Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (007)

TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Khả năng сủa trực giác và khả năng thiết lập thực tại của bản thân không những khác biệt mà còn đối lập nhau hoàn toàn. Trực giác chỉ là tấm gương. Nó không tạo ra thứ gì mà chỉ phản chiếu. Nó phản chiếu những gì vốn có. Nó là mặt nước tinh khiết, lặng yên, trong vắt, phản chiếu trăng sao. Nó không tạo ra thứ gì. Nó là khả năng thấu thị mà phương Đông gọi là con mắt thứ ba. Mắt không tạo ra thứ gì, đơn giản nó cho bạn biết cái gì đang ở đó.
Sự thiết lập thực tại của bản thân được gọi là tưởng tượng - đó là khả năng của giấc mơ. Ban đêm, bạn tạo ra nhiều thứ trong giấc mơ. Và điều đáng ngạc nhiên nhất là suốt đời mình đêm nào bạn cũng nằm mơ, và cứ mỗi sáng khi thức giấc bạn biết đấy chỉ là mơ, không phải là thực. Nhưng khi đêm đến, bạn chìm vào giấc ngủ và trí tưởng tượng của bạn lại bắt đầu giang rộng đôi cánh, không mối hồ nghi nào trỗi dậy trong bạn - bạn chấp nhận thực tại ấy mà không hề nghi hoặc.
Khả năng của trí tưởng tượng cũng có thể vận hành theo những cách khác. Nó tạo ra những giấc mơ mà bạn biết là không có thật. Nhưng khi chúng đến, và bạn bị chúng bao quanh, dường như chúng xuất hiện tuyệt đối thật - còn thật hơn thế giới thực. Bởi vì trong thế giới thực, đôi khi bạn có thể ngờ vực, có thể hoài nghi. Chẳng hạn, ngay chính khoảnh khắc này, có khả năng bạn nghi ngờ những gì bạn đang thấy hoặc đang nghe ở đây có phải là thực hay bạn đang ngủ và nằm mơ thấy chúng. Có thể là giấc mơ. Bạn chỉ biết khi tỉnh giấc.
Chỉ có một khác biệt duy nhất: trong hiện thực bạn có thể nghi ngờ “có thể là mơ chăng” - nhưng trong mơ thì bạn không thể nghi ngờ có phải là mơ hay không... Đó là khác biệt duy nhất giữa mơ và thực. Hiện thực cho phép bạn suy luận; còn tưởng tượng thì không.
Khả năng tương tự có thể tạo ra những giấc mơ ngày... chỉ cần ngồi yên, không làm gì, và giấc mơ bắt đầu trôi lững lờ trước mắt; bạn đang thức mà vẫn nghĩ tới chuyện làm tổng thống của đất nước. Bởi lẽ bạn thức nên dòng chảy ngầm trong người biết rằng bạn có những ý tưởng ngớ ngẩn; song những ý tưởng ấy lại quá ngọt ngào nên người ta vẫn cứ mơ trở thành kẻ chinh phục thế giới, hoặc người giàu nhất thế gian. Người ta thức nhưng vẫn tạo ra giấc mơ. Nếu điều này trở nên quá thường xuyên, bạn mất đi sự minh mẫn. Cứ vào nhà thương điên, hay một bệnh viện tâm thần, bạn sẽ ngạc nhiên về cách người ta sống trong tưởng tượng: trò chuyện với người vắng mặt, không chỉ nói chuyện mà thậm chí còn trả lời người vắng mặt - không chút ngờ vực, không chút hoài nghi.
Trí tưởng tượng có thể tạo ra một loại bệnh điên nếu nó bắt đầu tin vào những giấc mơ ngày - nó có thể tạo ra ảo giác. Theo những gì tôi biết thì những người được gọi là thánh nhân, những lãnh tụ tâm linh vĩ đại, những người đã từng thấy Chúa, gặp gỡ Chúa, trò chuyện với Chúa, cũng thuộc trường hợp này. Chúa của họ chính là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Có một cách chắc chắn để kiểm chứng điều đó. Cần ít nhất là ba tuần và bạn phải làm hai việc để chuẩn bị tạo ra ảo giác. Rồi bạn có thể thấy Chúa Jesus hay Phật Cồ Đàm đứng trước mặt, và bạn có thể nói chuyện với họ. Bạn có thể đặt câu hỏi và sẽ nhận được câu trả lời - mặc dù không một ai khác thấy có người ở đó, song đấy là thiếu sót của họ. Họ chưa đủ tầm cao tâm linh để thấy những thứ vô hình. Hai việc cơ bản cần làm: một là nhịn ăn ba tuần. Càng đói thì trí khôn càng giảm sút, bởi lẽ trí khôn thường xuyên cần một lượng vitamin nhất định - nếu không được cung ứng, nó bắt đầu rơi vào trạng thái đờ đẫn. Trong quãng thời gian ba tuần, nó sẽ ngưng hoạt động. Thế nên việc đầu tiên là làm cho trí tuệ lịm đi. Đó là lí do vì sao mọi tôn giáo đều xem việc nhịn ăn là giới luật quan trọng nhất. Song yếu tố tâm lí đằng sau việc này là trong vòng ba tuần trí khôn của ta bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Rồi sau đó trí tưởng tượng sẽ hoạt động thật hoàn hảo - chẳng ai nghi ngờ về điều này.
Yêu cầu thứ hai là phải ở một mình - lên núi cao, vào rừng sâu, vào hang vắng, nơi tuyệt đối chỉ có một mình. Bởi lẽ một người trong môi trường xã hội luôn sống cùng với mọi người. Người đó cứ nói suốt ngày - yakkety-yak, yakkety-yak. Ban đêm người đó nói trong mơ, còn ban ngày lại tiếp tục lảm nhảm cho tới lúc đi ngủ. Nếu không có ai để nói chuyện, anh ta bắt đầu cầu nguyện thượng đế. Đó là nói chuyện với thượng đế, đó là phương cách đáng kính để trở nên điên loạn.
Trong quãng thời gian ba tuần lễ... sau tuần thứ hai người đó bắt đầu nói to. Sau tuần thứ nhất, anh ta chỉ nói thầm với bản thân, nhưng anh ta biết là chẳng có ai nghe thấy; bằng không thiên hạ sẽ nghĩ rằng anh ta bị khùng. Nhưng đến cuối tuần thứ hai, anh ta bắt đầu nói to, bởi lẽ trí tuệ đã trở nên đần độn. Đến tuần thứ hai, anh ta bắt đầu nói to. Đến tuần thứ ba, anh ta bắt đầu thấy người mà mình muốn gặp: Chúa Jesus, Krishna, Mahavir, Phật Cồ Đàm, một người bạn đã khuất, hoặc bất cứ ai. Sau ba tuần, anh ta có khả năng nhìn thấy người ta rõ đến mức mà thực tại bình thường của chúng ta trông thật mờ nhạt. Vì vậy, các tôn giáo đều ủng hộ cả hai sách lược này: nhịn ăn và cách li với cộng đồng. Đó là phương cách, một phương cách khoa học, để đi vào trải nghiệm của ảo giác.
Bạn có thể thiết lập thực tại của riêng mình: bạn có thể sống cùng Chúa Jesus, bạn có thể trò chuyện với Phật Cồ Đàm, bạn có thể đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời - mặc dù chính bạn sẽ làm cái việc tự hỏi đáp ấy. Có điều là khi hỏi thì bạn hỏi bằng một giọng, còn khi trả lời thì bằng một giọng khác. Lẽ tự nhiên, điều này xảy ra trong các trại tâm thần khắp mọi nơi - người ta trò chuyện với những bức tường.
Toàn bộ câu chuyện về những thánh nhân đã từng diện kiến, trò chuyện với thượng đế cần phải được nghiên cứu thấu đáo hơn về phương diện tâm lí. Họ chẳng khác gì những người điên. Tất cả những ý định, những tuyên bố rằng chỉ có họ mới là con của đấng tối cao, chỉ có họ mới là ngôn sứ của thượng đế, chỉ có họ mới là hiện thân của thượng đế, chẳng là gì ngoài những lời quả quyết điên rồ.
Sẽ thật sự sốc nếu bạn có thể nhận ra rằng những người ấy bị bao bọc bởi ảo tưởng; họ đã tạo ra quanh mình một thực tại riêng. Những thượng đế của họ là sản phẩm của trí tưởng tượng, những thông điệp cũng được tạo ra từ tâm trí của họ, những kinh sách được truyền lại cũng do họ chế tạo ra. Chẳng có pho sách nào do Chúa viết ra cả, bởi tôi đã từng đọc những quyển sách ấy - chúng còn chưa đáng được gọi là có tính văn chương, nói gì là tính thiêng liêng? Chúng là loại văn chương ba xu, thế mà người ta vẫn cứ tôn thờ chúng.
Có thể tóm tắt toàn bộ lịch sử của nhân loại trong một câu ngắn gọn: đó là lịch sử của cuồng loạn. Tất cả những thánh nhân và hiền nhân ấy đều mắc bệnh cuồng. Rất hiếm người rũ bỏ được trí tưởng tượng, rũ bỏ được toàn bộ tâm trí và những khả năng của nó - song những người hiếm có ấy lại không hề trải nghiệm với Thượng đế.
Đức Phật chưa bao giờ thấy Thượng đế. Ngài chỉ trải nghiệm sự thinh lặng vô biên, trải nghiệm niềm cực lạc kéo dài suốt 42 năm sau khi chứng ngộ. Chuyện chứng ngộ của ngài không phải là hư cấu, bởi lẽ không chuyện hư cấu nào có thể tồn tại lâu như thế; giấc mơ không thể chuyển hóa đời người. Sau khi chứng ngộ, ngài trở thành người khác. Niềm cực lạc ở bên ngài như là hơi thở vậy. Ngài không nói về thượng đế, không nói về thiên đàng và địa ngục, không nói về thần tiên. Ngài chưa hề nhìn thấy những thứ ấy. Trước tiên những thứ ấy phải được tạo ra, bạn phải đưa bản thân mình vào tình trạng có thể nhìn thấy những gì mà mình muốn thấy. Nếu một người sẵn lòng chết để được thấy Chúa Kitô, thì sẵn sàng làm bất cứ điều gì: nhịn ăn, sống cách li, vào tu viện...
Có một tu viện trên núi Athos, châu Âu - cả ngàn năm tuổi - có lẽ là tu viện cổ nhất châu Âu. Luật lệ của tu viện này là chỉ có thể đi vào chứ không thể quay ra. Có khoảng gần mười ngàn tu sĩ trong tu viện. Chỉ khi nào họ chết... thi thể của họ được đưa qua một cái lỗ, rồi những tín đồ Cơ đốc ở bên ngoài - những người không phải là tu sĩ - đem đi an táng. Còn những người trong tu viện thậm chí cũng không được đem thi hài người chết ra ngoài.
Bấy giờ những người ấy làm gì trong đó? Chỉ mỗi việc cầu kinh “Ave Maria”. Tu viện được vinh danh mẹ của Jesus, Đức Mẹ Mary, hay Maria. Suốt ngày họ chỉ có mỗi việc hát kinh “Ave Maria”. Nhịn ăn, biệt lập, cắt đứt với thế giới bên ngoài... chẳng mấy chốc họ bắt đầu có ảo giác là Đức Mẹ Maria tới thăm họ. Họ ở một mình trong những phòng nhỏ cách li lẫn nhau. Họ không được phép trò chuyện với nhau, ngoại trừ với tu viện trưởng. Ròng rã cả ngàn năm, không một phụ nữ nào được phép bước vào tu viện - thậm chí một bé gái sáu tháng tuổi. Những tu sĩ đó ngồi trên miệng núi lửa tràn trề năng lượng dục bị kìm nén.
Năng lượng dục bị kìm nén cũng giúp cho việc tạo ảo giác. Mọi người đều biết những thanh niên thường mơ tưởng về những cô gái, còn những cô gái thường mơ tưởng về những chàng trai. Những giấc mơ càng ngày càng đậm màu giới tính; tình dục trở thành yếu tố chủ đạo trong tâm trí họ. Và bởi lẽ những tu sĩ ấy phải kìm nén tình dục, phải nhịn ăn, sống biệt lập, chỉ nghĩ về Chúa Jesus hoặc Đức Mẹ Maria, lẽ tự nhiên họ bắt đầu có ảo giác. Và những ai càng có nhiều ảo giác thì càng được trọng vọng, càng được ngưỡng mộ. Và người điên vĩ đại nhất trong tu viện chính là tu viện trưởng.
Có nhiều điều phải làm để giải thoát những người này khỏi những trại tâm thần mang tên tu viện, trường nữ tu, để đưa họ trở về trạng thái lành mạnh, đưa họ trở lại thế giới của hiện thực chứ không phải của mộng mơ. Bạn không cần phải thiết lập thực tại của riêng bạn, chỉ cần tẩy uế những giác quan của mình để cảm nhận thực tại với vẻ đẹp phiêu linh của nó, sắc màu rực rỡ, xanh mát, tràn trề sức sống của nó.
Và trong nội tâm, bạn phải khám phá thực tại, chứ không phải tạo ra nó; bởi lẽ bất cứ thứ gì do bạn tạo ra đều không là gì khác ngoài ảo tưởng. Đơn giản là bạn bước vào, trong thinh lặng, rồi quan sát - chỉ cần tỉnh thức và nhận thức đến mức bạn có thể thấy bất cứ thứ gì cũng thực. Tất cả những ai đã thấy được thực tại đều nói bạn sẽ trải nghiệm sự thinh lặng vô biên, niềm hân hoan khôn xiết, niềm hạnh phúc bất tận, bất tử; tuy nhiên bạn sẽ không gặp bất cứ thượng đế hay thiên thần nào hết. Tất cả những thứ đó đều được tạo ra để thấy.
Trực giác, trí tưởng tượng, trí tuệ, tất cả đều phải được vượt qua. Bạn phải đến một điểm ngoài tầm trí óc: sự thanh thản, trầm tĩnh, điềm tĩnh sâu lắng là bản chất thực của bạn, là phật tính của bạn. Đó là những gì mà bạn vốn thế, đó là chất liệu tạo ra bạn, đó là chất liệu tạo ra toàn thể vũ trụ. Chúng ta có thể gọi nó là tâm thức vũ trụ, chúng ta có thể gọi nó là đạo của vũ trụ - bất cứ tên gọi nào cũng được. Song nên nhớ, hàng triệu người đã tự phĩnh phờ bản thân bằng trí tưởng tượng. Điều đó thật rẻ tiền, thật dễ dàng - chỉ cần theo một cách nào đó là bạn có thể tạo ra thực tại.
Có lần tôi đã sống cùng một người bạn. Tại Ấn Độ lúc ấy có một lễ hội linh thiêng, trong lễ hội đó người ta sử dụng một thứ tương tự cần sa, được gọi là cây gai dầu. Người bạn tôi ở cùng là một giáo sư đại học, một người tốt bụng, giản dị. Tôi đã bảo anh: “Đừng làm điều ngốc nghếch đó”. Nhưng khi anh ấy đi gặp vài người bạn của mình, họ đưa anh kẹo bánh chứa đầy cần sa và đồ uống lạnh cũng đầy cần sa. Đến nửa đêm anh ấy vẫn chưa về. Tôi phải đi tìm xem chuyện gì xảy ra? Anh ấy đứng trần truồng, một đám đông bu quanh, chửi bới tục tĩu rồi người ta ném đá vào anh ấy.
Tôi chưa kịp hình dung chuyện gì xảy ra. Tôi ngăn mọi người lại và nói: “Tôi biết người này. Hình như anh ấy uống phải thứ thuốc gì”. Tôi cố mặc quần áo lại cho anh - nhưng anh ấy phản ứng kịch liệt. Khi tôi đang kéo quần anh ấy lên thì anh nhảy vọt ra. Rối chạy mất.
Thành phố lạ lẫm với tôi nhưng quá quen thuộc với anh ấy. Tôi chạy theo anh được ít phút qua vài phố nhỏ rồi mất dấu vết. Sáng hôm sau, cảnh sát gọi điện cho tôi báo rằng họ đang tạm giữ anh ấy, vì thế tôi đến trại giam. Đến lúc đó anh ấy hơi tỉnh lại một chút nhưng vẫn còn say thuốc. Song anh nhận ra tôi và nói: “Tôi hối hận vì không nghe lời anh”. Khắp người anh ấy đều có vết thương do bị ném đá.
Tôi đưa anh ấy về, và sau hôm đó nỗi khiếp sợ cảnh sát cứ ám ảnh và bám riết tâm trí của anh, bởi ắt hẳn anh đã bị họ đánh. Nếu không anh ấy đã không chịu mặc quần áo, hẳn là anh ấy đã có cử chỉ khiếm nhã với họ. Nỗi sợ hãi ghê gớm, như chứng hoang tưởng, khiến cuộc sống anh ấy trở nên khó khăn. Ban đêm, một cảnh sát thường đi tuần trên đường. Chỉ cần nghe tiếng bước giầy của cảnh sát là anh ta chui xuống gầm giường để trốn. Tôi phải nói: “Balram, - đó là tên anh ấy, - anh làm gì vậy?”.
Anh thì thầm: “Im nào. Cảnh sát đang tới đấy”.
Tôi phải xin phép ông hiệu trưởng cho anh ấy nghỉ 15 ngày để nghỉ dưỡng vì khó lòng đưa anh ấy tới trường được. Mọi thứ đều có vẻ khả nghi - thấy hai người đứng nói chuyện ở góc đường, anh ấy bảo: “Nhìn kìa, bọn họ đang bày mưu. Tôi cá với anh là cuối cùng họ sẽ tóm tôi, rồi tống tôi vào tù và đánh đập tôi. Hãy làm gì đi chứ!”. Thấy xe cảnh sát chạy qua, anh ấy nói: “Trời ơi! Họ đến bắt tôi kìa”.
Tôi đã thử hết mọi cách cốt để anh thấy đó chẳng qua do sợ hãi mà ra. Tôi có thể hiểu vì sao lại thế, nhưng tình hình đã đi quá xa. Anh ấy không chịu nghe, không chịu ngủ mà cũng không để tôi ngủ yên. Cuối cùng, tôi phải đến gặp một thanh tra cảnh sát và kể cho ông nghe toàn bộ câu chuyện. Tôi nhờ ông ấy: “Ông phải giúp tôi. Anh ấy là một người đơn giản, vô tội, chưa hề có tiền án - chẳng qua là anh ấy dùng cần sa mà thôi. Tôi không biết còn thứ gì khác trộn trong bánh kẹo và nước uống nữa hay không. Hẳn là cảnh sát có đánh anh ấy; nếu không anh ấy không chịu mặc quần áo vào. Tôi đã cố hết sức, nhưng anh ấy đã nhảy vọt ra và chạy mất”.
Viên thanh tra hỏi: “Tôi có thể giúp bằng cách nào?”.
Tôi đáp: “Ông hãy đến và đem theo một bộ hồ sơ - bởi anh ấy cứ luôn miệng nói ‘Họ có hồ sơ để buộc tội tôi, và chờ đúng thời điểm thích hợp để đến bắt tôi’. Thế nên ông hãy đem theo một bộ hồ sơ, còng tay, lệnh bắt giam - hoặc bất kì tờ giấy nào. Chỉ cần trông thấy ông là anh ấy mất hết cả hồn vía. Hãy đến vào ban đêm, nhất định anh ấy phải bị bắt ban đêm.
“Sau đó tôi sẽ năn nỉ ông, đưa ông 5000 rupi để ông tha cho anh chàng khốn khổ đó. Rồi ông sẽ tỏ vẻ miễn cưỡng mà tha cho anh ấy, còn tôi đề nghị ông đốt bộ hồ sơ. Đốt hồ sơ xong, trước khi đi khỏi, ông vờ nói với tôi cốt để anh ấy nghe thấy: ‘Giờ thì không còn gì phải lo nữa nhé vì hồ sơ đã bị hủy, cảnh sát chẳng còn dính dáng gì đến vụ này nữa’. Tôi sẽ nhận lại 5000 rupi sau”.
Viên thanh tra là người tốt bụng. Ông ta nói: “Được, tôi sẽ đến”. Đêm đó ông ta tới, đúng lúc ông ta vừa bước vào thì anh bạn của tôi rúc xuống gầm giường. Viên thanh tra phải lôi anh ta ra, Balram nói: “Đấy, thấy chưa, tôi đã bảo với anh là họ sẽ tới... và ông ta tới rồi đó, hồ sơ đây chứ gì”.
Viên thanh tra đưa tôi tờ trát bắt giam và tuyên bố: “Anh ta bị bắt”. Rồi tra còng vào tay Balram. Tôi cố sức thuyết phục viên thanh tra, nhưng ông ta bảo: “Tôi không thể làm khác được. Anh ta sẽ bị ít nhất là 5 năm tù giam”.
Balram nhìn tôi và nói: “Đấy, anh làm gì đi chứ, bằng không thì tôi tiêu đời”.
Thế là tôi đưa viên thanh tra năm ngàn rupi và nói với ông ta: “Anh ấy là người lương thiện. Xin ông chiếu cố mà tha cho. Nếu anh ấy còn tái phạm, tôi sẽ là người đầu tiên giao anh ấy cho cảnh sát. Đây là lần đầu anh ấy phạm tội, hơn nữa lại do bị tác động của ma túy”. Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được viên thanh tra đốt bộ hồ sơ. Hồ sơ đốt xong, còng tay cũng được tháo, viên thanh tra bảo tôi: “Được rồi. Nếu anh ta tái phạm, tôi sẽ không giúp gì được nữa. Bây giờ toàn bộ hồ sơ của cảnh sát buộc tội anh ta đã cháy hết. Cảnh sát không có quyền bắt anh ta nữa”. Kể từ ngày ấy Balram trở lại hoàn toàn bình thường.
Hôm sau, tôi đến sở cảnh sát để lấy lại năm ngàn rupi. Viên thanh tra ấy là người tốt. Ông ta có quyền từ chối, không trả lại tiền, nhưng ông ta đã trả tiền và còn hỏi thăm: “Anh ta thế nào rồi?”.
Tôi đáp: “Anh ấy rất ổn. Bây giờ thậm chí thấy cảnh sát đi ngang bên cạnh anh ấy cũng chẳng bận tâm. Tôi có nhắc anh ấy một đôi lần ‘Cảnh sát đang đứng kia kìa’. Anh ấy trả lời ‘Tôi không quan tâm. Hồ sơ bị đốt mất rồi”.
Balram đã tạo lớp vỏ ảo giác quanh mình. Và những thứ được mệnh danh là tôn giáo cũng được bọc trong lớp ảo giác như vậy. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những kinh sách cổ xưa nhất của Ấn giáo có nhắc tới một loại thảo dược, gọi là somras, được tìm thấy trên dãy Himalayas và có lẽ đến bây giờ hãy còn tồn tại, song chúng ta chưa biết cách nhận diện mà thôi. Uống somras là chuyện thường đối với những tín đồ.
Một trong số những người kiệt xuất nhất thế kỉ 20, Aldous Huxley, đã bị ấn tượng rất mạnh khi thuốc LSD được khám phá - ông là người đầu tiên quảng bá cho LSD. Ông đã sống trong ảo tưởng là nhờ vào LSD bạn có thể đạt được những trải nghiệm tâm linh giống như Phật Cồ Đàm, như Kabir, hay như Nanak. Được gợi ý từ somras trong kinh Vệ đà, Huxley đã viết trong cuốn Thiên đàng và Địa ngục của mình rằng trong tương lai khoa học sẽ tổng hợp được một loại thần dược. Tên của nó được đặt theo tên của loại thảo dược somras mà những tín đồ sử dụng. Tên nó là soma.
Từ thời của Rigveda ở Ấn Độ, những khất sĩ Ấn giáo, những tín đồ Ấn giáo đều nói về việc dùng các loại linh dược để trải nghiệm thượng đế tưởng tượng của họ. Về điểm này tôi tình cờ gặp một người theo đạo Kabir... những tín đồ uống các loại linh dược và vấn đề nảy sinh là họ trở nên lờn thuốc. Thế rồi người ta nuôi rắn hổ mang và cho rắn cắn vào lưỡi những tín đồ. Chỉ có thế họ mới đạt được những trải nghiệm tâm linh! Tôi từng có dịp chứng kiến tu viện của tu sĩ Kabir, nơi họ nuôi những con hổ mang bành rất nguy hiểm - chỉ một nhát cắn là tiêu đời, vô phương cứu chữa. Song những tu sĩ đó cần nó bởi vì không loại thuốc nào còn tác dụng nữa.
Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi thế hệ trẻ phương Tây trở nên quan tâm tới cả hai thứ: ma túy và phương Đông. Họ đến phương Đông để tìm kiếm trải nghiệm khác thường, khác với thế giới trần tục mà họ đã chán nhìn. Giờ đây tình dục không còn hấp dẫn, men rượu không còn thú vị, thế nên họ đến phương Đông để tìm kiếm những phương cách thiết lập thực tại. Rồi trong hầu hết những tu viện ở phương Đông, họ đều tìm ra những kĩ thuật để kích thích trí tưởng tượng. Đó là những linh dược kì bí.
Ở phương Tây nhiều người dùng ma túy. Giờ đây hàng ngàn thanh niên - nam cũng như nữ - đang chịu cảnh tù đày ở châu Âu hay châu Mĩ vì chứa chấp và sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, tôi nhìn nhận sự việc theo hướng khác. Tôi thấy đó là sự bắt đầu tìm kiếm điều gì bên ngoài thế giới thông thường - mặc dù họ đang tìm sai hướng. Ma túy sẽ không cho họ thực tại. Bạn có thể thiết lập thực tại qua ma túy, nhưng nó chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ rồi bạn lại phải dùng ma túy. Và mỗi lần bạn phải dùng với liều lượng lớn hơn bởi vì bạn đã bị lờn thuốc.
Nhưng có một sự bùng phát dữ dội chưa từng thấy số lượng thanh niên bị ma túy lôi cuốn. Họ sẵn sàng chịu ngồi tù, để rồi khi ra tù họ lại tiếp tục dùng ma túy. Thực tế, nếu có tiền, họ còn xoay xở để có ma túy trong tù từ những quản ngục, những nhân viên trại giam, chỉ cần có tiền là có thuốc.
Tuy nhiên tôi không coi đó là tín hiệu xấu. Đơn giản tôi coi đó là việc thế hệ trẻ bị định hướng lệch lạc. Ý định thì đúng, nhưng không ai bảo cho họ biết rằng ma túy sẽ không thỏa mãn lòng ham muốn và khát khao. Chỉ có thiền, chỉ có thinh lặng, chỉ cần vượt qua tâm trí của mình mới cho bạn sự thỏa nguyện và toàn mãn.
Song họ không đáng bị lên án như đang bị lên án và bị trừng phạt. Thế hệ đi trước cũng phải chịu trách nhiệm vì không đưa ra được những lựa chọn khác cho họ.
Tôi đề xuất một lựa chọn duy nhất - khi bạn thiền hành ngày càng nhiều, bạn không cần đến thứ gì khác. Bạn không cần thiết lập thực tại bởi vì bạn bắt đầu thấy chính thực tại. Thực tại được tạo ra chỉ là đồ giả, nó là ở trong mơ - có thể là giấc mơ ngọt ngào, nhưng rốt cuộc mơ vẫn chỉ là mơ thôi. Sự khao khát là chính đáng, chỉ là người ta đang lạc hướng mà thôi. Những lãnh tụ tôn giáo, những lãnh tụ chính trị, những chính phủ, những định chế giáo dục không đủ khả năng định hướng đúng cho họ.
Tôi xem đó là triệu chứng của công cuộc tìm kiếm lớn lao, cần được hoan nghênh. Chỉ cần được định hướng đúng - thứ mà các tôn giáo cũ không thể ban cho, thứ mà xã hội cũ cũng đành bất lực. Chúng ta cần, ngay tức khắc, sự ra đời của nhân loại mới. Chúng ta cần, ngay tức khắc, thay đổi toàn bộ tình trạng bệnh hoạn và xấu xa này, đang hủy hoại rất nhiều người trên thế giới.
Mọi người cần phải biết chính bản thân mình và thực tại của mình. Thật tốt nếu biết khơi dậy những ham muốn. Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ chuyển thế hệ trẻ về đúng hướng. Những ai trở thành khất sĩ (sannyasin) sẽ vượt qua được hành trình ma túy. Trở thành khất sĩ và thiền hành, dần dà việc dùng ma túy biến mất. Giờ đây họ không cần nó nữa. Không hình phạt, không nhà tù, chỉ cần hướng đi đúng đắn - và thực tại được toàn mãn, như một ân sủng, mà bạn không thể mong đợi gì hơn nữa.

Hiện hữu ban phát cho bạn quá mức dồi dào phong phú sự sống, tình yêu, bình yên, chân lí mà bạn không thể đòi hỏi nhiều hơn nữa. Thậm chí bạn còn không thể tưởng tượng ra được nhiều hơn thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét