Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Chúng tôi (VI)


Ghi chép 6
Chủ đề:
Trường hợp. "Rõ ràng" chết tiệt. 24 giờ.
Tôi nhắc lại: tôi tự cho mình có trách nhiệm phải viết ra hết, không dấu diếm điều gì. Vì vậy, ở đây tôi phải lấy làm buồn mà thừa nhận, rõ ràng quá trình đông cứng, kết tinh cuộc sống của chúng tôi còn chưa kết thúc, còn một số bước nữa mới đạt được mức lí tưởng. Mức lí tưởng (rõ ràng rồi) là ở chỗ không còn xảy ra chuyện, nhưng ở chỗ chúng tôi... Đây nhé: hôm nay tôi đọc trên Nhật Báo Quốc Gia, tại quảng trường Lập Phương hai ngày tới sẽ mở hội Tư pháp. Vậy là, lại có mã số nào đó vi phạm tiến trình của Guồng Máy Quốc Gia vĩ đại, lại xảy ra chuyện chưa lường trước, chưa tính toán trước.
Ngoài ra, còn có chuyện xảy ra với tôi. Đúng thế, chuyện xảy ra vào Giờ Riêng Tư, nghĩa là trong khoảng thời gian đặc biệt dành cho những tình huống chưa lường trước, thế nhưng...
Gần 16 giờ (chính xác là 16 giờ kém 10) tôi đang ở nhà. Bỗng điện thoại reo.
- D-503? - giọng phụ nữ.
- Phải.
- Ông có rảnh không?
- Có.
- Tôi, I-330 đây. Tôi sẽ bay qua chỗ ông rồi chúng ta đến Nhà Cổ. Được chứ?
I-330... Cô nàng I làm tôi bực mình, hay thúc ép, hầu như làm tôi sợ. Nhưng chẳng hiểu vì sao tôi lại trả lời: được.
Năm phút sau chúng tôi đã ở trên không. Màu xanh men sứ của bầu trời tháng Năm và ánh nắng nhạt chiếu trên phi cơ bằng vàng như tan chảy ra sau lưng chúng tôi, không vượt lên trước mà cũng không tụt lại sau. Nhưng ở phía trước đám mây trắng đục như cườm mắt, ngớ ngẩn, bềnh bồng tựa đôi má thần ái tình cổ đại, và điều này hơi cản trở. Cửa sổ trước được kéo lên, gió làm khô môi, bạn miễn cưỡng phải liếm môi không và cứ phải bận tâm về chúng.
Từ xa, đằng sau Bức Tường, đã thấp thoáng những vệt xanh. Rồi cơn thắt tim nhẹ, vô tình - xuống, xuống, xuống mãi, như lao từ dốc núi, - và chúng tôi ở trước Nhà Cổ.
Toàn bộ kiến trúc lạ lùng, mong manh, kín bưng được bọc trong lớp vỏ kính: nếu không, đương nhiên nó đã sụp đổ từ lâu rồi. Tại cửa ra vào bằng kính, một bà cụ nhăn nheo, đặc biệt nhất là cái miệng: chỉ còn là những nếp nhăn, nếp gấp, cặp môi như thụt vào trong, khiến miệng trông như vết sẹo, không thể tin là bà cụ còn có thể mở miệng nói được. Thế nhưng bà lại nói.
- Đến xem nhà của ta ư, các con iêu? - Những nếp nhăn rạng rỡ (nghĩa là chúng xếp thành hình tia, tạo cảm giác "tỏa sáng").
- Vâng, bà ạ, lại muốn xem, - I đáp lời bà cụ.
Những nếp nhăn rạng rỡ:
- Nắng lên à? Nào, nào? Ồ, oắt con, quỷ nhỏ! Ta biết, ta biết! Được rồi: các con tự đi đi, ta ở đây thì hơn, hong nắng chút...
Hm...m... Bạn đồng hành của tôi ắt hẳn là khách thường xuyên ở đây. Tôi như muốn rũ bỏ khỏi bản thân điều gì đó gây phiền toái: có lẽ, hình ảnh vừa mới thấy cứ bám riết - đám mây trên men sứ xanh nhẵn.
Khi bước lên cầu thang tối và rộng, I nói:
- Tôi iêu bà cụ ấy.
- Vì sao?
- Không biết. Có lẽ, vì miệng của bà. Mà cũng có thể - chẳng vì cái gì. Đơn giản là iêu, thế thôi.
Tôi nhún vai. Nàng nói tiếp, khẽ mỉm cười, mà cũng có thể là chẳng mỉm cười chi cả:
- Tôi cảm thấy có lỗi. Hiển nhiên là tôi không được "đơn-giản-là-iêu-thôi", mà phải "iêu-vì-lẽ". Mọi hiện tượng cơ bản phải...
- Rõ rồi... - tôi bắt đầu, và ngay lúc ấy chợt thấy mình nói hớ, bèn nhìn trộm I, không biết nàng nhận ra không?
Nàng nhìn xuống đâu đó, mắt cụp xuống như buông rèm.
Tôi bỗng nhớ: khoảng 22 giờ tối, đi dọc đại lộ, và giữa những ô sáng trưng, trong suốt là những ô tối buông rèm, và ở đó, sau bức rèm... - Còn bên trong nàng là gì, sau bức rẻm mi? Hôm nay nàng gọi tôi để làm gì, và toàn bộ chuyện này để làm gì?
Tôi mở cánh cửa nặng, kêu cót két, không nhìn xuyên qua được, và chúng tôi vào một nơi tối tăm, bừa bộn (họ gọi nơi đây là "căn hộ"). Chính nhạc cụ "vua" lạ lùng ấy và cái thứ âm nhạc hoang dã, điên loạn, vô tổ chức của thời bấy giờ, một pha trộn hỗn tạp những màu sắc và hình thái. Mặt phẳng màu trắng bên trên; những bức vách xanh đậm; những bìa sách cổ màu đỏ, lục, cam; những ngọn đèn treo màu vàng đồng, pho tượng Phật; đồ gỗ bày biện xộc xệch như bị động kinh, không cách gì triển khai vào một phương trình nào cả.
Tôi khó mà chịu đựng nổi sự hỗn loạn này. Song phải nói bạn đồng hành của tôi có cơ thể khỏe mạnh hơn tôi.
- Đây là nơi đáng iêu nhất... - nàng dường như bỗng sực nhớ ra, hàm răng trắng nhọn, cười như muốn cắn. - Chính xác hơn: ngớ ngẩn nhất trong tất cả các "căn hộ".
- Hoặc chính xác hơn nữa: trong tất cả các quốc gia, - tôi sửa lời. - Hàng ngàn quốc gia li ti, chiến tranh triền miên, tàn bạo, như là...
- Rõ rồi... - I đáp, rõ ràng là rất nghiêm túc.
Chúng tôi đi qua căn phòng bên trong đặt những chiếc giường nhỏ cho trẻ em (trẻ em vào thời đó được coi là sở hữu cá nhân). Rồi những phòng, loang loáng những tấm gương soi, những tủ quần áo rầu rĩ, những ghế sofa lòe loẹt không chịu nổi, "lò sưởi" lớn tướng, giường gỗ đỏ kềnh càng. Vật bằng kính trong suốt, vĩnh cửu, tuyệt mĩ như thời chúng tôi chỉ vỏn vẹn trong mấy vuông cửa sổ con con mỏng manh, thảm hại.
- Nghĩ mà xem: ở đây người ta "đơn-giản-là-iêu-thôi", hừng hực, khổ đau... (lại rèm mi buông xuống). - Thật là hoang phí năng lượng con người một cách ngớ ngẩn, khinh suất, đúng không nào?
Nàng nói cứ như từ bên trong tôi, nói ra những suy nghĩ của tôi. Nhưng trong nụ cười của nàng luôn tiềm tàng một ẩn số X đáng bực mình. Bên trong rèm mi ẩn chứa điều gì đó mà tôi chưa biết, khiến tôi mất kiên nhẫn, và muốn tranh cãi với nàng, lớn tiếng với nàng (đúng thế), tuy nhiên rốt cục lại đồng í , không thể không đồng í được.
Chúng tôi đứng lại trước tấm gương. Vào lúc này tôi chỉ thấy đôi mắt nàng. Tôi có một í nghĩ: con người được tạo ra, hoang dã như những "căn hộ" ngớ ngẩn này, - đầu óc loài người không trong suốt, và chỉ có những cửa sổ tí hon: đôi mắt. Nàng dường như đoán ra và quay lại. "Phải, mắt của tôi. Rồi sao nào?" (Im lặng, tất nhiên).
Hiện ra trước tôi hai ô cửa sổ đen thẳm, bên trong chứa đựng một cuộc sống lạ lùng, bí ẩn. Tôi chỉ thấy ngọn lửa cháy rực bên trong "lò sưởi" của nàng, và những hình bóng tựa như...
Tất nhiên, điều này cũng tự nhiên thôi: tôi thấy bản thân mình phản chiếu trong đó. Song lại không tự nhiên và không giống tôi (rõ ràng, do tác động nặng nề của khung cảnh xung quanh) - tôi cảm thấy rõ là mình bị bắt, bị nhốt vào cái lồng man rợ này, cảm thấy mình bị cuốn vào cơn lốc của đời sống cổ xưa.
- Ông biết không, - I nói, - hãy qua phòng bên cạnh một chút. - Giọng nàng nghe như vẳng từ bên trong, từ hai ô mắt cửa sổ đen, với lò sưởi cháy rực.
Tôi bước ra, ngồi xuống. Từ kệ trên tường, gương mặt không cân xứng với chiếc mũi hếch của một nhà thơ cổ đại nào đó (hình như là Pushkin) uể oải mỉm cười trực diện với tôi. Cớ sao tôi ngồi đó ngoan ngoãn chịu đựng nụ cười, và vì lẽ gì tất cả những điều này: vì sao tôi lại ở đây, sao lại có tình trạng ngớ ngẩn này? Người phụ nữ thúc ép đáng bực mình, trò chơi lạ lùng...
Cửa tủ khua lộp cộp, quần áo lụa sột soạt, tôi phải khó khăn mới kiềm chế được không đi ra đó, và... - tôi không nhớ chính xác: có lẽ tôi muốn nói với nàng điều gì rất gay gắt.
Nhưng nàng đã bước ra. Mặc một chiếc áo váy ngắn, rất xưa, màu vàng sáng, đội mũ đen, đi tất đen. Váy lụa mỏng, tôi thấy rõ: tất rất dài, cao hơn đầu gối nhiều, cổ áo hở, cái bóng ở giữa...
- Nghe này, rõ là cô muốn trở nên lập dị, nhưng chẳng lẽ...
- Rõ rồi, - I ngắt lời, - lập dị có nghĩa là nổi bật giữa đám đông. Suy ra, lập dị là phá vỡ sự bình đẳng... Và ngôn ngữ dốt nát của người xưa gọi đó là "nhạt nhẽo", còn với chúng ta có nghĩa là: thực hiện bổn phận của mình. Bởi vì...
- Phải, phải, phải! Chính thế. - Tôi không chịu nổi. - Và cô chẳng cớ gì mà...
Nàng bước đến pho tượng nhà thơ mũi hếch, buông rèm mi che ngọn lửa hoang dại trong ô mắt cửa sổ và nói, lần này có vẻ hoàn toàn nghiêm túc (có lẽ để xoa dịu tôi), một điều rất hợp lí:
- Ông không thấy ngạc nhiên là có một thời người ta phải chịu đựng những người như thế này? Và không chỉ chịu đựng, mà còn tôn thờ họ. Tinh thần nô lệ! Không đúng sao?
- Rõ ràng... Nghĩa là tôi muốn... ("rõ ràng" chết tiệt!).
- Phải, tôi hiểu. Nhưng thực chất, đó là những vị chúa tể còn mạnh mẽ hơn những vị đội vương miện trên đầu. Vì lẽ gì họ không bị cô lập, không bị tiêu diệt? Còn chúng ta...
- Phải, còn chúng ta... - tôi bắt đầu. Bỗng nàng cười phá lên. Tôi chợt "thấy" tiếng cười ấy bằng mắt: một đường cong ngân vang, dựng đứng, dẻo tựa ngọn roi của tiếng cười.
Tôi nhớ mình rúng động toàn thân. Phải bắt cô ta, nhưng tôi không nhớ mình đã làm gì... Cần phải làm một điều gì đó, bất kể là điều gì. Tôi mở huy hiệu bằng vàng của mình một cách máy móc, nhìn lên đồng hồ. 17 giờ kém 10.
- Cô không thấy là đến giờ rồi sao? - tôi nói, cố lịch sự đến mức có thể.
- Còn nếu như tôi đề nghị ông ở lại đây với tôi?
- Nghe này, cô... có í thức được mình đang nói gì không? Mười phút nữa tôi phải có mặt ở thính phòng...
-... Và tất cả các mã số phải qua một khóa học quy định về nghệ thuật và khoa học... - I nói bằng giọng của tôi. - Sau đó vén rèm mi, ngước mắt lên: lò sưởi cháy rực qua ô cửa tối. - Ở Phòng I Tế tôi quen một bác sĩ, ông ấy có đăng kí với tôi. Nếu tôi đề nghị, ông ấy sẽ cấp cho ông giấy xác nhận đang bị bệnh. Sao nào?
Tôi hiểu. Cuối cùng đã hiểu, trò chơi này sẽ dẫn đến đâu.
- Lại còn thế nữa! Cô có biết là đáng lí ra, như mọi mã số trung thực, tôi phải ngay lập tức đến Phòng Bảo Vệ để...
- Còn không phải đáng lí ra (nhe răng nhọn cười như cắn). Tôi tò mò kinh khủng: ông có đến Phòng Bảo Vệ hay không?
- Cô sẽ ở lại? - Tôi cầm tay nắm cửa. Tay nắm bằng đồng, và tôi nghe thấy giọng nói của tôi cũng lạnh như đồng.
- Đợi một lát... Tôi có thể?
Nàng bước đến máy điện thoại. Nàng nói lớn với mã số nào đó - tôi hồi hộp đến mức không nhớ là mã số nào:
- Tôi sẽ đợi ông tại Nhà Cổ. Phải, một mình...
Tôi xoay tay nắm bằng đồng lạnh giá:
- Cô cho phép tôi dùng phi cơ chứ?
- Ồ vâng, tất nhiên! Xin mời...
Dưới ánh nắng, bên cửa ra vào, bà cụ lim dim như một loài thực vật. Lại thật ngạc nhiên là cái miệng như vết sẹo của bà có thể mở ra được và bà nói:
- Còn cô nàng của ông... cô ấy ở đó một mình à?
- Vâng, một mình.
Miệng của bà cụ lại liền như vết sẹo. Bà lắc đầu. Rõ ràng, thậm chí đầu óc kém sáng suốt của bà cũng hiểu được sự nhảm nhí và mạo hiểm trong lối cư xử của người phụ nữ này.
Đúng 17 giờ tôi có mặt ở buổi diễn thuyết. Và ở đó bỗng tôi hiểu ra vì cớ gì tôi không nói thật với bà cụ: I không ở đó một mình. Có lẽ chính vì thế tôi mới nói dối bà cụ một cách vô tâm - điều đó dằn vặt và cản trở tôi nghe diễn thuyết. Phải, không ở đó một mình: phiền một nỗi là thế đấy.
Sau 21 giờ 30 tôi có thời gian rảnh. Lẽ ra hôm nay có thể đến Phòng Bảo Vệ để báo cáo. Song sau câu chuyện ngu ngốc đó tôi cảm thấy mệt. Vả lại thời hạn luật định để báo cáo là hai ngày đêm. Mai cũng còn kịp chán: trọn 24 giờ nữa mà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét