CHÍNH TRỊ
Thế giới
của chính trị về cơ bản thuộc về cấp độ bản năng. Nó là thứ luật rừng: lẽ phải
thuộc về kẻ mạnh. Và những kẻ đam mê chính trị đều là những kẻ tầm thường nhất.
Chính trị không cần phẩm chất nào khác ngoài một thứ - đó là cảm nhận sâu sắc
về vị trí thấp kém.
Chính trị
hầu như có thể được tóm gọn vào một câu châm ngôn chính xác như toán học thế
này:
Làm chính
trị nghĩa là đam mê quyền lực.
Friedrich
Nietzsche thậm chí đã viết hẳn một cuốn sách nhan đề Đam mê quyền lực. Bản thân cụm từ đam mê quyền lực có thể được diễn
giải bằng nhiều cách. Thế nên bạn phải hiểu từ “chính trị” không hẳn chỉ là những hoạt động chính trị như được biết
dưới cái tên của nó. Bất cứ ở đâu có
người theo đuổi mục tiêu quyền lực thì đó là chính trị. Bất kể có liên quan đến
nhà nước, chính phủ, hoặc những thứ tương tự hay không...
Đối với
tôi, từ chính trị bao hàm nhiều khái
niệm hơn như nó thường được hiểu. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại nam giới cố
áp dụng một chiến lược mang màu sắc chính trị lên nữ giới, như là những người
thấp kém hơn họ. Và nam giới đã thuyết phục được nữ giới chấp nhận điều này. Có
những lí do khiến nữ giới bất lực và đành phải chấp nhận cái ý tưởng dị hợm
hoàn toàn lố bịch kia. Phụ nữ không kém cỏi mà cũng chẳng vượt trội hơn nam
giới. Họ là hai giới khác nhau của nhân loại - không thể so sánh với nhau được.
Riêng việc so sánh đã ngớ ngẩn rồi, và nếu so sánh, thế thì bạn sẽ gặp rắc rối.
Tại sao
khắp nơi trên thế giới nam giới vẫn cứ rêu rao là phụ nữ thấp kém hơn họ? - vì
đấy là cách duy nhất để trói buộc phụ nữ, để biến họ thành nô lệ. Điều đó dễ
dàng hơn nhiều. Nếu phụ nữ được bình đẳng, thế thì sẽ có rắc rối; phụ nữ phải
bị áp đặt vào ý tưởng là họ thấp kém hơn. Những lí do được đưa ra là phụ nữ yếu
hơn về cơ bắp, chiều cao khiêm tốn hơn. Phụ nữ không khởi xướng môn triết học
hay thần học nào; phụ nữ không sáng lập ra tôn giáo nào. Trong nữ giới chưa có
những nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ kiệt xuất - điều đó cho thấy phụ nữ chưa đủ
thông minh; phụ nữ chưa đủ trí tuệ. Phụ nữ không quan tâm tới những vấn đề cao
siêu của đời sống, mối quan tâm của họ thật hạn chế: họ chỉ là những bà nội
trợ.
Bằng cách
chọn lối so sánh ấy, bạn có thể dễ dàng thuyết phục phụ nữ rằng họ kém cỏi hơn.
Song đấy chỉ là trò tiểu xảo. Còn có những thứ khác để so sánh. Phụ nữ có thể
sinh con còn nam giới thì không. Rõ ràng nam giới kém cỏi hơn; họ không có chức
năng làm mẹ. Tạo hóa không giao trọng trách đó cho đàn ông vì biết họ kém cỏi.
Trách nhiệm phải thuộc về người ưu việt hơn. Tự nhiên không ban cho đàn ông tử
cung. Thực tế thì chức năng sinh sản của đàn ông chẳng có gì nhiều nhặn hơn một
mũi tiêm - chỉ có tác dụng trong chốc lát.
Người mẹ
phải mang thai trong chín tháng và chịu đựng đủ mọi vất vả suốt thời gian mang
thai. Đó nào phải là việc dễ dàng! Rồi chuyện sinh nở... hầu như là việc bước
qua cửa tử. Rồi người mẹ phải nuôi đứa con khôn lớn nhiều năm ròng - đồng thời
vẫn tiếp tục sinh những đứa con khác. Họ lấy đâu ra thời gian để trở thành nhạc
sĩ, thi sĩ, họa sĩ kiệt xuất? Ta đã dành cho họ thời gian nào? Hết mang thai
rồi lại phải trông nom những đứa con đã sinh ra. Phụ nữ phải coi sóc nhà cửa
gia đình để nam giới có thời gian mà suy tính những việc trọng đại.
Cứ thử
đổi vai trong vòng một ngày, 24 tiếng đồng hồ thôi: để cô ấy trầm ngâm, sáng tác thơ hay nhạc, còn đàn ông trông con, làm
bếp, dọn dẹp nhà cửa. Rồi ta sẽ biết ngay ai vượt trội hơn ai! Chỉ cần 24 tiếng
đồng hồ là đủ để chứng tỏ cho ta thấy rằng trông nom một bầy con chẳng khác nào
ở trại tâm thần. Chúng nghịch như quỷ sứ, và nghĩ ra đủ trò tai quái. Chúng sẽ
không cho ta một giây yên ổn; chúng muốn được quan tâm liên tục - âu cũng là
một nhu cầu tự nhiên. Sự quan tâm cũng cần như thức ăn.
Hoặc chỉ
một ngày nấu nướng cho gia đình và khách khứa, ta sẽ biết thế nào là 24 giờ
trải nghiệm địa ngục, và bạn sẽ quên béng luôn ý tưởng rằng mình là vượt trội.
Bởi lẽ trong 24 giờ đó bạn không có lấy một giây ngắn ngủi để nghĩ tới thần
học, triết học, tôn giáo.
Bạn cũng
phải nghĩ từ những góc độ khác. Phụ nữ có sức đề kháng tốt hơn đàn ông. Giờ đây
y giới đã xác lập được dữ liệu. Phụ nữ ít bị bệnh tật hơn nam giới; tuổi thọ
cao hơn khoảng 5 năm. Quả là một xã hội xuẩn ngốc khi cho rằng người chồng phải
lớn hớn vợ từ 4 đến 5 tuổi - để chứng tỏ là người chồng nhiều kinh nghiệm hơn,
già dặn hơn, để bảo đảm ưu thế vượt trội của anh ta. Song về mặt y học thì
không đúng, bởi lẽ phụ nữ sống thọ hơn 5 năm. Nếu xét theo quan điểm y học thì
đáng lí ra người chồng phải trẻ hơn người vợ 5 tuổi để họ có thể từ giã cõi đời
hầu như cùng lúc với nhau.
Một mặt
người chồng phải già hơn từ 4 đến 5 tuổi, mặt khác, trong hầu hết mọi nền văn
hóa và xã hội, người vợ lại không được phép tái giá. Việc người phụ nữ được
phép tái giá là một bước tiến mới, song cũng chỉ ở những đất nước phát triển.
Ta không cho họ tái giá thế nên họ sẽ tiếp tục sống cuộc đời góa bụa ít nhất cả
chục năm. Thật phi lí về mặt y học - riêng chuyện cộng trừ số học đã sai bét
rồi. Tại sao lại buộc một người phụ nữ đáng thương sống 10 năm góa bụa? Tốt hơn
hết là người vợ nên lớn hơn chồng mình 5 tuổi. Điều đó sẽ giải quyết được toàn
bộ vấn đề. Sẽ không còn cảnh góa vợ và góa chồng không cần thiết nữa.
Bây giờ
nếu phụ nữ sống thọ hơn nam giới 5 tuổi, thế thì bạn nghĩ rằng ai vượt trội hơn
ai? Nếu phụ nữ ít bị bệnh tật hơn, có sức đề kháng tốt hơn, thế thì ai vượt
trội hơn ai? Số phụ nữ tự tử ít hơn nam giới 50%. Cũng tỉ lệ tương tự đối với
trường hợp bệnh tâm thần: phụ nữ mắc bệnh điên ít hơn nam giới 50%. Thế nhưng
những số liệu ấy chưa từng bao giờ được lưu ý - vì sao?
Tại sao
tỉ lệ đàn ông tự tử lại nhiều gấp đôi phụ nữ? Có vẻ như đàn ông thiếu kiên nhẫn
với cuộc sống. Đàn ông quá kém nhẫn nại mà lại quá ham muốn, quá kì vọng, và
khi sự việc không đi đúng hướng thì anh ta muốn kết liễu bản thân. Đàn ông thật
dễ nản lòng. Điều đó thể hiện sự yếu đuối: đàn ông không đủ dũng cảm để đối mặt
với khó khăn của cuộc sống. Tự tử là một giải pháp hèn nhát. Đó là trốn tránh
chứ không phải giải quyết vấn đề.
Phụ nữ
gặp nhiều vấn đề hơn - ngoài vấn đề của bản thân họ còn vấn đề do đàn ông gây
ra. Phụ nữ gặp khó khăn gấp đôi và họ vẫn xoay xở đương đầu với chúng một cách
dũng cảm. Thế mà bạn vẫn luôn miệng nói rằng họ yếu đuối. Tại sao nam giới bị
bệnh tâm thần nhiều gấp đôi? Đơn giản điều đó cho thấy trí tuệ của họ không
được làm từ chất liệu bền vững - họ có thể tiêu tùng bất cứ lúc nào.
Nhưng tại
sao người ta cứ khăng khăng rằng phụ nữ thì kém cỏi? Đó là chính trị. Đó là trò
chơi quyền lực. Nếu bạn không thể trở thành tổng thống của một đất nước... điều
đó không dễ dàng bởi lẽ có quá nhiều sự cạnh tranh. Bạn không thể trở thành
đấng cứu thế bởi lẽ điều đó không dễ dàng; giây phút mà bạn nghĩ mình trở thành
đấng cứu thế thì cảnh tượng đóng đinh câu rút hiện ra trước mắt.
Mới hôm
nọ tôi đọc được mẩu quảng cáo tuyển dụng hội viên cho một hội truyền giáo Cơ
Đốc, có hình Chúa Jesus bị đóng đinh lên thập giá với dòng chữ: “Để trở thành
giáo sĩ cần có lòng can đảm chịu đựng”. Quảng cáo thật hoành tráng! Song nó lại
có nghĩa là ngoại trừ Jesus thì... thế còn những giáo sĩ Cơ Đốc khác? Họ không
phải là những giáo sĩ thực thụ, mẩu quảng cáo kia là một minh chứng rõ ràng.
Thế còn tất cả những giáo hoàng, những hồng y, những giám mục - họ là ai? Đó
không phải là những giáo sĩ... bởi lẽ khi Chúa Jesus truyền bá tư tưởng của
mình, thì đáp lại ngài nhận được cây thập giá. Còn những vị giáo hoàng đi
truyền đạo khắp thế giới, tới đâu cũng có thảm đỏ, có lời chào mừng nồng nhiệt,
ấm áp từ các tổng thống, thủ tướng, vua và hoàng hậu các nước - thật lạ lùng.
Bạn không được có thái độ bất kính với các giáo hoàng và giám mục - phải, đó là
báng bổ! Bạn cứ tuyên bố họ không phải là những giáo sĩ thực thụ. Hãy đóng đinh
câu rút họ - đó mới bằng chứng duy nhất cho thấy họ là người Cơ Đốc chân chính.
Cứ đóng đinh câu rút càng nhiều càng tốt.
Đó không
phải là ý tưởng của tôi, mà là ý tưởng của họ. Họ in quảng cáo nói rằng: “bạn
cần phải can đảm chịu đựng” với hình ảnh Chúa Jesus trên thập giá.
Thật đơn
giản để làm một nhà chính trị. Chẳng cần dính dáng gì đến chính phủ, nhà nước
và những sự vụ liên quan - bất cứ hành trình quyền lực nào cũng làm bạn trở
thành nhà chính trị. Người chồng cố áp đặt vị thế cao hơn người vợ - đó là
chính trị. Người vợ cố tỏ ra vượt trội người chồng - đơn giản là vì người vợ
không thể chấp nhận ý tưởng đó. Cho dù trong hàng triệu năm ròng bị áp đặt, phụ
nữ vẫn tìm cách phá bỏ nó.
Đó là
toàn bộ lí do vì sao các bà vợ vẫn cứ mè nheo, nổi cơn tam bành, la khóc trước
những chuyện cỏn con, làm rùm beng mọi chuyện - những chuyện mà bạn không thể
tưởng tượng nổi sao có thể làm om sòm lên như vây. Vì sao xảy ra cớ sự? Đấy là
đối sách của các bà để phá bỏ chiến lược chính trị của các ông: “Anh nghĩ mình
là kẻ bề trên chắc? Cứ việc nghĩ thế đi, rồi tôi sẽ cho anh thấy ai hơn ai”. Và
mọi ông chồng đều biết tỏng là ai hơn ai rồi; dù vẫn cố thể hiện mình là bề
trên. Chí ít thì ra khỏi nhà anh ta vẫn ưỡn thẳng lưng, chỉnh lại cà vạt cho
ngay ngắn, mỉm cười và bước tới cứ như thể mọi chuyện đều ổn thỏa.
Tại một
trường tiểu học, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em hãy gọi tên một con vật khi
bước ra khỏi nhà thì trông như sư tử còn khi trở về nhà lại trông như chuột
nhắt?”.
Một đứa
bé giơ tay lên. Thầy giáo nói: “Nào, câu trả lời của em là gì?”.
Đứa bé
đáp: “Là bố em”.
Trẻ con
rất tinh ý. Chúng không ngừng quan sát điều gì đang diễn ra. Ông bố ra khỏi nhà
trông như sư tử, còn khi về nhà trông chẳng khác gì chuột nhắt. Ông chồng nào
mà lại chả nể vợ. Không có loại chồng khác. Song tại sao? Tại sao tình trạng lố
bịch ấy lại nảy sinh? Có kiểu chính trị đàn ông, và cũng có kiểu chính trị đàn
bà - và cả hai đều cố để vượt lên trên.
Trong mọi
lãnh vực khác, ở trường đại học chẳng hạn: giảng viên muốn trở thành phó giáo
sư, phó giáo sư muốn trở thành giáo sư, giáo sư muốn trở thành trưởng khoa,
trưởng khoa muốn trở thành hiệu phó - một cuộc tranh đua bền bỉ vì quyền lực.
Ít ra thì người ta cũng phải nghĩ là trong môi trường giáo dục thì không nên
như vậy. Song có ai quan tâm đến giáo dục đâu, mọi người còn mải mê với quyền
lực.
Trong
lãnh vực tôn giáo cũng y hệt thế: giám mục muốn trở thành hồng y, hồng y muốn
trở thành giáo hoàng. Một người ra sức trèo lên nấc thang cao hơn, còn những
người khác thì nắm chân anh ta kéo xuống. Những người đang ở nấc cao hơn thì cố
đẩy anh ta xuống, không cho anh ta vươn tới nấc của họ. Và điều tương tự cũng
được thực hiện đối với những ai ở nấc thang thấp hơn: một số người kéo chân họ;
một số khác thì đấm đá để dìn họ xuống mức thấp nhất có thể. Nếu bạn chỉ đứng
nhìn như một người quan sát thì toàn bộ cái thang như một gánh xiếc. Chuyện này
xảy ra khắp mọi nơi xung quanh.
Thế nên
đối với tôi, chính trị có nghĩa là những nỗ lực để chứng tỏ mình là kẻ bề trên.
Tại sao vậy? - vì trong sâu thẳm bạn cảm nhận mình là người thấp kém. Con người
của bản năng thì nhất định phải cảm thấy mình là người thấp kém. Đó không phải
là “phức cảm tự ti” mà là thực tế, là sự thật - anh ta là kẻ thấp kém. Sống một
cuộc sống bản năng là sống ở mức thấp nhất của cuộc sống.
Nếu bạn
hiểu được cuộc chiến đấu, cạnh tranh để trở thành người cao siêu, bạn sẽ rũ bỏ
cuộc chiến ấy - đơn giản bạn nói: “Tôi là chính tôi, không cao siêu mà cũng
chẳng thấp kém”. Nếu bạn đứng sang một bên và quan sát toàn bộ tấn trò, tức là
bạn đã bước vào thế giới thứ hai - thế giới của trí tuệ và ý thức.
Đấy chỉ
là vấn đề thấu hiểu toàn bộ cái tình trạng mục ruỗng đang giam giữ con người.
Bạn chỉ cần kiên nhẫn quan sát một chút toàn bộ cái thực trạng ấy: “Chuyện gì
đang diễn ra? Và cho dù ta vươn tới được nấc thang cao nhất thì vấn đề sẽ là
gì?” Bạn chỉ đang lơ lửng giữa trời như một gã ngớ ngẩn. Chẳng còn nấc nào để
đi lên.
Dĩ nhiên,
bạn không thể nào leo xuống được vì thiên hạ sẽ cười vào mặt bạn: “Anh đi đâu
đấy? Chuyện gì xảy ra? Anh bị đánh bại rồi ư?” Bạn không thể leo xuống và cũng
không thể leo lên nữa vì không có nấc cao hơn, thế nên bạn bị treo lơ lửng giữa
trời, vờ như là đã đến đích, vờ như là đã đạt được mục đích của cuộc sống. Mà
bạn biết là mình chẳng đạt được điều gì cả. Đơn giản bạn chỉ là một gã ngốc và
bị phí hoài cả cuộc đời. Giờ đây không có cách nào để đi lên, mà nếu đi xuống
thì khác nào làm trò cười cho thiên hạ.
Thế nên
với bất cứ ai trở thành tổng thống hoặc thủ tướng của một nước thì điều cầu
nguyện của người đó là được chết khi tại vị. Bởi lẽ không thể leo xuống được -
điều đó thật bẽ mặt, thật sỉ nhục; mà lại không có cách leo cao hơn. Bạn bị mắc
kẹt; chỉ có cái chết mới giải thoát được tình trạng tiến thoái lưỡng nan ấy.
Người ta
liên tục tìm đủ mọi cách để trở thành kẻ bề trên, người đặc biệt, người cao
siêu - song đấy đều là trò chính trị. Còn theo tôi, chỉ có người tầm thường mới
quan tâm đến điều này. Người thông tuệ còn nhiều thứ quan trọng để làm. Không
thể lãng phí trí khôn trong cuộc đua tranh cái thứ chính trị hạng ba xấu xa và
bẩn thỉu ấy. Chỉ có loại người hạng ba mới trở thành tổng thống, thủ tướng. Một
người thông tuệ sẽ không bị quẫn trí trong cái sa mạc ấy, chẳng dẫn đến đâu cho
dù là một ốc đảo.
Thế nên ở
cấp độ bản năng thì chính trị chỉ là “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” - luật rừng. Adolf
Hitler, Joseph Stalin, Mussolini, Bonaparte, Alexander đại đế, Tamerlane - tất
cả bọn họ đều giống loài lang sói hơn là con người. Nếu muốn có loài người thực
sự trên thế giới thì chúng ta phải xóa bỏ hoàn toàn tên của những người ấy.
Chúng ta phải quên rằng họ đã từng tồn tại; họ chỉ là những cơn ác mộng. Song
thật lạ lùng, toàn bộ lịch sử lại đầy tên tuổi những con người ấy.
Vậy lịch
sử là gì? Chỉ là những mảnh cắt ra từ báo chí của thời xưa. Nếu bạn đi giúp một
ai, chẳng có báo nào đăng câu chuyện ấy; còn bạn đi giết một ai thì tất cả các
báo đều đặc nghẹt tin. Thế thì lịch sử sẽ lưu lại gì ngoại trừ những con người
là mối hiểm họa, những con người để lại vết thương trong tâm trí nhân loại? Bạn
gọi đấy là lịch sử chăng? Bạn chỉ có những thứ rác rưởi ấy trong tâm trí mình
ư.
Thật lạ
lùng là những đóa hoa thực sự của trí huệ lại không được nhắc đến. Quả là khó
cho tôi tìm thấy gì về những người ấy. Tôi đã lục lọi trong rất nhiều thư viện,
cố tìm bằng được điều gì hơn về những người ấy, những người thật sự là những
bậc kiến tạo! Họ đã đặt nền móng. Song chúng ta chỉ biết một loại thế giới, cái
thế giới mà lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.
Tiếp đến
là cấp độ thứ hai, lẽ phải là kẻ mạnh. Trí tuệ tin tưởng việc tìm ra lẽ phải.
Chẳng cần
vật lộn với gươm giáo, bom đạn và giết chóc lẫn nhau, bởi lẽ kẻ mạnh không
chứng tỏ được lẽ phải. Bạn có nghĩ đến chuyện Muhammad Ali so găng với Phật Cồ
Đàm chăng... dĩ nhiên là Ali sẽ thắng ngay trong hiệp một. Sẽ chẳng cần đến
hiệp hai, chỉ một cú đấm đầu tiên là quá đủ; Đức Phật sẽ đo ván thảm hại! Thử
hình dung cảnh tượng Đức Phật sẽ tự đếm: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám,
chín, mười. Ngài chẳng cần trọng tài phải đếm. Ngài sẽ chẳng đứng dậy mà nằm
bẹp luôn trên sàn đấu, ngài sẽ đếm đến mười. Rồi sẽ nói: “Xong rồi - anh đã
thắng”.
Song kẻ
mạnh không chứng tỏ được lẽ phải - chuyện này hoàn toàn ổn trong thế giới loài
vật và trong thế giới của bản năng. Trí tuệ đảo ngược toàn bộ sự việc: “lẽ phải
là kẻ mạnh” và lẽ phải ắt được quyết định bằng trí tuệ, bằng logic, bằng lí
trí, bằng tranh luận.
Đó là
những gì mà Socrates đã làm tại tòa án. Ông sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi mà hội
thẩm đoàn và quan tòa đưa ra. Ông hỏi: “Tôi mắc tội gì? Cứ nêu ra từng tội một,
tôi sẵn sàng trả lời”. Tòa biết họ không đủ lí để tranh cãi với người này,
ngoại trừ đưa ra những buộc tội mơ hồ, họ nghĩ rằng có lẽ Socrates không thể
giải đáp nổi những tội ấy. Mà cho dù ông có thể, bồi thẩm đoàn cũng sẽ không bị
thuyết phục bởi vì điều đó đi ngược lại với địa vị của họ. Điều đầu tiên mà họ
tuyên bố là: “Tội lớn nhất mà ông vi phạm là làm hư hỏng tâm trí của giới trẻ”.
Socrates
đáp: “Đúng, có điều đó không phải là tội. Và những gì các ông gọi là làm hư
hỏng thì tôi gọi là kiến tạo. Các ông đã làm hỏng tâm trí của giới trẻ; giờ đây
tôi phải phá bỏ sự lệch lạc đó. Nếu các ông đúng, sao các ông không mở trường,
mở học viện giống như tôi? Người ta sẽ tìm đến với ai mà họ cho là đúng”.
Tòa nói:
“Ông dạy người ta là không có Thượng đế, không có thánh thần”.
Ông đáp:
“Đúng, là vì không có Thượng đế, không có thánh thần. Tôi có thể nói gì hơn
chứ? Đó đâu phải là trách nhiệm của tôi. Nếu Thượng đế không tồn tại, là do các
ông làm hư hỏng tâm trí giới trẻ hay tôi làm hư hỏng tâm trí họ? Đơn giản là
tôi chỉ nói ra sự thật. Các ông nghĩ rằng sự thật làm lệch lạc tâm trí giới trẻ
ư?”. Cuộc tranh cãi còn tiếp diễn trong nhiều ngày.
Cuối cùng
các quan tòa quyết định: “Về mặt trí tuệ thì ông ta sẽ khiến chúng ta phải ngậm
miệng hết, người một mình dám chống lại toàn bộ xã hội tầm thường của Athens -
thế nên chúng ta không nên tranh cãi thêm nữa mà đơn giản là biểu quyết thôi”.
Socrates
nói: “Việc biểu quyết cũng không thể chứng tỏ đúng sai. Thực tế là nhiều khả
năng người ta sẽ bỏ phiếu tán thành cái sai, bởi lẽ phần lớn đều là những người
tầm thường”.
Socrates
đã cố chứng tỏ rằng cái đúng phải được định đoạt bằng trí tuệ. Đó là những gì
cuối cùng đã tạo nên toàn bộ tiến hóa của khoa học. Socrates phải được công
nhận là cha đẻ của mọi khoa học, bởi lẽ trong khoa học không có chuyện: “Anh là
kẻ mạnh, đó là lí do vì sao anh đúng”. Vấn đề là bất cứ ai cũng có thể chứng tỏ
mình đúng, bất luận có mạnh hay không. Vấn đề phải được định đoạt bằng logic,
bằng lí trí - trong phòng thí nghiệm, bằng thực nghiệm và kinh nghiệm.
Tiếp theo
là cấp độ thứ nhì của ý thức, chính trị là một thứ hoàn toàn khác.
Suốt hai
ngàn năm Ấn Độ phải chịu cảnh nô lệ - có nhiều nguyên nhân, song một nguyên
nhân cơ bản nhất trong số đó là tất cả những người trí thức đều quay lưng lại
với chính trị ở cấp độ thấp nhất, loại hạng ba, cấp độ bản năng. Tất cả những
người trí thức không quan tâm đến chính trị hay quyền lực. Toàn bộ mối quan tâm
của họ là xác đình điều gì đúng, điều gì là ý nghĩa của cuộc sống. Vì sao chúng
ta lại ở đây?
Vào thời
của Phật Cồ Đàm có lẽ khắp nơi trên thế gian này cấp độ thứ hai của ý thức đã
lên tới đỉnh điểm. Tại Trung Hoa có những tên tuổi cùng thời lẫy lừng - Khổng
Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Liệt Tử. Tại Ấn Độ có những người khổng lồ rực
rỡ - Phật Cồ Đàm,
Mahavira, Makhkhali Ghosal, Ajit Keshkambal, Sanjay Vilethiputta. Tại Hi Lạp
những Socrates, Plato, Aristotle, Heraclitus, Pythagoras đã đạt đến đỉnh cao
trí tuệ. Khắp thế gian, cứ như đợt sóng thủy triều của trí tuệ bất ngờ quét
qua. Chỉ những kẻ đần độn mới mê mải chuyện đánh nhau; còn những người trí thức
chìm đắm trong việc tìm cách xác định điều gì đúng điều gì sai.
Tại Ấn Độ
từng có truyền thống là mọi triết gia đều phải đi khắp đất nước để thách thức
những triết gia khác. Việc thách thức không mang tính thù địch - bạn phải hiểu
rõ điều ấy. Ở cấp độ thứ hai, cả người thách thức và người được thách thức đều
là người tìm kiếm. Đó là hành động thân thiện, không phải một cuộc chiến; cả hai
đều mong muốn chiến thắng thuộc về chân lí. Không ai trong số họ cố tìm cách
thắng người khác, đó hoàn toàn không phỉa là vấn đề.
Khi
Shankara bắt đầu cuộc tranh luận với Mandan Mishra, anh ta chạm vào chân Mishra
và cầu xin phước lành, cầu cho chân lí chiến thắng. Khi bạn chạm vào bàn chân
địch thủ của mình - điều đó cho thấy gì? Việc chiến thắng người khác không còn
là vấn đề. Mandan Mishra là người lớn tuổi và được cả nước kính trọng; Shankara
hãy còn trẻ, mới ba mươi tuổi. Mandan Mishra đáng tuổi ông của anh ấy -
Shankara chạm bàn chân Mandan Mishra bởi lẽ đó không phải là vấn đề đánh bại
ông ấy. Anh ta cầu phúc lành, vì nếu không anh ta mới là người chiến thắng chứ
không phải chân lí. Mà chân lí thì không là tài sản của riêng ai.
Chuyện
thế này xảy ra khắp cả nước. Và những trí tuệ vĩ đại như thế đã được sản sinh
mà thậm chí ngày nay chúng ta còn chưa thể tìm được phẩm chất và sự sắc sảo như
vậy - một lí do đơn giản là tất cả mọi trí tuệ đều hướng về khoa học. Triết học
bị khô kiệt. Vào thời đó tất cả mọi người đều sống trong thế giới của triết
học.
Song bạn
nên nhớ, đó là sự đấu tranh chứ không phải là cuộc cãi vã cá nhân, không phải
ham muốn chứng tỏ sự vượt trội của bản thân mà là dò tìm chân lí. Toàn bộ mục
tiêu thay đổi: đó là sự chiến thắng của chân lí... Một câu châm ngôn nổi tiếng
trong lịch sử triết học Ấn Độ: Satyameva jayate - “Chân lí phải chiến thắng, bất kể
kẻ chiến bại là ai”. Điều này không phát sinh từ một phức cảm tự ti, mà từ một
trí tuệ vượt trội thật sự.
Truyền
thống này lan sang Trung Hoa, Nhật Bản rồi tỏa rộng sang nhiều lãnh vực khác.
Đó là lí do vì sao khi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy hai đấu sĩ Nhật Bản, những võ
sĩ aikido, jujitsu, hay judo - trước tiên bao giờ họ cũng cúi gập người chào
nhau với thái độ vô cùng kính trọng. Không hề có vấn đề thù địch. Đó là một
trong số những giáo huấn của môn judo và tất cả những môn võ khác ở Nhật Bản,
khi bạn đấu với người khác thì không hề có vấn đề thù hằn cá nhân. Nếu có vấn
đề cá nhân thì coi như bạn đã bị đánh bại ngay từ đầu bởi lẽ điều đó dựa vào
bản ngã - bạn bị hạ xuống mức thấp hơn.
Trong
nghệ thuật judo, ai chứng minh được nghệ thuật judo là tối thượng thì sẽ là
người chiến thắng. Không phải con người, mà là nghệ thuật chiến thắng. Tương tự
như trong triết học, chiến thắng thuộc về chân lí, ở đây chiến thắng thuộc về
nghệ thuật. Chớ nên suy nghĩ về bản thân và chiến thắng của mình cho dù một
khoảnh khắc nhỏ nhoi, bởi vì đó chính là khoảnh khắc mà bạn bị đánh bại.
Chuyện
này xảy ra nhiều mà không ai hiểu được ngoại trừ những người đã lãnh hội được
trọn vẹn truyền thống của phương Đông. Đôi khi có hai đấu sĩ không bản ngã
tương đương nhau; và không có người chiến thắng. Cuộc đấu tiếp diễn nhiều ngày,
cuối cùng phải tạm dừng mà không có ai chiến thắng. Hằng ngày họ đến và cúi
chào nhau - vô cùng hân hoan và kính cẩn. Thực tế họ cảm thấy vinh dự bởi vì
đối thủ của họ không phải là người tầm thường; được đấu với người ấy cũng đủ
lấy làm vinh dự lắm rồi. Cuộc đấu cứ tiếp diễn. Cuối cùng trọng tài phải tuyên
bố: “Không ai chiến thắng bởi vì cả hai đều vô ngã như nhau - chẳng ai có cách
nào đánh bại đối thủ”.
Bản ngã
là một cái thòng lọng. Bản ngã là trạng thái lịm đi mà bạn có thể bị đánh bại.
Chỉ trong khoảnh khắc một ý nghĩ vụt đến, thế là bạn xong đời. Nghệ thuật judo,
jujitsu, aikido đều tương tự nhau, chỉ khác biệt chút ít, song nền tảng cơ bản
là một. Nền tảng cơ bản ấy là khi giao đấu, bạn phải như thể hoàn toàn không có
ở đó; thế thì chẳng đao kiếm nào chạm vào bạn được.
Và nếu
bạn xem trận đấu giữa hai kiếm sĩ, bạn sẽ vô cùng kinh ngạc...
Tôi có
một người bạn, Chanchal Singh, anh ấy đã học võ thuật tại Nhật Bản. Anh ấy mở
trường dạy võ, và thi thoảng anh kể cho chúng mấy câu chuyện nhỏ để giải trí.
Anh nói: “Ở Nhật Bản người ta mở khóa luyện giọng rất đặc biệt. Nếu ai đó dùng
kiếm tấn công bạn mà bạn không có vũ khí trong tay, bạn chỉ cần hét lên và
thanh kiếm sẽ rơi khỏi tay địch thủ”.
“Thật sự
hay đấy!” tôi nói. “Tôi có một anh bạn là đô vật, anh ấy không biết gì về đao
kiếm, nhưng chỉ cần một cây gậy anh ấy cũng có thể chém bay đầu người ta”. Rồi
tôi tìm anh bạn đô vật và kể anh ta nghe câu chuyện của người bạn kia. Anh bạn
đô vật nói: “Không thành vấn đề. Tôi sẽ chẻ đôi đầu anh ta thành hai mảnh, chỉ
cần một nhát là đủ”.
Anh bạn
đô vật rất khỏe, và anh ta đến chỗ Chanchal Singh để thách đấu - anh ta mới vừa
vung gậy lên thì Chanchal Singh thét lớn một tiếng, cây gậy liền rơi khỏi tay
còn tim anh ta thì như ngừng đập! Cho dù là chuyện gì đi nữa thì rõ ràng tay
anh ta đã mất hết sức mạnh - chỉ với một tiếng thét!
Tôi hỏi:
“Làm sao anh hét được như thế?”
Chanchal
Singh trả lời: “Học hét thì rất dễ; nhưng đằng sau nó là bạn không được hiện
diện ở đó. Đấy mới là điều khó khăn nhất. Tôi đã ở Nhật Bản trong từng ấy năm:
mọi thứ đều đơn giản, chỉ có một vấn đề nan giải là ta không được hiện diện ở
đó. Lẽ ra, vào thời điểm khi ai đó sắp sửa chẻ đầu bạn ra làm hai mảnh, vào
đúng thời điểm ấy bạn tuyệt đối cần có mặt ở đó! Nhưng thậm chí vào đúng thời
điểm ấy, bạn cũng không hiện diện ở đó - mà chỉ có tiếng thét, không có bản ngã
đằng sau nó. Đột nhiên đối phương sẽ quên bẵng anh ta đang làm gì; anh ta sẽ
hoàn toàn lúng túng. Thậm chí trí nhớ của anh ta lịm đi trong một khoảnh khắc.
Anh ta không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, mình đang làm gì, mình định
làm gì. Anh ta phải cần một ít thời gian để trở lại bình thường. Có điều là bản
ngã của bạn phải vắng mặt. Sự vắng mặt ấy tạo ra thay đổi nhất định trong tâm
trí đối phương, một kiểu ngưng trệ đặc biệt, ngưng trệ đột ngột”.
Nhưng nếu
cả hai đều vô ngã, sẽ rất khó phân định. Thế thì được biết một điều lạ lùng
đang xảy ra ở Nhật Bản, chuyện xảy ra hằng ngày: trước khi bạn kịp tuốt kiếm để
tấn công, thì thanh kiếm của đối phương đã sẵn sàng để phòng ngự. Điều đó không
xảy ra sau khi bạn xuất chiêu, không hề, mà còn xảy ra trước khi bạn có ý nghĩ
về xuất chiêu. Như thể là trong cái tích tắc mà bạn có ý nghĩ xuất chiêu, khi
tay còn chưa kịp chuyển động, thì đối phương đã nắm bắt được ý nghĩ đó rồi và
sẵn sàng phòng ngự.
Điều đó
chỉ xảy ra khi bạn không có ở đó. Thế thì kiếm và người không tách rời nhau.
Bạn chẳng làm gì cả; đơn giản là bạn không ở đó, cho phép sự việc diễn tiến.
Song nếu cả hai đều vô ngã, cuộc đấu có thể kéo dài nhiều ngày. Không ai có thể
hạ gục hoặc thậm chí làm xước da đối phương.
Điều này
không ở mức thông thường, cấp độ bản năng. Bạn đã đạt đến mức cao hơn - thậm
chí còn cao hơn mức thứ hai. Bạn đã đạt đến mức thứ ba, cấp độ trực giác. Một
khi điều này có thể xảy ra với môn đấu kiếm, đấu quyền hay đấu vật phương Đông,
thì nó cũng có thể xảy ra với trí thông minh ở mức thứ ba.
Trong
suốt sự nghiệp của mình tôi chỉ yêu quý hai vị giáo sư. Tôi đã gây phiền toái
cho nhiều người, và cũng không để hai vị này được yên, song tôi yêu họ. Một
người là giáo sư S.S. Roy. Ông đã viết luận án tiến sĩ về Shankara và Bradley -
một nghiên cứu so sánh. Ông đưa bản đầu tiên cho tôi xem. Tôi nói: “Việc này
xem ra không hay ho gì: em là học trò của thầy mà thầy lại đưa em xem bản đầu
tiên vừa mới được in ra”.
Ông ấy
đáp: “Theo ý tôi thì anh hoàn toàn xứng đáng”.
Tôi nói:
“Nhưng theo ý em thì toàn bộ luận án của thầy đã sai hướng, thậm chí cái tiêu
đề cũng đã sai rồi vì thầy so sánh hai con người ở hai cấp độ khác nhau”.
Bradley
là một trí thức, một trí tuệ vĩ đại. Ông đã thống trị thế giới triết học suốt
đầu thế kỉ hai mươi. Ông là một trí thức đỉnh cao. Shankara không hề là một trí
thức chút nào.
Tôi nói
với giáo sư Roy: “Tất nhiên cả hai người ấy đều đi đến những kết luận tương
đồng, đó là lí do vì sao thầy so sánh họ; thầy thấy những kết luận của họ giống
nhau. Nhưng thầy không thấy rằng họ đi đến cùng kết luận bằng những con đường
khác nhau. Đó là phản biện của em - bởi lẽ đơn giản là Bradley đi đến những kết
luận đó qua tư duy logic, trong khi Shankara đi đến những kết luận đó qua trải
nghiệm.
“Shankara
không dẫn chứng như một triết gia. Ông cũng viện dẫn như một triết gia, nhưng
đó là điều thứ yếu. Ông đã trải nghiệm chân lí. Giờ đây, để diễn giải chân lí
ông dùng logic, lí luận, trí tuệ. Bradley không có trải nghiệm - ông thừa nhận
mình không có trải nghiệm, nhưng bằng trí tuệ ông tìm ra những kết luận hoàn
toàn đứng vững được, hoàn toàn có giá trị”.
Thế nên
tôi nói với giáo sư Roy: “Nếu thầy hỏi thì em nói là thầy đã so sánh hai con
người hoàn toàn khác nhau, không thể so sánh với nhau được”.
Còn những
điểm khác nữa, nhưng điểm cơ bản ấy vẫn tiếp tục nổi bật lên. Có thể đi đến một
kết luận bằng tư duy logic, và điều đó có thể đúng hoặc có thể không đúng;
không thể chắc chắn về tính đúng đắn của nó được. Song với Shankara thì vấn đề
không phải là có thể đúng hoặc có thể không đúng: vì điều đó đúng. Kể cả nếu
bạn chứng minh bằng logic là ông ấy sai thì ông ấy cũng không thay đổi quan
điểm. Còn Bradley sẽ thay đổi quan điểm nếu chứng minh được rằng ông ấy sai.
Tôi nói:
“Cả Shankara và Bradley đều nói rằng Thượng đế, Brahma, chân lí là tuyệt đối.
Nhưng điều khác biệt là Bradley sẽ thay đổi quan điểm nếu ta đưa ra dẫn chứng
bằng logic để phản bác và chứng minh được những thiếu sót trong lập luận của
ông. Còn Shankara đơn giản sẽ cười và nói: ‘Ông đúng. Cách diễn giải của tôi
sai và tôi biết rằng có người ngộ được chân lí là gì sẽ phát hiện việc diễn
giải là sai. Ông tuyệt đối đúng, diễn giải của tôi sai’. Song Shankara sẽ không
thừa nhận là ông ấy sai. Quan điểm của ông ấy là từ trải nghiệm, cấp độ trực
giác”.
Không hề
có chuyện tranh giành ở cấp độ trực giác.
Nhà chính
trị ở cấp độ bản năng chỉ là loài mãnh thú. Họ không tin vào bất cứ điều gì
ngoại trừ việc phải giành chiến thắng. Họ sẽ dùng mọi phương tiện cần thiết để
giành chiến thắng. Mục đích biện minh cho phương tiện, bất kể thủ đoạn có xấu
xa tới mức nào. Adolf Hitler đã viết trong tự truyện của mình: “Phương tiện
không thành vấn đề, quan trọng là kết quả ra sao. Nếu thành công thì bất cứ
điều gì bạn làm đều đúng; còn nếu thất bại thì bất cứ điều gì bạn làm cũng đều
sai. Bạn dối trá, song nếu bạn thành công nó sẽ trở thành sự thật. Làm bất cứ
điều gì, luôn tâm niệm rằng kết cục là phải thành công. Một khi đã thành công,
mọi thứ sẽ đúng. Còn nếu thất bại... có thể mọi thứ bạn làm đều đúng, song việc
thất bại sẽ chứng tỏ mọi thứ đều sai”.
Ở cấp độ
thứ hai sẽ có đấu tranh, nhưng đó là đấu tranh của con người; đó là trí tuệ.
Phải, rõ
ràng là có đấu tranh để chứng tỏ những gì bạn đang nắm giữ là đúng đắn, nhưng
chân lí còn quan trọng hơn bản thân bạn. Nếu bạn bị đánh bại vì một chân lí vĩ
đại hơn thì bạn sẽ hạnh phúc chứ không phải bất hạnh. Khi Shankara đánh bại
Mandan Mishra, Mandan Mishra liền đứng dậy, chạm bàn chân của Shankara và đề
nghị thu nạp ông làm môn đệ. Không có vấn đề tranh giành. Đó là tầm cao của con
người thuộc về thế giới rất cao của trí huệ.
Nhưng ở
đâu đó vẫn còn những nhà chính trị núp sau hậu trường, dưới danh nghĩa của chân
lí. Nếu không thì cần gì phải thách thức đối phương? Nếu bạn ngộ được chân lí,
hãy thưởng thức! Việc gì mà phải đi khắp đất nước để đánh bại người khác? Nếu
bạn ngộ được chân lí thì tự khắc người ta sẽ tìm đến bạn. Vẫn còn phảng phất
hơi hướm chính trị trong chuyện này.Bạn có thể gọi nó là chính trị triết học,
chính trị tôn giáo, song nó vẫn là chính trị, tinh vi hơn mà thôi.
Chỉ có ở
cấp độ thứ ba, khi trực giác bắt đầu vận hành, thì sẽ không hề có tranh giành.
Đức Phật không bao giờ đến chỗ người khác để chinh phục họ, Mahavira không bao
giờ đến chỗ người khác để chinh phục họ, Lão Tử cũng không bao giờ đến chỗ
người khác để chinh phục họ. Người ta tự tìm đến; bất cứ ai khao khát đều tìm
đến. Những vị ấy còn không màng để tâm ai đến thử thách họ, đấu trí với họ.
Nhiều
người đến chỗ Phật - Sariputta, Moggalayan, Mahakassapa. Tất cả họ đều là những
triết gia vĩ đại có hàng ngàn môn đệ và họ tới để thử thách Phật. Một tôn chỉ
đơn giản xuyên suốt cuộc đời ngài là: “Nếu ông biết thì ta rất vui sướng. Ông
có thể tự xem mình là người chiến thắng. Nhưng liệu ông có biết không? Ta biết
và ta không nghĩ rằng ta phải thử thách người khác. Bởi lẽ chỉ có hai loại
người - những người biết và những người không biết. Với những ai không biết -
sao ta có thể thử thách những con người đáng thương ấy? Chẳng có gì đáng nói.
Với những ai biết - sao ta lại có thể thử thách những con người hạnh phúc ấy?
Cũng chẳng có gì đáng nói”.
Đức Phật nói
với Sariputta: “Nếu ông biết thì ta rất vui sướng - nhưng liệu ông có biết
không? Ta không thử thách ông, đơn giản là ta tìm hiểu thôi. Ông là ai? Nếu ông
còn chưa biết thì bỏ ngay cái ý tưởng thử thách ta đi. Cứ ở đây với ta. Một
ngày nào đó, đúng lúc nào đó, điều đó có thể xảy ra - không cần thử thách,
không cần tranh luận, thậm chí không cần diễn giải”.
Những
người ấy là những người trung thực. Sariputta cúi người và nói: “Xin thứ lỗi về
việc đã thách thức ông. Tôi không
biết. Tôi rất giỏi tranh luận và đã đánh bại nhiều triết gia, nhưng tôi thấy
ông không phải là triết gia. Đã đến lúc tôi phải đầu hàng để nhìn nhận dưới một
góc độ mới. Bây giờ tôi nên làm gì?”
Phật nói:
“Ông chỉ cần im lặng trong hai năm”. Đó là một phương cách đơn giản cho bất cứ
ai đến thách thức - và nhiều người đã đến: “Hai năm hoàn toàn im lặng rồi ông
có thể hỏi bất cứ điều gì”. Hai năm im lặng là quá đủ, quá thừa. Sau hai năm họ
thậm chí còn quên luôn tên của mình, quên luôn chuyện thách thức, quên luôn ý
tưởng giành chiến thắng. Họ đã nếm trải được hương vị Phật tính. Họ đã nếm trải
được chân lí.
Thế nên ở
cấp độ trực giác không hề có chính trị.
Trong một
thế giới tốt đẹp hơn, con người trực giác sẽ là ánh sáng soi đường cho những ai
ít ra có thể hiểu được họ thông qua trí tuệ. Và những nhà chính trị trí tuệ -
những giáo sư về chính trị, giới trí thức, những lí thuyết gia - sẽ dẫn dắt
những nhà chính trị ở cấp độ bản năng. Chỉ bằng cách đó thì thế giới mới thanh
bình, cuộc sống được thanh thản.
Ánh sáng
phải xuất phát từ nấc cao nhất. Nó sẽ phải đi qua nấc trung gian, bởi lẽ chỉ
như vây thì nấc thứ ba mới có thể nắm bắt được điều gì đó; nấc trung gian đóng
vai trò cầu nối. Đã từng như thế ở Ấn Độ cổ đại.
Đã từng
xảy ra...
Những con
người trực giác sống trong rừng sâu hay trên núi cao, và giới trí thức - những
giáo sư, những học giả, những nhà khoa học, những quan chức cấp cao - thường
đến chỗ họ để hỏi ý kiến: “Chúng tôi mù mịt, còn người sáng suốt”. Chuyện xảy
ra với Đức Phật. Người dựng trại ven sông, hai bên bờ có quân lính canh giữ.
Con sông là ranh giới giữa hai vương quốc, và trải qua nhiều thế hệ, họ tranh
chấp nhau quyền sở hữu con sông, bởi vì nguồn nước rất quý. Và họ vẫn không thể
nào giải quyết được - thế nên nhiều lần con sông phải nhuộm máu và cuộc chiến
vẫn còn tiếp diễn.
Đức Phật
dựng trại ở đó và những viên tướng của hai bên đến chỗ người. Tình cờ, họ đến
trại của người cùng một lúc và gặp nhau ở đó. Họ vô cùng kinh ngạc vì sự trùng
hợp lạ lùng này, nhưng lúc ấy không có cách nào để thối lui. Phật nói: “Đừng
lo; cả hai ông tới cùng một lúc lại là điều hay. Các ông thật mù quáng, tổ tiên
của các ông cũng thật mù quáng. Sông vẫn cứ chảy, và các ông vẫn tiếp tục chém
giết nhau. Các ông không thấy một thực tế đơn giản: cả hai bên đều cần nước, và
con sông thì đủ lớn cho cả hai.
“Không
cần phải chiếm hữu con sông - ai có thể là chủ sở hữu của nó chứ? Nước sẽ chảy
về biển cả. Sao cả hai bên lại không thể dùng nước chứ? Bờ này thuộc về nước
này, bờ kia thuộc về nước kia - chẳng có vấn đề gì. Mà cũng không cần vạch
đường ranh giới giữa dòng sông vì không thể kẻ đường trên nước được. Thay vì
mải mê đánh nhau, hãy cứ dùng nước sông”.
Thật đơn
giản. Và họ thừa hiểu rằng ruộng đồng và mùa màng sẽ khô kiệt vì không người
chăm sóc. Tranh giành trước đã: xem ai làm chủ con sông? Trước tiên phải giành
quyền làm chủ con sông đã, rồi mới dùng nước để tưới ruộng đồng.
Song tâm
trí u mê chỉ nghĩ đến việc chiếm hữu. Còn người sáng suốt thì nghĩ đến lợi ích
thiết thực.
Đức Phật
chỉ nói đơn giản: “Cứ dùng nước ấy đi! Chừng nào các ông dùng hết nước thì hãy
quay lại đây. Khi đó mới là vấn đề, và chúng ta sẽ xem xét. Nhưng chỉ quay lại
khi các ông đã dùng cạn nước”.
Nước vẫn
còn chảy mãi suốt 25 thế kỉ. Làm sao có thể dùng hết nước sông? Đó là con sông
lớn, trải dài hàng ngàn dặm. Nó đem nước tan ra từ băng tuyết vĩnh cửu của dãy
Himalayas đến vịnh Bengal. Làm sao có thể dùng cạn được? Những vương quốc đó
chỉ là những đất nước nhỏ bé. Cho dù họ muốn làm nó cạn cũng chẳng có cách nào.
Sự sáng
suốt phát sinh từ con người trực giác. Song chỉ những người thông tuệ mới có
thể ngộ được sự sáng suốt ấy, và người thông tuệ có thể giúp ích cho những
chính khách ở cấp độ bản năng, những người chỉ có ham muốn quyền lực.
Tôi gọi
đây là chế độ trọng dụng nhân tài bởi lẽ những người xuất chúng có tầm ảnh hưởng
và tác động tới những người ở nấc thang thấp hơn và giúp họ vươn tới nấc cao
hơn. Không có quyền lợi đặc biệt, và bởi lẽ không có quyền lợi đặc biệt nên
việc trọng dụng nhân tài thật tư do và minh bạch. Sẽ rất khó cho con người trực
giác giải thích sự việc cho con người bản năng bởi lẽ họ ở những nấc cách nhau
quá xa, thuộc về hai chiều kích khác nhau mà không có cầu nối. Đứng ở giữa, nấc
trí tuệ có thể hỗ trợ đắc lực.
Những
trường đại học, trường cao đẳng, trường phổ thông không chỉ dạy mỗi khoa học
chính trị - quả là một ý tưởng ngớ ngẩn khi chỉ dạy khoa học chính trị! Dạy
khoa học chính trị, đồng thời cũng phải dạy nghệ thuật chính trị, bởi lẽ chỉ
mỗi khoa học thì cũng vô dụng; phải dạy thứ chính trị có thể áp dụng vào thực
tiễn. Và những giáo sư đại học phải đào tạo ra những chính trị gia, trang bị
cho họ những phẩm chất đặc biệt. Thế thì những người hiện đang cai trị khắp thế
giới sẽ kém xa. Thế thì ta sẽ tìm được những những người cai trị được đào tạo
tốt, có văn hóa, am hiểu nghệ thuật và khoa học chính trị, và luôn sẵn sàng trở
thành giáo sư, học giả. Rồi dần dần có khả năng họ tiếp cận được mức cao nhất
của chế độ trọng dụng nhân tài: những con người của trực giác.
Nếu điều
này khả dĩ, thế thì lần đầu tiên chúng ta sẽ có những con người thật sự - chứng
tỏ chân giá trị của nhân loại, tính toàn vẹn của những cá nhân.
Lần đầu
tiên bạn sẽ có một nền dân chủ thật sự trên thế giới. Thứ dân chủ hiện nay thì
không phải là dân chủ chút nào - mà chỉ là quần chúng thống trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét