Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Đạo: Con đường không lối (00)



ĐẠO: CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
Phạm Ngọc dịch từ “Tao: The Pathless Path”, Renaissance Books, St. Martin's Press, New York © 2002

Lời người dịch
Osho không viết sách, sách của ông là tập hợp những bài nói chuyện ngẫu hứng về nhiều đề tài tâm linh phong phú do môn đệ của ông biên tập lại từ băng ghi âm, ghi hình. Khi dịch sách Osho, trong khả năng của mình, chúng tôi cố gắng giữ đúng giọng văn và lối nói của tác giả bởi chính Osho cũng đã có ý kiến về việc dịch sách của ông.
Mới hôm kia tôi nhận được bức thư ngắn của Arup, nói rằng Sarjano đang dịch sách của tôi sang tiếng Ý; nhưng ông ấy thay đổi nhiều chỗ. Ông ấy bỏ đi vài chỗ, ông ấy thêm vào vài chỗ theo hiểu biết của ông ấy.
Tất nhiên ông ấy đang cố làm việc tốt, ý định của ông ấy tốt! Ông ấy muốn làm cho nó logic hơn, trí tuệ hơn, tinh vi hơn. Còn tôi lại là kiểu người hơi hoang dã! Ông ấy muốn tỉa tót tôi chỗ này chỗ nọ. Bạn nhìn râu tôi này! Nếu Sarjano được phép ông ấy sẽ tỉa nó cho giống Nikolai Lenin, nhưng thế thì nó sẽ không còn là râu tôi nữa. Ông ấy đang cố làm nó hấp dẫn hơn. Không nghi ngờ gì về ý định của ông ấy, song đấy lại là những ý định luôn có tính phá hoại.
Khi được báo về lời nhắn của tôi là ông ấy phải làm hệt như nó vốn thế: “Đừng cố cải thiện. Nó như thế nào cứ để như thế nấy. Thô thiển, hoang dã, phi logic, nghịch lí, mâu thuẫn, lặp đi lặp lại, bất luận nó như thế nào cứ để như thế nấy!” Thật khó khăn cho ông ấy. Ông ấy bảo: “Thế thì tôi sẽ không dịch nữa. Thà tôi đi dọn vệ sinh còn hơn”.
(Trích từ Osho - Đạo: Cánh cổng vàng)
Trong quá trình dịch thuật không tránh khỏi còn có những sai sót, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của quý độc giả.
Phạm Ngọc
GIỚI THIỆU
Ngụ ngôn Đạo gia:
Có bức tượng Lão Tử, người sáng lập Đạo giáo. Một người trẻ tuổi nhiều năm trời nuôi ý định phải lên núi để chiêm bái tượng Lão Tử. Anh ta yêu thích lời Lão Tử, lối ông nói, cách ông sống, nhưng anh ta chưa từng thấy tượng của ông. Không có đền thờ Đạo gia nào, thế nên tượng rất hiếm và tất cả đều ở trên núi - đứng ngoài trời, khắc vào núi, không mái che, không đền thờ, không thầy từ, không cúng bái.
Năm tháng trôi qua, nhiều sự việc cũng xảy đến trong khoảng thời gian ấy. Cuối cùng, một đêm nọ anh ta quyết định phải đi - mà cũng không xa lắm, chỉ trăm dặm thôi - song vì nghèo nên anh ta phải đi bộ. Vào đúng nửa đêm - anh ta chọn thời điểm nửa đêm khi vợ con và gia đình ngủ say sẽ không phát sinh phiền toái - anh ta cầm ngọn đèn trong tay bởi trời đêm tối đen như mực rồi rời khỏi thị trấn.
Khi ra khỏi thị trấn và đến cột cây số đầu tiên, một ý nghĩ nảy ra trong đầu anh: “Trời đất, một trăm dặm ư! Mà ta chỉ có đôi bàn chân không - ta sẽ chết mất. Ta đòi hỏi điều bất khả.Ta chưa hề đi bộ trăm dặm bao giờ, mà lại không có đường...” Đó là một lối nhỏ lên núi, một lối mòn - quá nguy hiểm. Thế nên anh ta nghĩ: “Tốt hơn là đợi đến sáng. Ít ra cũng có ánh sáng, ta có thể thấy rõ hơn; bằng không ở đâu đó trên lối mòn nhỏ hẹp ấy ta sẽ ngã xuống mất. Khỏi chiêm bái tượng Lão Tử gì hết, đơn giản là kết thúc thôi. Sao lại phải làm chuyện tự sát ấy?”.
Thế nên anh ta ngồi bên ngoài thị trấn, và khi mặt trời vừa lên thì có một cụ già cũng vừa đến chỗ anh ta. Thấy người trẻ tuổi ngồi đó, cbèn hỏi: “Anh đang làm gì đấy?” Người trẻ tuổi giải thích đầu đuôi.
Cụ già cả cười. Cụ bảo: “Anh chưa từng nghe châm ngôn xưa hay sao? Không ai có quyền năng bước đồng thời hai bước, mỗi lần anh chỉ có thể bước một bước mà thôi. Bất luận khỏe, yếu, trẻ, già. Châm ngôn nói rằng: ‘Cứ bước này tiếp theo bước trước, người ta có thể đi mười ngàn dặm’ - huống hồ đây chỉ có một trăm dặm thôi! Anh ngốc thật. Ai bảo với anh là anh phải đi liên tục? Anh cứ thong thả; sau mười dặm anh có thể nghỉ một hoặc hai ngày, thoải mái đi. Đây là một trong những thung lũng đẹp nhất và là một trong những rặng núi đẹp nhất, còn cây cối thì trĩu quả - những thứ quả mà có lẽ anh chưa từng được nếm. Dù sao chăng nữa ta cũng đi; anh có thể đi cùng ta. Ta đã đi con đường này hàng ngàn lần rồi, và ít nhất số tuổi của ta cũng gấp bốn lần số tuổi của anh. Đứng lên nào!”
Cụ già rất có uy. Khi cụ bảo: "Đứng lên nào!" người trẻ tuổi đứng dậy ngay. Rồi cụ nói: “Đưa hành lí của anh cho ta. Anh còn trẻ, chưa kinh nghiệm. Ta sẽ mang hộ hành lí của anh. Anh chỉ việc theo ta, rồi chúng ta sẽ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào anh muốn”.
Những gì cụ già nói đều là sự thật. Khi họ tiến sâu hơn vào rừng và rặng núi, cảnh vật càng lúc càng đẹp. Rồi những quả dại mọng nước... rồi họ nghỉ ngơi; bất cứ lúc nào anh ta muốn cụ già đều sẵn sàng. Anh ta lấy làm ngạc nhiên vì cụ già chẳng bao giờ tự nói đến lúc phải nghỉ ngơi. Song bất cứ khi nào người trẻ tuổi đề nghị, cụ già luôn sẵn lòng nghỉ ngơi cùng anh ta - một đôi ngày, sau đó họ lại tiếp tục hành trình.
Một trăm dặm ấy cũng đến rồi qua, họ đến chỗ một trong số những bức tượng đẹp nhất của một trong số những người vĩ đại nhất đã từng có mặt trên trái đất. Mặc dù bức tượng của ông có điều gì đó - nó không hẳn là một tác phẩm nghệ thuật, nó được những nghệ sĩ Đạo gia sáng tác để biểu trưng cho tinh thần của Đạo.
Đạo tin vào triết lí vô vi. Đạo tin là bạn chẳng cần phải bơi mà chỉ buông trôi theo dòng sông, mặc dòng nước đem bạn tới bất cứ nơi nào nó đi - bởi vì mọi con sông rốt cuộc đều đổ ra đại dương. Thế nên chớ lo lắng, bạn sẽ đến đại dương. Chẳng cần căng thẳng làm gì.
Bức tượng cứ đứng ở nơi đơn độc ấy và có một thác nước ngay sát bên cạnh - bởi Đạo được gọi là con đường của sông suối. Đúng là nước cứ trôi hoài trôi mãi, không cẩm nang, không bản đồ, không phép tắc, không kỉ luật... song khá lạ lùng là nước trôi theo con đường rất tầm thường, bởi nó luôn tìm đến bất cứ vị trí nào thấp hơn. Nó không bao giờ chảy ngược lên. Nó luôn xuống dốc, nhưng nó vẫn cứ ra đến đại dương, đến chính cội nguồn của nó.
Toàn bộ không gian đó đại diện cho tư tưởng vô vi của Đạo giáo. Cụ già bảo: “Giờ đây cuộc hành trình mới bắt đầu”.
Người trẻ tuổi nói: “Gì cơ? Con nghĩ: hết trăm dặm và cuộc hành trình kết thúc rồi chứ”.
Cụ già đáp: “Đó chính là cách những đạo sư nói với người ta. Tuy nhiên thực tại là bây giờ: Từ điểm này, từ không gian này cuộc hành trình ngàn lẻ một dặm lại bắt đầu. Ta không gạt anh đâu, bởi sau một ngàn lẻ một dặm anh sẽ gặp một cụ già khác - có thể vẫn là ta - người sẽ nói: ‘Đây chỉ là một điểm dừng chân, hãy đi tiếp’. Hãy đi tiếp là thông điệp.”
Tự thân hành trình là đích đến.
Nó quá vô cùng. Nó thật vĩnh hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét