Giai thoại một thời
Cô đầu với Phan Khôi
Nguyễn Văn Xuân
Đêm ba mươi Tết năm 1936 thì phải, bọn chúng tôi
(lời ông Phan Châu Toàn) học thuốc Đông y ở Hà Nội. Nhân năm hết, Tết tới, đất
khách quê người không biết làm gì cho vui. Bèn rủ nhau chung ít tiền mời nhà
văn Phan Khôi đi chơi. Trong bọn chúng tôi, có anh Phan Thái Nhật quen với ông
vì Nhật có người bà con cũng viết báo. Chúng tôi bỏ ra 1đ18 mua một hộp thuốc
ty hiệu con Rồng, lúc bấy giờ rất quí rồi tới mời ông. Chúng tôi biết chắc chắn
ông đi ngay vì cũng hoàn cảnh như chúng tôi: đất khách, quê người, đêm ba mươi
tá túc nơi đâu? Thế thì còn chỗ nào tốt hơn là xuống xóm chị em nói chuyện cho
qua cái đêm rất vui của thiên hạ mà rất buồn của mình này. Huống chi lại gặp
người đồng châu (Ô. Toàn cũng người Quảng Nam như Phan Khôi) thì lại có thêm
một cái thú khác, sâu xa hơn.
Phan Khôi bấy giờ ở một cái gác nhỏ phố cửa Nam.
Xem qua, cũng biết là cảnh một hàn sĩ. Trong nhà chỉ có một cái rương (chớ
không phải va-li) bằng gỗ đã tróc sơn, một cái bàn nhỏ vừa là bàn viết, bàn
nước với đủ thứ lộn xộn, không ra thứ gì. Thêm vào đó là một cái chõng tre đáng
giá mấy hào. Căn nhà nho nhỏ ấy thật không thể nào đi đôi với bộ óc rộng lớn:
"Thiên kinh vạn quyển" của ông. Thế thì khi cần tra cứu việc này, sự
nọ, chả hiểu ông phải giải quyết ra sao vì tuyệt nhiên không thấy có một cái tủ
sách đáng giá nào để chứa sách vở. Cũng không rõ có người giúp việc không, mà
dù có, chắc ngày ấy họ cũng xin về quê rồi.
Ông Phan Khôi, tôi nghe danh từ lâu, tưởng đâu là
người to lớn, khôi vĩ lắm. Khi gặp thì thấy chỉ là một vị tráng niên giữa tuổi
bốn, năm mươi, nhỏ người, không có vẻ gì hấp dẫn. Khi bạn tôi ngỏ lời mời, ông
không chút lộ sự ngạc nhiên hay tỏ lời từ chối kiểu cách như thường thấy ở nơi
người Bắc mà nhận lời ngay. Ông vớ cái áo lương cũ mặc vào rồi theo bọn tôi ra đi.
Đêm Ba mươi, trong khi thiên hạ nô nức ăn Tết,
chúng tôi dẫn nhau xuống dãy phố Bạch Mai chọn một nhà hát. Xem ra khoản này,
Phan tiên sinh có vẻ sành sõi lắm và chúng tôi đóng đô luôn ở đó suốt đêm.
oOo
Điều nhận xét đầu tiên của tôi thì người ta bảo
"lý luận Phan Khôi", quả không ngoa. Mới nằm xuống, chưa kịp nói gì
đã thấy ông biện luận về tên gọi cái hộp quẹt khi một anh trong bọn chúng tôi
bối rối về "danh xưng". Ông nói luôn một thôi và bảo:
- Chả là gì cả. Cái tên nó, muốn thế nào chẳng
được. Anh là người Nam thì bảo hộp quẹt, người Trung người Bắc thì bảo bao
diêm... Giá họ gọi là cái phát lửa, tóe lửa hay gì đó chẳng được.
Nghe ông nói chuyện, mới thấy tất cả cái cá tính và
tài năng của ông hiện ra. Ông ăn nói dõng dạc, không kiểu cách, không câu nệ,
cũng không vì thấy bọn tôi trẻ mà coi thường hay dấu diếm điều gì.
Tôi cũng nhận thấy ông quá rành về cô đầu cho nên
ông chẳng còn thấy thú gì ngoài cái thú... tránh cô đầu. Ấy là khi ngả bàn đèn
ra - hình như ông đã nghiện rồi chăng? - ông nằm xuống, tự tiêm mà hút, bảo các
cô đầu ra ngoài. Ông cho như thế chuyện vãn sẽ tự nhiên hơn và còn vì một lý do
làm chúng tôi nhận thấy óc ông quá thực tế:
- Bọn cô đầu nó ăn cắp thuốc phiện tài tình lắm.
Cũng thì một hộp thế này, mình hút mãi mới hết. Còn chị em tiêm thì chỉ dạo qua
mấy lượt là hết nhẵn. Chúng ăn cắp rất tài, ngay trước mắt mình mà mình không
thấy, hoặc thấy cũng khó nói ra.
- Nhưng làm sao họ lấy trộm được?
- Thì chúng nhét vào trong miệng dọc tẩu chẳng hạn,
mình đâu có ngờ cứ tưởng nó hơ thuốc cho chín thôi, chờ khi mình không để ý, nó
mới lấy thuốc ra.
Đối với cô đầu, ông cũng không dấu là ông chơi họ
nhiều vố rất cay có lẽ để trả thù khi họ chơi... ông những vố cay khác.
Bấy giờ có cô đầu Cúc khá đẹp, ăn nói khôn ngoan,
duyên dáng. Ông thường ăn mặc sang trọng và rủ cô cùng đi chơi. Ngày kia, ông
lãnh được một món nhuận bút khá, mới dẫn cô từ Bạch Mai về Hà Nội. Phố Hàng
Lọng bấy giờ có một ngôi nhà lầu hai tầng, là một cảnh sang trọng nhiều người
khá giả vẫn áo ước; nó có vẻ nguy nga, kênh kiệu giữa đám nhà trệt ra điều đại
gia lắm.
Ông Khôi mới bảo cô Cúc một cách tự nhiên:
- Cái nhà kia là nhà của anh đấy.
- Thật ư?
- Sao lại không thật. Việc gì anh lại dối em.
- Nhà sang thế kia à? Anh đưa em vào nhà chơi đi.
- Đâu dễ thế. Gia đình anh đều làm quan lớn cả. Anh
đi chơi với em, lỡ ra vợ con bắt được thì khốn đấy.
- Thế sao anh bảo anh yêu em?
- Thì cũng liệu từ từ chứ. Bây giờ sắp đi qua, anh
phải tránh mặt, nghe.
Ông Khôi vờ nhìn sang bên đường nhưng ông cũng biết
chắc là Cúc đang say sưa theo dõi từng nhân vật, từng cử chỉ, từng tiện nghi
của gia đình giàu có ấy.
Cúc có thêm tình cảm đậm đà sâu xa với con người mà
xưa nay Cúc chỉ xem như tất cả kẻ khác, đôi khi còn hững hờ vì cái vẻ tầm
thường giản dị của kẻ văn nhân.
Sau đó, khi xuống xe, ông dẫn Cúc đi ăn ở một tiệm
đàng hoàng rồi cho Cúc hai đồng bạc. Thời bấy giờ, như thế là rất chu tất. Cô
đầu Cúc từ đó để ý tới ông và về sau, nhờ lối đối xử khôn khéo của ông mà cô mê
ông. Nhiều hôm, đang tiếp khách chợt thấy ông tới, cô cũng bỏ khách ra tiếp
ông. Tình tự với nhau một thời gian khá lâu, Cúc vẫn nuôi hy vọng được ông đón
về làm lẽ. Hình như ông có bịa một chuyện ngang trái gì của gia đình khiến ông
lâm cảnh túng thiếu, Cúc thương tình, bỏ tiền ra giúp đỡ ông một thời gian
lâu... Cho tới khi ông chán rồi lơ luôn và Cúc vỡ mộng hoàn lương với anh văn
sĩ kiết.
Chuyện đó xảy ra mấy năm trước, nay kể lại, ông còn
hối hận và cho là mình chơi bời hơi nhiều, có hại cho mình, cho người và khuyên
đám thanh niên chúng tôi không nên bắt chước.
Cũng nhân chuyện hát xướng, ông kể lại một chuyện
sau đây (và hình như ông Nguyễn Khắc Hiếu có kể lại trong một tờ báo ở Hà Nội?)
Cách đấy hai tháng (tức là khoảng tháng 10 ta) Phan
Khôi có bị bắt mấy ngày vì tội giao du. Có lẽ người ta thấy ông đi chơi với
toàn những người chính quyền nghi ngờ về chính trị nên phải tạm giữ. Khi được
tha, có người rủ ông đi hát cô đầu rồi chơi gái luôn tại đó. Hát xong, uống
rượu, chơi gái thỏa mãn rồi, hai người định ra về. Bỗng nhiên, có một bọn thanh
niên vào, thấy hai người bạn này, liền nói khích mấy câu. Ông Phan Khôi đối đáp
lại. Bọn kia không chịu thua. Tức thì họ muốn gây sự đánh lộn. Có lẽ Phan Khôi
- dân Bảo An, Quảng Nam - cũng như một số nhà nho thời ấy (Phan Châu Trinh,
Huỳnh Thúc Kháng) biết võ nên không sợ, sấn vào đánh liều. Ông bạn kia giữ thể
diện, lo can ra bảo mình là người thế này, thế nọ, mình không thể như họ, mình
lỡ bị cẩm phạt thì mặt mũi nào với đám trí thức v.v...
Ông Phan Khôi đã trả lời một câu thật tỉnh:
- Đã chơi đĩ được thì đánh lộn cũng không từ.
Không rõ, chuyện này có liên quan gì tới chuyện Nguyễn
Khắc Hiếu kể lại không. Có thể là một, mà cũng có thể là hai vì Phan Khôi đâu
thiếu cơ hội chống trả với những ai gây hấn trong xóm đĩ cũng như nơi trường
văn, trận bút?
Ông là người thống nhất trên văn đàn cũng như trong
đời sống riêng. Đó mới thật là người không thành kiến.
Ông Phan Khôi có khuyên chúng tôi một điều mà không
bao giờ cá nhân tôi quên được:
- Các cậu còn trẻ nên cố gắng tìm cách tự lập. Nghề
làm báo tuy nghèo khổ đó, không ra gì đó, nhưng là nghề tự do đáng cho những
người có cao vọng theo đuổi.
oOo
Năm giờ sáng, ông đã hút hết hộp thuốc, chuyện cũng
đã tàn. Chúng tôi giải tán. Tuy đã mấy mươi năm, tôi vẫn không quên hình ảnh con
người phóng khoáng hoạt bát ấy, con người sống tự nhiên, nói chuyện say mê
không câu nệ tuổi tác, địa vị, thân sơ. Những bài học ông dạy chúng tôi tuy
ngáo ngổ nhưng lại thấm thía hơn bất kỳ những lời tôn quí nào. Cho tới bây giờ,
già rồi sực nhớ lời khuyên của ông năm nào, tôi lại thử cầm cán bút để theo
đuổi cái "nghề tự do đáng cho những người có cao vọng theo đuổi".
(Tạp chí "Bách Khoa" Giai phẩm Xuân Quý Sửu 1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét