Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (012)

VẬN HÀNH PHẦN NỮ TÍNH CỦA TÂM TRÍ
Thiền sư Goso Hoyen thường nói:
Khi người ta hỏi tôi Thiền là gì, tôi kể cho họ nghe chuyện này:
Nhận thấy cha mình ngày một già đi, con trai của một tay đạo chích đề nghị cha mình truyền nghề để anh ta có thể nối nghiệp nhà sau khi người cha giải nghệ.
Người cha đồng ý, và đêm đó họ cùng đột nhập vào một ngôi nhà nọ.
Cậy nắp một chiếc rương lớn, người cha bảo con chui vào để khoắng hết quần áo. Đứa con vừa chui vào trong, người cha khóa rương lại và đánh động khiến cả nhà tỉnh giấc. Rồi ông ta chuồn êm.
Bị khóa trong rương người con rất tức giận, hoảng sợ và bối rối không biết làm cách nào để thoát ra. Thế rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu - anh ta giả làm tiếng mèo kêu.
Gia chủ sai đứa hầu gái thắp nến và kiểm tra cái rương.
Khi chốt rương bật ra, người con nhảy ra ngoài, thổi tắt nến, phóng vụt qua mặt người hầu gái đang hoảng hốt rồi chạy mất. Người nhà đuổi theo.
Thấy một giếng nước bên đường, anh ta ném một hòn đá lớn xuống đó rồi núp vào bóng tối. Đám người đuổi theo bu quanh giếng nước cố nhìn xem tên trộm đang bị chìm.
Khi về đến nhà, đứa con rất giận cha mình và cố kể lại chuyện xảy ra; song người cha nói: “Đừng băn khoăn kể lể chi tiết làm gì. Con đã về đây nghĩa là con đã học được nghệ thuật rồi”.
Bản thể chỉ có một, còn thế giới thì nhiều... và giữa hai thứ đó là tâm trí bị chia tách, tâm trí kép. Nó giống như cái cây lớn, một cây sồi cổ thụ: chỉ có một thân, rồi cây chia thành hai nhánh chính, tách làm đôi, từ đó cả ngàn lẻ một nhánh con tách làm đôi mọc ra. Bản thể cũng tựa như thân cây - chỉ có một, không có hai, còn tâm trí là sự phân nhánh đầu tiên, ở chỗ cái cây chia thành hai nhánh, thành một cặp, thành hai phần biện chứng: chính đề và phản đề, nam và nữ, âm và dương, ngày và đêm, thượng đế và quỷ dữ, Yoga và Thiền. Tất cả các cặp đối ngẫu của thế giới về cơ bản nằm trong tính đối ngẫu của tâm trí - và bên dưới tính đối ngẫu ấy là tính duy nhất của bản thể. Nếu bạn trượt xuống, phía dưới tính đối ngẫu, bạn sẽ tìm được một thứ - hãy gọi đó là thượng đế, là niết bàn, là bất cứ tên gì bạn thích.
Nếu đi lên cao hơn, thông qua tính đối ngẫu, bạn sẽ tiến tới thế giới hàng triệu nhánh.
Đó là một trong những sự sáng suốt cơ bản nhất cần phải thấu hiểu - rằng tâm trí không phải là đơn thể. Vì vậy, tất cả những gì thấy được qua tâm trí đều biến thành hai. Tương tự như ánh sáng trắng đi qua lăng kính; ngay lập tức nó sẽ tán xạ thành bảy sắc cầu vồng. Trước khi đi qua lăng kính nó là một; đi qua lăng kính nó bị tán sắc và ánh sáng trắng biến thành bảy sắc cầu vồng.
Thế giới là cầu vồng, tâm trí là lăng kính, còn bản thể là tia sáng trắng.
Nghiên cứu hiện đại đã đi đến một kết luận đáng kể, một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỉ hai mươi, đó là: người ta không có một tâm trí - mà là hai tâm trí. Bộ não được chia thành hai bán cầu: bán cầu não phải và bán cầu não trái. Bán cầu não phải nối với tay trái, còn bán cầu não trái với tay phải - chéo nhau. Bán cầu não phải thiên về trực giác, phi logic, phi lí, thi vị, viển vông, giàu tưởng tượng, lãng mạn, hoang đường, sùng tín; còn bán cầu não trái - logic, hợp lí, chính xác, thực tế, khoa học, tính toán.
Hai bán cầu não thường xuyên xung đột với nhau - nền tảng của chính trị thế giới nằm trong con người bạn, hoạt động chính trị sôi nổi nhất ở trong con người bạn. Có thể bạn chưa nhận thức được, nhưng một khi nhận thức được rồi thì điều thật sự cần phải làm nằm đâu đó giữa hai tâm trí ấy.
Tay trái có liên quan đến bán cầu não phải - trực giác, trí tưởng tượng, hoang đường, thi ca, tôn giáo - và tay trái thường bị quy kết rất nhiều. Xã hội là của những người thuận tay phải - tay phải nghĩa là bán cầu não trái. Mười phần trăm trẻ em thuận tay trái bẩn sinh, song chúng bị buộc phải chuyển qua thuận tay phải. Trẻ em thuận tay trái bẩm sinh về cơ bản thường phi lí, có thiên hướng trực giác, kém tư duy toán học, hình học - chúng là mối nguy cho xã hội thế nên xã hội buộc chúng bằng mọi cách phải chuyển qua thuận tay phải. Đó không chỉ là vấn đề thuận tay, mà là vấn đề chính trị bên trong con người: đứa trẻ thuận tay trái thực hiện chức năng thông qua bán cầu não phài - điều mà xã hội không cho phép vì có nguy cơ, thế nên điều đó phải dừng lại trước khi đi quá xa.
Người ta ngờ rằng ban đầu tỉ lệ trẻ em thuận tay trái và trẻ em thuận tay phải là 50:50 - nhưng phe thuận tay phải nắm vai trò chỉ huy khá lâu nên dần dần tỉ lệ này giảm xuống còn 10:90. Thậm chí trong số những người ở đây có nhiều người thuận tay trái mà không nhận thức được. Bạn viết bằng tay phải và làm việc thuận tay phải, nhưng thời thơ ấu có thể bạn bị buộc phải chuyển qua tay phải. Đấy là mánh khóe, bởi lẽ một khi bạn trở thành thuận tay phải, bán cầu não trái bắt đầu hoạt động. Bán cầu não trái là lí trí; bán cầu não phải thì ngoài tầm lí trí, chức năng của nó không phải là toán học. Nó hoạt động trong những lóe chớp, nó mang tính trực giác - thật đáng yêu nhưng phi lí.
Nếu hiểu được sự phân loại này bạn sẽ hiểu được nhiều điều. Về giai cấp tư sản và vô sản, giai cấp vô sản luôn hoạt động thông qua bán cầu não phải. Người nghèo thường thiên về trực giác hơn. Hãy trở ngược về người nguyên thủy, họ thiên về trực giác hơn. Càng nghèo thì người ta càng ít trí tuệ hơn - và có lẽ đó là nguyên cớ của sự nghèo khó. Bởi vì ít trí tuệ người ta không thể cạnh tranh trong thế giới của lí trí. Càng ít rành rọt trong vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, liên quan đến lí trí, liên quan đến tính toán thì hầu như người ta càng ngốc nghếch. Đó có thể là nguyên cớ của sự nghèo khó.
Người giàu hoạt động thông qua bán cầu não trái; họ tính toán hơn, việc gì cũng quy ra số học, khôn vặt, thông minh, logic hơn - và họ luôn trù tính. Có lẽ đó là nguyên nhân của sự giàu có.
Không thể xóa bỏ giai cấp tư sản và giai cấp vô sản bằng cách mạng vô sản, không hề, bởi vì cách mạng vô sản cũng do chính những con người ấy thực hiện. Sa hoàng cai trị nước Nga, ông ta cai trị thông qua bán cầu não trái. Thế rồi Lenin thay thế, cũng cùng một loại người. Rồi Stalin thay thế Lenin, càng cùng một loại người. Cách mạng là giả tạo vì sâu bên trong vẫn cùng một loại người cai trị - phe cai trị và phe bị trị vẫn y hệt, phe bị trị vẫn là những người thuộc về bán cầu não phải. Thế nên bất kể điều gì bạn làm ngoài thế giới cũng chẳng thật sự làm khác đi, nó chỉ mang tính bề mặt.
Tương tự với nam giới và nữ giới. Nữ giới là những người của bán cầu não phải, còn nam giới của bán cầu não trái. Đàn ông cai trị phụ nữ suốt nhiều thế kỉ. Ngày nay một số phụ nữ đang nổi dậy, song điều đáng ngạc nhiên là những phụ nữ này cũng cùng một loại người. Thực tế họ chẳng khác gì đàn ông - cũng lí trí, hiếu thắng, thực tế. Có thể vào một ngày nào đó, cũng giống như cách mạng vô sản thành công ở Nga và Trung Quốc, ở đâu đó như Hoa Kì chẳng hạn, phụ nữ có thể thành công trong việc lật đổ đàn ông. Nhưng khi thành công, phụ nữ sẽ không còn là phụ nữ nữa, vì họ sẽ trở thành những người của bán cầu não trái. Bởi lẽ để tranh đấu người ta phải tính toán, và để tranh đấu với đàn ông họ phải giống như đàn ông, phải hung hăng. Tính hiếu chiến đó đã được thể hiện trong các phong trào giải phóng phự nữ trên khắp thế giới. Những phụ nữ đã góp phần trong phong trào giải phóng phụ nữ đều rất hung hăng, họ đánh mất sự duyên dáng, những thứ xuất phát từ trực giác. Bởi lẽ nếu phải tranh đấu với nam giới, phụ nữ phải học những mánh khóe tương tự; nếu phải tranh đấu với nam giới, phụ nữ phải dùng những kĩ thuật tương tự.
Chiến đấu với người khác thì nguy hiểm bởi lẽ bạn sẽ trở nên giống kẻ thù. Đó là một trong những vấn đề lớn nhất của nhân loại. Một khi bạn chiến đấu với ai đó, dần dần bạn sẽ phải dùng những kĩ thuật và cách thức tương tự. Thế thì có thể đánh bại kẻ thù nhưng ngay lúc kẻ thù bị đánh bại bạn lại trở thành kẻ thù của chính mình. Stalin thì giống Sa hoàng hơn bất cứ Sa hoàng nào, bạo lực hơn bất cứ Sa hoàng nào. Dĩ nhiên là phải như thế: để lật đổ Sa hoàng phải cần những người rất bạo lực, còn bạo lực hơn cả Sa hoàng. Chỉ có họ mới trở thành người cách mạng, mới vượt lên đỉnh. Ngay lúc lên đến đó, chính họ lại trở thành Sa hoàng, và xã hội tiếp tục đi theo lối mòn. Chỉ những thứ ngoài bề mặt thay đổi, còn sâu bên trong xung đột vẫn còn nguyên.
Xung đột xảy ra bên trong con người. Trừ phi được giải quyết ở đó, bằng không thì không thể giải quyết ở chỗ khác. Chính trị ở bên trong bạn; ở giữa hai phần của tâm trí.
Tồn tại một cây cầu nhỏ. Nếu cây cầu bị phá hủy do một sự tình cờ nào đó, do sự khiếm khuyết về sinh lí hoặc những thứ khác, người ta trở nên bị chia tách, người ta trở thành hai con người, xảy ra hiện tượng tâm thần phân liệt hoặc “lưỡng nhân cách”. Nếu cây cầu bị gãy - mà cầu thì rất mỏng manh - thế thì bạn trở thành hai người, bạn hành xử như hai người. Buổi sáng bạn thật đáng yêu, tươi đẹp; còn tối đến lại giận dữ, hoàn toàn khác biệt. Bạn không nhớ con người buổi sáng của mình - làm sao bạn nhớ được? Tâm trí khác đang hoạt động - và một người hóa thành hai. Nếu cây cầu được gia cố tới mức hai tâm trí không còn là hai mà nhập thành một, thế thì nảy sinh sự hợp nhất, sự kết tinh. Điều mà Gurdjieff thường gọi là “sự kết tinh của bản thể” không là gì ngoài việc hai tâm trí nhập thành một, sự gặp gỡ của nam và nữ bên trong, sự gặp gỡ của âm và dương, sự gặp gỡ của trái và phải, sự gặp gỡ của logic và phi logic, sự gặp gỡ của Plato và Aristotle.
Nếu có thể hiểu được điều cơ bản sự phân đôi của nhánh cây tâm trí, thế thì bạn có thể hiểu được tất cả xung đột ở chung quanh và bên trong con người bạn.
Để tôi kể bạn nghe một chuyện vui:
Trong số dân nói tiếng Đức thì người Berlin được coi là hình ảnh thu nhỏ của tính cộc cằn và hiệu quả của người Phổ, trong khi người Vienna lại đậm nét quyến rũ và thoải mái của người Áo. Có chuyện là một người Berlin đến thăm Vienna bị lạc đường và cần chỉ dẫn. Người Berlin ấy sẽ làm gì? Anh ta túm lấy ve áo của một người Vienna đầu tiên bắt gặp và quát lớn: “Bưu điện ở đâu?”
Người Vienna giật thót mình nhẹ nhàng gỡ tay người kia ra, vuốt lại ve áo và từ tốn nói: “Thưa quý ông, thật nhã nhặn hơn nếu như ông tiến lại gần tôi và hỏi một cách lịch sự: Thưa quý ông, nếu có thời gian và biết đường, làm ơn chỉ cho tôi đường đến bưu điện?”
Người Berlin hết sức ngạc nhiên nhìn chằm chằm người kia một lúc rồi lầm bầm: “Thà lạc đường còn hơn!” rồi dậm chân đi mất.
Tương tự, một người Vienna cũng đến chơi Berlin năm đó, và anh ta cần tìm đường đến bưu điện. Tiến đến gần một người Berlin, anh ta lịch sự hỏi: “Thưa quý ông, nếu có thời gian và biết đường, làm ơn chỉ cho tôi đường đến bưu điện?”
Người Berlin trả lời nhanh như máy: “Nhìn trước mặt, đi qua hai dãy nhà, rẽ phải, qua một dãy nhà, sang đường, chếch bên phải, đi bên trái băng qua đường xe lửa, qua quầy báo là vào sảnh bưu điện.”
Người Vienna còn đang bảy mờ ba tỏ, tuy thế vẫn thì thầm: “Ngàn lần cảm tạ quý ông tốt bụng”, trong khi đó người Berlin cáu tiết túm mạnh ve áo người kia và quát: “Đừng bận tâm chuyện ơn huệ làm gì, nhắc lại chỉ dẫn xem!”
Tâm trí nam giới như người Berlin; còn tâm trí nữ giới như người Vienna. Tâm trí nữ giới thiên về sự thanh nhã, tâm trí nam giới thiên về tính hiệu quả. Dĩ nhiên, về lâu về dài, nếu xảy ra xung đột liên miên thì sự duyên dáng ắt sẽ thất bại còn tính hiệu quả sẽ chiến thắng, bởi lẽ thế giới này hiểu theo ngôn ngữ toán học chứ không phải ngôn ngữ tình yêu. Song vào khoảnh khắc tính hiệu quả chiến thắng sự duyên dáng thì cũng là lúc bạn đã đánh mất một thứ vô cùng quý giá: đánh mất sự tiếp xúc với bản thể của chính mình. Bạn có thể trở nên rất hiệu quả, nhưng bạn sẽ không thật sự còn là người nữa. Bạn sẽ trở thành cỗ máy, một con robot.
Vì thế nên có sự xung đột liên tục giữa nam giới và nữ giới. Nam nữ không thể tách rời mà phải luôn luôn duy trì trong mối quan hệ, nhưng lại không thể cùng nhau. Cuộc chiến không phải ở bên ngoài, cuộc chiến bên trong con người bạn.
Và theo tôi hiểu: trừ phi giải quyết được cuộc chiến bên trong bạn giữa hai bán cầu não trái và phải, bằng không bạn sẽ không thể nào yên bình trong tình yêu - không bao giờ - bởi lẽ cuộc chiến bên trong sẽ phản ánh ra ngoài. Nếu bạn chiến đấu bên trong và đồng nhất với bán cầu não trái, bán cầu não của lí trí, bạn sẽ liên tục cố gắng lấn át bán cầu não phải, bạn sẽ cố làm điều tương tự với người phụ nữ mình yêu. Nếu người phụ nữ liên tục chiến đấu với lí trí bên trong bản thân mình, cô ấy sẽ liên tục chiến đấu với người đàn ông mình yêu.
Tất cả các mối quan hệ - hầu như tất cả, trường hợp ngoại lệ hầu như không đáng kể, không cần tính tới - đều tồi tệ. Lúc đầu thì đẹp đẽ - lúc đầu bạn chưa thể hiện con người thật; lúc đầu bạn còn giả vờ. Một khi mối quan hệ đâu vào đấy thì bạn thư giãn, xung đột bên trong nổi bọt và bắt đầu phản ánh trong mối quan hệ. Thế rồi bắt đầu cuộc chiến, thế rồi bắt đầu ngàn lẻ một cách mè nheo lẫn nhau, hủy hoại lẫn nhau.
Người ta đến chỗ tôi và hỏi làm thế nào để đi sâu vào mối quan hệ. Tôi nói với họ: “Trước tiên hãy đi sâu vào thiền”. Trừ phi bạn giải quyết vấn đề bên trong con người mình, bằng không bạn sẽ gây ra thêm nhiều vấn đề hơn nữa. Nếu bạn đi vào mối quan hệ, tất cả những vấn đề của bạn sẽ còn nhân lên thêm. Hãy nhìn xem - tình yêu là thứ vĩ đại nhất và đẹp nhất trên đời, song bạn có thể thấy nó còn tồi tệ hơn, địa ngục hơn nữa.
Mulla Nasruddin có lần nói với tôi: “Này, tôi đã trì hoãn cái ngày quái quỷ ấy hàng tháng trời, song lần này tôi phải dấn tới thôi”.
“Đi khám nha sĩ hay bác sĩ?” Tôi hỏi.
“Không phải,” ông trả lời, “tôi lấy vợ.”
Người ta tiếp tục tránh né hôn nhân, người ta tiếp tục trì hoãn. Rồi đến một ngày họ thấy không thể thoát được, chỉ khi ấy họ mới buông lỏng. Nếu bạn ở bên ngoài, nó có thể trông như một ốc đảo xinh đẹp giữa sa mạc - nhưng khi bạn tới gần, ốc đảo bắt đầu khô cạn và biến mất. Một khi bạn bị buộc vào trong, nó tựa như nhà tù - song nên nhớ, sự cầm tù không xuất phát từ người khác, mà từ chính bạn.
Nếu bán cầu não trái tiếp tục chi phối bạn, bạn sẽ có một cuộc sống thành đạt - thành đạt tới mức vào tuổi bốn mươi bạn sẽ có những ung nhọt; vào tuổi bốn lăm bạn sẽ có ít nhất một hai cơn nhồi máu cơ tim. Vào tuổi năm mươi bạn hầu như đã chết - chết một cách thành công! Bạn có thể trở thành một nhà khoa học vĩ đại, nhưng bạn sẽ không bao giờ trở thành một sinh linh vĩ đại. Bạn có thể tích lũy đủ của cải, nhưng bạn sẽ đánh mất tất cả những gì đáng giá. Bạn có thể chinh phục được toàn thế giới như Alexander Đại đế, nhưng vẫn không chinh phục được vùng đất bên trong con người bạn.
Có nhiều điều hấp dẫn để đi theo bán cầu não trái. Đó là bộ não của thế giới bên ngoài; liên quan đến những thứ như: xe cộ, tiền bạc, nhà cửa, quyền lực, thanh thế. Đó là định hướng của người đàn ông mà ở Ấn Độ chúng tôi gọi là grustha, người chủ nhà.
Bán cầu não phải là định hướng của khất sĩ (sannyasin), người quan tâm đến bản thể bên trong, sự bình yên nội tâm, sự an lạc của mình, và ít quan tâm đến những sự vật bên ngoài. Nếu chúng tới dễ dàng, tốt thôi; nếu không tới, cũng tốt. Khất sĩ quan tâm nhiều đến khoảnh khắc, ít quan tâm đến tương lai; quan tâm nhiều đến thi vị của cuộc sống, ít quan tâm đến những con số.
Tôi có nghe một chuyện vui:
Finkelstein vừa thắng giải lớn cuộc đua ngựa, và dễ hiểu là Muscovitz cảm thấy đố kị:
“Anh đã làm điều đó bằng cách nào, Finkelstein?”
“Dễ mà,” Finkelstein trả lời, “tôi nằm mơ thấy.”
“Nằm mơ?”
“Đúng thế. Tôi tính toán đặt cược cho ba con ngựa về đầu, song còn chưa chắc chắn ở con về thứ ba. Thế rồi đêm hôm trước tôi mơ thấy một thiên thần đứng ở đầu giường tôi nằm và nói: ‘Chúa ban phúc lành cho con, Finkelstein, bảy lần bảy phù hộ cho con’. Khi tỉnh giấc tôi nhận ra rằng bảy lần bảy là 48 và con ngựa số 48 có tên là Giấc Mơ Thiên Đàng. Tôi đặt cuợc con Giấc Mơ Thiên Đàng là con ngựa về thứ ba, rồi tôi kiếm được một món lớn, đơn giản là kiếm được một món lớn.”
“Nhưng này Finkelstein, bảy lần bảy là 49 mà!” Muscovitz thắc mắc.
“Thế thì anh cũng chỉ là nhà toán học mà thôi.” Finkelstein trả lời.
Có một cách để đi theo cuộc sống qua số học, và có cách khác để đi theo cuộc sống qua những giấc mơ, qua giấc mơ và những hình ảnh. Chúng hoàn toàn khác biệt.
Mới hôm nọ có người hỏi: “Có ma quỷ, thần tiên và những thứ tương tự hay không?”. Vâng, có đấy - nếu bạn chuyển qua bán cầu não phải, thì có đấy. Nếu bạn chuyển qua bán cầu não trái thì không có đâu. Tất cả trẻ em đều thiên về bán cầu não phải; chúng thấy được thần tiên, ma quỷ khắp xung quanh. Nhưng nếu bạn vẫn cứ giảng giải rồi đặt chúng về đúng chỗ và nói: “Vớ vẩn. Các con ngốc thật. Làm gì có thần tiên? Chẳng có gì, chỉ là ảo ảnh”. Dần dà bạn thuyết phục được đứa trẻ, đứa trẻ ngây thơ - dần dà bạn thuyết phục được nó chuyển từ định hướng bán cầu não phải sang bán cầu não trái. Nó phải thế - nó phải sống trong thế giới của bạn. Nó phải quên đi những giấc mơ, nó phải quên đi chuyện thần thoại, nó phải quên đi thi vị, nó phải học tính toán. Dĩ nhiên nó sẽ trở nên hiệu quả trong tính toán - và hầu như trở nên què quặt và tê liệt trong cuộc sống. Hiện hữu tiếp tục đi càng ngày càng xa, còn nó chỉ trở thành một món hàng ngoài chợ, toàn bộ cuộc đời nó trở thành rác rưởi... mặc dù, tất nhiên, có giá trị trong mắt của thế giới.
Khất sĩ là người sống qua tưởng tượng, người sống qua phẩm chất mơ mộng của tâm trí. Người sống qua chất thơ, người thi vị hóa cuộc sống, người nhìn qua những hình ảnh - thế thì họ thấy cây cỏ xanh tươi hơn bạn thấy, thế thì chim muông đẹp hơn, thế thì mọi thứ có phẩm chất sáng chói. Viên sỏi tầm thường hóa thành kim cương; hòn đá tầm thường không còn tầm thường nữa - không có gì tầm thường! Nếu bạn nhìn từ bán cầu não phải, mọi thứ đều trở nên thiêng liêng, thần thánh.
Một người ngồi uống trà với bạn mình trong quán cà phê. Anh ta ngắm chiếc tách và thở dài:
“Này bạn, đời người như chiếc tách trà.”
“Nhưng vì sao? Vì sao đời người lại giống tách trà?” Người bạn ngẫm nghĩ một chốc rồi nói.
“Làm sao tôi biết được? Tôi có phải là triết gia đâu?” Người kia đáp.
Bán cầu não phải chỉ phát biểu sự việc, mà không đưa ra lí do. Nếu hỏi: “Tại sao?” thì nó chỉ biết im lặng, không có câu trả lời. Nếu bạn đang đi dạo và thấy một đóa sen rồi bạn nói: “Thật đẹp!” rồi người khác hỏi: “Tại sao?” - bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ nói: “Làm sao tôi biết được? Tôi có phải là triết gia đâu?”
Đơn giản đó là phát biểu, một phát biểu rất đơn giản, tự thân nó đầy đủ, toàn vẹn. Không có lí do nào đằng sau nó và không có kết quả nào sau nó, đó là phát biểu một sự việc. Hãy đọc các bộ Áo nghĩa thư (Upanishads) - đơn giản chúng phát biểu những sự việc. Chúng nói: “Thượng đế tồn tại - đừng hỏi tại sao”. Chúng sẽ nói: “Chúng tôi có phải là triết gia đâu? Làm sao chúng tôi biết được? Thượng đế tồn tại”. Chúng nói Thượng đế rất đẹp, chúng nói Thượng đế rất gần, gần hơn trái tim bạn, nhưng đừng hỏi tại sao - chúng không phải là triết gia.
Hãy nhìn vào phúc âm và những phát biểu của Chúa Jesus - chúng thật đơn giản. Ngài nói: “Thượng đế của ta ở trên trời. Ta là con của người, người là cha ta”. Đừng hỏi tại sao. Ngài sẽ không thể chứng minh trước tòa, đơn giản ngài sẽ nói: “Ta biết vậy”. Nếu hỏi ngài rằng ai nói cho ông biết, quyền lực nào sai khiến ông nói thế, thì ngài sẽ trả lời: “Là quyền lực ngay trong bản thân ta. Chẳng có quyền lực nào sai khiến”.
Đó là vấn đề khi một người như Jesus bước vào thế giới. Tâm trí duy lí không thể hiểu được. Ngài bị đóng đinh vì một lí do khác. Ngài bị bán cầu não trái đóng đinh bởi lẽ ngài là người của bán cầu não phải. Ngài bị đóng đinh câu rút do xung đột bên trong.
Lão Tử nói: “Dường như toàn thế gian đều thông minh, chỉ có ta là ngu ngốc; dường như toàn thế gian đều chắc chắn, chỉ có ta bối rối và do dự”. Ông là người của bán cầu não phải.
Bán cầu não phải là bán cầu của thơ ca và tình yêu. Một thay đổi lớn lao cần thiết; thay đổi đó là chuyển biến bên trong. Yoga là một nỗ lực để đạt tới tính đơn nhất của bản thể thông qua bán cầu não trái, dùng logic, toán học, khoa học và cố gắng đi về phía bên kia. Thiền thì ngược lại: mục đích giống nhau, song Thiền dùng bán cầu não phải để đi về phía bên kia. Có thể dùng hai cách, nhưng theo Yoga thì con đường sẽ rất dài; gần như một cuộc chiến không cần thiết bởi lẽ bạn đang cố gắng từ lí trí để đạt tới siêu lí trí, sẽ khó khăn hơn. Thiền thì dễ hơn bởi lẽ nó là nỗ lực từ phi lí để đạt tới siêu lí. Phi lí thì gần giống với siêu lí, không có những rào cản. Yoga thì giống như đi xuyên qua tường còn Thiền thì giống như mở cánh cửa. Cánh cửa có thể bị đóng hoàn toàn, bạn chỉ đẩy một chút và nó mở ra.
Bây giờ quay về với câu chuyện. Đó là một trong những giai thoại Thiền hay nhất. Thiền giả nói thông qua những câu chuyện - họ phải nói qua những câu chuyện bởi lẽ họ không thể tạo ra lí thuyết và học thuyết, họ chỉ có thể kể chuyện. Họ là những người kể chuyện tuyệt vời. Jesus vẫn thường kể chuyện ngụ ngôn, Phật vẫn kể chuyện ngụ ngôn, những nhà huyền môn Sufi vẫn kể chuyện ngụ ngôn - đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chuyện kể, chuyện ngụ ngôn, giai thoại là phương cách của bán cầu não phải; tranh luận logic, chứng minh, suy luận là phương cách của bán cầu não trái.
Hãy lắng nghe:
Goso Hoyen thường nói: “Khi người ta hỏi tôi Thiền là gì, tôi thường kể cho họ nghe chuyện này”.
Câu chuyện này thật sự nói lên Thiền là gì - không định nghĩa, mà ám chỉ. Không thể định nghĩa bởi lẽ phẩm chất cơ bản của Thiền là không thể định nghĩa được. Bạn có thể nếm hương vị, nhưng không thể định nghĩa; bạn có thể sống nó nhưng ngôn ngữ thì không đủ để diễn tả; bạn có thể chỉ ra nhưng không thể nói ra. Song qua câu chuyện kể có thể chuyển tải được ít nhiều. Câu chuyện này thật sự ám chỉ, ám chỉ một cách hoàn hảo Thiền là gì.
Đây chỉ là điệu bộ, đừng định nghĩa, đừng triết lí hóa nó, cứ để nó như một tia chớp, một lóe chớp của thấu hiểu. Nó sẽ không làm tăng kiến thức, nhưng nó có thể đem lại thay đổi, một cú đẩy, một sự biến dạng. Bạn có thể bị ném từ góc này của tâm trí sang góc khác... và đó là toàn bộ điểm mấu chốt của câu chuyện.
Nhận thấy cha mình ngày một già đi, con trai của một tay đạo chích yêu cầu cha mình truyền nghề để anh ta có thể nối nghiệp nhà sau khi người cha giải nghệ.
Nghề đạo chích không phải là một việc mang tính khoa học, mà là nghệ thuật. Những tay đạo chích là những nhà thơ bẩm sinh; bạn có thể học, nhưng việc học chẳng giúp ích gì. Nếu học thì có thể bạn sẽ bị bắt vì cảnh sát còn biết nhiều hơn bạn - họ đã tích lũy cả thế kỉ học tập.
Một tên trộm là trộm bẩm sinh. Hắn sống bằng trực giác, đó là tài lẻ. Hắn sống bằng linh cảm - một tên trộm thì âm tính. Hắn không là người kinh doanh, hắn là một con bạc, hắn mạo hiểm tất cả chẳng vì cái gì. Toàn bộ nghề nghiệp của hắn là rủi ro và nguy hiểm. Giống như một kẻ tu hành. Những Thiền giả nói rằng người tu hành cũng giống như đạo chích: trong việc tìm kiếm Thượng đế họ cũng là kẻ trộm. Không có cách nào để đạt tới Thượng đế qua logic hoặc lí trí hoặc xã hội, văn hóa, văn minh được chấp nhận. Họ trổ vách và vào bằng cửa sau. Nếu không được phép vào ban ngày, họ vào lúc đêm tối. Nếu không thể đi theo đám đông trên siêu xa lộ, họ tạo đường mòn riêng trong rừng. Phải, có một sự tương đồng nhất định. Bạn có thể đạt tới Thượng đế nếu bạn là kẻ trộm, người nghệ sĩ biết bí quyết trộm lửa, hay trộm kho báu.
Người cha sắp giải nghệ và đứa con đề nghị: “Trước khi giải nghệ hãy truyền nghề cho con”.
Người cha đồng ý, và đêm đó họ cùng đột nhập vào một ngôi nhà nọ.
Cậy nắp một chiếc rương lớn, người cha bảo con chui vào để khoắng hết quần áo. Đứa con vừa chui vào trong, người cha khóa rương lại và đánh động khiến cả nhà tỉnh giấc. Rồi ông ta chuồn êm.
Ông ta ắt phải là một bậc thầy thật sự, không phải kẻ trộm tầm thường.
Bị khóa trong rương người con rất tức giận, hoảng sợ và bối rối.
Dĩ nhiên là đúng lẽ tự nhiên thôi! Kiểu truyền nghề gì thế này? Anh ta bị ném vào tình huống nguy hiểm. Song đó là cách duy nhất để dạy một điều chưa biết. Đó là cách duy nhất để dạy một điều thuộc bán cầu não phải.
Có thể dạy bán cầu não trái ở trường học: có thể học, có thể có môn học, những khóa học từng bậc. Thế thì dần dà chuyển từ lớp này sang lớp khác, bạn trở thành bậc thầy về nghệ thuật và khoa học và nhiều thứ khác. Nhưng không thể có trường học nào cho bán cầu não phải: đó là trực giác, không phải từng bậc. Nó bất thình lình; như một lóe chớp, một tia chớp giữa đêm đen. Nếu nó xảy ra là nó xảy ra. Nếu không xảy ra thì không xảy ra; không thể làm gì với nó. Bạn chỉ có thể để bản thân mình trong một tình huống nhất định mà dễ có khả năng xảy ra hơn thôi.
Đó là lí do vì sao tôi nói người cha ắt phải là một bậc thầy.
Bị khóa trong rương người con rất tức giận, hoảng sợ và bối rối.
Bấy giờ không có cách logic nào để thoát ra khỏi rương: nó bị khóa bên ngoài, người cha đánh động, cả nhà tỉnh giấc, người ta đi quanh, tìm kiếm, còn người cha đã lỉnh mất. Bấy giờ có phương cách logic nào để thoát ra khỏi rương? Đơn giản logic bó tay, lí trí chẳng có chỗ mà dùng. Bạn có thể nghĩ gì? Tâm trí đột nhiên ngưng đọng - và đó là những gì người cha làm, đó là tất cả những gì đáng nói. Người cha cố ép đứa con vào một tình huống mà tâm trí logic phải ngưng đọng, sớm muộn gì nó sẽ bị cảnh sát bắt bởi lẽ họ cũng đi theo một logic tương tự.
Chuyện xảy ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong vòng ba năm Adolph Hitler liên tục chiến thắng, và lí do là ông ta phi logic. Tất cả các nước đối đầu với ông ta chiến đấu theo logic. Dĩ nhiên, họ có cả một khoa học lớn về chiến tranh, huấn luyện quân sự, điều này điều nọ, và họ có những chuyên gia đã nhận xét: “Bây giờ Hitler sẽ tấn công từ cánh này”. Và nếu Hitler nghĩ thế thì ông ta cũng sẽ làm như vậy, bởi lẽ đó là điểm phòng bị yếu nhất của đối phương. Lẽ tất nhiên đối phương phải bị tấn công ở điểm yếu nhất - đó là logic. Thế nên họ dự định Hitler phải tấn công ở điểm yếu nhất, họ sẽ tập trung quân ở điểm yếu nhất, và ông ta sẽ tấn công bất cứ chỗ nào, không đoán trước được.
Ông ta thậm chí không theo lời khuyên của những tướng lãnh, ông ta có một nhà chiêm tinh người sẽ đề xuất vị trí tấn công. Bấy giờ đó là điều chưa từng ai làm trước đây - chiến tranh không thể do những nhà chiêm tinh điều khiển! Một lần Churchill tìm hiểu được, các điệp viên đến báo cáo rằng họ không thể thắng được người này vì ông ta hoàn toàn phi logic - một nhà chiêm tinh ngốc nghếch chẳng biết gì về chiến tranh, chưa từng ra ngoài mặt trận, lại quyết định sự việc, quyết định theo các chòm sao... Các chòm sao thì có quan hệ gì đến cuộc chiến tranh trên mặt đất? Churchill lập tức cử một nhà chiêm tinh hoàng gia của nhà vua và bắt đầu làm theo lời của nhà chiêm tinh này. Thế rồi sự việc trở nên ổn thỏa vì giờ đây có hai kẻ ngốc tiên liệu mọi việc. Mọi thứ trở nên đơn giản.
Nếu tên trộm đi theo học thuyết của Aristotle, sớm muốn gì hắn cũng sẽ bị bắt bởi lẽ cảnh sát cũng đi theo logic của Aristotle. Nếu bạn hành động theo logic, thế thì bất cứ ai theo phương pháp logic cũng có thể bắt được bạn ở bất cứ đâu. Tên trộm phải là người không thể đoán trước được, không thể theo logic được. Hắn phải phi logic - tới mức không ai có thể đoán trước được. Nhưng phi logic chỉ có thể nếu toàn bộ năng lượng của bạn chuyển qua bán cầu não phải.
Bị khóa trong rương người con rất tức giận, hoảng sợ và bối rối không biết làm cách nào để thoát ra.
Làm cách nào” là một câu hỏi logic. Vì vậy anh ta hoảng sợ bởi lẽ không có cách nào - đơn giản “làm cách nào” là bất khả.
Thế rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu - bấy giờ đấy là sự thay đổi. Chỉ trong tình huống nguy hiểm khi mà bán cầu não trái không thể hoạt động được nữa, như một phương sách cuối cùng, nó cho phép bán cầu não phải lên tiếng. Khi không thể hoạt động, khi cảm thấy chẳng còn chỗ thoát, thất bại là chắc, nó mới nói sao không cho cái phần tâm trí bị đè nén, bị cầm tù kia một cơ hội? Cũng là cho chính nó một cơ hội nữa. Chắc là... đâu hề hấn gì.
Thế rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu, anh ta giả làm tiếng mèo kêu.
Bấy giờ đấy không phải là logic. Giả làm tiếng mèo kêu? Đơn giản là một ý tưởng ngớ ngẩn. Song nó lại hiệu quả.
Gia chủ sai đứa hầu gái thắp nến và kiểm tra cái rương.
Khi chốt rương bật ra, người con nhảy ra ngoài, thổi tắt nến, phóng vụt qua mặt người hầu gái đang hoảng hốt rồi chạy mất. Người nhà đuổi theo.
Thấy một giếng nước bên đường, anh ta ném một hòn đá lớn xuống đó rồi núp vào bóng tối. Đám người đuổi theo bu quanh giếng nước cố nhìn xem tên trộm đang bị chìm.
Đấy cũng không phải là tâm trí logic. Bởi vì tâm trí logic cần thời gian - tâm trí logic cần thời gian để xử lí, để nghĩ, để lập luận cách này hay cách khác, tất cả các phương án. Và có cả ngàn lẻ một phương án. Nhưng khi đang ở trong tình huống đó không có thời gian để nghĩ. Nếu đang bị người ta đuổi theo làm thế nào mà nghĩ được? Suy nghĩ thì tốt khi ngồi trong ghế bành. Nhắm mắt và bạn có thể triết lí, nghĩ ngợi, lập luận, tán thành điều này phản đối điều kia, theo và chống. Nhưng khi người ta đuổi theo bạn và tính mạng của bạn trong vòng nguy hiểm, bạn làm gì có thời gian mà nghĩ - người ta sống trong một khoảnh khắc, đơn giản người ta trở nên tự phát. Không phải là người con quyết định ném hòn đá, đơn giản là chuyện ấy xảy ra. Đó không phải là kết luận, anh ta không nghĩ về việc ấy, đơn giản là anh ta thấy mình làm như vậy. Anh ta ném hòn đá xuống giếng rồi núp vào bóng tối. Và đám người đuổi theo dừng lại, nghĩ rằng tên trộm bị chìm dưới giếng.
Khi về đến nhà, đứa con rất giận cha mình và cố kể lại chuyện xảy ra; song người cha nói: “Đừng băn khoăn kể lể chi tiết làm gì. Con đã về đây nghĩa là con đã học được nghệ thuật rồi”.
Kể lể chi tiết thì có gì quan trọng? Điều đó vô ích.
Trong chừng mực liên quan đến trực giác thì chi tiết chẳng có ích lợi gì bởi lẽ trực giác không bao giờ lặp lại. Chi tiết chỉ có ý nghĩa trong chừng mực liên quan đến logic; thế nên những người logic vẫn cứ đi sâu vào chi tiết, để nếu có tình huống tương tự xảy ra, họ có thể kiểm soát được và sẽ biết phải làm gì. Nhưng trong cuộc đời đạo chích thì tình huống tương tự không bao giờ lặp lại.
Và trong cuộc sống thực tình huống tương tự cũng không bao giờ lặp lại. Nếu bạn có kết luận trong đầu thì coi như bạn trở thành người chết, bạn sẽ không đáp trả. Mà trong cuộc sống thì cần thiết sự đáp trả chứ không phải phản ứng: bạn phải hành động tức thời, không có kết luận trong đầu. Bạn phải hành động không cần bất cứ trung tâm nào của cơ thể - bạn phải hành động từ cái chưa biết đến cái chưa biết.
Và đó là những gì Goso Hoyen thường nói khi người ta hỏi ông Thiền là gì. Ông sẽ kể câu chuyện này. Chính xác thì Thiền giống như nghề đạo chích! Nó là một nghệ thuật chứ không phải khoa học. Nó mang nữ tính chứ không phải nam tính; nó không hung hăng mà là tiếp nhận. Nó không phải là phương pháp luận được hoạch định kĩ lưỡng mà tự phát. Nó không liên quan gì đến lí thuyết, giả thuyết, học thuyết, kinh sách; nó chỉ liên quan đến một thứ duy nhất, đó là nhận thức.
Điều gì xảy ra tại khoảnh khắc mà đứa con bị khóa trong rương? Vào khoảnh khắc nguy hiểm như thế bạn không thể ngủ được, vào khoảnh khắc nguy hiểm như thế ý thức trở nên sắc bén - phải thế thôi. Khí mạng sống như mành treo chuông, bạn phải hoàn toàn tỉnh thức.
Đó là cách mà người ta phải hoàn toàn tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Khi bạn hoàn toàn tỉnh thức thì sự chuyển biến xảy ra. Năng lượng dịch chuyển từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải.
Bất cứ lúc nào tỉnh thức, bạn trở nên có trực giác; những lóe chớp đến với bạn, những lóe chớp từ cái chưa biết, hoàn toàn bất ngờ. Bạn có thể không đi theo chúng - thế thì bạn sẽ bỏ lỡ nhiều thứ.
Bất cứ lúc nào bạn bị dồn vào chân tường và logic chịu bó tay, đừng liều mạng, đừng tuyệt vọng. Những khoảnh khắc đó có thể chứng tỏ được phúc lành tuyệt diệu nhất trong đời. Những khoảnh khắc mà bán cẩu trái cho phép bán cầu phải hoạt động theo cách của nó. Thế thì phần nữ tính, phần tiếp nhận, sẽ cho bạn ý tưởng. Nếu theo nó thì nhiều cánh cửa sẽ được mở. Song bạn có thể bỏ lỡ; bạn có thể nói: “Thật vớ vẩn!”
Đứa con có thể bỏ lỡ. Ý tưởng không bình thường, không thông thường, không logic cho lắm - giả làm tiếng mèo kêu? Để làm gì? Anh ta có thể hỏi: “Tại sao?” và thế thì anh ta sẽ bỏ lỡ. Nhưng anh ta không thể hỏi bởi lẽ tình huống là như vậy - không có cách nào khác. Thế nên anh ta nghĩ: “Hãy thử xem. Có thiệt hại gì đâu?”. Anh ta đã lần ra manh mối.
Người cha đã đúng. Ông nói: “Đừng đi vào chi tiết, chẳng có gì quan trọng. Một khi con về nhà, nghĩa là con đã học được nghệ thuật”.
Toàn bộ nghệ thuật là làm cách nào để vận hành phần nữ tính của tâm trí - bởi lẽ phần nữ tính được nối với cái toàn thể, còn phần nam tính thì không được nối với cái toàn thể. Phần nam tính thì hung hăng, thường xuyên thích tranh đấu - còn phần nữ tính thì luôn nhu thuận, dễ tin tưởng. Vì vậy cơ thể phụ nữ mới tròn trịa và đẹp đẽ như thế. Có sự tin tưởng sâu sắc và hài hòa với tự nhiên. Người phụ nữ sống trong sự nhu thuận sâu sắc - còn đàn ông thì thường xuyên tranh đấu, nóng nảy, hết làm cái này lại làm cái khác, cố chứng tỏ điều gì đó, cố đạt được điều gì đó.
Hãy hỏi phụ nữ xem họ có muốn lên mặt trăng hay không. Đơn giản họ sẽ lấy làm ngạc nhiên - để làm gì? Với mục đích gì? Sao phải chuốc lấy phiền toái như vậy? Ở nhà là quá tốt rồi. Phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến thứ trước mắt, ở đây, bây giờ, và điều đó mang lại cho họ sự hài hòa, duyên dáng. Đàn ông cứ khăng khăng chứng tỏ điều gì. Nếu muốn chứng tỏ, lẽ dĩ nhiên bạn phải tranh đấu, phải ganh đua, phải tích lũy.
Có lần một phụ nữ cố tìm cách để bác sĩ Johnson nói chuyện với bà, song dường như ông ta lại không mấy chú ý đến.
“Sao vậy, thưa bác sĩ?” Bà ta hóm hỉnh, “tôi tin là ông thích phái nam hơn là phái nữ.”
“Thưa bà,” Johnson trả lời, “tôi rất mến mộ phái nữ, tôi thích vẻ đẹp, tôi thích sự duyên dáng, tôi thích sự hoạt bát của quý bà... và tôi thích sự im lặng của quý bà nữa.”
Nam giới muốn buộc phụ nữ phải im lặng không chỉ bên ngoài mà cả bên trong - nghĩa là buộc cái phần nữ tính phải im lặng. Hãy quan sát bên trong con người bạn. Nếu phần nữ tính lên tiếng, ngay lập tức bạn sẽ nhảy dựng lên và nhủ rằng: “Thật phi lí, thật ngớ ngẩn!”. Bác sĩ Johnson muốn phụ nữ phải im lặng.
Trái tim thuộc về phần nữ tính. Bạn bỏ lỡ nhiều thứ trong đời vì cái đầu cứ lên tiếng suốt; nó không cho trái tim cất tiếng. Mà phẩm chất duy nhất của cái đầu là nó mạch lạc hơn, mánh khóe hơn, nguy hiểm hơn, bạo lực hơn. Cũng do tính bạo lực mà nó đã trở thành kẻ chỉ huy bên trong, và sự chỉ huy bên trong trở thành sự chỉ huy bên ngoài của nam giới. Đàn ông cũng lấn át phụ nữ trong thế giới bên ngoài; sự duyên dáng bị bạo lực lấn át.
Mulla Nasruddin được mời tới điều hành một trường học. Ở đó học sinh đứng xếp hàng và hàng ngũ được sắp xếp theo thứ tự chiều cao - từ em thấp nhất tới em cao nhất. Nhưng Mulla nhận thấy trật tự bị đảo lộn bởi một cậu bé đứng ở đầu hàng. Thằng bé ấy cao lênh khênh hơn hẳn đám trẻ cả cái đầu. “Sao cậu ta lại đứng trước?” - Mulla thắc mắc. Ông hỏi một bé gái:
“Có phải cậu ta là trưởng ban học sinh, hay lớp trưởng, hay đại loại thế không?”
“Không,” cô bé trả lời, “nó bắt nạt mọi người đấy.”
Tâm trí nam giới luôn dằn vặt, gây rắc rối - những kẻ gây rối lại trở thành lãnh đạo. Ở trường học, tất cả những giáo viên khôn ngoan đều chọn những học sinh gây rắc rối nhiều nhất để làm lớp trưởng - những kẻ gây rối, những kẻ phá phách. Một khi được giao chức vụ có quyền lực, toàn bộ năng lượng của chúng dành cho việc gây rối sẽ trở nên hữu ích cho giáo viên. Chúng bắt đầu thiết lập trật tự - vẫn những học sinh đó thôi!
Hãy quan sát những chính trị gia trên thế giới: khi một đảng nắm quyền thì đảng đối lập ra sức gây rối cho đất nước. Họ là những kẻ phá luật, những nhà cách mạng, còn đảng cầm quyền thì ra sức thiết lập kỉ cương. Nhưng một khi bị lật đổ thì chính họ lại là người gây rối. Và một khi đảng đối lập nắm quyền thì họ lại trở thành những người canh giữ kỉ cương.
Tất cả bọn họ đều là những kẻ gây rối.
Tâm trí nam giới là hiện tượng gây rối - vì vậy nó cứ áp đảo, cứ lấn át. Nhưng sâu bên trong, cho dù có thể đạt được quyền lực, bạn vẫn bỏ lỡ cuộc sống - và sâu bên trong, tâm trí nữ giới vẫn tiếp tục âm ỉ. Trừ phi bạn quay lại với tâm trí nữ giới và trở nên nhu thuận, trừ phi bạn từ bỏ sự kháng cự và đấu tranh, bằng không bạn sẽ không biết được cuộc sống thực và lễ hội của nó.
Tôi có nghe một chuyện vui:
Một nhà khoa học Hoa Kì đến thăm văn phòng của nhà vật lí vĩ đại đoạt giải Nobel Niels Bohr ở Copenhagen và lấy làm ngạc nhiên khi thấy phía trên bàn làm việc của ông có một chiếc móng ngựa. Nó được đóng chắc chắn vào tường với phần mở hướng lên trên theo đúng lệ, như để hứng hết may mắn và không để nó lọt ra ngoài. Nhà khoa học Hoa Kì vừa nói vừa cười lớn:
“Chắc chắn là ông không tin rằng cái móng ngựa sẽ mang lại may mắn cho ông, có phải không thưa giáo sư Bohr? Nhất là với một nhà khoa học hàng đầu...”
Bohr cười khúc khích:
“Tôi chẳng tin những chuyện như vậy, bạn thân mến, không một chút nào. Tôi hầu như chắc chắc là không tin vào mấy chuyện vớ vẩn ngốc nghếch như vậy. Tuy nhiên, tôi có nghe nói rằng một cái móng ngựa sẽ mang lại may mắn bất kể bạn có tin vào chuyện đó hay không.”
Hãy nhìn sâu hơn một chút, và chỉ sâu hơn bên dưới logic của mình, bạn sẽ thấy nguồn nước mát lành của trực giác, nguồn mát lành của niềm tin đang tuôn tràn.
Thiền là phương cách của tự phát - nỗ lực không cố gắng, phương cách của trực giác. Thiền sư Ikkyu, một nhà thơ lớn, đã nói: “Tôi có thể thấy mây bay ngàn dặm xa, nghe được nhạc cổ trong rặng thông”.
Đấy là tất cả những gì về Thiền. Bạn không thể thấy mây bay ngàn dặm xa với tâm trí logic. Tâm trí logic tựa như một tấm kính quá bẩn, bị phủ quá nhiều lớp bụi của ý tưởng, lí thuyết, học thuyết. Nhưng bạn có thể thấy mây bay ngàn dặm xa với tấm kính trong trẻo của trực giác, không có ý nghĩ - chỉ có nhận thức trong trẻo. Tấm gương sạch bong và trong trẻo vô ngần.
Bạn không thể nghe được nhạc cổ trong rặng thông với tâm trí logic bình thường. Làm sao bạn có thể nghe được tiếng nhạc từ xa xưa? Một khi tiếng nhạc đã tắt thì sẽ tắt lịm vĩnh viễn.
Nhưng tôi nói với bạn là Ikkyu hoàn toàn đúng. Bạn có thể nghe được nhạc cổ trong rặng thông - tôi đã nghe - song phải cần một bước chuyển, một thay đổi toàn diện, thay đổi cấu trúc. Thế thì bạn lại có thể thấy Phật thuyết pháp và nghe được lời ngài. Bạn có thể nghe được nhạc cổ trong rặng thông bởi vì đó là âm nhạc của vĩnh hằng, không bao giờ tắt lịm. Bạn đã mất khả năng nghe được nó. Âm nhạc là vĩnh hằng; một khi bạn khôi phục được khả năng thì đột nhiên nó lại ở đó. Nó luôn ở đó, chỉ có bạn là không ở đó thôi.
Hãy ở-đây-và-bây-giờ và bạn cũng có thể thấy mây bay ngàn dặm xa và nghe được nhạc cổ trong rặng thông.

Hãy chuyển dần về bán cầu não phải thật nhiều, trở nên nhiều nữ tính hơn, nhiều yêu thương hơn, nhu thuận hơn, tin tưởng hơn, tiến gần hơn đến cái toàn thể. Đừng cố làm một hòn đảo - hãy trở thành một phần của lục địa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét