QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Bạn có quá khứ, bạn có hiện tại và bạn
có tương lai. Bản năng là những gì thuộc về quá khứ phần “con” của bạn. Nó rất
cũ kĩ, cô đặc; nó là di sản của hàng triệu năm. Và khi tôi nói nó tương tự loài
vật, tôi không lên án nó. Với từ “loài vật”, những tu sĩ của mọi tôn giáo đều gắn
nó với sự lên án - song đơn giản là tôi phát biểu một sự việc, không lên án
chút nào. Quá khứ của chúng ta là quá khứ của loài vật. Chúng ta đã trải qua tất
cả các loài; sự tiến hóa của chúng ta từ loài cá đến loài người trải qua mọi
loài vật. Nó là một hành trình rất dài để đi tới loài người.
Trí tuệ là con người. Nó là hiện tại của
chúng ta. Đó là cách mà chúng ta hoạt động - thông qua trí tuệ. Tất cả các
ngành khoa học của chúng ta, tất cả công việc của chúng ta, mọi ngành nghề, bất
luận là gì trên đời - chính trị, tôn giáo, triết học - thảy đều dựa vào trí tuệ.
Trí tuệ là con người.
Bản năng thì hầu như không thể sai lầm,
bởi lẽ nó quá già giặn, quá chín muồi, quá trưởng thành. Mắt bạn đang chớp, bạn
làm gì được chứ? Chúng cứ tự làm việc của chúng - đấy là bản năng. Tim bạn đập,
sự hít thở của bạn hết vào lại ra; nó không phụ thuộc vào trí tuệ của bạn để
trông nom mọi thứ cốt yếu ấy của cuộc sống. Chúng nằm trong tay bản năng bởi lẽ
bản năng tuyệt đối không thể sai lầm. Nó không bao giờ quên thở, nó không bao
giờ quên bất cứ điều gì.
Trí tuệ có thể sai lầm bởi lẽ nó mới, vửa
mới tới. Nó còn đang mò mẫm trong bóng tối, còn cố tìm xem nó là gì, nó thuộc về
nơi đâu. Và bởi lẽ nó không bám rễ vào trải nghiệm, nên nó thay thế trải nghiệm
bằng những niềm tin, những triết lí, những ý thức hệ. Chúng trở thành tiêu điểm
của trí tuệ. Song tất cả đều có thể sai lầm bởi chúng là nhân tạo, được vài kẻ
thông minh chế tạo ra. Và chúng không áp dụng được cho mọi tình huống. Chúng có
thể đúng trong tình huống này, còn trong tình huống khác có thể không đúng.
Song trí tuệ thì mù quáng, nó không biết cách xử lí cái mới. Nó luôn mang theo
câu trả lời cũ cho câu hỏi mới.
Paddy và Sean ngồi đối diện một nhà thổ
trong vùng ở Dublin, thảo luận về những đức hạnh của đức tin Công giáo. Bất
thình lình, Gideon Greenberg, một giáo sĩ Do Thái địa phương tiến đến gần cửa
nhà thổ, ngó phải ngó trái rồi vội vã lên cầu thang.
“Anh thấy đó?” - Paddy gầm lên - “Tôi lấy
làm mừng vì mình là người Công giáo.”
Mười phút sau, một tu sĩ Anh giáo đến gần
cửa, nhìn quanh quất rất nhanh rồi lao lên cầu thang.
“Lại một tay đạo đức giả khác,” - Paddy
cười ha hả nói. “Ơn Chúa, tôi là người Công giáo.”
Vài phút sau Sean huých Paddy và bảo:
“Này anh bạn, trông kìa! Cha O’Murphy cũng đi vào lối đó.”
Hai người
choáng váng quan sát trong im lặng khi vị tu sĩ Công giáo biến mất trên cầu
thang vào nhà thổ. Bất thình
lình Paddy nhảy dựng lên, làm dấu thánh và hét lớn với Sean: “Sự kính trọng của
anh để đâu rồi? Đứng lên và bỏ mũ xuống! Ắt là có ai qua đời trong ngôi nhà
đó!”
Trí tuệ sống qua những định kiến; nó chẳng
bao giờ công bằng. Do bản chất tự nhiên, nó không thể công bằng, bởi lẽ nó
không có trải nghiệm. Bản năng thì luôn công bằng và thể hiện cho bạn thấy
chính xác phương cách tự nhiên, phương cách thoải mái, phương cách mà vũ trụ
tuân theo. Song thật lạ lùng, bản năng đã bị mọi tôn giáo lên án, còn trí tuệ lại
được ca tụng.
Tất nhiên, nếu mọi người tuân theo bản
năng, thế thì không cần tôn giáo nào hết, không cần thượng đế nào hết, không cần
tu sĩ nào hết. Con vật không cần thượng đế và chúng hoàn toàn hạnh phúc - tôi
không thấy chúng thiếu vắng thượng đế. Không một con thú nào, không một con
chim nào, không một loài cây nào thiếu vắng thượng đế. Tất cả chúng đều tận hưởng
cuộc sống trong cái toàn mĩ và giản dị của cuộc sống, chẳng chút sợ hãi về địa
ngục, chẳng chút tham vọng về thiên đàng, chẳng chút khác biệt về triết lí.
Không có con sư tử nào theo Công giáo, không có con sư tử nào theo Tin Lành hay
Ấn giáo.
Toàn thể hiện hữu ắt phải bật cười trước
loài người, trước những gì xảy ra với con người. Nếu chim muông có thể sống
không cần tôn giáo, nhà thờ, đền thờ, chùa chiền, vì sao con người lại không thể?
Chim chóc chẳng bao giờ đánh nhau vì những cuộc chiến tôn giáo; muông thú và
cây cỏ cũng không. Nhưng bạn là tín đồ Hồi giáo còn tôi là tín đồ Ấn giáo và
chúng ta không thể cùng tồn tại - hoặc bạn phải cải đạo theo tín ngưỡng của
tôi, hoặc chuẩn bị sẵn sàng đi; tôi sẽ cho bạn lên thiên đàng ngay lập tức!
Nếu bản năng được ca tụng, thì những
tôn giáo ấy mất đi nhân tố căn bản, không còn bất kì lí do nào để tồn tại, thế
nên họ ca ngợi trí tuệ.
Còn điều thứ ba nữa, là tương lai của bạn,
là trực giác. Thế nên ba từ ấy phải được hiểu rõ.
Bản năng là vật chất - là quá khứ, dựa
trên trải nghiệm của hàng triệu năm, không thể sai lầm, không bao giờ gây lỗi
và thực hiện những phép màu bên trong bạn, những thứ mà thậm chí bạn còn chưa
nhận thức được. Làm thế nào mà thức ăn chuyển hóa thành máu? Làm thế nào mà sự
hô hấp vẫn hoạt động thậm chí khi bạn ngủ say? Làm thế nào cơ thể tách được oxy
từ nitơ? Làm thế nào thế giới bản năng của tự nhiên vẫn cứ ban cho mọi bộ phận
của cơ thể những gì nó cần? Cần bao nhiêu oxy trong bộ não để tâm trí hoạt động?
Số lượng chính xác dưỡng khí theo máu chạy khắp cơ thể, cung cấp oxy mới, loại
bỏ những tế bào chết, cũ, đã sử dụng, thay thế chúng bằng những tế bào mới và
đưa chúng về chỗ mà từ đó chúng có thể được bài tiết.
Các nhà khoa học nói rằng chúng ta
không đủ khả năng thực hiện những gì bản năng làm cho con người. Trong một cơ
thể nhỏ bé, bản năng thực hiện quá nhiều phép màu. Nếu một ngày nào đó, khoa học
muốn thực hiện công việc của cơ thể người ta, nó cần một nhà máy ít nhất có diện
tích một dặm vuông cho một người. Cơ man là máy móc! Và nó sẽ không thể không
sai lầm; máy móc có thể hỏng, có thể ngừng, điện năng có thể bị ngắt. Nhưng
trong 70 năm liên tục, hoặc thậm chí 100 năm đối với một ít người, hoặc thậm
chí 180 năm đối với rất ít người, bản năng vẫn cứ hoạt động hoàn hảo. Điện năng
không bao giờ bị ngắt. Không một lỗi lầm nào bị mắc phải; mọi thứ cứ theo kế hoạch,
hoạch định cho từng tế bào của cơ thể bạn. Ngày mà chúng ta có thể giải mã được
tế bào của con người, ngày ấy chúng ta sẽ có thể tiên đoán mọi thứ về đứa trẻ kể
cả khi nó chưa ra đời, kể cả trước khi nó nằm trong tử cung người mẹ. Những tế
bào của cha mẹ có chương trình, mà tuổi của bạn, sức khỏe của bạn, loại bệnh
nào bạn sẽ mắc phải, thiên tư của bạn, trí thông minh của bạn, tài năng của bạn,
toàn bộ số mệnh của bạn đều chứa trong chương trình đó.
Tương tự bản năng, nhưng ở thái cực
khác của bản thể - phía bên kia tâm trí, thế giới của trí tuệ - là thế giới của
trực giác.
Trực giác mở cánh cửa của nó qua thiền.
Thiền đơn giản là gõ vào cánh cửa trực giác. Trực giác cũng hoàn toàn sẵn sàng.
Nó không phát triển; bạn cũng thừa hưởng điều đó từ trải nghiệm. Trực giác là
tâm thức, là bản thể.
Trí tuệ là tâm trí. Bản năng là thể
xác. Và chỉ khi bản năng hoạt động hoàn hảo thay mặt thể xác, thì trực giác hoạt
động hoàn hảo trong chừng mực liên quan đến tâm thức. Trí tuệ chỉ ở giữa hai thứ
ấy - là lối dẫn để qua, cầu nối để qua. Song có nhiều người, nhiều triệu người,
chẳng bao giờ qua cầu. Đơn giản là họ ngồi trên cầu mà cứ nghĩ rằng họ đã tới
nhà.
Nhà còn ở bờ xa, bên kia cầu. Chiếc cầu
nối bản năng và trực giác. Nhưng mọi thứ tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể bắt đầu
xây nhà ở trên cầu - thế thì bạn đã lạc lối.
Trí tuệ sẽ chẳng phải là ngôi nhà của bạn.
Nó là công cụ quá nhỏ bé chỉ dùng để chuyển từ bản năng đến trực giác. Thế nên
chỉ người sử dụng trí tuệ của mình để vượt ra ngoài nó mới được gọi là người
thông tuệ.
Trực giác là trải nghiệm. Bản năng là tự
nhiên. Trí tuệ chỉ mò mẫm trong bóng tối. Càng nhanh chóng vượt ra khỏi trí tuệ
bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu; trí tuệ có thể là rào cản với những ai nghĩ rằng
phía bên kia nó thì không có gì. Trí tuệ có thể là lối dẫn tuyệt vời với những
ai hiểu rằng chắc chắn có gì đó ở phía bên kia.
Khoa học dừng lại ở trí tuệ - đó là lí
do vì sao nó không thể phác họa bất cứ điều gì về tâm thức. Trí tuệ thiếu sự tỉnh
thức của trực giác là một trong những thứ nguy hiểm nhất trên đời. Và chúng ta
sống dưới những nguy cơ của trí tuệ bởi lẽ trí tuệ đã ban cho khoa học quyền lực
to lớn. Nhưng quyền lực lại ở trong tay những đứa trẻ, không phải trong tay người
thông thái.
Trực giác làm cho người ta thông thái -
hãy gọi đó là chứng ngộ, gọi đó là giác ngộ; đơn giản những thứ đó là tên gọi
khác của sự thông thái. Chỉ trong tay của thông thái thì trí tuệ mới có thể được
sử dụng như kẻ phục vụ tuyệt vời.
Cả bản năng lẫn trực giác hoạt động cùng
nhau một cách hoàn hảo - một thứ ở mức vật chất, thứ kia ở mức tinh thần. Toàn
bộ vấn đề của nhân loại bị kẹt cứng ở giữa, ở tâm trí, ở trí tuệ. Thế thì bạn sẽ
đau khổ, bạn sẽ lo âu, bạn sẽ hấp hối, bạn sẽ vô nghĩa, và bạn sẽ căng thẳng đủ
các kiểu mà chẳng thấy được bất kì giải pháp nào ở bất cứ đâu.
Trí tuệ khiến mọi thứ gặp vấn đề mà
không biết chút giải pháp nào. Bản năng không bao giờ gây ra vấn đề và không cần
bất cứ giải pháp nào; đơn giản nó hoạt động một cách tự nhiên. Trực giác là giải
pháp thuần khiết, nó không có vấn đề gì. Trí tuệ chỉ toàn là vấn đề; nó không
có giải pháp.
Nếu nhìn ngay vào phân loại, thật dễ hiểu:
trừ phi bản năng có sẵn, bằng không bạn sẽ chết. Và trừ phi trực giác có sẵn, bằng
không cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì - bạn chỉ kéo lê chuỗi ngày dài. Nó chỉ là
một loại đời sống thực vật.
Trực giác mang lại ý nghĩa, sự chói
sáng, niềm vui, phúc lành. Trực giác ban tặng những bí mật của hiện hữu, mang lại
sự yên lặng, sự thanh bình vô cùng mà không bị quấy rầy, không thể bị tước đi.
Với bản năng và trực giác hoạt động
cùng nhau, bạn cũng có thể dùng trí tuệ cho những mục đích đúng đắn. Bằng
không, bạn chỉ có phương tiện chứ không có cứu cánh. Trí tuệ không có ý tưởng
gì về cứu cánh. Điều ấy đã tạo nên tình trạng của thế giới ngày nay - khoa học
cứ tiếp tục sản xuất ra những thứ mà nó không biết vì sao. Những chính khách cứ
tiếp tục sử dụng những thứ mà không biết rằng chúng mang tính phá hủy, rằng
chúng chuẩn bị cho cuộc tự sát toàn cầu. Thế giới cần một sự nổi loạn lớn lao,
thứ mà có thể đem nó sang phía bên kia trí tuệ đi vào thinh lặng của trực giác.
Cần phải hiểu rõ từ “trực giác” (intuition). Bạn biết từ “giảng dạy” (tuition) - sự giảng dạy đến từ bên
ngoài, ai đó dạy bạn - là thầy dạy. “Trực giác” có nghĩa là điều gì đó nảy sinh
bên trong bản thể; nó là tiềm năng; đó là lí do vì sao nó được gọi là trực giác
(intuition). Sự thông thái không bao
giờ vay mượn được, và những gì được vay mượn thì không bao giờ thông thái. Trừ
phi bạn có sự thông thái của chính mình, tầm nhìn của chính mình, sự trong trẻo
của chính mình, nhìn bằng chính mắt mình; bằng không bạn sẽ không thể hiểu được
bí ẩn của hiện hữu.
Trong chừng mực liên quan đến cá nhân
mình, tôi tuyệt đối ủng hộ bản năng. Đừng quấy rầy nó.
Mọi tôn giáo đều dạy bạn quấy rầy nó -
nhịn ăn là gì mà lại quấy rầy bản năng? Cơ thể bạn đói và đòi hỏi thức ăn, thế
mà bạn lại nhịn đói vì những lí do tinh thần. Một loại tâm linh lạ lùng chiểm hữu
bản thể. Đơn giản phải gọi đó là ngu muội chứ chẳng phải tâm linh. Bản năng đòi
nước uống, nó khát; cơ thể cần nước. Song tôn giáo của bạn... Jaina giáo thậm
chí không cho phép người ta uống nước vào ban đêm. Trong chừng mực liên quan đến
cơ thể, nó có thể cảm thấy khát, đặc biệt vào mùa hè ở một nơi nóng nực như Ấn
Độ. Vào thời thơ ấu của mình, tôi thường cảm thấy tội lỗi, bỏi lẽ tôi đã uống
trộm nước vào ban đêm. Tôi không thể ngủ mà không uống nước ít nhất một lần vào
những đêm hè nóng bức, nhưng tôi thường cảm thấy rằng mình đã làm điều gì đó
đáng ra không nên làm, rằng mình đang phạm tội. Những ý tưởng quái lạ và ngu xuẩn
được áp đặt lên người ta.
Tôi ủng hộ bản năng. Và đấy là một
trong những bí mật mà tôi muốn bật mí với bạn: nếu hoàn toàn đứng về phía bản
năng, bạn sẽ dễ dàng tìm được cách hướng về trực giác. Bởi lẽ cả hai thứ đều giống
nhau, mặc dù hoạt động ở những mức khác nhau - một thứ hoạt động ở mức vật chất,
thứ kia hoạt động ở mức tinh thần. Chấp nhận cuộc sống bản năng với niềm vui
tuyệt đối, không mặc cảm tội lỗi, sẽ giúp bạn mở được cánh cửa của trực giác -
bởi lẽ chúng không khác nhau, chỉ có mức độ của chúng là khác nhau thôi. Và chỉ
khi bản năng hoạt động tốt đẹp, êm ái, không tiếng động, thì trực giác cũng hoạt
động như thế, thậm chí còn êm ái hơn, tốt đẹp hơn nhiều.
Trí tuệ là sự xáo trộn. Nhưng nó phụ
thuộc vào chúng ta, vào việc chúng ta làm nó xáo trộn hoặc dùng nó như bàn đạp.
Khi bắt gặp một tảng đá trên đường, hoặc bạn có thể nghĩ nó là chướng ngại, hoặc
bạn có thể dùng nó làm bàn đạp để bước lên nấc cao hơn, đối với những ai thật sự
hiểu được việc sử dụng trí tuệ như bàn đạp. Song đám đông đều dưới sự kiểm soát
của những tôn giáo đã răn dạy: “Dùng trí tuệ như sức mạnh chế ngự bản năng”.
Người ta bị cuốn vào cuộc chiến chống lại bản năng và lãng quên trực giác. Toàn
bộ năng lượng của họ bị cuốn vào cuộc chiến với chính sức sống của họ. Và khi
đó họ mải miết chiến đấu với bản năng của họ.
Tu sĩ Jaina giáo phải ở trần quanh năm,
kể cả trong những tháng mùa đông, kể cả trong đêm lạnh. Ông ta không được dùng
nệm, ông ta không được dùng chăn, ông ta không được dùng bất cứ thứ gì để đắp
lên người, ngày cũng như đêm. Ông ta phải nhịn ăn. Càng nhịn ăn lâu bao nhiêu,
ông ta càng thánh thiện hơn bấy nhiêu trong mắt của những người khổ hạnh như
ông ấy - 30 ngày, 40 ngày... Đấy là chống lại cơ thể. Đấy là chinh phục cơ thể
và vật chất, đấy là dùng tinh thần để chinh phục thể xác. Đó là tình trạng
chung của các tôn giáo, với những hình thức mê tín khác nhau. Họ biến năng lượng
trí tuệ chống lại bản năng, và điều đó phá hỏng mọi khả năng nở hoa của trực
giác.
Trực giác là đóa hồng huyền bí, đưa ta
tới cõi cực lạc và bất tử. Song người ta dường như tuyệt đối nằm trong tay của
cái quá khứ đã chết rồi. Bất luận những kinh sách cổ dạy điều gì, họ cứ làm
theo, thậm chí không cần xem xét toàn bộ khoa học về con người.
Ba thứ đó là ba tầng của khoa học về
con người. Bản năng phải được phép trong dòng chảy thanh thản. Đừng bao giờ quấy
rầy nó bằng trí tuệ vì bất cứ lí do nào. Và trí tuệ phải được sử dụng như lối mở
cho trực giác. Nó phải nhường lối cho trực giác để tiếp quản cuộc sống. Thế thì
cuộc sống của bạn là cuộc sống đầy ánh sáng, hào quang. Nó trở thành lễ hội
miên man.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét