4. SỰ ỦY MỊ
Lớp thứ tư là sự đa cảm, ủy mị. Nó là cảm xúc giả, là nhặng xị, làm om
sòm lên từ chuyện chẳng có gì. Tâm trí phụ nữ là chuyên gia về chuyện này. Đó
là một loại rỗng tuếch; chỉ lớt phớt trên bề mặt. Đó là sự đồng cảm bất lực; vô
tích sự. Nếu ai đó đau ốm, bạn ngồi bên cạnh và khóc lóc. Sự khóc lóc của bạn
chẳng giúp được gì. Ngôi nhà đang cháy còn bạn thì đứng khóc - cũng chẳng giúp
được gì. Loại cảm xúc giả ấy phải được phát hiện; bằng không bạn sẽ chẳng bao
giờ biết được cảm xúc thật sự là gì.
Cảm xúc thật sự là sự cuốn hút, sự cam kết. Đó là sự thông cảm, không
chỉ là đồng cảm. Đó là hành động. Khi bạn thật sự cảm nhận điều gì trong tim
mình, ngay lập tức nó chuyển biến bạn; nó biến thành hành động. Đó là tiêu chí
- cảm xúc biến thành hành động. Nếu cảm xúc hãy còn là cảm xúc và không bao giờ
biến thành hành động thì hãy nhận biết rõ đó là giả. Thế thì bạn đang tự dối lòng
hay dối lừa người khác.
Người ta không đời nào có thể cưỡng lại trái tim mình. Nếu bạn vẫn còn
đi ngược lại trái tim mình thì ắt là bạn có một trái tim giả - một thứ giả vờ.
Nếu như lớp thứ ba là lĩnh vực chuyên môn của nam giới thì lớp thứ tư là lĩnh
vực chuyên môn của nữ giới.
5. SỰ KÌM NÉN
Lớp thứ năm là những bản năng bị lệch lạc, bị đầu độc - đó là sự kìm
nén.
Gurdjieeff thường nói rằng tất cả các trung tâm của bạn bị chồng chéo
lên nhau, bị đặt nhầm chỗ, gây nhiễu và cản trở lẫn nhau, và bạn chẳng còn biết
cái gì là cái gì. Thật tốt đẹp nếu mỗi trung tâm đều thực hiện đúng chức năng
của mình, nhưng khi nó bắt đầu gây nhiễu chức năng của những thứ khác, thế thì
sẽ vô cùng khó khăn, thế thì toàn bộ hệ thống sẽ bị rối loạn.
Chẳng hạn, nếu trung tâm tình dục của bạn vận hành đúng như một trung
tâm tình dục, thế thì tuyệt hảo. Song người ta lại quá kìm nén nó, tới mức ở
nhiều người trung tâm tình dục không còn nằm ở cơ quan sinh dục nũa mà lại
chuyển lên đầu. Đấy chính là sự chồng chéo. Giờ đây người ta làm tình thông qua
đầu óc - vì thế mà sách báo, phim ảnh khiêu dâm mới có ý nghĩa. Thậm chí trong
khi làm chuyện yêu đương với vợ mình, có thể bạn vẫn nghĩ đến một nữ diễn viên
xinh đẹp, như thể đang làm tình với cô ấy. Chỉ thế thì bạn mới có hứng thú khi
làm tình với vợ mình. Thực tế thì vợ bạn không tồn tại. Đó là một dạng thủ dâm.
Bạn không làm tình với vợ mình, bạn làm tình với người vắng mặt. Bạn vẫn đang
tưởng tượng trong đầu.
Những kìm nén của tôn giáo đã làm rối loạn tất cả các trung tâm. Quả là rất
khó khăn kể cả trong việc thấy được sự tách biệt của các trung tâm. Và nếu mỗi
trung tâm vận hành đúng phạm vi của mình thì chúng thật hoàn hảo. Khi nó gây
nhiễu khu vực khác, thế thì nảy sinh vấn đề. Thế thì có sự hỗn loạn trong tổng
thể. Thế thì bạn sẽ chẳng biết cái gì là cái gì.
Tình dục chỉ có thể được chuyển hóa khi nó được hạn chế tại trung tâm
của nó, chứ không thể chuyển hóa từ đầu óc. Nó đã tạo ra một trung tâm giả
trong đầu.
Tôi có nghe câu chuyện:
Thỉnh thoảng các thánh cũng được phép cải trang xuống chơi trần gian.
Thánh Teresa mong mỏi bấy lâu được xuống chơi Hollywood nhưng thánh Gabriel,
người giữ trọng trách phân công, lại nghĩ rằng kể cả thánh thần cũng không thể
không bị ảnh hưởng gì sau khi ghé thăm kinh đô điện ảnh.
Tuy nhiên, rốt cuộc thánh Teresa cũng thuyết phục được thánh Gabriel
rằng sẽ không có gì nguy hại và bà đáp chuyến cỡi mây đầu tiên xuống trái đất.
Nhiều tuần rồi cả tháng trôi qua mà vẫn không có tin tức gì từ trần gian, thế nên ngày nọ thánh Gabriel rất lo lắng
bèn gọi điện xuống Los Angeles. Đường dây được nối, chuông reo và cuối cùng một
giọng nói cất lên: “Terry đây - ai ở đầu dây thế?... Gabby yêu quý! Không gì
tuyệt bằng khi được nghe giọng anh!”
Những người mà bạn gọi là thần thánh chỉ là những kẻ trốn chạy khỏi thế
giới này. Họ là những thực thể bị kìm nén. Nếu có cơ hội họ còn lún sâu hơn cả
bạn. Chẳng qua là họ kiềm chế bản thân, cách này hay cách khác, vì sợ bị đọa
địa ngục và ham muốn được lên thiên đàng. Song những gì mà bạn kìm nén do sợ
hãi hoặc ham muốn đều còn nguyên đó. Không những còn nguyên đó mà nó còn trở
nên phi tự nhiên, bị lệch lạc, chuyển tới những vùng sâu hơn của tâm thức và vô
thức. Thế thì sẽ rất khó khăn để bứng tận gốc nó đi.
Gurdjieff là người theo Sufi giáo. Toàn bộ giáo huấn của ông đều bắt
nguồn từ những bậc thầy Sufi. Ông đã giới thiệu vào thế giới phương Tây những
phương pháp phác họa từng trung tâm và cho phép mỗi trung tâm vận hành trong
phạm vi của chúng.
Đầu óc phải hoạt động trong phạm vi liên quan đến lí trí, chỉ thế thôi.
Bạn có quan sát không? Đôi khi người ta nói: “Tôi nghĩ tôi yêu bạn”. Tôi nghĩ tôi yêu bạn. Tình yêu chẳng có gì
để mà nghĩ. Làm sao bạn có thể nghĩ
là bạn yêu tôi? Song những người này không biết cách thể hiện trực tiếp từ trái
tim; thậm chí trái tim phải thông qua đầu óc. Đơn giản họ không thể nói: “Tôi
yêu bạn”.
Khi tiếng nói xuất phát từ trái tim thì ngôn từ không cần thiết. Khí
tiếng nói xuất phát từ đầu óc thì chỉ có thể diễn tả bằng ngôn từ; không có
cách nào khác để nói ra.
Hãy nhìn và quan sát. Hãy để cho đầu óc thực hiện chức năng lí trí, hãy
để trái tim thực hiện chức năng cảm xúc, hãy để trung tâm tình dục thực hiện
chức năng tình dục. Để mọi thứ thực hiện đúng chức năng của nó. Đừng để những
cơ chế khác xáo trộn chúng với nhau, bằng không bạn sẽ làm lệch lạc bản năng.
Khi bản năng hoạt động tự nhiên, không bị cấm đoán, tự phát, không bị
hạn chế thì thân thể sẽ tinh khiết, sẽ hài hòa. Cơ thể của bạn sẽ chạy ro ro.
Lớp thứ năm này là lãnh vực chuyên môn của nam giới.
6. TRỰC GIÁC BỊ LỆCH LẠC
Lớp thứ sáu là
trực giác bị lệch lạc.
Chúng ta hầu
như không nhận thức được hiện tượng gọi là trực giác. Chúng ta không biết tới
bất kì thứ gì tương tự như trực giác đang tồn tại - bởi vì trực giác là lớp thứ
sáu. Năm lớp trên quá dày tới mức người ta không bao giờ cảm nhận được lớp thứ
sáu.
Trực giác là
một loại hiện tượng hoàn toàn khác biệt với lí trí. Lí trí thì lập luận, lí trí
phải vận dụng một quá trình mới đi tới được kết luận. Trực giác thực hiện bước
nhảy - nó là một cú nhảy lượng tử. Nó không biết đến quá trình. Đơn giản là nó
đi tới kết luận không cần bất cứ quá trình nào.
Nhiều nhà
toán học có thể giải quyết bất kì vấn đề toán học nào mà không cần trải qua quá
trình. Hoạt động của họ mang tính trực giác. Bạn chỉ cần nêu ra vấn đề, thậm
chí bạn còn chưa kịp dứt lời thì đã có lời giải. Không hề có một khoảng trống
thời gian nào. Bạn còn đang trình bày vấn đề và thời điểm bạn vừa dứt lời, hoặc
thậm chí còn chưa dứt lời, thì đã có lời giải đáp. Những nhà toán học luôn thắc
mắc trước hiện tượng lạ lùng này. Những người ấy - họ đã làm cách nào? Nếu một
nhà toán học giải quyết một vấn đề thì cần đến hai hoặc ba giờ, chí ít là một
giờ. Thậm chí máy vi tính cũng phải mất ít nhất vài phút để giải, song những
người ấy chẳng cần đến một tích tắc. Bạn nêu vấn đề và ngay lập tức... Thế nên
trong lãnh vực toán học hiện nay trực giác là một thực tế được công nhận.
Khi lí trí
chịu thua thì chỉ còn trực giác mới giải quyết được. Và tất cả những nhà khoa
học vĩ đại đều nhận thức được điều đó, khi mà mọi khám phá lớn của họ đều không
phải do lí trí mà do trực giác thực hiện. Bà Curie đã miệt mài ba năm trời cho
một vấn đề và cố gắng giải nó từ nhiều hướng. Mọi hướng đều thất bại. Một đêm,
quá kiệt sức, bà đi ngủ và quyết định... Một sự tình cờ tương tự cũng xảy ra
với Đức Phật. Đêm đó bà đã quyết định: “Thôi đủ rồi. Mình đã phí ba năm trời.
Một sự tìm kiếm vô ích. Mình phải bỏ thôi”. Đêm đó bà đã bỏ cuộc và đi ngủ.
Nửa đêm chợt
tỉnh giấc; bà bước đến bàn làm việc và viết ra lời giải. Rồi bà quay về giường
ngủ tiếp. Sáng dậy thậm chí bà còn không thể nhớ được, nhưng lời giải đã ở trên
bàn. Không có ai khác trong phòng, kể cả nếu có thì câu trả lời cũng không thể
có được. Bà đã làm việc miệt mài ba năm - một trong những đầu óc vĩ đại nhất
của thời ấy. Nhưng không có ai mà lời giải thì nằm đó. Thế rồi bà nhìn thêm ít
phút: đó là nét chữ của bà! Thế rồi bất thình lình giấc mơ tái hiện. Bà nhớ lại
dường như mình có giấc mơ đêm qua là mình ngồi ở bàn làm việc và viết gì đó.
Rồi dần dần mọi thứ tái hiện. Bà đã đi tới kết quả từ một cánh cửa nào khác chứ
không phải lí trí. Đó là trực giác.
Đức Phật đã
hết sức cố gắng sáu năm ròng để đạt chứng ngộ nhưng không thể. Ngày nọ ngài
buông bỏ toàn bộ ý tưởng đắc ngộ đó. Ngài ngồi nghỉ dưới gốc cây và đến sáng
hôm sau chuyện đó xảy ra. Khi mở mắt ngài đã ở trong trạng thái samadhi. Nhưng trước hết lí trí phải cạn
kiệt đã. Trực giác chỉ vận hành khi lí trí đã cạn kiệt.
Trực giác
không có quá trình; đơn giản nó nhảy từ vấn đề đến kết quả. Nó là một lối tắt.
Là một lóe chớp.
Chúng ta đã
làm trực giác bị lệch lạc. Trực giác của nam giới hầu như bị lệch lạc hoàn
toàn. Trực giác của phụ nữ chưa bị lệch lạc đến mức đó - đấy là lí do vì sao
phụ nữ có một thứ được gọi là linh cảm. Linh cảm chỉ là một mảnh của trực giác.
Không thể chứng minh linh cảm được. Bạn sắp sửa bay đi đâu đó, và đơn giản
người vợ nói rằng cô ấy sẽ không đi và không cho bạn đi đâu hết. Cô ấy có cảm
giác như thể chuyện gì đó sắp xảy ra. Bấy giờ điều ấy thật vô nghĩa - bạn có
nhiều việc phải làm, mọi thứ đã được lên kế hoạch và bạn phải đi, thế mà người
vợ lại không cho đi. Ngày hôm sau bạn đọc báo thấy tin chuyến bay bị không tặc
hoặc đã bị rơi, toàn bộ hành khách đều thiệt mạng. Bấy giờ người vợ không thể
nói được làm cách nào mà cô ấy biết. Không có cách nào. Đó chỉ là linh cảm, chỉ
là cảm giác bên trong. Nhưng điều đó cũng bị lệch lạc, đó là lí do vì sao chỉ
là lóe chớp.
Khi tất cả
năm lớp trước đều biến mất và bạn buông bỏ những ý tưởng cố hữu - bởi lẽ bạn
được dạy rằng lí trí là cánh cửa duy nhất dẫn đến mọi kết luận - khi bạn buông
bỏ sự ấn định, ấn định lí trí, trực giác bắt đầu nở hoa. Thế thì nó không chỉ
là lóe chớp, nó là một nguồn cố định. Bạn có thể nhắm mắt và bạn có thể đi vào
nó và luôn có thể tìm được hướng đi đúng. Nếu năm lớp trước bị phá bỏ, thế thì
có điều nảy sinh trong bạn mà có thể được
gọi là người dẫn đường bên trong. Bạn luôn có thể đi vào năng lượng trực giác
của mình, và bạn sẽ luôn tìm được lời khuyên đúng đắn.
Trực giác
thì đồng điệu với bản thân, hoàn toàn đồng điệu với bản thân. Vì sự đồng điệu
ấy, những giải pháp tự nảy sinh chẳng từ đâu cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét