Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (013)

CHUYN TỪ SUY NGHĨ SANG CẢM NHẬN
Trí tuệ là gánh nặng, sự thông tuệ toàn vẹn hơn. Trí tuệ là thứ vay mượn, sự thông tuệ là của riêng ta. Trí tuệ mang tính logic, duy lí; sự thông tuệ vượt ra ngoài tầm logic. Nó là siêu logic, nó mang tính trực giác. Con người trí tuệ chỉ sống bằng lí lẽ. Tất nhiên, lí lẽ có thể đưa bạn tới một điểm nào đó, song để vượt xa hơn thì cần phải có linh cảm.
Thậm chí những nhà khoa học vĩ đại, những người làm việc bằng lí trí, cũng phải tới một ngưỡng mà lí trí không hoạt động, và họ trông chờ vào linh cảm, trông chờ vào sự lóe sáng của trực giác, vào chút ánh sáng từ chốn u minh. Và điều đó luôn xảy ra, nếu bạn lao động cần mẫn bằng trí óc và không cho rằng trí tuệ là tất cả, mà bạn sẵn sàng đón nhận những gì xa hơn, một ngày nào đó tia sáng sẽ xuyên thấu bạn. Nó không thuộc về bạn; còn chưa là của bạn bởi lẽ nó không của riêng ai. Nó đến từ trung tâm cốt lõi của bạn. Có vẻ như nó đến từ cõi khác bởi lẽ bạn không biết trung tâm trực giác của mình ở đâu.
Từ sadhumati trong tiếng Phạn là một từ rất đẹp. Mati nghĩa là thông tuệ, còn sadhu là chín chắn: sự thông tuệ chín chắn. Không chỉ thông tuệ, mà còn thông tuệ một cách chín chắn. Có thể có những người duy lí nhưng lại không hợp lí - để hợp lí thì cần nhiều thứ hơn duy lí. Đôi khi người hợp lí cũng sẵn sàng chấp nhận sự phi lí - bởi vì người đó hợp lí. Người đó hiểu rằng điều phi lí cũng tồn tại. Còn người duy lí thì không bao giờ hiểu được rằng điều phi lí cũng tồn tại. Người đó chỉ tin vào suy luận logic hạn hẹp.
Song có những điều không thể chứng minh được bằng logic, mà chúng vẫn tồn tại. Mọi người đều biết chúng tồn tại, mà chưa từng ai có thể chứng minh được. Tình yêu chẳng hạn - không ai có thể chứng minh được nó là gì, hoặc nó có tồn tại hay không. Nhưng mọi người đều biết một điều là tình yêu hiện hữu. Kể cả những người chối bỏ nó - những người không sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì ngoài tầm logic - kể cả họ cũng vướng lụy ái tình. Khi yêu, họ lâm vào tình huống khó khăn, và cảm thấy tội lỗi.
Song tình yêu là thế ấy.
Và chưa từng một ai thỏa mãn với mỗi trí tuệ trừ phi trái tim cũng được mãn nguyện. Có hai thái cực trong ta: khối óc và con tim.
Sự thông tuệ là khả năng bẩm sinh để thấy, để lĩnh hội. Mọi đứa trẻ bẩm sinh đều thông minh, thế rồi xã hội làm nó mụ mị đi. Chúng ta giáo dục trẻ con một cách xuẩn ngốc, rồi chẳng chóng thì chầy nó cũng bị tiêm nhiễm sự xuẩn ngốc.
Sự thông tuệ là hiện tượng tự nhiên - như hơi thở, như cái nhìn. Sự thông tuệ là nhìn thấu bên trong, đó là trực giác. Nên nhớ, nó chẳng liên quan gì đến trí tuệ. Đừng bao giờ nhầm lẫn trí tuệ với sự thông tuệ, chúng là hai đối cực. Trí tuệ thuộc về khối óc, nó do người khác dạy, nó được áp đặt. Bạn phải trau dồi nó. Nó là thứ vay mượn, là thứ ngoại lai, không phải nội sinh.
Còn sự thông tuệ thì sinh ra từ bên trong. Nó chính là bản thể, bản chất của bạn. Mọi con vật đều thông tuệ. Chúng không có học thức, đúng thế, nhưng chúng đều thông tuệ. Cây cỏ cũng thông tuệ, toàn thể hiện hữu đều thông tuệ, mỗi đứa trẻ đều thông tuệ bẩm sinh. Bạn đã từng bao giờ bắt gặp đứa bé nào ngu ngốc chưa? Không thể nào! Nhưng hiếm khi gặp được người trưởng thành nào thông tuệ; có chuyện gì sai lầm ở giai đoạn giữa thì phải.
Một người bạn đã gửi đến câu chuyện hay này. Tôi muốn bạn nghe; nó có thể giúp ích. Câu chuyện có tên gọi “Trường học loài vật”.
Một bữa các con vật tập hợp trong rừng và quyết định lập trường học. Chúng thành lập ban giám hiệu gồm có thỏ, chim, sóc, cá và lươn. Thỏ cứ nằng nặc rằng môn chạy phải có trong chương trình giảng dạy. Chim thì đòi phải có môn bay. Cá đòi môn bơi, còn sóc nói rằng môn trèo cây tuyệt đối cần thiết trong chương trình. Chúng gộp mọi thứ với nhau rồi soạn thảo bản hướng dẫn chương trình giảng dạy. Thế rồi chúng bắt buộc mọi con vật đều phải học tất cả các môn.
Mặc dù thỏ đạt được điểm A trong môn chạy nhưng môn trèo cây quả là vấn đề thật sự với nó. Nó cứ bị rơi xuống đất mãi. Chẳng bao lâu sau nó lâm vào tình trạng chấn thương sọ não và không thể chạy nổi luôn. Nó thấy rằng thay vì điểm A giờ đây nó được toàn điểm C môn chạy, và dĩ nhiên là toàn điểm F môn trèo cây. Chim thật sự bay rất đẹp, nhưng đến môn đào hang trên mặt đất thì nó không tài nào làm nổi. Hết bị xước mỏ rồi đến gãy cánh. Chẳng bao lâu sau nó chỉ toàn được điểm C môn bay, môn đào hang thì toàn điểm F, còn môn trèo cây với nó chẳng khác gì địa ngục.
Cuối cùng, lúc mãn khóa con vật được đại diện để đọc diễn văn tốt nghiệp của lớp lại là con lươn thiểu năng trí tuệ, làm việc gì cũng nửa vời. Song ban giám hiệu rất đỗi vui mừng vì mọi con vật đều được trải qua tất cả các môn học, và đó được gọi là “giáo dục theo diện rộng”.
Chúng ta cười ồ, nhưng sự việc là như thế đấy. Đó là những gì xảy ra với bạn. Chúng ta đang ra sức làm cho mọi người ai cũng như ai, chính vì thế vô hình trung đang phá hủy tiềm năng của mọi người để trở thành chính mình.
Sự thông tuệ chết đi khi bắt chước người khác. Nếu muốn thông tuệ thì bạn phải bỏ việc bắt chước người khác. Sự thông tuệ sẽ tự vẫn khi sao chép, khi trở thành bản sao của người khác. Cái khoảnh khắc bạn bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để giống người khác thì chính là lúc bạn đánh mắt sự thông tuệ của mình, và trở nên xuẩn ngốc. Cái khoảnh khắc bạn so sánh bản thân với người khác cũng chính là lúc bạn đánh mất tiềm năng tự nhiên của mình. Lúc ấy bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc, bạn sẽ không bao giờ trong sạch, trong trẻo, trong suốt nữa. Bạn sẽ đánh mất sự trong sáng của mình, bạn sẽ đánh mất tầm nhìn của mình. Bạn sẽ vay mượn đôi mắt; nhưng làm sao bạn có thể thấy qua mắt người khác được? Bạn cần đôi mắt của chính mình, bạn cần đi trên đôi chân của chính mình, nhịp đập của trái tim mình.
Người ta sống cuộc sống vay mượn, vì thế cuộc sống của họ bị tật nguyền. Sự tàn tật ấy khiến họ trông thật ngu ngốc.
Thế giới đang cần một kiểu giáo dục hoàn toàn mới. Người bẩm sinh là một nhà thơ thì đang chứng tỏ là mình dốt toán, còn người có thể trở thành một nhà toán học vĩ đại thì đang bị nhồi nhét vào đầu môn lịch sử và cảm thấy hoang mang. Mọi thứ lộn tùng phèo bởi lẽ giáo dục không phù hợp với bản chất tự nhiên của người ta. Nó không coi trọng cá nhân, nó ép mọi người theo một khuôn mẫu nhất định. Có thể tình cờ cái khuôn mẫu ấy thích hợp với một vài người, song phần lớn người ta bị lạc lối và phải sống trong đau khổ.
Đau khổ lớn nhất trong đời là bản thân cảm thấy ngu ngốc, không xứng đáng, kém thông minh - mà không ai bẩm sinh kém thông minh cả; không ai kém thông minh bẩm sinh bởi lẽ chúng ta đều bắt nguồn từ hiện hữu. Mà hiện hữu là sự thông tuệ thuần khiết. Chúng ta mang hương vị, mang hương thơm từ cõi bên kia khi chúng ta đến với thế giới này. Nhưng ngay lập tức xã hội nhảy xổ vào bạn, bắt đầu lôi kéo, dạy dỗ, thay đổi, cắt gọt, thêm vào và chẳng mấy chốc bạn mất đi toàn bộ đường nét, toàn bộ hình dạng. Đấy là cách mà sự thông tuệ của bạn bị hủy hoại.
Đấy là một xà lim trong đó bạn đang sống - bạn có thể từ bỏ nó. Sẽ khó khăn để từ bỏ bởi lẽ bạn đã trở nên quen thuộc với nó. Sẽ khó khăn để từ bỏ bởi lẽ nó không phải như quần áo; nó hầu như đã trở thành lớp da của bạn, bạn đã sống với nó quá lâu rồi. Sẽ khó khăn để từ bỏ bởi lẽ đấy là toàn bộ cá tính của bạn - song phải từ bỏ nó nếu bạn thật sự muốn lấy lại bản thể thực của mình.
Nếu thật sự muốn thông tuệ, bạn phải làm người nổi loạn. Chỉ có người nổi loạn mới thông tuệ mà thôi. Sự nổi loạn mà tôi ngụ ý ở đây là gì? - Là buông bỏ tất cả những gì áp đặt trái với ý muốn của bạn. Hãy tìm hiểu lại xem bạn là ai, bắt đầu lại từ đầu. Hãy nghĩ rằng từ bấy đến nay bạn đã phí thời gian vì chỉ làm theo ý người khác.
Chẳng ai giống ai trên đời này, mỗi người là một cá thể duy nhất có một không hai - đó là bản chất của sự thông tuệ. Đừng so sánh mình với bất cứ ai. Làm sao có thể so sánh được? Bạn là bạn còn người khác là người khác. Bạn không giống họ, thế nên không thể so sánh được.
Nhưng chúng ta lại được dạy để so sánh và chúng ta cứ tiếp tục so sánh. Trực tiếp, gián tiếp, có ý thức, vô ý thức, chúng ta cứ sống trong sự so sánh. Nếu so sánh thì bạn sẽ không bao giờ coi trọng bản thân: ai đó đẹp hơn bạn, ai đó cao hơn bạn, ai đó khỏe hơn bạn, và ai đó có gì khác nữa; ai đó có giọng nói giàu nhạc điệu... và bạn sẽ bị gánh nặng chồng chất mãi nếu bạn cứ so sánh. Có đến hàng triệu người xung quanh; bạn sẽ bị nghiền nát vì những so sánh của bạn.
Bạn có một tâm hồn đẹp, một bản thể đẹp muốn nở hoa, muốn trở thành đóa hoa vàng, nhưng bạn lại không bao giờ cho phép nó.
Quẳng gánh lo đi. Gạt hết sang một bên. Hãy lấy lại, giành lại sự hồn nhiên, tuổi thơ của mình. Jesus thật đúng khi nói: “Trừ khi được tái sinh, bằng không các người sẽ không vào được nước Chúa”. Tôi nói với bạn điều tương tự: trừ khi bạn tái sinh...
Hãy buông bỏ tất cả những thứ rác rưởi chất lên bạn. Hãy tươi mới, bắt đầu lại từ đầu rồi bạn sẽ ngạc nhiên trước biết bao nhiêu thông tuệ được giải thoát tức thì.
Sự thông tuệ là khả năng thấy được, hiểu được, sống được cuộc sống của chính mình phù hợp với bản chất của chính mình. Đó chính là sự thông tuệ. Còn vô minh là gì? Đi theo người khác, bắt chước người khác, nghe lời người khác. Nhìn bằng con mắt của người khác, lấy kiến thức của họ làm kiến thức của mình - đó là vô minh.
Đó là lí do vì sao hầu như những học giả đều là những kẻ vô minh. Họ là những con vẹt, chỉ biết lặp lại. Họ là cái máy ghi âm. Họ có thể lặp lại một cách thành thạo, những hễ phát sinh tình huống mới, những thứ chưa được viết trong số sách của họ, thế là họ lúng túng. Họ không có sự thông tuệ. Sự thông tuệ là khả năng đáp ứng từng khoảnh khắc của cuộc sống khi nó xảy ra, không theo một chương trình có sẵn.
Chỉ những người kém thông tuệ mới theo chương trình có sẵn. Họ e sợ; họ biết mình không đủ thông tuệ để đối mặt cuộc sống như nó vốn thế. Họ phải chuẩn bị sẵn sàng, phải tập dượt. Họ chuẩn bị câu trả lời trước khi câu hỏi được đưa ra - và đó là cách mà họ thể hiện sự ngốc nghếch của mình, bởi lẽ câu hỏi có bao giờ giống nhau đâu. Câu hỏi luôn luôn mới. Mỗi ngày đều mang tới những vấn đề riêng, những thử thách riêng và mỗi khoảnh khắc đều mang tới những câu hỏi riêng. Nếu bạn có những câu trả lời chuẩn bị sẵn trong đầu, thậm chí lúc bạn sẽ không thể nghe được câu hỏi. Đầu bạn đầy ắp những câu trả lời, bạn sẽ không thể nghe gì được nữa. Bạn sẽ không sẵn sàng. Và bất kể có làm gì thì bạn cũng sẽ làm theo những câu trả lời chuẩn bị sẵn - thứ chẳng liên quan gì, chẳng có mối liên hệ nào với thực tại như nó vốn thế.
Sự thông tuệ là liên hệ với thực tại, không chuẩn bị sẵn. Thật tuyệt vời khi đối mặt với cuộc sống đầy bất ngờ mà không chuẩn bị sẵn. Thế thì cuộc sống là điều mới lạ, là tuổi xuân; thế thì cuộc sống là dòng chảy và sự tươi mát. Thế thì cuộc sống có thật nhiều điều bất ngờ. Và khi cuộc sống có nhiều điều bất ngờ, thì bạn sẽ không bao giờ thấy nhàm chán.
Một người vô minh thì lúc nào cũng thấy nhàm chán. Anh ta thấy nhàm chán vì những câu trả lời thu thập được từ người khác lại tiếp tục lặp lại. Anh ta thấy nhàm chán vì trong mắt mình đầy những tri thức và không thể thấy được những gì xảy ra. Anh ta biết quá nhiều đến mức không cần biết gì thêm. Anh ta không khôn ngoan, chỉ đơn thuần là giàu kiến thức. Khi nhìn bông hồng, anh ta không thật sự nhìn bông hồng ấy. Tất cả những bông hồng đã đọc trong sách, tất cả những bông hồng mà các nhà thơ đã tả, tất cả những bông hồng mà các họa sĩ đã vẽ và các triết gia đã bàn luận, và tất cả những bông hồng được nghe nói đến, chúng đầy trong mắt anh ta - một chuỗi dài kí ức, thông tin. Chỉ bông hồng trước mặt là không có trong chuỗi, trong đám kiến thức ấy. Anh ta không thể thấy nó. Đơn giản là anh ta lặp lại: “Bông hồng này đẹp thật”. Những lời ấy cũng không phải của chính anh ta, không đích thực, không chân thành, không thật. Lời nói của ai đó... anh ta chỉ là cuốn băng phát lại.
Sự vô minh là lặp lại, nhắc lại lời người khác. Nó rẻ tiền, rẻ tiền bởi lẽ bạn chẳng cần phải học. Việc học thật gian khổ. Việc học cần tinh thần chịu đựng. Học tập có nghĩa là người ta phải nhẫn nại, khiêm tốn. Học tập có nghĩa là người ta phải sẵn sàng buông bỏ cái cũ, người ta phải luôn sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Học tập có nghĩa là trạng thái vô ngã.
Và người ta không bao giờ biết việc học sẽ dẫn ta tới đâu. Không thể tiên liệu về người theo đuổi học hành; cuộc đời của anh ta không thể đoán trước được. Chính anh ta cũng không thể tiên liệu ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra, ngày mai anh ta sẽ ở đâu. Anh ta bước vào trạng thái không có tri thức. Chỉ khi nào sống trong trạng thái không có tri thức, luôn trong trạng thái ấy, thì mới thật sự là học tập.
Đó là lí do vì sao việc học của trẻ em thật tốt đẹp. Khi lớn lên, chúng ngưng học tập, bởi vì kiến thức được thu thập và việc lặp lại thật rẻ tiền. Tại sao nhàm chán? Đơn giản, thật rẻ tiền theo một khuôn mẫu, đi trong vòng lẩn quẩn. Nhưng thế rồi người ta đâm ra nhàm chán. Sự ngu ngốc và nhàm chán đi cùng với nhau.
Người thông tuệ thì tươi mát như giọt sương dưới ánh ban mai, tươi mát như ngôi sao sáng trong đêm. Bạn có thể cảm thấy sự tươi mới, thật tươi mới, như làn gió nhẹ.
Sự thông tuệ là khả năng tái sinh liên tiếp. Chết trong quá khứ là thông tuệ, và sống trong hiện tại là thông tuệ.
Thực tế thì sự thông tuệ của đầu óc thì không thật sự thông tuệ chút nào; đó là giàu kiến thức. Sự thông tuệ của trái tim mới là thông tuệ, chỉ ở đó mới có sự thông tuệ. Đầu óc đơn giản là một cái kho lưu trữ. Nó luôn cũ, không bao giờ mới, không bao giờ nguyên bản. Nó tốt cho một số mục đích nhất định; để lưu trữ thì rất tốt. Trong cuộc sống người ta cần điều này - nhiều thứ cần phải nhớ. Tâm trí, đầu óc là một máy vi tính sinh học. Bạn có thể cứ tích lũy kiến thức trong đó, bất cứ lúc nào cần bạn có thể lấy ra. Nó tốt cho toán học, cho tính toán, cho cuộc sống thường nhật, cho thương trường. Song nếu bạn nghĩ đấy là toàn bộ cuộc sống của bạn, thế thì bạn hãy còn vô minh. Bạn sẽ không bao giờ biết được cái đẹp của cảm xúc, bạn sẽ không bao giờ biết được phúc lạc của trái tim. Và bạn sẽ không bao giờ biết được sự duyên dáng chỉ bắt nguồn qua trái tim, sự sùng tín chỉ đi qua trái tim. Bạn sẽ không bao giờ biết cầu nguyện, bạn sẽ không bao giờ biết thơ ca, bạn sẽ không bao giờ biết tình yêu.
Sự thông tuệ của trái tim tạo nên thi vị cho cuộc sống, ban vũ điệu cho bước chân, biến cuộc đời thành niềm vui, vũ hội, lễ hội, tiếng cười. Nó cho bạn sự hóm hỉnh. Nó làm cho bạn có khả năng yêu thương, chia sẻ. Đó là cuộc sống thực. Cuộc sống được sống bằng cái đầu là một cuộc sống máy móc. Bạn trở thành con rô bốt - có thể rất hiệu quả; rô bốt thì rất hiệu quả, máy móc hiệu quả hơn con người. Bạn có thể kiếm nhiều tiền nhờ cái đầu, nhưng bạn sẽ không sống nhiều đâu. Bạn có thể có tiêu chuẩn sống tốt hơn nhưng sẽ không có cuộc sống đâu.
Cuộc sống thuộc về trái tim. Cuộc sống chỉ có thể sinh sôi nảy nở thông qua trái tim. Mảnh đất màu mỡ của trái tim là nơi tình yêu nảy nở, cuộc sống sinh sôi, tín ngưỡng phát triển. Tất cả những thứ đó đều tốt đẹp, tất cả những thứ đó đều thật sự đáng giá, tất cả những thứ đó đều có ý nghĩa, đáng kể, xuất phát từ trái tim. Trái tim chính là trung tâm còn cái đầu chỉ là ngoại biên. Sống bằng đầu óc là sống ở ngoại vi, không đời nào nhận thức được cái đẹp và kho báu của trung tâm. Sống ở ngoại vi là vô minh.
Sống bằng đầu óc là vô minh, còn sống bằng trái tim và sử dụng cái đầu khi cần thiết là thông tuệ. Nhưng trung tâm, ông chủ, thì ở phần cốt lõi nhất của bản thể. Trái tim là ông chủ còn cái đầu chỉ là người phục vụ - đó là sự thông tuệ. Khi cái đầu trở thành ông chủ và quên hẳn trái tim đi thì đó là vô minh.
Tùy bạn lựa chọn. Nên nhớ rằng trong vai trò kẻ hầu thì cái đầu là kẻ hầu đắc lực, sẽ giúp ích nhiều, nhưng trong vai trò ông chủ nó sẽ là một ông chủ nguy hiểm và sẽ đầu độc toàn bộ cuộc sống của bạn. Hãy nhìn khắp xung quanh! Cuộc sống của con người hoàn toàn bị đầu độc, bị đầu độc bởi cái đầu. Họ không thể cảm nhận, không còn nhạy cảm, không gì làm họ rộn ràng. Mặt trời lên nhưng trong họ không có bình minh; họ nhìn cảnh bình minh với con mắt vô hồn. Bầu trời đầy sao - thật diệu kì, thật huyền ảo! - nhưng chẳng có gì lay động trái tim họ, bài ca không cất lên. Chim muông hót véo von, còn con người đã quên ca hát. Mây lững lờ trôi trên bầu trời và bầy công xòe đuôi múa, con người không còn biết nhảy múa. Con người trở nên què quặt. Cây lá trổ hoa. Con người chỉ suy nghĩ, không hề cảm nhận, mà không có cảm nhận thì làm sao trổ hoa được.
Hãy trông, hãy nhìn kĩ, hãy quan sát, có một cái nhìn khác về cuộc sống. Không ai khác có thể giúp bạn. Bạn đã phụ thuộc vào người khác quá lâu rồi; đó là lí do vì sao bạn trở nên vô minh. Giờ đây, hãy chú tâm; đó là trách nhiệm của chính bạn. Bạn mắc nợ bản thân mình để có một cái nhìn xuyên thấu vào những gì bạn làm trong cuộc sống. Có bài thơ nào trong trái tim bạn không? Nếu không, thế thì đừng phí thời gian nữa. Hãy giúp trái tim xe tơ và dệt nên những vần thơ. Có chút lãng mạn nào trong cuộc sống của bạn không? Nếu không thì coi như bạn đã chết, thế thì bạn đã nằm trong nấm mồ rồi.
Hãy bước ra khỏi nó! Để cuộc sống có chút gì lãng mạn, có chút phiêu lưu. Hãy khám phá! Hàng triệu cái đẹp và rực rỡ đang chờ đón bạn. Bạn vẫn cứ đi lòng vòng quanh quẩn, không bao giờ bước vào đền đài của cuộc sống. Cánh cửa của nó chính là trái tim.
Nên nhớ bước chuyển phải xảy ra: bạn phải chuyển từ suy nghĩ sang cảm nhận. Cảm nhận thì gần, gần hơn với một thứ trong bạn được gọi là trực giác. Suy nghĩ là điểm xa nhất với trực giác. Bạn được người khác dạy - đó là giảng dạy (tuition). Một thứ không được dạy và nở hoa trong bạn - đó là trực giác (intuition). Không ai dạy bạn ở trường phổ thông, trường đại học, trường cao đẳng; không ai nói bất cứ điều gì về nó, nó bùng nổ trong con người bạn - đó là trực giác. Bạn chẳng cần phải đi đâu, chỉ cần đi vào bên trong bản thân mình.
Cảm nhận thì gần với trực giác. Tôi không trông mong điều bất khả, tôi không nói với bạn: “Hãy có trực giác” - bạn không thể làm được. Giờ đây nếu bạn làm một việc - chuyển từ suy nghĩ sang cảm nhận - thế là đủ. Thế thì từ cảm nhận đến trực giác khá dễ dàng. Nhưng chuyển từ suy nghĩ sang trực giác thì rất khó khăn. Chúng không gặp nhau, chúng là những đối cực. Cảm nhận là điểm giữa. Khoảng cách từ cảm nhận đến suy nghĩ và khoảng cách từ cảm nhận đến trực giác là như nhau. Nếu theo lối này bạn đạt đến suy nghĩ; nếu theo lối kia bạn đạt đến trực giác.

Cảm nhận là nơi suy nghĩ và trực giác gặp gỡ và kết hợp. Dư vị của suy nghĩ hãy còn trong cảm nhận, và dư vị của trực giác cũng còn trong cảm nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét