngoại ô. Còn đường đi Leningrad thì hoàn toàn bị cắt đứt...
Trán và cả vùng mắt của Zotov nhăn lại vẻ đau khổ:
- Thế mà tôi lại không được ra mặt trận!
- Rồi đến lúc ông sẽ được ra mặt trận.
- Chẳng lẽ chỉ vì chiến tranh sẽ không thể kết thúc trong vòng một năm.
- Trước kia ông là sinh viên?
- Vâng. Chúng tôi đã bảo vệ luận án tốt nghiệp ngay từ những ngày đầu chiến tranh! Đáng lí ra chúng tôi phải bảo vệ vào tháng Chạp, nhưng nhà trường thông báo: bảo vệ luôn thôi, ai có bản vẽ, tính toán gì thì cứ mang đến, cho qua hết. - Zotov cảm thấy hào hứng, đụng gì kể nấy, lời nọ lẫn sang lời kia - Chỉ trong vòng năm năm... Chúng tôi vào trường đại học - Franco khởi đầu cuộc nổi dậy! Rồi họ đầu hàng quân Áo! Tiệp Khắc! Rồi chiến tranh thế giới bùng nổ! Và chiến tranh Phần Lan! Hitler tràn vào nước Pháp! vào Hi Lạp! vào Nam Tư!... Với cái tinh thần như thế liệu chúng tôi có thể tập trung nghiên cứu máy dệt được không?! Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Ngay sau khi bảo vệ luận án tốt nghiệp, họ cử lứa chúng tôi đi học khóa cơ khí động lực do Học viện quân sự đào tạo, nhưng tôi không được nhận vì cận nặng quá. Vì thế, tôi đến vận động ban chỉ huy quân sự mỗi ngày. Tôi đã có kinh nghiệm từ năm 1937... Điều duy nhất tôi đạt được là tấm giấy giới thiệu đến Viện khí tài. Cũng được. Cầm tờ giấy giới thiệu ấy tôi đi Moskva, và trình diện ở Bộ Quốc phòng. Tôi được gặp một ông đại tá già để phỏng vấn, lúc vào thì ông ta đã vội lắm rồi, ông đang đóng cặp táp. Tôi nói tôi không muốn học ngành tiếp tế vì tôi là một kĩ sư. "Cho tôi xem bằng tốt nghiệp!". Bằng tốt nghiệp lại không đem theo... "Thôi được, tôi sẽ hỏi đúng một câu, trả lời được thì đúng là kĩ sư: tay quay là cái gì?". Tôi vừa mới trả lời: "Là một bộ phận gắn vào trục quay nối một thanh truyền...". Ông ta xóa chữ "Khí tài", và viết "Viện Vận chuyển". Rồi ông chạy ra ngoài với chiếc cặp trên tay. Tôi mừng quá! Nhưng khi đến Viện Vận chuyển thì không còn lựa chọn nào khác, chỉ còn khóa đào tạo sĩ quan quân vận. Cái tay quay cũng chẳng giúp được gì nhiều!
Vasia biết đây không phải là lúc ngồi tán gẫu nhắc chuyện ngày xưa, nhưng rất hiếm khi nào có cơ hội để trút bầu tâm sự với một người trí thức, biết quan tâm đến người khác.
- Hình như ông có hút thuốc? - Vasia sực nhớ - Ông cứ tự nhiên nhé... - anh liếc nhìn tờ giấy đi đường - Igor Dementievich, thuốc đây, giấy quấn nữa, họ phát cho tôi, nhưng tôi không hút.
Anh rút từ ngăn kéo bàn một gói thuốc lá loại nhẹ, đẩy lại phía Igor Dementievich.
- Vâng, tôi có hút thuốc, - Igor Dementievich thú nhận, vẻ mặt ông rạng ngời trước việc sắp được thưởng thức. Ông ngồi thẳng lên, cúi nhìn gói thuốc, nhưng thay vì quấn ngay một điếu thì ông lại hít hít một cách say sưa để thưởng thức hương vị thuốc lá, dường như suýt bật ra tiếng rên. Rồi ông đọc nhãn hiệu gói thuốc, gật gù:
- Thuốc Armenia đây...
Rồi ông vấn một điếu lớn, thè lưỡi liếm cạnh tờ giấy, Vasia bật diêm cho ông.
- Khi cuộn tròn trong đống chăn ấy, chắc không ai hút thuốc chứ? - Zotov hỏi dò.
- Tôi không thấy, - Igor Dementievich đang say sưa thưởng thức - Có lẽ không ai có thuốc cả.
Ông tiếp tục hút, hai mắt lim dim.
- Ý ông nhắc đến năm 1937 là thế nào? - ông hỏi.
- Ông nhất định phải nhớ cái không khí của những năm ấy! - Vasia nồng nhiệt - Chiến tranh Tây Ban Nha nổ ra, bọn phát xít chiếm đóng Làng sinh viên Madrid. Lữ đoàn quốc tế, Guadalajara, Jarama, Teruel! Khó lòng mà ngồi yên được! Chúng tôi yêu cầu mở lớp dạy tiếng Tây Ban Nha, nhưng họ lại dạy tiếng Đức. Tôi kiếm được giáo trình, từ điển, cặm cụi tự học tiếng Tây Ban Nha, thay vì chuẩn bị cho kì thi. Tôi cảm thấy chúng tôi phải tham gia, ý thức cách mạng không cho phép chúng tôi đứng bên lề sự kiện! Nhưng báo chí chẳng đả động gì. Làm thế nào để đến được đấy? Chạy xuống Odessa rồi trốn lên tàu thì quả là một ý tưởng trẻ con, rồi còn lực lượng biên phòng. Thế nên tôi đến ban chỉ huy quân sự vùng bốn, vùng ba, vùng hai, vùng một, đề nghị các vị tư lệnh gửi tôi qua Tây Ban Nha. Họ đều cười và bảo tôi có mất trí không, ở đấy làm gì có người của ta, anh định làm gì ở đấy?! Ấy, tôi thấy ông có vẻ thích hút thuốc, ông cứ giữ cả gói mà hút. Thuốc ấy tôi chỉ để mời mọi người thôi, vả lại ở nhà tôi cũng còn. Ồ không, ông cứ cất vào ba lô, sẽ có lúc phải dùng, tôi tin chắc như vậy. Thời buổi này điếu thuốc là "giấy thông hành", rất hữu dụng lúc đi đường... Rồi bỗng tôi hiểu ra vấn đề khi đọc tờ Sao Đỏ, hồi ấy vớ được tờ nào là tôi đọc sạch tờ ấy, một trích đoạn của phóng viên người Pháp: "Đức và Liên Xô cùng nhìn Tây Ban Nha như một vùng đất để thử nghiệm chiến tranh". Tôi rất sốt ruột. Tôi mượn thư viện số báo ấy, suốt ba ngày trời tôi đợi xem có đính chính của ban biên tập không. Nhưng không có. Thế là tôi lại đến ban chỉ huy quân sự, chìa tờ báo ra cho họ: "Các ông đọc xem. Không có đính chính gì tiếp theo có nghĩa đây là sự thật, quân ta đang chiến đấu ở đó. Đề nghị cho tôi qua Tây Ban Nha với tư cách người cầm súng". Ông chỉ huy đập bàn một cái rầm: "Không được đến đây gây rối! Ai bảo anh đến đây? Nếu cần chúng tôi sẽ gọi! Bây giờ đằng sau qua...a...ay!"
Nhắc lại việc ấy, Vasia cười thoải mái. Nếp nhăn ở khóe miệng lại hiện ra trên mặt anh. Anh cảm thấy rất dễ chịu khi nói chuyện với ông nghệ sĩ này, và còn muốn kể thêm về chuyện mấy tay thủy thủ Tây Ban Nha, về việc anh bập bẹ trả lời họ bằng tiếng Tây Ban Nha như thế nào. Anh cũng muốn hỏi ông về cảm giác khi bị quân Đức bao vây, đại khái là nói về tình hình diễn biến chiến tranh với một người thông minh, có học thức.
Nhưng Podshebyakina mở cửa:
- Vasil Vasilich! Phòng điều độ hỏi ông có hàng hoá gì gửi đi với chuyến 794 không? Nếu không, thì ta cho ra chỗ xuất phát luôn. Zotov nhìn vào lịch trình:
- Chuyến này đi đâu? Đi Povorino phải không?
- Đúng thế.
- Đã tới chưa?
- Mười phút nữa tàu tới.
- Chuyến này hàng của chúng ta ít lắm. Ngoài ra còn gì không?
- Có hàng công nghiệp và vài toa hành khách.
- Ồ, hay thật! Igor Dementievich, tôi sẽ gửi ông đi chuyến này! Chuyến này rất tiện cho ông, không cần phải chuyển tàu gì hết. Valechka, hàng của tôi đã đủ cả rồi, có thể cho chuẩn bị khởi hành. Tôi muốn họ cho tàu đậu lại gần, đường một hoặc đường hai, cô bảo họ thế.
- Vâng, Vasil Vasilich.
- Cô đã nói với họ về chuyện chăn mền chưa?
- Đã xong, Vasil Vasilich.
Valia đi ra.
- Tiếc quá, không có gì để mời ông cả, đến một cái bánh quy nhỏ cũng chẳng có nốt. - Zotov kéo ngăn bàn giấy ra, như để xem ngộ nhỡ còn miếng bánh nào sót lại không. Khẩu phần ăn của anh là khẩu phần bình thường, cả bánh mì đem vào trong ca trực, anh đã ăn hết từ sáng. - Chắc từ khi bị lỡ tàu đến giờ ông vẫn chưa ăn gì?
- Lạy Chúa, xin ông đừng lo, Vasil Vasilich. - Tveritinov đặt bàn tay với năm ngón xòe ra như hình rẻ quạt lên ngực áo bẩn thỉu đơm những hột nút khác nhau - Tôi biết ơn ông vô cùng - ánh mắt và giọng nói của ông không còn đượm nỗi buồn - Ông làm ấm lòng tôi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông tốt bụng quá. Thật đáng quý trong thời buổi khó khăn này. Nhưng bây giờ làm ơn chỉ cho tôi biết phải đi tới đâu, và sau đó tôi phải làm gì?
- Trước hết, ông phải đến ga Gryazi - Zotov nhiệt tình giải thích - Tiếc là không có bản đồ để chỉ cho ông rõ. Ông hình dung được nơi đó không?
- Tôi không chắc lắm... Hình như tôi có nghe qua cái tên.
- Vâng ga ấy cũng nổi tiếng. Nếu ông đến Gryazi vào ban ngày, ông hãy đem tờ giấy đi đường này, tôi đã chứng thực trong đó là ông đã tới chỗ chúng tôi rồi, đến gặp ban chỉ huy quân vận, họ sẽ cấp cho ông một phiếu để xuống kho quân nhu, vậy là ông sẽ nhận được khẩu phần trong hai ngày.
- Cảm ơn ông rất nhiều!
- Nếu đến đó vào ban đêm, hãy ngồi yên trên tàu, đừng xuống! Lúc ấy ông cứ quấn chăn mà ngủ, không thức dậy thì người ta sẽ chở đi tiếp! Từ Gryazi tàu tiếp tục đến Povorino, nhưng ở Povorino rồi, ông cũng đừng rời tàu trừ trường hợp đi nhận khẩu phần của mình, đừng bị trễ tàu lần nữa, sau đó thì tàu sẽ đưa ông tới Archeda. Archeda chính là nơi chuyến tàu 245413của ông phải tới.
Zotov trao lại cho Tveritinov tờ giấy đi đường.
Cất tờ giấy vào chỗ cũ trong túi áo, bên có khuy cài, Tveritinov hỏi:
- Archeda? Tôi chưa từng nghe đến cái tên này. Ở chỗ nào vậy ạ?
- Đó là vùng ngoại ô Stalingrad.
- Ngoại ô Stalingrad, - Tveritinov gật gù, nhưng trán ông nhăn lại. Cố gắng cũng vô ích, ông hỏi lại - Ông cho phép hỏi... Stalingrad... trước đây gọi là gì ạ?
Zotov bỗng cảm thấy rúng động và lạnh toát cả người. Có lẽ nào? Một công dân Sô-viết mà lại không biết Stalingrad? Thật là ngoài sức tưởng tượng! Tuyệt đối không thể! Không thể nào chấp nhận được!
Tuy nhiên, anh cũng biết trấn tĩnh và kiềm chế. Anh ngồi thẳng lên, sửa lại kính và bình tĩnh trả lời:
- Trước kia là Tsaritsyn.
(Nghĩa là người này không phải là một chiến sĩ Hồng quân từng bị quân Đức bao vây. Được cài vào! Một gián điệp! Một cựu Bạch vệ cũng nên, thế mới có những cử chỉ như vậy.)
- À, phải rồi, Tsaritsyn. Phòng tuyến Tsaritsyn.
(Một sĩ quan Bạch vệ ngụy trang cũng nên? Lại hỏi về bản đồ... Nhưng ngụy trang với mớ quần áo lôi thôi này thì quá đáng thật.)
Mấy tiếng "sĩ quan Bạch vệ" đầy căm thù này, hầu như đã bị loại khỏi hội thoại tiếng Nga từ lâu lắm rồi, tạo cho Zotov cảm giác như bị đâm lê.
(Chà, lộ tẩy rồi! Lộ tẩy rồi! Phải bình tĩnh. Phải sáng suốt. Phải làm gì tiếp theo đây?)
Zotov nhấn một hồi dài vào điện thoại nội bộ.
Áp ống nghe vào tai, hi vọng đầu bên kia đại úy sẽ nhấc máy.
Nhưng đại úy không nhấc ống nghe.
- Vasil Vasilich, thật tình ngại quá khi phải xin ông điếu thuốc nữa.
- Không sao, ông cứ tự nhiên. - Zotov xua tay - (Mẹ kiếp! Lại còn phải lo làm gì cho địch vui lòng.)
- Vâng, nếu vậy cho phép tôi hút thêm điếu nữa. Hay là tôi ra ngoài?
(Muốn ra ngoài? Rõ như ban ngày rồi! Biết hớ hênh rồi, và bây giờ định đánh bài chuồn đây.)
- Không, không sao, ông cứ việc hút ở đây. Tôi thích mùi khói thuốc lắm.
(Phải nghĩ cách? Phải làm gì đây?)
Anh ấn nút điện thoại ba lần. Đầu kia nhấc ống nghe:
- Trạm gác nghe!
- Zotov đây.
- Vâng, đồng chí trung úy.
- Guskov có đó không?
- Ông ấy vừa... ra ngoài rồi, thưa đồng chí trung úy.
- Đi đâu? Ra ngoài nghĩa là sao? Làm gì thì làm, trong vòng năm phút nữa anh ta phải có mặt tại vị trí.
(Lại đi tán gái rồi, đồ khốn!)
- Tuân lệnh, thưa trung úy!
(Phải nghĩ ra cái gì chứ!)
Zotov lấy một mảnh giấy, che người để Tveritinov không trông thấy, viết trên đó dòng chữ lớn: "Valia! Vào phòng, rồi bảo rằng chuyến 794 đến trễ một tiếng".
Anh gấp mảnh giấy, cầm đến cửa, thò tay qua và bảo Valia:
- Đồng chí Podshebyakina! Cầm lấy. Về chuyện vận chuyển khi nẫy.
- Chuyến nào ạ, Vasil Vasilich?
- Số hiệu ghi trên đó!
Podshebyakina ngạc nhiên, đứng dậy và cầm mảnh giấy. Zotov quay lại ngay. Tveritinov lúc ấy đã mặc áo khoác.
- Ta không để lỡ chuyến tàu này, phải không ạ? - ông mỉm cười thân thiện.
- Không, người ta sẽ báo trước.
Zotov đi đi lại lại trong phòng, tránh không nhìn Tveritinov. Anh sửa lại tà áo phía sau bên dưới thắt lưng, xoay bao súng từ phía sau qua bên phải, sửa lại chiếc mũ trên đầu cho ngay ngắn. Hoàn toàn chẳng còn gì để làm và cũng chẳng còn gì để nói.
Zotov không biết nói dối.
Anh mong Tveritinov nói điều gì đó, nhưng ông ta lại im lặng một cách khiêm tốn.
Ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng tia nước lại róc rách từ máng xối, bị gió làm bắn tung tóe.
Trung úy dừng lại bên bàn, một tay vịn góc bàn, lặng lẽ nhìn mấy ngón tay của mình.
(Cần phải nhìn Tveritinov bằng con mắt như lúc trước để ông ta không cảm thấy có gì thay đổi, nhưng anh không thể nào buộc mình làm thế được).
- Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ rồi! - anh nói và căng thẳng đợi câu trả lời.
(Nào, hỏi "Lễ gì?" đi. Lúc ấy thì chẳng còn gì nghi ngờ gì nữa.)
Nhưng người khách lại đáp:
- Phải...
Trung úy liếc nhìn người khách. Ông vừa hút thuốc vừa tiếp tục gật gù.
- Không hiểu năm nay có diễu hành ở Quảng trường Đỏ không nhỉ?
(Diễu hành gì vào thời điểm này! Anh cũng chẳng nghĩ ngợi gì về điều đó, đơn giản là nói cho qua chuyện.)
Có tiếng gõ cửa.
- Xin lỗi, Vasil Vasilich! - Valia thò đầu vào. Vừa trông thấy cô, Tveritinov với tay lấy cái ba lô của ông. - Chuyến 794 bị trễ ở chặng chót. Một giờ nữa mới đến đây.
- Ừmm! Rầy rà bực mình thật. (Anh bực mình với giọng nói giả dối của mình) - Thôi được, cảm ơn đồng chí Podshebyakina.
Valia lui ra.
Ngoài cửa sổ, trên đường số một, có thể nghe được tiếng phì phì của đầu máy đang chạy chậm để dừng lại và tiếng va chạm của các toa tàu dồn vào nhau; tiếng mặt đất rung nhè nhẹ.
- Phải làm gì bây giờ? - suy nghĩ của Zotov bật thành tiếng - Tôi phải xuống kho bây giờ.
- Vậy để tôi ra ngoài, tôi sẽ đi loanh quanh đâu đó - Tveritinov vui vẻ nói, mỉm cười và đứng lên với chiếc ba lô trong tay.
Zotov nhấc áo khoác ra khỏi chiếc đinh treo trên tường.
- Ông ra ngoài làm gì cho lạnh? Vào phòng đợi cũng không được đâu, người ta nằm xếp lớp trên sàn. Nếu ông muốn thì đi với tôi xuống kho vậy?
Những lời vừa rồi nghe có vẻ không thuyết phục, nên anh nói thêm, mặt nóng bừng:
- Có thể tôi... xoay xở được gì ở đó... cho ông ăn.
Có thể câu nói không hẳn làm Tveritinov vui mừng! Nhưng ông ta tỏ vẻ phấn khởi:
- Như vậy thì ông tốt quá sức mong đợi rồi. Tôi thật không dám đòi hỏi gì.
Zotov quay đi, xem lại bàn giấy, cánh cửa két sắt, rồi tắt đèn:
- Ta đi thôi.
Vừa khoá cửa, anh vừa bảo Valia:
- Nếu chỗ điện tín viên gọi, cô bảo là tôi quay lại ngay!
Tveritinov bước ra trước, trên người vẫn khoác chiếc áo lạ lùng và đôi xà cạp quấn vụng về.
Qua dãy hành lang tối và lạnh với ngọn đèn màu xanh, họ bước ra sân ga.
Trong bóng đêm đen ngòm, dưới bầu trời mù mịt, những hạt không ra mưa mà cũng không ra tuyết, ẩm ướt, nặng trĩu, rơi xuống xiên xiên.
Đoàn tàu đỗ ngay đường số một, đen thẫm, đen hơn cả bầu trời, nên vẫn còn có thể nhận ra đường nét của mui và các toa tàu. Phía bên trái là đầu máy, khoang chứa than sáng rực, tàn tro hồng nóng dãy rơi xuống đường ray và lập tức bị gió cuốn đi ngay. Xa hơn và cao hơn là một ngọn đèn tròn màu xanh trơ trọi treo ở đấy mà như không dính vào đâu cả. Bên phải, phía đuôi tàu, trên các toa đâu đó phựt lên những tia lửa đỏ. Ở phía những tia lấp lánh sống động ấy, những dáng người, phần lớn là phụ nữ, tất tả đi lại trên sân ga. Hơi thở nặng nhọc của họ hòa lẫn vào nhau thành một âm thanh vô hình, hổn hển, gấp gáp. Họ lôi theo sau những đứa trẻ, đứa khóc lóc, đứa im lặng. Hai bóng người xấn xổ, đẩy Zotov dạt ra một bên, hình như họ khiêng một cái rương lớn. Đằng sau họ có mấy người khác đang kéo một thứ gì đó còn nặng hơn bằng một sợi dây. (Vào thời điểm này, khi sự đi lại đã trở nên nguy hiểm chết người, mà người ta vẫn còn lôi theo nào trẻ con, bà già, nào bao tải túi xách to bằng cái trường kỉ, nào rương nào hòm xiểng to như cái tủ.)
Nếu như không có tàn tro dưới đầu máy, không có đèn tín hiệu, không có những tia lửa bắn ra từ ống khói toa hàng, và không có những ngọn đèn bão tù mù di chuyển qua lại ở đằng xa, thì không thể tin được rằng nhiều đoàn tàu đến nằm chen chúc nhau ở nơi này, rằng đây là nhà ga chứ không phải là cánh rừng đang yên giấc, cũng không phải là cánh đồng trống trải trong thời điểm giao mùa của một năm, đang ngoan ngoãn chờ mùa đông tới.
Nhưng tai vẫn nghe rõ tiếng ken két của các toa tàu nối vào nhau, tiếng còi của người bẻ ghi, tiếng phì phò của hai đầu máy, tiếng thình thịch bước chân và tiếng ồn ào của những con người bận rộn.
- Đường này! - Zotov gọi to, chỉ vào một lối ngược lại hướng sân ga, nơi có đoàn tàu có thể đưa Tveritinov đi.
Zotov xách một chiếc đèn bão với lớp kính màu xanh chung quanh, nhiều lần anh phải soi đèn vào chân để Tveritinov trông thấy đường mà đi.
- Chà, gió mạnh thật, muốn bay cả mũ! - Tveritinov than thở.
Trung úy lặng lẽ bước đi.
- Cái thứ đang đổ xuống không phải là tuyết, mà chui vào cổ áo sao lạnh thế! - Tveritinov nói tiếp, như để bắt chuyện.
Áo khoác của ông ta không có cổ.
- Chỗ này lầy lội lắm, - Zotov cảnh báo. Và họ bước vào đúng chỗ bùn lép nhép đặc quánh, không sao nhìn thấy chỗ khô ráo mà đặt chân trong bóng đêm.
- Đứng lại! Ai? - có tiếng quát của người lính gác ở đâu đó rất gần.
Tveritinov giật bắn người.
- Trung úy Zotov.
Bùn ngập đến mắt cá chân, có chỗ bùn đặc quánh, vất vả mới nhấc được chân lên, hai người vòng qua chái nhà kho từ phía bên kia, tiến đến bậc tam cấp. Họ giậm chân thật mạnh, rũ nước trên vai áo. Tay vẫn cầm ngọn đèn, trung úy dẫn Tveritinov vào phòng đợi, bên trong đặt một chiếc bàn lớn và hai ghế dài (nơi binh lính gác kho quân nhu ăn trưa và nhận chỉ thị). Lâu nay họ đã tìm được dây điện để thắp một bóng đèn ở đây, nhưng hôm nay trong căn phòng tối tăm này chỉ có một ngọn đèn bão tù mù đặt giữa bàn, các góc phòng tối om.
Cánh cửa trạm gác mở ra, một người lính xuất hiện, đèn điện bật sáng trong trạm gác chiếu từ phía sau lưng người lính lại, phía trước vẫn chìm trong bóng tối.
- Guskov đâu? - Zotov hỏi, giọng nghiêm nghị.
- Đứng lại! Ai? - bên ngoài có tiếng quát. Có bước chân lên bậc tam cấp, Guskov bước vào, người lính chạy theo sau.
- Có mặt, thưa trung úy. - Guskov phác một cử chỉ loáng thoáng như chào. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng, Zotov có thể đoán được sự khó chịu cau có trên gương mặt lúc nào cũng có vẻ xấc xược của Guskov, y bực mình với ông trung úy, không phải là thượng cấp trực tiếp của y, làm rộn y vì những chuyện vặt vãnh.
Bỗng Zotov quát lên giận dữ:
- Trung sĩ Guskov! Phiên trực của anh có bao nhiêu người?
Guskov không hề hoảng hốt, nhưng gã ngạc nhiên (Zotov xưa nay chưa quát tháo bao giờ.) Gã khẽ trả lời:
- Có hai người, nhưng trung úy đã biết...
- Tôi không biết gì cả! Thực hiện theo đúng điều lệnh, ngay lập tức! Môi Guskov lại cong lên:
- Binh nhì Bobnev! Lấy súng, vào vị trí!
Người lính lúc nãy đi tìm Guskov đi vòng qua chỉ huy, giậm gót xuống sàn, rồi đi vào phòng bên cạnh.
- Còn trung sĩ, đi với tôi lên phòng chỉ huy!
Guskov đã đoán được có chuyện gì đặc biệt xảy ra.
Người lính quay lại, tay ôm khẩu súng có gắn lưỡi lê, dõng dạc đi ngang qua mọi người, rồi đứng trước cửa chỗ vị trí gác.
(Và lúc đó Zotov bỗng thấy rụt rè, những lời anh nói như không phải từ miệng anh thốt ra.)
- Ông... tôi... - giọng Zotov hết sức nhẹ nhàng, khó khăn lắm anh mới ngước mắt nhìn vào mặt Tveritinov -... tôi còn việc khác phải giải quyết... - lúc này giọng anh đặc sệt giọng miền Volga - Ông vui lòng ngồi ở đây, đợi một lúc.
Đầu của Tveritinov đội chiếc mũ kếp rộng trông có vẻ quái dị trong cái bóng nặng nề in trên tường và trên trần nhà. Chiếc khăn quàng lòng thòng quanh cổ ông trông như một cái thòng lọng.
- Ông bỏ tôi lại đây sao? Vasil Vasilich, tôi lỡ chuyến tàu mất! Tốt hơn là tôi ra ngoài sân ga...
- Không, không... Ông phải đợi ở đây... - Zotov bước vội ra cửa.
Tveritinov chợt hiểu ra:
- Ông... bắt giữ tôi? - ông ta la lớn - Đồng chí trung úy, vì tội gì chứ? Cho tôi đi, cho tôi bắt kịp chuyến tàu của tôi!
Ông lại làm cử chỉ như lúc cảm ơn Zotov, năm ngón tay xoè ra như hình rẻ quạt đặt lên ngực. Ông sải hai bước theo chân trung úy, nhưng người lính gác nhanh nhẹn giơ khẩu súng có gắn lưỡi lê để ngăn lại.
Zotov quay đầu lại, không chủ ý, một lần cuối trong đời, để nhìn khuôn mặt ấy trong cái ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn, khuôn mặt tuyệt vọng của Vua Lia trong hầm mộ.
- Ông làm gì thế này! Làm gì thế này! - Tveritinov gào lên bằng một giọng lanh lảnh như chuông - Không thể nào làm như thế được!!
Ông buông tay, bàn tay vươn ra khỏi tay áo, một tay xách chiếc ba lô, nở lớn cùng với cái bóng đen thẫm in lên tường, có cảm giác như trần nhà đổ sập xuống đầu ông.
- Cứ bình tĩnh, bình tĩnh lại, - Zotov nói như dỗ dành, chân đã dợm bước trên ngưỡng cửa nhà kho - có chút việc cần xác minh thôi...
Rồi anh quay gót.
Guskov bước theo anh.
Đi ngang qua phòng nhân viên điều độ quân sự, trung úy bảo:
- Giữ chuyến tàu này lại một lát nhé.
Anh ngồi xuống bàn trong phòng và viết:
"Kính gửi: Phòng an ninh NKVD,[2]
Xin gửi đến các đồng chí một đối tượng tên Tveritinov Igor Dementievich, khai là quân nhân đã từng trong vòng vây của địch, bị trễ chuyến tàu 245413 tại Skopin. Trong lúc nói chuyện với tôi..."
- Chuẩn bị! - anh bảo Guskov - Lấy một người rồi dẫn y đến Michurinsk.
Ít ngày trôi qua, ngày lễ cũng qua đi.
Nhưng Zotov không tài nào quên được con người có nụ cười tuyệt vời và tấm ảnh chụp con gái ông ta trong bộ áo váy kẻ sọc.
Nói cho cùng, dường như anh đã hành động đúng, cần phải làm như vậy.
Đúng, mà cũng không đúng...
Anh muốn khẳng định, cuối cùng người ấy đích thực là một gián điệp trá hình hay đã được xác minh và được trả tự do rồi. Zotov gọi điện đến phòng an ninh ở Michurinsk.
- Tôi có đưa đến chỗ các đồng chí một người tên là Tveritinov vào ngày một tháng mười một. Các đồng chí đã xác minh trường hợp này chưa?
- Còn đang điều tra! - người ta trả lời qua điện thoại một cách cứng rắn - Trung úy Zotov, trong các biên bản về số hàng hoá bị hư hại đến 80% có mấy điểm chưa rõ. Vụ này hết sức nghiêm trọng, chắc chắn có bàn tay kẻ địch phá hoại.
Và suốt mùa đông ấy, Zotov vẫn công tác tại nhà ga, vẫn với chức vụ sĩ quan phụ tá. Nhiều lần anh muốn gọi điện để hỏi lại nhưng sợ bị người ta nghi ngờ.
Có lần, một nhân viên an ninh điều tra đến công tác. Zotov làm ra vẻ tình cờ hỏi ông ta:
- Đồng chí có nhớ một người tên Tveritinov không? Mùa thu rồi tôi có bắt giữ ông ta!
- Tại sao đồng chí lại hỏi việc ấy? - tay công an cau mày, giọng quan trọng.
- Đơn giản là... tôi quan tâm... kết quả điều tra ra sao?
- Người ta sẽ điều tra cặn kẽ về trường hợp Tveritinov. Cứ yên tâm, chúng tôi làm việc gì bao giờ cũng đến nơi đến chốn.
Nhưng sau đấy, trong suốt cuộc đời mình, không bao giờ Zotov có thể quên được con người ấy...
1962


[1] Họ tên của người Nga gồm 3 phần: họ, tên, tên đệm; ví dụ như của ông khách: Tveritinov là họ (như họ Nguyễn, họ Trần của Việt Nam), Igor là tên, còn Dementievich là tên đệm, từ tên của người cha là Dementy. Ví dụ ta gọi Ivan Denisovich thì có nghĩa là người này tên Ivan, con của ông Denis.
[2] Viết tắt của Bộ dân ủy Nội vụ, sau này là Bộ Nội vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét