Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Đạo: Con đường không lối (01c)



ĐẠO: CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
Phạm Ngọc dịch từ “Tao: The Pathless Path”, Renaissance Books, St. Martin's Press, New York © 2002
Đạo ấy, sự hợp nhất vào cái toàn thể ấy, sự tan biến vào vũ trụ ấy không thể dạy được. Bạn có thể học nó, nhưng nó không thể dạy được. Thế nên Liệt Tử và những Đạo sư khác không thuyết giáo điều gì cả; họ không có gì để thuyết giáo. Họ kể chuyện ngụ ngôn. Bạn có thể lắng nghe câu chuyện, và nếu bạn thực sự lắng nghe, điều gì đó sẽ bùng mở trong bạn. Thế nên toàn bộ sự việc tùy thuộc vào cách bạn lắng nghe.
Bản thân Liệt Tử đã ở bên thầy ông nhiều năm ròng, chỉ ngồi im lặng, không làm gì, chỉ học im lặng, học thụ động, học tiếp nhận, học âm nhu – đó là cách người ta trở thành môn đệ. Để tôi kể bạn nghe: không có sư phụ, chỉ có môn đệ – bởi điều đó không thể dạy được. Thế nên làm sao nói có thầy được? Phật không thể dạy bạn, Liệt Tử không thể dạy bạn, thế nên sao gọi họ là thầy? Nhưng lại có môn đệ, người đó học.
Thế nên thầy không phải là người dạy bạn, thầy là người mà với sự hiện diện của người đó bạn có thể học. Để biết được sự khác biệt: thầy không phải là người dạy bạn – bởi không có gì để dạy cả. Thầy là người mà với sự hiện diện của người đó có thể học được.
Một người tìm tới Jalaluddin Rumi, nhà huyền môn Sufi, và nói: “Thầy sẽ dạy con chứ? Thầy sẽ dạy con chứ, thưa thầy?”
Jalaluddin nhìn người ấy và nói: “Anh sẽ cho phép ta dạy chăng?”
Người ấy nói: “Sao con lại không cho phép thầy dạy chứ? Con đến để học mà.”
Jalaluddin đáp: “Vì đó là điều chính iếu – anh có cho phép ta dạy không? Bằng không ta không thể dạy được, bởi thực ra dạy là không thể được, chỉ học là có thể thôi. Nếu anh cho phép, thế thì việc học sẽ đơm bông.”
Liệt Tử ở bên thầy ông nhiều năm ròng, chỉ ngồi im lặng, không làm gì, chỉ ngày một trở nên thụ động hơn. Tới một ngày khi ông tuyệt đối im lặng – không một gợn í nghĩ trong bản thể mình, không một gợn sóng. Năng lượng của ông toàn bộ ở đó, một bể chứa, mặt hồ phẳng lặng không sóng, không gió – và ông ngộ ra.
Trong một khoảnh khắc điều đó xảy ra. Chân lí không phải là quá trình, nó là điều xảy ra. Nó không dần dần, nó không cần thời gian để xảy ra. Nếu thời gian là cần thiết, thời gian chỉ cần thiết cho riêng bạn bởi vì bạn chưa thể im lặng ngay bây giờ. Nếu bạn có thể im lặng, nó có thể xảy ra ngay bây giờ. Nó luôn xảy ra trong im lặng.
Cái gì xảy ra trong im lặng? Khi bạn im lặng, bạn không có, ranh giới tan biến, bạn là một với cái toàn thể.
Để tôi kể cho bạn câu chuyện Đạo.
Một môn đệ của Lão Tử nói: “Thưa thầy, con đã đạt tới rồi.”
Lão Tử bảo: “Nếu anh nói anh đã đạt tới, thế thì chắc chắn là anh chưa tới đâu.”
Đệ tử chờ đợi trong vài tháng, thế rồi một hôm anh ta nói: “Thầy đã đúng, thưa thầy. Bây giờ, nó đã đạt tới.”
Đầu tiên anh ta bảo: “Tôi đã đạt tới” và người thầy phủ nhận. Thế rồi sau vài tháng, một hôm đột nhiên anh ta bùng mở, và anh ta nói: “ đã đạt tới.”
Lão Tử với cái nhìn đầy từ bi và thương iêu vỗ nhẹ lên đầu anh ta. Ông bảo: “Giờ đây điều đó đúng. Bây giờ, nói cho ta hay điều gì đã xảy ra. Giờ ta muốn lắng nghe. Điều gì đã xảy ra?”
Anh ta thưa: “Cho tới ngày hôm đó khi thầy nói ‘Nếu anh nói anh đã đạt tới, thế thì chắc chắn là anh chưa tới đâu’. Con đã nỗ lực. Con làm tất cả những gì con có thể làm, con đã cố gắng khó nhọc. Cái ngày thầy nói: ‘Nếu anh nói anh đã đạt tới, thế thì anh chưa tới đâu’ nó đã điểm vào đúng chỗ. Làm sao ‘tôi’ có thể đạt tới được? bởi vì ‘tôi’ là rào cản, thế nên tôi phải nhường đường.”
có thể đạt tới – và Đạo gia thậm chí gọi nó là “nó”. Họ không gọi nó là “anh ấy”, họ không gọi nó là “chị ấy”, họ không gọi nó là “Đức Chúa Cha”. Họ không gọi nó bằng bất cứ danh xưng nào, đơn giản họ nói “nó”. “” là vô nhân xưng, là tên của cái toàn thể: “Đạo” nghĩa là “nó”.
“Đạo đã đạt tới” – anh ta nói – “và nó tới chỉ khi tôi không có đó”.
Lão Tử bảo: “Kể cho những đệ tử khác về tình huống mà nó đã xảy ra”. Và anh ta nói: “Điều duy nhất mà con có thể nói là tôi không tốt, tôi không xấu, tôi không phải tội nhân, tôi không phải thánh nhân, tôi không là cái này, tôi không là cái nọ, tôi không là bất cứ ai nói riêng, khi nó đạt tới. Tôi chỉ là thụ động, vô cùng thụ động, chỉ là cánh cửa, là lối mở. Tôi thậm chí đã không mời nó. Nghe này! Tôi thậm chí đã không mời nó, bởi vì ngay cả lời mời cũng đã bỏ đi cùng chữ kí của tôi. Tôi thậm chí đã không mời... Thực ra, tôi đã hoàn toàn quên về nó. Tôi chỉ ngồi. Tôi thậm chí không tìm, không kiếm, không dò hỏi. Tôi đã không có đó, và đột nhiên nó tràn ngập trong tôi”.
Nó xảy ra theo cách đó. Nó có thể xảy đến với bạn nếu bạn ngày càng trở nên thụ động hơn. Đạo là phương cách của âm nhu. Tất cả những tôn giáo khác đều năng nổ, tất cả những tôn giáo khác đều hướng về tính dương hơn; Đạo nhiều tính âm hơn. Hãy nhớ là chân lí tới chỉ khi bạn ở trong trạng thái âm của tâm thức, không bao giờ khác được. Bạn không thể chinh phục chân lí. Thật xuẩn ngốc, thật ngớ ngẩn kể cả chỉ nghĩ rằng bạn có thể chinh phục chân lí. Bộ phận chinh phục cái toàn thể! Bộ phận chỉ có thể cho phép, bộ phận chỉ có thể trong sự buông trôi.
Buông trôi sẽ xảy ra nếu bạn có thể làm một thứ: ngừng bám vào tri thức, ngừng bám vào triết lí, ngừng bám vào học thuyết, giáo điều. Ngừng bám vào nhà thờ và tôn giáo có tổ chức, bằng không bạn sẽ có những quan niệm giả tạo, và những quan niệm giả tạo ấy sẽ không cho chân lí đi vào bạn.
Một chuyện ngụ ngôn hay:
Suốt dọc đầu hồi sân trại lũ én đậu thành một hàng, lo lắng líu ríu với nhau, kể lể nhiều điều, nhưng chỉ nghĩ về mùa hè và phương nam, vì mùa thu đang sang và gió bấc đang chờ để nổi lên.
Đột nhiên, một hôm tất cả bọn chúng bỏ đi hết. Rồi mọi con vật đều nói về chim én và phương nam.
“Tôi nghĩ sang năm đích thân tôi sẽ đi phương nam” – chị gà mái nói.
Rồi năm cũng qua và én lại về; năm hết và chúng lại đậu trên đầu hồi, rồi mọi gia cầm lại bàn về việc chuyến ra đi của chị gà mái.
Vào một sáng rất sớm, gió bắt đầu thổi từ phương bắc, đột nhiên tất cả lũ én đều bay vút lên và cảm thấy gió nâng cánh chúng; rồi sức mạnh đến với chúng, rồi tri thức cổ xưa kì lạ còn hơn niềm tin của con người; chúng bay cao, bỏ lại khói bụi của thành phố chúng ta.
“Tôi nghĩ chắc là nhờ gió” – chị gà mái nói, rồi chị giang cánh và chạy ra khỏi sân gia cầm. Rồi chị vừa chạy vừa vỗ cánh trên đường và bằng cách nào đó lao xuống đường cho tới khi chị đến một khu vườn.
Đến tối chị quay về thở hổn hển. Và trong sân gia cầm chị kể cho đám gia cầm nghe chuyện chị đã đi phương nam xa mãi tận đường cái ra sao và thấy cảnh giao thông của thế giới to lớn diễn ra. Rồi chị tới những miền đất nơi khoai tây mọc lên và thấy những gốc rạ nơi con người sống. Ở cuối con đường chị phát hiện một khu vườn trong đó trồng hoa hồng, những bông hồng tuyệt đẹp và người làm vườn cũng ở đó.
“Vô cùng thú vị làm sao” – lũ gia cầm nói – “và mô tả mới thật mĩ miều làm sao!”
Rồi mùa đông cũng qua đi, những tháng ngày cay đắng cũng qua đi, rồi mùa xuân lại về, bầy én lại đến.
Nhưng lũ gia cầm không đồng í là ở phương nam có biển, “Các bạn nên nghe chị gà mái của chúng tôi!” – chúng bảo.
Giờ đây chị gà mái đã trở thành thông thái. Chị biết có gì ở phương nam, mà thậm chí chị còn chưa ra khỏi thị trấn – chỉ xuôi xuống con đường một chút thôi. Trí tuệ là một con gà mái. Nó không thể đi xa. Nhưng một khi con gà mái biết điều gì đó, nó ngăn cản bạn; nó trở thành chướng ngại.
Vứt trí tuệ của bạn đi và bạn sẽ chẳng mất gì hết. Mang trí tuệ của bạn theo cùng và bạn sẽ mất tất cả. Vứt trí tuệ của bạn đi và bạn sẽ chỉ mất sự giam hãm của bạn, sự giả tạo của bạn. Vứt trí tuệ của bạn đi và đột nhiên tâm thức của bạn sẽ bay vút lên cao trên đôi cánh của nó... và bạn có thể đi đến tận phương nam, đến biển khơi nơi bạn thuộc về. Trí tuệ là gánh nặng chất lên con người.
Điều cuối cùng trước khi chúng ta bước vào chuyện ngụ ngôn này: Đạo bắt đầu với cái chết. Tại sao? Có điều gì đó đáng kể ở sự bắt đầu. Đạo nói rằng nếu bạn ngộ được cái chết bạn sẽ ngộ ra mọi thứ, bởi vì trong cái chết những ranh giới của bạn sẽ mờ đi. Trong cái chết, bạn sẽ biến mất. Trong cái chết, bản ngã sẽ bị vứt bỏ. Trong cái chết, tâm trí sẽ không còn đó nữa. Trong cái chết, mọi thứ không thiết iếu sẽ bị vứt bỏ và chỉ thứ cốt iếu còn lại.
Nếu bạn có thể ngộ được cái chết bạn sẽ có khả năng ngộ ra Đạo là gì, con đường không lối là gì – bởi tôn giáo cũng là cách chết, iêu cũng là cách chết, cầu nguyện cũng là cách chết. Thiền là cái chết tự nguyện. Cái chết là hiện tượng phi thường vĩ đại nhất. Nó là cực điểm của cuộc sống, là cao trào, là đỉnh cao nhất. Bạn chỉ biết một đỉnh, và đỉnh đó là tình dục, đó là đỉnh thấp nhất của dãy Himalayas. Phải, nó là đỉnh, nhưng là đỉnh thấp nhất; cái chết mới là đỉnh cao nhất.
Tình dục là sự sinh: nó là bắt đầu của dãy Himalayas, đỉnh thấp nhất. Chỉ ở lúc bắt đầu thì đỉnh cao nhất không thể có được. Từ từ, chầm chập, những đỉnh ngày một vươn cao hơn, cuối cùng là vươn tới thượng đỉnh. Cái chết là thượng đỉnh, tình dục là bắt đầu. Giữa tình dục và cái chết là toàn bộ câu chuyện cuộc sống.
Tâm lí học phương Tây bắt đầu bằng việc tìm hiểu tính dục. Tâm lí học phương Đông, tâm lí học của chư Phật, bắt đầu bằng việc tìm hiểu tâm lí của cái chết. Tìm hiểu tính dục là rất sơ đẳng; tìm hiểu cái chết là tối thượng.
Và bằng việc ngộ được cái chết bạn có thể chết một cách có í thức. Nếu bạn chết một cách có í thức bạn sẽ không tái sinh – sẽ không còn cần thiết. Bạn đã học bài xong, bạn sẽ không bị ném ngược lại mãi vào bánh xe sinh tử. Bạn đã biết, bạn đã học xong – không cần đưa bạn trở lại trường nữa; bạn đã vượt qua. Nếu bạn không học được í nghĩa của cái chết bạn sẽ bị ném trở lại. Cuộc sống là tình huống để học cái chết là gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét