IX
Thưa quý vị, tất nhiên là tôi pha trò, và tôi tự
biết những câu đùa của mình nhạt như nước ốc, tuy nhiên không được coi toàn bộ
là chuyện đùa đâu. Có thể tôi vừa pha trò vừa nghiến răng cũng nên. Thưa quý
vị, nhiều vấn đề đang hành hạ tôi; xin giúp tôi giải quyết chúng với. Nào,
chẳng hạn quý vị muốn bắt con người từ bỏ những thói quen cũ và uốn nắn í chí
của hắn cho phù hợp với đòi hỏi của khoa học và tư duy lành mạnh. Nhưng làm sao
quý vị biết được rằng con người không những có thể sửa đổi mà còn cần thiết
phải sửa đổi? dựa vào đâu mà quý vị kết luận rằng dục vọng con người tất phải
được uốn nắn? Tóm lại, vì sao quý vị biết là việc uốn nắn đó thực sự đem lại
lợi ích cho con người? Và nếu như nói đến cùng: vì sao quý vị lại chắc chắn rằng
điều này không đi ngược lại lợi ích bình thường và thực thụ, được đảm bảo bằng
những kết luận của lí trí và số học, thực sự có lợi cho con người và là quy
luật tất iếu cho toàn nhân loại? Cho đến nay đó chỉ là giả thiết của quý vị. Cứ
giả sử như đó là quy luật logic đi, nhưng có thể đó hoàn toàn không phải là quy
luật của nhân loại. Có lẽ quý vị tưởng tôi điên? Xin mạn phép được phân giải
đôi lời. Tôi đồng í: con người là một động vật đa phần có xu hướng sáng tạo, bất
đắc dĩ phải nhắm tới mục đích một cách có í thức và thực hiện nghệ thuật công
trình, nghĩa là vĩnh viễn và không ngừng vạch ra cho mình một con đường bằng mọi
giá dù đến đâu thì đến. Nhưng có lẽ chính vì thế nên đôi khi hắn lại muốn vòng
vo rẽ loanh quanh, vì hắn bị buộc phải lao vào con đường đó, còn nữa: bởi vì nói
chung con người chất phác, con người hành động dù có ngu si đến mấy, xét cho
cùng đôi khi hắn cũng có suy nghĩ là hóa ra con đường đó hầu như dứt khoát phải
dẫn tới một nơi nào đó và điều chủ iếu không phải là nó dẫn đến đâu, mà là ở
chỗ nó cứ dẫn đi khơi khơi, để đứa trẻ ngoan ngoãn vốn coi thường nghệ thuật
công trình đừng có dở cái thói ăn không ngồi rồi chết người, mà ai cũng biết là
mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu. Con người iêu thích sáng tạo và mở ra những con
đường, điều này miễn bàn. Nhưng vì cớ gì hắn cũng say mê phá hoại và gây rối?
Quý vị bảo sao nào! Riêng tôi muốn có đôi lời. Có thể hắn iêu thích phá hoại
và gây rối đến thế (điều này miễn tranh luận, đôi khi hắn còn iêu thích quá mức)
phải chăng là vì theo bản năng hắn sợ đạt tới đích và hoàn thành cái công cuộc xây
dựng của hắn? Làm sao quý vị biết, có thể hắn chỉ iêu thích cái công trình đó ở
đằng xa, chứ không phải lúc đến gần; có thể hắn chỉ iêu thích xây dựng nó chứ
không phải để sống trong đó, rồi về sau hắn sẽ sẵn sàng đem nó cho les animaux domestiques (gia súc), như
loài kiến, loài cừu, vân vân và vân vân... Song loài kiến lại có thị hiếu khác
hẳn. Chúng có một công trình tuyệt tác cũng đại loại thế nhưng bền vững muôn
đời - đó là tổ kiến.
Tổ kiến là nơi bắt đầu, có lẽ cũng là nơi chấm dứt của
loài kiến đáng kính, đem lại vinh dự lớn cho đức tính kiên định và thiết thực
của chúng. Nhưng con người là một tạo vật nhẹ dạ và xấu xa, và có thể, giống
như một người chơi cờ, hắn chỉ ưa cái quá trình để đạt được mục tiêu chứ không phải
chính mục tiêu. Và ai biết được (không thể đảm bảo) có thể toàn bộ mục tiêu trên
thế gian mà nhân loại hướng tới chỉ gói gọn trong tính liên tục của quá trình để
đạt được; nói cách khác, gói gọn trong chính cuộc sống chứ không phải trong mục
đích của cuộc sống, cố nhiên không phải gì khác là cái "hai lần hai là
bốn", nghĩa là một công thức, mà "hai lần hai là bốn" không phải
là cuộc sống, thưa quý vị, mà là khởi nguồn của cái chết. Ít ra thì con người
cũng luôn sợ hãi cái "hai lần hai là bốn", tôi đây cũng rất sợ. Giả
dụ con người chỉ làm cái việc đi tìm cái "hai lần hai là bốn" đó, hắn
vượt đại dương, hi sinh cả cuộc đời để theo đuổi nó, nhưng để tìm kiếm, thực sự
tìm thấy nó, trời ạ, thì hắn lại sợ. Bởi hắn cảm thấy rằng một khi đã tìm thấy rồi
thì chẳng còn gì để mà tìm kiếm nữa. Khi làm xong việc, ít ra các thợ thuyền
lãnh lương, vào quán uống rượu, và sau đó vào đồn cảnh sát, thế là có việc cho cả
tuần rồi. Còn con người thì đi đâu? Ít nhất mỗi lần đạt được những mục đích tương
tự thì i như rằng lại nhận thấy hắn có gì đó không ổn. Hắn iêu thích đạt được mục
đích, nhưng khi đạt được rồi thì lại không hoàn toàn mãn nguyện và điều đó tất
nhiên là khôi hài kinh khủng. Tóm lại, con người là một tạo vật khôi hài hết
sức; trong toàn bộ chuyện này rõ ràng là một trò đố chữ. Nhưng cái "hai
lần hai là bốn" xét cho cùng vẫn là một thứ không thể chịu nổi. "Hai
lần hai là bốn" theo tôi chỉ là một điều xấc xược. "Hai lần hai là
bốn" nhìn chòng chọc vào ta với vẻ hỗn láo, đứng chắn ngang đường, hai tay
chống nạnh và khạc nhổ. Tôi đồng í "hai lần hai là bốn" là một thứ
rất hay; nhưng nếu cần tán dương hết thảy mọi thứ thì "hai lần hai là
năm" đôi khi còn dễ thương hơn nhiều.
Và vì sao quý vị lại cứ nằng nặc, cứ long trọng mà
tin chắc rằng chỉ có cái bình thường và tích cực, tóm lại cái hạnh phúc là có
lợi cho con người mà thôi? Liệu lí trí có nhầm lẫn gì trong lợi ích? Có thể con
người không chỉ iêu thích mỗi cái hạnh phúc? Có thể hắn cũng thích đau khổ
không kém? Có thể đau khổ đối với hắn cũng có lợi như hạnh phúc? Con người đôi
khi lại iêu thích đau khổ khủng khiếp đến độ say mê, đó là sự thật. Ở đây chẳng
cần phải tra trong thế giới sử làm gì; quý vị cứ tự hỏi chính mình thì biết,
nếu quý vị là con người và ít nhiều đã sống một chút. Còn í kiến riêng của tôi
ư, xin thưa: chỉ iêu thích mỗi cái hạnh phúc thôi là rất khiếm nhã. Tốt ư, xấu
ư, nhưng đôi khi cũng thật là dễ chịu nếu đập phá thứ gì. Ở đây cá nhân tôi không
đứng về phía ủng hộ đau khổ, và cũng không về phía hạnh phúc. Tôi đứng về phía...
về phía cái tính khí thất thường của tôi, để nó đảm bảo cho tôi khi cần thiết.
Chẳng hạn đau khổ thì chẳng ai đưa vào hài kịch cả, tôi biết chứ. Trong cung
điện pha lê nó cũng thật vô nghĩa: đau khổ là hoài nghi, là tiêu cực, thế thì
còn gì là cung điện pha lê nữa nếu còn có chỗ cho hoài nghi trong đó? Nhưng tôi
dám chắc rằng con người chẳng đời nào lại từ chối sự đau khổ thực sự, nghĩa là từ
chối phá hoại và gây rối. Đau khổ là nguyên nhân duy nhất của í thức! Lúc đầu
tôi có trình bày rằng theo tôi thì í thức là một trong những bất hạnh lớn nhất
của con người; nhưng tôi biết con người lại iêu quý nó và sẽ không khi nào đánh
đổi nó lấy bất cứ sự thỏa mãn nào. Í thức, chẳng hạn, còn cao hơn vô cùng tận cái
"hai lần hai". Sau cái "hai lần hai" thì cố nhiên không
những chẳng còn gì để làm mà thậm chí chẳng còn gì để biết nữa. Khi đó tất cả
chỉ còn mỗi một việc là đút nút hết thảy năm giác quan lại và đắm chìm vào suy
tưởng. Với í thức thì mặc dù cũng sẽ tới một kết quả tương tự, nghĩa là cũng chẳng
có gì để mà làm, nhưng ít ra thi thoảng cũng còn tự quất vào người được mấy roi,
chí ít cũng còn ngọ nguậy đôi chút. Dù có thoái hóa thật, song vẫn còn tốt bằng
vạn lần chẳng có gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét