Nữ liệt sĩ Lê Thị Đàn
Việt Dân sưu tầm
Tại góc phía hữu gần đường, nơi phần mộ cụ Phan Sào
Nam ở Huế, có dựng một bi đình xây hình vuông, mặt trước có đề 4 chữ: "Ấu
Triệu bi đình", 2 cột trụ mang 2 câu đối:
"Tơ
nhân sợi nghĩa dây lưng trắng
Dạ sắt lòng son nét má hồng"
Trên bia đá, mặt trước thấy khắc những giòng chữ:
"Nữ liệt sĩ bi đình,
Nữ đồng bào Ấu Triệu, liệt nữ Lê Thị Đàn chi phần,
Thừa Thiên phủ, Thế Lại Thượng xã nhân, Duy Tân Canh Tuất,
vị quốc sự án hạ ngục. Khảo tấn nghiêm cực, thống khổ vạn trạng nhiên bất
khuất. Thị niên tam nguyệt, thập lục nhật, tử tuẫn. Thị cố chú đồng chí đa
thoát võng giả.
Ô hô! Liệt nữ minh viết. Thân bất khả lục. Chí bất khả nhục. Đạo nhân
nhi tử, Trưng Triệu chi tục. Kỳ tồn giả danh, kỳ một giả danh. Nữ kiệt! Nữ kiệt!
Hà nhạc nhật tình.
Liệt nữ tuẫn nghĩa, nậu chi thập bát niên nguyệt nhật".
Mặt sau bia thấy khắc những giòng chữ:
"Bia cô Ấu Triệu liệt nữ, người xã Thế Lại Thượng, phủ Thừa Thiên.
Năm Canh Tuất đời vua Duy Tân, vì án quốc sự bị ta khảo tàn nhẫn, nhưng trước
sau không khai một lời. Ngày 16 tháng 3 năm ấy tự tử trong ngục, các người đồng
chí nhờ vậy được vô sự.
Than ôi! Nghĩa liệt! Lời minh rằng:
Sống vì nước, chết vì nòi
Bà Trưng cô Triệu sau này mấy ai!"
Bi đình và lời bia trên do tự tay cụ Phan Sào Nam
xây dựng và viết, sau ngày cụ bị Pháp bắt về giam lỏng tại Bến Ngự Sông Hương.
Biệt hiệu cô Lê Thị Đàn là "Ấu Triệu" cũng do cụ Phan đặt.
Vậy cô Lê Thị Đàn là người thế nào?
Là con một cụ đồ nho ở làng Thế Lại Thượng, huyện
Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, gia đình thanh bạch. Nhờ tư chất rất thông minh,
khi 15 tuổi, cô đã nổi tiếng hay chữ.
Năm Canh Tuất (1910), thân phụ cô tham gia phong
trào cách mạng, bị thực dân bắt giam tại nhà lao Thừa Thiên; hàng ngày cô phải
đem cơm nước nuôi cha. Một hôm tên thông phán đầu tòa Khâm sứ Trung Kỳ, là
người được Tây tín dụng, nhân dịp có việc qua nhà lao, tình cờ gặp cô. Thấy là
một thiếu nữ dung mạo yêu kiều mỹ lệ, bèn thả lời trăng gió cợt trêu, nhưng cô
vẫn giữ thái độ lạnh lùng sắt đá. Biết người cha của cô hiện bị giam giữ tại
lao xá, tên thông phán liền dụ: nếu cô bằng lòng làm nàng hầu của y, thời y sẽ
xin Khâm sứ tha tội cho người cha được về.
Cô đành hiến thân cho một kẻ vong nô để cứu cha
thoát cảnh tù đầy.
Thân phụ cô được tha về, cách ít lâu bị bệnh mà
mất, anh thông phán đầu tòa khâm ấy cũng bị đổi đi nơi khác. Nhân dịp này, cô
cương quyết từ chối, không chịu theo đi. Ở lại Huế, nối chí cha tiếp tục hoạt
động cách mạng với tổ chức Việt Nam Quang phục. Hoạt động được một thời gian
thì công cuộc bị phát giác, cô bị thực dân bắt giam tại nhà lao Quảng Trị.
Chúng đã dùng cực hình tra tấn, cô cương quyết không cung xưng cho một đồng chí
nào. Sau chúng lại giải về nhà lao Thừa Thiên, thì một buổi sáng, viên đội đề
lao mở cửa phòng giam đã thấy cô xé áo làm giây treo cổ vào song sắt tự tử, còn
lưu lại trên vách tường phòng giam 3 bài thơ tuyệt mệnh viết bằng than rằng:
Thê lương ngục thất mệnh chung thì
Hải khuất sa không khốc tự tri
Tử quốc đáo nùng thiên hữu phận
Thương tâm quan lũ kỷ nam nhi
*
Huyết khô lệ kiệt hận nan tiêu
Trường đoạn Hương giang nhật mộ triều
Ngô đảng tảo thanh cừu lỗ nhật
Phần tiền nhất chỉ vị nùng thiêu
*
Tuyền đài yểm lệ kiến Trưng vương
Đề huyết thư quyên chỉ tự thương
Bằng tạ Phật linh như tái thế
Nguyện thân thiên tý, tý thiên thương
Dịch: (bản dịch của cụ Phan)
Tuẫn nạn thê lương chốn ngục tù
Khóc trong hoang vắng dạ dằn đau
Vì nước quên mình ta góp phận
Đắm chìm thương xót bạn mày râu
*
Huyết khô lệ cạn giận khôn nguôi
Cuồn cuộn Hương giang lớp sóng dồi
Nào lúc trừ xong quân giặc nước
Trước mồ xin đốt giấy tin vui
*
Lệ dòng chín suối yết Trưng vương
Quốc mãi kêu thương đã mỏi mòn
Bằng được Phật linh cho tái thế
Ngàn tay, tay lại nắm ngàn thương
(từ "Văn
học tạp chí" #1, loại chuyên san, ra tháng 2-1959; Chủ nhiệm kiêm Chủ
bút: Trần Tuấn Khải)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét