Ghi chép dưới hầm
dịch từ nguyên tác tiếng Nga "Записки
из подполья")
GHI CHÉP DƯỚI HẦM
Cả tập “Ghi chép” này lẫn tác giả của nó tất nhiên là tưởng
tượng. Tuy nhiên, nếu xét những hoàn cảnh mà nói chung trong đó xã hội chúng
ta được hình thành, thì những người như tác giả tập ghi chép này chẳng
những có thể, mà nhất định còn phải hiện diện trong xã hội chúng ta.
Tôi muốn nêu ra trước công chúng, rõ nét hơn bình thường, một trong số những
nhân vật của thời đại vừa qua. Đó là một trong số những đại diện của
thế hệ còn sống đến bây giờ. Trong phần đầu có nhan đề “Dưới hầm”,
nhân vật đó sẽ tự giới thiệu về bản thân, về quan điểm của hắn, như thể
muốn giải thích những lí do khiến hắn đã sinh ra và phải được sinh ra
trong xã hội chúng ta. Còn phần kế tiếp mới chính là những “ghi chép” của
nhân vật ấy về một số biến cố trong cuộc đời hắn.
Fyodor Dostoevsky, 1864
PHẦN I
DƯỚI HẦM
I
Tôi là người bệnh hoạn. Tôi là người độc ác. Tôi là người tẻ
nhạt. Tôi nghĩ mình đau gan. Tuy vậy, tôi chẳng băn khoăn quái gì về bệnh tình
của mình và có lẽ cũng chẳng biết thật sự mình đau chỗ nào. Tôi không đi
khám bệnh và cũng chưa từng chữa trị bao giờ, mặc dù rất tôn trọng y học và
y giới. Ngoài ra, tôi còn mê tín khủng khiếp; hừm, ít nhất cũng đủ để còn tôn
trọng y khoa. (Tôi có đủ học thức để không mê tín, nhưng vẫn cứ mê tín như
thường). Không, tôi không muốn chữa bệnh chẳng qua là vì giận dữ. Có lẽ quý
vị đâu thèm hiểu cho. Hừm, trái lại tôi rất hiểu. Tất nhiên, tôi không biết
cách nào để giải thích với quý vị, trong trường hợp này tôi định trút giận vào ai;
tôi thừa biết đâu thể “bôi nhọ” các vị bác sĩ bằng việc không để họ chữa
trị cho mình; tôi rõ hơn ai hết là làm thế chỉ gây tổn hại cho chính bản
thân mình chứ chẳng phải ai khác. Nhưng xét cho cùng, nếu tôi không chịu chữa bệnh
chẳng qua là vì giận dữ. Đau gan ư, cứ mặc cho nó đau nặng thêm nữa đi!
Tôi sống thế cũng đã lâu rồi, có đến hai mươi năm. Năm nay tôi bốn
mươi. Trước kia tôi là công chức, nhưng giờ đã nghỉ việc. Tôi từng là một
công chức ác nghiệt. Tôi thô lỗ và lấy làm hài lòng vì điều này. Tôi không
ăn hối lộ, vậy thì tôi phải được quyền tự ban thưởng cho mình một chút
chứ. (Câu pha trò hơi nhạt, nhưng tôi sẽ không xóa nó đi. Khi viết ra tôi
tưởng nghe sẽ ý vị lắm, nhưng lúc này, khi thấy đó chẳng qua chỉ là trò
phô trương đốn mạt thì tôi lại cố tình không xóa nó đi!). Khi có người đến
bàn tôi ngồi, trình đơn từ xin xỏ việc gì, tôi thường nghiến răng giận dữ với
họ và cảm nhận niềm khoái lạc vô hạn được hành hạ một ai đó. Hầu như
lúc nào cũng thành công. Phần đông đều là những kẻ nhút nhát - đám xin xỏ
ấy mà. Nhưng trong số bọn láo xược tôi đặc biệt không thể nào chịu nổi một tay
sĩ quan. Hắn dứt khoát không chịu khúm núm và cứ khua loảng xoảng thanh
kiếm một cách khả ố. Suốt một năm rưỡi trời tôi gây chiến với hắn chỉ vì
thanh kiếm đó. Cuối cùng tôi cũng thắng. Hắn thôi, không khua kiếm nữa. Dù
sao chuyện đó xảy ra hồi tôi còn trẻ. Nhưng thưa quý vị, quý vị có biết
mấu chốt sự giận dữ của tôi là ở chỗ nào không? Tất cả là ở chỗ, vấn
đề tởm lợm nhất chính là ở chỗ, ngay cả vào giây phút cáu giận khủng khiếp
nhất, tôi luôn cảm thấy xấu hổ nhận ra rằng: mình chẳng những không phải
là người độc ác, mà thậm chí còn không phải là người hay cáu giận,
rằng tôi cứ thích bày trò ngáo ộp một cách vô tích sự để tự an ủi mình.
Tôi đang tức sùi bọt mép, ấy thế chứ ai đó thử đem cho tôi con búp bê hay tách
trà đường xem, có khi tôi nguôi giận ngay. Thậm chí còn mủi lòng là đằng
khác, dù rằng sau đó tôi sẽ nghiến răng sỉ vả bản thân và bị mất ngủ
cả mấy tháng trời vì xấu hổ. Tính tôi nó vốn thế!
Khi nãy tôi vừa nói dối về bản thân rằng mình là một công chức ác
nghiệt. Dối trá thế là vì tôi giận dữ. Chẳng qua tôi muốn đùa bỡn với những
kẻ xin xỏ và với tay sĩ quan nọ, chứ thật ra đời thuở nào tôi lại có thể
ác nghiệt được. Tôi luôn nhận thấy trong con người mình đầy những yếu tố
tương phản nhau quá mức. Tôi có cảm giác chúng lúc nhúc trong tôi, những yếu
tố tương phản nhau ấy mà. Tôi biết suốt đời chúng vẫn cứ nhộn nhạo trong
người tôi và đòi thoát ra ngoài, nhưng tôi không cho phép, cố tình không cho
chúng thoát ra. Chúng hành hạ tôi đến xấu hổ, khiến tôi lên cơn động kinh,
và cuối cùng làm tôi phát ngấy, ngấy tận mang tai! Thưa quý vị, hay là quý vị
tưởng bở rằng giờ đây tôi đang ăn năn hối lỗi và muốn cầu mong tha thứ điều
gì? Tôi dám chắc thể nào quý vị cũng tưởng thế... Tuy vậy, xin cam đoan là
kể cả quý vị có tưởng thế, tôi cũng cóc quan tâm...
Tôi chẳng những không ác nghiệt, mà còn chẳng biết trở thành cái
quái gì hết: không ác - chẳng hiền, không đểu cáng - chẳng tử tế, không là
anh hùng cũng chẳng là côn trùng. Giờ đây tôi đang sống nốt chuỗi ngày tàn
trong cái xó này, tự huyễn hoặc mình bằng niềm an ủi độc ác, vô tích
sự là: một kẻ thông minh thì chẳng tài nào trở thành gì ráo trọi, chỉ
có đứa đần độn mới trở thành gì đó mà thôi. Phải, một kẻ thông minh của
thế kỉ XIX cần và phải có trách nhiệm đạo đức: trước hết phải là một tạo
vật không cá tính; còn con người có cá tính, con người hành động, chỉ
là tạo vật với nhiều hạn chế. Đó là niềm tin không gì lay chuyển suốt bốn mươi
năm trời. Năm nay tôi bốn mươi tuổi rồi, mà bốn mươi năm là cả một đời người;
là đã quá già nua. Sống quá bốn mươi tuổi là không hợp lẽ, là đê tiện, là
vô đạo đức! Quý vị thử trả lời thật chân thành, thẳng thắn: ai sống lâu hơn
bốn mươi tuổi nào? Tôi sẽ bảo với quý vị là ai nhé: là bọn đần độn và lũ vô
lại. Tôi sẽ bổ thẳng vào mặt mọi tên già, mọi tên già đáng kính, mọi
tên già tóc bạc đẹp lão! Tôi sẽ bổ thẳng vào mặt toàn thế giới! Tôi có
quyền nói thế là vì chính tôi đây cũng sẽ sống đến sáu mươi tuổi! Sẽ
sống đến bảy mươi! Sẽ sống đến tám mươi! Gượm đã! Cho tôi thở chút...
Thưa quý vị, quý vị tưởng tôi muốn pha trò cho vui chắc? Nhầm to!
Tôi hoàn toàn chẳng phải là một tay hoạt kê như quý vị tưởng, hay như quý
vị có thể tưởng thế đâu; tuy vậy, nếu quý vị thấy bực mình với mấy trò
ba hoa khoác lác này (mà tôi cảm thấy quý vị có vẻ bực rồi đấy), và
muốn chất vấn xem thực chất cái thằng tôi là đứa nào vậy? - Thế thì xin thưa:
tôi là một viên chức bậc VIII[1]. Tôi
làm việc cốt vì miếng cơm manh áo (chỉ thế mà thôi), và năm ngoái khi một
người bà con xa để lại di chúc cho tôi thừa kế sáu ngàn rúp, thì tôi lập
tức xin nghỉ hưu non và chuyển về sống hẳn ở cái xó này. Trước kia tôi từng
sống ở cái xó này, còn bây giờ thì chuyển hẳn về ở đây. Phòng của tôi -
một căn phòng khốn khổ, tồi tàn ở rìa thành phố. Người giúp việc của tôi
là một mụ già nhà quê, xấu tính xấu nết do đần độn, đã thế người lúc
nào cũng bốc mùi khiếp đảm. Người ta bảo khí hậu Peterburg có hại cho tôi,
và với chút tiền còm như tôi thì sống ở Peterburg làm gì cho đắt đỏ. Tôi biết
lắm chứ, còn rõ hơn tất cả những vị tham mưu, cố vấn khôn ngoan và đầy
kinh nghiệm ấy chứ. Nhưng tôi vẫn ở lại Peterburg; tôi sẽ không rời Peterburg.
Tôi không đi là vì... Ủa, mà tôi đi hay ở thì phỏng có can hệ quái gì
nhỉ!
Tuy vậy: một người đứng đắn thì khoái nói về điều gì nhất nào?
Xin thưa rằng: nói về bản thân hắn.
À, vậy thì tôi sẽ nói về tôi.
[1] Bảng hạng ngạch viên chức của
Nga trước cách mạng tháng Mười (1917) gồm 14 bậc, cao nhất là bậc I. (Mọi chú
thích đều của người dịch).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét