Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (010)

1. NHỮNG GIÁC QUAN CỦA CƠ THỂ
Lớp vỏ đầu tiên được hình thành từ những giác quan lệch lạc của cơ thể. Đừng bao giờ tưởng rằng những giác quan của cơ thể bạn vốn dĩ hoạt động như thế - không phải vậy. Chúng đã được luyện tập. Bạn nhìn thấy sự vật nếu xã hội của bạn cho phép nhìn thấy chúng, bạn nghe thấy sự vật nếu xã hội của bạn cho phép nghe thấy chúng. Bạn chạm vào sự vật nếu xã hội của bạn cho phép chạm vào chúng.
Con người đã đánh mất nhiều giác quan, như khứu giác chẳng hạn. Hầu như con người đã mất khả năng ngửi. Hãy xem một con chó và khả năng đánh hơi của nó - mũi nó mới thính làm sao! Con người thật đáng thương. Chuyện gì xảy ra với mũi người? Tại sao người ta không thể ngửi thính như chó hay ngựa? Ngựa có thể đánh hơi được vài dặm. Chó có một trí nhớ đáng nể về mùi; người ta lại không có. Điều gì đó ngăn cản mũi người.
Những ai từng nghiên cứu sâu về những lớp này nói rằng do sự kìm nén tình dục mà khứu giác bị mất khả năng. Về mặt cơ thể, con người cũng nhạy cảm như những động vật khác - song do tâm lí mà mũi người đã bị lệch lạc. Mùi là một trong những cánh cửa gợi tình nhất của cơ thể. Qua mùi đặc trưng, động vật có thể cảm nhận được con đực có hứng thú với con cái hay không; mùi là một chỉ dẫn tinh tế. Khi con cái sẵn sàng để giao phối với con đực, nó tiết ra một mùi đặc biệt. Chỉ cần qua mùi đó con đực biết rằng nó được chấp nhận. Nếu con cái không tiết mùi, con đực sẽ bỏ đi; nó không được chấp nhận.
Con người đã hủy hoại khứu giác bởi lẽ sẽ rất khó để thiết lập một xã hội được gọi là có văn hóa nếu khứu giác của bạn vẫn duy trì như tự nhiên. Bạn đang đi ngoài đường và một phụ nữ bắt đầu tiết ra mùi để cho bạn biết tín hiệu chấp nhận. Cô ấy là vợ của ai đó; người chồng lại đang đi cùng cô - mà tín hiệu là bạn được chấp nhận. Bạn sẽ làm gì? Thật là bất tiện và lúng túng! Vợ bạn đang đi cùng bạn và chẳng có mùi gì toát ra từ cô ấy, rồi đột nhiên một gã đi ngang qua và cô ấy phát tín hiệu - những tín hiệu vô ý thức; ta không thể kiểm soát chúng được. Thế rồi bạn nhận ra là cô ấy quan tâm đến người đàn ông khác. Điều này sẽ gây rắc rối! Thế nên trải qua nhiều thế kỉ, con người đã hủy hoại năng lực ngửi hoàn toàn.
Không phải ngẫu nhiên mà tại những đất nước văn minh người ta lại tốn nhiều thời gian để tẩy hết các loại mùi trên cơ thể như vậy. Mùi cơ thể bị loại bỏ hoàn toàn bằng chất khử mùi, xà phòng khử mùi. Nhiều lớp nước hoa được phủ lên, nước hoa đậm mùi. Tất cả đều là sự che dấu; là cách lẩn tránh thực tại, thứ vẫn luôn tồn tại. Mùi rất gợi tình, đó là lí do vì sao chúng ta đã loại bỏ khứu giác, loại bỏ hoàn toàn khứu giác.
Thậm chí về mặt ngôn ngữ bạn cũng có thể thấy sự khác biệt. To see (thấy) là một sự việc; to hear (nghe) là một sự việc - nhưng to smell (ngửi) lại là một sự việc đối lập. To see là khả năng nhìn, nhưng to smell không có nghĩa là khả năng ngửi. Nó có nghĩa là “bốc mùi”. Thậm chí về mặt ngôn ngữ cũng có sự kìm nén.
Điều tương tự cũng xảy ra với những giác quan khác. Bạn không nhìn thẳng vào mắt người khác - hoặc là nếu có thì cũng chừng vài giây mà thôi. Bạn không thật sự nhìn người khác mà cứ né tránh. Nếu có nhìn thì được nghĩ là thái độ khiêu khích. Thử nhận thức xem: liệu bạn có thật sự nhìn người khác, hay là bạn lảng tránh mắt họ? - bởi lẽ nếu bạn không lảng tránh, thế thì bạn có thể bắt gặp một vài điều mà người ta không muốn thể hiện. Chẳng hay ho gì khi bắt gặp điều mà người khác không muốn thể hiện, thế nên tốt nhất là tránh.
Ta nghe lời nói, mà không nhìn nét mặt - bởi lẽ nhiều khi lời nói và nét mặt mâu thuẫn với nhau. Người ta nói một đằng mà lại thể hiện một nẻo. Dần dà chúng ta hoàn toàn mất đi khả năng nhìn vào nét mặt, ánh mắt, cử chỉ của người khác. Chúng ta chỉ nghe lời nói. Hãy quan sát điều này và bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên là sao người ta vẫn cứ nói một đằng và thể hiện một nẻo. Mà chẳng ai phát hiện, bởi lẽ bạn đã được dạy đừng nhìn thẳng vào mặt người khác. Hoặc thậm chí nếu nhìn thì cái nhìn không được có nhận thức, không được chăm chú. Cái nhìn phải trống rỗng; nhìn như chẳng phải là nhìn.
Chúng ta nghe âm thanh có chọn lọc. Ta không nghe đủ loại âm thanh. Ta chọn nghe những âm thanh có lợi. Đối với những xã hội khác nhau và những quốc gia khác nhau, sự việc cũng được đánh giá khác nhau. Một người sống trong thế giới nguyên thủy, trong rừng rậm, trong rừng hoang, có sự cảm thụ khác về âm thanh. Người ấy phải liên tục tỉnh táo và cảnh giác với thú rừng; sự nguy hiểm rình rập cuộc sống. Bạn không cần tỉnh táo; bạn sống trong thế giới văn minh nơi thú dữ không dám bén mảng và chẳng có gì đáng sợ. Sự sống còn của bạn không bị đe dọa. Thính giác của bạn không cần hoạt động hoàn hảo vì không cần thiết.
Bạn có thấy một con thỏ hay một con nai? Chúng thật chăm chú, thật nhạy cảm. Chỉ cần một tiếng động nhỏ - một chiếc lá khô xào xạc - con nai cảnh giác ngay. Còn bạn thì sẽ chẳng buồn để tâm chút nào. Âm điệu tuyệt vời của cuộc sống, âm điệu tinh tế của cuộc sống, song chúng ta tuyệt đội không nhận thức được. Nhịp điệu tuyệt vời - nhưng để cảm nhận được nó, bạn cần có đôi tai thính hơn, cặp mắt tinh hơn, xúc giác nhạy bén hơn.
Thế nên lớp vỏ đầu tiên là những giác quan bị lệch lạc của cơ thể. Chúng ta thấy những gì chúng ta muốn thấy. Toàn bộ cơ chế vận hành của cơ thể chúng ta bị phá hỏng. Cơ thể chúng ta bị khô cứng. Chúng ta sống trong trạng thái đóng băng; chúng ta lạnh lẽo, khép kín, không chan hòa. Do e ngại cuộc sống nên chúng ta đã giết chết mọi khả năng mà qua đó cuộc sống có thể tiếp xúc với ta.
Người ta không chạm vào nhau, không nắm tay nhau, không ôm nhau. Khi bạn nắm tay ai đó, bạn cảm thấy ngượng nghịu, người kia cũng lúng túng. Thậm chí khi ôm ai đó, bạn có cảm giác như có điều gì không đúng, và bạn vội vã buông ra ngay. Bởi lẽ thân thể của người khác có thể gợi mở bạn - hơi ấm của người khác có thể gợi mở bạn. Kể cả con cái cũng không được ôm cha mẹ chúng, một sự e ngại vô cùng. Và sâu bên trong, tất cả nỗi sợ hãi về cơ bản đều bắt nguồn từ sự e ngại về giới tính. Có điều cấm kị về giới tính. Người mẹ không thể ôm con trai mình vì đứa con có thể gợi dục - đó là sự e ngại. Người cha không thể ôm con gái mình vì sợ bị kích dục - hơi ấm có tác động theo cách riêng của nó. Chẳng có gì sai trong việc bị kích động hay bị kích dục; đơn giản nó là dấu hiệu cho thấy rằng người ta còn sống, rằng người ta còn sống đúng nghĩa. Song nỗi sợ và cấm kị giới tính lại bảo rằng: “Hãy tránh xa, hãy giữ khoảng cách”.
Toàn bộ giác quan của chúng ta bị lệch lạc. Chúng ta không được phép sống theo tự nhiên - vì thế con người đã đánh mất chân giá trị, sự hồn nhiên, vẻ duyên dáng, thanh lịch. Đấy là lớp thứ nhất.
Và do tất cả những kìm nén ấy mà cơ thể không được thỏa mãn. Không có niềm vui - điều này xảy ra với cả đàn ông lẫn phụ nữ, hầu như giống nhau, nhưng đàn ông bị lệch lạc nghiêm trọng hơn phụ nữ - bởi lẽ đàn ông cầu toàn hơn, cầu toàn tới mức loạn thần kinh. Một khi có ý tưởng, đàn ông sẽ theo đuổi nó đến tận cùng. Phụ nữ thực tế hơn, ít cầu toàn hơn, ít kích động hơn, trần thế hơn, cân bằng hơn, ít trí tuệ hơn, giàu trực giác hơn. Họ không đi tới tận cùng. Thật là tốt khi phụ nữ không kích động như đàn ông - đó là lí do vì sao họ vẫn giữ được chân giá trị, nét duyên dáng, vẻ tròn trịa, sự thi vị. Nhưng cả hai đều bị xã hội làm lệch lạc, đều trở nên khô cứng. Đàn ông bị nhiều hơn, phụ nữ bị ít hơn một chút, nhưng sự khác biệt cũng rất nhỏ.
Do lớp vỏ này, mọi thứ trước khi vào bạn đều phải qua bộ lọc đầu tiên. Bộ lọc này phá hủy, diễn giải, chế biến, tô vẽ màu sắc mới, phóng chiếu, bịa đặt - và thực tại được khoác cho lớp áo. Khi lớp vỏ này biến mất... Đó là toàn bộ nỗ lực của yoga: làm cho cơ thể sống động, nhạy cảm, trẻ lại, làm cho những giác quan hoạt động tối đa. Thế thì người ta thực hiện chức năng không bị gò bó trong những điều cấm kị; thế thì sự sáng suốt, duyên dáng, đẹp đẽ tuôn chảy. Hơi ấm lại trào dâng, sự cởi mở và trưởng thành diễn ra. Người ta luôn tươi mới, trẻ trung, sẵn sàng phiêu lưu mạo hiểm. Cơ thể được thỏa mãn. Niềm vui đến vây quanh.
Thông qua niềm vui sự lệch lạc đầu tiên biến mất. Vì vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh là hãy vui sướng, hãy mở hội, hãy tận hưởng cuộc sống, hãy chấp nhận bản thân - không chỉ chấp nhận mà còn biết ơn hiện hữu đã ban cho bạn một cơ thể đẹp như thế. Một cơ thể nhạy cảm như thế, với nhiều cửa ngõ để liên hệ với thực tại: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác - mở toang những cửa sổ ấy để đón ngọn gió lành, đón ánh dương quang của cuộc sống tràn vào. Hãy học cách trở nên nhạy cảm hơn. Chớp lấy mọi cơ hội để trở nên nhạy bén để bộ lọc đầu tiên bị rũ bỏ.
Nếu bạn ngồi trên cỏ thì đừng nhổ và hủy hoại cỏ. Tôi đã phải thôi ngồi trên bãi cỏ - trước đây tôi thường gặp gỡ nói chuyện với mọi người trên bãi cỏ - bởi vì người ta cứ thích hủy hoại cỏ, người ta cứ thích nhổ cỏ. Tôi đã phải ngưng chuyện đó. Con người thật hung bạo, hung bạo một cách vô ý thức, họ không biết mình đang làm gì. Cho dù được nhắc nhở lặp đi lặp lại, song chỉ sau vài phút họ lại quên. Họ cứ bồn chồn không yên và không biết mình đang làm gì. Đám cỏ thì tiện tay cho sự bồn chồn của họ, thế nên họ nhổ và hủy hoại cỏ.
Khi bạn ngồi trên cỏ, hãy nhắm mắt, hãy hòa mình với cỏ, trở thành cỏ dại. Hãy cảm nhận mình là cỏ, cảm nhận màu xanh của cỏ, cảm nhận sự ẩm ướt của cỏ. Cảm nhận mùi hương tinh tế của cỏ đang tỏa ra. Cảm nhận những giọt sương trên lá cỏ, cảm nhận chúng đang trên thân thể bạn. Cảm nhận những tia nắng đang nô đùa trên cỏ. Trong một khoảnh khắc hãy tan vào trong nó và bạn sẽ có một cảm giác cơ thể mới. Và hãy làm thế trong mọi tình huống: trong dòng sông, trong bể bơi, nằm phơi nắng trên bãi biển, ngắm trăng đêm, nằm nhắm mắt trên bãi cát và cảm nhận mình là hạt cát. Hàng triệu cơ hội sẵn đó để làm cho cơ thể bạn sống động trở lại. Mà chỉ có bạn mới làm được điều ấy. Xã hội đã làm chuyện lệch lạc, bạn sẽ phải khắc phục lại.

Một khi bạn bắt đầu nghe, nhìn, ngửi, chạm vào bằng cách đó, thế thì bạn đã chạm vào thực tại.

2. SỰ ƯỚC ĐỊNH
Lớp vỏ thứ hai là sự ước định - xã hội, chính trị, tôn giáo, ý thức hệ - những hệ thống niềm tin. Những hệ thống niềm tin khiến bạn không cởi mở. Nếu bạn là tín đồ Ấn giáo còn tôi là tín đồ Hồi giáo, ngay lập tức sẽ không có mối giao tiếp. Nếu bạn là người và tôi cũng là người - sẽ có giao tiếp, nhưng nếu bạn là cộng sản còn tôi là phát xít - sự giao tiếp bị gián đoạn. Mọi hệ thống niềm tin đều phá hủy mối giao tiếp. Và toàn bộ cuộc sống chẳng là gì ngoài sự giao tiếp - giao tiếp với cỏ cây, giao tiếp với sông suối, giao tiếp với mặt trời mặt trăng, giao tiếp với con người và muông thú. Đó là giao tiếp; cuộc sống là giao tiếp.
Đối thoại biến mất khi bạn bị chất nặng bởi những hệ thống niềm tin. Làm thế nào bạn thực sự có thể đối thoại được chứ? Bạn đã hoàn toàn đầy ứ những tư tưởng mà bạn nghĩ rằng chúng tuyệt đối đúng. Khi bạn nghe người khác, chẳng qua là do lịch sự, bằng không bạn chẳng thèm nghe. Bạn biết là điều gì đúng, đơn giản là bạn đợi đến khi người kia kết thúc là bạn nhảy bổ vào tấn công ngay. Phải, có thể có tranh cãi, thảo luận, tranh biện, nhưng không thể nào có đối thoại. Giữa hai niềm tin thì không thể nào có đối thoại. Những niềm tin phá hủy tình bạn, niềm tin phá hủy tình nhân ái, niềm tin phá hủy sự đồng cảm.
Thế nên nếu bạn muốn thấy, nghe, lắng nghe thì bạn sẽ phải từ bỏ những hệ thống niềm tin. Bạn không thể là tín đồ Ấn giáo, bạn không thể là tín đồ Hồi giáo, bạn không thể là giáo hữu Ki-tô. Bạn không thể gò mình vào những thứ vô nghĩa ấy; bạn phải đủ nhạy bén để gạt bỏ những niềm tin. Bị giam hãm vào hệ thống niềm tin của mình, bạn sẽ không cởi mở và người khác cũng không cởi mở với bạn.
Người ta đi như những ngôi nhà không cửa sổ. Phải, bạn đến gần, đôi khi còn va vào nhau - nhưng không bao giờ gặp nhau. Phải, đôi khi bạn chạm vào, nhưng không bao giờ gặp. Bạn nói chuyện nhưng không bao giờ giao tiếp. Mọi người bị cầm tù trong những ước định của chính mình; mọi người xây nhà tù chung quanh mình. Điều ấy cần phải buông bỏ.
Những niềm tin tạo ra một dạng tự mãn, và những niềm tin ngăn chặn sự tìm tòi khám phá vì người ta sợ. Lỡ khi bạn bắt gặp một sự việc chống lại niềm tin của bạn - thế thì chuyện gì xảy ra? Nó sẽ làm rối tung toàn bộ hệ thống của bạn, thế nên tốt hơn hết là đừng tìm tòi - cứ yên vị trong một thế giới đần độn, đờ đẫn, được định sẵn; đừng ra khỏi nó.
Nó cho bạn một dạng tri thức “như thể là” - như thể là bạn biết. Thật ra bạn chẳng biết gì - bạn chẳng biết gì về thượng đế, nhưng lại có niềm tin nhất định vào thượng đế; bạn chẳng biết gì về chân lí, nhưng lại có mớ lí thuyết về chân lí. Cái “như thể là” ấy rất nguy hiểm. Đấy là một loại trạng thái thôi miên của tâm trí.
Đàn ông và phụ nữ, tất cả đều được ước định, mặc dù theo những cách khác nhau. Đàn ông có xu hướng hung hăng, cạnh tranh, mánh khóe, ích kỉ. Đàn ông được chuẩn bị cho một loại vai trò: kẻ bóc lột, kẻ đàn áp, ông chủ. Phụ nữ được ban cho những hệ thống niềm tin phải chịu làm nô lệ. Họ được dạy dỗ phải phục tùng, họ được gán cho một thế giới vô cùng nhỏ bé, làm bà nội trợ. Toàn bộ cuộc sống của họ đã bị tước đoạt. Song một khi hệ thống niềm tin đã định hình, người phụ nữ chấp nhận nó và tiếp tục bị giam hãm trong nó, và người đàn ông chấp nhận hệ thống niềm tin của mình và tiếp tục bị giam hãm trong nó.
Đàn ông được dạy là không được khóc; nước mắt thì thiếu nam tính, thế nên đàn ông không được khóc. Một kiểu ngớ ngẩn gì thế? Đôi khi khóc lóc và nhỏ lệ lại có tác dụng trị liệu - nó cần thiết, nó là thứ phải làm, nó trút bỏ gánh nặng. Đàn ông vẫn cứ chất gánh nặng lên bản thân bởi vì không được khóc và nhỏ lệ; điều đó “thiếu nam tính”. Còn phụ nữ được dạy phải khóc và nhỏ lệ, điều đó đầy nữ tính, thế nên họ cứ khóc và nhỏ lệ kể cả những lúc không cần thiết. Đó chỉ là hệ thống niềm tin - người ta sử dụng nó như chiến lược để điều khiển. Phụ nữ biết rằng qua tranh cãi thì sẽ không thể thắng người chồng, nhưng cô ấy có thể khóc - điều đó có tác dụng, đến mức nó trở thành lí lẽ. Đàn ông bị lệch lạc theo một cách, họ không thể khóc, còn phụ nữ bị lệch lạc theo cách khác, họ khóc lóc và sử dụng nó như chiến lược để chiếm ưu thế. Khóc lóc trở thành chính trị và khi nước mắt trở thành chính trị thì nó mất đi vẻ đẹp; nó thật xấu xí.
Lớp ước định thứ hai này là một trong những thứ khó loại bỏ nhất. Nó thật phức tạp. Bạn có một ý thức hệ chính trị nào đó, một ý thứ hệ tôn giáo nào đó, và hàng ngàn thứ khác nữa như mớ bòng bong trong tâm trí. Chúng đã ăn sâu, trở thành một phần của con người bạn đến mức bạn không còn có ý niệm tách rời chúng. Khi bạn nói: “Tôi là tín đồ Ấn giáo”, không có nghĩa là bạn nói: “Tín ngưỡng của tôi được gọi là Ấn giáo”, không hề. Bạn nói: “Tôi là tín đồ Ấn giáo”. Bạn đồng nhất bản thân với Ấn giáo. Nếu Ấn giáo bị lâm nguy, bạn cũng nghĩ rằng mình bị lâm nguy. Nếu ai đó đốt đền thờ, bạn nghĩ rằng mình bị lâm nguy. Hoặc giả, nếu bạn là tín đồ Hồi giáo, bạn nghĩ rằng mình bị lâm nguy nếu có ai đó đốt kinh Koran.
Những hệ thống niềm tin này phải được buông bỏ. Thế thì sự thấu hiểu nảy sinh; thế thì sự sẵn sàng khám phá nảy sinh, sự hồn nhiên nảy sinh. Thế thì cảm giác huyền bí, kinh ngạc, kì diệu sẽ vây quanh bạn. Thế thì cuộc sống không còn là thứ đã biết, mà là một cuộc phiêu lưu. Nó bí ẩn tới mức bạn có thể khám phá mãi; không bao giờ kết thúc. Và bạn đừng bao giờ xây dựng niềm tin, bạn vẫn còn trong trạng thái chưa biết. Những đạo sĩ Sufi giáo cứ nhất định ở trong trạng thái chưa biết ấy, những Thiền sư cũng vậy.
Cứ mãi trong trạng thái chưa biết ấy. Nếu tình cờ biết được điều gì, đừng xây dựng niềm tin từ điều đó. Tiếp tục buông bỏ, ném nó đi. Đừng để nó bao quanh bạn, bằng không sớm muộn gì nó cũng sẽ trở thành lớp vỏ cứng và bạn sẽ không với tới được cuộc sống.
Cứ mãi như trẻ thơ - thế thì sự giao tiếp mới khả dĩ, thế thì đối thoại mới khả dĩ. Khi hai người đều trong trạng thái chưa biết trò chuyện với nhau, sẽ có sự gặp gỡ - họ đồng cảm. Không có gì cản trở. Bạn chỉ có thể hiểu tôi nếu như bạn ở trong trang thái chưa biết, bởi lẽ tôi luôn ở trong trạng thái ấy. Với tôi, sự đồng cảm là khả dĩ nếu bạn buông bỏ những hệ thống niềm tin, bằng không chúng sẽ ngáng đường.

3. SỰ HỢP LÍ HÓA
Bộ lọc thứ ba, lớp thứ ba, là lí lẽ giả định, sự hợp lí hóa, sự giải thích, sự biện minh. Tất cả đều là vay mượn. Chẳng một thứ nào là trải nghiệm đích thực của chính bạn, song chúng đem lại một kiểu làm hài lòng: bạn nghĩ mình là một thực thể rất hợp lí.
Bạn không thể trở nên hợp lí bằng cách tích lũy những lí lẽ và những chứng cớ vay mượn. Lí lẽ thật sự chỉ nảy sinh khi bạn thông tuệ - và nên nhớ có sự khác biệt giữa một người trí thức và một người mà tôi gọi là thông tuệ. Người trí thức thì nấp sau lí lẽ giả định. Lí lẽ của người ấy có thể rất logic, nhưng không bao giờ có thể hợp lí được. Lí lẽ của người ấy là giả, có vẻ giống như lí lẽ mà thôi.
Tôi có nghe câu chuyện:
Một người sắp chết đuối. Anh ta kêu lớn:
"Cứu tôi với, tôi không biết bơi! Tôi không biết bơi."
"Tôi cũng vậy," một ông già ngồi bên bờ sông đang nhai thuốc lá. "Nhưng tôi có kêu gào gì đâu!"
Điều này vô cùng hợp lí: “Sao bạn lại phải kêu gào về chuyện ấy? Bạn không biết bơi, tôi cũng vậy. Thế nên hãy giữ im lặng”. Song bạn đang ngồi trên bờ còn người kia ở dưới nước; tình huống khác nhau, ngữ cảnh khác nhau.
Khi Phật nói một điều, bạn có thể lặp lại y hệt, nhưng ngữ cảnh khác nhau. Khi Mohammed nói một điều, bạn có thể lặp lại y hệt điều ấy. Nhưng nó lại không có nghĩa hệt như vậy, bởi lẽ ngữ cảnh khác nhau. Ngữ cảnh có ý nghĩa chứ không phải những gì bạn nói. Không phải là những gì bạn nói, bạn là ai mới đáng nói.
Tôi có nghe câu chuyện:
Donnegan ngồi xưng tội:
"Thưa Cha," anh ta rên rỉ, "con đã làm một chuyện tồi tệ đến mức Cha cũng phải tống cổ con ra khỏi nhà thờ”.
"Con đã làm gì vậy, con trai?" Vị linh mục hỏi.
"Hôm qua," Donnegan nói, "con thấy vợ con lượn qua lượn lại trước mặt, con chợt thấy cảm hứng dâng trào bèn vồ lấy cô ấy, xé toạc quần áo, đè nghiến cô ấy ra sàn rồi chúng con làm chuyện ấy ngay tại đó."
"Hơi bất thường một chút thôi mà," vị linh mục nói, "nhưng chẳng có lí do gì để rút phép thông công cả."
"Cha có chắc là sẽ không tống cổ con ra khỏi nhà thờ chứ?"
"Dĩ nhiên là không rồi."
"Thế mà," Donnegan đáp, "họ lại tống cổ tụi con ra khỏi siêu thị!"
Tất cả tùy thuộc vào ngữ cảnh - bạn là ai, bạn ở đâu. Tùy thuộc vào quan điểm từ đâu, từ trải nghiệm nào bạn nói. Tôi cũng dùng những từ giống như bạn dùng, nhưng không có cùng ý nghĩa - chúng không thể đồng nghĩa. Khi tôi nói ra là tôi nói chúng, còn khi bạn nói ra là bạn nói chúng. Từ ngữ thì giống nhau, song bởi lẽ chúng xuất phát từ những không gian khác biệt, nên chúng có ý tứ khác biệt, ý nghĩa khác biệt, hương vị khác biệt, nhạc điệu khác biệt.
Lí lẽ giả định chỉ là lí lẽ bề ngoài, không phải là biết. Nó dùng cho mục đích tìm kiếm lời biện minh thì hơn; nó dùng cho mục đích tranh cãi thì hơn. Đầu óc đàn ông là chuyên gia trong loại mánh khóe lừa bịp này. Đấy là chuyên môn của đầu óc nam giới. Đàn ông lĩnh hội sâu sắc nghệ thuật ấy. Bộ lọc này rất mạnh trong tâm trí đàn ông.
Lí lẽ thật sự chỉ nảy sinh khi lí lẽ giả định được buông bỏ.
Lí lẽ thật sự là gì? Karl Jaspers đã định nghĩa nó rất hoàn hảo. Ông nói: Lí lẽ thì cởi mở, lí lẽ thì trong trẻo, lí lẽ là ý chí thống nhất. Lí lẽ sử dụng logic, những phương pháp của logic và những phạm trù hiểu biết để vượt qua chúng. Lí lẽ là sự nở hoa tối thượng của khôn ngoan.
Nhưng không phải lí lẽ giả định - hãy coi chừng đồ giả. Những thứ giả luôn tạo ra bộ lọc, còn những thứ thật luôn trở thành cánh cửa. Những thứ thật luôn là cầu nối, còn những thứ giả chỉ là chướng ngại vật.
Lớp lí lẽ giả định thứ ba này là một trong những thứ nhiễu loạn nhất trong bản thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét