Ghi chép 2
Chủ đề:
Vũ điệu ba-lê.
Sự hài hòa vuông vức. X.
Mùa xuân. Phía sau Bức Tường Xanh, từ những bình nguyên vô hình hoang dã,
gió cuốn theo bụi phấn mật ngọt màu vàng của loài hoa nào đó. Bụi phấn ngọt ngào
ấy làm khô môi - cứ mỗi phút lại phải đưa lưỡi liếm - và những đôi môi của mọi phụ
nữ ta gặp ắt hẳn phải ngọt ngào (tất nhiên, môi đàn ông cũng thế). Điều này hơi
cản trở tư duy logic một chút.
Được một điều là bầu trời! Xanh ngắt, không một gợn mây (khiếu thẩm mĩ của
người xưa thật kì quặc, nếu như đám hơi nước vô nghĩa, lộn xộn, ngốc nghếch đó lại
có thể tạo cảm hứng cho những nhà thơ của họ). Tôi iêu - tự tin mà không sợ nhầm
chút nào khi nói: chúng tôi chỉ iêu bầu trời vô trùng, hoàn mĩ như thế ấy. Trong
những ngày này, toàn thế giới được đúc trong một khuôn thủy tinh vững chắc, vĩnh
cửu, kể cả Bức Tường Xanh, kể cả các công trình xây dựng của chúng tôi. Trong những
ngày này, bạn thấy được tận cùng sâu thẳm màu xanh của vạn vật, những thứ gì đó
đến nay còn chưa được biết, những phương trình đáng kinh ngạc của chúng - mà bạn
vẫn từng thấy quen thuộc hàng ngày.
Giá mà cứ như thế. Sáng nay khi ở trong xưởng tàu, nơi tàu Tích Phân sắp
được đóng, tôi bỗng thấy những cỗ máy: những quả cầu điều chỉnh xoay tròn, như quên
mình với những con mắt nhắm; những tay quay lấp lánh, nghiêng ngả hết sang phải
rồi lại sang trái; thanh thăng bằng kiêu hãnh lúc lắc đôi vai; lưỡi dao máy tiện ren
nhún nhảy theo điệu nhạc vô thanh. Đột nhiên, tôi nhận ra cái đẹp trọn vẹn trong
vũ điệu ba-lê của cỗ máy to lớn này ngập trong ánh mặt trời xanh nhạt.
Rồi tôi tự hỏi: sao đẹp thế? Vì sao vũ điệu lại đẹp thế? Câu trả lời: bởi
vì đó là động tác thiếu tự do, bởi vì í nghĩa sâu thẳm của vũ điệu chính là nằm
trong sự phục tùng thẩm mĩ một cách tuyệt đối, mất tự do một cách lí tưởng. Và nếu đúng thế,
cha ông chúng ta đã chìm đắm trong vũ điệu vào những giây phút cảm hứng nhất trong
đời (nghi thức tôn giáo bí truyền, duyệt binh quân đội), điều đó chỉ có một í nghĩa
duy nhất: bản năng mất tự do từ xa xưa vốn dĩ có sẵn trong con người một cách hữu
cơ, và chúng ta, trong cuộc sống hiện tại, mới í thức được...
Sẽ phải viết nốt sau thôi, bảng tín hiệu đã lách tách. Tôi ngước mắt lên:
dĩ nhiên là O-90. Trong vòng nửa phút nữa nàng sẽ đến đây để cùng tôi đi dạo.
O đáng iêu! Tôi luôn cảm thấy nàng cũng giống như tên của nàng: thấp hơn Tiêu
Chuẩn Mẹ 10cm - và vì thế toàn thân như được đẽo gọt thành một hình tròn, miệng
chữ O màu hồng - mở ra đón từng lời của tôi. Còn nữa: ngấn tròn mũm mĩm trên cổ
tay nàng, i hệt như ở tay trẻ con.
Khi nàng bước vào, cái vô-lăng logic vẫn còn ong ong trong đầu tôi, và theo
quán tính tôi nói về công thức do tôi xác lập, bao hàm hết thảy chúng tôi, cả máy
móc, cả vũ điệu.
- Tuyệt nhỉ. Đúng không nào? - tôi hỏi.
- Phải, tuyệt thật. Mùa xuân, - O-90 nở nụ cười "màu hồng" với tôi.
Đấy nhé, xin mời: mùa xuân... Nàng nói về mùa xuân. Phụ nữ mà... Tôi lặng
thinh.
Bên dưới. Đại lộ đông người: vào thời tiết này chúng tôi thường dành Giờ
Riêng Tư sau bữa chiều cho việc đi dạo. Như mọi khi. Xưởng Nhạc chơi bài Hành
Khúc Quốc Gia Thống Nhất với toàn bộ dàn kèn của mình. Xếp thành hàng đều nhau,
cứ bốn người một, hàng trăm, hàng ngàn mã số trong đồng phục xanh nhạt, những
huy hiệu dát vàng trên ngực với mã số quốc gia của từng người, nam cũng như nữ.
Và tôi - chúng tôi, bốn người một hàng - một trong vô số những làn sóng của
dòng người đặc nghẹt này. Bên trái tôi là O-90 (nếu như một trong những tổ tiên
lông lá của tôi viết những dòng này một ngàn năm trước, có lẽ sẽ gọi nàng bằng
từ rất buồn cười "em của anh"); bên phải tôi - hai mã số không quen,
một nữ một nam.
Bầu trời xanh ngắt thiêng liêng, những mặt trời bé con tí tẹo trên mỗi
huy hiệu, những khuôn mặt không u ám bởi í nghĩ điên rồ... Những tia nắng - bạn
có hiểu chăng: tất cả đều từ một chất liệu duy nhất tươi vui, rực rỡ. Âm điệu
của dàn kèn đồng: "Tra-ta-ta-tam. Tra-ta-ta-tam", tựa những nấc thang
bằng đồng lấp lánh dưới mặt trời, và từng nấc sẽ đưa bạn lên cao, cao mãi, tít
tắp tận màu xanh đến chóng mặt...
Và cũng như buổi sáng trong xưởng tàu, tôi lại thấy mọi thứ cứ như thể
trông thấy chúng lần đầu trong đời: những con phố thẳng tắp bất di bất dịch,
những tấm kính phản chiếu tung tóe những tia nắng, những hình hộp trong suốt
của các tòa nhà thần thánh, sự hài hòa vuông vức của những hàng, những dẫy xanh
xám. Và thế: dường như không phải những thế hệ trước tôi, mà là tôi - chính tôi
- đã chiến thắng vị Thượng đế già nua và cuộc sống già nua, chính tôi đã tạo
dựng tất cả, tôi như một ngọn tháp, tôi e sợ không dám nhúc nhích khuỷu tay để
khỏi làm đổ sụp những mảnh tường, những nóc vòm, những cỗ máy...
Chớp mắt sau đó, một cú nhảy vọt hàng thế kỉ, từ cộng sang trừ. Tôi nhớ
lại (rõ ràng, một sự kết hợp tương phản) - tôi bỗng nhớ đến bức tranh trong
viện bảo tàng: một đại lộ vào thế kỉ 20, đám đông chen chúc, nhung nhúc đủ mọi
hạng người, đủ mọi vòng xe, súc vật, áp phích, cây cối, màu sắc, chim chóc...
Và chính thế, như người ta nói, những gì tồn tại trong thực tế đều có thể tồn
tại. Tôi thấy điều này không có thật, vô nghĩa đến mức tôi không thể kìm nén
được mà đột nhiên phải bật cười ha hả.
Và lập tức, tiếng vọng - tiếng cười từ bên phải. Tôi quay sang: đập vào
mắt tôi - trắng lóa - hàm răng nhọn, trắng lạ thường, một gương mặt phụ nữ
không quen.
- Xin lỗi, - nàng nói - nhưng ông ngắm mọi vật đầy cảm hứng như vị chúa
tể thần thoại trong ngày sáng tạo thứ bảy. Tôi có cảm giác ông tin chắc rằng ông tạo ra tôi chứ không phải ai khác. Tôi rất hài lòng...
Những điều nói ra không có í cười cợt, thậm chí còn có thể nói, với hàm í
kính trọng (có lẽ, nàng biết tôi là công trình sư của tàu Tích Phân). Song tôi
không rõ - trong ánh mắt hay trong cái nhíu mày - một ẩn số X nào đó kích động
lạ lùng mà tôi không tài nào nắm bắt được, không thể nào diễn tả được bằng con
số.
Tôi thấy lúng túng vì một duyên cớ nào đó, hơi lẫn lộn, cố tìm lí do cho
tiếng cười của mình. Hoàn toàn rõ ràng là sự tương phản, một vực thẳm không thể
vượt qua giữa hiện tại và quá khứ...
- Nhưng vì sao không thể vượt qua? (Hàm răng mới trắng làm sao!) Có thể
bắc nhịp cầu qua vực thẳm. Ông chỉ cần hình dung: tiếng trống, những đoàn quân,
hàng ngũ - chính những thứ đó đã tồn tại - và suy ra...
- Phải, rõ rồi! - nàng reo lên (í tưởng lớn gặp nhau một cách lạ lùng:
nàng nói, hầu như bằng lời của tôi, những gì tôi đã viết ra trước buổi đi dạo).
- Cô hiểu không: kể cả í tưởng. Bởi vì không ai là "một người" mà là
"một người trong số". Chúng ta giống hệt nhau...
Nàng: - Ông có chắc không?
Tôi thấy đôi mày của nàng nhướng lên về phía thái dương tạo thành góc
nhọn, tựa cặp sừng nhọn của chữ X, vì lẽ gì đó tôi lại lẫn lộn; hết nhìn sang
phải rồi lại sang trái...
Bên phải tôi là nàng, mảnh dẻ, sắc sảo, dẻo dai bướng bỉnh, như một ngọn
roi, mã số I-330 (giờ tôi đã thấy mã số của nàng); bên trái tôi là O, khác hoàn
toàn, như những vòng tròn, với ngấn cổ tay trẻ thơ, và ở rìa hàng tư của chúng
tôi - một mã số nam không quen biết - với nét uốn lượn hai lần tựa như chữ S.
Đó là chỗ tất cả chúng tôi khác nhau...
Mã số I-330 bên phải, rõ ràng bắt được ánh mắt bối rối của tôi, thở dài
thốt lên:
- Phải... Than ôi!
Thực chất, tiếng "than ôi" ấy hoàn toàn thích hợp. Tuy nhiên,
lại có vẻ gì đó trên gương mặt hay trong giọng nói của nàng...
Tôi đáp với vẻ gay gắt khác thường:
- Chẳng việc gì phải than ôi cả. Khoa học phát triển, rõ ràng nếu không
phải bây giờ thì 50, 100 năm nữa...
- Thậm chí mũi của mọi người...
- Phải, mũi, - tôi hầu như hét lên. - Một khi có, thì kiểu gì cũng có cơ
sở để đố kị... Nào mũi tôi như hột nút, còn người khác...
- Ồ, mũi của ông thậm chí trông rất "cổ điển", nói theo kiểu
hồi xưa. Còn tay... Cho tôi xem tay của ông!
Tôi không tài nào chịu nổi khi người ta nhìn vào tay tôi: lông lá, bờm
xờm - đi ngược tiến hóa một cách xuẩn ngốc. Tôi chìa tay ra và nói bằng giọng
của người khác:
- Như khỉ đột.
Nàng nhìn tay tôi, sau đó nhìn vào mặt:
- Phải, một sự kết hợp rất thú vị. - Nàng ước lượng tôi bằng ánh mắt như
đặt trên bàn cân, lại nhướng góc mày lên trông tựa cặp sừng nhỏ.
- Ông ấy đăng kí với tôi, - O-90 hé cái miệng hồng hồng với vẻ sung
sướng.
Tốt hơn là nàng giữ im lặng - hoàn toàn chẳng để làm gì. Nói chung là O
đáng iêu... nói thế nào nhỉ... tốc độ lời nói của nàng không được dự tính đúng,
lời nói bao giờ cũng phải chậm hơn suy nghĩ ít giây, chứ không phải ngược lại.
Cuối đại lộ, tại tháp lưu điện, chuông đổ vang vang 17 tiếng.
Giờ Riêng Tư đã hết. I-330 đi khỏi với mã số chừng như chữ S. Anh ta có
vẻ khiến người khác phải kính trọng, giờ tôi mới thấy, thậm chí khuôn mặt có vẻ
quen quen. Hình như tôi gặp anh ta ở đâu rồi - nhất thời chưa nhớ ra.
Khi tạm biệt, I-330 nở nụ cười bí hiểm như ẩn số X với tôi:
- Ngày mốt ông ghé đến thính phòng một trăm mười hai.
Tôi nhún vai:
- Nếu như tôi có nhiệm vụ phải đến đúng thính phòng đó, cô nói số mấy
nhỉ...
Nàng đáp với vẻ tự tin khó hiểu:
- Sẽ có.
Người phụ nữ này khiến tôi khó chịu, như một vế vô tỉ không thể triển
khai tình cờ lọt vào phương trình. Và tôi vui mừng là có được chút riêng tư hai
đứa, tôi với O đáng iêu, dù chỉ trong chốc lát.
Tay trong tay, chúng tôi đi qua bốn làn đại lộ. Đến góc đường nàng rẽ
phải, còn tôi rẽ trái.
- Em muốn đến chỗ ông buông rèm hôm nay cơ. Đúng hôm nay, ngay bây giờ...
- O rụt rè ngước đôi mắt tròn xoe, màu xanh pha lê nhìn tôi.
Nàng thật buồn cười. Tôi có thể nói gì với nàng? Nàng vừa ở chỗ tôi hôm
qua và biết rõ chẳng kém gì tôi, ngày tình dục kế tiếp của chúng tôi là ngày
mốt. Đơn giản đó chính là thói "lời nói đi trước suy nghĩ" của nàng -
tương tự (đôi khi có hại) hiện tượng đánh lửa sớm trong động cơ.
Lúc từ giã, tôi hôn hai lần... không, chính xác là ba lần, vào đôi mắt
xanh thẳm tuyệt vời, không ánh một gợn mây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét