Ghi chép 3
Chủ đề:
Áo khoác.
Bức tường. Bảng Giờ.
Tôi xem lại toàn bộ ghi chép hôm qua và thấy mình viết chưa đủ rõ. Tất
nhiên mọi thứ đều hoàn toàn rõ ràng với bất kì ai trong chúng tôi. Tuy nhiên,
làm sao biết được: ngộ nhỡ các bạn, những người được tàu Tích Phân đem đến
những ghi chép của tôi, có biết gì đâu, ngộ nhỡ các bạn chỉ đọc cuốn sách vĩ
đại về nền văn minh mới đến trang mà tổ tiên chúng tôi đã đọc 900 năm trước.
Ngộ nhỡ các bạn không biết kể cả những từ cơ bản nhất như Bảng Giờ, Giờ Riêng
Tư, Tiêu Chuẩn Mẹ, Bức Tường Xanh, Lãnh Tụ Thiện Nguyện. Tôi thấy buồn cười và
lúc này rất khó mà nói về tất cả những thứ đó. Điều này cũng giống như một nhà
văn, ở thế kỉ 20 chẳng hạn, phải giải thích trong tiểu thuyết của ông ta
"áo khoác", "căn hộ", "vợ" có nghĩa là gì. Vả
lại, nếu tiểu thuyết của ông ta được dịch cho người nguyên thủy đọc, chẳng nhẽ
cứ thế mà bỏ qua, không chú thích "áo khoác" là gì hay sao?
Tôi đoan chắc, người nguyên thủy khi trông thấy từ "áo khoác"
sẽ nghĩ: "Để làm quái gì nhỉ? Chỉ tổ làm vướng thêm". Tôi hình dung
các bạn cũng sẽ thấy hệt như thế, khi tôi nói với các bạn rằng không một ai
trong chúng tôi bước ra khỏi Bức Tường Xanh kể từ thời cuộc Chiến Tranh Hai
Trăm Năm.
Bạn thân mến, tuy nhiên cần phải suy nghĩ một chút, điều đó giúp ích rất
nhiều. Thật hiển nhiên: toàn bộ lịch sử loài người, trong chừng mực mà ta biết,
là lịch sử của sự chuyển tiếp từ hình thức du cư sang định cư. Lẽ nào từ đó
không suy ra được hình thức định cư ổn định nhất (của chúng tôi) đồng thời cũng
là hình thức hoàn hảo nhất (của chúng tôi). Nếu như người ta cứ chạy loăng
quăng từ đầu này sang đầu kia trái đất, thì điều đó chỉ xảy ra trong thời tiền
sử, khi còn tồn tại những quốc gia, chiến tranh, giao thương, khám phá ra châu
Mĩ hay châu lục khác đại loại thế. Song để làm gì, bây giờ ai còn cần đến những
thứ đó?
Tôi thừa nhận: thói quen định cư chẳng phải dễ dàng gì hay đùng một cái
mà có được. Trong thời Chiến Tranh Hai Trăm Năm mọi con đường đều bị phá hủy và
ngập tràn cỏ dại - thời đầu, ắt hẳn là rất bất tiện khi phải sống trong những
thành phố ngăn cách nhau bởi rừng rậm cây xanh. Song tiếp đến thì sao? Con
người sau khi rụng đuôi, có lẽ cũng chưa học được cách đuổi ruồi muỗi ngay lập
tức mà khỏi phải dùng đuôi. Chẳng ngờ gì, lúc đầu nó cũng nhớ cái đuôi lắm chứ.
Nhưng giờ đây - bạn có thể hình dung được mình có đuôi không? Hoặc là: bạn có
thể hình dung mình trần truồng ngoài đường không mặc "áo khoác" hay
không? (có lẽ bạn hãy còn mặc "áo khoác" đi dạo). Ở đây giờ cũng thế:
tôi không thể nào hình dung nổi một thành phố mà không được bao bọc bằng Bức
Tường Xanh, không thể hình dung cuộc sống không được bao trùm trong hào quang
số của Bảng Giờ.
Bảng Giờ... Chính lúc này đây, từ bức tường trong phòng tôi, những con số
màu tím trên nền vàng vừa nghiêm khắc vừa dịu dàng nhìn vào mắt tôi. Tôi tình
cờ nhớ lại người xưa thường gọi đó là "biểu tượng", và tôi muốn viết
những vần thơ hay những lời cầu nguyện (là một cả thôi). Ôi, sao tôi không phải
là nhà thơ nhỉ, để ngợi ca cho xứng với người, Bảng Giờ, ngợi ca trái tim và
nhịp đập của Quốc Gia Thống Nhất.
Tất cả chúng tôi (cũng có thể cả bạn nữa) lúc ấu thơ còn tuổi đến trường
đã đọc tác phẩm văn học cổ được coi như một trong số những tượng đài vĩ đại
nhất còn lưu truyền đến thời chúng tôi - "Lịch biểu các tuyến đường sắt". Hãy đặt nó bên cạnh Bảng Giờ -
và bạn sẽ thấy như than chì bên cạnh kim cương: cả hai đều từ một nguyên tố
carbon C, nhưng kim cương thì trong suốt, vĩnh cửu, lấp lánh biết bao! Ai không
bị nghẹn thở khi lướt ào ào qua những trang "Lịch biểu"? Nhưng Bảng
Giờ thực sự biến mỗi một người trong chúng tôi thành nhân vật chính bằng thép
với sáu bánh xe của bản trường ca vĩ đại. Mỗi sáng, với độ chính xác của sáu
bánh xe, vào cùng một giờ cùng một phút, chúng tôi cùng thức dậy, triệu người
như một. Vào cùng một giờ, triệu người như một bắt đầu công việc, triệu người
như một kết thúc công việc. Rồi như hòa vào một thân thể với hàng triệu cánh
tay, vào cùng một giây do Bảng Giờ định trước, chúng tôi đưa thìa lên miệng,
rồi lại vào cùng một giây chúng tôi bước ra đi dạo và đến thính phòng, vào
phòng tập Taylor, chìm vào giấc ngủ...
Tôi sẽ cởi mở hoàn toàn: chúng tôi chưa có lời giải chính xác tuyệt đối
cho bài toán hạnh phúc: hai lần trong ngày - từ 16 đến 17 giờ và từ 21 đến 22
giờ - một cơ thể mạnh khỏe phân rã thành những tế bào riêng biệt: đó là những
Giờ Riêng Tư do Bảng Giờ ấn định. Vào những giờ này bạn sẽ thấy: trong phòng
một số người rèm e ấp buông xuống, số khác thì bước đều theo những cung bậc
bằng đồng của Hành Khúc dọc đại lộ, số khác nữa - như tôi bây giờ - ngồi sau
bàn viết. Nhưng tôi tin chắc - mặc cho người ta có gọi tôi là kẻ lí tưởng hóa
hay người mơ mộng hão huyền - tôi vẫn tin rằng không sớm thì muộn, một lúc nào
đó, chúng tôi sẽ tìm ra công thức tổng quát cho những giờ này, một lúc nào đó
toàn bộ 86.400 giây sẽ được đưa vào Bảng Giờ.
Tôi từng đọc và nghe nhiều điều khó tin về thời kì mà người ta còn sống
trong tình trạng tự do, nghĩa là không có tổ chức, hoang dã. Nhưng điều khó thể
tưởng tượng nhất mà tôi luôn cảm thấy chính là: chính quyền thời đó, dù thậm
chí mới phôi thai, lại có thể phó mặc người dân sống trong tình trạng không có
một thứ gì tương tự Bảng Giờ của chúng tôi, không có giờ đi dạo bắt buộc, không
có sự phân bố chính xác giờ ăn, người dân thức dậy và đi ngủ bất cứ lúc nào nảy
ra trong đầu họ; một số sử gia còn nói là thậm chí vào thời đó đèn đường thắp
suốt đêm, người ta đi bộ hay lái xe ngoài đường suốt đêm.
Tôi chẳng cách nào hiểu được điều này. Bất luận là trí tuệ của họ hạn chế
đến mức nào, song dù sao đi nữa họ cũng phải hiểu rằng cuộc sống như thế thực
sự là tiêu diệt toàn dân - chỉ có điều là từ từ, ngày này sang ngày khác.
Một quốc gia (nhân đạo) cấm giết chết một cá nhân nhưng lại không cấm
giết dần giết mòn hàng triệu người. Giết một người, nghĩa là làm giảm tổng số
đời sống nhân loại 50 năm - đó là tội ác, còn làm giảm tổng số đời sống nhân
loại 50 triệu năm - lại không phải là tội ác. Lẽ nào không buồn cười sao? Thời
chúng tôi bất kì mã số 10 tuổi nào cũng đều giải được vấn đề toán học đạo đức
ấy trong vòng nửa phút; vậy mà họ, tất cả các ông Kant của họ hợp sức lại cũng
không sao giải được (vì lẽ chẳng một ông Kant nào trong số đó đoán ra được cách
xây dựng hệ thống đạo đức khoa học, nghĩa là đạo đức học dựa trên các phép cộng
trừ nhân chia).
Lẽ nào không vô lí, khi một quốc gia (còn dám tự xưng là quốc gia!) lại
có thể buông thả đời sống tình dục chẳng hề kiểm soát. Ai, khi nào, bao nhiêu,
muốn sao thì muốn... Hoàn toàn phi khoa học, chẳng khác gì loài vật. Và sinh
con đẻ cái một cách mù quáng như loài vật. Không buồn cười sao: biết làm vườn,
nuôi gia cầm, nuôi cá (chúng tôi có những số liệu chính xác là họ biết làm việc
này) mà không biết đi tới nấc cuối cùng của bậc thang lí luận: nuôi trẻ. Không
nghĩ ra được đến nơi đến chốn Tiêu Chuẩn Mẹ và Cha của chúng tôi.
Thật buồn cười, thật khó tin là tôi viết điều này và sợ rằng đột nhiên
các bạn, những độc giả tôi chưa biết, cho rằng tôi là một tay đùa ác. Các bạn
nghĩ là tôi chỉ muốn chế nhạo các bạn và kể những câu chuyện rất tào lao với bộ
mặt nghiêm túc.
Thứ nhất: tôi không có năng khiếu hài hước - trong mọi câu chuyện cười
đều chứa đựng lời nói dối như một hàm số ẩn; thứ hai: nền Khoa Học của Quốc Gia
Thống Nhất khẳng định lối sống của người xưa chính là như thế, mà Khoa Học của
Quốc Gia Thống Nhất thì không thể sai lầm. Và từ đâu mà đúc kết được lí luận
quốc gia khi người dân sống trong tình trạng tự do, nghĩa là như loài vật, khỉ,
bầy đàn. Có thể đòi hỏi họ điều gì, nếu như thậm chí trong thời chúng tôi từ
đâu đó dưới đáy, dưới vực thẳm đầy bụi rậm, đôi khi vẫn còn văng vẳng tiếng
vọng dã nhân hoang dại.
Còn may là chỉ hiếm khi thôi. Còn may đó chỉ là hỏng hóc những chi tiết:
có thể dễ dàng sửa chữa, không phải dừng chuyển động vĩnh cửu kì vĩ của toàn bộ Guồng Máy. Và để vứt bỏ một bu-lông bị cong vênh, chúng tôi có bàn tay khéo léo, vất vả
của Lãnh Tụ Thiện Nguyện, chúng tôi có con mắt kinh nghiệm của Phòng Bảo Vệ...
Phải, nhân tiện, giờ tôi đã nhớ ra: mã số với hai lần uốn lượn như chữ S
ngày hôm qua - hình như tôi có dịp gặp anh ta bước ra từ Bộ Bảo Vệ. Bây giờ
tôi hiểu vì sao mình lại có cảm giác bản năng phải kính trọng anh ta và cô nàng
I-330 lạ lùng lại tỏ ra lúng túng trước anh ta... Tôi phải thú nhận cô nàng
I-330 này...
Chuông báo giờ đi ngủ: 22 giờ 30. Hẹn gặp lại ngày mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét