Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (001)


INTUITION: KNOWING BEYOND LOGIC
TRỰC GIÁC: HIỂU BIẾT NGOÀI TẦM LOGIC
by Osho
Lời người dịch
A rose is a rose is a rose... - hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng... - câu trích dẫn nổi tiếng của nữ văn sĩ Mĩ gốc Do Thái Gertrude Stein (1874-1946); cho dù người ta có gọi nó là hoa huệ hay hoa nhài thì hoa hồng vẫn chỉ là hoa hồng mà thôi!
Sự vật luôn mang bản chất như nó vốn thế và Osho không cố thuyết phục người khác điều gì, như ông thường nói:
“... Khi bạn đến với tôi, hãy ở bên tôi. Và tôi không nói rằng bạn phải đồng ý với tôi, hãy nhớ rằng chẳng có vấn đề đồng ý hay không đồng ý gì ở đây.
Khi bạn thấy đóa hồng, bạn đồng ý hay không đồng ý với nó? Khi bạn thấy bình minh, bạn đồng ý hay không đồng ý? Khi bạn thấy trăng đêm, đơn giản là bạn thấy nó! Cho dù bạn thấy hay không thấy nó, chẳng có vấn đề đồng ý hay không đồng ý gì hết.
Tôi không cố thuyết phục bạn bất cứ điều gì. Tôi không cố lôi kéo bạn đến một lí thuyết, một triết lí, một giáo điều, một giáo hội nào đó, không hề! Đơn giản là tôi chia sẻ những gì xảy ra với tôi, và trong sự chia sẻ ấy, nếu bạn tham gia, nó có thể cũng xảy ra với bạn. Nó được lan truyền.
Sự thấu hiểu được chuyển biến.”
Xin giới thiệu với quý độc giả bài nói chuyện của Osho về “trực giác”, thường được gọi là “giác quan thứ sáu” hay “tiếng nói nội tâm” hay “người dẫn đường bên trong”.
Phạm Ngọc Thạch


 LỜI NÓI ĐẦU
Không thể giải thích trực giác một cách khoa học được, bởi lẽ chính hiện tượng ấy vốn dĩ phi khoa học và phi lí. Bản thân hiện tượng trực giác là phi lí. Về mặt ngôn ngữ thì câu hỏi: “Có thể giải thích trực giác được không?” xem ra không có vấn đề gì. Song nó lại ngụ ý: “Trực giác có thể quy về trí tuệ được không?”. Trực giác là một thứ vượt ra ngoài trí tuệ, một thứ không thuộc về trí tuệ, một thứ xuất phát từ nơi mà trí tuệ hoàn toàn không nhận thức được. Thế nên trí tuệ có thể cảm nhận được nó chứ không thể giải thích được.
Cú nhảy đột ngột của trực giác có thể cảm nhận được bởi vì có một khoảng trống. Trực giác có thể cảm nhận được bằng trí tuệ - nó có thể được ghi nhận là có điều gì đó đã xảy ra - song không thể giải thích được, bởi lẽ giải thích cần nguyên cớ. Giải thích nghĩa là trả lời câu hỏi nó từ đâu tới, tại sao nó tới, nguyên nhân là gì. Và nó tới từ một nơi nào khác, chứ không phải từ chính trí tuệ - thế nên không có nguyên nhân từ trí tuệ. Không lí do, không kết nối, không liên tục bên trong trí tuệ.
Trực giác là một địa hạt khác của diễn biến không liên quan đến trí tuệ chút nào, mặc dù nó có thể thâm nhập vào trí tuệ. Phải hiểu là một thực thể cao hơn có thể thâm nhập vào thực thể thấp hơn, nhưng thứ thấp hơn không thể thâm nhập vào thứ cao hơn được. Thế nên trực giác có thể thâm nhập vào trí tuệ bởi lẽ nó cao hơn, nhưng trí tuệ không thể thâm nhập vào trực giác là vì nó thấp hơn.
Tương tự, tâm trí có thể thâm nhập thể xác, nhưng thể xác không thể thâm nhập vào tâm trí được. Bản thể có thể thâm nhập vào tâm trí, nhưng tâm trí không thể thâm nhập vào bản thể được. Đó là lí do vì sao nếu đi vào bản thể, bạn phải tách mình ra khỏi cả thể xác lẫn tâm trí. Chúng không thể thâm nhập vào hiện tượng cao hơn được.
Khi bạn đi vào thực thể cao hơn, thế giới thấp hơn của những diễn biến phải được buông bỏ. Không có sự giải thích cho cái cao hơn trong cái thấp hơn, bởi lẽ chính những thuật ngữ giải thích không tồn tại ở đó; chúng vô nghĩa. Song trí tuệ có thể cảm nhận được khoảng trống, nó có thể biết được khoảng trống. Nó có thể đi tới cảm nhận là “điều gì đó đã xảy ra ngoài tầm của tôi”. Giả như có thể làm được nhiều hơn thì trí tuệ đã làm nhiều hơn rồi.
Song trí tuệ cũng có thể bác bỏ những gì xảy ra. Đó là điều được ngụ ý bằng có đức tin hay không có đức tin. Nếu bạn cảm thấy điều gì không thể giải thích được bằng trí tuệ thì không tồn tại, thế thì bạn là “người vô thần”. Thế thì bạn sẽ tiếp tục ở hiện hữu thấp hơn của trí tuệ, bị buộc chặt vào nó. Thế thì bạn không công nhận điều huyền bí, thế thì bạn không cho phép trực giác lên tiếng với bạn.
Đấy là bản chất của người duy lí. Người duy lí thậm chí sẽ không thấy có điều gì đến từ cõi khác. Nếu được đào tạo một cách duy lí, bạn sẽ không công nhận tầng cao hơn, sẽ chối bỏ nó, bạn sẽ bảo: “Không thể nào. Nó ắt là tưởng tượng; nó phải ở trong mơ. Trừ phi tôi có thể chứng minh nó một cách duy lí, còn thì tôi sẽ không chấp nhận nó”. Tâm trí duy lí trở nên khép kín, đóng chặt trong giới hạn của lập luận, và trực giác không thể thâm nhập được.
Song có thể sử dụng trí tuệ mà không cần phải khép kín. Thế thì có thể dùng lí trí như một công cụ và vẫn cởi mở. Bạn tiếp nhận cái cao hơn; nếu điều gì đó đến, bạn tiếp nhận. Thế thì bạn có thể dùng trí tuệ của mình như sự trợ giúp. Nó ghi nhận là “điều gì đó đã xảy ra ngoài tầm của tôi”. Nó có thể giúp bạn hiểu được khoảng trống ấy.
Ngoài ra, trí tuệ có thể dùng để diễn đạt - không phải giải thích mà là diễn đạt. Một vị phật không “giải thích” điều gì. Ngài diễn đạt chứ không giải thích. Tất cả những bộ Áo nghĩa thư (Upanishads) đều diễn đạt chứ không hề giải thích. Chúng nói: “Đấy là như thế, đấy là như vậy; đấy là điều xảy ra. Nếu muốn, hãy bước vào. Đừng đứng ngoài; không thể có lời giải thích từ bên trong cho người ngoại cuộc. Thế nên hãy bước vào - hãy làm người trong cuộc.”
Thậm chí nếu vào trong, sự việc cũng không được giải thích; bạn sẽ tới để biết và cảm nhận chúng. Trí tuệ có thể cố hiểu, song nhất định nó sẽ thất bại. Cấp cao hơn không thể quy về cấp thấp hơn được.
Trực giác du hành không cần bất cứ phương tiện nào - đó là lí do vì sao nó là bước nhảy; là cú nhảy đột ngột. Nó là bước nhảy từ một điểm đến một điểm khác mà không hề có sự tương kết giữa hai điểm. Nếu tôi tiến tới chỗ bạn từng bước một, đó không phải là bước nhảy. Chỉ khi tôi tới chỗ bạn không cần bước nào, đó mới là bước nhảy. Và một bước nhảy thật sự thậm chí còn sâu xa hơn. Nó có nghĩa là thứ gì đó tồn tại ở điểm A, thế rồi nó cũng tồn tại ở điểm B, mà giữa hai điểm không có sự tồn tại nào. Đó là bước nhảy thật sự.
Trực giác là bước nhảy - nó không phải là thứ tới trong từng bước. Nó là điều xảy ra với bạn, chứ không đến với bạn - điều xảy ra không có tính nhân quả từ đâu, không biết cội nguồn từ đâu. Xảy ra bất thình lình nghĩa là trực giác. Nếu nó không đột ngột, không hoàn toàn cắt đứt với những gì đã xảy ra trước kia, thế thì lí trí sẽ khám phá ra con đường. Có thể mất thời gian, song lí trí có thể làm được. Lí trí sẽ có khả năng biết, hiểu và kiểm soát nó. Thế thì vào một ngày nào đó, một công cụ sẽ được phát triển, tương tự như radio hay tivi, có thể bắt được tín hiệu của trực giác.
Nếu như trực giác đến qua dạng tia hay dạng sóng, thế thì chúng ta có thể chế tạo thiết bị để thu chúng. Nhưng không thiết bị nào có thể thu được trực giác bởi nó không là hiện tượng sóng. Nó chẳng là hiện tượng nào cả; nó chỉ là cú nhảy vọt từ hư vô đến hiện hữu.
Trực giác nghĩa là như thế đó - đó là lí do vì sao lí trí chối bỏ nó. Lí trí chối bỏ nó vì lí trí không có khả năng chạm trán với nó. Lí trí chỉ có thể bắt gặp những hiện tượng mà có thể phân chia thành nguyên nhân và hậu quả.
Theo lí trí thì có hai địa hạt của sự tồn tại, cái biết và cái chưa biết. Mà cái chưa biết có nghĩa là điều còn chưa biết, nhưng một ngày nào đó sẽ trở thành cái biết. Song huyền môn nói rằng có ba địa hạt: cái biết, cái chưa biết và cái không thể biết. Nhà huyền môn ngụ ý cái không thể biết là cái không bao giờ có thể biết được.
Trí tuệ dính dáng đến cái biết và cái chưa biết, chứ không phải cái không thể biết. Còn trực giác hoạt động với cái không thể biết, với cái không bao giờ có thể biết được. Đó không phải chỉ là vấn đề thời gian trước khi nó sẽ thành cái biết - tính không thể biết được là phẩm chất cơ bản của nó. Không phải là chuyện thiết bị chưa đủ tốt hoặc logic chưa được cập nhật, hoặc toán học còn sơ khai - đó không phải là vấn đề. Phẩm chất cơ bản của cái không thể biết là tính không thể biết được; nó sẽ luôn tồn tại như cái không thể biết.
Đấy là địa hạt của trực giác.
Khi một thứ từ không thể biết tiến tới được biết, đó là bước nhảy - không có liên kết, không có lối dẫn, không từ một điểm tới một điểm khác. Song nó dường như không thể hiểu được, thế nên khi tôi nói bạn có thể cảm nhận nó nhưng bạn không thể hiểu được nó, khi tôi nói những điều như vậy, tôi biết rất rõ là tôi đang phát biểu điều vô nghĩa. “Vô giác” chỉ có nghĩa là những gì chúng ta không thể hiểu được bằng giác quan. Mà tâm trí là một giác quan, giác quan tinh tế nhất.
Trực giác là có thật bởi cái không thể biết là có. Khoa học chối bỏ sự hiện hữu của thần thánh bởi nó nói: “Chỉ có một sự phân chia: cái biết và cái chưa biết. Nếu có bất cứ thượng đế nào, chúng ta sẽ khám phá ra qua những phương pháp thí nghiệm. Nếu ông ta tồn tại, khoa học sẽ khám phá ra”.
Ngược lại, nhà huyền môn nói: “Bất luận bạn làm gì, có điều gì đó trong nền tảng của hiện hữu vẫn còn là điều không thể biết được - điều huyền bí”. Và nếu những nhà huyền môn không đúng, thế thì tôi nghĩ là khoa học sẽ phá hủy toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống. Nếu không có điều huyền bí, thì toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống sẽ bị phá hủy và toàn bộ cái đẹp sẽ bị phá hủy.
Cái không thể biết được là cái đẹp, là ý nghĩa, là khát vọng, là mục tiêu. Cuộc sống có ý nghĩa bởi vì có những điều không thể biết được. Khi mọi thứ đều được biết, thế thì mọi thứ đều phẳng dẹt. Bạn sẽ ngấy, sẽ chán nản.
Cái không thể biết là bí mật; tự thân nó là cuộc sống.
Tôi sẽ nói thế này:
Lí trí là sự nỗ lực để biết cái chưa biết, còn trực giác là diễn biến của cái không thể biết được. Để thâm nhập vào cái không thể biết thì có thể nhưng để giải thích nó thì không.

Cảm nhận thì có thể, giải thích thì không. Càng cố giải thích bao nhiêu, bạn càng trở nên khép kín bấy nhiêu, thế nên đừng cố làm gì. Cứ để lí trí hoạt động trong lãnh vực của nó, song luôn nhớ rằng còn có những địa hạt sâu hơn. Có những lí trí sâu hơn mà lí trí không thể hiểu được. Những lí trí cao hơn mà lí trí không thể nhận thức được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét