VI
Ôi, giá như tôi chẳng chịu làm gì chỉ vì lười biếng nhỉ.
Trời ạ, thế có phải tôi đã kính trọng tôi biết chừng nào. Kính trọng là bởi vì ít
nhất tôi cũng có đức tính lười biếng trong con người mình; ít nhất tôi đã có
được một phẩm chất dường như là ưu điểm trong con người mình để có thể tự tin.
Hỏi: mi là ai? Đáp: một đứa chẩy thây; được nghe về mình như thế thì thú phải
biết. Nghĩa là tôi đã được xác định là có ưu điểm, nghĩa là có chuyện để nói về
tôi. "Một kẻ lười biếng!" - đó là danh hiệu và chức vị, cả một sự
nghiệp. Thế đấy, quý vị chớ bỡn. Khi đó tôi được quyền là hội viên của một câu lạc
bộ hạng nhất và có mỗi một nhiệm vụ duy nhất là không ngừng kính trọng bản thân.
Tôi biết một quý ngài suốt đời tự hào là am hiểu tường tận về rượu vang Lafitte.
Vị ấy cho rằng ưu điểm của mình vô cùng xứng đáng và không hề có chút nghi ngờ
về bản thân. Vị ấy chết đi không những lương tâm thanh thản, mà còn vô cùng hoan
hỉ, và quý ngài ấy hoàn toàn có lí. Còn tôi đã chọn cho mình một sự nghiệp: một
kẻ biếng nhác và ham ăn, nhưng không phải loại tầm thường, mà chẳng hạn là một đứa
cảm nhận được toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Quý vị thích thế không?
Tôi đã nhắm đến chuyện này từ lâu rồi. "Cái đẹp và cái cao thượng" đã
chất nặng lên đầu lên cổ tôi vào năm tôi bốn mươi; nhưng vào năm tôi bốn mươi
tuổi thôi, còn trước đó - ồ, trước đó lại là chuyện khác! Tôi lập tức tìm ngay
cho mình phương thức hoạt động phù hợp; cụ thể là: uống mừng vì toàn bộ "cái
đẹp và cái cao thượng". Tôi sẽ nắm lấy mọi cơ hội để trước tiên nhỏ một
giọt nước mắt vào li rượu, kế đến nâng li uống mừng "cái đẹp và cái cao
thượng". Tôi sẽ biến mọi thứ trên thế gian thành "cái đẹp và cái cao
thượng"; tôi sẽ khám phá "cái đẹp và cái cao thượng" ngay cả
trong đống rác ghê tởm nhất chẳng còn ngờ gì. Tôi sẽ nhỏ lệ đầm đìa như một miếng
bọt biển ướt sũng. Một họa sĩ, chẳng hạn, vẽ một bức tranh tương tự như Ge[1]; lập tức tôi nâng li chúc mừng họa sĩ đó, bởi tôi iêu
toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Một tác giả đã viết "tùy mỗi
người"[2]; lập tức tôi nâng li chúc mừng " tùy, ai cũng
được", bởi tôi iêu toàn bộ "cái đẹp và cái cao thượng". Vì điều
đó, tôi sẽ đòi hỏi mọi người phải kính trọng tôi, sẽ truy tố kẻ nào không kính
trọng. Tôi sống bình iên, tôi chết trang trọng - thế mới là tuyệt mĩ chứ, tuyệt
mĩ trọn vẹn! Và lúc đó tôi nên để một cái bụng bệ vệ thế này, một cái cằm bạnh
ba ngấn thế này, một cái mũi đỏ ửng thế này, để bất cứ ai trông thấy cũng phải thốt
lên: "Đích thực đây rồi! một tạo vật chân chính, khả kính đây rồi!".
Quý vị muốn sao thì muốn, chứ được nghe những nhận xét như thế trong cái thời buổi
tiêu cực này thì thật là trên cả tuyệt vời, thưa quý vị.
[1] Họa sĩ Nga Ge Nikolai
Nikolaevich (1831-1894), tác giả bức họa "Dạ tiệc bí mật". Bức tranh,
lần đầu được trưng bày tại triển lãm mùa thu 1863 của Viện hàn lâm Mĩ thuật, đã
gây nhiều í kiến trái chiều. Dostoevsky đã phê phán Ge pha trộn "lịch sử
và hiên tại" và "sự giả tạo chính là dối trá và hoàn toàn không còn
là chủ nghĩa hiện thực".
[2] Tựa bài viết của M.E. Saltykov-Shedrin
đăng trên tạp chí "Người cùng thời" năm 1863, nêu quan điểm ủng hộ bức
họa "Dạ tiệc bí mật" của Ge và do đó đã có bút chiến với Dostoevsky.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét