Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (005)

RÀO CẢN TỚI HIỂU BIẾT
Hiểu biết nghĩa là thinh lặng, hoàn toàn thinh lặng,
tới mức ta có thể nghe tiếng âm thầm của nội tâm.
Hiểu biết nghĩa là buông bỏ tâm trí.
Khi bạn tuyệt đối trống rỗng,
không lay động, không một gợn lăn tăn
cánh cửa mở toang.
Bạn là một phần của hiện hữu huyền bí này.
Bạn nhận biết nó bằng cách trở thành một phần của nó.

Đó là hiểu biết.

TRI THỨC
Sự khác biệt giữa tri thức và hiểu biết là gì? Trong từ điển thì không khác biệt, nhưng trong hiện hữu thì khác biệt vô cùng. Tri thức là lí thuyết, hiểu biết là trải nghiệm. Hiểu biết nghĩa là bạn mở to mắt nhìn cho rõ; tri thức nghĩa là người khác đã mở mắt, đã nhìn và nói về nó, còn bạn đơn giản là thu thập thông tin. Tri thức có thể thu nhận được kể cả khi ta mù. Tri thức vẫn có thể... Bạn có thể học được nhiều điều về ánh sáng kể cả khi bị mù, song nếu bị mù thì không thể biết về nó. Hiểu biết chỉ có thể khi mắt được chữa khỏi, được chữa lành, có thể thấy được. Hiểu biết là trải nghiệm thật sự, tri thức là giả tạo. Tri thức là tai ương, là tai họa, là khối u.
Thông qua tri thức con người bị tách rời khỏi cái toàn thể - tri thức tạo ra khoảng cách. Bạn bắt gặp một đóa hoa dại trên núi, bạn không biết nó là hoa gì; tâm trí bạn không có gì để nói về nó, tâm trí im lặng. Bạn ngắm đóa hoa, bạn thấy đóa hoa, nhưng không gợn chút tri thức nào - chỉ có điều kì diệu, điều huyền bí. Đóa hoa ở đó, bạn cũng ở đó. Thông qua điều kì diệu bạn không bị tách rời, bạn được bắc cầu. Song nếu bạn biết đấy là hoa hồng hay hoa cúc, hay một loại hoa nào khác chẳng hạn, thì chính tri thức tách rời bạn ra. Đóa hoa ở đó, còn bạn ở đây, song không có cầu nối - vì bạn “biết”! Tri thức tạo ra khoảng cách.
Bạn càng “biết” nhiều chừng nào thì khoảng cách càng lớn chừng nấy; bạn càng “biết” ít thì khoảng cách càng nhỏ. Và nếu trong một khoảnh khắc bạn không “biết” gì thì không còn khoảng cách nữa; bạn được bắc cầu.
Bạn yêu người phụ nữ hay người đàn ông - cái ngày bạn trúng tiếng sét ái tình thì chưa có khoảng cách. Chỉ có điều kì diệu, sự rộn ràng, niềm hứng khởi, nỗi khoái cảm - chứ không có tri thức. Bạn còn chưa biết người phụ nữ ấy. Không có tri thức thì không có gì chia cắt; vì thế có cái đẹp của phút ban đầu lưu luyến ấy. Một khi bạn sống với người phụ nữ - chỉ cần 24 giờ đồng hồ - tri thức bắt đầu trỗi dậy. Bấy giờ bạn đã có một vài ý tưởng về người phụ nữ; hình ảnh cô ấy đã hình thành, bạn biết cô ấy là ai. Hai mươi bốn giờ đã tạo nên một quá khứ; 24 giờ đó đã lưu dấu lại trong tâm trí. Bạn vẫn nhìn vào người phụ nữ ấy, nhưng không còn điều bí ẩn như lúc ban đầu. Bạn ở bên kia dốc, cảm giác trên đỉnh đã không còn.
Để hiểu được điều này thì còn phải hiểu nhiều điều. Để hiểu được rằng tri thức tạo ra chia cắt, tri thức tạo ra khoảng cách, thì phải hiểu được điều huyền diệu của thiền.
Thiền là trạng thái vô thức. Thiền là khoảng không thuần khiết, không bị tri thức khuấy động. Phải, câu chuyện trong Kinh Thánh rất ư đúng đắn - con người sa ngã thông qua tri thức, bằng việc ăn trái cấm trên cây tri thức. Không một kinh sách nào khác trên thế giới vượt trội hơn Kinh Thánh. Ngụ ngôn ấy là lời tối hậu; không một truyện ngụ ngôn nào đạt tới tầm cao và sự sáng suốt như thế. Thoạt nghe thì có vẻ phi logic rằng con người sa ngã thông qua tri thức. Phi logic bởi lẽ logic là một phần của tri thức! Logic là toàn bộ công cụ hỗ trợ cho tri thức - phi logic là vì logic chính là căn nguyên nguồn cội sự sa ngã của con người.
Một người tuyệt đối logic - nghĩa là tuyệt đối tỉnh táo, luôn luôn tỉnh táo, không bao giờ cho phép bất cứ điều gì phi logic trong cuộc sống - ắt là một người điên. Sự tỉnh táo cần phải được cân bằng bởi sự điên rồ; logic cần phải được cân bằng bởi phi logic. Những mặt đối lập phải gặp nhau và cân bằng nhau. Một người quá lí trí thì vô lí - anh ta sẽ bỏ lỡ nhiều thứ. Thực tế, anh ta sẽ vẫn cứ bỏ lỡ tất cả những gì đẹp đẽ và đúng đắn. Anh ta sẽ thu thập những thứ vớ vẩn, cuộc đời anh ta là cuộc đời trần tục. Anh ta sẽ là người của cõi tục.
Ngụ ngôn Kinh Thánh ấy vô cùng sáng suốt. Vì sao con người sa ngã thông qua tri thức? Bởi lẽ tri thức tạo ra khoảng cách, bởi lẽ tri thức tạo ra “ta và ngươi”, bởi lẽ tri thức tạo ra chủ thể và khách thể, người biết và thứ được biết, người quan sát và đối tượng quan sát. Về cơ bản thì tri thức là một dạng tâm thần phân liệt; nó tạo ra sự chia tách và rồi không cách gì bắc cầu được.
Đó là lí do vì sao một người càng tích lũy nhiều tri thức bao nhiêu càng thiếu đức tin bấy nhiêu. Một người càng học nhiều thì càng ít khả năng tiếp cận được cái toàn thể. Chúa Jesus rất đúng khi nói: “Chỉ trẻ em mới có thể vào nước Chúa”. Chỉ có trẻ em... phẩm chất nào của trẻ em mà người lớn lại đánh mất? Đứa trẻ có phẩm chất hồn nhiên, không có tri thức. Nó nhìn đời đầy bỡ ngỡ, mắt nhìn tuyệt đối trong trẻo. Nó nhìn săm soi nhưng không hề định kiến, không hề phán xét, không có quan niệm cố hữu. Nó không phóng chiếu; vì thế nó tiến tới biết được sự vật như nó vốn thế. Đứa trẻ biết được chân lí, còn người lớn chỉ biết thực tại trần trụi. Thực tại là những gì bạn tạo ra quanh mình bằng cách phóng chiếu, ham muốn, nghĩ ra. Thực tại là sự diễn giải chân lí của bạn.
Chân lí thì đơn giản như chính nó; còn thực tại là thứ mà bạn tiến tới để hiểu - nó là quan niệm của bạn về chân lí. Thực tại gồm nhiều thứ, tất cả đều tách biệt. Chân lí chỉ gồm một năng lượng vũ trụ. Chân lí bao hàm tính duy nhất, thực tại bao hàm tính đa tạp. Thực tại là đám đông, chân lí là hợp nhất.
J. Krishnamurti đã nói: “Phủ định là thinh lặng”. Phủ định cái gì? Phủ định tri thức, phủ định tâm trí, phủ định thứ hằng trú bên trong bạn... để tạo ra khoảng không gian trống. Khi bạn trống rỗng thì bạn hòa nhịp với cái toàn thể. Khi bạn bị chiếm hữu thì bạn lạc điệu. Vì thế, bất cứ khi nào bạn giành được một khoảnh khắc im lặng, sẽ vô cùng vui sướng. Vào khoảnh khắc đó, cuộc sống mới có ý nghĩa, Vào khoảnh khắc đó, cuộc sống mới huy hoàng không lời nào tả xiết. Vào khoảnh khắc đó, cuộc sống mới là vũ điệu. Vào khoảnh khắc đó, thậm chí khi cái chết đến, nó vẫn là vũ điệu và lễ hội, bởi lẽ khoảnh khắc ấy không biết gì ngoài vui sướng. Khoánh khắc ấy tràn ngập niềm vui, niềm hoan lạc.
Phải phủ định tri thức - song không phải bởi vì tôi nói thế, hay bởi vì J. Krishnamurti nói thế, hay bởi vì Đức Phật Cồ Đàm nói thế. Nếu bạn phủ định bởi vì tôi nói thế, thế thì bạn sẽ phủ định tri thức của mình, và bất cứ điều gì tôi nói sẽ thế chỗ tri thức của bạn, bạn sẽ thay thế nó. Thế thì bất cứ điều gì tôi nói sẽ trở thành tri thức của bạn, bạn bắt đầu bám vào nó. Bạn ném những thần tượng cũ của mình đi và thay thế chúng bằng những cái mới, song đó vẫn là trò cũ với những ngôn từ mới, ý tưởng mới, suy nghĩ mới.
Thế thì làm cách nào phủ định tri thức? Không phải bằng tri thức khác. Chỉ bằng cách nhìn nhận là tri thức tạo ra khoảng cách - chỉ nhìn vào sự việc một cách mạnh dạn và toàn diện là đủ. Không phải là thay thế nó bằng thứ khác.
Xúc cảm mãnh liệt ấy là ngọn lửa, sự mãnh liệt ấy sẽ đốt cháy tri thức thành tro tàn. Sự mãnh liệt ấy là đủ. Sự mãnh liệt ấy được biết là sự sáng suốt. Sự sáng suốt sẽ thiêu rụi tri thức và nó sẽ không được thay thế bằng tri thức khác. Thế thì có sự trống rỗng, shunyata. Thế thì có hư không, bởi lẽ thế thì không chứa đựng gì; chỉ có chân lí không bị méo mó, không bị xáo trộn.
Bạn phải nhìn nhận những điều tôi nói; chứ đừng học hỏi những điều tôi nói. Ngồi đây cùng tôi hằng ngày, lắng nghe tôi, đừng bắt đầu thu thập tri thức. Đừng tích lũy ở đây. Việc lắng nghe tôi nên là một trải nghiệm sáng suốt. Bạn nên lắng nghe với cảm xúc mãnh liệt, với sự trọn vẹn, với sự nhận thức càng nhiều càng tốt. Chính trong sự nhận thức bạn sẽ thấy điểm mấu chốt, và sự nhìn nhận là chuyển biến. Sau đó bạn không phải làm gì khác nữa; tự thân nhìn nhận đem lại sự biến đổi.
Nếu cần một vài nỗ lực, điều đó cho thấy rằng bạn đã bỏ lỡ. Nếu ngày mai bạn đến và hỏi tôi: “Tôi đã ngộ ra rằng tri thức là tai họa, rằng tri thức tạo ra khoảng cách. Giờ đây làm cách nào để buông bỏ nó?” - thế thì bạn đã bỏ lỡ. Nếu phát sinh câu hỏi “làm cách nào”, thế thì bạn đã bỏ lỡ. Không thể đặt câu hỏi “làm cách nào”, bởi lẽ “làm cách nào” đòi hỏi thêm tri thức. “Làm cách nào” đòi hỏi phương pháp, kĩ thuật, những thứ phải thực hiện.
Thấu hiểu là đủ; nó không cần bất cứ nỗ lực nào trợ giúp. Ngọn lửa của nó là quá đủ để thiêu rụi mọi tri thức mà bạn chất chứa trong người. Chỉ cần nhìn ra điểm mấu chốt.
Lắng nghe tôi, đi với tôi. Hãy lắng nghe tôi nói, nắm tay tôi và đi vào không gian mà tôi cố gắng giúp bạn bước vào, để nhìn nhận những gì tôi nói. Đừng tranh luận, đừng nói có, đừng nói không; đừng đồng ý, đừng phản đối. Chỉ cần ở cùng tôi trong khoảnh khắc này - và đột nhiên có sự thấu hiểu. Nếu bạn chăm chú lắng nghe và tôi không ngụ ý chăm chú là tập trung; đơn giản tôi ngụ ý chăm chú là bạn lắng nghe với sự nhận thức, không phải với tâm trí đờ đẫn; bạn lắng nghe với sự thông thái, với sự tỉnh thức, với sự cởi mở. Bạn đang ở-đây-và-bây-giờ cùng tôi - đó là những gì tôi ngụ ý về sự chăm chú. Bạn không ở đâu khác. Bạn không so sánh trong tâm trí những gì tôi nói với những suy nghĩ cũ của bạn. Bạn không so sánh chút nào, bạn không phán xét. Bạn không phán xét bên trong bạn những gì tôi nói đúng hay sai, hoặc đúng đến mức độ nào.
Một ngày nọ, tôi có nói chuyện với một người tầm đạo. Anh ta có phẩm chất của một người tầm đạo nhưng lại chất đầy gánh nặng tri thức. Trong khi trò chuyện, mắt anh ta đẫm lệ. Anh ta như sắp trải lòng ra thì đúng khoảnh khắc ấy tâm trí lại nhảy xổ vào và làm tan tành toàn bộ cái đẹp. Anh ta sắp sửa tiếp cận trái tim và hé mở nó thì đột nhiên trí tuệ nhảy vào. Những giọt lệ vừa chực tuôn ra bỗng biến mất. Mắt anh ta ráo hoảnh. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi nói điều gì đó mà anh ta không thể chấp nhận.
Anh ta đã đồng ý với tôi đến một điểm nào đó. Thế rồi tôi nói điều gì động chạm đến nền tảng Do Thái của anh ta, trái ngược với Cabala, và đột nhiên toàn bộ năng lượng biến đổi. Anh ta nói: “Mọi thứ đều đúng. Điều gì ông nói cũng đúng, trừ một điều mà tôi không thể đồng ý - là thượng đế không có chủ đích, là hiện hữu tồn tại không có chủ đích. Bởi lẽ Cabala nói điều hoàn toàn ngược lại: là cuộc sống có chủ đích, là thượng đế có chủ đích, là ngài an bài cho chúng ta một số phận nào đó, là có đích để hướng tới.”
Thậm chí có lẽ anh ta không nhìn vào khía cạnh là anh ta đã bõ lỡ khoảnh khắc đó bởi vì sự so sánh xảy đến. Cabala thì liên quan gì đến tôi chứ? Khi bạn đến với tôi, hãy gạt bỏ mọi tri thức của bạn về Cabala, Yoga, Tantra, hay gì gì đó. Khi bạn đến với tôi, hãy ở bên tôi. Và tôi không nói rằng bạn phải đồng ý với tôi, hãy nhớ rằng chẳng có vấn đề đồng ý hay không đồng ý ở đây.
Khi bạn thấy đóa hồng, bạn đồng ý hay không đồng ý với nó? Khi bạn thấy bình minh, bạn đồng ý hay không đồng ý? Khi bạn thấy trăng đêm, đơn giản là bạn thấy nó! Cho dù bạn thấy hay không thấy nó, chẳng có vấn đề đồng ý hay không đồng ý gì hết.
Tôi không cố thuyết phục bạn bất cứ điều gì. Tôi không cố lôi kéo bạn đến một lí thuyết, một triết lí, một giáo điều, một giáo hội nào đó, không hề! Đơn giản là tôi chia sẻ những gì xảy ra với tôi, và trong sự chia sẻ ấy, nếu bạn tham gia, nó có thể cũng xảy ra với bạn. Nó được lan truyền.
Sự thấu hiểu chuyển biến.
Khi tôi nói tri thức là tai họa, bạn có thể tán thành hay phản đối - và bạn đã bỏ lỡ! Hãy chỉ lắng nghe, chỉ nhìn vào nó, đi vào toàn bộ quá trình của tri thức. Bạn có thể thấy tri thức tạo khoảng cách ra sao, tri thức trở thành rào cản ra sao. Tri thức chen vào giữa, tri thức vẫn cứ mở rộng và khoảng cách cũng nới rộng. Sự hồn nhiên bị mất đi thông qua tri thức, điều kì diệu bị hủy hoại, bị bẻ gẫy, bị bóp chết thông qua tri thức, cuộc sống trở thành một thứ đờ đẫn và buồn chán thông qua tri thức. Điều bí ẩn bị đánh mất. Điều bí ẩn biến mất bởi lẽ bạn bắt đầu có ý tưởng là bạn biết. Khi bạn biết, làm thế nào còn điều bí ẩn nữa? Điều bí ẩn chỉ có thể khi bạn không biết.
Và hãy nhớ rằng còn một thứ mà con người chưa biết! Tất cả những thứ chúng ta thu thập được chỉ là đồ bỏ. Điều tối thượng vẫn còn ngoài tầm tay. Những gì chúng ta thu thập được chỉ là những sự kiện, những nỗ lực của chúng ta hãy còn chưa chạm tới được chân lí. Và đó không chỉ là trải nghiệm của Phật, Krishna, Krishnamurti, Ramana; mà thậm chí còn là trải nghiệm của Edison, Newton, Albert Einstein. Đó là trải nghiệm của những nhà thơ, họa sĩ, vũ công. Tất cả những trí tuệ vĩ đại trên thế giới - họ có thể là nhà huyền môn, họ có thể là nhà thơ, họ có thể là nhà khoa học - đều tuyệt đối đồng ý một điều: là càng biết nhiều thì chúng ta càng hiểu rằng cuộc sống tuyệt đối bí ẩn. Tri thức của chúng ta không thể hủy hoại được sự bí ẩn của nó.
Chỉ có những kẻ ngốc mới nghĩ rằng bởi vì họ biết được chút ít, nên bây giờ trên đời chẳng còn gì là bí ẩn. Chỉ có đầu óc tầm thường mới bám chặt vào tri thức; đầu óc thông tuệ còn vượt lên trên tri thức. Người ta sử dụng tri thức, ắt hẳn phải sử dụng nó - bởi nó có ích, nó có lợi - song nên biết rất rõ rằng tất cả những gì thuộc về chân lí đều tiềm ẩn, hãy còn tiềm ẩn. Chúng ta cứ mặc sức tìm hiểu, nhưng điều bí ẩn hãy còn là vô tận.
Hãy lắng nghe với sự sáng suốt, chú tâm, một cách trọn vẹn. Và chính trong cách nhìn ấy bạn sẽ thấy được điều gì đó. Rồi việc thấy được sẽ thay đổi bạn - đừng băn khoăn nó ra sao. Đó là điều Krishnamurti muốn ngụ ý khi nói rằng “Phủ định là thinh lặng”. Sự sáng suốt phủ định. Khi một điều bị phủ định và không có điều gì khác được khẳng định để thay thế, thì điều đó bị hủy đi và không có gì thế chỗ. Có thinh lặng, bởi vì có khoảng trống. Có thinh lặng bởi vì cái cũ bị vứt đi và cái mới không được mang tới. Đức Phật gọi sự thinh lặng ấy là shunyata. Sự thinh lặng ấy là trống rỗng, là hư không. Mà chỉ có hư không mới có thể vận hành trong thế giới của chân lí.
Ý nghĩ không thể vận hành ở đó. Ý nghĩ chỉ hoạt động trong thế giới của sự vật, bởi lẽ ý nghĩ cũng là sự vật - tính tế đấy nhưng cũng là vật chất. Đó là lí do vì sao có thể ghi lại ý nghĩ, đó là lí do vì sao có thể tiếp nhận, truyền tải ý nghĩ. Tôi có thể truyền ý nghĩ cho bạn; bạn có thể giữ nó, bạn có thể có nó. Nó có thể nhận và cho, nó có thể hoán chuyển bởi vì nó là sự vật. Nó là hiện tượng vật chất.
Không thể cho sự trống rỗng được, sự trống rỗng không thể được trao cho bạn. Bạn có thể tham gia vào, bạn có thể bước vào nó, nhưng không ai có thể đem nó cho bạn. Nó không thể hoán chuyển được. Và chỉ có trống rỗng mới vận hành trong thế giới của chân lí.
Chân lí chỉ được nhận biết khi tâm trí không còn. Để nhận biết chân lí thì tâm trí phải ngưng lại, nó phải ngừng vận hành. Nó phải yên lặng, trống rỗng, không xao động.
Ý nghĩ không thể vận hành trong thế giới chân lí, nhưng chân lí có thể vận hành qua ý nghĩ. Bạn không thể đạt tới chân lí bằng ý nghĩ, nhưng khi đã đạt tới nó, bạn có thể dùng ý nghĩ để phục vụ nó. Đó là những gì tôi đang làm, đó là những gì Đức Phật đã làm, đó là những gì những bậc thầy đã làm. Những gì tôi đang nói là ý nghĩ, nhưng đằng sau ý nghĩ ấy là sự trống rỗng. Sự trống rỗng đó không do ý nghĩ tạo ra, sự trống rỗng đó ngoài tầm ý nghĩ. Ý nghĩ không thể chạm tới nó, thậm chí không thể nhìn được vào nó.
Bạn đã bao giờ quan sát hiện tượng này không? - là bạn không thể nghĩ về sự trống rỗng, bạn không thể tạo ra sự trống rỗng bằng ý nghĩ. Bạn không thể nghĩ về nó, nó không thể mường tượng ra được. Nếu bạn có thể nghĩ về nó, thì nó không còn là sự trống rỗng nữa. Ý nghĩ phải đi khỏi thì sự trống rỗng mới tới; chúng không bao giờ cùng có mặt. Một khi sự trống rỗng tới, nó có thể dùng mọi phương tiện để thể hiện chính nó.
Sự sáng suốt là trạng thái vô thức. Bất cứ khi nào bạn thấy điều gì, bạn luôn thấy khi không có ý nghĩ nào hết. Đây cũng vậy, lắng nghe tôi nói, ở cùng tôi, đôi lúc bạn thấy. Song những khoảnh khắc ấy là những khoảng lặng, những khoảng nghỉ. Một ý nghĩ thoáng qua, ý nghĩ khác còn chưa tới, có một khoảng trống; và trong khoảng lặng ấy, một thứ gì đó bắt đầu cựa quậy, bắt đầu rung động. Tựa như ai đó gõ trống: bên trong trống thì rỗng, đó là lí do vì sao mặt trống kêu thành tiếng. Sự trống rỗng rung động. Âm thanh tuyệt mĩ đó được tạo ra từ sự trống rỗng. Khi bạn trong trạng thái không có ý nghĩ nào trong đầu, thế thì điều gì đó có thể nảy sinh, có thể ngay lập tức. Thế thì bạn có thể thấy được những gì tôi nói. Thế thì sẽ không chỉ là nghe được lời nói, mà sẽ trở thành trực giác, sự sáng suốt, tầm nhìn. Bạn nhìn vào đó, bạn chia sẻ với tôi.
Sự sáng suốt là trạng thái không suy nghĩ, vô thức. Đó là khoảng trống, khoảng nghỉ trong quá trình suy nghĩ, và trong khoảng lặng ấy sự thoáng hiện, là chân lí.
Trong tiếng Anh, từ trống rỗng (empty) bắt nguồn từ một từ có nghĩa là “nhàn nhã” (at leisure), không vướng bận. Nếu xét đến từ gốc thì đó là một từ rất đẹp. Từ gốc rất hàm súc: nó có nghĩa là nhàn nhã, không vướng bận. Bất cứ lúc nào bạn không bị vướng bận, nhàn nhã, thì bạn trống rỗng. Và nên nhớ, câu cách ngôn nói rằng trống rỗng là sào huyệt của quỷ dữ thật là vớ vẩn. Ngược lại mới đúng: tâm trí đầy ý nghĩ mới là sào huyệt của quỷ dữ! Tâm trí trống rỗng là nơi trú ngụ của thượng đế, chứ không phải của quỷ dữ. Song phải hiểu tôi muốn ngụ ý “trống rỗng” là gì - là nhàn nhã, là thư giãn, không căng thẳng, không di động, không ham muốn, không đi đâu, chỉ ở đây, hoàn toàn ở đây mà thôi. Tâm trí trống rỗng là sự hiện diện thuần khiết. Và mọi thứ đều có thể trong sự hiện diện thuần khiết, bởi lẽ toàn thể hiện hữu bắt nguồn từ sự hiện diện thuần khiết.
Cây cỏ mọc lên từ sự hiện diện thuần khiết ấy, tinh tú sinh ra từ sự hiện diện thuần khiết này; chúng ta đây - tất cả chư phật đều bắt nguồn từ sự hiện diện thuần khiết này. Trong sự hiện diện thuần khiết, chúng ta trong vòng tay của thượng đế, chúng ta thượng đế. Bị vướng bận, bạn sẽ sa ngã; bị vướng bận, bạn bị đuổi khỏi Vườn địa đàng. Không vướng bận, bạn được trở lại Địa đàng; không vướng bận, bạn trở về nhà.
Khi tâm trí không bị vướng bận bởi thực tại - bởi những sự vật, bởi những ý nghĩ - thế thì đó mới đích thực. Và đích thực mới là chân lí. Chỉ trong sự trống rỗng mới có gặp gỡ và hòa nhập. Chỉ trong sự trống rỗng bạn mới mở cửa đón chào chân lí và chân lí bước vào bạn. Chỉ trong sự trống rỗng bạn mới thai nghén cùng chân lí.
Có ba trạng thái của tâm trí. Trạng thái thứ nhất gồm nội dung và ý thức. Bạn luôn có những điều chứa đựng trong tâm trí - một ý nghĩ xao động, một ham muốn nảy sinh, giận dữ, tham lam, tham vọng. Bạn luôn có điều chứa đựng trong tâm trí; tâm trí lúc nào cũng bị vướng bận. Tựa như xe cộ, ra vào suốt ngày. Khi bạn thức cũng có, lúc bạn ngủ cũng có. Bạn gọi những điều chứa đựng khi thức là suy nghĩ, những điều khi ngủ là giấc mơ - là một quá trình mà thôi. Mơ thì nguyên sơ hơn một chút, chỉ thế thôi - bởi vì mơ là nghĩ bằng hình ảnh. Nó không dùng khái niệm, mà dùng hình ảnh. Nó nguyên sơ hơn - đó là cách mà trẻ nhỏ nghĩ bằng hình ảnh. Thế nên sách dành cho trẻ nhỏ thường có hình ảnh lớn, nhiều màu sắc, bởi vì trẻ em suy nghĩ thông qua hình ảnh. Qua hình ảnh chúng sẽ học được từ ngữ. Dần dà những hình ảnh đó nhỏ dần, nhỏ dần, rồi biến mất.
Con người sơ khai cũng suy nghĩ qua hình ảnh. Những ngôn ngữ cổ xưa nhất là ngôn ngữ tượng hình. Tiếng Trung Hoa là ngôn ngữ tượng hình: nó không có bảng chữ cái. Nó là ngôn ngữ cổ xưa nhất. Về đêm, bạn quay về tình trạng sơ khai, bạn quên đi sự phức tạp của ban ngày và bạn suy nghĩ qua hình ảnh - song cũng giống nhau cả.
Khả năng nhìn thấu của nhà phân tâm học có giá trị ở chỗ ông ta nhìn vào giấc mơ của bạn. Bởi lẽ khi bạn sơ khai hơn thì bạn chân thật hơn; bạn không cố che dấu mọi người, bạn đích thực hơn. Ban ngày, nhân cách tạo thành lớp vỏ bao bọc che giấu con người thật - tầng tầng lớp lớp. Khó lòng thấy được con người thật. Phải đào sâu, và điều đó làm tổn thương nên người ta sẽ phản kháng. Song ban đêm, khi trút bỏ lớp y phục, bạn cũng trút bỏ lớp nhân cách của mình. Không còn cần thiết vì bạn không còn tiếp xúc với ai, bạn nằm một mình trên giường. Bạn không hòa mình cùng thế giới mà hoàn toàn trong lãnh địa riêng của mình. Không cần phải che giấu, không cần phải giả vờ. Đó là lí do vì sao nhà phân tâm học cố đi vào những giấc mơ của bạn, bởi lẽ chúng thể hiện con người thật của bạn rõ hơn. Song đó vẫn là cùng một trò thể hiện qua ngôn ngữ khác; còn trò chơi thì chẳng có gì khác. Đó là trạng thái thông thường của tâm trí: tâm trí và nội dung chứa đựng, ý thức cộng với nội dung.
Trạng thái thứ nhì của tâm trí là ý thức không chứa nội dung; đó là thiền. Bạn hoàn toàn tỉnh thức, và có một khoảng trống, một khoảng nghỉ. Không chạm trán với ý nghĩ nào, không có ý nghĩ nào lởn vởn trước bạn. Bạn không ngủ, bạn vẫn thức - song không có ý nghĩ nào. Đấy là thiền. Trạng thái thứ nhất gọi là tâm trí, trạng thái thứ nhì gọi là thiền.
Và còn trạng thái thứ ba. Khi nội dung biến mất, đối tượng biến mất, thì chủ thể không thể tồn tại được lâu - bởi lẽ chúng tồn tại cùng nhau. Chúng sinh ra nhau. Khi chủ thể còn một mình, nó chỉ có thể lơ lửng thêm một quãng thời gian ngắn, do cái đà của của quá khứ. Không có nội dung thì ý thức không thể tồn tại được lâu; nó sẽ không còn cần thiết, bởi lẽ ý thức luôn luôn là ý thức về điều gì. Khi bạn nói “ý thức”, có thể đặt câu hỏi “Về điều gì?” Bạn nói “Tôi ý thức về...” Cần có đối tượng, nó phải có để chủ thể tồn tại. Một khi đối tượng biến mất, chủ thể cũng sẽ mau chóng biến mất. Trước tiên là nội dung, sau đó là ý thức biến mất.
Trạng thái thứ ba được gọi là samadhi (tam muội) - không nội dung, không ý thức. Song nên nhớ, trạng thái không nội dung, không ý thức ấy không phải là trạng thái vô thức. Đó là trạng thái siêu thức, ý thức siêu việt. Giờ đây ý thức chỉ còn là tự thân ý thức mà thôi. Ý thức đã xoay chuyển bản thân nó; vòng quay hoàn thành. Bạn đã về nhà. Đấy là trạng thái thứ ba, samadhi; và trạng thái ấy được Đức Phật ngụ ý là shunyata (tánh không).
Trước tiên rũ bỏ nội dung - bạn đạt được một nửa sự trống rỗng, sau đó rũ bỏ ý thức - bạn hoàn toàn trống rỗng. Và trạng thái trống rỗng hoàn toàn ấy là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra, ân sủng tuyệt vời nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét