Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Đạo: Con đường không lối (01d)



ĐẠO: CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
Phạm Ngọc dịch từ “Tao: The Pathless Path”, Renaissance Books, St. Martin's Press, New York © 2002
Câu chuyện ngụ ngôn:
Trên đường đến nước Vệ, Liệt Tử dừng chân dùng bữa bên vệ đường thì thấy một chiếc sọ người độ trăm tuổi. Bẻ một nhánh cây chỉ vào chiếc sọ, quay sang môn đệ là Bách Phong ông bảo: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt. Phải chăng ông ấy thật sự đau khổ, phải chăng chúng ta thực sự hạnh phúc?”
Một câu nói rất bí ẩn - một mật mã phải được giải mã. “Chỉ ông ấy và ta biết” - Liệt Tử nói, chỉ vào chiếc sọ người độ trăm tuổi - “rằng anh bất sinh bất diệt”. Vì sao ông bảo “Chỉ ông ấy và ta biết”? Chiếc sọ đã chết một cái chết không tự nguyện, còn Liệt Tử đã chết một cái chết tự nguyện - cả hai đều chết theo một cách nào đó. Liệt Tử đã chết qua thiền. Liệt Tử đã chết vì ông không còn bản ngã nữa, vì ông không còn tách rời khỏi cái toàn thể, vì ông không còn nữa. Đấy là cái chết thực, thật ra còn sâu hơn cái chết của chiếc sọ. Không thật chắc chắn là liệu người chết, người có chiếc sọ nằm đó một trăm năm, có biết không. Điều đó không chắc - người đó có thể không biết, người đó có thể biết. Nhưng điều chắc chắn là Liệt Tử biết: cái chết của ông là có ý thức.
Nhưng ông sử dụng tình huống. Chuyện ngụ ngôn sử dụng tình huống. Đệ tử Bách Phong của ông ngồi bên cạnh, chiếc sọ nằm đó, và ông chỉ vào chiếc sọ: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt.
Ai chết? Và ai được sinh? Bản ngã được sinh và bản ngã chết. Sâu bên dưới, nơi bản ngã không còn nữa, bạn bất sinh bất diệt. Bạn vĩnh hằng, bạn là vĩnh hằng, bạn là thể nền, là chính chất liệu mà hiện hữu được tạo nên - làm thế nào bạn có thể chết được? Nhưng bản ngã được sinh ra và bản ngã chết đi.
Bạn bất sinh bất diệt, nhưng làm cách nào để biết điều đó? Bạn có muốn đợi cho tới khi cái chết đến không? Điều đó rất rủi ro, bởi vì nếu bạn sống toàn bộ cuộc sống của bạn một cách vô ý thức, chẳng có mấy khả năng bạn có thể trở nên có ý thức khi bạn chết đâu. Điều đó bất khả nếu toàn bộ cuộc sống của bạn là chuỗi tiếp nối của việc sống vô ý thức - bạn sẽ chết một cách vô ý thức, bạn sẽ không có khả năng biết được. Bạn sẽ chết trong cơn mê, bạn sẽ không có khả năng quan sát và thấy điều xảy ra. Bạn thậm chí không có khả năng thấy được cuộc sống, thế thì làm sao bạn có thể thấy cái chết? Cái chết tinh tế hơn nhiều.
Nếu bạn thực sự muốn biết, thế thì bắt đầu trở nên tỉnh thức đi, nhận thức đi. Sống một cách ý thức, học ý thức, tích lũy ý thức. Trở thành ngọn lửa lớn của ý thức; thế thì khi cái chết đến, bạn sẽ có khả năng chứng kiến nó, bạn sẽ có khả năng thấy nó và bạn sẽ biết: “Thân xác đang chết, bản ngã đang chết, nhưng ta không chết vì ta là nhân chứng”. Nhân chứng là cốt lõi nhất của hiện hữu. Nhân chứng là thứ mà những tôn giáo khác gọi là “Thượng đế” và là thứ mà Liệt Tử và Trang Tử gọi là “Đạo” - người biết, yếu tố biết, tâm thức, giác ngộ, tỉnh thức.
Hãy bắt đầu sống cuộc sống có ý thức. Làm bất cứ điều gì bạn đang làm, nhưng hãy làm cứ như thể bạn là nhân chứng của nó - quan sát nó, im lặng theo dõi nó. Đừng bị lạc vào trong sự vật; vẫn tỉnh táo, vẫn ở ngoài. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ: bước trên đường, ăn, tắm, nắm tay người bạn, nói chuyện, lắng nghe - những việc nhỏ, nhưng hãy tỉnh táo. Bạn sẽ quên và lại quên. Nhặt nó lên lần nữa, tìm ra nó lần nữa, nhớ nó lần nữa. Đấy là điều Phật gọi là Chánh niệm, còn Gurdjieff gọi là Tỉnh thức. Cứ nhớ rằng bạn là nhân chứng. Lúc đầu điều đó gian nan, khó nhọc, bởi giấc ngủ của chúng ta dài. Chúng ta đã ngủ trong nhiều kiếp; chúng ta đã trở nên quen với ngủ, chúng ta ngáy, một cách siêu hình. Điều đó khó khăn, nhưng nếu bạn cố gắng, dần dần từng tia sáng tỉnh thức sẽ rọi vào bản thể của bạn. Điều đó khả dĩ - có khó khăn nhưng khả dĩ, không phải là bất khả. Và đấy là thứ giá trị nhất trong cuộc sống.
“Chỉ ông ấy và ta biết rằng anh bất sinh bất diệt”. Tôi biết bạn sẽ không bao giờ chết, vì bạn chưa từng được sinh ra, nhưng bạn không biết điều đó. Sự biết của tôi sẽ không ích gì cho bạn - bạn phải biết nó. Nó phải trở thành sự thấu hiểu riêng của bạn, ánh sáng soi rọi lên bản thân bạn.
Phải chăng ông ấy thực sự đau khổ, phải chăng chúng ta thực sự hạnh phúc?Thế rồi ông đặt câu hỏi cho môn đệ của mình: Ai hạnh phúc? Những người đang sống hay những người đã chết? Ai thật sự đau khổ - những người đã chết hay những người đang sống? Và ai thật sự hạnh phúc? Rồi ông bỏ lửng câu hỏi. Nó là công án: môn đệ phải thiền tưởng về nó.
Chuyện ngụ ngôn không nói gì cả, nó đột ngột chấm dứt. Giờ đây môn đệ phải kết thúc nó. Giờ đây anh ta phải thiền, anh ta phải giác ngộ về cái chết, về cuộc sống, về tình thương, về điều này điều nọ. Rồi anh ta phải suy gẫm về câu hỏi: Ai thật sự hạnh phúc? Có phải bạn hạnh phúc chỉ là do còn đang sống hay không? Bạn không hạnh phúc, cả thế gian là bể khổ. Thế nên có thể suy ra một điều, và có thể suy ra một cách vô điều kiện, rằng chỉ là do còn đang sống không nhất thiết người ta đã hạnh phúc đâu. Đang còn sống thì không đủ để hạnh phúc - cần thêm điều gì đó mới là hạnh phúc, “cộng với” điều gì đó. Cuộc sống cộng với giác ngộ... thế thì hạnh phúc nảy sinh, bởi vì trong giác ngộ, trong ánh sáng của giác ngộ, bóng đen của bản ngã biến mất.
Giờ đây khi cuộc sống có thêm dấu cộng với giác ngộ, những điều lớn lao xảy ra. Thứ nhất, bản ngã biến mất, rồi cùng với bản ngã cái chết cũng biến mất, vì chỉ bản ngã mới có thể chết - vì bản ngã được sinh ra. Với bản ngã biến mất, sinh cũng biến mất, diệt cũng biến mất. Với bản ngã biến mất, sự tách rời của bạn khỏi hiện hữu cũng biến mất.
Đấy là ý nghĩa của đóng đinh lên thập giá: bản ngã bị đóng đinh. Khi Jesus bị đóng đinh, Chúa Kitô được sinh ra - đó là ý nghĩa của phục sinh. Một mặt là đóng đinh, mặt khác là phục sinh.
Hãy chết nếu bạn thực sự muốn sống - vô cùng nghịch lí, nhưng vô cùng đúng, tuyệt đối đúng. Khi bạn tồn tại, bạn không chết mà cũng không sống. Bạn lơ lửng ở giữa; vì thế mới đau khổ, căng thẳng, phiền não. Bạn bị chia tách: bạn không sống cũng không chết. Hoặc sống trọn vẹn, rồi bạn sẽ biết cuộc sống là gì; hoặc chết trọn vẹn, rồi bạn cũng sẽ biết cuộc sống là gì - bởi vì cánh cửa của Đạo mở toang với tính trọn vẹn.
Hãy trọn vẹn. Một người đang ngủ không thể trọn vẹn trong bất cứ cái gì. Bạn đang ăn, bạn không trọn vẹn ở đó; bạn đang nghĩ cả ngàn lẻ một điều, bạn đang mơ ngàn lẻ một giấc mơ, bạn chỉ đang ngốn như một cái máy. Bạn có thể làm tình với người đàn bà hay với người đàn ông của bạn - bạn không trọn vẹn ở đó. Bạn có thể nghĩ về người đàn bà khác, làm tình với vợ của bạn và nghĩ về người đàn bà khác. Hoặc bạn có thể nghĩ tới thị trường, hay tới giá cả của những thứ bạn muốn mua, hay về chiếc xe hơi, hay về căn nhà, hay cả ngàn lẻ một thứ - và bạn đang làm tình như một cái máy.
Hãy trọn vẹn trong hành động của bạn, và nếu bạn trọn vẹn bạn phải nhận thức; không ai có thể trọn vẹn mà không nhận thức. Trọn vẹn nghĩa là không có suy nghĩ khác. Nếu bạn đang ăn, đơn giản là bạn đang ăn; bạn trọn vẹn ở-đây-và-bây-giờ. Việc ăn là tất cả: bạn không chỉ ngốn mọi thứ, bạn tận hưởng nó. Tất cả thân, tâm, trí đều hòa nhịp trong khi bạn ăn: có hài hòa, nhịp điệu sâu lắng giữa ba tầng bản thể của bạn. Thế thì ăn trở thành thiền, đi trở thành thiền, chẻ củi trở thành thiền, gánh nước từ giếng về trở thành thiền, nấu ăn trở thành thiền. Những điều nhỏ bé được chuyển hóa, chúng trở thành những hành động chói sáng. Và từng hành động trở nên trọn vẹn đến mức từng hành động đều mang phẩm chất của Đạo.
Thế thì bạn vô vi khi bạn trọn vẹn. Thế thì Thượng đế mới là người làm, hay cái toàn thể là người làm - bạn chỉ là phương tiện, là lối chuyển. Và việc trở thành lối chuyển ấy là phúc lành, là ân sủng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét