Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Trực giác: hiểu biết ngoài tầm logic (006)

TRÍ TUỆ
Tôi tuyệt đối không chống lại trí tuệ. Trí tuệ có công dụng của nó - song rất hạn chế, và bạn phải hiểu được những hạn chế của nó. Nếu bạn làm việc như một nhà khoa học thì bạn phải sử dụng trí tuệ. Trí tuệ là một cơ chế tuyệt vời, song chỉ tuyệt vời nếu nó là kẻ hầu chứ không phải là ông chủ. Nếu nó trở thành ông chủ và chi phối bạn, thế thì thật nguy hiểm. Là kẻ hầu của ý thức, tâm trí sẽ là kẻ phục vụ tuyệt vời; là ông chủ của ý thức, tâm trí sẽ là một ông chủ nguy hiểm.
Toàn bộ vấn đề cần được nhấn mạnh. Tôi tuyệt đối không chống lại trí tuệ - bản thân tôi cũng sử dụng trí tuệ, làm sao tôi có thể chống lại nó chứ? Ngay lúc này, khi trò chuyện với bạn, tôi đang sử dụng trí tuệ của mình. Song tôi là ông chủ chứ không phải nó. Nếu muốn thì tôi sử dụng nó. Còn nếu không thì nó không có quyền chi phối tôi. Nhưng trí tuệ của bạn, tâm trí của bạn, quá trình tư duy của bạn vẫn tiếp diễn cho dù bạn muốn hay không muốn. Nó không bận tâm về bạn - cứ như thể bạn chẳng là gì hết - nó vẫn cứ tiếp diễn; kể cả khi bạn ngủ, nó vẫn tiếp tục làm việc. Nó chẳng nghe lời bạn chút nào. Nó thể hiện quyền lực quá lâu đến mức quên bẵng rằng nó chỉ là người phục vụ.
Khi đi, bạn sử dụng đôi chân mình. Nhưng khi ngồi, đâu còn cần thiết phải cử động đôi chân. Người ta hỏi tôi: “Thưa Osho, ông ngồi trên ghế trong một tư thế suốt hai tiếng liền nói chuyện với chúng tôi. Thậm chí ông còn không nhúc nhích chân lấy một lần”. Sao tôi lại phải khua chân nhỉ? Tôi có đi đâu! Nhưng tôi hiểu bạn - thậm chí đang ngồi trên ghế, song bạn không thật sự ngồi chút nào. Bạn nhúc nhích đôi chân, đổi vị trí, đổi tư thế, làm cả ngàn lẻ một động tác, vặn vẹo loay hoay - chẳng yên một chút nào. Tâm trí bạn cũng y hệt thế.
Khi trò chuyện với bạn, tôi sử dụng trí tuệ. Khoảnh khắc mà tôi ngưng nói chuyện, tâm trí tôi cũng ngưng lại, ngay tức khắc! Nếu không trò chuyện nữa, tâm trí tôi đâu cần phải làm việc, đơn giản nó sẽ đi vào thinh lặng. Đúng lẽ là phải như thế - nó phải theo lẽ tự nhiên. Khi ngủ tôi không mơ; không cần thiết. Bạn nằm mơ chỉ vì còn quá nhiều việc chưa làm xong vào ban ngày nên tâm trí vẫn phải thực hiện tiếp. Đó là làm việc ngoài giờ; bạn chưa kết thúc nó vào ban ngày.
Làm cách nào bạn kết thúc được mọi thứ? Bạn làm cả ngàn lẻ một việc cùng một lúc. Chẳng có gì kết thúc; mọi thứ còn dang dở - và sẽ còn dang dở mãi. Bạn sẽ chết mà chẳng có gì hoàn tất cả. Thậm chí xét theo một hướng thì công việc của bạn cũng chưa hoàn tất, bởi lẽ bạn đang chạy theo khắp mọi hướng. Bạn bị phân tán thành nhiều mảnh, không tích hợp lại được. Tâm trí lôi bạn về một hướng, trái tim kéo bạn về hướng khác, thể xác lại muốn kéo bạn đến hướng khác nữa, và bạn luôn bối rối - biết nghe theo ai đây. Mà tâm trí cũng nào phải là một, bạn có nhiều tâm trí - bạn là thực thể đa tâm trí, cả một mớ tâm trí bên trong bạn. Không có thống nhất, không có hài hòa. Bạn là một dàn nhạc mà chẳng nhạc cụ nào đồng điệu. Mọi thứ đều chơi theo cách riêng; không ai nghe ai - đơn giản là bạn tạo ra tiếng ồn chứ không phải âm nhạc.
Trí tuệ thì tốt nếu nó vận hành như kẻ hầu của cái toàn thể. Ở đúng chỗ của nó thì chẳng có gì xấu, và mọi thứ đều sai lệch nếu như ở sai chỗ. Đầu của bạn thì hoàn hảo khi ở trên vai bạn. Nếu như nó ở chỗ khác thì có chuyện lệch lạc.
Trí tuệ cần thiết cho công việc của nhà khoa học. Trí tuệ cần thiết cho công việc trong thương trường. Giao tiếp bằng ngôn từ, trò chuyện với mọi người thì trí tuệ cũng cần thiết. Song nó có công dụng hạn chế. Còn những thứ to tát hơn rất nhiều mà không cần đến trí tuệ chút nào. Mà vấn đề là nó vẫn cứ thực hiện chức năng ở những chỗ không cần thiết. Một người thiền hành sử dụng trí tuệ, song người ấy cũng sử dụng trực giác - người ấy biết chức năng của chúng khác nhau. Người ấy sử dụng cái đầu, đồng thời cũng sử dụng trái tim.
Tại Calcutta tôi thường lưu lại nhà một vị thẩm phán tòa án tối cao. Vợ ông ấy nói với tôi: “Ông là người duy nhất mà chồng tôi nể trọng. Chỉ có ông nói thì ông ấy mới chịu nghe, còn thì ông ấy chẳng thèm nghe ai. Tôi đã cố hết sức nhưng đành chịu thua. Đó là lí do vì sao tôi nói điều này với ông”.
Tôi hỏi: “Có vấn đề gì vậy?”.
Bà ấy đáp: “Vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Ông ấy cứ giữ cái cung cách của một quan tòa suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày. Thậm chí khi đi ngủ ông ấy vẫn tỏ ra là một quan tòa với tôi, cứ như thể tôi cũng phải nói với ông ấy “Thưa Quý Tòa”. Với lũ trẻ, ông ấy cư xử cứ như chúng là tội phạm. Với hết thảy mọi người! Chúng tôi đều mệt mỏi. Dường như ông ấy không bao giờ bước ra khỏi chiếc ghế thẩm phán. Ông ấy nhập vai liên tục, không lúc nào quên. Nó nhiễm vào đầu ông ấy mất rồi”. Bà ấy nói đúng, tôi biết chồng của bà. Đúng là phải giữ cung cách thẩm phán khi ở tòa, nhưng một khi rời khỏi tòa... Song ông ấy lại đem nó về nhà, rồi ông ấy vẫn cư xử như thế với vợ con, với mọi người. Người vợ đâm ra sợ ông ấy, lũ trẻ cũng e sợ. Thời khắc mà ông ấy bước vào nhà, bầu không khí sợ hãi bao trùm. Vừa mới trước ít đó giây lũ trẻ còn đang chơi đùa vui vẻ. Chúng đột nhiên ngưng bặt, bà vợ thì trở nên căng thẳng. Ngôi nhà ấm cúng bỗng hóa thành tòa án tức thì.
Đấy là tình trạng chung của hàng triệu người: họ vẫn giữ nguyên bộ mặt công sở, họ đem công sở về nhà.
Trí tuệ thì cần thiết. Cái đầu có chức năng của nó, vẻ đẹp riêng của nó, song nó phải ở đúng chỗ. Còn những thứ to tát hơn nhiều ngoài tầm với của đầu óc, và khi bước vào những địa hạt đó, bạn phải gạt đầu óc sang một bên. Bạn phải có khả năng làm điều ấy. Đó là sự linh hoạt. Đó mới là thông tuệ.
Và nên nhớ, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa trí tuệ với thông tuệ. Trí tuệ chỉ là một phần của sự thông tuệ. Thông tuệ là hiện tượng lớn hơn nhiều; nó chứa đựng nhiều thứ hơn hẳn trí tuệ, bởi lẽ cuộc sống không chỉ mang tính trí tuệ, cuộc sống còn mang tính trực giác. Sự thông tuệ bao hàm trực giác. Biết bao nhiêu khám phá vĩ đại được phát hiện bởi trực giác.
Có những thứ sâu xa tồn tại bên trong bạn. Bạn chớ quên điều ấy. Trí tuệ chỉ là ngoại biên, là ngoại vi, chứ không phải trung tâm của bản thể. Trung tâm của bản thể là trực giác.
Khi bạn gạt trí tuệ sang một bên, gạt đầu óc sang một bên, thế thì những thứ ẩn sâu bên trong bạn bắt đầu vận hành, thứ mà không thể tiếp cận được từ ngoại biên. Trung tâm bắt đầu vận hành, và trung tâm luôn hòa nhịp với cái toàn thể. Ngoại vi là bản ngã, trung tâm thì hòa nhịp với Đạo. Trung tâm của bạn không phải thuộc về bạn, không phải thuộc về tôi, trung tâm là vũ trụ. Ngoại vi mang tính cá nhân - ngoại vi của bạn là của bạn, ngoại vi của tôi là của tôi - song trung tâm của bạn và trung tâm của tôi không phải là hai thứ; tại trung tâm tất cả chúng ta gặp nhau và hòa làm một.
Đó là lí do vì sao những nhà huyền môn đều đi tới việc biết về tính duy nhất của hiện hữu - bởi nó phụ thuộc vào trực giác. Khoa học vẫn cứ phân chia, chia tách; nó khám phá được hạt bé nhất. Thế giới trở thành một tập hợp của vô số những mảnh vụn, chứ không còn là một vũ trụ hợp nhất.

Thực tế, những nhà khoa học nên ngưng sử dụng từ vũ trụ (universe), mà nên sử dụng một từ mới, đa vũ trụ (multiverse). Từ vũ trụ mang âm hưởng huyền bí - vũ trụ nghĩa là một. Nhà huyền môn đạt tới cái một; đó là trải nghiệm của trung tâm. Nhưng trung tâm chỉ có thể vận hành khi bạn đi từ ngoại vi vào trung tâm. Điều đó cần một bước nhảy lượng tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét