Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-8)


VIII
- Ha-ha-ha! mà thực chất giả như anh muốn cũng làm quái gì có dục vọng chứ! - quý vị cười hô hố mà ngắt lời tôi. - Khoa học ngày nay đã quá thành công trong việc giải phẫu con người đến mức ta biết rằng dục vọng và cái gọi là í chí tự do đó chẳng phải gì khác, mà là...
- Quý vị khoan vội cười, tôi đây cũng sắp nói tới điều đó. Thú thực là tôi cũng hơi sờ sợ. Tôi vừa muốn hét lên là họa có quỷ mới biết được dục vọng phụ thuộc vào cái gì, và có lẽ lạy Chúa thế lại càng hay, tôi sực nhớ tới khoa học và... hơi chột dạ. Vừa đúng lúc quý vị ngắt lời tôi. Thực thế, hừm, giả dụ một ngày nào đó người ta thực sự khám phá ra cái công thức cho toàn bộ dục vọng và tính khí bất thường của chúng ta, nghĩa là chúng phụ thuộc vào điều gì, diễn tiến theo quy luật nào, phổ biến ra sao, hướng tới đâu, trong trường hợp này trường hợp khác, v.v... và v.v... nghĩa là một công thức toán học thực sự, - thì lúc đó con người có lẽ lập tức thôi ham muốn ngay, có lẽ không phải "có lẽ" mà chắc chắn thế. Dục vọng mà theo bảng biểu thì còn thú vị ở chỗ quái nào? Hơn nữa: vậy thì con người lập tức trở thành cái bàn đạp đại phong cầm hay một thứ gì đại loại thế; bởi lẽ một con người không ước muốn, không í chí, không dục vọng thì còn là gì chứ, nếu không phải là cái bàn đạp đại phong cầm? Quý vị nghĩ sao? Ta thử tính xác suất xem - liệu điều đó có thể xảy ra hay không?
- Hmm... - quý vị cả quyết - dục vọng của ta đa phần là sai lầm do quan điểm sai lầm về tư lợi. Bởi đôi khi ta ham muốn những cái cực kì vớ vẩn, bởi ta ngu dại tưởng rằng trong cái vớ vẩn đó là con đường dễ dàng nhất dẫn tới việc đạt được cái tư lợi đã nhắm đến từ trước. Nhưng một khi mọi thứ được giảng giải, được tính toán trên giấy trắng mực đen (một điều rất có thể, bởi vì thật bỉ ổi và ngu xuẩn mới tin rằng có một vài quy luật tự nhiên mà con người không hiểu nổi), thì cố nhiên khi đó sẽ chẳng còn gì gọi là ham muốn nữa. Nếu một khi dục vọng hoàn toàn xung đột với lí trí, thì khi đó ta sẽ chỉ lí luận thôi chứ không còn ham muốn, bởi lẽ một khi duy trì lí trí chẳng hạn thì không thể nào ham muốn những thứ vô lí và như vậy là cố tình đi ngược lại lí trí và mong muốn điều có hại cho bản thân... Và bởi lẽ mọi dục vọng và lí luận đều có thể thực sự tính toán được, vì một lúc nào đó người ta sẽ khám phá ra những quy luật của cái gọi là í chí tự do của ta, thành thử, không đùa chút nào đâu, có thể thiết lập được một loại bảng số, và rồi dục vọng của ta sẽ thực sự theo bảng số đó. Chẳng hạn, giả sử một ngày kia có người tính toán và chứng minh cho tôi rằng khi tôi cong ngón tay một cách tục tĩu và dí vào mặt ai là bởi tôi đã không thể không dí tay, cũng như buộc phải cong ngón tay như thế mà giơ ra, cho nên khi đó tôi còn gì là tự do không, nhất là nếu tôi lại có học vị và đã hoàn thành một khóa đào tạo về khoa học nữa? Lúc đó tôi có thể tính trước cuộc đời của tôi trong ba mươi năm tới; tóm lại, nếu quả là như vậy, thì ta chẳng còn gì để làm ngoài mặc tình chấp nhận. Và nói chung ta phải không mệt mỏi tự nhủ rằng dứt khoát vào thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó, tạo hóa chẳng cần hỏi han gì ta; rằng ta nên chấp nhận nó như bản chất nó vốn thế, chứ không phải như ta tưởng tượng, và nếu như quả thực ta hướng đến bảng số và lịch biểu hay... hay thậm chí một cái bình thí nghiệm cổ cong, thì còn biết làm gì ngoài việc phải chấp nhận, kể cả cái bình cổ cong ấy! bởi không thế thì tự nó cũng được chấp nhận chả cần quý vị phải cho phép...
- Vâng, nhưng đến đây tôi phải ngắt lời một lúc! Mong quý vị thứ lỗi cho cái tật triết lí loằng ngoằng của tôi; hậu quả bốn mươi năm sống dưới hầm! cho phép tôi hoang tưởng một lúc. Quý vị thấy đấy: lí trí là một thứ rất hay, miễn tranh cãi, nhưng lí trí đơn thuần là lí trí và chỉ thỏa mãn cái khả năng lí luận của con người mà thôi, trong khi dục vọng mới là thứ thể hiện toàn bộ cuộc đời, nghĩa là toàn bộ cuộc sống con người, cả lí trí lẫn những thúc giục của bản năng. Và mặc dù cuộc đời chúng ta trong cách biểu hiện ấy nhiều khi chỉ là đồ bỏ đi, nhưng xét cho cùng nó vẫn là đời sống chứ không phải là sự khai triển căn bậc hai. Như tôi đây chẳng hạn, tôi muốn sống hoàn toàn tự nhiên để thỏa mãn toàn bộ cái bản năng sống của tôi chứ không phải để thỏa mãn mỗi cái bản năng lí luận, nghĩa là chỉ một phần hai mươi bản năng sống của tôi. Lí trí thì biết gì? Lí trí chỉ biết những thứ nó kịp biết (có thể nó chẳng bao giờ biết gì khác; mặc dù đó không phải là niềm an ủi, nhưng vì lẽ gì không nói toẹt ra luôn?) trong khi bản chất con người thể hiện trọn vẹn, toàn bộ những gì nó có, vô tình hay cố í, mặc dù nó sai, nhưng nó sống. Thưa quý vị, tôi ngờ rằng quý vị đang nhìn tôi với vẻ thương hại; quý vị sẽ nhắc lại là một con người phát triển được soi sáng, tóm lại là con người của tương lai, sẽ không thể nào cố í muốn cái gì bất lợi cho hắn, điều này hiển nhiên như toán học. Tôi hoàn toàn đồng í, đúng là toán học. Nhưng tôi xin nhắc lại lần thứ một trăm: có một trường hợp, chỉ duy nhất một trường hợp, con người có thể cố í, chủ tâm muốn cái có hại cho hắn, một cái ngu xuẩn, thậm chí cực kì ngu xuẩn - cốt chỉ để được quyền mong muốn cho bản thân thậm chí điều ngu xuẩn nhất và để thoát khỏi nghĩa vụ ràng buộc phải mong muốn cho mình duy nhất điều thông minh mà thôi. Bởi cái cực kì ngu xuẩn đó, cái tính khí thất thường đó, thưa quý vị, có khi trong thực tế lại là cái có lợi hơn hết thảy mọi thứ trên thế gian đối với người anh em chúng ta, nhất là trong một vài trường hợp. Đặc biệt, có thể còn có lợi hơn tất cả mọi lợi ích khác kể cả trong trường hợp, nó rõ ràng có hại cho ta và mâu thuẫn với những kết luận lành mạnh nhất của lí trí chúng ta về lợi ích, bởi vì trong mọi trường hợp nó bảo vệ cho ta cái chủ iếu nhất và quý giá nhất, nghĩa là nhân cách và cá tính của chúng ta. Một vài người quả quyết rằng thực tế điều đó là đáng quý nhất đối với con người; cố nhiên, dục vọng khi nó muốn, có thể hòa hợp với lí trí, nhất là nếu đừng lạm dụng điều này và sử dụng có chừng mực; điều này rất có ích và đôi khi còn đáng hoan nghênh. Nhưng rất thường xuyên, thậm chí phần lớn các trường hợp, dục vọng hoàn toàn ngoan cố mâu thuẫn với lí trí, rồi... rồi thì... quý vị có biết là điều này rất có ích và đôi khi còn đáng hoan nghênh hay không? Thưa quý vị, cứ giả sử là con người không ngu đi. (Thực tế, không được nói thế về hắn, bởi một lẽ nếu như hắn ngu thì ai khôn bây giờ?) Nhưng nếu hắn không ngu thì xét cho cùng hắn vô ơn một cách quái đản! Vô ơn lạ lùng. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng đó là định nghĩa hay nhất về con người: một tạo vật hai chân và vô ơn. Nhưng chưa hết; đó còn chưa phải là khuyết điểm chính của hắn; khuyết điểm chính của hắn - là thói vô đạo đức truyền kiếp của hắn, từ thời Đại Hồng Thủy cho tới thời Scheswig-Holstein trong kiếp nhân sinh. Vô đạo đức, do đó thiếu khôn ngoan; vì lẽ từ xưa vẫn biết: thiếu khôn ngoan chẳng phải gì khác là do vô đạo đức mà ra. Quý vị cứ thử ngó vào lịch sử nhân loại mà xem; quý vị thấy gì nào? Vĩ đại? Có thể là vĩ đại; gì chứ nội pho tượng khổng lồ ở Rhodes[1] chẳng hạn cũng đủ chứng tỏ rồi. Đâu phải vô cớ mà ngài Anaevsky chứng minh rằng theo một số người thì pho tượng đó là sản phẩm của bàn tay con người; theo một số người khác thì đó lại là công trình của tạo hóa. Đa dạng không? Có thể, ít nhất có đa dạng; chỉ cần lí giải trong mọi thế kỉ ở tất cả dân tộc những bộ lễ phục, cả quân sự lẫn dân sự, thì đủ biết, và nếu thêm vào những bộ thường phục nữa thì chẳng còn biết đường nào mà mò, không một sử gia nào có thể làm xuể. Đơn điệu chăng? Có thể cũng đơn điệu: toàn đánh nhau với đánh nhau, ngày nay đánh nhau, trước kia đánh nhau, rồi sau đó vẫn đánh nhau, quý vị đồng í không, quá đơn điệu đi chứ lại. Tóm lại, có thể nói toàn bộ về lịch sử thế giới, nghĩa là tất cả những tưởng tượng bệnh hoạn nhất có thể nảy sinh trong đầu. Duy nhất một điều ta không được nói là: khôn ngoan. Vừa cất tiếng là từ đầu tiên tắc ngay trong cổ họng. Thậm chí ở đây thường xảy ra câu chuyện: trên đời luôn có những người đạo đức và khôn ngoan, những bậc thông thái và những vị nhân ái, chính những kẻ đặt mục tiêu cho bản thân là suốt đời phải sống thật đạo đức hơn và khôn ngoan hơn, có thể nói để làm gương cho những người xung quanh, nhất là để chứng minh cho họ biết rằng trên thế gian này thực sự có thể sống một cách vừa đạo đức vừa khôn ngoan. Rồi sao nữa? Rồi sẽ biết rằng rất nhiều trong số những vị ái hữu này, chẳng chóng thì chày, cuối đời cũng phản bội lại bản thân, thực hiện những chuyện thật nực cười, thậm chí đôi khi còn làm những chuyện vô luân thường nhất. Bây giờ tôi xin hỏi quý vị: có thể mong chờ gì ở con người như một tạo vật được thiên phú những phẩm chất lạ lùng như vậy? Quý vị cứ tưới tràn trề lên hắn toàn bộ của cải trên thế gian, hãy dìm hắn ngập đầu trong bể hạnh phúc để chỉ còn những bọt tăm hạnh phúc sủi lên trên mặt nước; hãy thỏa mãn nhu cầu kinh tế của hắn đến mức hắn chẳng còn việc gì để làm ngoại trừ ngủ nghê, ăn bánh quế và loay hoay lo việc kéo dài lịch sử thế giới - ấy thế mà chỉ vì sự vô ơn đơn thuần, chỉ vì không hài lòng, con người sẽ dở trò đê tiện với quý vị. Hắn thậm chí sẵn sàng hi sinh miếng bánh của mình và cố tình mong muốn những thứ vớ vẩn chết người nhất, những điều nhảm nhí phi kinh tế nhất, cốt chỉ để trộn vào toàn bộ cái khôn ngoan đầy ưu điểm ấy một iếu tố ảo tưởng chết người. Chính những ảo mộng, chính cái ngu xuẩn đê tiện nhất là cái hắn muốn giữ lại cho mình, cốt chỉ để khẳng định (cứ làm như cần thiết lắm vậy) rằng con người dù sao vẫn là con người chứ không phải những phím dương cầm mà quy luật tự nhiên muốn dạo tay chơi ra sao tùy thích, lại còn hăm dọa chơi cho đến mức sẽ không có dục vọng nào được nằm ngoài lịch biểu. Chưa hết: thậm chí trong trường hợp con người có thực sự hóa thành một phím dương cầm đi chăng nữa, cho dù khoa học tự nhiên chứng minh bằng toán học cho hắn thấy đi chăng nữa, hắn cũng chẳng chịu tỉnh ngộ, mà vẫn cố tình làm điều ngược lại, duy chỉ vì vô ơn; cốt chỉ để giữ vững lập trường. Còn trong trường hợp không tìm được phương tiện, hắn sẽ nghĩ ra chuyện phá hoại và gây rối, sẽ nghĩ ra các loại khổ đau để giữ vững lập trường! Sẽ ném lời nguyền rủa vào thế gian, bởi lẽ chỉ con người mới có thể nguyền rủa (đây là đặc quyền của hắn, khiến hắn khác biệt cơ bản với loài vật khác), có thể hắn sẽ đạt được mục đích bằng một lời nguyền, nghĩa là thực sự khẳng định được hắn là một con người chứ không phải phím dương cầm! Nếu quý vị bảo rằng mọi thứ đều có thể tính toán theo bảng biểu: hỗn mang, bóng tối, nguyền rủa; như vậy cái khả năng tính trước được đó sẽ chặn đứng mọi thứ và lí trí sẽ làm chủ tất cả - thế thì trong trường hợp này tốt nhất con người nên cố tình hóa điên hóa dại để khỏi còn lí trí mà giữ vững lập trường! Tôi tin tưởng và chịu trách nhiệm về điều này, bởi toàn bộ cái vấn đề con người vốn thực sự chỉ gói gọn trong việc không ngừng tự chứng minh rằng hắn là một con người chứ không phải cái bàn đạp đại phong cầm! cố chứng minh bằng chết thì thôi; dù có phải ăn thịt đồng loại cũng vẫn cố chứng minh. Còn sau đó thì bất luận khen chê là điều đó vẫn còn chưa xảy ra, và rằng dục vọng cho đến nay họa có quỷ mới biết nó phụ thuộc vào cái gì...
Quý vị sẽ quát vào mặt tôi (nếu quý vị hãy còn muốn ban vinh dự cho tôi bằng những lời quát mắng) rằng ở đây nào có ai tước đi cái í chí của tôi đâu; rằng ở đây người ta chỉ cặm cụi thu xếp sao cho cái í chí của tôi, theo í riêng của nó, trùng hợp với những quyền lợi bình thường của tôi, với những quy luật tự nhiên, với số học.
- Này quý vị, sẽ còn gì là í chí nữa khi cơ sự đã đến nước chỉ còn lại bảng biểu và số học, khi chỉ còn mỗi một cái "hai lần hai là bốn"? Hai lần hai cần quái gì đến í chí của tôi mà chả là bốn. Có tồn tại cái í chí như thế được sao!


[1] Pho tượng thần mặt trời Helios khổng lồ bằng đồng có chiều cao khoảng 32m, được dựng tại Rhodes, thành phố cảng Hi Lạp cổ đại, vào khoảng năm 280 trước Công nguyên, được coi là một trong bảy kì quan của thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét