Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (004)

BA NẤC CỦA CHIẾC THANG
Trực giác là nấc cao nhất của chiếc thang - chiếc thang tâm thức. Nó có thể được chia làm ba phần: nấc đầu tiên và thấp nhất là bản năng (instinct); nấc thứ hai, nấc giữa, là trí tuệ (intellect); và nấc thứ ba, cao nhất, là trực giác (intuition).
Chữ in (bên trong) được dùng trong cả ba từ. Nó đầy ý nghĩa. Nó có nghĩa đấy là những phẩm chất bẩm sinh bên trong. Bạn không thể học được chúng, không có cách nào phát triển chúng bằng sự trợ giúp bên ngoài.
Bản năng là thế giới của loài vật - mọi thứ hoạt động theo bản năng. Kể cả đôi lúc bạn thấy các biểu hiện của những sự vật khác, thì đó chỉ là phóng chiếu của bạn mà thôi. Chẳng hạn, bạn thấy tình yêu của loài vật - con mẹ âu yếm chăm sóc chu đáo bầy con của nó - và bạn nghĩ đó không chỉ là bản năng, mà là thứ gì đó cao hơn, không chỉ mang tính sinh học. Song nó không cao hơn, đơn giản nó mang tính sinh học. Con mẹ làm thế như thể con robot trong bàn tay tạo hóa. Nó không cưỡng lại được - nó phải làm như thế.
Ở nhiều loài vật con đực không có bản năng làm cha; trái lại, nhiều loài còn giết và ăn thịt con của chúng. Chẳng hạn như cá sấu, mạng sống của bầy sấu con nằm trong mối đe dọa lớn. Con mẹ bảo vệ và chiến đấu giành sự sống cho bầy con, còn con đực chỉ nhăm nhe có bữa điểm tâm ngon lành! Cá sấu bố không có bản năng làm cha; thực tế, làm cha là định chế của loài người. Sấu mẹ phải ngậm lũ con trong miệng để bảo vệ chúng khỏi sấu bố. Nó có cái miệng thật to - mọi giống cái đều có miệng to thì phải - nó có thể xoay xở để ngậm khoảng một tá sấu con trong miệng. Trong miệng sấu mẹ, ngay cạnh những chiếc răng nhọn nguy hiểm bầy con được an toàn. Điều khó khăn hơn cho bầy sấu con là làm thế nào phân biệt được đâu là mẹ và đâu là bố bởi chúng rất giống nhau. Và đôi khi bầy con sán đến gần con bố, chui vào miệng nó và ra đi vĩnh viễn; chúng sẽ không còn được thấy ánh sáng nữa.
Nhưng con mẹ cố gắng chiến đấu bảo vệ bầy con. Có lẽ đó là lí do mà tạo hóa ban cho sự phong phú của bầy sấu con: mỗi năm con mẹ sinh khoảng một tá con mỗi lần. Nếu nó có thể xoay xở để bảo toàn được hai con, điều đó sẽ duy trì được dân số bầy đàn như cũ, song hầu như nó bảo vệ được một nửa bầy con.
Bất cứ ai quan sát sẽ cảm thấy con đực thật tàn bạo, chẳng có chút tình thương, tình yêu gì cả, còn con mẹ đầy tình mẫu tử. Song bạn đang phóng chiếu những ý tưởng của bạn mà thôi. Con mẹ bảo vệ đàn con không phải do nguyên nhân ý thức; đó là do trong cơ thể nó có những hoóc-môn bảo vệ, còn con đực thì không liên quan gì đến những hoóc-môn ấy. Nếu được tiêm những hoóc-môn như thế, nó sẽ thôi giết bầy con của nó. Thế nên đó là vấn đề hóa học chứ không phải tâm lí hoặc bất cứ thứ gì cao hơn hóa sinh.
Chín mươi phần trăm đời sống con người hãy còn là của thế giới động vật. Chúng ta sống bằng bản năng.
Bạn yêu người phụ nữ hoặc người phụ nữ yêu bạn, và bạn nghĩ điều đó thật to tát. Chẳng có gì to tát cả, đơn giản đó là sự mê đắm mang tính bản năng: nó là những hoóc-môn bị hấp dẫn bởi những hoóc-môn đối nghịch. Bạn chỉ là món đồ chơi trong bàn tay của tạo hóa. Chẳng loài vật nào bận tâm về sự ngọt ngào và tinh tế của tình yêu, song con người cảm thấy nếu tình yêu chỉ là bản năng thì thật lăng mạ và sỉ nhục: tình yêu chỉ là quá trình sinh hóa thôi ư? Tình yêu là thi ca, tình yêu là nghệ thuật, tình yêu là triết lí - chẳng lẽ lại là quá trình sinh hóa? Dường như bạn thấy xấu hổ vì sinh học, vì hóa học, vì tự nhiên.
Nhưng đấy không phải là cách để thấu hiểu. Bạn phải hiểu thật chính xác cái gì là cái gì. Phải phân biệt rõ, bằng không bạn sẽ cứ luôn mập mờ. Bản ngã sẽ tiếp tục khiến bạn phóng chiếu sự vật càng cao càng tốt, cho dù chúng chỉ ở tầng thấp nhất, chẳng có gì liên quan đến bất cứ tầng cao hơn.
Tình yêu chỉ là ảo tưởng do hóa chất trong bạn tạo ra. Hãy nghĩ xem: nếu lấy đi ý tưởng lãng mạn của tình yêu, thế thì tôi không nghĩ bất cứ người đàn ông hoặc người đàn bà nào có thể chịu đựng nổi tình dục và sự vô nghĩa của nó. Nó xem ra thật ngu ngốc. Hãy lấy đi ý tưởng lãng mạn và nghĩ trực tiếp trong thuật ngữ sinh học và hóa học; thế thì tình dục sẽ làm bạn cảm thấy xấu hổ. Chẳng có gì ở đó để mà khoe khoang. Hãy tưởng tượng bạn làm tình với người đàn ông hay người phụ nữ mà không có chút lãng mạn, không có thi vị, không có Omar Khayyam, không có Shelley, không có Byron - chỉ là quá trình sinh sản, bởi tự nhiên muốn sinh sôi qua bạn, bởi tự nhiên biết là bạn sẽ chết. Bạn không vĩnh cửu; trước khi bạn chết tự nhiên muốn cuộc sống vẫn tiếp diễn. Song con người không thể làm tình, trừ phi có điều gì lãng mạn về nó, thế nên con người bao phủ tình dục bằng đám khói tuyệt vời, mà người ta gọi nó là tình yêu. Con người giả vờ, thậm chí tin rằng đó là tình yêu - song hãy quan sát kĩ mà xem.
Bạn bị lôi cuốn bởi người đàn ông hay người phụ nữ. Bản năng tự nhiên trong người phụ nữ là chơi trò trốn tìm. Thật kì lạ là trong tất cả các nền văn hóa khắp thế giới, mọi trẻ em chắc chắn đều chơi hai trò chơi. Tôn giáo của chúng khác nhau, văn hóa khác nhau, chủng tộc khác nhau, xã hội, ngôn ngữ khác nhau - mọi thứ đều khác - song trong chừng mực liên quan đến hai trò chơi đó, cho dù chúng được sinh ra ở Châu Phi hay Ấn Độ, cũng chẳng có gì khác nhau. Một trong số đó là trò trốn tìm. Thật kì lạ là vì sao khắp thế giới không có một nền văn hóa nào tồn tại mà trong đó trẻ em không chơi trò trốn tìm. Đó dường như là thứ gì liên quan đến bản năng, cứ như thể chúng đang chuẩn bị cho một trò trốn tìm lớn hơn. Đấy chỉ là diễn tập, thế rồi trò ấy tiếp diễn suốt đời.
Phụ nữ luôn là người trốn, còn đàn ông là đấng nam nhi, luôn là người tìm. Đó là thử thách cho anh ta trong việc tìm kiếm - người phụ nữ càng cố trốn bao nhiêu thì người đàn ông càng cảm thấy bị lôi cuốn và kích thích bấy nhiêu.
Nhưng mọi trẻ em trên khắp thế giới đều chơi trò trốn tìm. Chẳng ai dạy chúng, vậy làm thế nào mà trò ấy lại phổ biến toàn cầu? Nó phải xuất phát từ bản chất bên trong chúng - sự thôi thúc phải kiếm, phải tìm, sự thử thách.
Những chuyện đó diễn ra một cách tự nhiên, không ai quyết định được những chuyện đó, chúng là một phần bản chất sinh học của chúng ta. Song tạo hóa cũng đủ khôn ngoan để ban cho ta ảo tưởng về tình yêu; bằng không. nếu chỉ vì mục đích sinh sản, để cuộc sống được tiếp nối, thì ta chẳng cần phải thực hiện toàn bộ những bài tập và 84 tư thế ái ân mà Vatsyayana mô tả - thật lạ lùng, ghê tởm, xuẩn ngốc. Nếu lấy đi tình yêu, thế thì tình dục trần trụi cũng chẳng khác gì loài vật. Đó là một trong những vấn đề của nhân loại gây ra phiền toái suốt thời gian dài và hãy còn tiếp tục gây phiền toái. Chỉ có thể hi vọng trong tương lai chúng ta có thể làm vấn đề sáng tỏ hơn.
Người đàn ông cứ tìm kiếm, thuyết phục, viết thư tình, tặng quà và làm mọi thứ trong khả năng của mình, nhưng một khi được thỏa mãn tình dục thì anh ta bắt đầu trở nên sao nhãng. Giờ đây, đó không phải là hành động có chủ đích của anh ta. Anh ta không muốn làm tổn thương; nhất là làm tổn thương người anh ta từng yêu. Song đấy thuộc về phạm vi sinh học. Tất cả lãng mạn và yêu đương chỉ là đám khói mà tạo hóa phủ lên để che dấu phần tình dục, mà tự thân nó trông thật gớm ghiếc, thế nên tạo hóa phải ban cho nó lớp vỏ hào nhoáng.
Nhưng một khi tạo hóa đã làm xong công việc thông qua bạn, toàn bộ đám khói ấy biến mất. Bản năng chỉ biết tới tình dục. Tình yêu chỉ là lớp vỏ bọc đường trên viên thuốc đắng để giúp bạn dễ nuốt. Đừng ngậm lâu trong miệng, bằng không bạn sẽ không thể nuốt nổi; lớp vỏ bọc đường ấy sẽ nhanh tan và bạn sẽ nhổ viên thuốc đắng ra.
Vì thế mà những cặp tình nhân đều vô cùng nôn nóng làm chuyện yêu đương. Vì sao phải vội? Vì sao không thể đợi? Lớp đường rất mỏng và họ sợ rằng nếu chần chừ thì lớp đường có thể tan ra và tất cả chỉ còn là vị đắng, đắng ngắt.
Bản năng không biến chúng ta thành con người, đơn giản là nó giữ ta trong tình trạng loài thú, đi bằng hai chân nhưng vẫn là loài thú.
Trí tuệ, nấc thang thứ hai, cho bạn thứ cao hơn chức năng sinh học, hóa học, hay bản chất của loài vật. Trí tuệ cũng phát sinh từ bên trong, tương tự trực giác, tương tự bản năng. Không có cách nào mở rộng khả năng trí tuệ; tất cả những gì có thể làm là biến toàn bộ tiềm năng có sẵn thành hiện thực mà thoạt nhìn cứ như thể khả năng trí tuệ phát triển. Thực tế là một người thông minh nhất cũng chỉ sử dụng 15% tiềm năng của bản thân; còn người bình thường, thông thường chỉ sử dụng từ 6% đến 7%. 85% trí thông minh vẫn còn chưa sử dụng kể cả trong trường hợp của Albert Einstein hay Bertrand Russell. 85% đó có thể được dùng đến, và nó sẽ là sự phát triển ghê gớm. Bạn sẽ nghĩ rằng mình đạt được sự phát triển trí tuệ vượt bậc, song đơn giản là bạn chỉ lấy lại, khai phá lại những gì vốn sẵn có trong bản thân.
Chúng ta đã tìm được những phương cách truyền dạy trí tuệ và tăng cường trí nhớ. Tất cả các trường phổ thông, cao đẳng, đại học - toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới đều làm một việc duy nhất: mài giũa trí tuệ. Tuy nhiên, phát sinh một vấn đề mà các nhà giáo dục chưa lường trước. Khi trí tuệ sắc sảo thêm một chút, nó lại bắt đầu gây trở ngại cho bản năng. Một cuộc cạnh tranh, một cuộc chiến giành quyền lực bắt đầu.
Trí tuệ ra sức chiếm ưu thế, và bởi vì nó có logic về phía mình - lí trí, lí lẽ, cả ngàn lẻ một minh chứng - thế nên, trong phạm vi tâm trí có ý thức của con người, nó có thể xoay xở để thuyết phục rằng bản năng là quỷ dữ. Đó là lí do vì sao mọi tôn giáo đều lên án bản năng.
Chúng chỉ là những trò chơi trí tuệ - bản năng là một phần của tâm trí vô ý thức còn trí tuệ là một phần của tâm trí có ý thức, song vấn đề ở chỗ tâm trí có ý thức chỉ bằng một phần mười tâm trí vô ý thức. Nó giống như tảng băng trôi: chỉ một phần mười nổi trên mặt nước, còn chín phần kia thì chìm bên dưới. Tâm trí có ý thức chỉ chiếm một phần mười, nhưng nó phô bày ra nên ta biết về nó. Ta không biết gì về phần tâm trí vô ý thức.
Phần tâm trí có ý thức được truyền dạy trong các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, trong các nhà thờ, giáo đường - khắp mọi nơi. Và người ta nhồi nhét vào phần tâm trí đó những tư tưởng chống lại bản năng. Đây là một hiện tượng tồi tệ; người ta biến bạn thành kẻ chống lại tự nhiên, chống lại bản thân bạn.
Tuy nhiên, phần tâm trí vô ý thức thì luôn im lặng; chìm sâu trong bóng tối. Nó không hề e ngại về phần tâm trí có ý thức chút nào. Bất cứ điều gì ta quyết định đối với phần tâm trí có ý thức đều có thể bị phần tâm trí vô ý thức quẳng đi bất cứ lúc nào, bởi lẽ nó mạnh hơn đến chín lần. Nó chẳng lo lắng gì về logic của ta, lí trí của ta, bất cứ điều gì.
Không phải vô cớ mà một người, thậm chí như Đức Phật Cồ Đàm, cũng chống lại việc kết nạp phụ nữ vào cộng đồng tu tập của mình. Ngài muốn nó là một cộng đồng toàn nam giới, không có bóng dáng phụ nữ. Tôi phản đối thái độ đó, song tôi hiểu duyên cớ vì sao. Phải suy nghĩ về lí do của ngài. Ngài nhận thức được rằng một khi phụ nữ xuất hiện ở đó, thế thì phải làm gì với phần tâm trí vô ý thức của nam giới? Đó là vấn đề tâm lí chứ không còn là vấn đề tôn giáo.
Sigmund Freud, Jung hay Adler chỉ là những kẻ tí hon trước Phật Cồ Đàm. Thoạt nhìn thì có vẻ bất nhân khi cấm đoán phụ nữ, nhưng nếu nhìn thấu sự sáng suốt của ngài thì ta sẽ lấy làm ngạc nhiên; ngài có cơ sở vững chắc. Cơ sở ấy không phải từ người phụ nữ; thật sự ngài không nói phải cấm phụ nữ. Ngài nói rằng: “Ta biết các ông không chế ngự nổi tiềm thức của bản thân”. Thực tế, đó không phải là sự lên án phụ nữ, mà là sự răn dạy các môn đệ. Ngài nói rằng bằng việc để cho phụ nữ vào cộng đồng, sẽ phát sinh tình huống tiềm thức sẽ chế ngự bản thân.
Ngài đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn điều đó xảy ra. Ngài bảo tăng chúng rằng khi đi họ chỉ được nhìn khoảng bốn bước chân trước mặt để gương mặt phụ nữ trên đường hay bất cứ nơi đâu cũng không lọt vào tầm mắt họ; có chăng thì chỉ là chân của phụ nữ mà thôi. Ngài bảo tăng chúng: “Đừng chạm vào phụ nữ, đừng nói chuyện với phụ nữ”. Có một môn đệ khăng khăng chống chế. Anh ta nói: “Trong một số tình huống, chẳng hạn người phụ nữ gục ngã trên đường, đau ốm hoặc sắp chết - người vẫn muốn chúng con không nói với người ấy, không hỏi han xem người ấy muốn đi đâu hay sao? Người vẫn muốn chúng con không được chạm vào và không đưa người ấy về nhà hay sao?”.
Đức Phật trả lời: “Trong những tình huống hãn hữu như thế thì được, các ông có thể đụng chạm và nói chuyện với cô ta - song phải luôn nhận thức rằng đó là một phụ nữ”.
Điều ngài nhấn mạnh “phải luôn nhận thức” không chống lại người phụ nữ, mà chống lại tiềm thức của ta. Nếu bạn thật sự nhận thức, thế thì tiềm thức không thể len lỏi và chế ngự phần tâm trí có ý thức.
Tất cả mọi tôn giáo đều chống lại phụ nữ - không phải là họ ghét bỏ phụ nữ, không hề; đơn giản là họ muốn bảo vệ thầy tu, giáo sĩ và giáo trưởng của họ. Tất nhiên là tôi không tán thành phương pháp luận của họ, bởi lẽ đấy không phải là phương cách bảo vệ; thực tế chính nó lại khiến người ta dễ bị kích thích hơn. Một thầy tu chưa từng động chạm phụ nữ, chưa từng nói chuyện với phụ nữ, chưa hề có ý niệm gì về phụ nữ, chắc chắn bản năng của người đó sẽ bị kiềm chế nhiều hơn một người đã từng sống với phụ nữ, từng nói chuyện với phụ nữ, từng cư xử với phụ nữ dễ dàng hơn nhiều so với bất cứ ai.
Các nam nữ tu sĩ là những người có sức mạnh bản năng nhiều hơn người thường. Nếu ta tách rời hoàn toàn bản năng khỏi sự thỏa mãn thì nó có thể trở nên dữ dội - gần như thuốc gây nghiện - nó có thể làm ngây ngất, nó có thể tạo ảo giác. Vào thời Trung cổ, nhiều tu sĩ đã phải thú nhận trước tòa án đặc biệt do giáo hoàng triệu tập. Đó là một phiên tòa rất lớn mà tất cả những nam nữ tu sĩ thành thật nhất được triệu tập để xưng tội: “Các người có giao du với yêu ma và quỷ dữ hay không?”. Hàng ngàn người trong số họ đã thú nhận: “Có, yêu ma đến trong đêm tối, quỷ dữ đến trong đêm tối”.
Tất nhiên là những bức tường và then khóa của tu viện không thể ngăn chặn được ma quỷ; chúng là ma quỷ cơ mà! Nam nữ tu sĩ mô tả chính xác bộ dạng ma quỷ trông ra làm sao, họ bị cám dỗ tình dục như thế nào và đã không thể cưỡng lại được. Những nam nữ tu sĩ ấy đã bị thiêu sống để làm gương cho người khác.
Song chẳng ai mảy may băn khoăn một điều: chẳng có yêu ma nào tới, cho dù cửa có mở toang. Chẳng có quỷ dữ nào tới cả. Vì sao những loài ma quỷ ấy chỉ tới với những tín đồ Công giáo? - thật lạ lùng! Những con người tội nghiệp ấy đã làm gì sai chăng?
Lí do rất đơn giản. Họ kìm nén bản năng tình dục nhiều đến mức nó trở thành một thứ nóng bỏng sôi sục trong tiềm thức của họ. Và khi họ đi ngủ, những giấc mơ của họ trở nên sống động và đầy màu sắc như thật - nó phụ thuộc vào mức độ kìm nén ra sao. Cứ nhịn ăn đôi ba ngày thử xem rồi bạn sẽ thấy: hằng đêm bạn sẽ mơ thấy những bữa tiệc thịnh soạn. Và việc nhịn ăn càng lâu, cơ thể càng đói khát, thì bữa tiệc trong mơ sẽ càng ngon lành, càng thơm phức, càng đầy màu sắc như thật. Sau 21 ngày nhịn đói, bạn có thể mơ thấy thức ăn kể cả khi mở mắt, hoàn toàn tỉnh ngủ. Không cần phải ngủ nữa; bấy giờ tiềm thức bắt đầu thâm nhập vào phần ý thức thậm chí trong lúc đang thức. Nhiều nam nữ tu sĩ thú nhận rằng không chỉ ban đêm, ngay cả ban ngày ma quỷ cũng tới gặp họ và làm tình với họ. Mà họ chẳng thể làm gì khác, mọi thứ đều nằm ngoài khả năng của họ.
Những tôn giáo khác cũng làm những điều tương tự.
Nỗ lực của tôi là phản bác lại mọi tôn giáo, bởi lẽ tôi có thể thấy rõ điều họ làm. Ý định thì tốt nhưng hiểu biết của họ chưa đủ sâu. Tôi muốn phụ nữ và đàn ông chung sống với nhau, quen thuộc với thân thể của nhau, những khác biệt, những đối lập của nhau, ngõ hầu tiềm thức của con người không cần phải chất nặng những kìm nén bên trong.
Một khi tiềm thức của ta hoàn toàn được giải phóng khỏi những kìm nén thì bản năng sẽ có một phẩm chất khác biệt. Nó hòa nhập với sự thông tuệ. Khi tiềm thức của ta không còn bị kìm nén, khi không còn Bức Tường Berlin giữa phần ý thức và tiềm thức - bức tường có thể được hủy bỏ bởi lẽ không còn kìm nén, thế nên không cần che giấu tiềm thức - thế rồi ta có thể bước vào hay thoát ra tiềm thức của mình dễ dàng như bước từ phòng này sang phòng khác trong nhà.
Đấy là nhà của ta - Gurdjieff vẫn thường dùng hình ảnh ngôi nhà để ẩn dụ, con người là một ngôi nhà ba tầng. Tầng thứ nhất là tiềm thức, tầng thứ nhì là ý thức, tầng thứ ba là siêu thức. Một khi sự thông tuệ và bản năng không còn xung đột, lần đâu tiên ta thật sự trở thành con người; ta không còn là một phần của thế giới loài vật. Và theo tôi, đây là những gì tuyệt đối cần thiết cho bất cứ ai muốn hiểu biết chân lí, cuộc sống, hiện hữu, cho người muốn biết mình là ai.
Trong 9 phần bị kìm nén của tâm trí, làm thế nào ta hiểu được bản thân mình? Ta quá sức đè nén bản thân mình dưới tầng hầm, nơi ta không thể thoát ra. Mọi tín đồ các tôn giáo đều từng sống trong sợ hãi, run rẩy. Họ sợ điều gì? Nỗi sợ hãi của họ chính là tiềm thức và bản năng bị kìm nén, đang gõ vào cánh cửa ý thức: “Hãy mở cửa, chúng tôi muốn vào! Chúng tôi muốn nhận thức, chúng tôi muốn được thỏa nguyện”. Càng đói khát thì chúng càng nguy hiểm. Ta bị bầy sói đói bao vây - mỗi bản năng trở thành một con sói đói. Và đấy là sự tra tấn mà những người được gọi là các tín đồ tôn giáo từng trải qua, bị bầy sói dữ bao vây.
Tôi muốn bạn trở nên thân thiện với tiềm thức của bạn. Hãy để bản năng sinh học được thỏa mãn tràn trề. Hãy cố hiểu rõ điểm này: nếu bản năng sinh học được thỏa mãn hoàn toàn thì sẽ không có tranh đấu giữa ý thức và tiềm thức nữa. Ta trở thành một toàn thể, trong phạm vi liên quan đến tâm trí; tâm trí ta là một toàn thể. Nó sẽ giải phóng sự thông tuệ bao la bên trong ta, bởi lẽ hầu hết sự thông tuệ của ta đều bị kìm nén. Ta đang ngồi trên miệng núi lửa, cố ngăn không cho núi lửa phun trào. Núi lửa sẽ phun trào - sức lực của ta quá nhỏ bé, không giữ mãi nổi; trái lại, khi nó phun trào, ta sẽ bị ném ra thành nhiều mảnh vụn mà không thể nào ghép lại với nhau được nữa.
Có nhiều người điên trên khắp thế giới, trong những trại tâm thần, trong các nhà thương điên - họ là gì? Họ là ai? Có gì không ổn với họ? Họ bị rơi thành nhiều mảnh nhỏ và không thể ghép chúng lại với nhau được. Không thể ghép chúng lại với nhau được trừ phi thu xếp sao cho tất cả những bản năng bị kìm nén của họ được đáp ứng. Song ai là người dám nói điều này? Tôi đã trở thành người khét tiếng nhất trên thế gian này, bởi lẽ tôi đã lải nhải điều này suốt 35 năm trời.
Chỉ đến một ngày nọ tôi đọc được câu chuyện đăng trên tạp chí Stern của Đức, dài 15 trang giấy về cộng đồng tu tập của tôi, và đó mới chỉ là phần đầu của loạt bài. Nó gồm 5 phần trong 5 số báo liên tiếp. Nó được giật tít là “Cộng đồng Sex”. Tôi thật sự thích thú về nó. Mà điều lạ lùng nhất là nếu bạn nhìn ra ngoài 15 trang giấy, bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên. Ai đang sống trong cộng đồng sex? Những nhân viên của tờ Stern, những biên tập viên, thành viên ban điều hành của họ, hay chúng tôi?
Trong tạp chí đầy hình ảnh phụ nữ khỏa thân - mà không đơn thuần là họ cởi bỏ quần áo, bởi vì một phụ nữ hoàn toàn khỏa thân thì không hấp dẫn đến mức đó. Bạn phải làm cho tình trạng khỏa thân của họ hấp dẫn hơn bằng cách khoác cho họ những trang phục gợi cảm, theo lối nửa kín nửa hở. Thế là bạn lại có thể chơi trò trốn tìm. Bạn có thể bắt đầu mơ tưởng người phụ nữ trông ra sao sau lớp trang phục ấy. Cô ta có thể không đẹp đến thế sau lớp trang phục - thực tế mọi cơ thể phụ nữ đều giống nhau và cơ thể đàn ông cũng đều giống nhau, một khi tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà tranh. Bóng tối là một bộ điều chỉnh, trong bóng tối có khi người đàn ông còn thích thú với vợ mình hơn.
Toàn bộ tạp chí tràn ngập sex, nhưng cộng đồng của chúng tôi mới là “cộng đồng sex”. Ngay cả tạp chí Playboy cũng bôi bác tôi - tôi tự hỏi cái thế giới chúng ta đang sống thật lạ lùng quá đỗi! Song tôi biết vì sao Stern hoặc Playboy hoặc những tạp chí tương tự, những tạp chí cấp ba chuyên khai thác vấn đề tình dục của con người... chúng được bán hàng triệu bản. Stern bán được hai triệu bản, mỗi bản ước tính ít nhất được 8 người đọc; nghĩa là có đến 16 triệu độc giả.
Tại sao họ chống lại tôi? Và họ phản đối tôi hầu như trong sáu bảy năm. Lí do là vì nếu tôi thành công thì những tạp chí ấy sẽ phải đóng cửa. Chúng sống được nhờ vào sự kìm nén bản năng. Logic thật đơn giản, vì sao họ chống lại tôi. Những tu sĩ, những người phản đối tình dục, chống lại tôi, và những người khai thác vấn đề tình dục như Playboy, Stern và hàng ngàn tạp chí khắp thế giới - cũng chống lại tôi. Thật lạ lùng, bởi vì họ không chống lại giới tu sĩ, không một bài báo nào chống lại giới tu sĩ. Lẽ ra Playboy phải chống lại giới tu sĩ, những người liên tục lên án sex. Nhưng không...
Có logic trong sự việc đó: giới tu sĩ càng lên án tình dục bao nhiêu thì họ càng kìm nén tình dục bấy nhiêu, và Playboy càng bán được nhiều bấy nhiêu. Chỉ trong cộng đồng tu tập của tôi chẳng ai quan tâm đến Playboy hay Stern - ai mà quan tâm chứ? Nếu tôi thành công, thế thì đơn giản là tất cả những tạp chí, văn chương, phim ảnh khiêu dâm ấy buộc phải biến mất. Có những nhà đầu tư khổng lồ đằng sau chúng, thế nên họ phải công kích tôi - họ công kích và lên án tôi dưới danh nghĩa tình dục, cứ như thể tôi là kẻ truyền bá tình dục vậy.
Nếu như có ai đó truyền bá hoạt động tình dục, thì đó phải là thượng đế. Tôi chẳng có vai trò gì. Thượng đế cho đứa bé chào đời với những hoóc-môn sinh dục. Người phải dừng việc đó - người phải nghe lời giới tu sĩ! Song những tạp chí ấy cũng không chống lại thượng đế, bởi lẽ ngài cũng ban cho cả một thị trường lớn. Giới tu sĩ và giới kinh doanh khiêu dâm đều ấp ủ một mưu đồ sâu xa - tất cả cùng chống lại tôi bởi vì đơn giản là tôi đang cố làm hỏng trò chơi của họ.
Cả hai loại người này đều khai thác sự kìm nén bản năng; vì vậy, mọi cách chống lại tôi đều có tính logic - tất cả bọn họ đều công kích tôi. Chí ít thì tờ Stern không nên công kích tôi nếu như tôi là người đã lập ra cộng đồng sex thì mới phải; họ phải hài lòng vị họ được hưởng lợi. Nhưng không, họ vô cùng giận dữ. Thậm chí họ còn không thể nhận thức được vì sao họ giận dữ với tôi; có lẽ họ hành xử như thế hoàn toàn vô ý thức, song sự vô ý thức cũng có những lí do của nó.
Thứ gì bị cấm đoán cũng đều trở nên có giá trị. Càng bị cấm thì giá trị càng tăng. Đừng ngăn cấm nữa và nó sẽ mất hết giá trị.
Cứ bộc lộ nó, nó sẽ bốc hơi.
Tôi có thể nói với toàn thế giới rằng cộng đồng của tôi là một nơi mà ở đó sex chẳng có chút ý nghĩa gì. Chẳng ai phải bận tâm về nó; chẳng ai phải khao khát về nó và chẳng ai phải mơ màng viển vông về nó. Thực ra, người ta vẫn viết thư hỏi tôi: “Thưa Osho, phải làm gì đây? Đời sống tình dục của tôi đã tắt lịm rồi.”
Tôi nói: “Phải làm gì ư? Cứ để nó biến mất. Anh chả cần phải làm gì hết. Đấy là toàn bộ mục đích: nó nên biến mất! Đừng cố làm nó biến mất, nhưng khi nó biến mất thì làm ơn đừng cố giữ nó lại. Chào tạm biệt nó. Thật tuyệt vời là nó biến mất”. Song vấn đề là ở chỗ người ta nghĩ rằng khi tình dục biến mất, có lẽ là mất hết, chẳng còn gì bởi vì tình dục là tất cả niềm vui, sự sôi nổi và khoái lạc của họ.
Không hề, thật sự còn rất nhiều thứ khác đang chờ đón ta. Cứ để cho tình dục biến mất để nguồn năng lượng của ta sẵn sàng cho loại niềm vui cao hơn, loại khoái lạc cao hơn.
Khi tiềm thức và ý thức của ta gặp nhau, bởi lẽ không còn gì bị kìm nén trong tiềm thức - đó là thời điểm chúng gặp gỡ và hòa nhập - vào đúng khoảnh khắc ấy, một cơ hội tuyệt vời hơn mở ra cho ta. Bởi lẽ ta không còn mắc míu vào tầng thấp nữa, toàn bộ năng lượng của bạn đã sẵn sàng cho tầng cao hơn.
Bạn đang ở lưng chừng, phần tâm trí có ý thức. Song bởi vì tiềm thức còn đó, bạn hãy còn mắc mớ với việc kìm nén nó, bạn vẫn tiếp tục kìm nén nó - vấn đề không phải là bạn chỉ kìm nén nó một lần và thế là xong chuyện. Bạn phải kìm nén nó thường xuyên, bởi lẽ nó sẽ trỗi dậy hết lần này tới lần khác.
Điều này giống như bật quả bóng. Bạn ném nó đi rồi nó bật trở lại. Càng ném mạnh bao nhiêu thì nó càng bật lại mạnh bấy nhiêu. Tình huống cũng tương tự với bản năng. Bạn kìm nén nó, càng dồn nhiều năng lượng vào việc kìm nén nó bao nhiêu thì nó bật lại càng mạnh bấy nhiêu. Nó lấy năng lượng từ đâu? Năng lượng của bạn mà thôi. Nhưng khi bạn hoàn toàn được giải phóng khỏi tiềm thức và những gì dính líu tới nó, nó trong trẻo và thanh lặng; thế thì toàn bộ năng lượng của bạn sẵn sàng.
Năng lượng có một nguyên lí cơ bản: nó không thể ở trạng thái tĩnh, nó phải dịch chuyển. Chuyển dịch là bản chất của nó. Nó không phải là một vật mà hễ đặt đâu thì ở nguyên chỗ đó. Không hề, nó phải dịch chuyển - đó là cuộc sống.Thế nên khi không có lí do gì để dịch chuyển xuống dưới, thì nó chỉ còn mỗi nước chuyển lên trên. Có nơi nào để mà đi nữa. Nó bắt đầu tấn công siêu thức, và chính cú chạm với siêu thức ấy mới thật dễ chịu và niềm vui ấy khiến toàn bộ khoái lạc tình dục trở nê mờ nhạt. Bạn không thể tưởng tượng được nó, bởi vì nó không phải là sự khác biệt có thể lượng hóa để tôi có thể nói với bạn rằng “nó gấp cả vạn lần”. Sự khác biệt về chất, thế nên không có cách nào hình dung ra được. Làm sao mà so sánh được với khoái cảm tình dục? Song đó mới là thứ duy nhất trong đời mà qua đó những gì cao hơn có thể được nhận biết.
Khi năng lượng của bạn chạm vào thế giới bên trên, thứ mà đến nay bạn còn chưa nhận thức được, thì niềm vui sẽ không ngớt tuôn trào. Khoái cảm tình dục chỉ ngắn ngủi thoáng qua đến mức vừa mới định thần thì nó vụt qua mất rồi. Bạn chỉ lưu nó trong trí nhớ; bạn không thật sự nhận biết vào lúc nó tới. Tính chóng vánh ấy lại khiến bạn càng say mê nó nhiều hơn, bởi vì bạn nhớ lại rằng đã có điều gì đó, điều gì đó thật tuyệt với vừa mới diễn ra, thế nên “Hãy thưởng thức một lần nữa, hãy thưởng thức một lần nữa”. Nhưng vô phương...
Trước khi nó tới - bạn biết nó đang tới vì chuông bắt đầu reo trong đầu bạn. Thật sự là chuông bắt đầu reo lên trong đầu bạn: “Nó đang tới kìa!” Bạn biết rằng nó đang tới... cũng có nghĩa là bạn biết nó đang qua. Chuông tắt lịm, nó không còn reo nữa, còn bạn trông tựa một gã ngốc! Giữa tiếng chuông reo và chuông ngưng bạn trông tựa một gã ngốc. Có lẽ người đàn ông cảm thấy xấu hổ; đó là lí do vì sao sau khi làm tình anh ta lăn ra ngủ. Người phụ nữ thì không ngượng ngùng đến mức đó vì một lí do đơn giản là cô ta không phải là đối tác chủ động; người đàn ông trông tựa gã ngốc vì anh ta là đối tác chủ động.
Cứ để nguồn năng lượng chạm tới ngưỡng cao của tâm thức - siêu thức, cứ để chạm rồi niềm vui sẽ ngập tràn không ngơi. Năng lượng sẽ chầm chậm va chạm và tìm đường tới trung tâm siêu thức. Bạn chẳng phải làm gì: việc của bạn đã xong khi bạn thôi kìm nén bản năng và bạn đã thanh lọc tiềm thức. Thế rồi bạn chẳng cần làm gì; tất cả đã được thực hiện, do năng lượng của bạn thực hiện. Rồi khi bạn tới trung tâm, một năng lực mới bắt đầu vận hành trong bạn, đó là trực giác.
Trung tâm của tiềm thức là bản năng.
Trung tâm của ý thức là trí tuệ.
Trung tâm của siêu thức là trực giác.
Trực giác khiến bạn làm những việc, buộc bạn làm những việc thậm chí trái với mong muốn của bạn. Trí tuệ giúp bạn tìm phương cách nếu bạn muốn làm một việc nào đó, hoặc tìm phương cách nếu bạn không muốn làm việc nào đó. Chức năng của trí tuệ là tìm ra cách.
Nếu bạn muốn đi theo bản năng, trí tuệ sẽ tìm cách. Nếu bạn được gọi là một tín đồ, một tín đồ giả hiệu, và bạn muốn chống lại bản năng của mình, trí tuệ sẽ tìm ra cách. Những cách ấy có thể lạ lùng, song trí tuệ sẵn sàng phục vụ: nó sẽ thực hiện bất cứ điều gì bạn muốn. Nó không ủng hộ hay chống lại bất cứ điều gì, đơn giản là tùy ý bạn sử dụng.
Một người lành mạnh sẽ sử dụng trí tuệ để đạt được sự thỏa nguyện của tiềm thức. Sự thỏa nguyện cần được đáp ứng càng sớm càng tốt để bạn được giải phóng khỏi nó. Sự thỏa nguyện có nghĩa là được tự do khỏi nó.
Nếu bạn thuộc loại người lập dị - tín đồ Cơ Đốc, Tin Lành hoặc bất kì, có vô vàn loại người lập dị trên cõi đời này. Bạn có thể chọn bất cứ kiểu lập dị nào bạn muốn, Ấn giáo, Hồi giáo, Jaina giáo, Phật giáo - đủ các thể loại. Bạn không thể nói: “Thứ tôi muốn thì không có” - bạn không thể nói thế; suốt hàng ngàn năm, con người đã thiết lập ra hầu như tất cả các thể loại hình thái lập dị. Bạn có thể chọn, bạn có thể có sự lựa chọn; song bất cứ thứ gì bạn chọn đều cùng một giuộc.
Chưa một ai từng nói làm thế nào sử dụng trí tuệ để đáp ứng được tiềm thức, bản chất tự nhiên, sinh học, hóa học của người ta. Chúng thuộc về ta - có vấn đề gì khi đó là hóa học hay sinh học hay sinh lí học cơ chứ? Chúng là một phần của ta, và tạo hóa không đời nào ban cho thứ gì mà không có lí do. Đáp ứng nó, rồi sự thỏa mãn sẽ mở ra đường dẫn tới tiềm năng cao hơn.
Tất cả những tín đồ tôn giáo đều bị trói buộc vào phần thấp nhất của bản thể họ - đó là lí do vì sao trông họ lại âu sầu và mặc cảm tội lỗi vậy. Họ không thể hân hoan. Chúa Jesus hằng nói với những tín đồ: “Hãy hân hoan!”, mặt khác ngài lại nói với họ: “Luôn nhớ về địa ngục”. Ngài tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho tín đồ! Chỉ cho họ con đường tới địa ngục - đường tới địa ngục thì đáp ứng bản chất của họ còn đường lên thiên đàng thì chống lại bản chất của họ.
Song việc chống lại bản chất tự nhiên sẽ tạo ra địa ngục giữa trần gian.
Tôi muốn xây dựng thiên đàng ở-đây-và-bây-giờ. Sao lại phải trì hoãn điều tốt đẹp như thế?
Ta có thể trì hoãn những thứ không đáng bận tâm - nhưng còn thiên đàng? Tôi không sẵn lòng hoãn nó đến ngày mai hoặc thậm chí một giây sau. Ta có thể có nó ở-đây-và-bây-giờ; tất cả những gì ta cần là thanh lọc tiềm thức. Phần tiềm thức được đáp ứng, được thỏa mãn về mặt sinh học, về mặt hóa học cho ta toàn bộ năng lượng được dồn vào những bề mặt phẳng. Năng lượng tự bốc lên, và nó chỉ dừng lại ở trung tâm cốt lõi của tâm trí siêu thức. Nơi ấy trực giác bắt đầu vận hành.
Rốt cuộc trực giác là gì? Trong một số trường hợp trực giác giống với bản năng, trong một số trường hợp khác trực giác hoàn toàn đối nghịch với bản năng. Thế nên bạn phải thấu hiểu, bởi lẽ nó là thứ tinh tế nhất trong bạn.
Trực giác giống bản năng bởi lẽ bạn không thể làm gì với nó. Nó là một phần của tâm thức, cũng như bản năng là một phần của thể xác. Bạn không thể làm gì với bản năng và bạn cũng không thể làm gì với trực giác. Song chỉ cần bạn cho phép bản năng được thỏa mãn, là bạn có thể cho phép trực giác được thỏa mãn và cho nó tự do hoàn toàn. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên về sức mạnh mà bạn mang sẵn trong người.
Trực giác có thể cho bạn câu trả lời cho những câu hỏi tối thượng - không phải bằng lời mà bằng trải nghiệm.
Bạn không cần hỏi: “Chân lí là gì?” - bản năng sẽ không nghe, nó bị điếc. Trí tuệ sẽ nghe, song nó chỉ có thể triết lí hóa mà thôi; nó bị mù, nó không thể thấy. Trực giác là tri kiến, nó có mắt. Nó thấy được chân lí, không có chuyện nghĩ về chân lí.
Cả bản năng lẫn trực giác đều không phụ thuộc vào bạn. Bản năng thuộc về quyền lực của tự nhiên, tự nhiên vô thức, còn trực giác thì trong tay của vũ trụ siêu thức. Ý thức bao quanh toàn thể vũ trụ, là đại dương ý thức mà chúng ta chỉ là những hòn đảo nhỏ - hoặc hay hơn, là những tảng băng trôi, bởi lẽ chúng ta có thể tan vào nó và nhập thành một với nó.
Trong một số trường hợp thì trực giác đúng là đối lập với bản năng. Bản năng luôn dẫn dắt bạn đến hướng khác; việc thỏa mãn nó luôn phụ thuộc vào điều gì đó khác với bạn. Trực giác chỉ dẫn bạn đến chính bản thân bạn. Nó không phụ thuộc, không cần thiết cho điều khác; vì vậy nó đẹp, tự do và độc lập. Trực giác là trạng thái cao mà chẳng cần gì hết. Tự thân nó quá tràn đầy đến mức không có khoảng trống cho bất cứ gì khác.
Trong một số trường hợp trực giác lại giống trí tuệ bởi lẽ nó thông tuệ. Trí tuệ và thông tuệ ít nhất cũng tương đồng ở vẻ ngoài, nhưng chỉ ở vẻ ngoài mà thôi. Con người trí tuệ thì không nhất thiết thông tuệ, còn người thông tuệ cũng không nhất thiết phải trí tuệ. Bạn có thể thấy một nông dân thông tuệ đến mức một giáo sư tài ba, một trí tuệ lớn, trông chẳng khác gì một kẻ lùn trước anh ta.
Chuyện xảy ra tại nước Nga Sô-viết sau Cách mạng, họ thay đổi thành phố Petrograd để xây dựng một thành phố mới mang tên Lenin - Leningrad. Trước một pháo đài cổ to lớn và đẹp có một tảng đá lớn mà các Sa hoàng chưa hề nghĩ đến việc dời nó đi - không cần thiết. Bấy giờ xe hơi đã xuất hiện và tảng đá ấy choán hết đường, cần phải di dời.
Nhưng tảng đá quá đẹp đến mức họ muốn dời nó mà giữ nó như một vật kỉ niệm, thế nên họ không muốn phá hủy hay nổ tung nó. Song tất cả những kĩ sư tài ba - tất cả những gì họ nghĩ là đánh thuốc nổ hay cắt tảng đá thành từng mảnh nhỏ rồi sau đó ghép lại với nhau. Nhưng Lenin nói: “Không làm thế - sẽ không như vậy. Tảng đá quá đẹp, đó là lí do vì sao các Sa hoàng muốn để nó trước cung điện của họ”.
Đúng lúc đó một người đến nơi, một người nghèo khổ cưỡi lừa. Ông ta đứng nghe toàn bộ tranh luận; thế rồi ông ta cười lớn và bỏ đi. Lenin nói: “Gượm đã, vì sao ông cười?”
Người ấy nói: “Thật quá đỗi đơn giản. Chẳng cần phải làm gì nhiều: tất cả những gì cần làm là đào xung quanh tảng đá. Đừng động vào tảng đá; chỉ cần đào xung quanh nó và nó sẽ lún sâu xuống hố. Các ông sẽ không bị phiền hà gì nữa - tảng đá vẫn ở chỗ cũ - nhưng nó không cản đường ai hết. Chẳng cần nổ mìn hay phá hủy nó.”
Lenin nói với những kĩ sư: “Các đồng chí là những kĩ sư và kiến trúc sư tài giỏi, song những gì ông bạn này nói còn trí tuệ hơn nhiều”. Rồi mọi việc được tiến hành như thế. Tảng đá được bảo toàn, con đường được giữ nguyên, song ý tưởng lại phát xuất từ một người nghèo khổ vô danh.
Tôi từng chứng kiến, gặp gỡ hàng ngàn người, mà hầu hết những người trí tuệ lại không thông tuệ bởi vì họ không nhất thiết phải thông tuệ. Trí tuệ của họ, tri thức của họ là quá đủ. Song một người không có tri thức, không có trí tuệ, không được dạy dỗ, phải tìm kiếm chút thông tuệ trong bản thân người đó; người đó không thể hướng ngoại. Và bởi lẽ người đó phải dựa dẫm vào trí khôn, thế nên trí khôn bắt đầu phát triển.
Thế nên trực giác có điểm tương đồng với trí tuệ, song nó không mang tính trí tuệ. Nó thông tuệ.
Chức năng của trí tuệ và thông tuệ thì hoàn toàn khác nhau. Trí tuệ vận hành theo các bước, lần lượt từng bước một. Nó có quy trình, phương pháp luận. Nếu bạn giải một bài toán, thế thì phải theo các bước.
Có một phụ nữ tại Ấn Độ, tên là Shakuntala, đã đi khắp thế giới, đặt chân đến hầu hết các trường đại học để trình diễn khả năng trực giác của bà. Bà không phải là nhà toán học, thậm chí còn không được học hành gì nhiều - chỉ tốt nghiệp phổ thông thôi. Kể cả khi Albert Einstein còn sống, bà đã từng biểu diễn trước ông. Và lối trình diễn của bà rất lạ. Bà ngồi cầm viên phấn trong tay trước tấm bảng; người ta hỏi bà bất kì vấn đề toán học hoặc số học nào, và chỉ vừa dứt câu hỏi là bà đã bắt đầu viết ra lời giải.
Albert Einstein cấp cho bà giấy chứng nhận - bà cho tôi xem giấy chứng nhận ấy khi tôi đến Madras, nơi bà sống. Bà cho tôi xem tất cả giấy chứng nhận, và một trong số đó Albert Einstein viết: “Tôi hỏi người phụ nữ này một vấn đề mà tôi phải mất ba giờ đồng hồ để giải bởi vì tôi phải theo toàn bộ phương pháp; tôi không thể nhảy cóc từ câu hỏi đến đáp án. Tôi biết là không ai có thể mất ít hơn ba giờ đồng hồ để giải được như tôi. Người khác có thể mất đến sáu giờ hoặc hơn nữa, song tôi có thể làm trong ba giờ bởi tôi đã từng làm trước đây. Tuy nhiên toàn bộ quy trình phải được tuân thủ. Nếu bạn bỏ qua chỉ một bước thôi...” Những con số quá nhiều, đầy hết cả bảng khi bà ấy viết lời giải. Và trước khi Einstein kịp dứt câu hỏi, bà ấy đã bắt đầu viết ra lời giải.
Ông ấy bối rối, vô cùng bối rối, bởi lẽ điều đó là không thể được. Ông hỏi: “Bà làm điều đó bằng cách nào?”
Bà ấy nói: “Tôi không biết mình làm bằng cách nào - đơn giản là nó xảy ra. Ông hỏi tôi và những con số bắt đầu hiện ra trước mắt tôi, ở đâu đó trong đầu tôi. Tôi có thể thấy 1, 2, 3 rồi tôi chỉ việc viết ra.”
Người phụ nữ đó bẩm sinh có trực giác hoạt động. Song tôi thật sự cảm thấy tiếc cho bà bởi lẽ bà đã trở thành vật triển lãm. Chẳng ai quan tâm tới việc một phụ nữ bẩm sinh có trực giác hoạt động có thể chứng ngộ hết sức dễ dàng. Bà ấy đứng ở lằn ranh; chỉ thêm một bước nữa thôi là bà đi đến tột cùng của ý thức. Nhưng bà ấy không nhận thức được, âu cũng là sự trớ trêu của tạo hóa.
Có một cậu bé khác, Shankaran, từng làm nghề kéo xe trong thành phố. Một giáo sư toán người Anh thường ngồi xe kéo của Shankaran để đến trường đại học. Một đôi lần, có chuyện là vị giáo sư đang suy nghĩ về vấn đề gì đó, rồi đơn giản là cậu bé nhìn ông và nói: “Đấy là lời giải”. Vị giáo sư không nói gì - đơn giản là ông đang suy nghĩ - còn cậu bé thì đang kéo xe, song cậu lại nói: “Đấy là lời giải”.
Vị giáo sư đến trường đại học, tính toán cả một quá trình, và kinh ngạc khi thấy đấy đúng là lời giải. Khi sự việc xảy ra vài ba lần, ông bèn hỏi cậu bé: “Cậu tính toán bằng cách nào?”
Cậu bé đáp: “Cháu chẳng làm gì cả. Cháu chỉ cảm thấy ông ngồi đằng sau cháu, lo lắng tính toán, rồi vài con số bắt đầu hiện ra. Cháu không được học nhiều, nhưng cháu có thể đọc được những con số. Rồi cháu thấy rất nhiều con số - hàng số, dãy số - trong đầu ông, đang ngồi đằng sau cháu; thế rồi đột nhiên một vài con số xuất hiện trong đầu cháu, thế nên cháu nói với ông đấy là lời giải. Cháu chẳng biết điều đó xảy ra như thế nào”.
Vị giáo sư đã gửi Shankaran đến Oxford, bởi lẽ cậu còn siêu phàm hơn bà Shakuntala. Bạn phải đặt câu hỏi thì bà ấy mới có thể viết ra lời giải, còn với Shankaran bạn chỉ cần hình dung câu hỏi trong đầu là cậu ta có thể viết ra lời giải. Trực giác của cậu hoạt động toàn vẹn hơn, cậu ta thấy được cả câu hỏi lẫn giải đáp - cậu có thể đọc được suy nghĩ của bạn. Mà thậm chí cậu ta còn ít học hơn, một người nghèo khổ tới mức phải làm nghề kéo xe. Cậu đã trở thành một hiện tượng trong lịch sử toán học, bởi lẽ nhiều vấn đề hãy còn chưa có giải đáp qua hàng thế kỉ, mà cậu đã giải được - mặc dù không thể nói được cách giải. Cậu đưa ra lời giải - song làm thế nào để kiểm chứng lời giải đó là đúng hay sai? Còn phải mất nhiều năm nữa. Khi toán học phát triển đến mức cao hơn, thì người ta mới có thể kiểm chứng được. Lúc đó Shankaran đã chết, song những lời giải của cậu hãy còn đúng đắn.
Trực giác hoạt động bằng cú nhảy vọt lượng tử.
Nó không theo một quy trình phương pháp luận nào cả, đơn giản là nó thấy sự vật.
Nó có đôi mắt để nhìn rõ mọi thứ.
Nó nhìn thấy những sự vật mà bạn chưa từng nghĩ đó là sự vật - như tình yêu chẳng hạn. Bạn chưa từng nghĩ nó là sự vật. Song con người trực giác có thể nhìn thấy tình yêu có trong bạn hay không, niềm tin có trong bạn hay không, nghi ngờ có trong bạn hay không. Người ấy có thể thấy chúng cứ như thể đấy là những sự vật.
Theo quan điểm của tôi, trực giác chiếm vị trí cao nhất. Đó là nơi mà tôi đang cố thúc đẩy bạn tới.
Tiềm thức ô trọc đang cản trở bạn. Hãy gột sách nó; mà cách để gột sạch nó là làm nó thỏa mãn, làm nó thỏa mãn tới mức nó phải thốt lên với bạn: “Làm ơn dừng lại! Quá thừa cho những gì tôi cần rồi”. Lúc đó hãy để nó yên. Với điều đó, trí tuệ của bạn được nạp đầy dòng năng lượng tươi mới để nó chuyển hóa thành sự thông tuệ. Thế thì năng lượng cứ dâng trào và mở toang cánh cửa của trực giác. Thế thì bạn có thể thấy được những thứ mà không thể thấy được bằng mắt thường, những thứ thậm chí không phải là đồ vật bình thường.
Tình yêu không phải là đồ vật, chân lí không phải là đồ vật, niềm tin không phải là đồ vật, song chúng là những thực thể - còn thật hơn cả những đồ vật của bạn. Nhưng chúng chỉ là những thực thể đối với trực giác, chúng mang tính trải nghiệm. Và một khi trực giác của bạn bắt đầu hoạt động thì bạn mới bắt đầu là “con người” thật sự.
Với tiềm thức bạn còn là con vật. Với ý thức bạn không còn là con vật nữa. Với siêu thức bạn mới là con người.
Tôi rất ưa trích dẫn lời của nhà huyền môn Baul, Chandidas, bởi lẽ người đó, chỉ bằng một câu đơn giản, đã tóm tắt toàn bộ những gì tôi đề cập: Sabar upar manus satya; tahar upar nahin. “Chân lí của con người là tối thượng, và chẳng có gì trên nữa cả”.
Ông Chandidas ấy ắt phải là một người có tín ngưỡng đích thực. Ông ta chối bỏ thượng đế, ông chối bỏ bất cứ điều gì vượt trên sự nở hoa của con người. Sabar upar - “trên tất cả, trên mọi thứ”. Manus satya - “chân lí của con người”. Tahar upar nahin - “và không có gì vượt ra khỏi những thứ tôi từng trải nghiệm”.

Một khi bạn đã vươn tới được tiềm năng con người của mình trong sự nở hoa trọn vẹn, bạn đã về tới nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét