Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (009)

CHIẾN LƯỢC
Hãy buông bỏ tâm trí suy nghĩ bằng văn xuôi;
để hồi sinh tâm trí khác suy nghĩ bằng thơ.
Gạt sang một bên sự tinh thông lí luận của mình;
lấy lời ca tiếng hát làm lối sống.
Chuyển từ trí tuệ sang trực giác,
từ khối óc sang con tim,

bởi lẽ con tim gần gũi với điều huyền bí.

BÓC VỎ HÀNH
Bản thể của con người thật đơn giản, song nhân cách thì không; nhân cách rất phức tạp. Nhân cách tựa như một củ hành - có nhiều lớp ước định và lệch lạc, mà ẩn giấu đằng sau những lớp ấy là bản thể đơn giản của con người. Nó ở đằng sau quá nhiều bộ lọc đến mức bạn không thể thấy nó - và ẩn giấu sau nhiều bộ lọc đó, bạn cũng không thể thấy được thế giới, bởi lẽ những gì tiếp cận được với bạn đã bị những bộ lọc làm lệch lạc đi.
Không thứ gì tiếp cận được với bạn mà còn nguyên dạng; bạn vẫn cứ bỏ lỡ chúng. Có quá nhiều nấc diễn giải trung gian. Bạn thấy thứ gì đó - đầu tiên là mắt và những giác quan khác của bạn làm sai lệch nó đi. Rồi đến hệ tư tưởng, tôn giáo, xã hội, giáo hội của bạn làm sai lệch. Rồi đến cảm xúc của bạn tiếp tục làm sai lệch. Cứ thế, cứ thế mãi... Đến khi nó tiếp cận được với bạn rồi, thì hầu như chẳng còn gì nguyên gốc nữa, hoặc chỉ còn chút ít không đáng kể. Bạn thấy được thứ gì chỉ khi những bộ lọc cho nó qua, mà những bộ lọc thì chẳng cho qua nhiều nhặn gì.
Những nhà khoa học cũng đồng ý; họ nói chúng ta chỉ thấy được 2% thực tại - 2% mà thôi! Chín mươi tám phần trăm bị bỏ lỡ. Khi bạn lắng nghe tôi, bạn chỉ nghe được 2% những gì tôi nói. 98% bị mất đi, mà khi mất đi 98%, 2% kia cũng bị tách khỏi ngữ cảnh. Cũng như bạn chọn ngẫu nhiên hai trang của cuốn tiểu thuyết, một ở chỗ này, một ở chỗ khác, thế rồi bạn bắt đầu tái tạo toàn bộ tiểu thuyết từ hai trang ấy. Chín mươi tám trang khác bị bỏ qua! Bạn chỉ có hai trang và bạn tái tạo lại toàn bộ tiểu thuyết. Việc tái tạo ấy là do bạn bịa đặt. Nó không phải là khám phá ra sự thật, mà là tưởng tượng.
Và có một nhu cầu bên trong để lấp đầy khoảng trống. Bất cứ lúc nào bạn thấy hai sự việc không liên quan, thì tâm trí sẽ vội vàng liên kết chúng lại; bằng không nó sẽ cảm thấy không được thoải mái. Thế nên bạn hư cấu một mối liên hệ. Bạn cố định những sự việc rời rạc bằng sợi dây liên kết, bạn bắc cầu, rồi bạn tiếp tục hư cấu cả một thế giới không có thực.
George Gurdjieff thường gọi những tấm lọc ấy là “những bộ đệm”. Chúng bảo vệ bạn khỏi thực tại. Chúng bảo vệ sự giả dối của bạn, chúng bảo vệ ước mơ của bạn, chúng bảo vệ những phóng chiếu của bạn. Chúng không cho phép bạn tiếp xúc với thực tại, bởi lẽ chính sự tiếp xúc sẽ làm tan vỡ hoặc gây sốc. Người ta sống bằng giả dối.
Frederick Nietzsche được cho rằng đã phát biểu: “Đừng tách giả dối ra khỏi nhân loại, bằng không người ta sẽ chẳng thể nào sống nổi. Người ta sống bằng giả dối. Đừng loại bỏ điều hư cấu, đừng hủy hoại chuyện hoang đường. Đừng nói ra sự thật vì con người không thể sống bằng sự thật”. Ông ấy nói đúng 99% về con người - song cái kiểu sống nào có thể tồn tại qua giả dối? Tự thân nó sẽ là điều giả dối lớn nhất. Và cái kiểu hạnh phúc nào có thể tồn tại qua giả dối? Điều đó bất khả; như vậy thì nhân loại sẽ chìm trong đau khổ. Cùng với sự thật là phúc lạc; cùng với giả dối chỉ có đau khổ và không có gì khác. Nhưng chúng ta vẫn cứ bảo vệ những điều giả dối.
Sự giả dối thì dễ chịu, nhưng chúng ngăn cản ta đến với phúc lạc, với chân lí, với hiện hữu.
Con người giống hệt như một củ hành. Và nghệ thuật ở đây là làm thế nào để bóc vỏ hành và đi đến cái lõi tận cùng bên trong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét